Nội dung thư

Wednesday, October 16, 2013

* MỸ TẤN CÔNG NHÓM KHỦNG BỐ SOMALIA VÀ LIBYA

 MỸ TẤN CÔNG NHÓM KHỦNG BỐ SOMALIA VÀ LIBYA
Trúc Giang MN
                        
Twin raids: American special operations troops launched raids just hours apart in Somalia and Libya
1* Mở bài
Nước Mỹ đã và đang mang một gánh nặng chi phí cho việc chống khủng bố toàn cầu nhắm vào nước nầy. Đến nay chi phí lên tới hơn 1,000 tỷ USD kể cả cuộc chiến ở Afghanistan.
Chiến lược chống khủng bố có một số thay đổi, đó là giao quyền xử dụng phi cơ không người lái từ tay cơ quan CIA sang cho quân đội.

Ngày 24-5-2013, Tổng thống Obama tuyên bố: “việc xử dụng phi cơ không người lái là cần thiết khi không có một lựa chọn nào khác. “Hoa Kỳ không xử dụng phi cơ không người lái, nếu có thể bắt sống những phần tử khủng bố. Ưu tiên của chúng tôi là “bắt giữ, thẩm vấn và xét xử”.
Để thực hiện điều đó, ngày 5-10-2013, Hoa Kỳ đồng loạt mở hai cuộc đột kích vào Libya và Somalia để bắt những lãnh đạo khủng bố ở hai nước nầy.

2* Cuộc tấn công Libya bắt giữ Al-Liby
Ngày 5-10-2013, biệt kích Mỹ đồng thời mở hai cuộc tấn công vào Libya và Somalia nhắm vào việc bắt giữ những thủ lãnh Hồi giáo cực đoan đã tham dự vào những cuộc khủng bố của Al-Qaeda.
2.1. Tấn công chớp nhoáng thần kỳ của Delta Force
Rạng ngày 5-10-2013, sau khi tham dự lễ cầu nguyện buổi sáng, trên đường về nhà, Abu Anas al-Liby vừa thắng xe trước cửa, thì bổng nhiên có ba chiếc xe xuất hiện, nhanh chóng bao vây  xe của al-Liby. Nhanh như chớp, những người trên xe phóng xuống lao đến đập bể cửa kiếng, giằng lấy khẩu súng ngắn và khống chế al-Liby, đẩy hắn lên xe và vọt ga phóng nhanh mất dạng. Người em tên Nabih thuật lại như thế.
Từ cửa sổ nhìn ra, vợ của al-Liby tên Abdul Rahman chứng kiến cuộc bắt cóc cho biết: “Tôi không nghĩ họ là mật vụ Mỹ vì họ phát ra tiếng Á Rập rất trôi chảy, đúng âm diệu của người Libya”. Người vợ nói tiếp: “Chồng tôi đã đoạn tuyệt với Al-Qaeda từ năm 1996 nên không có dính líu gì đến việc đánh bom tại sứ quán Mỹ năm 1998. Chúng tôi sống công khai tại Tripoli”.
2.2. Lực lượng Mỹ tấn công
Cuộc đột kích chớp nhoáng do lực lượng Delta Force với sự trợ giúp của nhân viên FBI và CIA đã thành công mà không có một thiệt hại nào cả. Điều nầy cho biết Mỹ đã nắm chắc những thói quen và đường đi nước bước của tên khủng bố al-Liby. Đột nhập vào và mang can phạm ra khỏi Libya một cách gọn gàng. Kế hoạch chính xác, hành động nhanh nhẹn chứng tỏ họ là những tay thiện nghệ, được huấn luyện chu đáo.
2.3. Phản ứng của việc bắt giữ Al-Liby
Tổng thống Barack Obama đã trực tiếp ra lịnh bắt giữ tên khủng bố nầy.
Ngày 6-10-2013, Bộ trưởng QP/HK Chuck Hagel tuyên bố, trường hợp tiêu diệt tên trùm khủng bố bin-Laden ngày 2-5-2011, hay vụ bắt giữ al-Liby, là lời cảnh báo rằng nước Mỹ sẽ truy đuổi đến cùng những kẻ đã gây tội ác, cho dù ẩn náu ở bất cứ nơi nào.
Ngoại trưởng John Kerry cũng cho biết, cuộc đột kích vừa qua đã gởi một thông điệp rằng “khủng bố có thể chạy nhưng không thể lẩn trốn được. (Terrorists can run but they can’t hide)
Viên chức Mỹ cho biết al-Liby đã được đưa đến giam giữ trên chiến hạm USS San Antorio đang neo đậu ở Địa Trung Hải. Đương sự sẽ được đưa về New York để ra toà xét xử.
2.4. Chân dung tên khủng bố al-Liby
    

                    
    Abu Anas al-Liby               Tên Abu Anas Al Liby ở hàng cuối, thứ hai từ trái sang
Abu Anas al-Liby tên thật là Nazih Abdul-Hamed Nabih al-Raghie, sinh ngày 30-3-1964 (hoặc 14-5-1964) tại Tripoli, thủ đô Libya. Thành thạo tiếng Á Rập và tiếng Anh.
Al-Liby bị cáo buộc đã tham dự vào những cuộc tấn công sứ quán Mỹ năm 1998 ở Nairobi, thủ đô Kenya và ở Dar es Salaam (Tanzania) làm chết 220 người và bị thương 5,000 người.
Al-Liby tốt nghiệp kỹ sư điện tử và nguyên tử ở đại học Tripoli, Libya. Gia nhập al-Qaeda năm 1994, là chuyên viên máy tính của al-Qaeda.
Năm 1995, al-Liby được Anh Quốc chấp thuận cho tỵ nạn chính trị ở Anh, sau vụ ám sát hụt đại tá Muammar Gaddafi (Libya) do Anh tổ chức.
Năm 2000, bị nghi ngờ hoạt động cho al-Qaeda, cảnh sát Anh (Scotland Yard) bao vây khám xét căn hộ, nhưng al-Liby đã nhanh chân trốn thoát. Cảnh sát tịch thu một tập tài liệu viết tay 180 trang dịch từ tiếng Á Rập sang tiếng Anh, làm cẩm nang cho những tên khủng bố của tổ chức al-Qaeda. Tài liệu được đặt tên là Cẩm nang Manchester.
Tháng 10 năm 2001, al-Liby bị đưa tên vào danh sách tầm nã của FBI, với tiền thưởng 5 triệu USD cho ai cung cấp tin tức để bắt giữ nghi phạm. Al-Liby bị cáo buộc những tội khủng bố, giết người, phá hủy cơ sở vật chất của Mỹ và gây nguy hại tới nền an ninh của nước Mỹ.
2.5. Thủ tướng Libya yêu cầu Mỹ làm sáng tỏ vụ bắt giữ al-Liby
Ngày 6-10-2013, hãng Reuters đưa tin về việc văn phòng của thủ tướng Libya, Ali Zeidan, đã yêu cầu Mỹ giải thích về vụ đột kích quân sự tại thủ đô Tripoli nhằm bắt một công dân Libya về tội tham dự đánh bom vào sứ quán Mỹ ở châu Phi 15 năm về trước. Bản tuyên bố có đoạn như sau: “Chánh phủ Libya đang theo dõi tin tức về việc bắt cóc một công dân Libya đã bị chính quyền Mỹ truy nã. Chính phủ Libya đã liên lạc với chính quyền Mỹ, đề nghị họ đưa ra lời giải thích”.
2.6. Lời giải thích của Ngoại trưởng John Kerry
Ngày 7-10-2013, Ngoại trưởng John Kerry tuyên bố: “Năm 2000, một tòa án Liên bang Mỹ đã truy tố al-Liby vì đã có liên hệ đến vụ đánh bom sứ quán Mỹ tại Kenya và Tanzania vào năm 1998, làm chết 220 người và làm bị thương 5,000 người. Al-Liby đã bị đưa vào danh sách truy nã với tiền thưởng 5 triệu USD. Mỹ quyết tâm không ngừng nghỉ trong việc săn lùng những tên khủng bố đã bị truy nã. Mỹ làm mọi thứ trong thẩm quyền một cách phù hợp và hợp pháp để truy quét những phần tử khủng bố. Al-Liby sẽ được đưa ra tòa xét xử”.
Hoa Kỳ quan niệm rằng chính quyền các quốc gia không nên chứa chấp và cung cấp nơi trú ẩn an toàn của những người gây tội ác với Mỹ, những kẻ bị truy nã dù trốn tránh ở đâu, khi phát hiện, Mỹ cũng quyết tâm bắt giữ.
3* Vụ đánh bom sứ quán Mỹ năm 1998
3.1. Lý do đánh bom
Ngày 7-8-1998, hai vụ đánh bom liên tiếp xảy ra cùng ngày tại hai sứ quán Mỹ ở Nairobi (Kenya) và thành phố Dar es Salaam (Tanzania)
Ngày 7 tháng 8, được khủng bố al-Qaeda cho là kỷ niệm 8 năm ngày quân đội Mỹ có mặt ở Saudi Arabia. Al-Qaeda cho rằng sự hiện diện của quân đội Mỹ trên một quốc gia có hai thánh địa Hồi giáo là Mecca và Medina, là một sự sỉ nhục đối với Hồi giáo. Mecca là nơi sinh, Medina là nơi chết của nhà tiên tri Mohamed của đạo Hồi.
Cuộc đánh bom được cho biết là để trả thù việc Mỹ và Ai Cập đã can thiệp với Albania để dẫn độ 4 tên khủng bố al-Qaeda bị giam ở Albania, đưa về Ai Cập để tra khảo và bỏ tù. Bốn tên đó mang quốc tịch Ai Cập và thuộc tổ chức khủng bố do Ayman al-Zawahiri chỉ huy.
3.2. Tổ chức việc đánh bom
                   

Tháng 5 năm 1998, một thành viên al-Qaeda tên Sheik Ahmed Salim Swedan mua một biệt thự ở thủ đô Nairobi (Kenya), đồng thời mua một chiếc xe tải Toyota Dyna, dùng nhà xe của biệt thự thiết kế việc đánh bom.
Tháng 6 năm 1998, tên KK Mohamed thuê một căn nhà ở thành phố Dar es Salaam, cách sứ quán Mỹ 6km, và sau đó mua một xe tải Nissan Atlas để chở bom.
                               
                             A Nissan Atlas truck, similar to that used in Dar es-Salaam
900kg chất nổ TNT được dùng để đánh bom.
Ngày 7-8-1998, trong thời gian từ 10:30 đến 10:40 sáng, hai vụ nổ cùng xảy ra tại hai toà đại sứ Mỹ.
Ở Nairobi, sứ quán Mỹ sập hoàn toàn. 212 người chết và 4,000 bị thương. Một trường đại học bên cạnh cũng bị san bằng. Sức nóng của bom làm cháy những chiếc xe đang kẹt đầy nghẹt tại một đại lộ gần đó. Trong vòng bán kính 1km, kiếng cửa sổ nhà bị vở tung.
Vụ nổ ở Dar es Salaam làm 11 người chết và 85 bị thương.
Những người chết đa số làn dân địa phương. Có 12 người Mỹ thiệt mạng, trong đó có hai nhân viên CIA làm việc trong sứ quán Nairobi.
3.3. Phản ứng sau vụ nổ
Ngày 20-8-1998, Tổng thống Bill Clinton ra lịnh thực hiện chiến dịch Operation Infinite Reach, phóng hoả tiễn hành trình (Cruise missile) vào những căn cứ khủng bố ở Sudan và Afghanistan. Ở Sudan, hoả tiễn phá hủy một nhà máy dược phẩm được cho là nơi sản xuất vũ khí hoá học của khủng bố.
Hội Đồng BA/LHQ ra NQ 1189, lên án các vụ tấn công vào các toà đại sứ.
Chính phủ Mỹ trợ cấp 42 triệu USD cho Kenya để giúp đở gia đình các nạn nhân trong vụ khủng bố.
3.4. Điều tra nhận diện những tên khủng bố
Sau cuộc điều tra, một báo cáo được ban hành, trong đó có 21 người có liên quan đến hai vụ đánh bom. Trong danh sách 21 người gồm có:
  • 8 người đã bị giết sau đó, trong đó có bin Laden bị giết ngày 2-5-2011
  • 3 người đang lẩn trốn
  • 6 người đang ngồi tù.
  • 3 người đang chờ ra toà, trong đó có al-Liby bị bắt ở Tripoli ngày 5-10-2013.
4* Biệt kích SEALs tấn công al-Shabaab ở Somalia
                      
                            Biệt kích Mỹ bất ngờ đột kích vào ban đêm
       
Ngày 5-10-2013, đồng thời với cuộc đột kích vào Libya để bắt tên khủng bố al-Liby, biệt kích hải quân SEALs.6 [Navy SEALs (Sea, Air, and Land)] mở cuộc tấn công vào Somalia mục đích bắt sống lãnh đạo tổ chức khủng bố al-Shabaab, là nhóm đã nhận trách nhiệm về việc tấn công chiếm khu thương mại Westgate ở thủ đô Nairobi của Kenya vào ngày 21-9-2013.
4.1. Kế hoạch hành quân
Trong bóng tối của đêm 4 rạng sáng ngày 5-10-2013, từ Ấn Độ Dương, 20 biệt kích SEALs.6 xử dụng những chiếc xuồng cao tốc, tiến về mục tiêu là một ngôi biệt thự 2 tầng thuộc thành phố Barawe ở miền Nam Somalia, nơi mà al-Shabaab đang nắm quyền kiểm soát.
Toán biệt kích hải quân nầy được ba chiếc xuồng khác và trực thăng yểm trợ cho việc hành quân cũng như trên đường rút lui ra biển.
Biệt kích Mỹ đã tiếp cận mục tiêu và gặp sự chống trả dữ dội của al-Shabaab. Cuộc giao chiến ác liệt xảy ra hơn một tiếng đồng hồ. Trước hoả lực chống trả quá mạnh, đối tượng phải bắt giữ đã lẩn tránh, dưới yểm trợ của trực thăng, toán SEALs đành phải rút lui. Xem như cuộc đột kích bắt người không thành công.
Phát ngôn viên của al-Shabaab nói với hãng thông tấn Pháp rằng: “Kẻ thù của Thượng Đế tìm cách gây ngạc nhiên cho những lãnh tụ Thánh chiến, nhưng họ đã thất bại”. Al-Shabaab cũng xác nhận có một chiến binh bị giết.
Tờ New York Times nêu nhận xét của các chuyên gia, cho rằng cuộc tấn công quy mô nầy cho thấy Mỹ rất quan tâm đến mối đe dọa của al-Shabaab, không những đối với Mỹ mà còn cho Tây phương nữa.
4.2. Tổng quát về lãnh đạo al-Shabaab là Sheik Moktar Ali Zubeyr
                              
                    Sheikh Ahmed Abdi Godane, a top leader of al-Shabaab
Sheik Moktar Ali Zubeyr là lãnh đạo hiện nay của tổ chức al-Shabaab. Ali Zubeyr còn có những tên khác: Muktar Abdirahman “Godane”, Sheik Ahmed Abdi Godane, Muqtar Abdurahman  Abu Zubeyr…
Sinh ngày 10-7-1977, được Al-Qaeda huấn luyện  và chiến đấu ở Afghanistan, đồng thời cũng là một chiến binh Thánh chiến Hồi giáo.
Tháng 9 năm 2009, Ali Zubeyr xuất hiện trên Video cam kết trung thành Osama bin-Laden và Ayman al-Zawahiri.
Tổ chức al-Shabaab nhận trách nhiệm về cuộc tấn công khủng bố khu thương mại Westgate ở Kenya vào ngày 21-9-2013 vừa qua.
5* Khủng bố tấn công khu thương mại Westgate ở Kenya
Sáng ngày 21-9-2013, bọn khủng bố gồm 18 tên thuộc tổ chức al-Shabaab đi hai xe ô tô đến trước khu thương xá Westgate nước Kenya, xông vào dùng lựu đạn và súng máy giết chết nhân viên bán hàng, khách hàng và khách du lịch. Bọn khủng bố chiếm Westgate trong 4 ngày, từ 21 đến 24-9-2013.
5.1. Khu thương mại Westgate
            
Westgate shopping mall in July 2007     The mall on 23 September 2013

Khu thương mại (Shopping Mall) Westgate nằm ở thành phố Westlands, bên cạnh thủ đô Nairobi của Kynia. Đó là một dãy nhà năm tầng được khánh thành năm 2007, rộng 33,000m2 gồm có 80 cửa hang, trong đó có một rạp chiếu bóng, một sòng bài. Westgate là khu thương mại sang trọng của giới thượng lưu và khách ngoại quốc.
5.2. Tấn công tàn sát thường dân
Bọn khủng bố ném lựu đạn và dùng súng máy bắn vào thường dân, giết chết nhân viên bán hàng, khách hàng và du khách, đưa tổng số người bị giết lên tới 68 người, cộng thêm 6 binh sĩ và 5 tên khủng bố thành 79. Có 18 người nước ngoài thiệt mạng trong vụ khủng bố nầy, gồm: 4 người Anh, 3 Ấn Độ, 2 Canada, 2 Pháp và số còn lại là những nhà ngoại giao nước ngoài, mỗi quốc gia một người: Úc, Trung Quốc, Hoà Lan, Peru, Nam Phi, Nam Hàn và Tobago.
Tổng cộng có 293 người bị thương và 36 người bị bắt làm con tin. Nhóm khủng bố chiếm giữ khu thương mại trong 4 ngày, từ 21 đến 24-9-2013.
Những tay súng nói tiếng Á Rập và tiếng Somalia. Bọn khủng bố tuyên bố, ai là người Hồi giáo thì cho ra về, không phải Hồi giáo thì bị giữ lại. Những người tự nhận là Hồi giáo thì được kiểm tra bằng những chi tiết về Hồi giáo, ví dụ như hãy nói tên người mẹ của nhà tiên tri Mohamed là gì?...
Hoả lực của khủng bố rất hùng hậu, đã chống trả mãnh liệt với quân chính phủ bao vây bên ngoài suốt 4 ngày. Tin tức cho biết họ đã đứng ra thuê một cửa hàng để mang vũ khí vào cất giấu trong đó trước khi tấn công.
Bảy tiếng đồng hồ sau vụ tấn công, tổ chức al-Shabaab lên tiếng nhận trách nhiệm, và cho biết mục đích trả thù việc chính phủ Kenya đã đưa 4,000 quân sang giúp Somalia để diệt trừ al-Shabaab.
Quân chính phủ xử dụng vũ khí nặng làm sập 3 tầng nhà khiến cho nhiều thường dân bị thương.
5.3. Nạn hôi của
Các báo cáo cho biết những ngày sau khi chiếm lại khu thương xá, quân đội chính phủ Kenya đã hôi của hầu hết ở những cửa hàng, nhất : nữ trang, siêu thị, đồng hồ…trong suốt thời gian  dân chúng bị cấm vào để chính phủ thực hiện việc điều tra.
6* Sát thủ “Goá Phụ Trắng” chỉ huy cuộc tấn công
                      
Samantha Lewthwaite, Goá phụ Trắng cùng chồng là Jermaine Lindsay đánh bom tự sát ngày 7-7-2005 ở Luân Đôn
Hộ chiếu Nam Phi mà “góa phụ trắng” Samantha Lewthwaite sử dụng - Ảnh: News.com.au
Cơ quan chống khủng bố Kenya cho biết trong nhóm tấn công có một phụ nữ Anh và 3 công dân Mỹ gốc Somalia, 18, 19 tuổi, đã từng sống ở Song Thành (Twin Cities) của bang Minnesota. Ngoài ra, hai người đàn ông khác đến từ Luân Đôn, tên Liban Adam (23 tuổi) và Ahmed Nasir Shirdoon (24 tuổi).
Ngày 25-9-2013, các nhân chứng cho biết có một phụ nữ trong các tay sung, đã ném lựu đạn vào thường dân trong ngày 21-9-2013. Bộ trưởng Ngoại giao Kenya cũng xác nhận có một phụ nữ nói tiếng Anh.
Một nhân chứng nói với nhà báo của tờ The Star: “Cô ta che kín mặt nhưng nhìn thấy thân hình và cánh tay cũng có thể nhận ra đó là một phụ nữ. Cô ta không mang súng nhưng quấn một cái túi lớn ngang hông. (Đó là lựu đạn, sở trường của Goá Phụ Trắng)
Nhiều nhân chứng khác kể lại: “Người phụ nữ nầy ra lịnh bằng tiếng Anh rồi được dịch ra tiếng Swahili bởi những tay súng khác. Mỗi khi cô ta ra lịnh thì được những người khác tuân theo. Chắc chắn đó là một phụ nữ vì tôi nghe rõ tiếng cô ta”.
6.1. Người phụ nữ bí ẩn mang danh “Goá Phụ Trắng”
                      
Góa phụ trắng” Samantha Lewthwaite người Bắc Ai-len đang bị Interpol truy nã toàn cầu
Giới tình báo cho rằng người phụ nữ đó chính là “Goá Phụ Trắng” (White Widow), tên là Samantha Lewthwaite, là người phụ nữ bí mật, xuất quỷ nhập thần, mà các cơ quan tình báo quốc tế đang truy nã.
Các cơ quan tình báo Anh, Kenya, Somalia, và cả Cảnh sát Quốc tế (Interpol) cũng đã phát lịnh truy nã gắt gao đối với người phụ nữ nguy hiểm nầy. FBI cũng đã xếp Goá Phụ Trắng nầy vào loại truy nã Số 1.
Người phụ nữ khi ẩn khi hiện nầy đã từng thoát khỏi vòng vây của các cơ quan an ninh vì đã xử dụng giấy thông hành (Passport) mang nhiều tên và nhiều quốc tịch khác nhau. Tờ The Guardian nêu nhận xét, cô lẩn trốn ở Kenya, Nigeria, Somalia, Tanzania và Nam Phi thì dễ dàng hơn trốn ở Âu châu.
Ngày 24-9-2013, ngay trong ngày khủng bố chiếm khu thương mại Westgate, chính phủ Nam Phi cho biết, sẽ điều tra xem có phải Lewthwaite đã xử dụng giấy thông hành của Nam Phi để đến đánh lựu đạn khủng bố ở Kenya hay không?
6.2. Goá Phụ Trắng là ai?
Samantha Louise Lewthwaite sinh ngày 5-12-1982, con của một quân nhân người Anh, đã cải đạo, theo Hồi giáo năm 17 tuổi. Lewthwaite trở thành goá phụ khi người chồng tên Germaine Lindsay đánh bom tự sát ngày 7-7-2005 vào hệ thống xe điện ngầm ở Luân Đôn, làm chết 52 người và 700 người bị thương. Cuộc đánh bom tự sát đó là lần đầu tiên ở nước Anh nên gây xôn xao cả thế giới, gọi đó là sự kiện 7/7.
Năm 2009, Lewthwaite sanh đứa con thứ ba với người chồng sau, tên Habib Saleh al-Ghani (còn được gọi là Abu Usama al-Pakistan) cũng là một tên khủng bố nổi tiếng về việc chế tạo bom.
Người mẹ với ba đứa con đã biến mất khỏi nước Anh, và từ đó khi ẩn khi hiện với những cái tên giả trên những thông hành Somalia, Tanzania, Nam Phi…
6.3. Những hoạt động khủng bố của Goá Phụ Trắng
Tháng 1 năm 2012, cảnh sát chống khủng bố Kenya ập đến bao vây căn hộ của một người phụ nữ tên Natalie Faye Webb, đó là tên giả của Lewthwaite trên giấy thông hành được cấp ở Durban (Nam Phi), nhưng người phụ nữ nầy đã nhanh chân trốn thoát.
Kenya đã phát lịnh tầm nã vì đã sở hữu các vật liệu chế tạo và đã chế tạo bom và thiết bị gây nổ. Cảnh sát cũng đã tịch thu được một bản kế hoạch dự trù đánh bom, mà mục tiêu là những khách sạn có nhiều người ngoại quốc cư ngụ trong mùa Giáng Sinh 2012.
Ngày 26-6-2012, Lewthwaite tấn công bằng lựu đạn vào quán bar tên Jericho ở thành phố Mombasa (Kenya) khi đám đông đang theo dõi trận túc cầu tranh giải vô địch Âu châu năm 2012, làm 3 người chết và 25 bị thương. Thủ phạm trốn thoát. Nhưng thủ phạm lại xuất hiện chỉ huy vụ khủng bố ở khu thương mại Westgate.
6.4. Phản ứng quốc tế trước vụ tấn công khủng bố Westgate
Bà Nkosazana Dlamini-Zuma, Chủ tịch Liên minh châu Phi (African Union) lên án vụ tấn công khủng bố là hèn hạ, bà nhắc lại sự hỗ trợ Kenya trong việc chống khủng bố al-Shabaab, Liên minh châu Âu (European Union) cũng bày tỏ sự ủng hộ Kenya để đối phó với khủng bố.
Ông Ban Ki-moon, TTK/LHQ, cho biết sẽ đoàn kết với chính quyền Kenya trong việc xử lý khủng bố.
Hội Đồng BA/LHQ lên án vụ khủng bố bằng những từ ngữ mạnh mẽ nhất, và lưu ý Kenya là mọi phản ứng cần dựa trên luật Nhân Quyền Quốc tế.
Tổng Thư Ký Interpol, ông Ronald Noble lên án vụ tấn công và cam kết hỗ trợ bằng cách cung cấp tài liệu và những chuyên viên chống khủng bố đến giúp Kenya.
Các quốc gia khác cũng lên án mạnh mẽ vụ khủng bố nhắm vào thường dân nầy, gồm có: Argentina, Canada, Chile, China, Colombia, Eritra, Hungary, Ấn Độ, Iran, Do Thái, Serbia, Somalia, Tanzania và Hoa Kỳ.
Cả thế giới đều chống lại khủng bố nhắm vào thường dân của tổ chức al-Shabaab cùng với Al-Qaeda, cho thấy khủng bố ngày càng bị cô lập.
7* Al-Shabaab là ai?
                                 
                  Chiến binh al-Shabaab ở Somalia
Tên đầy đủ là Harakat al-Shabaab al-Mujahideen (HSM) là Phong Trào Chiến Sĩ Thanh Niên, một nhóm Hồi Giáo cực đoan nổi dậy vào mùa hè năm 2009 xuất phát từ nhóm đã có từ nhiều năm  trước với cái tên là Hội Đồng Toà Án Hồi Giáo.(Islamic Courts Union)
Vào tháng 5 năm 2011, lực lượng al-Shabaab khoảng 14,000 người, chiếm hầu hết lãnh thổ miền nam Somalia, theo đúng chủ trương của Taliban và al-Qaeda của bin Laden.
Thủ lãnh đầu tiên của tổ chức Hồi Giáo là Aden Hashi Farah Ayro được huấn luyện ở Afghanistan.
Hoa Kỳ, Úc và Tây phương đã xếp nhóm nầy vào các tổ chức khủng bố quốc tế.
Nhóm International Crisis Group (ICG) trụ sở ở Brussels (Bỉ) ghi nhận, al-Shabaab là tổ chức tương tự như al-Qaeda của bin Laden, và được xem như một al-Qaeda mới ở Vùng Vịnh Aden.
7.1. Mục đích của al-Shabaab
Nhóm nầy chủ trương làm cuộc cách mạng Hồi Giáo bằng thánh chiến, để thành lập một quốc gia Hồi Giáo chính thống ở Somalia, trong đó, kinh Koran và luật đạo Hồi Sharia làm luật pháp quốc gia. Luật Sharia như: chặt tay về tội ăn cắp, ném đá đến chết về tội ngoại tình, cho phép đa thê, đánh đòn bằng gậy ở nơi công cộng, xử tử bằng cách chặt đầu…
Chủ trương chống ảnh hưởng của Tây phương, cho là thế lực thù địch và phản động, nhất là Hoa Kỳ, tư tưởng dân chủ, tự do, công bằng, nhân quyền, văn minh của Tây phương là kẻ thù của Hồi Giáo. Họ chống lại những chính quyền Á Rập Hồi giáo ôn hoà hiện tại, gọi là phản lại Hồi Giáo.
7.2. Phương pháp thực hiện cuộc cách mạng Hồi giáo
Dùng chiến thuật du kích, tấn công bằng bom tự sát, gài bom ven đường, ám sát, tấn công bằng vũ khí nhẹ để thực hiện “thánh chiến”.
7.3. Các tổ chức yểm trợ cho al-Shabaab
Bộ An Ninh Nội Địa Hoa Kỳ cho biết, al-Shabaab được yểm trợ tài chánh bởi những tổ chức người Somalia trên khắp thế giới, bằng hệ thống chuyển tiền thẳng cho cá nhân, chớ không qua những ngân hàng, cho nên khó theo dõi và kiểm soát.
7.4. Khủng bố có liên quan đến người Mỹ gốc Somalia
Từ năm 2005 đến 2010, đã có 56 thanh niên Mỹ gốc Somalia có liên hệ đến những hoạt động khủng bố của al-Shabaab. Một số thanh niên đã bị HK bắt giữ ở Song Thành (Twin Cities) bang Minnesota, kế đó, ở Alabama, Seattle (WA). Họ là những người bị đưa ra toà kết án tù hoặc đã thoát ly, rời HK trở về Somalia thực hiện “thánh chiến”.
Shirwa Ahmed là người Mỹ gốc Somalia đầu tiên đánh bom tự sát vào trụ sở LHQ ở Ethiopia làm chết 24 người, đã từng cư trú tại Minneapolis-St. Paul, Minnesota.
Chính quyền HK lo ngại những thanh niên nầy sẽ dùng thông hành HK, trở lại Mỹ thực hiện khủng bố.
Hiện có từ 280 đến 300 chiến binh Hồi giáo không phải là người Somalia trong hàng ngũ al-Shabaab.
7.5. Các hoạt động khủng bố của al-Shabaab
Từ đầu năm đến tháng 9 năm 2009, al-Shabaab đã thực hiện 7 vụ tấn công ở Úc, Somalia, Yemen, Ethiopia…
Vụ khủng bố lớn nhất của thủ lãnh đầu tiên tên Aden Hashi Farah Ayro là đánh bom vào toà đại sứ Mỹ ở Kenya năm 1998, làm thiệt mạng 224 người. Vụ tấn công năm 2002 vào khách sạn do người Do Thái sở hữu, làm chết 15 người.
7.6. Hoa Kỳ oanh kích giết thủ lãnh al-Shabaab
Ngày 1-5-2008, khoảng 3 giờ sáng địa phương, các phi cơ không người lái HK từ ngoài khơi Ấn Độ Dương, bay vào dùng hỏa tiễn có điều khiển, tấn công cơ quan đầu nảo là một ngôi nhà đá ở Dusamareb, miền nam Somalia, giết chết 30 người, trong đó có thủ lãnh Aden Hashi Farah Ayro và Sheikh Muhyadin Omar.
7.7. Al-Shabaab đe dọa giết bà nội của Tổng thống Obama
Sau khi bin Laden bị giết chết ở Pakistan ngày 2-5-2011, thì ngày 13-5-2011, al-Shabaab đe dọa sẽ tấn công giết bà nội của Tổng thống Hoa Kỳ để trả thù cho bin Laden.
Bà Sarah Hussein Obama, 88 tuổi, bà nội của TT Obama, đang sống ở một ngôi làng trong nước Kenya, đã được các lực lượng anh ninh sở tại tăng cường bảo vệ, tuần tra toàn bộ ngôi làng của nhà bà.
Bà Sarah không mấy quan tâm đến những lời đe dọa đó, bà nói “Cuộc sống hàng ngày của tôi không bị ảnh hưởng và không bị hạn chế nào cả. Nếu chính phủ tăng cường nhân viên an ninh, thì tôi cũng chấp nhận”.
8* Tổng quát về nước Somalia
                                       
                                          Vùng Sừng Phi Châu (Horn of Africa)
Cộng Hoà Liên Bang Somalia là một quốc gia nằm ở mũi của một vùng, mà trên bản đồ nhìn giống như cái sừng của con tê giác, nên được gọi là Vùng Sừng Phi Châu (Horn of Africa)
Somalia có bờ biển dài nhất ở lục địa là 3,035 km, tiếp giáp với Ấn Độ Dương ở phía Đông.
Phía Tây giáp Djibouti và Ethiopia, Bắc giáp Vịnh Aden và nước Yemen và Nam giáp Kenya.
Diện tích: 637,657 km2 * Dân số: 9,832,017 người * Thủ đô: Mogadishu
Tôn giáo: Hồi giáo hệ phái Sunni. * GDP đầu người: 227 USD/năm. * Số người bị nhiễm HIV/AIDS: 43,000
Quân đội: 10,000 người. Hải quân: 20 tàu chiến và 500 lính thủy. Phi cơ các loại: 73 chiếc.
Xe tăng T-54/55: 40 chiếc
9* Kết luận
Tổ chức al-Qaeda  đang suy yếu và trên đà tan rả. Những thủ lãnh ở Yemen lần lượt bị phi cơ không người lái tiêu diệt. Chống khủng bố Mỹ đang hướng về tổ chức al-Shabaab, nhưng cuộc đột kích vừa qua chỉ kết quả phân nửa, (50%) vì không tóm được thủ lãnh Sheik Moktar Ali Zubeyr.
Phi cơ không người lái lợi hại thật, nhưng vì nó chỉ có một biện pháp là giết chết, nên Tổng thống Obama phân trần bằng cách nhấn mạnh đến chủ trương “bắt giữ, thẩm vấn và xét xử”, dù sao thì phi cơ không người lái vẫn an toàn và gọn nhẹ hơn hành quân bắt giữ.
Hoa Kỳ phải mang gánh nặng chống khủng bố, trong khi đó Trung Cộng và Nga không phải tốn tiền về mặt nầy, vì thế trong cuộc chạy đua giành địa vị siêu cường, nước Mỹ phải vất vả hơn hai đối thủ đáng ngại đó.
Trúc Giang
Minnesota ngày 14-10-2013