Nội dung thư

Saturday, October 3, 2015

* Tôi đọc Những Mảnh Vụn

"Nhà Bè nước chảy chia hai,
Ai về Gia Định Đồng Nai thì về"

Nhà Bè nước chảy chia hai là vùng đất có liên quan đến tác giả Tiểu Tử của tác phẩm "Những Mảnh Vụn". Tác giả tên là Võ Hoài Nam, trước năm 75 ông là Giám đốc kho xăng Shell Nhà Bè. Sơ lược về nhà văn Võ Hoài Nam thì ông sinh quán tại quận Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh, ông là con của nhà cách mạng chống Pháp và cũng là nhà giáo Võ Thành Cứ của tỉnh Tây Ninh. Ông Võ Hoài Nam du học tại Pháp, tốt nghiệp ngành kỹ sư, năm 1955 ông về nước đầu tiên nhận nhiệm sở dạy học tại trường trung học Petrus Ký. Rồi vào làm việc cho công ty Shell từ 1956. Sau ngày 30-04-75 ông bị kẹt lại tại quê nhà, ông đã chứng kiến những thảm cảnh đất nước suy đồi, những giá trị xã hội đảo lộn, nền luân lý tan hoang, khi được sang Pháp định cư với vợ con, ông dành khoảng đời còn lại để ghi nhận đoạn đường mà ông đã đi qua dưới bút hiệu khiêm cung là Tiểu Tử.

Tác phẩm "Những Mảnh Vụn" như một mảnh vải mosaic chắp nối, vá víu bởi những mảnh đời oan khiên, chua xót dưới chế độ CSVN. Để giới thiệu tác phẩm của Tiểu Tử, VH xin chia xẻ nét bút truyện kể thật đau lòng, thật thấm thía trong tác phẩm mosaic này. Sách dầy 240 trang, gồm có 19 truyện ngắn, mỗi truyện tác giả kể một đề tài khác nhau làm say mê người đọc. Những chuyện ngắn được góp nhặt đã xảy ra cho chính bản thân ông và những người xung quanh. VH xin dẫn chứng qua các bài như "Tô Cháo Huyết", "Xíu", "Cái Loa", "Ông Già Ngồi Bươi Đống Rác" và "Người Bán Liêm Sĩ",... Những chuyện thật trong đời sống mà tác giả Tiểu Tử Võ Hoài Nam viết như chứa đầy tính chất nuối tiếc những giá trị tinh thần về đạo đức xã hội, và những cội nguồn căn bản của những tình tự dân tộc. Trong cái bình dị mà văn chương ông viết thể hiện những khát vọng về một quê hương đã bị đánh mất qua các mẫu người trong xã hội dưới chế độ CSVN mà VH xin đan cử chuyện đầu tiên:


1)"Tô Cháo Huyết": Tác giả kể về lòng tốt của thím xẩm bán cháo huyết trong giai đoạn CSVN bần cùng hóa nhân dân. Trước 75 tiệm cháo của thím buôn bán khấm khá mà tác giả và gia đình thường ghé ăn. Sau ngày "giải phóng", thím đã thật sự "cách mạng" bỏ tiệm lớn vì chiến dịch đánh tư sản mại bản chỉ còn bán cháo trên vĩa hè. Nhận ra khách quen thuộc thím xẩm vui mừng trò chuyện và mời ăn cháo. Tác giả bị dằn vật bởi 2 hiện tượng "đói" và "thèm", thím xẩm lại ân cần mời mọc. Ông ngại ngùng khi thú thật là ông không có tiền, thím xẩm nói là bà sẵn lòng bán thiếu chịu khi nào có tiền thì trả. Tác giả khởi sự húp cháo thì thím đẩy tới một diã "dầu cháo quẩy" và thím nói: "Đây là tôi cho thầy hai, không tính tiền đâu". Tác giả từ chối, bà nài nỉ ép ông ăn tự nhiên. Tác giả nghẹn ngào rơi lệ khi húp cháo và ông kết luận đây là tô cháo đầu tiên trong đời ngon vì đậm đà hương vị đầy tình người.


2) "Xíu": Đây là chuyện tình buồn của nàng "A Xíu" người gốc Hoa và chàng Bảy Cần Thơ được tác giả kể lại trong mảnh vải mosaic dang dở, buồn tênh. Bảy có gốc gác Cần Thơ lên Sài Gòn làm lính bộ Tổng Tham Mưu. Những ngày trước 75 anh hay đến mua cà phê xay ở tiệm của A Xíu. A Xíu là một á xẩm lớn lên tại Việt Nam, nàng có tên thật đẹp là Trịnh Tiểu Mi, dù Tiểu Mi hay A Xíu đều cho thấy âm vang của nét dễ thương, nhỏ xíu…. Họ quen nhau và rồi thương nhau. Những buổi hẹn hò họ thường đạp xe đạp dạo quanh phố Sài Gòn để đong đầy những kỷ niệm bên nhau. Một hôm A Xíu đề nghị Bảy hai đứa đi chung một chiếc xe đạp thôi cho tình hơn, nghĩa là anh đèo chị. Thế là Bảy thành lơ xe chở Xíu ngồi đằng sau. Họ hạnh phúc bên nhau, họ tận hưởng tình yêu như thế.


Khi CS tràn vào xâm chiếm miền nam diễn ra. Gia đình Xíu bị đánh tư sản mại bản, nhà cửa bị khám xét, cửa hàng cà phê bị dẹp. Để sinh tồn người mẹ và A Xíu phải bán dầu cháo quẩy và bánh tiêu bên vệ đường. Khi CS tung ra chính sách đổi tiền thì cuộc sống người dân tiếp tục khó khăn hơn và người Hoa bị trục xuất. Một bữa nọ A Xíu hẹn Bảy ra gặp khẩn tại công trường Tháp Rùa trên đường Duy Tân. Xíu buồn bã muốn Bảy chở đi thăm phố phường Sài Gòn lần cuối, nàng khóc và thố lộ là gia đình nàng sẽ vượt biên tối hôm đó. Bảy chở Xíu đi hết những nơi mà họ đã hẹn hò, ôn lại những kỷ niệm in dấu hai người. Bảy và Xíu đi trong hoang mang, trong nuối tiếc, Bảy cảm thấy áo phía sau mình ướt đẫm vì người yêu của anh đang áp mặt vào lưng anh thầm khóc. Xe dừng trước nhà giả từ, Xíu và Bảy cảm thấy bịn rịn, quyến luyến nặng đôi chân trong phút chia ly.

A Xíu vượt biên từ bờ biển Đông, Bảy được biết thời gian đó bão lớn, tàu chìm nhiều, chàng lo lắng cho số phận nàng. Để rồi ngày ngày chàng đạp xe đạp quanh Sài Gòn tìm về kỷ niệm xưa. Một mảnh tình vụn nhỏ xíu như vậy mà chế độ mới cũng lấy đi. Đó là mảnh đời bất hạnh của tuổi trẻ Việt Nam sau 75 tạo nên mosaic tình mãi xót xa.


3) "Cái Loa": Gia đình ông Năm ở vùng Cây Quéo, nhà ông có vườn cây ăn trái sum sê. Phía trước nhà có hàng vú sữa sai trái. Đây là nguồn huê lợi của gia đình vì vú sữa vườn nhà ông là loại thật ngọt, sữa nhiều và cơm dòn, người ta mua bằng cách đặt cọc trước mỗi mùa. Từ khi bà Năm qua đời, chiều chiều ông Năm hay ra trước nhà nằm trên võng hóng gió để nhớ bà Năm. Vì khi sinh tiền bà Năm đã săn sóc, gầy dựng nên hàng cây sai trái này.

Ngày hổn loạn tháng 4 năm 75, con cháu ông vượt biên ra đi ông ở lại với mảnh đất quê hương, nơi có mồ mả bà Năm. Đoàn quân CS đã tiến chiếm quê hương, để nhồi sọ dân chúng miền nam ở mọi hang cùng, đầu hẻm, góc phố loa tuyên truyền được thiết trí nơi nơi. Họ cho treo loa lên cành cây vú sữa nhà ông Năm. Sự ồn ào của loa phóng thanh khiến ông Năm bực tức lên khóm phường khiếu nại, người ta chỉ ông đi hàng ngang, hết cửa này đến cửa kia. Cuối cùng người ta mách ông nên theo hàng dọc, nghiã là lên quận làm đơn khiếu nại. Cán bộ huyện cho người dời loa từ cây vú sữa nhà ông sang cột đèn đối diện nhà, nghiã là âm vang phát thanh khi xưa phát từ hướng nhà ông tỏa ra, bây giờ âm thanh lại chĩa thẳng vô nhà ông. Ông lại lên huyện khiếu nại. Cán bộ CS giải thích loa đặt trên cây vú sữa trong vườn nhà ông là đất của ông, nên huyện cho dời. Bây giờ loa nằm trên cột đèn, trên viã hè của huyện nên đơn ông khiếu nại bị bác. Từ đó về sau ông Năm nằm hóng mát trên võng trước nhà, ông nhét hai cục bông gòn vào lổ tai để không bị phiền nhiễu về những bản tin nặng phần tuyên truyền thêu dệt, phóng đại mà dân chúng không muốn nghe.

Rồi một ngày kia ông Năm bị bịnh thúi tai. Sách không cho biết bịnh thúi tai có phải do các bản tin thúi tha của nhà nước hay không. Có lẽ hỏi tức là trả lời vậy.


4) "Ông Già Ngồi Bươi Đống Rác": Ông già tuổi hơn tám mươi, có hàm râu bạc như "bác Hồ" ung dung bươi đống rác vĩ đại trong thành phố vốn là "Hòn Ngọc Viễn Đông", ông thản nhiên lục lạo tìm kiếm cái gì đó trong đống rác với cây gậy trúc, thỉnh thoảng ông lẩm bẩm những điều trách cứ mà người ta cho ông là ông lão điên.

Tìm hiểu sâu xa hơn về ông già này thì người ta được biết trước 75 ông là một thương gia giàu có và ông quen nhiều viên chức chính quyền quyền thế. Năm 75 ông từ chối di tản ra xứ ngoài dù là vợ con ông ở Pháp, ông tin tưởng vào bọn CS bởi vì vào thời gian trước ông đã giang tay cưu mang, lén lút chính quyền miền nam che dấu chúng. Ông có căn biệt thự to lớn trên Đà Lạt, nơi đây ông cho các viên chức chính quyền là những tướng tá, bộ trưởng mượn làm nơi nghỉ ngơi khi họ ghé Đà Lạt du lịch. Các nhân viên phục dịch trong căn biệt thự này toàn là đám VC nằm vùng mà ông chứa chấp. Ngày "Cách Mạng" về ông bị đánh tư sản mại bản và bị ngồi tù "cải tạo". Ngày ngày ông đi bươi đống rác vĩ đại thúi tha của thành phố để truy tìm của những con chuột xưa đã vô ơn biến Sài Gòn như đống rác. Lũ chuột bây giờ ở đâu mà chuột mãi trốn ông?


Văn của Tiểu Tử là như thế, thâm độc như thuốc nổ TNT, nghe như phá tan thành trì CSVN. Câu chuyện trích dẫn sau cùng mà anh bạn tôi là bác sĩ Đỗ Văn Học, tức nhà văn Tâm An rất "phê" hay đắc ý. Sống dưới chế độ CSVN thì cái gì người ta cũng bán. Người ta bán vợ bán con, bán máu của chính mình, hòm khi chôn người chết xong người đào lên vất xác chết đi mang hòm về bán lại cho người khác. Người ta bán của gia bảo của tiền nhân, báu vật trong bảo tàng viện quốc gia, bán đất đai, bán bờ cõi cho ngoại bang,... bán đủ thứ bán,... sản phẩm trừu tương nhưng cao quý cũng bị bán hết như bán nhân vị, bán nhân cách, bán danh dự và... bán liêm sĩ. Mà phàm là con người không có liêm sĩ và thể diện chẳng khác nào súc vật. Nguời ta còn nhớ vị đại diện cho CSVN Lê Văn Bàng, đại diện cho cái nhóm từ ngữ được gọi là nước "Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà" đi chơi biển ăn trộm sò lông vùng New England, cảnh sát Mỹ chận xét hạch hỏi giấy tờ, y giả bộ ú ớ không biết nói tiếng Anh. Đến khi cảnh sát đòi giải giao về trụ sở điều tra thêm. Khi đó viên đại sứ bất chấp liêm sĩ bèn xuất trình giấy tờ về quyền đặc miễn ngoại giao.
Qua câu chuyện trên thì bài sau đây mà nhà văn Tâm An có lý do thích thú câu truyện qua ngòi bút của nhà văn Tiểu Tử cho thấy chuyện về CSVN luôn luôn có sự tương đồng về mặt tiêu cực.

5) "Người Bán Liêm Sĩ": Ông X. là viên chức làm cho hãng tư nên ông nghĩ không có dính líu với chế độ VNCH, nên ông từ chối không di tản. Vì CS cũng là người, nếu giết hết thiên hạ thì CS ở với ai. Thời điểm trước ngày 29 tháng tư năm 75 ông thấy sự suy nghĩ của mình rất có lý. Sau 75 khi "Giải Phóng" vô thì ông thật sự mở mắt khi tâm sự với tác giả. Nếp sống khá giả khi xưa của ông bị suy đồi. Bà X. đi làm cho tổ hợp, hai đứa con nhỏ nhất nhà cũng phải phụ gia đình kiếm tiền. Ông nghĩ luyến tiếc vì cả đời ông sống cho hai chữ liêm sĩ, nên bây giờ ông thiệt thòi, mà ngó đi ngó lại ông chẳng còn gì quý báu để bán ngoài hai chữ này.
Ngày gia đình ông cùng kiệt ông muốn đem bán đi chiếc xe đạp của ông làm chân, ông nghĩ ra kế kiếm tiền. Ông ra góc phố đầu đường nhà ông có thằng nhỏ trạc 12 hay 13 tuổi sửa xe đạp, ông đậu xe đạp lại và trưng bảng "Bán xe đạp". Lòng ông chua chát khi nghĩ trị giá liêm sĩ còn thua chiếc xe đạp sao mình không bán phức đi cho rồi. Thế là ông X. chơi ngông viết lại bảng khác là "Bán cái liêm sĩ bảo đảm 20 năm không sứt mẻ". Ông xin đứng chung khu đất của chú bé sửa xe đạp vì có đông khách hàng vãng lai, qua lại. Chú bé vá xe đạp ngạc nhiên hỏi sao ông già bán cái liêm sĩ là hàng gì lạ thế. Ông X. ngập ngừng trả lời cho chú bé biết là cái mà ai cũng bảo vệ, quý trọng hết. Chú bé liên tưởng cái liêm sĩ rất xịn và quý giá như hột xoàn. Chú bé hồn nhiên trả lời ông X:

- "Từ cha sanh mẹ đẻ cháu chưa nghe nói tới cái liêm sĩ bao giờ...".


Ông X. chờ bán cái liêm sĩ mãi cho tới khi mặt trời lên cao thì một ông lão râu tóc bạc phơ mang xe đạp lại nhờ chú bé sửa cái thắng. Chú bé bèn giới thiệu ông X. và ông khách làm bạn trong khi chú sửa xe. Ông khách mời ông X một điếu thuốc rê và hai ông phì phà tán gẫu về vụ "bán liêm sĩ". Đoạn ông khách nói với ông X. là:

- "Ông bạn à. Tôi nghĩ ông bạn còn chút liêm sĩ nên dẹp tấm bảng bán liêm sĩ của ông đi. Chỉ có phường khoe khoang, khoác lác rằng ta có lương tâm, có đạo đức, có liêm sĩ. Sự thật họ không có gì hết. Bởi vì bọn vô liêm sĩ đó đã từ lâu chà đạp mọi giá trị tinh thần con người, đã chối bỏ truyền thống đạo đức của ông bà mình để lại từ không biết mấy ngàn năm".


Ông X. gật gù tán thành và ông khách rít một hơi dài thuốc rê rồi bàn tiếp, giọng ôn tồn nói:
- "Ông bạn à. Tôi tin là ông bạn là người có liêm sĩ. Trực giác cho tôi thấy như vậỵ Bây giờ đem bán cái liêm sĩ, ông bạn thấy đó là hành động của phường vô liêm sĩ không? Bây giờ giả dụ ông bạn có bán được cái liêm sĩ, ông bạn sẽ "trắng tay". Không còn liêm sĩ nữa thì ông bạn sẽ thành cái gì?".



Ông khách trả lời thành từng tiếng một để kết thúc câu chuyện:
- "Ông bạn sẽ là thằng vô liêm sĩ".

Lời Kết:

Sách còn nhiều truyện hay khác, nhưng trong khuôn khổ hạn hẹp của bài điểm sách này chúng tôi chỉ trích ra vài mẫu chuyện tiêu biểu. Đọc "Những Mảnh Vụn" của nhà văn Tiểu Tử tôi hiểu và ngậm ngùi cho cái thèm một tô cháo huyết của VNCH, một tô cháo huyết có nhân vị, đầy tình người. Tôi hiểu những ẩn ý sâu xa mà ông gởi gấm trong tác phẩm này. Tiểu Tử viết phơi bày bộ mặt xấu xa, nhơ nhớp của chế độ CSVN. Những mosaic của Tiểu Tử là những cái tát vào mặt chế độ CSVN, và là những mủi kim chích vào khối ung thư ác tính theo mô thức CSVN đã hoành hành trên đất nước Việt Nam.


Việt Hải xin chân thành giới thiệu tác phẩm "Những Mảnh Vụn" đến các văn thi hữu, các độc giả bốn phương thích văn chương Việt Nam, một tác phẩm văn chương bình dị nhưng đại chúng, chân thật trong nét phiếm của nhà văn Tiểu Tử. Liên lạc order sách qua email:

tanq8@yahoo.com


Attn: Mr. Tân Quách.
Việt Hải, Los Angeles.







Việt Hải: Chút cảm nhận về nhà văn Tiểu Tử




Nhà văn Tiểu Tử

Nói đến nhà văn Tiểu Tử, nhiều người Việt hải ngoại chúng ta đã nghe qua tên, hay đã từng đọc truyện của ông. Tiểu Tử dùng lối văn bình dị, dễ hiểu, nhuốm chất nam kỳ lục tỉnh, tựa như khuynh hướng của Bình Nguyên Lộc hay Hồ Biểu Chánh. Có những bài ông châm chích, tố cáo Việt Cộng hay loại người u mê làm công cụ cho Cộng Sản qua văn phong nhẹ nhàng nhưng thâm thúy như truyện Ông Gia Bươi Rác, Người Bán Liêm Sỉ; Ông bênh vực lý tưởng tự do nhân bản của VNCH như trong các bài Tô Cháo Huyết, hay truyện Xíu; Ngoài ra, ông viết truyện đề cao sự luân lý, đạo đức trong cuộc sống như trong các bài Người Viết Mướn, Những Hình Ảnh Đẹp,... Trong nét chất phác mộc mạc của cốt truyện do ông gầy dựng, hay nét chân văn bình dị của ngòi bút Tiểu Tử thường chứa một nhân sinh quan cao đẹp, hay nếp triết lý sống thanh tao của văn hóa Việt Nam .

Tôi thích văn Tiểu Tử không phải vì ông là bác tôi, mà bởi tôi mến mộ văn chương phục vụ cái lý tưởng cao đẹp, bênh vực lẽ phải, chống cái ác tính; Và khi ông thành công như trước năm 1975 của thuở VNCH, ông thương đời, thương người, khi ông thất bại rơi vào xã hội CS bị chà đạp nhân vị ông vẫn thương đời thường lam lũ của dân đen, thương giới người nghèo khổ nạn thiệt thòi trong xã hội; Tôi đọc văn ông không phải cả nể tình gia đình, mà tôi gần gủi với lối văn ấy của ông bởi vì đức tính chân thiện mỹ của nó.(*)

Năm nay nhà văn Tiểu Tử đã 82 tuổi, ông bảo tôi rằng ông yếu lắm rồi, tôi hiểu tuổi cao niên là như thế nào, tôi cảm nhận sự xót xa trong lòng, qui luật tuần hoàn biến hóa của cuộc sống lắm khi rất khắc nghiệt, số mạng thông thường do thiên định. Tôi muốn nhắn với bác tôi trong sự chân thành nhứt là hãy ráng thêm vài năm nữa để nhìn thấy sự cáo chung của cái chế độ dã thú, ác ôn CSVN sớm bị triệt hạ trên quê hương ta. Tôi nguyện cầu xin ơn trên cho bác tôi được toại nguyện của ông cũng như của nhiều người chúng ta: Kẻ ác phải đền tội.

VHLA, Thu 2012.









*: Việt Hải Los Angeles đọc Những Mảnh Vụn, Tiểu Tử .










Cho tôi ôm trái tim Việt Nam

Lâm Kim Loan

Hôm nay, thứ Sáu, ngày nghỉ thường lệ của tôi. Thay vì đến thăm má tôi và thu dọn nhà cửa. Tôi làm một việc hơi khác thường. Nhét chiếc võng vào ba lô, kem chống nắng, thêm bình nước lọc, vài trái cây, bọc hột điều, gói khăn giấy, cùng một quyển sách, món quà tôi mới nhận được hôm kia, do một anh bạn bên Pháp gởi qua. Tôi lái xe vào khu công viên quốc gia, trực chỉ vùng Wattamoolla. Lựa một chỗ khuất, có bóng mát, biển mở ra bạt ngàn trước mắt. Hai bên là núi chập chùng ngọn gần ngọn xa, một mình với thiên nhiên tỉnh lặng. Cột dây võng vào hai gốc cây, tôi dành ngày hôm nay để đọc sách, tập truyện ngắn “ Bài ca vọng cổ” của Tiểu Tử.

Tôi có lý do để trân trọng về tác giả nầy. Cách đây vài năm, trong một chuyến rong chơi của bốn nàng “ sồn sồn”: Anh Thư, Kim Ngọc, Thanh Yến và tôi. Bốn cô nương đến nhà anh Hai Trần tạm trú. Đêm đầu tiên ở Roissy en Brie, một vùng ngoại ô nước Pháp. Trước khi đi ngủ, tôi vói tay lấy một tạp chí cũ chủ gia để sẳn cạnh bên giường đọc để dỗ giấc ngủ. Đó là lần đầu tiên tôi biết đến Tiểu Tử qua truyện “ Chị Tư Ù”. Đọc để ngủ, nhưng lại thao thức vì thương nhân vật Tư Ù làm sao!

Đầu năm ngoái, người bạn khác chuyển qua email truyện “Thằng chó đẻ của má” của nhà văn Tiểu Tử . Đọc vài dòng mở đầu, tôi nghĩ má tôi sẽ thích bài nầy. Tôi in ra giấy, chạy xuống lầu đi thẳng vào phòng má tôi đọc cho bà nghe. Đọc, mà tôi cứ phải ngừng lại vì nghẹn ngào, vì nước mắt cứ chảy. Má tôi giục tôi đọc tiếp trong khi bà cũng rút khăn giấy chậm vào mắt. Má tôi cũng bị xúc động như tôi. Sau nầy, thỉnh thoảng má tôi hay hỏi: “ Cái ông viết bài thằng chó đẻ có viết bài nào nữa không? Có, con nhớ đọc cho má nghe với.” Chị Tư Ù, sau bao nhiêu năm vẫn lẻo đẻo theo tôi. Với má tôi, thằng chó đẻ cũng vậy.

Mở đầu là truyện “Bài ca vọng cổ”, được dùng làm tựa cho tập truyện ngắn. Truyện kể về một đứa con Việt lai Mỹ đen sống ở Phi châu, tâm hồn còn đầy tính chất Việt Nam, tình cờ gặp một người Việt Nam rặt. Nó ca vọng cổ, “xuống hò” đàng hoàng. Thằng “Jean le vietnamien” có bề ngoài bên nội và :

“ Còn bên ngoại của con, nó nằm ở trong. Ở đây nè bác”, nó để một tay lên ngực và vỗ nhè nhẹ về phía trái tim”.

Thế là hai người Việt cô đơn, một lai một rặt, một già một trẻ, gặp nhau, ở một nước xa lơ xa lắc, ôm ghì nhau mà tưởng tượng như “ôm lại được góc trời quê mẹ…”

Truyện kế tiếp “ Nước chảy đá mòn” , kể về một người già cô đơn sống nơi xứ người, nhớ miên man đủ chuyện, chuyện ngày xửa ngày xưa, những kỷ niệm hồi năm nẳm, như cuốn phim được quay lại, sờ sờ trước mắt, trong đầu. Nhìn nước chảy ở suối bên ni mà nhớ về dòng sông bên nớ. Tuổi già quên trước lộn sau. “Vậy mà hình ảnh quê hương vẫn còn nằm nguyên đâu đó trong lòng…chỉ cần một chất xúc tác là nó bật lên rỏ rệt…làm như mình đang sống trong đó mới hôm qua”. Tiểu Tử kể về làng của ông và kết luận: “Làng tôi đó! Quê trân! Chẳng chút màu mè. Vậy mà sao tôi vẫn thương”. Có ai trong chúng ta không thương và nhớ về Mẹ. Hãy nghe ông tâm sự, lời giản dị mà đầy hồn : “Mẹ gánh xôi ra ngồi bán ngoài chợ…mẹ đi chân không, mỗi bước chân của mẹ giậm xuống làm tung lên một chút bụi đường….Hơn sáu chục năm sau, ngồi ở trời Tây nầy, tôi đâu cần nhìn, mà sao vẫn thấy được - thấy rõ - hai bàn chân của mẹ”.

“Làm thinh” là truyện thứ tám. Một câu chuyện tôi cảm thấy rất “ nặng ngực” khi đọc. Chuyện kể về một nhân vật rất thành công trước 1975. Một sớm một chiều sau cuộc đổi đời, bỗng hoá trắng tay như trong cơn mộng dữ. Oái oăm! Đó không phải là giấc chiêm bao dữ dằn. Đó là sự thật một trăm phần trăm! Không làm thinh thì làm gì ai, hoặc làm gì nhau? Làm thinh để nén uất ức, vì nếu bộc lộ thành lời sẽ thêm “tiền mất tật mang”. Làm thinh vì thất thế: “Bây giờ, người chồng thần tượng của ngày trước chỉ còn là một cái bóng! ” Ông Lê Tư càng im thinh thích sau khi được con bảo lãnh qua nước ngoài. Lý do làm thinh lần nầy khác hẳn với hai lý do trước. Làm thinh vì ứ hự! Ba sự khép miệng chỉ giống nhau ở chỗ đắng cay, thứ cay đắng “muốn nuốt ực mà nó cứ nghẹn ở cổ” , làm tôi phải lắc đầu hỡi ôi! Cuối cùng, ông đã làm thinh mà đi. Đi đâu? Đọc truyện, tôi cũng lặng lẽ đi cùng ông một đoạn đường rồi dừng lại. Tôi để ông tiếp tục đi một mình, để ông tự quyết định đời mình khi thời điểm đã đến, khi mà cả ba tài sản qúy giá của một đời người đều bị phá sản không còn xót lại bóng dáng: vật chất, tinh thần và tình cảm . Này bạn! Khi đọc truyện này, khi bạn cùng đi với ông Lê Tư đến bước cuối. Xin bạn hãy cho tôi biết bạn nghĩ gì và hành xử ra sao? Nhớ cho tôi biết nhé!

Truyện thứ mười “Mùa Thu cuộc tình” nói về sự xum họp của Ngưu lang Chức Nữ. Kể tâm sự một người đàn ông xa vợ mười năm. Có biết bao chia cách não lòng như thế sau cuộc đổi đời bảy mươi lăm! Anh ghe nầy, em ghe kia, ghe anh đi thoát, ghe em bị bắt lại. Ghe con đến bờ, ghe mẹ chìm vào lòng biển sâu! Hoặc có gia đình chỉ đủ tiền để một hai thân nhân ra đi mà thôi!!! Tiểu Tử kể tâm trạng người chồng chờ gặp lại vợ sau bao năm xa cách… Gần đoạn cuối, thêm một bước ngoặt của câu chuyện với hai chữ “Bởi vì” làm tôi nín thở. Còn thêm ba dấu chấm… Và, Trời ơi. Tôi đã kêu lên như thế với những dòng kế tiếp của ông.

Còn nữa, các truyện khác trong tập truyện Bài Ca Vọng Cổ của Tiểu Tử: “ Con Mén” đứa con đang sống ở Tây muốn học tiếng Việt để viết thư về thăm ba nó còn kẹt lại ở Việt Nam . “Made in Việt Nam” đứa gái da vàng bỏ nhà đi hoang vì nền tảng gia đình bị tan rã trên đất người, may mắn tạo lại được tương lai nhờ lòng tốt của một gia đình người Việt, “lá lành đùm lá rách” nơi đất lạ. “ Nội” về lòng mẹ, nỗi đau cắt rún lìa con lần thứ hai vì thời cuộc.. Mười bốn truyện, nội dung nào cũng xúc tích. Có những lúc tôi phải ngừng lại vì xúc động. Ôi nhân vật! Ôi tình người! Ôi thế sự! Ôi đời!

Đọc xong tập truyện của Tiểu Tử, xếp sách lại. Thừ người bất động một hồi lâu. Tôi nhìn kỷ lại bìa quyển sách. Bìa trình bày đơn sơ như không thể đơn sơ hơn. Lật bìa sau, không có hình của tác giả. Lật lại vài trang đầu, không có lời giới thiệu của bất cứ nhân vật nổi danh nào. Cũng không có lời vào truyện của chính tác giả. Chỉ một dòng nhắn gởi ngắn ngủi: “Thương tặng những ai trong lòng còn giữ được dấu ấn Made In Việt Nam ” và địa chỉ email của ông cho đọc giả muốn mua sách. Chỉ vậy! Mười bốn truyện, hai trăm ba mươi bảy trang. Những dòng văn đơn sơ mà xoáy vào tim tôi thành những giọt nước mắt muốn cầm cũng “chẳng đặng”. Những chữ dùng mộc mạc Nam kỳ rất quê mùa mà tôi thường nghe, khi tôi còn học tiểu học ở quê, lâu lắm rồi mới được thấy lại: cắc ca cắc củm, xém, hà rằm… Những tiếng mắng, tiếng kêu đầy yêu thương của người miền Nam : “cha mầy” của ông Nội. “Thằng chó đẻ” của người mẹ. Mồ Tổ mầy… nghe sao như được sống lại những ngày tôi còn đưa tay áo lên quẹt mũi chảy thò lò, những lúc cả chục đứa trai gái trong xóm trần truồng tắm mưa, vọc nước…vô tư cười dòn ran.

Anh Tiểu Tử! Sau hôm nay, anh nợ tôi những giọt nước mắt, tiếng thở dài, những nhịp tim đập nhanh, lần cắn môi để khỏi bật khóc thành tiếng. Những cái lắc đâù hởi ôi. Ngược lại, tôi cũng nợ anh những nụ cười chúm chím, tiếng cười khoái chí, những kỷ niệm trẻ thơ đựơc khơi lại. Cám ơn anh đã cho tôi, một đọc giã phương xa tận Úc châu, chia những vui buồn của riêng anh. Tôi đoán ít nhiều: có anh, gia đình anh, và những ưu tư của anh được gởi gấm qua các mẫu truyện này. Hơn thế nữa, từ đó, tôi được biết thêm những thảm cảnh, kinh nghiệm máu xương và nỗi lòng của hàng trăm ngàn người Việt Nam Hải Ngoại và Quốc Nội.

Tôi áp quyển truyện vào tim mình như muốn ôm một trái tim Việt Nam còn nóng hổi. Tôi đặt quyển truyện vào lòng như muốn được chia sẻ với các nhân vật trong mười bốn câu truyện nầy, nhân vật chánh, nhân vật phụ, mỗi người một nét, một thảm cảnh, thắt thẻo bao niềm riêng……..Tôi muốn cho thằng Jean le Vietnamie, cô Kim Made In Viet Nam, hai nhân vật của Tiểu Tử biết: tôi Lâm kim Loan, một người Made- In- Viet Nam, nhỏ hơn nữa, Made- In- Rạch Giá.

Ngày mai thứ Bảy, tôi sẽ thăm má tôi bù cho hôm nay. Tôi sẽ đọc cho bà nghe dần những câu truyện trong quyển Bài Ca Vọng Cổ. Để bà nghe mà như thấy lại những hình ảnh cũ trên quê hương, chắc bà sẽ vui như được sống lại một khoảng đời ở Giòng Đá.

Nắng vẫn đầy trên cây, nắng ngả về bên kia núi. Chim vẫn líu lo nhảy nhót trên cành. Lâu rồi tôi không ca vọng cổ, vừa cuốn lại cái võng, tằng hắng lấy giọng, tôi hát thật to, hát tự nhiên như hồi tháng Tám năm 2002, tôi đã hát vọng cổ ở một vùng thơ mộng của Vancouver, trước đám lữa trại bập bùng, vây quanh bởi những tâm hồn rất Việt Nam: Chị Ngọc, anh Trần, Song, Quý, Hoàng, Sơn, Xuân, Hải Triều; anh chị Ninh, Siêu, Tam, Lạc, Châu, Phúc;Tuyết, Khởi, Dũng, Hòa…tổng cộng hơn trăm, không thể kể tên hết.

“Điệp ơi, Lan cắt đứt dây chuông là để rẽ chia đạo đời đôi ngã, nhìn theo bóng anh đi mà lã chã lệ tuôn….dòng”.

Này bạn! Đọc truyện ngắn của Tiểu Tử, để thấy thấp thoáng bạn bè thân nhân mình trong đó, để tìm lại những bóng dáng của quê hương. Nếu có thể, để chia với con cháu, giúp chúng biết thêm phần nào những gì đã xãy ra trên quê cha đất mẹ ở giai đoạn giao thời, những tâm sự tâm tình của người thân bước đầu lập nghiệp trên xứ lạ ra sao? Và để coi bạn có thấy thèm ngân nga một câu vọng cổ như tôi không?

Bỗng dưng tôi muốn cất cao giọng rao, một giọng rất Nam Kỳ, rao lảnh lót như những dì, những thiếm bán hàng rong, vai nặng trỉu chiếc đòn gánh, kẻo kẹt thúng rổ, dãi dầu với những bước chân nhịp nhàng giẩm lên mọi nẻo Việt Nam: “ Ai mua Bài Ca Vọng Cổ hôôông?”




(Cuối tháng Tư, 2007)

Mua sách của nhà văn Tiểu Tử:

Xin liên lạc về đại diện của tác giả qua điện thư Email:

kimoq@yahoo.com

Giá 12 Mỹ kim.

(Người con của ông ở Nam Cali )

Ref. links:
http://tayninhdonghuonghoi-usa.org/to-chao-huyet-2

http://tayninhdonghuonghoi-usa.org/them-2

http://vuxep.blogspot.com/2012/11/viet-hai-chut-cam-nhan-ve-nha-van-tieu.html

http://dongnaicuulongucchau.org.au/tapsan03/subpages/tn_gioithieutruyen.html

http://dongnaicuulongucchau.org.au/tapsan03/subpages/tn_traitimvietnam.html



CHUYỆN THUỞ GIAO THỜI (Huỳnh Tâm tường thuật)






Giới thiệu tác phẩm mới của nhà văn Tiểu Tử





Tác phẩm mới "Chuyện Thuở Giao Thời" của nhà văn Tiểu Tử được trình làng vào lúc 13 giờ 30 ngày mùng 3 tháng 1 năm 2015 tại Nhà thờ Choisy, như tên gọi quen thuộc của phần đông Người Việt Nam ở Pháp và Paris, tên chánh thức là Eglise Sainte Hippolyte (Salle de la Roulotte), số 27, Avenue de Choisy, 75013 Paris.



Không ai ngờ hình ảnh của buổi chiều mùa Đông Paris hôm ấy lại tuyệt đẹp đến như vậy. Người ta chợt có cảm tưởng như nay là mùa Xuân giá lạnh. Buổi giới thiệu « Chuyện Thuở Giao Thời » của Tiểu Tử do Ái hữu Đại học Sư phạm Sài Gòn tổ chức với sự yểm trợ của các hội: Ái hữu Gia Long Paris, Ái hữu Petrus Ký Pháp, Ái hữu Petrus Ký Âu Châu, Ái hữu Hải Quân-Hàng Hải VNCH, Câu lạc Bộ Văn Hóa Việt Nam Paris, Cộng đồng Người Việt Quốc Gia Tự Do tại Pháp và Gia đình KH Cao Niên. Phải nói buổi sanh hoạt «chữ nghĩa» hôm ấy được tổ chức bởi một Ban Tổ chức rất hùng hậu. Một vìệc rất hiếm ở Paris từ khá lâu. Và một điều vô cùng quan trọng nữa, rất đáng ghi nhận như một biến cố đã phá mất đi cái tập quán kiên cố của bà con ta xưa nay «Không đi trễ, không phải Vìệt nam», buổi hôm ấy khai mạc đúng 1giờ 45 như ghi trong Thư Mời.


Một thành công ngoài mong đợi





Thời tiết mùa đông, trời mưa, mới mùng 3 Tết, phần lớn bà con còn thiếm xực Tết vì Tết chỉ vừa mới qua, vậy mà Salle de la Roulotte của Nhà thờ Choisy khá rộng lại chật cứng người. Trên trăm người tham dự. Số người đi trễ theo thói quen, mời 1 giờ 30, tới 2 giờ là vừa, phải đứng và đứng cả ngoài hành lang. Nhưng tất cả đều vui vẻ và ở lại cho tới bế mạc. Đây cũng lại là một hiện tượng không bình thường của bà con ta nữa vì, xưa nay, không ít người tới cho có mặt, rồi đi sớm. Người ta tự hỏi phải chăng vì ngưỡng mộ nhà văn, đã đọc qua các tác phẩm trước như «Những Mảnh Vụn», «Bài Ca Vọng Cổ», «Chị Tư Ù» của Tiểu Tử? Hay vì cảm tình sâu đậm với Ban Tổ chức bởi những Hội Ái hữu này có một quá trình sanh hoạt chung với nhau lâu đời ở Paris? Hay vì chương trình Văn nghệ hấp dẫn do nghệ sĩ của «Hội KH Cao niên» Paris trình diễn? Cứ nhìn tên các Hội, thì Hội nào cũng là Hội của hội viên phải trước 30/04/1975. Tính ra có phải hội viên nào cũng đã ăn lễ Lục tuần rồi nếu không đã qua «Thất thập cổ lai hi»?
Thật tình phải thừa nhận buổi giới thiệu sách của Tiểu Tử hôm ấy thành công ngoài sự mong đợi. Chính Ban tổ chức đã không dám chủ quan mướn phòng lớn hơn.
Trước khi bế mạc, nhà thơ Đỗ Bình phát biểu cảm tưởng cũng nhìn nhận buổi lễ hôm ấy thành công ngoạn mục. Theo ông, một người có nhiều kinh nghiệm về «Ra mắt sách», đã không dám tổ chức ở Paris, mà phải qua tận Thủ đô Tỵ nạn ở Cali, Huê kỳ, để tổ chức ra mắt sách của ông và Nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên. Ông còn nhấn mạnh ở Mỹ, nơi có đông đảo người Việt như vậy, mà đôi khi «Ra mắt sách» có không quá mươi người tham dự. Người ta sợ thất bại nên phải đưa vào tiệm cà-phê tổ chức với nhau!
Một buổi chiều mùng 3 Tết
Tất cả mọi người tới tham dự đều cảm thấy hài lòng. Có cả độc giả trẻ đến từ vài quốc gia lân cận của Âu Châu bằng xe nhà. Xin mời bạn đọc xem photo dưới đây để hình dung được không khí đầy ắp tình cảm nồng nàn của mọi người dành cho nhà văn Tiểu Tử cũng như đã đồng thời hưởng ứng Thư mời của Ban Tổ chức.
Đặc biệt có nhiều diễn giả quen thuộc trong Cộng đồng Người Việt Paris được Ban Tổ chức mời phát bìểu về tác giả và tác phẩm.




Quang cảnh hội trường buổi giới thiệu sách CTGT của Tiểu Tử


Vài hàng về Nhà văn Tiểu Tử





Nhà văn Tiểu Tử tên thật là Võ Hoài Nam. Từ lâu nay, ông vốn là người bạn thân của đông đảo độc giả, không riêng của người Việt Nam tại Paris, mà ở trên khắp thế giới. Cả ở Việt nam nhờ hệ thống internet. Khi đã đọc qua Tiểu Tử, người đọc thường khó quên văn của ông, nhứt là những câu chuyện của ông. Đó là những mẫu chuyện thật trong đời sống của ngưòi dân Việt nam sau ngày mất nước. Nó thấm sâu vào tâm tư của mọi độc giả, mãi mãi ở lại với độc gìả. Như "Thằng Jean, Con Mén, Made in Việt nam, Chị Tư Ù, Con Rạch quê mình,…".
Từ đó, có thể khẳng định tên Tiểu Tử được đông đảo bà con người Việt ở khắp nơi quen biết, thân tình hơn là tên của người thật.
Ông Võ Hoài Nam năm nay hưởng được lộc trời 84 năm. Thọ nhưng chưa tới Thượng Thọ theo thang tuổi Thọ ngày nay. Thượng Thọ phải từ 120 tuổi. Huỳnh Tâm kính chúc ông ung dung hưởng Thượng Thọ. Để viết thêm nhiều chuyện nữa.
Ông tốt nghiệp kỷ sư Điện ở Marseille và về nước vào giữa thập niên 50. Những năm đầu, ông dạy Lý Hóa ở Trường P.Ký. Sau đó làm việc cho hãng xăng Shell.
Ông viết nhiều và có sách xuất bản từ mười mấy năm nay, sau khi ông nghỉ hưu. Trước 1975, ở Sài gòn, ông có viết chuyện biếm cho vài nhựt báo bạn. Giờ rảnh, ông học vẽ và ông có khá nhiều tranh. Gần đây, ở Pháp, ông có đem tranh tham dự nhiều cuộc triển lãm. Trong giới mê tranh, không ít người yêu tranh của ông.
Chúng tôi bước vào phòng họp đúng lúc chương trình vừa bắt đầu. Bà TTH, chủ biên Trang Web Đại Học Sư Phạm Sài gòn, thay mặt Ban Tổ chức, vắn tắt cám ơn quan khách tham dự và các hội đoàn yểm trợ.
Kế đó, Dược sĩ Joseph Huỳnh cho biết tại sao ông không phải nhà văn, không phải nhà xuất bản mà lại nhận in sách « Chuyện Thuở Gìao Thời » cho Tiểu Tử. Ông nêu lên ý rất tế nhị và vô cùng đẹp, tuy mới nghe qua như nó không rõ nghĩa lắm «Ông chọn làm việc này mà thật ra không phải chọn lựa» . Ông cắt nghĩa « chọn lựa » là làm vìệc bằng cái đầu còn ông đã nhận lãnh làm mà không chọn lựa bởi vì ông đã hành động theo con tim của mình. Ông đảm nhận việc in ấn chỉ vì muốn sách của Tiểu Tử phải được phổ biến. Tuy số luợng ít nhưng nó sẽ được lưu lại với thời gian. Một ngày kia, có người bắt được đọc qua, sẽ rung động theo nhịp tim của tác giả, sẽ thấy văn chương của Việt nam thực sự không phải là thứ văn chương "theo định hướng" đang được lưu hành rộng rãi ở Việt nam ngày nay, tức là thứ "văn chương xã hội chủ nghĩa".
Tiếp theo, các ông Nguyễn văn Trần, Từ Thức, Phạm Hữu Thành và Trần Thanh Hiệp lần lượt nhận xét và đánh giá tác phẩm và văn chương của Tiểu Tử.
"...Ai cũng nhìn nhận văn và truyện của Tiểu Tử rất đặc biệt, nó dành cho Tìểu Tử một chỗ đứng nhứt định trong văn học Việt nam. Ông viết về đời sống thực tế của Nam kỳ, nhơn vật đặc sệt Nam kỳ, khung cảnh xã hội cũng Nam kỳ. Nhứt là lời văn hoàn toàn không ảnh hưởng Tự Lực Văn Đoàn, mà cũng không quá Sài gòn, nó như mang hơi hướng một Sơn Nam, một Bình Nguyên Lộc, một Lê Xuyên..." (Nguyễn Văn Trần).
"...Văn của Tiểu Tử bình dị, mộc mạc của người miền Nam, dù độc giả chai đá tới đâu, khi đọc Tiểu Tử cũng không cầm được nước mắt. Người ta khóc, nhưng sau đó thấy ấm lòng, vì thấy trong xã hội đảo lộn, vẫn còn tình người, vẫn còn đầy thương yêu, vẫn còn nghĩa đồng bào và thấy đời còn đáng sống. Văn chương, trước hết là xúc động. Trong truyện ngắn của Tiểu Tử, sự xúc động hầu như thường trực..." (Từ Thức).
"… Những truyện ngắn của nhà văn Tiểu Tử hầu hết là những chuyện thật thương tâm, đầy nước mắt của người dân miền Nam sau ngày "cách mạng thành công" với bao cảnh đọa đày, bất công, áp bức... khi đọc truyện Tiểu Tử tôi như sống lại những hình ảnh làng quê của một thuở thanh bình êm ấm, thuở mà người dân còn biết lấy đạo đức, lễ nghĩa để cư xử với nhau...tất cả lại hiện ra rõ ràng trong tâm trí tôi, khiến tôi bồi hồi xúc động..." (Phạm Hữu Thành).
Cụ Trần Thanh Hiệp, một trong những người chủ trương tạp chí Sáng Tạo của thập niên 1950/1960 ở Sài gòn, nguyên Chủ tịch sáng lập Văn-Bút Việt-Nam Hải Ngoại, phát biểu : "… Những diễn giả vừa phát biểu đã lấy hết suy tư của tôi, mỗi người mỗi ý quá phong phú, riêng tôi muốn đề cập một khung cửa Văn học, sử học và hiện tượng sống qua ngôn ngữ, rung cảm trong một tác phẩm văn học quốc ngữ Việt Nam, từ văn viết đến văn nói, … và đọc sách mua sách cũng là một hành động văn học. Hiện nay trên thế giới có 5000 ngôn ngữ, trong tương lai chỉ còn 2500 ngôn ngữ, tôi tin rằng ngôn ngữ Việt Nam vẫn còn tồn tại bởi trong ngôn ngữ Việt có sự tiếp nối và gắn sâu liền cuộc sống như sự trưởng thành của cây Bần, cây Đước bám sâu vào đất (Tiểu Tử). Tổng hợp những tác phẩm của Tiểu Tử kể chuyện văn biếm đời, văn biếm trong hội họa về những bối cảnh của quê nhà, sau ngày miền Nam Việt Nam bị Cộng sản cưỡng chiếm. Quả thực lịch sử hiện nay do những người vô danh làm nên cách mạng và văn chương cũng thế...".
Tác giả "Chuyện Thuở Giao Thời với thân hữu" Trước hết chào quý anh chị em và ban tổ chức đã tạo điều kiện cho tôi được hiện diện nơi đây và sự gặp nhau trong lòng chân thành, tình này, kính xin đa tạ. Thưa quý anh chị em, những gì tôi muốn trình bày ở đây đều đã có những diễn giả trình bày đầy đủ suy tư và cô đọng trong những tác phẩm của tôi.
Nhân dịp này tôi xin kể chuyện đời của tôi vừa trải qua 84 năm. Tôi bị bệnh tim, sau đó thay «van» động mạch chủ, phải giải phẩu mổ lồng ngực, cũng may tôi qua khỏi bệnh, rời giường bệnh về nhà. Nhớ lại thuở ấu thơ, tôi bật tiếng cười... khi mình còn nhỏ cha mẹ dìu dắt từng bước một, tập đi chập chững, mỗi bước đi cả nhà đều vui mừng, vỗ tay khuyến khích. Và sau 84 năm, tôi cũng bắt đầu tập đi từng bước một như thời thơ ấu, lần này vợ con tôi dìu dắt tập tôi đi từng bước một, cho đến nay đi khá vững và ngồi được lâu (như trong ngày giới thiệu sách "Chuyện Thuở Giao Thời". Như vậy tôi đã có hai lần tập đi trong đời, rất lý thú...".
Các bà tranh nhau tới đứng gần tác giả "Chuyện Thuở Giao Thời" chụp hình kỷ niệm ngày vui hôm nay.
Rất cảm động. Một buổi chiểu mùa Đông mà ấm áp như mùa Xuân. Thật đúng!




Hội Ca Hát Cao niên Paris tiếp tục trình diễn phần văn nghệ với các bản tân nhạc (có múa phụ diễn) và các bài vọng cổ.
Sau cùng, các bà biết Tiểu Tử biết ca vọng cổ nên yêu cầu ông ca cho hội trường nghe một câu mà thôi.
Hôm nay là lần đầu tiên, kể từ sau khi mổ tim, ông ngồi suốt bốn giờ liền mà chưa thấy mệt. Bịnh tim thường do ảnh hưởng ngoại cảnh. Tiểu Tử cất tìếng đờn miệng để bắt nhịp vô vọng cổ. Ông ca một đoạn trong bài "Đường về quê ngoại". Tuy sức còn yếu nhưng ngoại cảnh giúp sức, ông xuống câu cũng mùi tận mạng.
Cả hội trường, nhứt là các bà, ai cũng nhiệt liệt vổ tay tán thưởng. Muốn yêu cầu ca tiếp câu nữa, nhưung bà con không dám… Văn nghệ cho tới bế mạc để trả lại phòng họp vào 17 giờ.










Huỳnh Tâm
(hình của Huỳnh Tâm








--
Chân thành chào đón và cảm ơn những đóng góp đứng đắn, hữu ích, và thiết thực của bạn. DĐKTTG dành cho tất cã mọi người để đóng góp những đề tài liên quan đến kinh tế cũng như tôn giáo, chính trị, y tế-sức khỏe, đời sống gia đình-xã hội,giáo dục,giao thông, tình yêu,v.v..NGOẠI TRỪ KHIÊU DÂM. Không được đã kích, bài bác, và mạ lỵ cá nhân, hội đoàn, và tôn giáo. Tôn trọng ý kiến của thành viên <nếu không thích vui lòng XÓA > đễ diễn đàn tiến triễn tốt đẹp. Người đăng hay chuyển tin hoàn chịu trách nhiệm về nội dung tin tức.
Nếu có sự nhầm lẫn của BĐH và cần lấy email ra khỏi nhóm, vui lòng liên lạc bdh9qt@gmail.com; hay email: usaelection+unsubscribe@googlegroups.com, và theo chĩ dẫn;
Đăng bài, email: usaelection@googlegroups.com;
Ghi tên gia nhập, email: usaelection+owners@googlegroups.com;
Đọc các email đã đăng, vào: https://groups.google.com/d/forum/usaelection;
Thân Kính, BĐH.
---
You received this message because you are subscribed to the Google Groups "1 DĐKTTG" group.
To unsubscribe from this group and stop receiving emails from it, send an email to usaelection+unsubscribe@googlegroups.com.
To post to this group, send email to usaelection@googlegroups.com.
Visit this group at http://groups.google.com/group/usaelection.
For more options, visit https://groups.google.com/d/optout.