Nội dung thư

Thursday, March 26, 2015

* Đến Đà Lạt – Ghé thăm thánh thất Cao đài lớn nhất Việt Nam


Toàn cảnh thánh thất Đà Lạt

Nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 7km về hướng Đông, thánh thất Đa Phước, hay còn gọi là thánh thất Đà Lạt thuộc Hội thánh Cao đài Tây Ninh được xem là thánh thất Cao đài lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Công trình kiến trúc tôn giáo này được đặt nền móng xây dựng từ năm 1938 do Lễ sanh Ngọc Ngọ Thanh (Thế danh Trần Văn Ngọ) một chức sắc Cao đài Tây Ninh được Hội thánh cử đến đây truyền đạo.Năm 1941, tín đồ đạo Cao Đài nơi đây đã trùng tu thánh thất và xây dựng thêm Điện thờ Phật Mẫu. Năm 1942, Cao đài Tây Ninh tiếp tục cử chức sắc lên Đà Lạt để đẩy mạnh việc phát triển đạo ở khu vực Tây Nguyên. Chính vì vậy, vào đầu những năm 50 của thế kỷ XX, Hội thánh Cao đài Tây Ninh có dự án nâng cấp thánh thất Đà Lạt thành trung tâm của đạo Cao đài tại khu vực Tây Nguyên. Năm 1952, đích thân Hộ pháp Phạm Công Tắc đã lên đây lựa chọn địa điểm và làm lễ đặt viên đá đầu tiên khởi công cho việc xây dựng thánh thất mới. Bản họa đồ theo mẫu số 2 đã được vẽ từ thời đó với sự phê duyệt của Đức Hộ pháp Phạm Công Tắc (mẫu số 1 là Tòa thánh Tây Ninh, mẫu số 2 (lớn nhất), mẫu số 3 và mẫu số 4 (trung bình), mẫu số 5 và 6 (nhỏ nhất). Họ đạo Cao Đài nào muốn xây dựng thánh thất thì đến Ban Kiến trúc của Tòa thánh lựa chọn mẫu họa đồ thích hợp với diện tích đất của Họ đạo, đồng thời Hội thánh cử công thợ chuyên môn xuống địa phương xây dựng và trang trí theo đúng qui cách thống nhất mà Hội thánh qui định).Tuy nhiên, do tình hình khó khăn của đất nước lúc bấy giờ nên việc thi công thánh thất tạm thời bị ngưng trệ.

Năm 1973, trấn đạo (đơn vị hành chính tôn giáo của đạo Cao đài tương đương 5 tỉnh) Tuyên Đức - Ninh Thuận đặt trụ sở tại Đà Lạt. Theo đó, đạo Cao đài ở Đà Lạt cũng có một sự phát triển nhất định, đến năm 1975 đã có 16 hương đạo và 6.500 tín đồ. Sau năm 1975, hệ thống tổ chức của đạo Cao đài tạm thời giải thể, chức sắc, chức việc và tín đồ về tu tại gia. Đạo Cao đài ở Đà Lạt được chính quyền địa phương cho phép thành lập Ban Cai quản và duy trì các sinh hoạt tôn giáo thuần túy. Năm 1997, Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân đối với Cao đài Tây Ninh, chức sắc, tín đồ nơi đây vui mừng, phấn khởi, tin tưởng vào chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước, yên tâm sinh hoạt tôn giáo và tích cực tham gia các phong trào ở địa phương. Hiện nay, đạo Cao đài Tây Ninh ở Đà Lạt đã có 5 họ đạo với quy mô khá lớn: 54 chức sắc, chức việc và hơn 8.000 đạo hữu.

Năm 2005, với sự quyết tâm của toàn thể tín đồ Họ đạo Đa Phước, thánh thất Đà Lạt được khởi công xây dựng lại theo mẫu số 2 của Tòa thánh Tây Ninh (giấy phép xây dựng ngày 17 tháng 6 năm 2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng). Hội thánh Cao đài Tây Ninh tiến hành xây cất vào ngày 17 tháng 9 năm 2005 với diện tích xây dựng là 1.627 mét vuông, trên tổng diện tích đất là 14.774 mét vuông. Công trình xây dựng trị giá vật tư trên 7 tỷ đồng, số tiền rất lớn so với giá trị lúc bấy giờ. Bên cạnh đó còn chưa kể đến công quả của hàng vạn công thợ và tín đồ giúp sức. Thánh thất được chính thức khánh thành ngày 30 tháng 7 năm 2010, trở thành thánh thất Cao đài lớn nhất Việt Nam hiện nay và là một trong những cơ sở tôn giáo lớn nhất Đà Lạt.

Tọa lạc trên một ngọn đồi diện tích 10 ha, xung quanh được che phủ bởi những rặng thông đã tạo nên cho thánh thất một vẻ nên thơ lẫn trang nghiêm. Khi du khách đến thăm viếng thánh thất, ấn tượng đẹp đầu tiên chính là khung cảnh hài hòa giữa kiến trúc tôn giáo với cảnh quan thiên nhiên. Được xem là phiên bản 2 của Tòa thánh Tây Ninh nên về kiến trúc tổng thể cơ bản giống như cấu trúc ngôi Đền thánh, có đầy đủ Tam Đài là: Hiệp Thiên Đài (phía trước), Cửu Trùng Đài (ở giữa) và Bát Quái Đài (phía sau). Nhìn từ phía trước vào, người ta luôn thấy hình ảnh của một Toà thánh Tây Ninh thu nhỏ.

Khu vực lối vào chính, phía trước có 4 cột trụ gọi là cột Long Hoa. Mỗi bên có hai cột song song, một đắp hình rồng đỏ (LONG), một đắp hình hoa sen (HOA), chạm trổ rất tinh tế, màu sắc rực rỡ, tượng trưng Đại hội Long Hoa, một giai đoạn chuyển kiếp tiến hóa của nhân loại. Để vào thánh thất, người ta phải bước qua năm bậc thềm, tượng trưng cho Ngũ Chi Đại Đạo và năm bước tiến hóa của nhân loại theo quan điểm của đạo Cao đài: Nhân, Thần, Thánh, Tiên, Phật.

Qua năm bậc thềm của lối vào chính là khu vực Tịnh Tâm Điện. Phía trước là bức tranh Tam Thánh Cao đài đang ký Thiên Nhơn hòa ước, họa giống hình của Tòa thánh Tây Ninh. Gian trong của thánh thất gọi là Chánh điện phía sau bức tranh Tam Thánh Cao đài, đối diện với bàn thờ Thượng Đế là bàn thờ Hộ pháp vẽ hình chữ Khí bằng chữ Hán, nhưng không đắp tượng Hộ phápPhạm Công Tắc như ở Tòa thánh Tây Ninh.

Hiệp Thiên Đài nổi bật với 2 lầu chuông, trống cao vút, mỗi lầu cao 18m, gồm 5 tầng, có sự kế thừa kiểu tháp chuông nhà thờ công giáo. Cửu Trùng Đài nằm giữa Chánh điện, nối liền Hiệp Thiên Đài với Bát Quái Đài. Khu vực này có 6 cột trụ phân làm 2 bên, nhưng không trang trí hình rồng như của Tòa thánh mà phía dưới mỗi cây cột được một đóa hoa sen lớn màu đỏ đỡ lấy. Bát Quái Đài nằm phía cuối của thánh thất với 8 cột trụ rồng xếp thành Bát quái, nhưng không làm quả CànKhôn như Tòa thánh Tây Ninh mà thay vào đó là một bàn thờ lớn có 5 bậc:
Bậc thứ nhất là một hình Thiên Nhãn lớn tượng trưng Thượng Đế, kế dưới là một ngọn đèn Thái Cực luôn luôn được thắp sáng không để cho tắt.
Bậc thứ hai thờ 3 vị giáo chủ của 3 tôn giáo lớn là Đức Phật Thích Ca giáo chủ Phật giáo, Lão Tử giáo chủ Đạo giáo, Khổng tử giáo chủ Nho giáo.
Bậc thứ ba thờ Quan Thế Âm Bồ Tát, Đại Tiên Lý Thái Bạch, Quan Thánh Đế Quân, ba vị này đại diện cho Tam giáo trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ theo giáo lý đạo Cao đài.
Bậc thứ 4 thờ Chúa Giêsu giáo chủ của Kitô giáo tượng trưng Thánh Đạo.
Bậc thứ 5 thờ Khương Tử Nha giáo chủ Thần đạo.

Hiện nay, Họ đạo Đa Phước đang tiếp tục xây dựng lại Điện Thờ Phật Mẫu, cùng với thánh thất đã tạo nên một cảnh quan kiến trúc tôn giáo vô cùng độc đáo, góp phần tô điểm thêm vào bức tranh độc đáo của thành phố vùng cao, là một địa điểm hấp dẫn cho du khách đến thăm quan, chiêm ngưỡng.




Thánh thất Đà Lạt nhìn từ xa


Bên trong chánh điện của thánh thất Đà Lạt