“Ở Mỹ hoặc phương Tây, thỉnh thoảng các ông kêu gọi đàn ông “đứng lên” vì tổ quốc. Ở Nga chỉ có chút khác biệt, chúng tôi bảo các cô gái hãy “nằm xuống” – một viên tướng KGB về hưu nói.
Môn “khoa học” không được thừa nhận
Hai quốc gia được cho là áp dụng “mỹ nhân kế” trong tình báo nhiều nhất là Nga và Trung Quốc. Cơ quan tình báo Liên Xô KGB dùng tiếng lóng “chim én” để chỉ phụ nữ và “quạ đen” để chỉ đàn ông được huấn luyện quyến rũ các mục tiêu có thông tin quan trọng.
Không bình luận về chuyện các điệp viên của mình có dùng sex để đổi thông tin không, nhưng một vài quan chức CIA nói “thỉnh thoảng” nó vẫn xảy ra, và tuy “bẫy mật” không phải là cách tốt nhất để chiêu dụ quan chức nước ngoài nhưng đôi khi “nó giải quyết được một số vấn đề ngắn hạn”.
Oleg Kalugin, tướng KGB đã về hưu, một lần được hỏi tại sao nhiều điệp viên Nga sử dụng sex trong công việc như vậy, đã trả lời đơn giản: “Ở Mỹ và phương Tây, các ông kêu gọi đàn ông “đứng lên” vì tổ quốc. Ở Nga có chút khác biệt, chúng tôi kêu gọi các cô gái hãy “nằm xuống””.
KGB vốn tin rằng người Mỹ là những kẻ cuồng sex theo chủ nghĩa vật chất, vì thế các điệp viên của họ sẽ dễ dàng bị sắc đẹp đưa vào tròng. Không chỉ dùng tình dục cho các nhiệm vụ tức thời, KGB còn xem đó như một phương án dự phòng, nếu một viên chức Mỹ nào đó trở nên quan trọng trong tương lai, họ đã có đủ phương tiện để “thu phục” anh ta.
CIA thì ngược lại, họ rất hạn chế sử dụng chiêu này với các đối thủ nước ngoài. “Thu dụng một cách cưỡng ép thường không có hiệu quả. Chúng tôi thấy tiền và sự tự do vẫn hấp dẫn hơn”, theo lời một cựu điệp viên. Nếu tình cờ CIA biết một điệp viên Xô Viết nào đó có cô bạn gái, họ sẽ thử chiêu dụ cô gái đó như một cầu nối. Một khi đã nắm thóp được anh ta, họ sẽ tìm cách biến anh chàng thành gián điệp cho mình.
Mật ngọt chết ruồi
Năm 1955, John Vassall, một viên thư ký đồng tính làm việc cho Cố vấn hải quân của Đại sứ quán Anh tại Matxcơva bị một nhóm “quạ đen” của KGB đưa vào tròng. Sau khi tham gia một bữa tiệc trác táng, John được cho xem những tấm hình của chính mình trong tình trạng không thể tệ hơn. Liên tiếp tám năm sau đó, anh ta buộc phải làm gián điệp cho Nga.
“Mới xem được 3 tấm hình tôi đã không chịu nổi nữa. Chúng làm tôi phát bệnh. Thì tôi chứ ai, bị chộp trong lúc đang vui sướng …với nhiều gã đàn ông”, báo Telegragh trích dẫn những dòng hồi tưởng của anh chàng không may mắn.
Cùng khoảng thời gian đó, Bộ phận tình báo hải ngoại của Stasi (Cục an ninh quốc gia Đông Đức) cũng tung ra hàng loạt các “điệp viên Romeo” để quyến rũ các nữ thư ký làm việc cho chính phủ Tây Đức. Khoảng 40 phụ nữ đã bị kết án vì đã tuồn bí mật cho người tình của mình, không hề nhận ra họ là gián điệp nước ngoài.
Bức tường Berlin năm 1961
“Khi bắt đầu, tôi còn không có khái niệm gì về kết quả nó sẽ mang lại”, Markus “Mischa” Wolf, một trưởng bộ phận gián điệp Stasi, sau đó nói. Điều thú vị là, Markus tin rằng bí mật sẽ được tuôn ra nhiều hơn nếu đó là tình yêu thật sự thay vì chỉ là “tình một đêm”. Một thư ký Tây Đức thậm chí đã tổ chức hôn lễ với người tình của mình trong một đám cưới giả dàn xếp bởi Stasi. Vấn đề trở nên nghiêm trọng đến nỗi giới chức NATO phải ra lệnh treo những tấm poster lên tường trong các văn phòng nhắc nhở các cô gái phải “đóng kín trái tim” mình lại.
Gần hơn, tháng 7 năm 2009, một nhân viên ngoại giao của Anh, James Hudson, bị dính vào vụ rùm beng liên quan đến gái mại dâm và buộc phải từ chức. Một đoạn video dài hơn bốn phút ghi cảnh Hudson đang vui vẻ cùng hai cô gái trong một khách sạn thành phố Ekaterinburg bị phát tán khiến London bẽ mặt. Có dư luận cho rằng chính cơ quan FSB (tiền thân là KGB) đã gài bẫy vị quan chức Anh.
Một trường hợp khác, trong phái đoàn thương mại của Anh đến thăm Trung Quốc năm 2009, một phụ tá cao cấp của Thủ tướng Gordon Brown đã qua đêm với một phụ nữ Trung Quốc quyến rũ tại Thượng Hải. Sáng hôm sau, ông ta hớt hải báo cáo chiếc điện thoại BlackBerry do chính phủ cấp đã “không cánh mà bay”.
Có thể nói, trong khi người Nga hay người Trung Quốc đang khai thác thế mạnh của tình báo công nghệ, họ vẫn trở về với những phương pháp thực hành đã qua kiểm chứng, “mỹ nhân kế” là một trong số đó. Vai trò con người trong một thời gian nào đó rõ ràng bị lấn át bởi tiến bộ kỹ thuật, nhưng dần các chuyên gia tình báo nhận ra máy móc có thể là điểm yếu chết người.
“Một cuộc chuyện trò trên băng ghế đá công viên bỗng nhiên không phải là ý kiến tệ nếu biết rằng một cuộc điện thoại, dù được mã hóa, có để dễ dàng bị GCHQ (một cơ quan tình báo Anh) nghe lén và được giải mã bởi một chuyên gia khai thác dữ liệu của NSA ở Utah ngay sau đó”, Telegragh dẫn lời một nguồn tin trong ngành.
Nhà báo Nga Inna Svechenovskaya, tác giả của quyển sách “Sex và tình báo Xô Viết” từng nhiều năm đi cóp nhặt những câu chuyện và sự thật đằng sau hoạt động nhạy cảm này của cơ quan tình báo các nước khối Liên Xô. Bà nhận xét rằng không ai hoàn thiện “bẫy mật” thành một nghệ thuật như người Nga nhưng chính họ cũng thừa nhận rằng đó là một thứ vũ khí nguy hiểm – một con dao hai lưỡi. Không hiếm trường hợp điệp viên nảy sinh tình cảm thực sự với “mục tiêu” của mình, và cơ quan tình báo không còn kiểm soát được họ nữa.
Svechenovskaya có nhắc đến trường hợp hy hữu xảy ra với ông cựu Tổng thống Indonesia Ahmed Sukarno. Vì muốn tìm kiếm ảnh hưởng tại Châu Á, KGB gửi một nhóm các cô gái trẻ đẹp tiếp cận vị nguyên thủ vốn nổi tiếng háo sắc này. Họ làm quen với mục tiêu trên chuyến bay của ông này đến Matxcơva dưới vỏ bọc tiếp viên hàng không. Màn làm tình tập thể tiếp theo diễn ra trong một khách sạn ở Matxcơva bị ghi hình toàn bộ bằng camera bí mật.
Cựu tổng thống Indonesia Ahmed Sukarno
Ngày hôm sau, KGB mời Sukarno đến rạp chiếu phim và cho ông ta xem cuốn băng hình. Trái ngược với phản ứng hoảng sợ mà họ mong đợi, Sukarno cho rằng đó chính là món quà bất ngờ những người bạn Liên Xô tặng và hỏi các nhân viên đang há hốc mồm vì kinh ngạc xem còn bản copy nào không để ông mang về nước làm quà.
Trường đào tạo điệp viên
Có một tòa nhà, nhìn bên ngoài không khác so với xung quanh, nhưng nó là một ngôi trường đặc biệt.
Dưới thời KGB, “chim én” và “quạ đen” trên khắp vùng lãnh thổ mênh mông của Liên Xô đổ về đây để được huấn luyện. Mục đích là giúp các điệp viên vượt qua sự sợ hãi, xấu hổ và tất cả những cấm kỵ giới hạn con người trong chốn phòng the.
Chiến trường không bom đạn
Hiệu trưởng của trường là một phụ nữ tên Lidia. Từng phục vụ trong KGB với quân hàm Đại tá, xinh đẹp, thông minh và có vẻ bề ngoài trẻ hơn tuổi thật của mình, bản thân Lidia đã trải qua tất cả những gì bà chỉ dạy cho các “chim én”.
Đầu thập niên 1950, Lidia được điều đến Tây Đức để tổ chức một mạng lưới sex – tình báo ở Frankfurt. Cô gái nảy ra ý tưởng mở một trung tâm spa chăm sóc sắc đẹp. Với nguồn lực của KGB, tại trung tâm thành phố nhanh chóng mọc lên một ngôi nhà sang trọng. Giới thượng lưu tất cả đều biết đến bà chủ xinh đẹp, lịch lãm và họ thường xuyên đến làm khách.
Tuy nhiên, đằng sau tấm màn thì cơ sở đó còn là một nhà thổ.
Một góc Tây Đức thời còn bị chia cắt
Lidia tuyển dụng rất nhiều cô gái trẻ, xinh đẹp làm con mồi. Họ phục vụ đủ mọi thành phần khách, từ bình dân cho đến các nhà ngoại giao, sĩ quan và quan chức cấp cao. Họ được trả nhiều tiền cho công việc này, bù lại các cô gái phải chấp nhận sự phục tùng tuyệt đối và biết giữ im lặng.
Các quý ông đến đây đều không ngờ rằng từng cử động của họ đều bị máy camera thu hình và từng lời nói đều bị ghi âm. Trong một căn phòng bí mật chỉ Lidia có quyền bước vào, tất cả dữ liệu được tập trung tại đây, sau khi xử lí chúng sẽ được dùng để đe dọa và moi thông tin bí mật từ mục tiêu hoặc lưu trữ “chờ đến lúc thích hợp”.
Dù mang hàm chỉ huy, nhưng có những nhiệm vụ đặc biệt đích thân Lidia phải thực hiện. Một trong số nhiệm vụ đó là thu thập thông tin về những nhân viên của trại David trên lãnh thổ Đức. Bề ngoài là một căn cứ quân sự bình thường, nhưng đây là nơi đào tạo điệp viên của Mỹ và các nước đồng minh, tổng hành dinh của mạng lưới tình báo, liên lạc, chỉ điểm… tỏa khắp Liên Xô.
Tình báo phương Tây chia điệp viên của mình làm hai loại: Đen và Xám. Cấp bậc Đen là những điệp viên nằm vùng, sử dụng danh tính giả và có lớp vỏ bọc hoàn hảo. Xám là những người bình thường như doanh nhân, nhà báo, khách du lịch… họ chỉ thực hiện nhiệm vụ một lần đổi lấy phần thưởng. Nhưng dù Đen hay Xám, khi hoàn thành nhiệm vụ trở về tất cả điệp viên đều phải trải qua bài kiểm tra nói dối. Phụ trách công việc đó có một Trung sĩ tên Glen Rohrer, được cử đến trại David năm 1933. Do tính chất công việc, Glen nắm rất nhiều thông tin quan trọng về các điệp viên.
Cô đơn trong công việc vì những quy định ràng buộc, Glen trở thành khách hàng thường xuyên của Lidia và rơi vào tầm ngắm của KGB. Vẫn bằng phương pháp đe dọa với những tấm ảnh nhạy cảm, Lidia khiến Glenn bán đứng rất nhiều điệp viên của mình. Đến đầu 1965, một loạt mạng lưới tình báo, tên tuổi, địa chỉ cụ thể đã nằm trong tay KGB, đến mức cơ quan tình báo Mỹ bắt đầu nghi ngờ và theo dõi. Nắm được thông tin đó, Lidia phải tổ chức cho Glen bỏ trốn sang Tiệp Khắc, còn bản thân mình được Tổng hành dinh triệu hồi về để tránh nguy hiểm.
Sự phản bội của Glen là đòn giáng mạnh vào tình báo Mỹ, công sức 20 năm xây dựng coi như đổ sông đổ biển, hàng trăm điệp viên bị bắt. Riêng Lidia, nhờ thành quả đó được phong quân hàm Đại tá. Sau một vài năm làm cố vấn tình báo, Lidia được tiến cử làm hiệu trưởng một trong những ngôi Trường đào tạo điệp viên của KGB.
Khi tình báo trở thành khoa học
Các cô gái được KGB tuyển chọn đến từ nhiều vùng khác nhau, trước khi được cho phép phục vụ trong tổ chức, họ bị kiểm tra rất kỹ từ nhân thân cho đến quan điểm chính trị. Sắc đẹp là yếu tố trước tiên phải kể đến, tiếp theo nhưng không kém quan trọng là trí thông minh và khả năng diễn xuất. Ngoài ra, biết những thứ tiếng của các quốc gia Châu Âu là một lợi thế lớn.
Những người được tuyển chọn sẽ trải qua khóa huấn luyện dự bị dài 4 tháng. Điều đáng chú ý là không ai trong số họ bị ép buộc phải làm “chim én”, công tác “huấn luyện tư tưởng” và những bảo đảm vật chất chính là chìa khóa đổi lấy sự tình nguyện.
Các “quạ đen” cũng được tuyển chọn theo quy trình đó, nhưng đối với họ nhan sắc lại không phải là điều ưu tiên. Đa phần những mục tiêu của “quạ đen” là các quý bà đứng tuổi và cô đơn, vì thế, các nữ sĩ quan của KGB tuyển chọn đàn ông theo tiêu chí hấp dẫn giới tính phù hợp với họ. Tuổi tác của “quạ đen” có thể từ trẻ cho đến trung niên với nghề nghiệp trong nhiều lĩnh vực như nghệ thuật, báo chí hay kỹ sư. Không hiếm trong số họ là những người đồng tính.
Môn học “giăng bẫy mật” là một phần quan trọng của khóa huấn luyện, tất cả các sĩ quan cao cấp của KGB đều phải vượt qua trước khi được điều ra nước ngoài thiết lập mạng lưới tình báo. Họ được dạy cách sống trong môi trường xã hội mới, thích nghi với văn hóa và thói quen mới trong phòng the. Họ tham khảo các tạp chí dành cho cả hai phái để tìm hiểu về những đặc điểm, sở thích khác biệt trong tình dục của cư dân bản xứ. Họ cũng xem phim ảnh đủ mọi thể loại từ chính thống, ngoài luồng cho đến phim “đen” của quốc gia đó.
Khóa học được diễn ra trong hoàn cảnh mô phỏng tối đa môi trường mà điệp viên sẽ công tác sau đó. Để làm được việc này, KGB cho xây dựng hàng loạt thành phố mô hình, bắt chước mọi chi tiết nhỏ trong đời sống các quốc gia cạnh tranh…
Sex và tình báo Xô Viết (Phần 2)
Trước khi đào ngũ sang phương Tây giữa thập niên 1960, Anatoly Sorokin làm việc trong phân ban “C” của Tổng hành dinh thứ nhất KGB. Ông hồi tưởng lại những thành phố mô hình gợi nhớ đến những bộ phim hơn là những thành phố thật.
Trường phim tình báo
Thành phố đó có con đường chính với những tòa nhà bằng gạch ở hai bên dài khoảng 200 mét. Có nhiều cửa hàng, rạp chiếu phim, siêu thị, ngân hàng… Trong thời gian diễn ra giờ học, con đường sẽ đầy những “diễn viên quần chúng”, ăn mặc giống với cư dân của quốc gia được mô phỏng.
Trong thành phố bản sao của nước Anh, sẽ có các “diễn viên” đóng vai cảnh sát, người đưa thư, anh hàng thịt… Xe buýt sẽ có người soát vé để các học viên có thể thực hành hỏi giá vé, điểm đến. Trong bưu điện có thể mua được tem thư, mẫu giấy chuyển tiền… Bên cạnh là mô hình của vùng quê nước Anh với quán rượu và nhà kho.
Theo lời kể của những điệp viên đào ngũ từng học tại thành phố Gatchina – Leningrad, “phương Tây” ảo được chia thành 4 phân khu, mỗi phân khu được bao bọc bởi hàng rào thép gai, có vùng đệm và tuần tra nghiêm ngặt. Mỗi nơi có các huấn luyện viên, mô hình thành phố và vùng quê đặc trưng. Hai phân khu phía Bắc đào tạo các điệp viên hoạt động tại Mỹ, Canada và Anh. Hai phân khu phía Nam mô phỏng Úc, New Zealand và Nam Phi.
Các điệp viên hoạt động tại Đức, Áo, Thụy Sĩ và các nước thuộc bán đảo Scandinavia sẽ trải qua kỳ huấn luyện cuối cùng tại trường tình báo nằm ở Prakhov, cách thủ đô Minsk của Belarus 70 dặm về phía Đông Bắc.
Quá trình học tập được các chuyên gia giám sát đến từng chi tiết nhỏ nhất ví dụ như trò chuyện chỉ được nói bằng tiếng nước ngoài. Nhiều “cư dân” trong các thành phố mô hình này xuất thân từ chính quốc gia đó và họ phải mô phỏng lại chính xác những gì đã từng sống. Tất cả hàng hóa trong các cửa hàng được nhập khẩu trực tiếp, chúng là những thứ như sách báo, tạp chí, vé xe buýt, tem thư, tờ quảng cáo…
Các sản phẩm văn hóa nước ngoài như phim ảnh, chương trình radio… được nhân viên KGB ở các đại sứ quán của Liên Xô thu thập bằng cách ghi vào các cuộn phim rồi sau đó gửi về nhà qua đường thư tín ngoại giao. Qua đó, những điệp viên đang thực tập có thể làm quen với cuộc sống, tâm tư tình cảm của nhiều giai tầng xã hội khác nhau của một quốc gia xa lạ.
Tương tự, giá cả hàng hóa, sản phẩm luôn được cập nhật liên tục. Hàng tuần, các nhân viên KGB nước ngoài phải chạy đi khắp các cửa hàng ở nhiều thành phố lớn nhỏ, ghi nhận sự thay đổi về giá và chuyển thông tin đó về. Các thành phố mô hình vì thế luôn là bức tranh thu nhỏ chính xác với thực tế.
Trong thời gian huấn luyện, các điệp viên sẽ nhận lương hàng tuần tương ứng với mức chi trả ở quốc gia mà họ sẽ đến, và họ phải xoay sở sinh sống với số tiền đó. Họ được học cách gọi món ăn trong nhà hàng, mua vé xem phim, gọi taxi… Các giáo viên thường xuyên tổ chức các buổi ăn nhậu, và trong trạng thái say xỉn, các học viên vẫn phải hoàn thành nhiệm vụ của mình. Nếu vô tình ai trong số họ buộc miệng nói sang ngôn ngữ mẹ đẻ sẽ phải chịu hình phạt rất nặng và có thể bị đuổi khỏi trường. Trải qua nhiều giai đoạn huấn luyện và tuyển lựa, chỉ có những cá nhân xuất sắc nhất được giữ lại.
Nhà văn Benard Hitton, cựu ủy viên Bộ chính trị Đảng cộng sản Tiệp Khắc sau này mô tả lại những gì ông được chứng kiến. Theo đó, chương trình đào tạo được bắt đầu bằng khóa học giáo dục chính trị dài 4 tháng đi kèm với vòng sơ tuyển tại trường Macxit gần Matxcơva. Hầu hết những học viên nam nữ bước qua cánh cổng canh gác nghiêm ngặt của trường đều không ngờ rằng họ sẽ được chọn lựa đào tạo thành điệp viên. Họ nghĩ đơn giản rằng việc kiểm tra quá khứ, nhân thân, quan điểm chính trị… trước khi vào học chỉ là mối quan tâm của KGB về việc làm trong sạch Đảng.
Một ngày làm việc bắt đầu bằng bữa sáng lúc 7 giờ và kết thúc bằng bài giảng chung lúc 10 giờ tối. Có hai khoảng thời gian giải lao chính dành cho hai bữa ăn trưa và chiều cộng với hai lần nghỉ 15 phút thư giãn. Các tiết học hầu như vắt kiệt sức các công dân trẻ, chủ đích khiến họ không thể phát sinh tình cảm trai gái dù được bố trí sống chung kí túc xá. Mỗi lứa sinh viên chỉ có vài người được chọn ra bước tiếp vào cấp đào tạo cao hơn tại Trường kỹ thuật Lenin.
Trong ngôi trường mới này, kỷ luật hà khắc không thua gì trong quân đội người Spartan. Vật dụng cá nhân của các học viên bị hạn chế đến mức tối thiểu, họ ngủ trên những chiếc giường sắt san sát nhau trong một căn phòng lớn ngăn cách bởi những chiếc tủ hẹp. Mục đích đào tạo của trường Lenin là phát triển trí lực và thể lực của các học viên, chuẩn bị cho công việc tình báo tương lai.
Một buổi sáng bình thường bắt đầu bằng quãng đường dài chạy maraton trong khu tập luyện. Các môn học thể lực rất đa dạng, từ nhảy dù cho đến lái xe tốc độ cao, và tất nhiên quan trọng nhất là môn võ cận chiến hướng dẫn bởi các chuyên gia KGB…
Năm 1970, điệp viên đào ngũ Aleksander Demidov đã chuyển cho tình báo phương Tây mọi thông tin về chương trình đào tạo bí mật tại Trường kỹ thuật Lenin. Là con trai của một sĩ quan quân đội Chechnya, Demidov được gửi đến đào tạo tại trường tình báo năm 1966.
Lời kể của một nhân chứng
Lớp học không dành cho thường dân
“Đồng phục của học viên là quần tây ống rộng, áo len và mũ két. Không ai khác biệt với ai và chúng tôi phải tuân theo một nội quy nghiêm khắc. Các lớp học thường diễn ra theo nhóm khoảng 30 người nhưng cũng có lúc ít hơn trong những giờ học đặc biệt. Huấn luyện viên từ Matxcơva thường xuyên được gửi đến cho những buổi huấn luyện đặc biệt và tuyệt mật” – Demidov hồi tưởng.
Khóa học chính gồm các môn chính trị, kinh tế, tội phạm học, mật mã học, nhiếp ảnh và phương pháp thiết lập và duy trì liên kết tình báo. Các học viên luôn luôn được nhắc nhở và nhấn mạnh về tính khắc nghiệt của nghề nghiệp tương lai. Bài giảng được chia thành hai loại: “Sạch” và “Bẩn”. “Sạch” bao gồm các phương pháp tuyển mộ áp dụng với những người tình nguyện làm việc cho Liên Bang Xô Viết xuất phát từ lý tưởng chính trị chung. “Bẩn” được gói gọn trong “hối lộ, cưỡng ép và đe dọa”.
“Chúng tôi được hướng dẫn cách thiết lập “bẫy mật” và thu thập dữ liệu nhạy cảm”, Demidov nói. Sau bài giảng về công việc “Bẩn”, các sinh viên sẽ áp dụng ngay lý thuyết vào thực tế.
Mặc dù điệp viên sử dụng “chim én” và “quạ đen” chuyên nghiệp (những người chuyên bán dâm) là chính để giăng bẫy con mồi, nhưng trong trường hợp cần thiết, các chàng trai và cô gái buộc phải sử dụng chính thân thể của mình.
“Trước tiên, đàn ông bị ra lệnh ngủ với các bạn gái cùng lớp của họ trong phòng sinh hoạt chung, mục đích để giải thoát họ khỏi những cấm kỵ trong tình dục. Và tiếp theo họ sẽ phải làm tình với nhau. Việc này không nhằm biến họ thành những người đồng tính, nó chỉ chuẩn bị cho họ về mặt tâm lý nếu trường hợp cần thiết phải làm như thế để đạt mục đích”, Demidov kể.
Trong suốt các giai đoạn đào tạo, câu châm ngôn tất cả sinh viên đều phải thuộc lòng là: “Tất cả những công việc, nếu có thể mang lại lợi ích cho quốc gia, bắt buộc phải làm!”. Demidov nhớ lại: “Trong giờ học, các sinh viên thường có cảm giác không thoải mái, nhưng đến cuối cùng họ đều vượt qua điểm yếu của mình”.
Giữ vị trí quan trọng trong thời khóa biểu là môn bắn súng ngắn. Những phương pháp tinh tế nhất được áp dụng dựa trên kinh nghiệm từ Hoa Kỳ rèn luyện học viên khả năng bắn trúng mục tiêu trên đường phố đông người. Một số hoạt cảnh trong phim được chiếu trên một tấm bảng có bia ngắm và huấn luyện viên chỉ vào mục tiêu, các sinh viên phải bắn trúng đích đồng thời không được làm bị thương những người xung quanh.
Bên cạnh loại súng tự động bình thường, các điệp viên tương lai còn làm quen với loại súng ngắn bắn gas hãm thanh. “Vũ khí đó dài khoảng 10cm và chính xác nhất trong khoảng cách 7,6m, nó tạo ra âm thanh lớn không hơn một cái búng tay và có thể giết chết mục tiêu trong vòng 4 giây. Nguyên nhân của cái chết rất khó để xác định”. Học viên còn được hướng dẫn sử dụng chất độc cũng như cách pha trộn chúng với thức uống có cồn, bánh ngọt hay thuốc lá, và hiển nhiên cả cách tự bảo vệ mình khỏi những thứ đó.
Con đường không trải hoa hồng
Qua nhiều kỳ thi tổng kết khó khăn, những sinh viên tốt nghiệp sẽ được đi nghỉ dưỡng một tháng ở vùng Kavkaz, rồi sau đó trở về Matxcova thực tập một tháng nữa trong điều kiện gần với thực tế. Trong thời gian đó, họ sẽ bị bắt cóc và giam giữ một cách bất ngờ, theo sau là màn tra tấn và hỏi cung khắc nghiệt. Cả phụ nữ lẫn đàn ông sẽ bị lột trần và đánh đập bởi các điều tra viên của KGB. Rất nhiều người, đặc biệt là phụ nữ, không chịu nổi bài kiểm tra đó. Những ai vượt qua tất cả thử thách để khẳng định mình cuối cùng sẽ nhận được sự phê duyệt và trở thành nhân viên của KGB.
Năm 1973, một bản hướng dẫn đào tạo của Trường kỹ thuật Lenin viết bởi bốn sĩ quan cao cấp KGB lọt vào tay của Cục tình báo trung ương Mỹ CIA, nội dung của nó làm rõ nhiều điều và cung cấp những thông tin quan trọng về mục tiêu của các điệp viên Liên Xô nằm vùng tại Mỹ. Theo đó, Tổng thống Mỹ và Nội các chính phủ, các thành viên Hội đồng an ninh, Nghị viện, Bộ quốc phòng, CIA, FBI là những mục tiêu bị nhắm đến. Ngoài họ ra, những viên chức chính phủ, học giả, nhà kinh tế, kỹ sư, những người trẻ tuổi… có triển vọng làm việc cho chính phủ, các công ty, tập đoàn quốc phòng hay các trung tâm nghiên cứu bí mật cũng được để mắt đến.
Trong một ví dụ cụ thể, tài liệu hướng dẫn trên có đề cập đến một trường hợp phương pháp sex – tình báo được áp dụng thành công để moi thông tin từ một viên chức của Liên hiệp quốc. Thực hiện nhiệm vụ này là một “quạ đen” với bí danh là Del. KGB thu dụng Del bằng phương pháp “Sạch”, có nghĩa là thuyết phục được sự tình nguyện, và trao cho anh ta công việc biên tập trong một tờ báo nhỏ. Vỏ bọc này giúp thu thập được một ít thông tin không đáng kể về LHQ cho đến khi một nhiệm vụ đặc biệt được giao cho Del – quyến rũ một nữ nhân viên làm việc trong tổ chức này.
Del không chỉ thành công chiếm trọn tình cảm của người phụ nữ mà còn thuyết phục được cô ta làm việc cho KGB. Từ câu chuyện này cho thấy, những điệp viên nguy hiểm và lạnh lùng được đào tạo bài bản của KGB đã thuộc nằm lòng nguyên tắc áp dụng sex vào công việc ngay từ khi bước chân vào nghề. Phương pháp này không chỉ rẻ tiền, hợp pháp mà còn khá hiệu quả để moi thông tin.
Đối với các “chim én” và “quạ đen” làm mồi, nhiệm vụ của họ đã hoàn thành ngay sau khi lên giường được với đối tượng, kết quả chiến dịch và thông tin mật họ không được phép biết đến. Mặc dù chỉ thực hiện vai trò “bán thân”, họ không tự xem mình đang làm nghề đó. Nhiều “quạ đen” có công ăn việc làm đàng hoàng và chỉ đeo đuổi công việc với KGB vì sở thích và lợi ích vật chất.
HP chuyển
http://www.haingoaiphiemdam.com/Sex-va-tinh-bao-Xo-Viet-%28-cap-nhat-%29-24561