Đăng ngày 22 Tháng 7 2014
Lượt xem: 6
Bài du ký này chia làm 3 phần. Phần đầu ôn lại lịch sử của dân Do-thái, dân riêng của Chúa. Phần 2 đi lại bước chân của 2 tuần hành hương Đất Thánh và Giáo Đô. Phần 3 là cảm nghiệm cá nhân qua chuyến đi này.
I. MỘT THOÁNG LỊCH SỬ CỦA DÂN TỘC DO-THÁI
a. Lưu đày và nô lệ.
Lịch sử của dân Do-thái đầy trầm luân và đau khổ. Một giống dân được Chúa chọn nhưng số phận lại long đong hơn bất cứ sắc dân nào hiện hữu trên quả địa cầu. Một thời huy hoàng của vua David, rồi Solomon (đền thờ Giêrusalem được xây dựng lần đầu) chìm dần vào quên lãng, và được thay thế bằng chuỗi năm tháng lầm than nô lệ khổ cực dưới sự thống trị của các đế quốc... triền miên tưởng như không thể nào chấm dứt.
Dân tộc Do-thái bắt đầu từ tổ phụ Abram. (Abram sinh ra khoảng năm 1813 BC (Before Christ = trước Thiên Chúa Giáng sinh hay còn gọi là trước Công nguyên). Ông theo lệnh Đức Chúa rời bỏ quê hương để định cư ở đất Canaan, mảnh đất đầy sữa và mật ong (xem Sáng thế ký, STK 12:1-5). Mảnh đất này còn được gọi là Đất Hứa (Promised Land). Đây là đất của dân Do-thái và Palestine bây giờ. Ở đó, ông sinh Ismael và Isaắc, rồi ông Isaắc sinh Êsau và Gia-cóp. Ông Abram đổi tên là Abraham theo lời Đức Chúa (STK 17:5). Gia-cóp đổi tên là Israel sau khi vật lộn và thắng thiên thần (STK, 32:28). Cả 3 đời đều lập nghiệp ở xứ Canaan; xứ sở này còn được gọi là đất Ít-sa-en (Land of Israel) theo tên gọi sau này của ông Gia-cóp. Như thế, Israel và Jewish đều là tên gọi dân tộc Do-thái mà ông bà ta ngày xưa thường gọi là Giu-dêu.
Vì nạn đói, khoảng 1523 BC gia đình ông Gia-cóp định cư tại Ai-cập và con cái sinh sôi nẩy nở nơi xứ người. Dân Do-thái trở nên đông đúc trên đất Ai-cập khiến vua Pharaon lo sợ. Đến năm 1429 BC, vua Ai-cập bắt toàn thể dân Do-thái làm nô lệ trên đất nước mình, bắt đầu chuỗi năm tháng tù đày và nô lệ từ đó. Gần 150 năm, dân riêng của Chúa làm nô lệ trên đất Ai-cập, mãi cho đến năm 1280 BC, Maisen (Moses) dẫn dân Do-thái ra khỏi đất Ai-cập, băng qua Biển Đỏ, lưu lạc trong sa mạc 40 năm và trở lại vùng Đất Hứa khoảng năm 1240 BC. Mãi đến thời vua Davít (1010 – 970BC) Giêrusalem trở thành thủ đô của dân Do-thái. Nhưng phải đến đời vua con, Salômôn (970 – 931BC), đền thờ Giêrusalem mới bắt đầu xây và hoàn tất vào khoảng năm 968 BC. Năm 931 BC, Israel phân chia 2 miền; phía Bắc gọi là Ít-sa-en (Israel), và phía Nam gọi là Giuda (Judah). Các vua tiếp tục trị vì 2 miền bắc và nam (chúng ta liên tưởng đến thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, cũng vua trong nam ngoài bắc) mãi đến năm 750 BC thì thời kỳ khốn khó bắt đầu.
Để có một cái nhìn tổng quát hơn, xin quý vị nhớ đến mảnh đất của quê hương Việt nam vì vị trí lãnh thổ và lịch sử của 2 dân tộc Việt & Do-thái có rất nhiều điểm tương đồng.
Giống như vị trí chiến lược của mảnh đất hình chữ S của Việt nam như bao lơn nhìn bao quát ra Thái bình dương thì số phận của dân tộc Ít-sa-en cũng phần lớn gắn liền với vị trí lãnh thổ chiến lược như thế khi nó nằm ngay tại ngã tư thời cổ đại. Nếu Việt nam vào thời xa xưa giáp với các nước Chiêm-thành, Cao-miên, Xiêm-la, và Tàu về phía bắc thì Ít-sa-en cũng đối diện với biển Địa Trung Hải về phía tây và những sa mạc Ả Rập nóng cháy da về phía đông. Nó như một cây cầu đất bắt liền giữa Ai Cập ở phía nam và các lãnh thổ của vùng Lưỡng Hà (Mesopotamia) và Tiểu Á (Asia Minor) về phía bắc. Vì nằm lọt thỏm giữa những đế quốc nên tuy Ít-sa-en không hẳn luôn luôn là mục tiêu xâm lược, nhưng là vùng đất để quân của các đế quốc chinh phạt lẫn nhau phải băng qua. Vì nằm trên đường viễn chinh của những đế quốc này nên mảnh đất Ít-ra-en bị xâu xé và bằm nát trong suốt một thời gian dài, quá dài.
Đó là 5 đế quốc thời cổ Cận Đông:Assyria, Babylonia, Persia (Iran bây giờ), Hy-lạp (Greece), và La mã (Rome). Sự hưng thịnh của những đế quốc này thay phiên nhau làm bá chủ cả vùng đất Lưỡng Hà và Tiểu Á. Họ lần lượt bắt bớ, lưu đày, và biến dân Do-thái làm nô lệ trong suốt nhiều thế kỷ. Hiện nay, vị trí của Do-thái cũng chẳng khác gì thời đó bao nhiêu khi bị bao vây giữa các nước thuộc khối Ả-rập như Jordan, Lebanon, Syria, và Ai-cập, sẵn sàng nuốt chửng Do-thái bất cứ lúc nào nếu tình huống cho phép.
Đế quốc Assyria nổi dậy và chinh phục miền tây. Đến năm 805 BC, vua Adad-nirari II của Assyria chiếm đóng Syria, Phoenicia, Ít-sa-en, Edom, Philistia, Babylonia, Media, Persia, và vùng Hittite, chỉ còn Urartu và Elam và Ai-cập là chưa bị chinh phục mà thôi. Dân tộc Ít-sa-en bắt đầu thân phận nô lệ cho đế quốc Assyria bắt đầu từ năm 750BC mãi cho đến năm 612BC mới chấm dứt.
Vào năm 615 BC, các nước Scythians, Urartu, and Phrygia (Thổ-nhĩ-kỳ ngày nay) liên kết với đế quốc Babbylon nhằm lật đổ sự thống trị của Assyria. Trận đánh Carchemish năm 605 BC chính thức chấm dứt thời kỳ thịnh trị của đế quốc Assyria, và Nebuchadnezzar II trở thành vua của đế quốc Babylon. Vừa thoát tròng Assyria, dân Ít-sa-en lại rơi vào ách của Nebuchadnezzar và bị lưu đày ở Babylon (Iraq bây giờ), (xem Thánh vịnh, Tv 137). Cuộc lưu đày kéo dài từ năm 612 BC đến 539 BC. Quân Babylon đã phá hủy đền thờ Giêrusalem vào năm 586 BC. Đây là biểu tượng của dân tộc Ít-sa-en đứng ngạo nghễ trong suốt gần 400 năm kể từ thời vua Salômôn. (ghi chú, Boney M. trình bày bài Rivers of Babylon [http://www.youtube.com/watch?v=vYK9iCRb7S4], ca đoàn Ngôi Ba cũng với ca khúc Bên Dòng Sông Babylon [http://www.youtube.com/watch?v=aRDnGygIs2o] nói lên thân phận lưu đày, mong ước trở về Zion, đền thờ Giêrusalem của dân tộc Do-thái)
Đến năm 555 BC, vua Cyrus của đế quốc Persia (Ba tư) thống nhất các sắc dân quanh vùng. Thực lực của đế quốc Persia lớn mạnh dần và năm 539 BC, vua Cyrus lật đổ vua Babylon không tốn một giọt máu. Từ đó, đế quốc Persia chinh phạt và lần lượt thâu tóm các nước chung quanh. Nhưng phải đợi đến năm 555 BC, người con của vua Cyrus là Cambyses mới chinh phục Ai-cập. Từ đó, lãnh thổ của đế quốc Persia bành trướng ra khắp 4 phương tưởng như không có biên giới. Dân tộc Do-thái, một lần nữa, lại chịu thân phận nô lệ mãi cho đến năm 331 BC. Cũng trong thời gian chinh phạt, vua Persia cho xây dựng lại đền thờ Giêrusalem vào năm 520 BC. Đây là lần thứ hai đền thờ được xây dựng.
Đế quốc Hy-lạp bùng lên đánh bại Persia do vua Philip II của Macedonia sau khi ông thống nhất lãnh thổ. Nhưng vua Philip II bị ám sát chết vào năm 334 BC rồi người con là Alexander (A-lịch-sơn) lên ngôi và chính thức tuyên chiến với đế quốc Persia. Đây là thời đại thịnh trị của đế quốc Hy-lạp khi vua A-lịch-sơn Đại đế (Alexander the Great) lần lượt chinh phục các nước Anatolia, Syro-Palestine, Egypt, Lưỡng Hà, và Ba tư (Persia). Vua đem quân chinh phạt các nước viễn đông mãi tận biên giới Ấn độ, và trung Á. Lãnh thổ của đế quốc Hy-lạp còn lớn rộng hơn cả của đế quốc Ba tư. Với thực lực mạnh mẽ đến thế, dĩ nhiên dân tộc Do-thái phải cam chịu làm nô lệ mãi cho đến năm 143 BC.
Năm 143 BC, gia đình Hasmonean nổi dậy dành lại được độc lập (Maccabees). Thời gian dân Do-thái tự chủ kéo dài được 80 năm thì rơi vào sự đô hộ của đế quốc La-mã (63 BC). Khoảng năm 4 BC thì Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem dưới thời vua Hêrôđê (Herod the Great = Herôđê Cả). Đây là thời gian cực thịnh của đế quốc La mã. Vua Cesar (Caesar Augutus) trị vì La mã, và bổ nhiệm các quan tổng trấn (governor) cai trị đất Galilê, Samaria, và Giuđêa. Dân Do-thái thời này vẫn có vua và được nhìn nhận bởi đế quốc La mã. Nhìn chung, bối cảnh này giống như thời Tàu đô hộ nước ta; đất An-nam vẫn có vua, và vua Việt phải được vua Tàu nhìn nhận, và tại nước Việt có đại diện của vua Tàu thường gọi là quan Thái thú (governor). Dân Do-thái một cổ đôi ba tròng là thế, vì vừa phải đóng thuế cho vua Do-thái Hêrôđê vừa phải đóng thuế cho vua La mã, (ghi chú, đây là vua con, còn vua Hêrôđê Cả đã chết vài năm sau khi Chúa trốn sang Ai-cập); (ghi chú thêm, vua Hêrôđê Cả ra lệnh giết tất cả các hài nhi từ 1 tuổi trở xuống khi bé Giêsu vừa sinh, còn khi Chúa Giêsu ra đời giảng dạy thì Herod Antipas đã kế vị vua cha từ lâu).
Đền thờ Giêrusalem bị quân Rôma phá hủy hoàn toàn vào năm 70 AD (Anno Domini = năm của Chúa = sau Thiên Chúa giáng sinh = sau Công nguyên). Đế quốc này thịnh trị và kéo dài mãi đến năm 476 AD khi vua Romulus – vị vua cuối cùng của đế quốc La mã – bị Odoacer – một thủ lãnh người Đức – lật đổ, cáo chung một đế quốc thống trị toàn cõi Âu-châu trong hơn 5 thế kỷ.
Những thế kỷ tiếp theo, mảnh đất It-ra-en lần lượt rơi vào tay các đế quốc như Byzantine (324 – 636 AD), Hồi (636 – 1099 AD), đến thời kỳ Thánh chiến (1099 – 1291 AD), Mamluk (1291 – 1516 AD), Ottoman (1516 – 1918 AD), và sau cùng là đế quốc Anh (1918 – 1948 AD). Dân Do-thái vẫn lưu lạc phân tán khắp nơi trên thế giới, và chỉ còn một số ít chấp nhận ở lại quê hương. Nhũng đế quốc Hồi lần lượt thống trị mảnh đất Ít-ra-en và là tôn giáo chính kể từ năm 636 và kéo dài mãi cho đến khi đế quốc Anh đánh bại Ottoman (1918). Như thế dân Palestine đã có mặt tại Đất Hứa từ thế kỷ 7, ngay sau khi đế quốc Byzantine chấm dứt. Tính ra lúc dân Do-thái trở về cố hương, dân Palestine sinh sôi lập nghiệp trên cùng một mảnh đất đã hơn 13 thế kỷ.
Cần nói thêm là dưới sự đô hộ của Rôma, năm 136 AD, Giêrusalem bị đổi tên là Aelia Capatolina và miền Judea cũng đổi tên thành Palaestina, nhằm xóa bỏ căn tính của dân tộc Do-thái. Ngay sau khi Đền thờ Giêrusalem bị phá hủy lần hai (70 AD), dân Do-thái phân tán và lưu lạc sang Âu-châu và vùng Bắc Phi, còn lại một số rất ít di chuyển lên vùng Galilê. Đây là đợt lưu lạc lớn nhất, kéo dài lâu nhất và kinh hoàng nhất trong lịch sử của dân riêng Chúa.
Như thế, tính nhẩm trên đầu ngón tay, trong suốt một thiên niên kỷ, dân Do-thái làm tôi mọi cho các triều đại và đế quốc trong hơn 7 thế kỷ, rồi lưu lạc trong 2000 năm. Số phận dân Do-thái gần giống số phận của dân Việt với 1000 năm bị Tàu đô hộ, và hơn 100 năm bị Pháp đô hộ. Xét cho cùng, dân Do-thái khổ hơn vì dân tộc này tiếp tục lưu lạc trên khắp thế giới cho mãi đến năm 1948 mới được trở về cố hương (xem Exodus của Leon Uris), sau nạn Holocaust kinh hoàng.
Cuộc đời lưu lạc của dân Do-thái chấm dứt vào ngày 14 tháng 5 năm 1948: nước Ít-ra-en được thành lập qua sự thỏa thuận của đế quốc Anh và được quốc tế công nhận. Và chỉ trong vòng chừng thập niên, dân Do-thái ở khắp nơi trên thế giới đổ về quê cha đất tổ để xây dựng đất nước. Sự di dân ồ ạt này lại tạo ra một sự xung đột khác ngay trên mảnh đất của tổ phụ Abraham – mảnh đất đầy sữa và mật ong như lời Đức Chúa phán hứa – vì dân Palestine đã sinh sống ở đó từ thế kỷ 7.
Cuộc kiểm tra dân số đầu tiên vào tháng 11/1948 ghi nhận có chừng 712,000 dân Do-thái, và khoảng 69,000 dân Palestine sống ngay từ những ngày đầu tái thành lập nước Ít-ra-en.
Sự xung đột bắt đầu.
b. Sự xung đột.
Nếu ai đến Do-thái đều nhận thấy sự căng thẳng giữa 2 dân tộc Do-thái và Palestine. Cả 2 đều nhìn nhận tổ phụ Abraham, vì tổ tiên của họ là anh em ruột thịt nhưng đến tận bây giờ vẫn thù nghịch nhau còn hơn người dưng nước lã, chỉ vì sự tranh giành đất sống. Họ giống như hai người con tranh dành của cải cha mình để lại. Phải giở lại sách Sáng thế ký để hiểu rõ căn nguyên của sự thù nghịch này.
Bà Sarai, vợ ông Abraham hiếm muộn, không có con trai nối dõi nên hiến người nữ tỳ là Hagar, một người Ai-cập cho ông. Hagar đi lại với Abraham và nàng có thai, (Stk 16:1-4). Hagar biết mình mang giọt máu của ông chủ nên ra mặt khinh dể Sarai, khiến bà này phàn nàn với Abraham. Ông cho bà toàn quyền trên Hagar, và bà quay ngược trở lại hành hạ nàng đến nỗi nàng không chịu đựng được đành phải trốn vào sa mạc. Sứ thần hiện ra với Hagar và bảo, "Cứ về với bà chủ ngươi, và chịu luỵ bà ấy." Sứ thần của Đức Chúa nói với nàng:"'Ta sẽ làm cho dòng dõi ngươi ra thật nhiều đến mức không thể đếm được vì quá đông.' Này đây ngươi đang có thai, sắp sinh hạ con trai và sẽ đặt tên là Ít-ma-ên (Ismael), vì Đức Chúa đã nghe thấu nỗi khổ của ngươi. Con người đó đúng là một con lừa hoang, nó giơ tay chống mọi người, mọi người giơ tay chống nó, nó sẽ luôn đối đầu với tất cả anh em nó." (Stk 16:9-12)
Hagar vâng lời sứ thần trở về, phục tùng bà Sarai và Ít-ma-ên (Ismael) ra đời, đứa con trai đầu lòng của ông Abraham. Không biết lời nói của sứ thần mấy nghìn năm trước có phải là lời chúc dữ hay không vì những câu như, nó giơ tay chống mọi người, mọi người giơ tay chống nó, nó sẽ luôn đối đầu với tất cả anh em nó, gần như nói lên sự hung hãn và thù nghịch của Ít-ma-ên, dòng dõi của dân tộc Ả-rập sau này. Mãi về sau, khi ông Abraham được 100 tuổi, bà Sara (đổi tên từ Sarai) sinh hạ Isaac. Từ khi có con trai, bà không muốn thấy mẹ con Hagar nữa nên xúi chồng, "Ông hãy đuổi hai mẹ con đứa nữ tỳ này đi, vì con trai đứa nữ tỳ không được thừa kế cùng với Isaac, con trai tôi." (Stk 21:9). "Nhưng Thiên Chúa phán với ông Áp-ra-ham:'Đừng bực mình vì chuyện đứa trẻ và người nữ tỳ của ngươi. Tất cả những gì Sara nói với ngươi, cứ nghe, bởi vì chính nhờ Isaac mà ngươi sẽ có một dòng dõi mang tên ngươi. Còn con trai của người nữ tỳ, Ta cũng sẽ làm cho nó thành một dân tộc lớn, vì nó là dòng dõi ngươi.' Sáng hôm sau, ông Abraham dậy sớm, lấy bánh và một bầu da đựng nước đưa cho Hagar. Ông đặt đứa bé lên vai nàng và bắt nàng phải đi." (Stk, 21:12-14).
Khi Hagar và đứa con gần chết khát trong sa mạc, sứ thần lại hiện ra nói, "'Đứng lên! Đỡ đứa trẻ dậy và ôm nó trong tay, vì Ta sẽ làm cho nó thành một dân tộc lớn.' Thiên Chúa mở mắt cho nàng, và nàng thấy một giếng nước. Nàng đi đổ nước đầy bầu da, rồi cho đứa trẻ uống. Thiên Chúa ở với đứa trẻ, nó lớn lên, sống trong sa mạc, và trở thành người bắn cung. Nó sống trong sa mạc Pa-ran, và mẹ nó cưới cho nó một cô vợ người đất Ai-cập." (Stk 21:17-21). Hai đứa con trai của tổ phụ Abraham sinh ra trong hai hoàn cảnh khác nhau. Một đứa sống trong sa mạc và đứa con thừa tự sống trên miền Đất Hứa.
Ít-ma-ên (Ismael) sinh hạ 12 người con, Nabajoth, Cedar, Adbeel, Mabsam, Masma, Duma, Massa, Hadar, Thema, Jethur, Naphis, và Cedma là dòng dõi của dân Ả-rập. Gia-cóp (Jacob) cũng sinh hạ 12 người con, Ruben, Simeon, Levi, Juda, Issachar, and Zabulon, Joseph, Benjamin, Dan, Nephtali, Gad và Aser là dòng dõi của dân Do-thái. Con số 12 là con số toàn thiện trong Kinh thánh; nghĩa là nhiều như sao trên trời và như cát dưới biển, một dân tộc.
Lior, người hướng dẫn Do-thái, phân trần với chúng tôi thế này. Ai là đứa con thừa tự và được sự chúc phúc của tổ phụ Abraham? Thưa là Isaac vì khi Đức Chúa bảo phải đem con đi sát tế (thử thách sự vâng lời của Abraham), ông đã đem Isaac chứ không hề nghĩ đến Ismael, (xem Stk 22:1-13). Còn dân Palestine thì khăng khăng bảo rằng đứa con đầu lòng (Ismael) phải là đứa con thừa kế cho dù mẹ nó thuộc giai cấp nào đi chăng nữa. Ngoài ra, đất Ít-ra-en bị dòng giống Ả-rập (Mohammed) chiếm đoạt và cai trị từ thế kỷ thứ 7. Như thế, trong khi dân Do-thái lưu lạc suốt hơn 2000 năm thì dân Palestine đã định cư ở miền Đất Hứa hơn 1300 năm.
Hai dân tộc có mối tương quan ruột thịt đến thế nhưng không thể sống chung với nhau trên cùng mảnh đất. Hiện nay, dân Do-thái đã trên 7 triệu người, và khoảng 2.5 triệu dân Palestine sống ở vùng tả ngạn sông Jordan (West Bank) và 1.7 triệu sống ở dải Gaza, giáp Ai-cập. Hai sắc dân này chung sống giống như một quốc gia trong một quốc gia, (xem bản đồ).
Nhìn kỹ bản đồ phía tay phải, thấy đường viền màu đỏ biểu hiện một hàng rào ngăn chia vùng West Bank (xanh) và Do-thái, kể cả dải Gaza giáp Ai-cập. Hàng rào này có chu vi khoảng 700 km (430 dặm) với 90% là hàng rào kẽm gai và một giao thông hào rộng 60m làm trái độn; còn lại 10% là tường thành bê-tông cao 8m như bức tường Bá-linh thuở nào. Do-thái vẫn tìm cách lấn đất, Palestine thì vùng vẫy không chịu thua, và luôn luôn tìm cách khủng bố. Đó là phương cách chống trả khi dân Palestine yếu thế. Và nếu cứ bắt cóc, gây khủng bố, dân Do-thái cũng không chịu thua. Họ sẽ lùng bắt và giết dân Palestine để trả thù theo luật Moses. Cứ thế, hận thù triền miên kể từ năm 1948. Lấy một ví dụ, trước khi đoàn chúng tôi đến Đất Thánh, Palestine bắt cóc 3 thiếu niên Do-thái. Chính quyền Do-thái cả tuần bố ráp, lục soát vùng West Bank nhưng cuối cùng chỉ tìm thấy xác phơi trên cánh đồng. Lập tức một cuộc hành quân để tiểu trừ nhóm khủng bố Hamas và 6 dân Palestine bị giết chết. Dân Palestine thế nào cũng không chịu thua, và sẽ tiếp tục khủng bố, bắt cóc và cuộc hành quân trả đũa của Do-thái vẫn xảy ra. (xem http://news.yahoo.com/bodies-three-missing-teenagers-found-west-bank-israeli-174050071.html)
Vấn đề này hầu như không thể nào giải quyết được, đôi khi gây nhức nhối cho chính quyền Hoa-kỳ, kẻ luôn đứng ra bảo vệ Do-thái. Ngay trong ngày thứ 6 (20/6/2014) trong tuần hành hương ở Đất Thánh vừa qua, ngày dân Palestine tuôn vào đền thờ Giêrusalem để cầu nguyện, cảnh sát và lính Do-thái bủa ra khắp các tuyến đường dẫn vào đền thờ, võ khí tận răng, và nhất là có cả đội quân khuyển chuyên dò tìm thuốc nổ. Kết quả là cảnh sát Do-thái bắt được 30 tên khủng bố thuộc nhóm Hamas trong ngày đó.
Ngày nào hai dân tộc này làm hòa, bắt tay nhau để sống chung hòa bình, có lẽ ngày đó thế giới sẽ hết chiến tranh, tất cả dân tộc của các quốc gia sẽ sống an bình thực sự trên hành tinh mang tên Trái đất này.
Nên cầu nguyện để nhân loại có một ngày như thế.
II. HÀNH HƯƠNG
Chuyến hành hương Đất Thánh hơn 2 tuần gồm 38 người. Tuần đầu đoàn hành hương sẽ đến Do-thái, và sẽ thăm di tích dấu chân của Chúa Giêsu khi Ngài sinh ra và đi rao giảng. Tuần tiếp theo sẽ thăm Thánh đô và những di tích lịch sử, đánh dấu một thời huy hoàng của giáo hội Công giáo.
Chúng tôi chưa có ý định tham dự chuyến hành hương này, cũng vì một vài trở ngại trần tục, mà cứ hẹn lần lữa từ năm này qua năm khác. Cha Phaolô Lưu đình Dương là linh hướng của đoàn hành hương. Ngài đã từng tổ chức nhiều lần những chuyến hương như thế từ hơn 20 năm qua. Lần hành hương này là lần cuối vì tuổi ngài đã trên 70. Nghe vậy, chúng tôi quyết định phải tham gia đoàn hành hương năm nay.
Khởi hành từ San Francisco đến Philadelphia xế trưa. Chờ đợi gần 5 tiếng mới đáp chuyến bay sang Tel Aviv. Tổng cọng 16 giờ bay. Kể từ lúc khởi hành cho đến lúc đặt chân lên đất Do-thái mất gần một ngày, vừa bay, vừa chờ đợi.
Sức nóng buổi trưa của một ngày bình thường mùa hè tại vùng đất sa mạc tạt vào mặt chúng tôi khi vừa bước ra khỏi phi trường Ben Gurion. Xem ra cơn nóng chịu đựng được, tuy người đã nhễ nhại mồ hôi. So với thành phố San Jose tôi ở, cơn nóng ở đây có vẻ dễ chịu hơn. Có lẽ phải đợi vài ngày nữa mới thấm được cơn nóng sa mạc khi chúng tôi lội bộ khắp nẻo đường Đất Thánh. Còn bây giờ, tôi chỉ mong mau đến khách sạn để lột bỏ bụi đường sau gần một ngày lơ lửng trên không.
Con đường từ phi trường Tel Aviv đến khách sạn Leonard ở trung tâm thành phố dài khoảng 45 phút lái xe. Người hướng dẫn giới thiệu với chúng tôi những địa danh mà đoàn sẽ thăm vào ngày mai và những ngày sắp tới, cả đời sống sinh hoạt của dân chúng. Điều làm tôi khá ngạc nhiên là dọc theo xa lộ, cây xanh trồng rất nhiều, mặc dù vẫn có những mảnh đất khô cằn, trơ trọi, nằm phơi mình dưới cái nắng của buổi trưa hè với những lùm cây khô. Gần về khách sạn, tôi nhận thấy nhà cửa mọc san sát trên ngọn đồi, xây cùng một kiểu kiến trúc. Có 2 đặc điểm về nhà cửa của dân chúng Do-thái.
- theo luật Do-thái, nhà cửa phải xây bằng gạch, và gạch phải đúc từ đất vùng Giêrusalem,
- nhà nào cũng có bồn chứa nước sơn màu đen đặt trên nóc; nhìn từ xa trông như ống khói. Dân chúng hun nóng nước bằng năng lượng mặt trời.
Do-thái đã hoàn tất 3 nhà máy lọc nước biển từ Địa trung hải để phân phối và bán cho Jordan. Các nước Ả rập đang sống trên mớ vàng đen cả hơn 100 năm nay, nhưng điều tối cần thiết trong vài chục năm tới khi vàng đen cạn kiệt, chính là nguồn nước. Và Do-thái đã đi trước thời đại khi chuẩn bị cho dân chúng một nguồn nước không hề cạn kiệt, đó là những nhà máy lọc nước biển.
Buổi sáng không ngủ được, thức giấc vào lúc 2 giờ sáng. Một mình một máy laptop xuống lobby, khách sạn không một ai biết cách nối mạng. Thế là tôi hoàn toàn cách ly với thế giới ảo. Hộp thư sau một ngày không mở, có lẽ đã đầy ắp thư từ. Ngồi một mình ngoài hiên khách sạn, tiếng dế kêu rả rich, đơn điệu và buồn tênh. Thỉnh thoảng ngọn gió nhẹ kéo lê một vài chiếc lá vàng cuộn mình trên sân nghe xào xạc, khô khan. Đâu đó tiếng xe chạy vẳng về từ xa lộ phía xa rồi mất hút. Không gian thật yên tĩnh, một mình tôi với khung trời Do-thái lúc về sáng. Chúa Giêsu trong suốt thời gian 3 năm giảng đạo, bên cạnh lúc nào cũng có 12 tông đồ, nhưng có lẽ Ngài cũng có những giây phút thật yên tĩnh như thế riêng với Chúa Cha, nhất là những giờ một mình trong vườn Cây Dầu với nỗi sợ hãi về những cực hình sắp phải chịu để cứu chuộc nhân loại.
Ngày thứ Năm, Jun 19, 2014
Thời tiết tuy nóng (88 F) nhưng vẫn chịu đựng được. Chuyến hành hương bắt đầu từ địa danh Bêlem, nơi Chúa Cứu thế sinh ra để thực hiện chương trình cứu chuộc của Ngài theo ý Đức Chúa Cha. Đoạn đường từ Giêrusalem đến Bêlem chỉ dài khoảng 7 cây số và chuyến xe bus với tốc độ bình thường sẽ đưa chúng tôi đến chỉ trong vòng mươi lăm phút. Thế nhưng đoạn đường ngắn đó phải mất chừng nửa tiếng vì tình hình chính trị phức tạp tại vùng đất đặc biệt này.
Sở dĩ đoạn đường 7km ngắn ngủi đó phải mất thời gian lâu hơn chỉ vì sự thù hận người giữa 2 dân tộc Palestine và Do-thái. Xe bus rời khu vực cai trị của Do-thái có trạm kiểm soát, lính Do-thái dễ dãi cho xe chúng tôi qua chỉ vì họ chỉ chú trọng đến người và xe cộ bước vào khu vực này. Lior, người hướng dẫn gốc Do-thái, xin cáo lỗi vì không thể tháp tùng đoàn chúng tôi đến Bêlem, nhưng phải nhờ một hướng dẫn viên Palestine, Khalid, đảm nhận nhiệm vụ này.
Chúng tôi phải đổi xe tại biên giới chia cách vùng Palestine và Do-thái. Ngay tại biên giới phía Palestine, một tấm bảng xanh sơn chữ đỏ có đề hàng chữ, "Vùng đất Palestine, cấm những kẻ mang quốc tịch Do-thái vượt qua". Nhìn qua phía phần đất Do-thái, cũng có một tấm bảng xanh sơn chữ trắng, "Vùng đất Do-thái, cấm những kẻ mang quốc tịch Palestine vượt qua". Chúng tôi xuống xe bước sang một chiếc xe bus khác trông cũ kỹ hơn đang đậu sẵn, Khalid đón và dẫn chúng tôi lên xe. Giữa vùng đồi núi hoang vu khô khốc, chiếc xe bus chở chúng tôi tiến về Bêlem.
Khu vực Giêrusalem của Do-thái đường phố khang trang, xe cộ lưu thông nhộn nhịp của một buổi sáng mùa hè trời chưa nắng gắt. Thế mà khi đến vùng biên giới, khung cảnh trở nên im lìm, hoang vu, khô cháy, không một bóng người qua lại, nhưng chỉ thấy những chuyến xe lầm lũi đưa người đi và trở về. Từ biên giới tiến vào vùng đất thuộc quyền kiểm soát của Palestine, cây cối mọc thưa thớt, những ngọn đồi trọc đứng bơ vơ giữa một vùng đất chỉ thấy một hàng rào kẽm gai dài dằng dặc chia cách Bêlem và Giêrusalem. Như thế, sự ngăn cách vẫn trầm trọng hơn bao giờ và người ta cứ bâng khuâng tự hỏi, đến khi nào mới chấm dứt sự thù hận giữa 2 dân tộc có chung một tổ phụ là Abraham, Isaac, và Jacob.
Vùng đất này thuộc Tây ngạn sông Jordan (West Bank of Jordan river) được chia làm 3 khu vực như sau:
1. Khu vực A, thuộc quyền kiểm soát của Palestine, và dưới sự bảo vệ an ninh của Palestine
2. Khu vực B, thuộc quyền kiểm soát của Palestine, và dưới sự bảo vệ an ninh của Do-thái
3. Khu vực C, thuộc quyền kiểm soát của Do-thái, và dưới sự bảo vệ an ninh của Do-thái
Bêlem thuộc khu vực A. Giêrusalem thuộc khu vực C. Đó là lý do tại sao người hướng dẫn Do-thái không thể đi cùng chúng tôi sang Bêlem, và ngược lại người hướng dẫn Palestine, Khalid không thể đưa chúng tôi đến Giêrusalem.
Rời vùng đồi trọc hoang vu như trái độn giữa hai vùng đất, xe tiến vào khu dân cư. Khung cảnh trở nên nhộn nhịp dần. Tôi nhận ra ngay sự khác biệt. Thứ nhất, đường phố bên vùng Do-thái trông sạch sẽ hơn, sầm uất hơn. Thứ hai, nhà cửa bên vùng Palestine bỏ dở dang việc xây cất rất nhiều. Những căn nhà, hoặc building tường vách đã dựng lên trông khá bề thế, vậy mà nhìn trống hoác, chỉ vì chẳng thấy cửa ngõ gì. Tôi chẳng thấy nhà cửa xây lưng chừng rồi bỏ dở như thế bên vùng Do-thái. Hỏi ra mới biết vấn đề tham nhũng bên Palestine trầm trọng như căn bệnh ung thư. Nó ăn mòn hết tài nguyên của quốc gia khi các nhân viên chính quyền đua nhau bòn mót của công, và kết quả là nhà cửa và công trình bỏ dở rất nhiều, nằm chơ vơ dọc hai bên đường, như một bằng chứng sống về sự thối nát của chính quyền Palestine. Cuối cùng, người dân vẫn là tầng lớp chịu thiệt thòi nhất. Và du khách nhận ra ngay từ cách ăn mặc của người dân trông luộm thuộm hơn, xe cộ trông cũ kỹ hơn (xe bus của công ty du lịch Palestine đang chở chúng tôi là một bằng chứng), đường sá trông bẩn hơn. Vấn nạn tham nhũng như một con dòi đục khoét tấm thân vốn đã thối rữa của chinh quyền Palestine, bắt đầu từ thời Arafat và kéo dài mãi cho đến giờ này. Tôi thở dài khi nghĩ đến thân phận người dân ở đất nước tôi, họ cũng chịu chung một số phận như dân Palestine, và đến khi nào tương lai của họ sẽ sáng sủa hơn?
Trên đường đến Bêlem, bên phải là nhà thờ thánh Anrê (St. Andrew's Church) của Giáo hội Tô-cách-lan. Năm 1979, nhóm khảo cổ tìm thấy 2 cuộn bằng bạc (silver scrolls) ghi lại lời chúc phúc của thầy cả, một phần trong sách Dân số của Cựu ước, (xem Ds 6:23-26). Bản văn này được giám định có từ thế kỷ 6 BC, trước năm thành Giêrusalem bị phá hủy lần đầu (586 BC) vào thời dân Do-thái bị lưu đầy ở Babylon; nghĩa là xưa đến 2700 năm.
Xe bus chạy ngoằn ngoèo tiến thẳng vào vùng Bêlem và dừng lại trước một khu vực trông như tu viện. Bêlem theo nghĩa của Palestine có nghĩa là Nhà Thịt (House of Meat), trong khi tiếng Hebrew vả Aramic lại có nghĩa là Nhà Bánh (House of Bread). Dân số ở Bêlem chỉ khoảng 40 nghìn dân nhưng nhà cửa chen chúc và đường sá khá chật hẹp. Con đường lót gạch dẫn chúng tôi đến ngôi nhà thờ nằm bên phải. Bên trái một căn nhà không vách, chỉ có mái che, sơ sài những chiếc ghế dài, và chiếc bàn nhỏ phía trên đã để sẵn chén và bánh thánh, có chiếc khăn trắng đặt một bên. Cha linh hướng dẫn đoàn vào căn nhà trống hoác đó và chúng tôi chuẩn bị tham dự thánh lễ.
Đây là vùng đồng cỏ cách đây 2000 năm đám mục đồng ngủ qua đêm để canh giữ đoàn chiên. Bởi vậy khu vực này mang tên The Shepherd's Field (Cánh đồng Mục đồng) do các cha dòng Phanxicô bảo quản. Đêm khuya, thiên thần đến báo tin cho các mục đồng một Hài Nhi đã được sinh ra, và chính con trẻ này sẽ là Đấng Cứu thế của muôn dân. Chúng tôi sốt sắng hát bài "Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời" để mở đầu thánh lễ và tưởng tượng đến vùng đồi núi thuở xưa, nhấp nhô đá, những cậu bé mục đồng đang nằm chen chúc ngủ say trong những hang động giữa đêm khuya thanh vắng. Màn trời tối đen như tội lỗi con người đã vấp phạm và cả nhân loại đang bước đi trong bóng đêm. Lời báo của thiên thần gióng lên như tiếng kèn thổi lên báo hiệu một tương lai sáng sủa cho con người, vì chương trình cứu độ giải thoát nhân loại khỏi ách tội lỗi đã bắt đầu, khi Hài Nhi Giêsu đã sinh ra. (xem Lc 2:8-14)
Bước sang thăm ngôi thánh đường mang cùng tên, nhà thờ Mục đồng.
Xe đưa chúng tôi đến nhà thờ Chúa Giáng Sinh (The Church of the Nativity) đang sửa mái ngói, gồm 3 tôn giáo cai quản: Công giáo, Chính thống giáo Hy lạp, và Chính thống Armênia. Bên trong cũng đang sửa chữa, nên gian cung thánh của Chính thống giáo cột kèo chằng chịt. Khách hành hương từng nhóm đứng ngồi chờ đợi để viếng máng cỏ ở dưới hầm. Bên dưới, một nhóm khác đang cử hành nghi lễ Đông phương nên mọi người phải chờ đợi hơn ½ tiếng. Khalid, hướng dẫn viên cho biết, Công giáo, Chính thống giáo Hy lạp, và Chính thống Armênia thay phiên nhau trong ngày để cử hành nghi thức riêng của từng tôn giáo. Vì đoàn hành hương đến vào giờ của Chính thống Hy lạp nên tất cả phải tùy vào sự sắp xếp của các cha Chính thống. Nhìn sang bên, các cha râu tóc dài, đầu đội mão cao, ngồi yên lặng trên ghế chẳng buồn nhìn hàng trăm khách hành hương đang bồn chồn mất kiên nhẫn vì chờ đợi đã lâu. Chẳng biết ngài đang cầu nguyện trong thinh lặng, hay là đang bực mình vì đoàn chúng tôi chuyện trò khá lớn, làm mất vẻ trang nghiêm của ngôi thánh đường. Tôi xin cho tôi chụp ngài một tấm hình, ngài nhăn mặt lắc đầu.
Máng cỏ, nơi Hài Nhi Giêsu sinh ra nằm co ro trong cơn lạnh mùa đông vùng Bêlem, bây giờ khắc ngôi sao 14 cánh để khách hành hương tôn kính (xem Mt 1:18-25; Lc 2:1-20). Nếu nhìn kỹ, trên ngôi sao còn khắc hàng chữ La-tinh, nghĩa là "NƠI ĐÂY GIÊSU KITÔ ĐÃ SINH RA BỞI ĐỨC MẸ ĐỒNG TRINH". Đây là ngôi thánh đường này cổ xưa nhất tại Đất Thánh. Biết bao thăng trầm xảy ra ở vùng đất này. Đã có lúc toàn bộ các ngôi thánh đường bị san bằng vì chiến tranh, vì sự xung đột giữa các nước nhưng không hiểu sao ngôi thánh đường này vẫn còn nguyên vẹn.
Bên trong có hình Đức Mẹ bồng bé Giêsu, miệng mỉm cười. Đây là hình đặc biệt của Chính thống giáo, và nụ cười của Đức Mẹ cũng bí ẩn như nụ cười của bức tranh Mona Lisa.
- đi bộ một quãng là đến nhà thờ Milk Grotto được xây dựng từ thế kỷ 5, hiện do các cha dòng Phanxicô cai quản. Lần đầu tiên tôi thấy hình Đức Mẹ cho con bú. Tương truyền, trên đường trốn sang Ai cập, (Mat 2:13-15) Mẹ dừng chân tạm trú cho Hài nhi Giêsu bú, và một giọt sữa rơi xuống và biến nền đá trong hang động này thành màu trắng. Tín hữu Hồi giáo và Thiên Chúa giáo tin rằng cầu nguyện ở ngôi thánh đường này thường chữa được bệnh hiếm muộn. Những gói bột sữa ở đây còn chữa được bệnh ung thư với niềm tin vào Mẹ Thiên Chúa.
Xe bus đưa chúng tôi trở lại biên giới. Khalid – người hướng dẫn Palestine – tính tình vui vẻ, hòa đồng, nhẫn nại... chào từ giã. Chúng tôi sang xe bus Do-thái, gặp lại Lior đang chờ chúng tôi với nụ cười hiền hòa. Cả hai hướng dẫn viên Do-thái và Palestine đối với chúng tôi đều niềm nở, nhưng tôi nhận thấy ngay tại biên giới, họ chẳng chào hỏi nhau, ngay cả một cái liếc mắt cũng chẳng hề có. Xe bus Palestine quay đầu đi về phần đất mình, xe bus Do-thái cũng vội vã hướng mũi xe về Giêrusalem. Từ biên giới, hai xe bus chạy về hai hướng ngược chiều nhau, ngày càng xa nhau như mối liên hệ giữa hai dân tộc Do-thái và Palestine.
Trở lại Giêrusalem để thăm viếng đền thờ, nơi sinh sống của 700 ngàn dân, hơn một nửa theo Do-thái giáo, và gần nửa kia theo Hồi giáo. Bức tường được xây lên từ 500 năm nay, nhưng nền móng đã có một lịch sử hơn 3000 năm, kể từ thời vua Salomon xây dựng đền thờ lần đầu. Thành Giêrusalem chia 4 khu vực, Palestine, Công giáo, Chính thống giáo Armenia, và Do-thái. Thành có 7 cổng vào, chúng tôi tiến vào từ cổng mang tên Sư tử.
Nhà thờ bà thánh Anna, mẹ Đức Mẹ, cả đoàn đứng hát bài Kinh Hòa bình. Đặc biệt âm thanh trong nhà thờ này vang vọng nhưng lại nghe rất rõ.
Đến căn nhà dinh của quan Philatô, nơi Chúa bị luận tội (vành móng ngựa), và từ đó chúng tôi đi đàng thánh giá để tưởng nhớ đến cuộc tử nạn của Chúa Giêsu (xem Lc 22, 23, và 24). Thuê được chiếc thánh giá gỗ, chúng tôi thay phiên nhau vác cây thánh giá khi vào khu phố chợ Palestine. Hàng quán mọc đầy 2 bên đường, ồn ào... nhưng chúng tôi vẫn sốt sắng suy gẫm đoạn đường thương khó của Chúa đi qua. Đàng thánh giá ngoằn ngoèo chạy ngang dọc đến chặng thứ 9 và chấm dứt trước cổng nhà thờ do hoàng hậu Helen xây. Chặng thứ 10 đến 14 đều nằm trong nhà thờ.
Hoàng hậu Helen (St. Helena, mẹ của hoàng đế Constantine Cả) xây nhà thờ từ thế kỷ thứ 4, ngay trên khu vực đồi Golgota, còn gọi là núi Sọ. Người ta cho rằng vì Constantine Cả giết vợ và con nên hoàng hậu muốn đến Đất Thánh để tìm cây thánh giá Chúa Giêsu bị đóng đinh đem về chuộc tội cho hoàng đế. Cả vùng đồi bị san bằng để xây nhà thờ và ngay chỗ quân lính Rôma đào lỗ để dựng cây thánh giá treo Chúa Giêsu (cũng là chặng thứ 12 của đàng Thánh giá), bây giờ khách hành hương hôn kính, bao bọc bởi tảng đá lớn đặt trong hòm bằng kiếng mà người xây cố ý để lại, đánh dấu di tích của ngọn đồi.
Một điểm khá buồn cười là sau khi hôn kính, ai cũng tò mò thọc tay xuống lỗ xem nông sâu. Lỗ sâu chừng 25-30cm, và trống rỗng.
Trong nhà thờ còn một phiến đá, nơi xác Chúa Giêsu nằm tạm để tẩm liệm trước khi chôn vào hang, (xem Mt 27:57-61; Mc 15:42-47; Lc 23:50-53; Ga 19:38-42). Hang động để xác Chúa được san bằng và đặt bên trên một tấm đá hoa cương. Từ hang động này, Chúa đã chiến thắng tử thần, sống lại vinh hiển, hoàn tất chương trình cứu chuộc nhân loại, (xem Mt 28:1-7; Mc 16:1-7; Lc 24:1-7).
Bức tường than khóc (the Wailing Wall, Western Wall), nơi dành riêng cho khách hành hương thuộc mọi tôn giáo. Đây là bức tường được ưa chuộng nhất ở phía Tây của đền thờ), vì gần đền thánh nhất so với 3 bức tường kia bao bọc chung quanh, căn cứ vào lối xây dựng đền thờ thời đó. Tuy bức tường được sử dụng chung cho các tôn giáo nhưng nam nữ phải đứng riêng biệt. Chúng tôi đội mũ yarmulke theo truyền thống Do-thái, viết lời nguyện vào mảnh giấy nhỏ và tiến đến bức tường, nhét mảnh giấy vào khe tường, và lặng thinh cầu nguyện. Những mảnh giấy này thỉnh thoảng được gom lại, và đem chôn trong mảnh đất gần đó. Khi người Do-thái cầu nguyện, họ lúc lắc cả thân hình, đây là cách họ chú tâm vào việc cầu nguyện, và khi đạt đến mức xuất thần, thân hình họ thường đong đưa như thế.
Ngày thứ Sáu, Jun 20, 2014
Xe bus dừng trên một ngọn đồi cao, đồi Olive (Mount of Olive). Đứng trên cao nhìn xuống toàn cảnh Giêrusalem buổi sớm mai và tưởng tượng sự vĩ đại của Đền Thánh. Bức tường thành còn sót lại trắng toát dưới ánh nắng chạy dài hút tầm mắt. Ngay trong tầm mắt là một khoảng đất rộng dùng làm nghĩa trang tiếp nối nhau chạy xuống tận chân đồi. Những ngôi mộ được xây cao thấp khác nhau sơn cùng một màu trắng. Xa hơn nổi bật trên nền trời là một đền thờ Hồi giáo, vòm vàng óng ánh (Golden Dome). Đây là nơi, theo truyền thuyết Hồi giáo, tiên tri Mohammed lên trời. Đền thờ vẫn là nơi dân Palestine tụ họp để cầu nguyện hằng ngày.
Cả đoàn bước xuống đồi theo con đường mang tên Palm Sunday Road (Đường Chủ nhật lễ Lá). Buổi sáng im gió nhưng thời tiết dễ chịu, chúng tôi thong thả bước xuống con dốc. Chính con đường này Chúa ngồi trên lưng lừa tiến vào thành Giêrusalem giữa muôn tiếng hò reo của dân chúng. Sự vinh quang cần thiết để gióng tiếng trống cảnh báo quân Rôma và bước đầu để Chúa thống lãnh dân tộc lật đổ đế quốc Rôma. Đây là điều mong ước cùng cực của dân Do-thái. Nhưng có ai biết chương trình cứu chuộc của Chúa, vì chỉ vài ngày sau, Ngài bị luận tội và chết nhục nhã trên cây thập giá. Sự cứu chuộc mà ngay chính Phêrô, tông đồ cả, cũng không hiểu và khuyên Chúa đừng về Giêrusalem, (xem Mt 16: 21-23; Mc 8:32-33). Tôi bước đi trên con đường lót đá mà 2000 năm trước chỉ là con đường đất bụi tung mù mịt khi dân Do-thái trải cành ôliu đón Chúa, người ta còn lấy áo choàng để lót đường cho Chúa... và cảm nhận được rõ ràng vinh quang của con người khác vinh quang của Thiên Chúa; ý muốn của con người hoàn toàn khác ý muốn của Thiên Chúa. (xem Mt 21:6-9)
Nhà thờ Dominus Flevit (Giọt nước mắt của Chúa). Ngôi nhà thờ hướng về phía Tây, trong khi các nhà thờ khác trên đền thờ lại hướng về phía Đông. Chúa đứng trên đồi cao, ngóng mắt về phía đền thờ và bỗng chạnh lòng nghĩ đến một ngày sẽ chẳng còn một hòn đá nào trên hòn đá nào. Ngài thấy trước đền thờ sẽ bị tàn phá, dân Do-thái sẽ biệt xứ và bị lưu đày một thời gian dài. Chúa khóc thương cho dân riêng của Ngài, (xem Lc 19:41-44).
Càng xuống đồi, bức tường thành Giêrusalem càng hiện ra rõ nét. Cổng thành phía Đông bít kín, và theo niềm tin của người Do-thái, khi Chúa đến, hai cổng hình vòm cung này sẽ bị phá vỡ, và Ngài sẽ tiến vào thành qua cổng phía Đông này.
Cuối đường, ở chân đồi là vườn Giêtsimani, còn gọi là vườn Cây Dầu, nơi Chúa quỳ gối cầu nguyện trước khi nộp mình cho quân dữ. Đêm định mệnh đó, không ai thức với Ngài dù chỉ một giây để chia sẻ nỗi niềm, ngay cả các tông đồ, (xem Mat 26:36-45; Mc 14:32-42; Lc 22:39-46). Nỗi lo sợ cùng cực về một cái chết bi thảm và nhục nhã, Ngài toát mồ hôi đượm máu nhỏ xuống phiến đá, và phiến đá này được cất giữ trong ngôi nhà thờ vườn Giêtsimani. Có ai không lo sợ trước cái chết? nhưng Chúa vẫn một mực vâng theo thánh ý Chúa Cha để cứu chuộc nhân loại.
Bên cạnh vườn Giêtsimani là nhà thờ mang cùng tên có giữ phiến đá nơi Chúa quỳ cầu nguyện được đặt ngay trước bàn thờ. Khách hành hương tuôn đến nhà thờ vườn Giêtsimani (còn gọi là Church of All Nations) hôn kính phiến đá. Mọi người quỳ xuống, gục đầu vào phiến đá và nhớ đến những giọt mồ hôi màu hồng đã nhỏ xuống giữa đêm khuya thanh vắng. Chúng ta có thể mường tượng sự cô đơn của Chúa đêm hôm đó đến tận cùng như thế nào.
Chúng tôi lên xe vào lại thành Giêrusalem thăm mộ của vua David trên núi Sion, nằm trong khu vực Do-thái & Thiên chúa giáo. Dọc đường, cảnh sát và binh lính Do-thái tràn ngập các ngã tư đường, nhất là các cổng vào đền thờ. Hỏi ra mới biết ngày thứ Sáu dân Palestine túa vào đền thờ để cầu nguyện, và chính phủ Do-thái phải bảo vệ an ninh cho người và cả đền thờ. Đường trong khu vực này cũng quanh co nhưng sạch sẽ hơn, và nhất là không buôn bán như khu vực Palestine.
Bước vào chỗ đặt mộ vua David, thấy vài người Do-thái gục mặt vào tảng đá, miệng lâm râm cầu kinh. David, một cậu bé làm rạng danh dân tộc Do-thái, bắt đầu bằng chiến thắng với Goliath (xem 1Samuen 17). Sự kiện David chiến thắng người khổng lồ Goliath sau này trở thành một thành ngữ, dùng để chỉ một chiến thắng không thể nào ngờ được. Việt nam có câu, Nào ngờ châu chấu đá xe, Tưởng rằng chấu ngã ai dè xe nghiêng với cùng một ý khi nước An-nam bé xíu đá ngã anh khổng lồ Tàu nhiều lần trong suốt lịch sử của nước Việt.
Chúng tôi dừng chân tại căn phòng nơi Chúa Giêsu dùng bữa cuối cùng với các tông đồ (The Last Supper). Chính nơi này, Chúa dạy một bài học khiêm nhường bằng cách rửa chân cho các môn đệ, đồng thời cũng thiết lập thiên chức linh mục. (xem Mt 26:20-29; Mc 14:17-25; Lc 22:14-18 và Mt 26:26 -28; Mc 14:22 -24; Lc 22:19-20; 1Co 11:23-25). Bước qua nhà thờ nơi Chúa bị tống vào ngục tối. Phòng ngục nằm dưới hầm sâu, chúng tôi phải bước theo cầu thang trôn ốc để xuống tận nơi. Nơi này, sau khi bị bắt, đám thượng tế dùng để giam giữ Chúa qua đêm, và ngày hôm sau đem trình diện quan tổng trấn Philatô.
Xe chúng tôi vừa thoát khỏi Giêrusalem, dân Palestine nhộn nhịp túa vào đền thờ. Chạy được một quãng, đã nghe tiếng súng nổ đì đùng rồi từng tràng liên thanh vọng lại từ phía sau. Về sau chúng tôi được biết cảnh sát đã bắt được 30 tên khủng bố Palestine ngay trưa hôm đó. Lior bảo, nếu trễ chừng mươi lăm phút, xe bus sẽ kẹt lại mấy tiếng đồng hồ, vì mỗi khi có biến động, quân đội và cảnh sát Do-thái sẽ bố ráp và kiểm soát kỹ từng xe một, kể cả khách bộ hành.
Xe đưa chúng tôi đến bảo tàng Shrine of the book, nơi triển lãm những bộ da, giấy cói, hoặc bản đồng có ghi chép bản văn kinh thánh. Những cổ vật dùng thường ngày tìm thấy ở vùng Qumran trong các hang động cho ta thấy đời sống thời đó thế nào. Lior cho biết trước khi rời Đất Thánh, đoàn chúng tôi sẽ thăm viếng vùng Qumran.
Bước ra ngoài, giữa trời nắng chang chang là mô hình thành Giêrusalem vào thời Chúa sống được dựng lên trên một diện tích khá rộng. Đây là mô hình đền thờ được xây dựng lần thứ 2, khi dân Do-thái trở về từ xứ Babylon sau thời gian bị lưu đày. Một tầng cao có bao lơn xây chung quanh để khách bước và nhìn mô hình từ mọi góc cạnh. Đền thờ được 4 bức tường bao bọc chung quanh và luật tuyệt đối cấm dân Do-thái không được đặt chân đến mà chỉ các thầy thượng tế mới được phép bước vào để cử hành việc tế lễ. Ngày nay, tường thành bao bọc đền thờ đã bị phá đổ gần hết, chỉ còn bức tường phía tây còn đứng vững. Nếu nhìn kỹ, chúng ta thấy bức tường này đặc biệt vì đền thờ đứng dựa lưng vào nó; hay nói khác đi, đền thờ gần bức tường này nhất so với 3 tường thành kia. Chính vì thế mà người ta chuộng cầu nguyện ở bức tường phía tây (Western Wall) là vậy.
Holocaust, nơi tưởng niệm 6 triệu người dân Do-thái bị Nazi giết trong các lò hơi ngạt, đồng thời cũng tưởng niệm 1.5 triệu trẻ em Do-thái bị giết. Căn phòng tối với 5 cây nến lung linh, nhưng sự phản chiếu được thiết kế khoa học để căn phòng như lốm đốm muôn ngàn vì sao. Tiếng trầm êm của 2 xướng ngôn viên nam và nữ thay phiên đọc tên những trẻ em bị giết hại bằng 3 thứ tiếng, Hebrew, English, và một thổ ngữ phổ thông miền đông Âu-châu.
Xế trưa, xe chở chúng tôi đến nhà thờ Đức Bà đi viếng bà thánh Isave (xem Lc 1:39-56). Thời đó ngay đầu làng, một dòng suối chảy róc rách nơi mà các thiếu nữ ra đây kín nước mà bây giờ được xây thành bệ và đặt vòi để nước chảy liên tục. Khách đường xa trước khi vào làng cũng ghé nào nơi này để uống ngụm nước. Nhưng cách đây vài năm, dòng nước đã bị ô nhiễm nên không còn uống được nữa.
Tương truyền rằng dòng suối cũng là nơi mà Isave đón Đức Mẹ, đỡ Mẹ Thiên Chúa xuống, và con trẻ trong lòng nhảy vui mừng. Leo lên gần trăm bực thang đá và đặt chân đến cổng nhà thờ ở trên đồi cao. Xưa kia, đây là nhà nghỉ hè của ông Giacaria, cha của thánh Gioan Tiền hô. Cổng nhà thờ có gắn 2 tượng sắt của ông Giacaria và bà thánh Isave đứng hai bên thánh giá. Ngoài nhà thờ dựng bức tường, trên đó có khắc bài Magnificat (lời ngợi khen Đức Mẹ của bà thánh Isave) bằng nhiều ngôn ngữ, trong đó có bản tiếng Việt.
(còn tiếp)
Hạ Ngôn