Nội dung thư

Tuesday, August 26, 2014

* Viễn Ảnh về Lãnh Đạo Trẻ Việt Nam Đối Với Cộng Đồng và Chính Trường Úc Trong Tương Lai

Chắc quý vị cũng đồng ý với chúng tôi là cộng đồng chúng ta đã và đang ưu tư rất nhiều về sự thiếu tham gia của giới trẻ trong CĐ của chúng ta và đặc biệt là khủng hoảng trầm trọng trong vấn đề “giới lãnh đạo trẻ”. Câu hỏi là làm thế nào để chúng ta giải quyết vấn đề này?
Có người lại cho rằng, cộng đồng phải:
– Bằng mọi cách phải hỗ trợ giới trẻ, giúp đỡ về nhân sự, tài chính và v.v.
– Tổ chức những buổi vui chơi như disco, BBQ, camping, parties và thậm chí phải có những chiêu bài để chiêu dụ các em.
Có thể nói trong những năm qua chúng tôi là một trong những người đã nhiều lần tạo điều kiện và cũng sẵn sàng gặp gỡ, hỗ trợ các em nhưng rồi sự tham gia của các em trong cộng đồng cũng rất khiêm nhường nếu không muốn nói là không có. Hầu như lúc nào các em cần đến sự giúp đỡ của cộng đồng thì các em mới đến với cộng đồng nhưng xong việc thì các em cũng biến mất.

Những điều này cũng không phải là lỗi của các em nhưng thực tế là một phần bổn phận của chúng ta, chúng ta cần phải am hiểu và thông cảm cho các em, đặt trường hợp của chúng ta thì chúng ta cũng làm như các em vậy. Cuối ngày lại chúng ta không thể nào mong mỏi, đòi hỏi các em sinh viên phải đóng góp, sinh hoạt CĐ trong khi chúng ta thì lại khuyên con em trong nhà của chúng ta phải dồn mọi nổ lực vào việc học. Cha mẹ Việt Nam chúng ta thường nói “Con phải lo học, học xong rồi muốn làm gì thì làm”, đây không phải là việc sai trái nhưng đây là cách dạy dỗ của cha mẹ VN của chúng ta, mà theo tôi thì họ đã theo đúng với nền Văn Hoá VN đó là đặt nặng vấn đề giáo dục. Tôi thiết nghĩ, từ lúc các em học lớp 11 & 12 lên đến 4 – 5 năm đại học (tức là từ 17 – 26 tuổi) thì thực tế chúng ta không nên đòi hỏi sự tham gia tích cực của các em vào cộng đồng. Sau khi học xong đại học các em cũng phải cần khoảng 2 đến 3 năm để ổn định công việc làm của mình. Sau khi ổn định công việc làm thì đó là lúc mà các em suy nghĩ đến những sinh hoạt khác, chẳng hạn như đóng góp cho xã hội, cũng không hẳn là phải đóng góp trong CĐ VN, do đó bổn phận của chúng ta là phải làm cho các em thấy CĐ VN là nơi mà các em muốn sinh hoạt và phải làm cho các em cảm thấy hãnh diện, tự hào về CĐNV của mình thì đó mới chính là lý do để các em đóng góp. Đặc biệt chúng ta (CĐ) cũng phải làm cho các em có sự tin tưởng về vai trò lãnh đạo của chính mình. Muốn cho các em có sự tin tưởng về vai trò lãnh đạo thì CĐNVTD cần phải có những chương trình huấn luyện giới lãnh đạo trẻ.

Tại Victoria, cộng đồng chính mạch có những chương trình huấn luyện dành cho giới lãnh đạo như Williamson Leadership, những chương trình này thông thường dành cho những ai muốn tham gia để có thể tiến thân xa hơn hoặc cho những ai đã và đang giữ vai trò lãnh đạo. Tại Victoria chúng tôi cũng đang vận động với các cơ quan, chính phủ để hỗ trợ và giúp đỡ cho chương trình huấn luyện này, đặc biệt là dành riêng cho giới trẻ trong cộng đồng Việt Nam. Trong lúc chúng tôi đi vận động cho chương trình này tình cờ chúng tôi biết được cộng đồng Châu Phi (là một cộng đồng rất trẻ so với cộng đồng Việt Nam của chúng ta) đã có chương trình này đã được khoảng ba năm rồi.

Càng ngày cộng đồng Việt Nam lại gặp nhiều khó khăn trong việc vận động và xin tài trợ thì tại sao chúng ta không chuyển hướng? thay vì xin fundings thì chúng ta nên xin hỗ trợ cho những chương trình huấn luyện giới lãnh đạo đặc biệt là đầu tư vào giới trẻ của chúng ta.

Qua những chương trình này chúng ta tạo thêm cơ hội cho các bạn trẻ, ngoài cái chuyên môn của mình các bạn trẻ cũng có thể giỏi thêm về những lãnh vực khác nhau, chẳng hạn như học:

– Cách vận động (lobbying)

* Cách đối thoại – chúng ta cần phải có khả năng nói nhanh với tốc độ 100 chữ trong một phút.

* Phân tích, biết người, biết ta.

– Nắm vững hệ thống chính trị Úc.

– Chính Trị – thường xuyên theo dõi diễn biến của chính trị.

– Vận dụng diễn biến của chính trị, kinh tế, diễn biến hàng ngày tạo thành ưu thế cho mình, cộng đồng, đất nước và v.v.

– Nắm vững lịch sử Việt Nam, từ nguồn gốc, cội nguồn cho đến lịch sử cận đại.

Chúng tôi thiết nghĩ cộng đồng chúng ta cần phải có những tham vọng chính trị. Những tham vọng đó có thể là qua những chương trình huấn luyện như thế này, các em là những người sẵn sàng trở thành “1 Dân Biểu” hoặc giả nếu các em muốn trở thành các nhà vận động thì các em có thể làm được một cách dễ dàng và không có chướng ngại vật nào có thể làm khó được các em. Tôi tin rằng, chúng ta cứ cung ứng những chương trình huấn luyện cho các em mà chúng ta không có đòi hỏi gì ở các em. Tôi tin rằng, một khi chúng ta giúp được các em tự tin, thành công hơn và một khi các em thành công chắc chắn các em sẽ nhớ đến và sẽ sẵn lòng để đóng góp cũng như là trở lại với cộng đồng Việt Nam của mình. Một khi các bạn trẻ và các bậc cha mẹ thấy được ưu điểm của những chương trình này, chúng tôi tin tưởng rằng giới trẻ sẽ tích cực tham gia trong CĐNVTD tại Úc. Đây cũng là nhịp cầu cho tương lai của cộng đồng chúng ta để tích cực ảnh hưởng về mặt chính trị tại Úc.

Thông thường khi đề cập đến vấn đề làm chính trị thì người Việt Nam của chúng ta thường hay có khái niệm rất mông lung, thường có những ý niệm không đúng về hai chữ Chính Trị. Thậm chí còn cho rằng chính trị là đồng nghĩa với thủ đoạn, nhiều khi còn đem hai việc ghép lại với nhau và kêu rằng “thủ đoạn chính trị”. Trải qua chiều dài của lịch sử Việt Nam, đất nước chúng ta đa phần là bị ngoại bang cai trị và lẽ đương nhiên là dưới ách thống trị của ngoại bang, họ không muốn có những hành động, lập trường và quan điểm đối lập với họ. Họ biết rõ, muốn tiếp tục cai trị đất nước của chúng ta, họ đã dùng mọi thủ đoạn dã man, chém giết để đối xử với những người có hành động chính trị để răn đe những người Việt Nam khác. Vào thời đó, những người làm chính trị hoặc liên quan đến chính trị thường hay bị thiệt mạng cho nên hai chữ chính trị là đi đôi với cái chết. Trong thời kỳ đệ nhất Cộng Hòa cũng trải qua cuộc đảo chính đẫm máu cũng liên quan đến chính trị. Đến năm 1975 khi cộng sản Bắc Việt cưỡng chiếm miền Nam và liên tiếp theo những màn trả thù độc ác, dã man và mãi cho đến ngày hôm nay dưới chế độ CSVN không biết bao nhiêu các nhà bất đồng ý kiến, đấu tranh dâu chủ, lên tiếng vì Tổ Quốc Việt Nam đều bị thiệt mạng hoặc biệt giam cũng tạo thêm cái suy nghĩ chính trị là đi vào con đường chết. CSVN cũng là một thể chế và tư tưởng ngoại lai không phù hợp với tinh thần dân tộc Việt Nam, là thể chế ngoại lai họ không có tinh thần đồng bào và mục đích của họ là bất chấp mọi thủ đoạn để áp đặt và cai trị cho nên CSVN cũng tiếp tục tạo ý niệm sai lạc về ý nghĩa của hai chữ chính trị để đồng bào chúng ta không ai làm chính trị ngoại trừ đảng CSVN.

Cho nên tôi rất tâm đắc với bài nói chuyện của ông Nguyễn Thế Phong, định nghĩa hai chữ chính trị rất rõ ràng và đơn giản như sau, “Chính Trị”- chính tức là việc chính, chính đáng, chính nghĩa còn trị tức là trị an dân nói chung là lấy chính để trị an dân chứ không dùng thủ đoạn hay tà trị.

Và gần đây tôi cũng rất tâm đắc với câu nói của ông Bill Kelty đã phát biểu trong đại hội của công đoàn Úc. Ông BILL KELTY nói, “I’ve got to be frank. It’s too easy to blame the media, too easier to blame the playthings of politics. And there’s no purpose blaming the opposition for doing what after all you expect them to do and that’s to beat you. In a sense I think we make politics just simply too hard. The truth will normally do.”

Tôi thiết nghĩ đã đến lúc người Việt Nam chúng ta nên suy nghĩ lại ý nghĩa của hai chữ “chính trị”, đập tan đi những suy nghĩ sai trái về chính trị và có những hành động cụ thể và tích cực tham gia vào chính trường Úc cũng như ở những nơi khác trên thế giới. Tôi tin rằng trong tương lai CĐNVTD tại Úc sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong chính trường Úc nếu chúng ta vận dụng chính trị đúng cách. Ngày 28 tháng 5 năm 2012 vừa qua, Ô. Chris Hayes, dân biểu liên bang thuộc đơn vị Fowler, Sydney đã đề nghị vấn đề vi phạm nhân quyền tại Việt Nam được nghị luận tại Quốc Hội liên bang Úc Đại Lợi. Sau khi vấn đề này được đề nghị thì lập tức được 7 dân biểu khác cũng đã hỗ trợ và tham gia tranh luận. Sự kiện lịch sử này cho chúng ta thấy sự ảnh hưởng, sức mạnh của cộng đồng chúng ta trong vấn đề vận dụng chính trị. Đặc biệt vào thời kỳ mà mỗi lá phiếu của chúng ta có thể thay đổi cả chính phủ, do đó cộng đồng chúng ta có khoảng 350,000 người tại Úc thì đó là một sức mạnh mà lưỡng đảng không thể nào không chú ý đến.

Chúng tôi không phải đơn thuần dựa vào sự thành công của một vụ việc trên mà đi đến kết luận như vậy. Qua một thời gian theo dõi về sự thay đổi của chính trị Úc và hiểu được thực trạng của cộng đồng Việt Nam chúng ta. Tôi hoàn toàn tin rằng CĐNVTD tại Úc có thể ảnh hưởng, thay đổi cả chính sách của Úc và thậm chí có thể khuynh đảo cả chính trường Úc nếu chúng ta muốn và biết cách vận dụng.

Có lẽ nói đến đây quý vị có thể cho rằng, chúng tôi là một người trẻ tuổi không cân nhắc được sự nhận xét của mình. Đứng trước quý vị, chúng tôi biết rất rõ, trong quý vị có người cũng đã nghiên cứu và am hiểu rất nhiều về chính trị tại Úc cho nên chúng tôi “không dám múa rìu qua mắt thợ”. Chúng tôi chỉ đem sự suy nghĩ hạn hẹp của mình để chia sẻ nơi đây và cũng mong được học hỏi thêm nơi quý vị đã có nhiều kinh nghiệm trong lãnh vực chính trị.

Từ trước đến nay mọi sự vận động của chúng ta tuy mạnh nhưng cũng chỉ là nhờ vào những Dân Biểu khác hoặc qua những sự liên lạc của chúng ta giữa các đảng, chúng ta thật sự nhờ vả vào người khác nhiều chứ không sử dụng thực lực của chính mình đã có sẵn.

Cuối ngày lại chúng ta muốn dựa vào thực lực của chúng ta để ảnh hưởng trong chính trường thì chính chúng ta phải tích cực và có những việc làm cụ thể, chúng ta phải tham gia và gia nhập vào các chính đảng.

Một khi quý vị là đảng viên quý vị có thể chính thức vận động trong nội bộ để thay đổi chính sách hay yêu cầu việc này hoặc việc kia. Quý vị cũng có quyền sử dụng túc số của số đông của quý vị để ép buộc những ảnh hưởng đó.

Chúng tôi xin được đơn cử Victoria làm thí vụ:

Tại Úc có đảng Tự Do (Liberal) và Lao Động (ALP).

Tại Victoria đảng Tự Do có khoảng 15,000 đảng viên và đảng Lao động có khoảng 12,000 đảng viên. Cộng đồng người Việt chúng ta có khoảng 80,000 – 100,000 người tại Victoria, thật sự nhiều hơn số đảng viên của mỗi đảng gấp năm-sáu lần. Ví dụ nếu chúng ta có khoảng 10% của cộng đồng tham gia vào lưỡng đảng thì cộng đồng chúng ta sẽ có tiếng nói rất mạnh với lưỡng đảng, vô hình chung chính phủ Victoria cũng như liên bang không thể nào làm ngơ với tiếng nói của cộng đồng được.





Đảng Lao Động (ALP):

Đảng ALP gồm có thành phần đảng viên và fractional đa số là công đoàn. Từ Công đoàn và từ các chi bộ của đảng Lao Động sẽ cử ra khoảng 800 đại biểu (50% là từ công đoàn + 50% từ đảng viên) để tham dự đại hội đảng của tiểu bang hoặc liên bang. Con số đảng viên thì tùy vào chi nhánh, không nhất thiết con số của chi bộ này phải có con số giống với chi bộ kia, thông thường thì cứ 30 – 35 đảng viên sẽ cử ra một đại biểu để tham dự đại hội đảng, đại hội đảng quyết định mọi vấn đề. 800 đại biểu nêu trên có quyền tham dự vào các ủy ban (committee), chẳng hạn chính sách chuyên về kinh tế, giáo dục hoặc về ngoại giao, v.v. Cứ mỗi hai năm thì policy sẽ được quyết định trong đại hội. Như chúng ta đã chứng kiến là Đại Hội đã quyết định cho ông Chirs Bowen tăng con số di dân từ 13,750 lên đến 20,000 và quyết định này của đại hội đã được chính phủ thực hiện.

Do đó chúng ta có thể thấy được, nếu giả sử người Việt Nam gia nhập vào đảng lao động, con số đại biểu sẽ tăng lên, ví dụ nếu con số đại biểu của Việt Nam chiếm được khoảng 10% thì tôi thiết nghĩ chúng ta có thể ảnh hưởng trên mọi chính sách. Đừng nói là chúng ta phải vận động với dân biểu mà chúng ta hầu như có quyền qua hệ thống chính trị buộc dân biểu phải làm theo ý của chúng ta. Tôi tin rằng sự ảnh hưởng của cộng đồng chúng ta trong đảng Lao Động sẽ không thua gì với nghiệp đoàn.

Chúng ta cũng có thể ảnh hưởng rất lớn trong vấn đề chọn ứng ửng viên ra tranh cử mà cũng vì vấn đề này mà dân biểu đương nhiệm không thể không làm theo ý của chúng ta. Dựa vào con số đông đảng viên chúng ta sẽ dễ dàng có được dân biểu Việt Nam ở cấp tiểu bang lẫn liên bang.

Tại Úc Châu cộng đồng người Kampuchea cũng đã có một dân biểu trong Quốc Hội Victoria và cộng đồng người Lào ở tại Mỹ cũng có một dân biểu, những cộng đồng này đều nhỏ hơn CĐVN vậy chúng ta phải tự biết chúng ta nên làm gì.





Đảng Tự Do (Liberal)

Đảng Tự Do không buộc để có chi bộ nhưng nếu chi bộ đó sinh hoạt mạnh thì sự ảnh hưởng của chi bộ đó cũng có thể rất nặng ký.

Đảng Tự Do chia ra làm 2 phần, liên bang và tiểu bang.





Khi gia nhập đảng quý vị có thể gia nhập các forum (tương đương với các ủy ban), chẳng hạn như hội thảo về chính sách. Lợi thế là khi quý vị gia nhập đảng quý vị có thể ngay lập tức tham gia để ảnh hưởng chính sách.

Khi gia nhập quý vị có thể ngay lập tức được chọn làm ứng cử viên dân biểu.

Muốn trở thành đại biểu đại hội quý vị phải gia nhập ít nhất 2 năm trước khi trở thành đại biểu đại hội. Những vị đại biểu này có quyền biểu quyết chọn ưng cử viên (Preselection) và những vấn đề khác. Đảng Tự Do không có nghiệp đoàn nhưng vẫn có những frationals nhỏ cho nên khi gia nhập con số phần trăm của quý vị chắc chắn sẽ lớn hơn so với đảng Lao Động.

Ví dụ:

Cộng đồng Việt Nam có 2,000 người gia nhập vào đảng:

Nếu vào đảng Tư Do thì:

Chúng ta có đến 12% đảng viên của đảng Tự Do tại Victoria.

Nếu 2,000 người vào đảng Lao Động:

Chúng ta chỉ có được 7% vì số phần trăm vì đã bị nghiệp đoàn chiếm đến 50% (số đại biểu).

Dù là 7% hay 10% trong cả lưỡng đảng cũng đều là con số rất là lớn, có thể làm thay đổi cách sách và ảnh hưởng rất lớn đến chính trường Úc. Đây là cơ hội cho cộng đồng Việt Nam chúng ta có dân biểu trong quốc hội ở cấp liên bang lẫn tiểu bang.

Dù tôi không là đảng viên của bất cứ đảng nào nhưng tôi tin rằng CĐNVTD tại Úc sẽ đóng vai trò rất quan trọng nếu đồng bào chúng ta tham gia tích cực vào chính trường Úc.

Tôi cũng xin lưu ý là vai trò của CĐNVTD thuộc các tiểu bang và lãnh thổ nên giữ vai trò trung lập, không nên là đảng viên của các đảng nào.

http://vcavic.net/2014/08/18/vien-anh-ve-lanh-dao-tre-viet-nam-doi-voi-cong-dong-va-chinh-truong-uc-trong-tuong-lai/#more-1745