Nội dung thư

Sunday, June 15, 2014

* Trung Quốc: một "cường quốc"về ngụy tạo

left align image
Máy bay F-15 của Nhật bay gần sát với máy bay Trung Quốc (hình ảnh từ video của phía Trung Quốc)

Tokyo vừa chỉ ra rằng đoạn video đăng tải trên website Bộ Quốc phòng Trung Quốc tố cáo Nhật Bản là giả mạo. Một bằng chứng nữa cho thấy Bắc Kinh là “trùm” vu cáo nước khác.

Sự việc diễn ra sau khi ngày 11/6/2014, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cáo buộc máy bay chiến đấu Trung Quốc tiếp cận ở khoảng cách “nguy hiểm” hai máy bay quân sự Nhật tại vùng biển Hoa Đông. Đây là lần thứ hai trong vòng ba tuần lễ, Nhật Bản cảnh cáo Trung Quốc về nguy cơ va chạm trên không.
Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, vào khoảng 11 giờ sáng 11/6, hai máy bay chiến đấu của Trung Quốc SU-27 đã bay sát các phi cơ Nhật với cự ly chừng 30m. Khu vực xảy ra sự cố này cách quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, mà Nhật quản lý, nhưng Trung Quốc đòi chủ quyền, khoảng 200 km đến 300 km về phía bắc.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera thông báo Tokyo đã có công hàm phản đối Trung Quốc về hành động nói trên. Ông Onodera nói hành động này có thể dẫn đến “một tai nạn”, và hy vọng sẽ không tái diễn một trường hợp tương tự. Phía Nhật Bản cho rằng hai bên nên thiết lập một đường dây nóng giữa các giới chức quốc phòng để phòng ngừa nguy cơ này.
Tuy nhiên, truyền thông Trung Quốc ngay sau đó đã lật ngược sự thật, chỉ trích Nhật Bản “hành vi mạo hiểm”. “Bằng chứng” cho sự cáo buộc Nhật của Trung Quốc là hai đoạn video cho thấy máy bay quân sự giữa hai nước suýt va chạm.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc tung ra hai đoạn video trên trang mạng của mình, cho thấy các máy bay bay sát nhau 30m. Tân Hoa xã cho đăng một bài báo cáo buộc Nhật Bản “gây nguy hiểm nghiêm trọng tới sự an toàn của máy bay Trung Quốc”, và gọi đoạn video là “phim kinh dị do Abe [Thủ tướng Nhật] sản xuất”.
Ngay tức khắc, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nhấn mạnh những cáo buộc của Trung Quốc đối với Nhật Bản là sai sự thật. Ông Suga cho rằng các máy bay trọng đoạn băng ghi hình do Trung Quốc đưa ra trước đó là máy bay khác. Ông lặp lại rằng Tokyo yêu cầu thiết lập cơ chế thông tin liên lạc khẩn cấp giữa hai nước nhằm giải quyết các cuộc khủng hoảng ở biển Hoa Đông.
"Chúng tôi cho rằng những cáo buộc của Trung Quốc rằng máy bay chiến đấu của Nhật Bản bay cách máy bay của họ 30m và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn bay là sai sự thật" - ông Suga khẳng định. Ông Suga cũng yêu cầu Bắc Kinh rút đoạn video ghi lại vụ việc.
Đây là một bằng chứng nữa cho thấy Trung Quốc rất giỏi dựng chuyện. Mới đây hôm 9/6, Bắc Kinh đã gửi kháng thư lên Liên Hiệp Quốc vu cáo tàu Việt Nam tấn công tàu bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981 (đang hạ đặt trái phép tại thêm lục địa của Việt Nam) tới hơn 1400 lần và cáo buộc Việt Nam “vi phạm chủ quyền của họ”.
Việc Trung Quốc ngang nhiên kéo và hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là điều không phải bàn cãi. Nó rõ ràng hơn bất cứ thứ gì. Ấy vậy mà Trung Quốc lại có thể đặt điều rằng Việt Nam xâm phạm “chủ quyền” của họ khi đưa tàu ra ngăn cản hoạt động phi pháp của giàn khoan kia. Không hiểu sao lãnh đạo Trung Quốc lại có thể ngang ngược đưa ra những luận điệu phi lý: vào nhà người ta rồi lại bảo đó là nhà của mình. Nếu không cậy vào sức mạnh, ỷ to hiếp bé thì liệu Trung Quốc có thể ngạo mạn đến thế? Rõ ràng với Trung Quốc, luật pháp quốc tế chả là gì cả!
Trình độ nói dối của lãnh đạo Trung Quốc cũng còn quá sống sượng và thực sự là họ bịa đặt không biết ngượng mồm. Trong khi huy động tới cả trăm chiếc tàu đủ loại, gồm cả tàu chiến trang bị vũ khí tận răng, vậy mà trong bản kháng thư gửi LHQ hôm 9/6, họ lại bảo là bị tàu Việt Nam đâm tới 1.400 lần. Lý lẽ này của Trung Quốc không thể nghe được.

"Cường quốc" ngụy tao lịch sử

Tối cao Pháp viện Philippines vừa bác bỏ việc Trung Quốc dựa vào các tấm bản đồ để đòi chủ quyền đối với khoảng 90% Biển Đông. Thẩm phán Antonio Carpio gọi những tấm bản đồ đó là “ngụy tạo lịch sử khổng lồ” của Trung Quốc.
Thẩm phán Carpio cho biết ông đã nghiên cứu 72 bản đồ cổ, trong đó 15 bản có xuất xứ Trung Quốc. Theo lời ông, trên các bản đồ thời nhà Tống (960-1279), nhà Minh (1368-1644) và nhà Thanh (1644-1912), đảo Hải Nam luôn được ấn định là vùng lãnh thổ cực nam của Trung Quốc. Toàn bộ các bản đồ hiện được bảo quản dành cho tiếp cận công khai trong Thư viện Quốc gia Mỹ.
Thẩm phán Philippines nhấn mạnh sự cần thiết dựa trên những cứ liệu lịch sử chân thực để phản bác tuyên bố của Trung Quốc về Biển Đông, bởi chính quyền Bắc Kinh đang dùng lối bóp méo sự thật để hình thành ý kiến ​​công chúng đồng thời tuyên bố sẵn sàng dùng vũ lực bảo vệ quyền chủ quyền Trung Quốc.

left align image
Thủ tướng Đức Angela Merkel giới thiệu với Chủ tịch Trung Quốc tấm bản đồ cổ Trung Quốc "đồ thật" không bao gồm Hoàng Sa, Trường Sa nhân chuyến thăm Berlin hồi tháng 4/2014 của ông Tập Cận Bình

"Trung Quốc nêu ra những bản đồ cổ của Trung Quốc như những sự thật lịch sử để đòi chủ quyền các đảo, các bãi đá, các bãi cạn và các vùng biển bên trong đường 9 đoạn mà họ vạch ra ở Biển Đông. Trước hết, chúng tôi phải khẳng định là dựa theo luật pháp quốc tế một tấm bản đồ tự nó không cấu thành một giấy chủ quyền lãnh thổ hoặc một văn kiện pháp lý để xác định các quyền về lãnh thổ” - ông Carpio cho biết.
Tiến sĩ Myron Nordquist, một chuyên gia của Trung tâm Luật pháp và Chính sách Hải dương của Đại học Virginia, Mỹ, cho rằng bản đồ và những dữ liệu bổ sung nên được xem là những tài liệu hỗ trợ cho các yêu sách chủ quyền. Ông nói: “Quí vị phải làm nhiều hơn là chỉ đưa ra một yêu sách. Quí vị phải chứng tỏ sự chiếm lĩnh có hiệu lực. Và Trung Quốc chưa làm được như thế".
Ông Nordquist cho biết thêm rằng một nước yêu sách chủ quyền cần phải có quyền lực hoặc quyền hạn đối với lãnh thổ đó và điều đó không thể thực hiện trong lúc có sự phản đối của một nước khác. Việc sử dụng bản đồ để củng cố yêu sách chỉ có tác dụng tối thiểu.
Euan Graham, nhà nghiên cứu cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu An ninh Hải dương của Trường Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam ở Singapore, nói: "Trung Quốc có thể tạo ra một yêu sách dựa trên các cơ sở lịch sử đối với các hòn đảo ở Biển Đông và nộp những bản đồ mà họ tin là có lợi cho luận cứ của họ, nhưng đường 9 đoạn không phù hợp với Luật biển Liên Hiệp Quốc".
Cuối tháng 3/2014, Philippines đã nộp cho Tòa án Trọng tài Quốc tế về Luật Biển những giấy tờ để hậu thuẫn cho đơn kiện của họ. Đơn kiện này cho rằng yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc là quá đáng. Tháng trước, Tòa án Trọng tài Thường trực Quốc tế đã cho Trung Quốc tới ngày 15/12 để Trung Quốc nộp các giấy tờ phản bác lập luận của Philippines. Tuy nhiên Trung Quốc lại một lần nữa không chịu tham gia vụ phân xử này. Câu hỏi được nhiều người đặt ra là nếu Trung Quốc khẳng định có bằng chứng về yêu sách của họ với 90% Biển Đông thì tại sao họ không dám ra tòa? Phải chăng những bằng chứng của họ chỉ là ngụy tạo?!