Nội dung thư

Thursday, March 6, 2014

* Hậu quả của chính sách một con ở Trung Quốc

Thời sự Mar 3, 2014 at 10:18 pm


Lý Anh
Trung Quốc bắt đầu thực hiện chính sách một con từ năm 1979 nhằm hạn chế tốc độ tăng dân số. Nhờ chính sách này, nước đông dân nhất nhì thế giới này ngăn chặn được 400 triệu người ra đời, kiềm chế dân số ở mức 1,3 tỷ người. Tuy nhiên, chính sách này đã gây ra một hậu quả nghiêm trọng. Nhiều người lo ngại Trung Quốc sẽ “ngày càng lão hóa”. Hiện thời, số người về hưu ở Trung Quốc chiếm 11% dân số; năm 2050, nếu không thay đổi, tỷ lệ này sẽ lên đến 31%. Liên Hợp Quốc ước tính, trong 10 năm, từ 2020 đến 2030, Trung Quốc thiếu 67 triệu người lao động. Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng cảnh báo, năm 2030, Trung Quốc thiếu 140 triệu người lao động.
Trong một báo cáo về chính sách một con, các nhà nghiên cứu trong Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nhận định, thói trọng nam khinh nữ kết hợp với chính sách một con dẫn đến tình trạng mất cân bằng nghiêm trọng về tỷ lệ nam-nữ. Hiện nay, tại thành phố, tỉ lệ này là 120 nam/100 nữ, nông thôn là 130 nam/100 nữ. Trong 10 năm tới, Trung Quốc sẽ thừa từ 30 đến 40 triệu nam giới. Như vậy, cứ 5 con trai sẽ có 1 người không kiếm được vợ. Các vấn đề xã hội khác cũng xuất hiện như tình trạng ly hôn ngày càng nhiều…
Các nghiên cứu mới nhất về thế hệ trẻ sinh ra trong chính sách một con cho thấy, chúng thường được cha mẹ, ông bà… cưng chiều quá mức, khiến nhiều người liên tưởng đến những vị “tiểu hoàng đế” của thời kỳ phong kiến. Hậu quả, những “tiểu hoàng đế” này khi lớn lên sẽ trở thành người có những đặc điểm khá giống nhau, như: ít tự tin, kém cạnh tranh, bi quan, sợ hãi, ít tận tụy… Lớp người trẻ này không dám chấp nhận rủi ro hay thất bại để thành công. Khi bước vào cuộc sống sẽ sinh ra một lực lượng lao động “sợ rủi ro”, vào lính sẽ khiến cho quân đội nước này ngày càng suy nhược.
Chính sách một con khiến cho quân đội suy nhược
Ngày 02/06/2014, tờ South China Post đưa tin, với 70% binh lính trong quân đội Trung Quốc hiện nay, những người sinh ra sau thập niện 80, nhiều người đặt câu hỏi: “Sau khi thực hiện chính sách một con, quân đội Trung Quốc có đủ sức mạnh đối phó với các tình huống trên chiến trường hay không?”. Câu hỏi này cảnh báo, khả năng chiến đấu thực sự của quân đội Trung Quốc, trong đó hơn 70% xuất thân từ gia đình con một, sẽ không đối diện được với nỗi kinh hoàng khi xảy ra chiến tranh! Tôn Hữu Bằng, một thanh niên Trung Quốc nhập ngũ sau khi tốt nghiệp Đại học năm 2010, nói với ký giả South China Post: “Là con một được cưng chiều, tôi trở thành một thanh niên hư hỏng. Năm đầu tiên nhập ngũ, hằng đêm tôi khóc trong chăn vì nhớ nhà và bạn gái”.
Các bản tin từ Nhật báo Quân giải phóng Trung Quốc (People’s Liberation Army Daily) cũng cho biết, nhiều người lính mới từng giả bệnh để tránh các khóa đào tạo khó khăn, gian khổ… Chính sách một con của Trung Quốc cũng khiến giới truyền thông Nhật Bản và Đại Hàn đặc biệt chú ý. Tháng 12/2013, tờ Korea Times phân tích, nếu bùng nổ xung đột ở Senkaku (Điếu ngư đài), quân đội Trung Quốc sẽ bị lực lượng phòng vệ Nhật Bản đánh bại. Bởi vì hầu hết lính Trung Quốc là những “tiểu hoàng đế hư hỏng”.
Lưu Minh Phúc, giáo sư Trường Đại học Quốc phòng Trung Quốc, nói với ký giả Southern Weekly, ít nhất 70% lính Trung Quốc là con một. Con số này lên tới 80% ở các đơn vị chủ lực sẵn sàng chiến đấu.
Ông Phúc nhấn mạnh rằng, Trung Quốc thời cổ đại cấm không cho con một đi chiến đấu, ở Nhật Bản các nhà lãnh đạo quân sự có trách nhiệm ngăn chặn việc cho con trai trưởng đi làm các nhiệm vụ có nguy cơ cao. Giáo sư Lưu Minh Phúc cũng nói rằng, lính mới trong quân đội Trung Quốc thường cần hai năm để điều chỉnh cuộc sống, đặc biệt khi huấn luyện gặp nhiều khó khăn cần phải tư vấn về tâm lý.
Ông Phúc còn cho biết thêm, mặc dù quân đội nước này đã xây dựng các chương trình huấn luyện đặc biệt cho những thanh niên “hư hỏng” để tăng cường khả năng chiến đấu, nhưng tỉ lệ con một quá cao trong quân đội vẫn là một nỗi sợ hãi chiến lược. Ít nhất là trong một thập kỷ, quân đội Trung Quốc phải đối mặt với những thiếu hụt trầm trọng về người lính có tinh thần và khả năng chiến đấu.
Antony Uông Đông, chuyên viên quân sự ở Macau, cho biết, từ những năm 1990, nhiều quan chức quân sự Trung Quốc và các nhà quan sát đã lên tiếng lo ngại về tác động của chính sách một con đối với an ninh lâu dài của đất nước. Nghê Lạc Hùng, chuyên viên quân sự tại Thượng Hải, cũng cho biết, loại bỏ chính sách một con vẫn không giúp quân đội Trung Quốc giải quyết vấn đề nhân lực trong hai thập kỷ tới. Muốn đầy đủ nhân lực, Bắc Kinh phải chờ ít nhất 20 năm, khi những đứa con thứ hai trong gia đình trở thành thanh niên, điều đó có nghĩa Trung Quốc vô cùng lo ngại khi có chiến tranh.
Thất bại nghiêm trọng của chính sách một con
Sau khi Trung Quốc công bố nới lỏng chính sách một con, mỗi gia đình có thể sinh thêm đứa con thứ hai, ngày 11/01/2014, nhóm các nhà khoa học của trường Đại học Monash (Australia) công bố công trình nghiên cứu về những lao động sinh ra trong thời gian thực hiện chính sách một con như sau: Sau khi tìm hiểu 421 thanh niên sinh ra trong các gia đình một con từ 1975 đến 1983 rút ra nhận xét: Họ có đặc điểm chung là được hưởng chế độ dinh dưỡng và giáo dục tốt hơn rất nhiều người dân Trung Quốc khác. Tuy nhiên, cũng có những đặc trưng khá “nhạy cảm và đáng lo ngại”. Cũng là “con một”, nhưng… những thanh niên sinh từ 1975 đến 1978 (trước khi áp dụng chính sách một con) có khả năng thích ứng và phấn đấu cao hơn những “cậu ấm” sinh ra từ 1979 – 1983.
Giáo sư Châu Hồng (Zou Hong), giảng dạy tâm lý học tại trường Đại học Bắc Kinh, từng tham gia vào công trình nghiên cứu trên, nhận xét: “Kết quả trên không khiến tôi ngạc nhiên… Chỉ có những đứa trẻ trong gia đình một con mới được yêu thương, được cung cấp đầy đủ mọi thứ mà không hề phải cố gắng. Ở nhà là thế, khi ra ngoài xã hội, chúng không khác những người khác nhưng vì được bảo bọc quá kỹ càng, chúng cảm thấy mất mát, và sợ hãi khi phải cạnh tranh”.
Cũng theo giáo sư Châu Hồng, cha mẹ đã “truyền sự sợ hãi” sang con cái mình. “Mỗi khi con ốm, cha mẹ thường lo lắng và sợ hãi quá mức. Hiện tượng đó đã truyền sang đứa con một, biến chúng trở thành người quá nhạy cảm và luôn luôn lo lắng”.
Năm 2013, một tổ chức nghiên cứu chính sách một con đề nghị các nhà lãnh đạo từ bỏ dần dần chính sách này. Từ 2015 trở đi, nên cho phép mỗi gia đình có hai con. Trong báo cáo của tổ chức này viết. “Chính sách một con bắt chúng ta phải trả giá quá đắt về chính trị và xã hội. Nó tạo ra nhiều xung đột xã hội, chi phí hành chính quá cao, mất cân bằng giới tính trầm trọng. Thậm chí còn có những hậu quả đau lòng như tệ nạn phá thai hoặc giết chết trẻ sơ sinh là con gái bởi gia đình nào cũng theo truyền thống trọng nam, khinh nữ”.
Nữ giáo sư Toni Falbo, giảng dạy môn giáo dục tâm lý của trường Đại học Texas (Hoa Kỳ) từng nghiên cứu về những đứa trẻ này, cho biết bà cảm thấy rất ngạc nhiên khi thấy chúng thể hiện năng lực nghèo nàn và yếu ớt. Bất chấp các thử nghiệm được tiến hành nhiều lần và bằng nhiều phương pháp khác nhau. Theo bà, trẻ con ở Mỹ và ở Trung Quốc đang ngày càng khác nhau xa. Ở Trung Quốc, chúng là con một nên thường phải lớn lên cùng với rất nhiều kỳ vọng khác nhau. Cha mẹ thường mong muốn chúng trở thành đứa trẻ tốt nhất. Trong khi đó, người Mỹ chỉ muốn con cái họ vui vẻ, không hề đặt mục tiêu con cái họ trở thành “đứa trẻ giỏi nhất thế giới” trong bất kỳ lĩnh vực nào”.
Trương Nghệ Mưu vi phạm chính sách một con
Tháng 05/2013, dự luận Trung Quốc xôn xao trước thông tin nhà đạo diễn lừng danh Trương Nghệ Mưu có bảy người con với bốn bà vợ! Do vi phạm chính sách “một con”, ông phải đối mặt với mức án phạt lên tới 160 triệu Nhân dân tệ (khoảng 26 triệu Mỹ kim). Nghe được tin này, Hội đồng Dân số và Kế hoạch hóa gia đình thành phố Vô Tích, nơi người vợ hiện tại của đạo diễn họ Trương có hộ khẩu, đã ra lệnh truy tìm và điều tra các thông tin Trương Nghệ Mưu có con chui.
Ngày 01/12/2013, trên trang mạng xã hội Weibo, đạo diễn Trương Nghệ Mưu chính thức thừa nhận ông đã vi phạm luật dân số, nhưng không phải bảy con với bốn bà vợ như người ta vẫn đồn đại. Thực ra ông chỉ có ba con (hai trai, một gái) với người vợ hiện tại là Trần Đình, cộng thêm cô con gái tên gọi Trương Mạt với người vợ cũ đã ly hôn, tổng cộng ông có bốn người con.
Điều khiến dư luận quan tâm là vị đạo diễn giàu có này sẽ phải đóng phạt bao nhiêu? Căn cứ vào mức thu nhập bình quân đầu người của thành phố Vô Tích, án phạt có thể vào khoảng 100.000 Mỹ kim. Tuy nhiên, một nguồn tin khác cho hay, tỉnh Giang Tô còn có một mức phạt khác đối với những ai vi phạm chính sách “một con” với mức phạt từ năm đến tám lần thu nhập của hai vợ chồng. Theo cách phạt này, đạo diễn họ Trương sẽ phải nộp phạt 26 triệu Mỹ kim.
Chính sách sinh đẻ mới của Trung Quốc
Cuối năm 2013, Trung Quốc chính thức nới lỏng chính sách một con, cho phép các cặp đôi được sinh con thứ hai nếu cha hoặc mẹ là con một. Theo Washington Post, quyết định này là một bước tiến lớn nhằm hạn chế tình trạng cưỡng bức phá thai và bỏ rơi con diễn ra trong suốt 35 năm nước này nghiêm khắc thực hiện chính sách một con. Mặc dù vậy, hiện nay rất nhiều cặp vợ chồng người Trung Quốc không muốn sinh đứa con thứ hai. Bởi vì, mối quan tâm chung của các cặp vợ chồng trên là giá nhà và chi phí trông trẻ quá đắt đỏ, thời gian làm việc quá dài, sinh con sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Như vậy, muốn hay không, nhiều thập niên sau, kinh tế Trung Quốc vẫn gặp nhiều cản trở vì không đủ lao động, ngoài ra còn nảy sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp khác.
Lý Anh


- See more at: http://thoibao.com/2014/03/03/hau-qua-cua-chinh-sach-mot-con-o-trung-quoc/#sthash.Voxr2ARA.dpuf