Nội dung thư

Sunday, June 29, 2014

* Bổ Chính Về Tổng Số Quân Thanh Tử Trận Tại Nước Ta

 

June 28, 20140 Bình Luận
2014 june 28 300px-Battle_at_the_River_Tho-xuong

Về trận chiến Việt Thanh cuối năm Mậu Thân (1788), đầu năm Kỷ Dậu (1789) tuy đã có nhiều tài liệu đầu tay (primary sources) của Thanh triều được công bố các sử gia vẫn còn thắc mắc:
Số quân Thanh thực sự tham chiến ở nước ta là bao nhiêu?
Số quân Thanh tử trận ở nước ta là bao nhiêu?

Những con số 20 vạn, 29 vạn tuy có thoả mãn một chút tự hào dân tộc nhưng không thể chấp nhận một cách dễ dãi nếu chúng ta đi sâu vào cơ cấu hành chánh và tổ chức quân sự của Thanh triều để biết họ phân phối, bố trí và điều động binh lính như thế nào?
Về lực lượng chiến đấu, nhà Thanh đưa sang hai đạo quân dưới quyền tiết chế của tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị, một đạo đi theo đường Quảng Tây do đề đốc Hứa Thế Hanh chỉ huy, một đạo đi theo đường Vân Nam do đề đốc Ô Đại Kinh chỉ huy.
Trong hai cánh quân mà sử nhà Thanh gọi là chính binh và kỳ binh [quân trực tiếp và quân yểm trợ] tạo thành hai gọng kềm cùng tiến xuống Thăng Long, chỉ có quân từ Quảng Tây giao chiến với quân Nam, cánh quân Vân Nam khi xuống đến Hưng Hoá thì dừng lại và lập tức rút về khi thấy đoàn quân của Tôn Sĩ Nghị đang đóng ở Thăng Long bị đánh bại, không dám tiến xuống giải vây hay tiếp viện cho chủ tướng. Do đó, sử Trung Hoa cũng như sử nước ta thường chỉ đề cập đến toán quân Thanh đi theo đường Nam Quan là lực lượng chính yếu đã tham dự vào cuộc động binh này.
NHỮNG KHÓ KHĂN TRONG VIỆC TÌM HIỂU CÁC CON SỐ
Tuy chỉ là một chiến dịch tương đối ngắn ngủi, số lượng quân Thanh tham chiến không cố định vì có thể ước tính theo nhiều cách:
Tập hợp của cả hai đoàn quân Lưỡng Quảng – Vân Quí của nhà Thanh: Con số này ngoài binh sĩ còn có hàng chục vạn dân phu, hàng nghìn bò ngựa để chuyên chở lương thực, súng ống và quân trang nên nếu nói theo ước lượng của nước ta là 20 vạn quân Thanh [thực ra trong hịch của nhà Thanh họ thổi phồng lên đến 50 vạn] thì cũng không phải là quá xa sự thực vì ngoài đôi chút phô trương, số dân phu tải lương theo lối “cổn vận” đi theo từng đoàn, đến địa điểm rồi lại quay về liên tục như mắt xích nên lúc nào cũng lũ lượt không dứt.
Chỉ tính riêng đoàn quân Quảng Tây do đích thân Tôn Sĩ Nghị điều động: Nếu chỉ tính quân sĩ thực sự do Tôn Sĩ Nghị, Hứa Thế Hanh, Trương Triều Long, Thượng Duy Thăng chỉ huy, con số này ít hơn nhiều nhưng lại có thêm cờ xí chiêng trống, diệu võ dương oai, cũng tạo nên một bề ngoài hùng tráng khiến dân chúng miền Bắc phải hoảng sợ.
Tính tập hợp mọi lực lượng chính qui, phụ trội và yểm trợ: Bao gồm cả quân chính qui, quân địa phương, quân thiểu số ở biên giới đi theo quân Thanh và quân nhà Lê, thổ hào … cùng tiến xuống rồi sau đó chia ra trấn giữ khắp nơi. Ngoài các đạo quân thiểu số Thái, Thổ, Miêu…, còn có xưởng dân là những người Trung Hoa lén lút trốn sang nước ta khai khẩn mỏ đồng, mỏ thiếc [mà theo báo cáo của Tôn Sĩ Nghị thì đông đến mấy vạn người].
Cũng nên thêm mấy năm đó mùa màng thất bát, loạn lạc nên nhiều nơi không đủ lương thực. Khi vua Càn Long ra lệnh cung cấp nuôi ăn những ai đi theo cần vương, số người hưởng ứng rất đông. Nếu tính chung mọi thành phần, tuy nhà Thanh chỉ đưa chừng 1 đến 2 vạn quân chính qui[1] lực lượng hậu cần và phụ trợ có thể to lớn hơn đưa đến những con số ảo mà người nghiên cứu phải cân nhắc.
Trong biên khảo ngắn này, chúng tôi chỉ tập trung vào điểm thứ 2 là đoàn quân do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy. Tuy nhiên tính riêng cánh quân Lưỡng Quảng cũng không dễ dàng vì đoàn quân mà Tôn Sĩ Nghị tế cờ mở cửa tiến sang nước ta chỉ là một bộ phận ban đầu, sau đó được bổ sung nhiều đợt (cả quân lính lẫn phu dịch) vừa gia nhập vào đại quân, vừa chia ra bảo vệ những lương đài [đài trạm] tất cả 17 chỗ dọc từ Lạng Sơn xuống đến Thăng Long. Ngoài ra, ở những nơi hiểm yếu, quân Thanh cũng lập những đồn bót [hoặc chiếm được của Tây Sơn] và đóng quân tại đó để đề phòng quân địch tấn công ngang hông cắt đường rút lui. Đó là bố trí rất cơ bản mà trong bất cứ cuộc tiến quân nào quân Thanh đều áp dụng.
Về con số tử thương, chúng tôi chỉ có được những con số chính thức mà Thanh triều tổng kết. Tuy nhiên con số này cũng bất định vì có thể bao gồm nhiều thành phần khác nhau:
Số binh sĩ chết trận ở Thăng Long [và các đồn trại hỗ trợ] trong trận đánh sau cùng
Số binh sĩ chết dọc theo đường tiến quân từ Lạng Sơn xuống kinh đô
Số binh sĩ chết vì bệnh tật [kể cả ở nước ta và sau khi về nước]
Cũng nên thêm rằng để giảm thiểu con số thương vong, Thanh triều chỉ kết toán quân chính qui là quân đội được trả lương và hưởng tiền tử tuất với biểu ngạch nhất định. Các quân phụ trợ như thổ binh, dân binh, xưởng binh … họ chỉ uỷ lạo và không được kể vào những người được đưa vào Chiêu Trung Từ. Nói tóm lại, giữa con số được ghi nhận một cách chính thức và số người thực sự chết trong trận đánh ở Thăng Long có khác biệt và mãi mãi chúng ta không bao giờ có thể biết được chính xác.
LỰC LƯỢNG NHÀ THANH
Bộ Phận Tham Mưu
Theo tổ chức hành chánh và quân đội của Thanh triều, đội quân viễn chinh sang đánh nước Nam được đặt sắp xếp như sau:
Chỉ huy tối cao: Tôn Sĩ Nghị, tổng đốc Lưỡng Quảng
Chỉ huy yểm trợ: Phú Cương, tổng đốc Vân Quí
Chỉ huy quân đội (cánh quân mặt đông): đề đốc Quảng Tây Hứa Thế Hanh (許世亨),[2] có hai phụ tá
tổng binh[3] Quảng Tây Thượng Duy Thăng (尚維昇),[4] phó tướng Tôn Khánh Thành[5]
tổng binh Quảng Ðông Trương Triều Long (張朝龍),[6] phó tướng Lý Hóa Long
Chỉ huy quân đội (cánh quân mặt tây): đề đốc Vân Nam Ô Ðại Kinh,[7] có hai phụ tá:
tổng binh Thọ Xuân Ðịnh Trụ (定柱)[8]
tổng binh Khai Hóa Tôn Khởi Giao (孫起蛟)[9]
QUÂN ÐỘI ÐIỀU ÐỘNG
Quân chính quy
Quảng Ðông:
Năm ngàn (5,000) quân điều động từ tỉnh Quảng Ðông gồm có quân địa phương và đề tiêu (quân trực thuộc đề đốc) mỗi đội 1,500 người, cánh tả, cánh hữu mỗi cánh 1,000 người, do hai tổng binh Trương Triều Long, và Lý Hóa Long chỉ huy, chia từng đội 500 người tổng cộng là mười đội lần lượt kéo đến biên cảnh Quảng Tây. Về sau, Tôn Sĩ Nghị lại điều động thêm 3,000 quân Quảng Đông nữa nhưng chưa đến kịp thì đại quân đã thua chạy về.
Quảng Tây:
Về tỉnh Quảng Tây, ngoài 5,000 quân bản bộ, Tôn Sĩ Nghị cũng điều động 4,000 quân đang trấn giữ ở Nam Quan và các cửa ải, lại tuyển thêm 1,000 quân bổ sung thành 5,000 người nâng quân số của tỉnh Quảng Tây lên tổng cộng 10,000 người.[10] Ngoài lính ra, Quảng Tây còn mang theo 423 con ngựa, về sau tăng viện 3,500 binh sĩ, tổng cộng 13,500 quân và 423 ngựa.
Tính như thế tổng cộng số quân hai tỉnh Quảng Ðông, Quảng Tây được điều động là 21,500 quân. Trong số này, Tôn Sĩ Nghị để lại 4,000 quân đóng giữ các quan ải dọc theo biên giới, 5,000 không theo đại quân chia thành ba toán, 2,000 người ở lại phòng thủ Lạng Sơn, 1,300 người chia ra canh gác 17 kho lương thực được thành lập dọc theo tuyến đường từ Lạng Sơn đến Thăng Long, 1,700 người khác chia ra canh phòng các nơi hiểm yếu. Con số do Tôn Sĩ Nghị và Hứa Thế Hanh đưa xuống Thăng Long khoảng chừng 12,500 người.
Quân phụ trợ
Thổ binh
Các trấn, hiệp, doanh tại đốc phủ đề lân cận cũng được lệnh chuẩn bị thêm vài nghìn quân để điều động sau, tính ra riêng tỉnh Vân Nam cũng dự bị cả thảy hơn một vạn quân. Thổ quan châu Bảo Lạc là Nông Phúc Tấn (農福縉) đem 2,000 quân, Thổ ti Ðiền châu (田洲) là Sầm Nghi Ðống (岑宜棟) cũng dẫn 2,000 thổ binh.[11] Ngoài ra còn thổ quan Ðô Long (都龍) là Hoàng Văn Trăn (黃文溱) và thổ quan Bảo Thắng (保勝) là Hoàng Văn Thao (黃文韜) cũng đem quân đi theo. Riêng mạc hữu xưởng Ba Bồng (波篷) là Lâm Tế Thanh (林際清) được nhà Thanh đặc thưởng hàm tri huyện, thống suất những người trong xưởng đi theo quân Thanh. Cánh quân Vân Quí, nhà Thanh cũng điều động 1,500 thổ binh vùng biên giới Hoa – Việt để dẫn đường.
Mã phu
Tỉnh Quảng Ðông điều động 328 con ngựa, Quảng Tây điều động 423 con ngựa tổng cộng 751 con. Theo tiêu chuẩn mỗi con ngựa là 2 người phu thì họ phải điều động thêm khoảng 1,500 dân phu để phục dịch cho 751 con ngựa. Cũng nên nói rõ là ngựa mà quân Thanh dùng trong chiến dịch không phải là loại ngựa chiến mà là loại ngựa bản địa, nhỏ nhưng dai sức để dùng cho quan quân cưỡi và chở đồ đạc, súng đạn.[12]
Dân phu
Ngoài thành phần lính chính qui, quân Thanh còn có thêm những đoàn dân phu đi theo để chăn ngựa, khuân vác nhưng không rõ rệt là bao nhiêu. Số lượng dân phu làm công tác vận tải súng ống, quân dụng, canh giữ và chuyển vận lương thảo… đóng rải rác dọc theo trục lộ tiến quân hay phục dịch tại mặt trận tính ra còn cao hơn cả binh sĩ.
Số phu dịch này phần lớn là dân chúng vùng nam Trung Hoa bị bắt đi làm công không lương (được cơm ăn trong số gạo họ mang vác) và cả một số người Việt tại các vùng biên giới. Riêng tỉnh Quảng Tây, nhà Thanh đã điều động số dân phu đi theo đoàn quân lên đến 54,000 người, không tính số ở các tỉnh lân cận được sử dụng vào hệ thống hậu cần để chuyên chở gạo thóc, vũ khí, quân trang, quân dụng … từ nơi này đến nơi khác.
Trong số binh lính đưa sang nước ta, số quân của hai tỉnh Vân – Quí là 8,000 người không đụng trận nên rút về được an toàn, số quân từ Quảng Tây ra khỏi Nam Quan là 17,500 người có lẽ là số gần đúng mặc dù không phải ai ai cũng tham chiến.


TỔN THẤT QUÂN THANH

Khi đối chiếu con số Tôn Sĩ Nghị đưa qua Nam Quan chừng 17,500 trừ đi con số 5,000[14] mà họ báo cáo chạy được về thì con số tử trận, mất tích [hay ở lại nước ta sinh sống][15] phải hơn 1 vạn. Con số này phần lớn đóng ở Thăng Long do Tôn Sĩ Nghị và Hứa Thế Hanh trực tiếp chỉ huy nhưng cũng có những toán quân khác lập thành đồn luỹ ở phía nam để bảo vệ đại doanh.
Gần đây, khi đọc lại Cao Tông Thực Lục, chúng tôi tìm được ba đợt tổng kết cuối năm [Kỷ Dậu, Canh Tuất, Tân Hợi] binh sĩ các cấp đã tử trận đã được hưởng tử tuất và đưa vào thờ trong Chiêu Trung Từ. Tổng kết trong ba năm sau cuộc chiến, Thanh triều ghi nhận khoảng chừng 12,000 quan binh Trung Hoa tử trận ở nước ta. Sở dĩ chúng tôi không lấy một con số cố định vì cũng có thể còn nhiều điều cần kiểm chứng thêm khi có tài liệu. Điển hình là du kích Trương Hội Nguyên trong trận đánh chỉ bị thương và là tù binh được trả về nhưng cũng có tên trong danh sách tử tuất [rất có thể chết sau vì vết thương không khỏi]. Cũng không loại trừ việc quan lại Trung Hoa khai man thêm một số tên để thâm lạm tiền tử tuất hay lương bổng là tình trạng khá phổ biến đời Thanh.
Không nói đến những con số mang tính phóng đại trong ngoại sử, số tử thương sau cùng mà chúng ta có thể ghi nhận trong tài liệu chính thức của Thanh triều như sau:
Cao Tông Thực Lục, quyển 1345 (ngày Tân Tị, 30 tháng Chạp, Càn Long 54):
Trong năm vừa qua truy cứu những người sang đánh An Nam chết trận có thổ tri châu Điền Châu là Sầm Nghi Đống 1 người, phó tướng Hình Đôn Hành 1 người, tham tướng Dương Hưng Long, Anh Lâm, Vương Tuyên 3 người, du kích Minh Trụ, Vu Tông Phạm, Trương Thuần, Vương Đàn, Trương Hội Nguyên, Lưu Việt 6 người, thủ bị Lê Chí Minh 1 người, thổ thiên tổng A Cát 1 người, bọn ngoại uỷ ngoại ngạch Hoàng Nhất 18 người, binh lính bọn Vương Tư Hạo 4619 người theo lệ tế và chôn cất, thưởng tuất, tất cả đều được thờ trong Chiêu Trung Từ.
Cao Tông Thực Lục, quyển 1369 (ngày Ất Hợi, 29 tháng Chạp năm Càn Long 55):
Trong năm vừa qua truy cứu những người chết trận trong chuyến đánh An Nam có: du kích Tiêu Ứng Ðắc 1 người, đô ti bọn Hư Văn Khôi 6 người, bọn thủ bị Phùng Thiên Dư 9 người, bọn thiên tổng Dương Phó Long 14 người, bọn bả tổng Lý Thế Tuấn 10 người, bọn ngoại uỷ Tạ Ðình Siêu 91 người, bọn ngoại uỷ ngoại ngạch Quan Tú Phương 14 người, còn lại mã binh, bộ binh, quân sĩ là 6876 người, theo lệ tế và chôn cất, thưởng tuất, tất cả đều được thờ trong Chiêu Trung Từ.
Cao Tông Thực Lục, quyển 1394 (ngày Canh Ngọ, 30 tháng Chạp năm Càn Long 56):
Trong năm vừa qua truy cứu những người sang đánh An Nam chết trận có thiên tổng Trần Siêu Thuỵ 1 người, bả tổng Trần Hồng Du 1 người, bọn ngoại uỷ Viên Cẩm Tiêu 4 người, binh lính bọn Tiết Thăng 99 người theo lệ tế và chôn cất, thưởng tuất, tất cả đều được thờ trong Chiêu Trung Từ.
Xem như thế chúng ta thấy kể cả võ quan cao cấp như đề đốc, tổng binh ra, số quan binh trung cấp và lính thường gồm có:

Tổng cộng ba đợt số quân nhà Thanh [kể cả 3 tướng lãnh] tử trận ở nước ta là 11,780 người trong đó có 186 võ quan các cấp.
Con số gần 12,000 người này đại đa số tử trận ở Thăng Long là trận đánh lớn nhất vì số quân được giao cho giữ các lương đài không đáng kể, có thể chạy trước khi bị truy kích. Nếu tính rằng số quân Thanh trực tiếp giao chiến tại chiến trường vào khoảng 13,000 đến 15,000 người vào thời điểm xảy ra trận đánh, số thực sự chạy về Quảng Tây không nhiều và số quân báo cáo về được [khoảng 5,000] phần lớn không phải là quân từ mặt trận mà từ các trục lộ, đài trạm hay binh sĩ trú phòng ở Lạng Sơn. Nếu tính cả 800 người bị bắt, số lượng binh sĩ nhà Thanh vượt sông Nhĩ Hà chạy được chỉ chưa đầy 1,000 người, so với những lời tường thuật của dân chúng và các nhân chứng về đại bại của Tôn Sĩ Nghị cũng không sai bao nhiêu.




Số quân Thanh tử trận ghi trong Cao Tông Thực Lục
Nguyễn Duy Chính
[1] Lục Doanh, tức là quân người Hán [khác với kỳ binh người Mãn và kỳ binh Mông Cổ]
[2]người Tân Ðô, Tứ Xuyên gốc người Hồi, tòng quân đánh Kim Xuyên, lập công trạng trong vụ đánh Ðài Loan nên được làm đề đốc Quảng Tây, khi bị chết ở Thăng Long được thăng Tráng Liệt Bá, ban tên thuỵ Thiệu Nghị.
[3] Theo quan chế nhà Thanh thì Ðề Ðốc (tòng nhất phẩm), Tổng Binh (chánh nhị phẩm), Phó Tướng (tòng nhị phẩm), Tham Tướng (chánh tam phẩm), Du Kích (tòng tam phẩm), Ðô Ti (chánh tứ phẩm), Thủ Bị (chánh ngũ phẩm), Thiên Tổng (chánh lục phẩm), Bả Tổng hay Bá Tổng (chánh thất phẩm). Theo Ian Heath trong Armies of the Nineteenth Century: Asia V. 2: China (Great Britain: Foundry Books, 1998) trang 18-9 thì những cấp bậc đó tương đương với hiện thời như sau:Ðề Ðốc (đại tướng), Tổng Binh (trung tướng), Phó Tướng (thiếu tướng), Tham Tướng (đại tá), Du Kích (thượng tá), Ðô Ti (trung tá), Thủ Bị (thiếu tá), Thiên Tổng (đại uý), Bả Tổng (trung uý)… Tuy nhiên nếu là ngoại vi thiên tổng thì chỉ tương đương trung sĩ còn ngoại vi bả tổng chỉ tương đương hạ sĩ. Thực ra những danh hiệu này là chức vụ, không phải cấp bậc nên những phiên dịch của Heath không hoàn toàn chính xác nhưng cũng cho ta một số khái niệm về vai trò quân sự của các tướng lãnh nhà Thanh thời đó.
[4]thuộc Nhương Lam Kỳ Hán quân, làm tổng binh Hữu Giang trấn Quảng Tây, khi chết tại nước ta được ban thuỵ là Trực Liệt (直烈)
[5]Tôn Khánh Thành (孫慶成) là chắt (great-grandson) của Chấn Võ tướng quân Tôn Tư Khắc, một danh tướng đầu đời Thanh.
[6]Người Ðại Ðồng nhưng sang sống ở Quí Châu, từng tham dự các trận đánh Miến Ðiện, Kim Xuyên lập nhiều công lao nên thăng lên đô ti. Sau tham dự đánh Ðài Loan trong chiến dịch bình Lâm Sảng Văn, Trang Ðại Ðiền nên được lên tổng binh Nam Áo (南澳), Phúc Kiến. Khi chết ở nước ta được ban tên thuỵ là Tráng Quả (壯果).
[7]Người Trường An, đậu tiến sĩ võ đời Càn Long, làm tham tướng Ðức Châu. Khi Vương Luân nổi loạn ở Thọ Trương, ông đem quân đánh dẹp, thăng lên đề đốc Vân Nam và ở đây cho tới chết.
[8]Thuộc Nhương Hoàng Kỳ Mãn Châu, từng tham gia các cuộc chiến đánh Miến Ðiện, Kim Xuyên, thăng lên tổng binh Thọ Xuân. Ðến đời Gia Khánh có công trong việc đánh dẹp các giáo phái tại Hà Nam, Thiểm Tây. Sau lên làm đề đốc Ô Lỗ Mộc Tề (烏魯木齊)
[9]người Võ Thành, có chiến công nên được làm ngoại uỷ đời Càn Long, tham dự đánh Kim Xuyên, sau lên làm đề đốc Quảng Ðông
[10]Trang Cát Phát, Thanh Cao Tông Thập Toàn Võ Công Nghiên Cứu (Ðài Loan Cố Cung Tùng San, Giáp Chủng số 26, tháng 6 năm 1982) tr. 360. Lại Phúc Thuận, Càn Long Trọng Yếu Chiến Tranh Chi Quân Nhu Nghiên Cứu (Ðài Bắc: Quốc Lập Cố Cung Bác Vật Viện, 1984) tr. 141. Con số của các tác giả Trung Hoa cũng không thống nhất, con số chúng tôi dùng là theo Lại Phúc Thuận vì căn cứ theo lương thực và lương bổng nên có cơ sở hơn.
[11]Nhiều tài liệu chỉ chép số quân của Sầm Nghi Ðống là 1,500 người nhưng các con số trên đây trích từ chính tấu thư của Tôn Sĩ Nghị (ANKL, quyển X, tr. 14)
[12]Trong chiến dịch đánh An Nam, rút kinh nghiệm các trận đánh ở Miến Ðiện, nhà Thanh đổi chiến lược không điều động kỵ binh từ miền bắc xuống mà chỉ dùng quân địa phương, thổ binh và chủ yếu phương tiện của bốn tỉnh miền tây nam giáp với nước ta. Chính vì thế, công tác chuẩn bị cũng nhanh mà lực lượng điều động cũng nhỏ (nhỏ nhất trong mười chiến dịch đời Càn Long), không ghê gớm như chúng ta thường tưởng tượng.
[13] Theo tài liệu thì quân Thanh sử dụng nhiều loại vũ khí trong đó có nhiều loại súng tay (điểu sang, ta-ba-lạp sang, súng trường, xoạ sang, hiệu sang), nhiều loại súng lớn (thần uy pháo, đại thần pháo, uy viễn pháo, xung thiên pháo, phách sơn pháo, tử mẫu pháo, chế thắng pháo, hồng y pháo, cửu tiết pháo …), nhiều loại đạn, địa lôi …, thuốc súng, các loại đao (yêu đao, cương đao, đại đao, đoản đao, dao rựa, câu liêm , kiếm …), nhiều loại cung tên … Quân Thanh cũng được trang bị nhiều quân dụng khác, các loại quân trang (giáp trụ, áo bông, quần chiến, khiên mây …), các loại lều trướng, lương bằng, túi ngủ, nồi niêu, bát đĩa … và các phương tiện vượt sông như thuyền gỗ, thuyền da … Lại Phúc Thuận (1984) tr. 340-1
[14] Tôn Sĩ Nghị có lúc báo cáo chạy về đến 8,000 người nhưng con số này không chính xác.
[15] Sau khi thắng trận vua Quang Trung có ra lệnh cho phát phối một số binh sĩ bị bắt nhưng tình hình biến chuyển nhanh nên nếu có số lượng này cũng không nhiều và sau đều được trả về nước
[16] Ông này trước đây báo cáo đã chết nhưng sau được trả về, nay lại có tên trong danh sách
www.vietthuc.org