Posted on December 6, 2014 by editor — 2 Comments ↓
Joan Bryden | DCVOnline lược dịch
Một Dự luật, do Thượng nghị sĩ Ngô Thanh Hải bảo trợ, công nhận 30 tháng 4 là một ngày quốc lễ để kỷ niệm cuộc di tản của người Việt Nam tị nạn cộng sản và sự đón nhận của Canada sau ngày Sài Gòn rơi vào tay lực lượng cộng sản Bắc Việt.
TNS Ngô Thanh Hải. Nguồn:parl.gc.ca
OTTAWA – Một dự luật ít người biết đến do một Thượng nghị sĩ Đảng Bảo thủ bảo trợ đã gây ra tranh cãi ngoại giao giữa Canada và Việt Nam.
Bất chấp cảnh báo của Việt Nam rằng nó sẽ có tác động xấu đến quan hệ giữa hai nước, chính phủ Harper dường như đã quyết tâm thông qua dự luật này.
Dự thảo luật này do Thượng nghị sĩ Ngô Thanh Hải bảo trợ, công nhận 30 tháng 4 là một ngày quốc lễ để kỷ niệm cuộc di tản của người Việt Nam tị nạn cộng sản và sự đón nhận của Canada sau ngày Sài Gòn rơi vào tay lực lượng cộng sản Bắc Việt.
Dự luật ban đầu được gọi là “Đạo luật Ngày tháng Tư Đen” vì 30 tháng 4 được nhiều người biết đến, kể cả thượng nghị sĩ Ngô Thanh Hải, một người tị nạn cộng sản hồi cuối cuộc chiến tranh Việt Nam.
Vì những phản đối om sòm của phía chính phủ Việt Nam, tên của dự luật này đã được đổi thành “Đạo luật Hành trình tìm Tự do”.
Nhưng nội dung dự luật vẫn không thay đổi.
Mùa Xuân vừa qua Thượng Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải đã trình bày trước Thượng viện Canada bắt đầu cuộc thảo luận dự luật,
“Đối với những người Canada gốc Việt Nam và cộng đồng người Việt hiện đang sống ở nước ngoài, 30 Tháng 4 là ngày Việt Nam rơi vào tay một chế độ cộng sản độc tài và áp bức, không quan tâm đến nhân quyền.
Chúng tôi nhớ 30 tháng 4 là một ngày đen tối vì nó là một ngày buồn, chúng tôi đã mất nước, mất gia đình, mất những người bạn, mất những mái nhà, mất tự do và mất quyền dân chủ của chúng tôi. Nó kỷ niệm một ngày của mất mát và đau buồn.”
Khi dự luật “Hành trình tìm Tự do” được gởi đến Ủy ban Nhân quyền của Thượng viện để nghiên cứu, Đại sứ Việt Nam tại Canada đã viết thư cho chủ tịch ủy ban để bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng” về dự luật đó của chính phủ của ông, và yêu cầu dược tham dự như là một nhân chứng.
Đảng Bảo thủ, đa số trong ủy ban Nhân quyền Thượng viện, từ chối không mời Đại sứ Việt Nam theo lời yêu cầu; thay vào đó ủy ban Nhân quyền đã gởi thư cho ông Đại sứ. Tuy nhiên, sau khi chỉ nghe từ ba nhân chứng, kể cả ông Thượng nghị sĩ Ngô Thanh Hải, ủy ban đã kết thúc phần nghiên cứu dự luật trước khi nhận định của của Đại sứ Việt Nam, phải dịch sang tiếng Pháp, có thể được đệ trình.
Trong văn bản đệ trình đó, Ủy ban Nhân quyền đã không cứu xét, Đại sứ Việt Nam cáo buộc Thượng nghị sĩ Ngô Thanh Hải nạo vét quá khứ, tô vẽ một cái nhìn méo mó về lịch sử của quê hương ông và bỏ qua mối quan hệ song phương tích cực giữa Việt Nam với Canada trong 40 năm qua.
Đại sứ CHXHCNVN Tô Anh Dũng viết,
“Chính phủ Việt Nam không đồng ý với sự miêu tả tiêu cực và có lựa chọn này và đã bày tỏ mối quan tâm một cách kín đáo và công khai.”
Ông Dũng viết thêm rằng chính phủ của ông đã
“trình bày nhiều lần đến cấp cao nhất của chính phủ và giới lãnh đạo của Quốc hội Canada bày tỏ mối quan tâm nghiêm trọng của chúng tôi về ngôn từ và mục đích của dự luật này.
Nếu được thông qua, dự luật này sẽ có ảnh hưởng xấu đến quan hệ song phương ngày càng phát triển giữa hai nước chúng ta. Mặc dù tuyên bố là phi chính trị, nhưng dự luật này rõ ràng nhằm kích động lòng hận thù dân tộc và chia rẽ, không đoàn kết.”
Hồi tháng Sáu, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao của CHXHCN Việt Nam, ông Phạm Bình Minh, đã viết thư cho Ngoại trưởng Canada John Baird, để bày tỏ mối quan tâm của ông. Ông viết,
“Chúng tôi hiểu rằng, về mặt kỹ thuật, đây không phải là chính sách của Chính phủ Canada, và chúng tôi tin rằng việc thông qua dự luật Senate Bill S-219 sẽ gửi một thông điệp sai lầm đến cộng đồng quốc tế và nhân dân Việt Nam.”
Một phát ngôn viên của Ngoại trưởng Baird nhấn mạnh rằng đây là “không phải là một dự luật của chính phủ” đồng thời thượng nghị sĩ và dân biểu đều có tự do để giới thiệu dự luật của mình.
“Việt Nam là một đối tác mạnh và có giá trị trong các cuộc đàm phán Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, một đất nước nhận viện trợ phát triển của Canada qua chương trình Chiến lược Giáo dục Quốc tế và Kế hoạch Hành động Thị trường Toàn cầu,” ông Adam Hodge viết email cho The Canadian Press.
“Canada và Việt Nam có cùng lợi ích lèo lái quan hệ song phương của chúng ta.”
Tuy nhiên, nhóm lãnh đạo của chính quyền trong Thượng viện, được biết thường không làm phật lòng Thủ tướng Stephen Harper, có vẻ đã quyết tâm thông qua dự luật.
Dự luật này đáng lẽ đã được bỏ phiếu thông qua tại Thượng viện hôm thứ Năm, nhưng Chủ tịch đảng Tự do ở Thượng viện, TNS James Cowan đặt câu hỏi tại sao đảng cầm quyền lại vội vàng như vậy.
“Chúng tôi chỉ được phép nghe [quan điểm] của một phía của câu chuyện (tại Uỷ ban), từ những người ủng hộ dự luật,” TNS Cowan nói với Thượng viện.
Sự thiếu sót một “nghiên cứu nghiêm túc và cân bằng” về dự luật, Cowan nói rằng ông không biết liệu nó có xứng đáng được ủng hộ hay không.
“Đây không phải là cách các đạo luật được thông qua tại quốc gia này. Đây không phải là con đường đúng cho cái gọi là ‘cuộc hành trình đến tự do’, ông nói.
Đảng Bảo thủ với đa số đã ngăn cản cố gắng của TNS Cowan để hoãn lại cuộc tranh luận về dự luật để gởi dự luật lại cho ủy ban nhân quyền nghiên cứu thêm. Tuy nhiên, các thượng nghị sĩ đảng Tự do yêu cầu có cuộc bỏ phiếu được ghi lại, đã hoãn việc biểu quyết về dự luật này cho đến tuần tới.
Thuyền nhân tị nạn cộng sản Việt Nam trên đường tìm tự do. Nguồn: Wikipedia
Dự luật này dường như đã làm rạn nứt cộng đồng người Việt Nam tại Canada. Trong lúc ủy ban Nhân quyền đã nghe lời khai ủng hộ dự luật từ phía Liên hội Người Việt tại Canada và Hội Lịch sử Di dân Canada, Chủ tịch ủy ban Nhân Quyền cũng đã nhận được nhiều thư từ một số tổ chức khác – kể cả các đại diện của Hội Thân hữu Canada-Việt Nam và Hội đồng Thương mại Canada-Việt Nam – đã nói rằng dự luật này sẽ tạo ra căng thẳng giữa người dân Canada gốc Việt, nhiều người đã bỏ qua quá khứ và bây giờ muốn có quan hệ hữu nghị với Việt Nam.
© 2014 DCVOnlineNguồn: Obscure Senate bill sparks diplomatic spat with Vietnam. Joan Bryden, The Toronto Star, December 5, 2014.
DCVOnline: Không như Thượng nghị sĩ ở một số các nước khác, thượng nghị sĩ ở Canada không phải là người được dân cử mà (thường) là đảng viên được Thủ tướng (lãnh đạo đảng đa số) đương quyền bổ nhiệm.
http://www.dcvonline.net/2014/12/06/mot-du-luat-o-thuong-vien-canada-lam-cang-thang-ngoai-giao-voi-viet-nam/