Nội dung thư

Thursday, May 26, 2016

* Áo dài tỏa sáng bên dòng Hương Giang

Dân trí Tối 30/4 tại sân khấu Bia Quốc Học bên dòng Hương Giang thơ mộng ở cố đô Huế, lễ hội áo dài “Nơi huyền thoại bắt đầu” đã làm khán giả mê hoặc với những bộ sưu tập từ các nhà thiết kế áo dài hàng đầu Việt Nam.

Đây được xem là lễ hội quan trọng trong kỳ Festival Huế 2016 (29/4-4/5), là “linh hồn” không thể thiếu từ kỳ Festival Huế đầu tiên cho đến nay. Với tên gọi “Nơi huyền thoại bắt đầu”, lễ hội áo dài nhằm tôn vinh áo dài và giữ gìn vẻ đẹp của trang phục truyền thống được xem là Quốc phục của Việt Nam.
Trong những lời dẫn đầy chất bay bổng, lãng mạn của nhà thơ Đỗ Trung Quân, và sự cổ kính không thể đẹp hơn của Bia Quốc Học xưa làm “phông” cho sân khấu, lần lượt các bộ sưu tập của 8 nhà thiết kế (NTK) đã trình diễn thật ăn ý, toát lên cái hồn của áo dài nước ta từ thời ban sơ cho đến hiện tại.


Lễ hội áo dài "Nơi huyền thoại bắt đầu"

Mở đầu với bộ sưu tập “Áo dài xưa & nay” của NTK Sĩ Hoàng đã nêu bật về nguồn gốc áo dài. Từ Thuở ban đầu áo dài là bộ tứ thân bốn mảnh màu nâu sòng, sau đó họa sĩ Lê Phổ & Nguyễn Cát Tường cách tân gọn gàng & kiểu cách hơn. Đến thập niên 50 áo dài tiếp tục biến đổi: Áo dài không cổ hở vai, rồi đến Áo dài mini. Đến năm 1968 Áo dài tà ngắn xẻ cao cùng sắc màu rực rỡ. Năm 1998, cuộc thi Hoa hậu Áo dài lần đầu tiên tổ chức tại TP HCM, đánh dấu sự hồi sinh và phát triển mạnh mẽ của áo dài với hàng loạt thiết kế mới, nổi bật là Áo dài vẽ do Sĩ Hoàng khởi xướng & Minh Hạnh với hoa văn thổ cẩm.
Đến bộ sưu tập “Dáng xưa” của NTK Lê Thanh Phương mang vẻ đẹp cổ điển của những thiết kế áo dài thập niên 60-70 nhưng bộ sưu tập này vẫn hiện đại, phù hợp với người phụ nữ Sài Gòn năng động ngày nay. NTK Lê Thanh Phương sử dụng kỹ thuật cắt cúp rất điêu luyện, chất liệu chủ đạo là lụa và tơ tằm cao cấp, làm tôn lên dáng vẻ sang trọng & thanh lịch.
Rất nhẹ nhàng, đó là bộ sưu tập “Duyên” của NTK Ngân An. Đường cong của người phụ nữ là một nét Duyên, sự mềm mại của tà áo dài là một nét Duyên, mỗi loài hoa cũng có những nét Duyên của nó. Là một NTK Hà Nội, “Duyên” mang vẻ thanh lịch và trang nhã của người Tràng An. Và chiếc khăn vấn của người Hà Nội xưa cũng là điểm nhấn cho nét Duyên của bộ sưu tập.
Video:

Một số tiết mục biểu diễn áo dài ấn tượng trong Lễ hội Áo dài - Festival Huế 2016

Mang đậm phong cách Á Đông, kết hợp giữa hoa văn và hoa lá trên chất liệu nhung lụa cao cấp, cùng kỹ thuật thêu đính cuờm tinh tế, NTK Liên Hương đã phối màu điêu luyện tạo nên nét độc đáo,vẻ quyến rũ và kiêu sa của áo dài Việt Nam với bộ sưu tập “Phương Đông quyền quý”
Đến từ Huế, NTK Viết Bảo với bộ sưu tập “Đùng đình đùng đăng, đùng đình đùng đằng” đã lấy cảm hứng từ những hoa đăng bồng bềnh trên dòng Hương Giang, để từ đó muốn gởi gắm trong bộ sưu tập của mình vẻ đẹp của tà áo mang nét êm đềm và sâu lắng của Huế mộng mơ.
Cũng là một NTK người Huế khác, Khánh Shyna mang đến bộ sưu tập: “Huyền bí Phương Đông” được thiết kế dựa trên ý tưởng về hình ảnh hoa sen Đại Nội kinh thành Huế. Bộ sưu tập này sử dụng những màu sắc chủ đạo từ kiến trúc và thiên nhiên xứ Huế: Đỏ tượng trưng cho kiến trúc Huế cổ; Cam nâu tượng trưng cho những mảng gạch kinh thành và Xanh ngọc tượng trưng cho làn nước sông Hương.
Tiếp theo với “Mộc”, NTK Việt Hùng đã kết hợp chất liệu lụa - tơ mềm mại cùng chất liệu đũi thô, kết hợp kỹ thuật thêu tay kết hạt thủ công tạo nét rất riêng và độc đáo cho bộ sưu tập
Một bộ sưu tập nữa của NTK này trong đêm diễn là “Sóng nước Hương Giang” bằng cách cách điệu chiếc áo dài và làm mới chiếc áo dài, Việt Hùng muốn đến gần hơn với lớp trẻ, như một cách tân cho trang phục Việt. Dáng áo vẫn ôm sát thân người, nhưng tà áo ngắn hơn tay ngắn hơn, để phù hợp với sự trẻ trung, năng động và mạnh mẽ với người phụ nữ hiện đại, nhưng vẫn không mất đi vẻ duyên dáng và kín đáo.
Xuất hiện thêm một bộ sưu tập mang tên “Giao thoa”, NTK Sĩ Hoàng nhằm nói lên câu chuyện cuộc cải tiến Áo Dài Phụ Nữ Việt Nam từ năm 1934 do họa sĩ Lemur Cát Tường đã được chọn may từ những tấm vải và Saree được nhập từ Châu Âu và Bombay, mà ông chủ các tiệm bán tơ lụa ở Hàng Ngang, Hà Nội nổi tiếng chính là những người Ấn Độ. Sau hơn 80 năm, bộ sưu tập Áo Dài "Giao Thoa” đã kế thừa từ họa sĩ Cát Tường, khi cùng một cảm xúc sáng tạo trên những tấm vải Saree đẹp huyền bí với lịch sử trái dài hơn 5.000 năm.
Cuối cùng, kết thúc đêm diễn với những bộ áo dài "Non thiêng" cực kỳ quyến rũ và phong cách qua sự trình diễn của người mẫu chính Lan Khuê - Top 11 Hoa hậu Thế giới 2015, cô cũng là Đại sứ cho Lễ hội Áo Dài - Festival Huế 2016. Bộ sưu tập “Non thiêng” của NTK Đức Hùng được giới thiệu trên quan điểm: “Sáng tạo dựa trên nền tảng văn hóa truyền thống vững chắc", thể hiện trên chất liệu lụa truyền thống của làng Vạn Phúc, Hà Đông Hà Nội. Điểm nhấn của bộ sưu tập mang hơi thở của thời trang Thế giới với phong cách xuyên thấu, nhưng vẫn giữ được sự chuẩn mực truyền thống. Phối hợp màu sắc các hoa văn trên chất liệu voan mỏng, tạo sự hấp dẫn, tôn thêm vẻ đài các và sang trọng của chiếc áo dài Việt Nam.
Video:

Bộ sưu tập "Non thiêng" ấn tượng của NTK Đức Hùng cùng tiết mục hạ màn Lễ hội Áo dài

Đi cùng đêm lễ hội áo dài là các tiết mục ca nhạc Huế xưa từ các giọng ca Huế nổi danh như Quang Linh, Bảo Yến, Vân Khánh… cùng sự trình diễn của nhiều nữ sinh xứ Huế đã đem lại một đêm diễn hết sức thành công cho Festival Huế lần này.









































Đại Dương - Phạm Công Vũ Phạm