SẮC BẤT DỊ KHÔNG KHÔNG BẤT DỊ SẮC, SẮC TỨC THỊ KHÔNG KHÔNG TỨC THỊ SẮC:
Sắc (rùpam) là hình thể, là thân xác, là cơ thể vật lý, sinh lý, cũng là núi, là sông, là cây, là lá... cũng là nước, là mây, là đá...
Tóm lại, là mọi thứ có hình sắc, dù rắn, lỏng, hay khí và nếu nó là sinh vật, thì nó được tạo nên bởi “tứ đại” (đất, nước, gió, lửa) mà tôi cho là người xưa đã nói đến C, H, O, N... những nguyên tố mà do “duyên” gì đó đã kết hợp nhau lại để thành những cơ thể sống, từ các proteine, đến vô số sinh vật và con người, và những gì nữa không sao biết hết được. Khoa học hiện đại gần đây đã tìm thấy gène của một con vi trùng cũng giống gène cây cải, gène con người, chỉ khác về số lượng, về tỷ lệ và có thể một chút gì đó về chất lượng. Mọi con người đều có cấu trúc gène giống nhau đến 99.99%. Còn chút xíu khác nhau kia có thể làm cho người nọ thành ca sĩ, người kia thành thợ hồ, người này là nhà bác học, người kia là nhà thơ...
Không (synyata) ở đây không phải là “không” trong tiếng Việt (hàm ý trái với có). Không của Tâm Kinh là sự trống rỗng – emptiness - như vũ trụ, như bầu trời không mây, khoảng trống của ngôi nhà, khoảng rỗng bên trong một lọ hoa... Không ở đây chỉ nghĩa là “không có tự tính riêng biệt” (self-existence, propre nature) mà là do duyên hợp của các yếu tố sắc – tâm, tác động qua lại trong “ngũ uẩn” mà tạo ra cái Ta (Ngã). Nói khác đi, cái Ta không có tự tính. Cái Ta do duyên sinh và biến đổi, thay đổi liên tục trong cả thời gian và không gian. Sắc sờ sờ ra đó nhưng sao lại bảo là không (trống rỗng)? Thật ra cái “sắc” tuyệt vời kia dù từ những duyên gì đi nữa không biết đã tạo ra cái hiện hữu, tạo ra cô hoa hậu, anh lực sĩ, tạo ra cái ta, thân xác ta, với biết bao nhiêu là điều kỳ thú, đã trải qua biết bao nhiêu là tiến hóa từ con siêu vi sống nhờ, ở đậu, lấy của người làm của mình đến con vi trùng bé xíu biết tự tại, đến loài bò sát, cá, ếch nhái, chim và... con người – là không đơn giản và tuyệt vời biết bao! Cá có công chúa cá, ếch có hoàng tử ếch. Cái thân xác kỳ diệu kia không sao nói hết về sinh lý học, cơ thể học, từ một con ký sinh trùng có chung trên thân thể bộ phận sinh dục “đực – cái” đến loài có vú và con người, có nam có nữ, có tình yêu, có khổ đau, có sinh sản, có già, có chết, sao có thể bảo là không? Chính cái “sắc” đó đã tạo ra thọ, ra tưởng, hành, và thức. Không có thân xác thì lấy đâu mà “tu”, mà “kiến tánh”, mà giác ngộ? Thế nhưng nếu bám lấy cái “sắc”, coi nó là vĩnh cửu... thì sẽ khổ đau khi thấy tấm thân hoa hậu kia, lực sĩ nọ mà tóc bạc da mồi, mà lưng còng, mắt kém...
Sự khổ đau xảy ra vì thấy cái Ta lớn quá, cái ta riêng biệt quá, vĩ đại quá! Và sợ. Sợ đủ thứ. Sợ đổi thay, sợ chuyển hóa, sợ mất mát. Cô hoa hậu mỗi ngày ngồi trước tấm gương soi và sợ. Một sợi tóc đã rụng đi. Sợ. Một cái mụn mới lồi lên. Sợ. Sợ đủ thứ. Anh lực sĩ cũng vậy. Mà ta cũng vậy. Chỉ có Phật là tủm tỉm cười, có ông còn ha hả cười! Nhưng “Ta có dạy gì đâu!” (Phật kêu lên như vậy). Nó vậy. Nó phải vậy. Nó là vậy. Nó dĩ nhiên vậy. Người ta gọi nó là cái Đó, là Như thị.
Cái “vậy vậy” mà cũng làm cho ta khổ đau, làm cho ta sợ hãi, lo lắng mất ăn, mất ngủ ư? Mây vẫn xây thành trên bầu trời xanh kia và biến đi rồi xây lại, thương hải biến vi tang điền, nơi này hạn hán thì nơi kia bão lụt...
Cái khổ đau của kiếp người thật vô duyên, không cần thiết và chẳng đi tìm phương thuốc ở đâu cho mệt, vì đau khổ là do ta tự tạo ra, lo sợ là do ta tự tạo ra thì cũng phải do chính ta tạo ra an lạc, hạnh phúc, niềm vui. Có người cho rằng Tâm Kinh là một loạt phủ định. Phải nói nó khẳng định mới đúng. Nó tích cực. Nói ra sự thật không dối trá, “chân thật bất hư”. Tâm Kinh còn khẳng định “Ba đời Phật – quá khứ, hiện tại, vị lai – gì gì cũng phải hiểu và hành Bát Nhã, như vậy mới thành Phật được, nghĩa là giác ngộ, là hết sợ hãi, là “vượt thoát sinh tử”. Cho nên ông Phật nào thấy cũng tươi vui, hạnh phúc, có ông còn vỗ cái bụng to cười khà khà! Còn bà Phật thì xinh đẹp, dịu dàng, tay cầm lọ nước “cam lồ” sẵn sàng đi cứu khổ cứu nạn khắp nơi! Chỉ có mấy ông La Hán là còn vật vã, nhăn nhó, tuy ở gần Phật mà chưa đủ giác ngộ, nên còn dằn vặt, trợn mắt, nắm tay... ngồi đứng không yên!
“Sắc bất dị Không” Tâm Kinh nói vậy. Nhưng không chỉ vậy. Nói vậy nguy hiểm. Có kẻ hiểu lầm, bỏ đời đi tu hết trơn, hoặc tự tử hoặc rơi vào hư vô chủ nghĩa, sống liều lĩnh, hoặc rơi vào thái độ coi thường thân xác, hành hạ thân xác, đày đọa thân xác coi nó là đồ ăn hại, cái bị thịt, nhơ bẩn, xấu xa, cần tẩy trừ, cần tiêu diệt thì thật là tai hại!
Không dừng lại ở “Sắc bất dị Không”. Tâm Kinh nói ngay vế thứ hai “Không bất dị Sắc”. Nói như vậy để người ta không rơi vào hư vô chủ nghĩa, không coi khinh, coi thường cái “sắc”. Bởi vì thật ra không có sắc thì cũng không có gì cả! Không có tâm không có phật. Cái “chân không” kia, cũng không khác cái có, cái hình thể, cái thân xác. Bảo cái núi kia là không, nhưng nó có đó. Nó có đó nhưng mà nó không vì nó biến chuyển, đổi thay và nó có đó chẳng qua là do một cơn địa chấn, làm vỏ trái đất bị nhăn nhúm lại một chút mà thành. Mà “thấy” được như vậy thì quả thật, núi đã đẹp hơn quý hơn. Có mà không. Không mà có. “Thấy vậy mà không phải vậy”.
Cho nên phải chăm sóc cái “Sắc” một chút. Nó là một cái “Không” rất tuyệt vời! Phật đã tìm ra một tư thế ngồi thoải mái làm dễ chịu khắp châu thân, thế ngồi dễ hít thở sâu nên không mệt. Lại còn chọn chỗ ngồi dưới gốc cây to vừa tránh nắng vừa có nhiều dưỡng khí. Mỏi thì nằm trên cỏ nghỉ ngơi. Đói thì ăn, khát thì uống. Dĩ nhiên là có vệ sinh, tắm rửa, giặt giũ. Có điều ngay trong lúc vệ sinh, tắm rửa, giặt giũ... cũng biết đang làm việc đó, nghe nó, thưởng thức nó. Nhờ vậy mà cũng giải tất cả stress, lo âu, căng thẳng.
Người ta hỏi Phật: “Vậy chớ mỗi ngày ngài làm gì?” Phật mỉm cười: “Mỗi ngày tôi đi lại, ăn uống, tắm giặt...” “Vậy thì có khác gì mọi người đâu?” Phật lại mỉm cười “Có khác chứ. Lúc đi lại, ăn uống, tắm giặt... tôi biết mình đang đi lại, ăn uống, tắm giặt!” Tôi biết nghĩa là tôi ý thức, tôi sống trong nó, sống với nó, sống ở đây và bây giờ, chớ không phải suy nghĩ vẩn vơ để sống trong quá khứ hay trong tương lai mà quên hiện tại. “Sắc” quan trọng lắm. Coi nhẹ Sắc là một sai lầm lớn!
Tâm kinh không dừng ở đó, mà còn nói thêm: “Sắc tức thị Không / Không tức thị Sắc”
Nghe có vẻ như “lẩm cẩm”. Thực ra, đó lại là một sự khẳng định, xác tín. Không có chuyện phủ định ở đây. Thật vậy, “Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc” là một xác quyết. Không chỉ so sánh: bất dị (không khác) mà còn nói “tức thị” (chính là). Điều này thực sự có thể làm choáng váng, nhưng không làm khiếp đảm bởi nó có lý của nó.
Khi các nhà bác học nói: Vật chất “không khác” năng lượng, vật chất “chính là” năng lượng với công thức E=mc2 thì ta không ngạc nhiên. Nhà sinh học bảo cái cây kia có 70% gène giống gène của chúng ta, con ruồi giấm kia có trên 80% gène giống gène chúng ta và nói cây kia không khác chúng ta, cây kia chính là chúng ta có vẻ cũng có lý phần nào. Bởi vì trái đất không còn cây xanh thì chúng ta cũng không còn tồn tại!
Với mắt trần, ta chỉ nhìn thấy màu trắng của ánh sáng, nhưng qua lăng kính đã tách ra thành 7 màu: đỏ, cam, vàng, xanh, lam, chàm, tím. Trộn chúng lại thì ra màu trắng. Thì ra trắng là “Không”. Cũng không khác cái gọi là “ngũ uẩn”, tách ra thì sắc, thọ, tưởng, hành, thức hợp lại thành Ta (cái Ngã). Ta Có mà Không. Không có cái màu trắng mà thực ra là có. Cái màu trắng hình như bao hàm trong nó tất cả màu sắc cũng như cái chân không bao hàm vạn hữu. Rồi đỏ với vàng thành cam; xanh với đỏ thành tím; vàng với xanh thành xanh lá cây, nên người họa sĩ có thể pha ra hằng trăm màu sắc khác nhau từ cái màu “trắng không hề có mà có” kia vậy!
THỌ, TƯỞNG, HÀNH, THỨC, DIỆC PHỤC NHƯ THỊ
Thọ, Tưởng, Hành, Thức uẩn cũng lại như vậy, nghĩa là cũng như Sắc uẩn:
“Thọ bất dị không
Không bất dị thọ
Thọ tức thị không
Không tức thị thọ”
Và cứ như thế cho các uẩn khác, để cuối cùng là “ngũ uẩn giai Không”. Nó giúp xóa đi cái “chấp” lớn nhất, cái chấp làm khổ đau cho cả kiếp người là chấp “ngã”. Hết chấp ngã thì “tâm vô quái ngại” không còn bị cản trở gì nữa và nhờ vậy sẽ không còn sự sợ hãi nào nữa! Sợ hãi, chứa đựng trong nó một dạng năng lượng mạnh mẽ - cũng như giận dữ ghen tuông, ngờ vực vậy – và vì là năng lượng ta không thể hủy diệt nó mà chỉ có thể chuyển hóa nó thành một dạng năng lượng khác. Sợ hãi, giận dữ, âu sầu chứa một năng lượng làm ta suy kiệt, càng nén nó xuống thì ta càng bị trầm cảm thêm, bị tâm thần nặng thêm lên mà thôi.
Nhưng chuyển hóa năng lượng đó cách nào? Các chuyên gia tâm lý khuyên chỉ cần “nhìn thẳng” nó, nhận ra nó, mà không cần phê phán. Bởi vì phê phán thì sẽ có cảm xúc, xúc động đi kèm. “Nhìn”, “nhận ra”, “hiểu”, “đối diện”... nó thì nó sẽ tự biến đổi, chuyển hóa. Thật không dễ! Vậy nên mới phải cần thực tập, rèn luyện dài dài. “Thở” và biết mình đang thở vào ra (chánh niệm) là một kỹ thuật. Không phải vô lý mà người ta thỉnh một tiếng chuông, người ta lần tràng hạt... với điều kiện là nhớ thở chánh niệm đi kèm!
Sắc bất dị không. Sắc tức thị không... Thọ tưởng hành thức cũng là Không, Không cũng là thọ tưởng hành thức là một cách nói triệt để, nhằm tiến tới cái Một, cái “Bất Nhị”, cái không hai. Người nghệ sĩ có thể trực giác ngay những điều đó mà không cần lý giải: “Tôi là em và em cũng là tôi” (Trịnh Công Sơn). Tâm Kinh có thể được trực nhận qua trực giác, nhưng nó lại là chỗ “trí tuệ” rốt ráo nhất. Sariputra, Xá lợi tử “là đại đệ tử của Phật, được Phật khen là Trí tuệ đệ nhất trong các đại đệ tử của Ngài”. Phật đã không giảng Tâm Kinh cho ai khác trong mười đại đệ tử của Ngài, mà chỉ nói cho Xá lợi tử, người trí tuệ bậc nhất là có lý do. Tâm Kinh còn gọi là “Diệu pháp trí độ”, một pháp tuyệt diệu dùng trí tuệ để “độ” người!
Thật vậy, khi “chiếu kiến” được “ngũ uẩn giai không” rồi thì bản ngã đã tan biến (vô ngã). Không có ngã thì không còn gì vướng víu được nữa rồi. Vô ngã rõ ràng là cái thấy tối hậu. Nhưng vô ngã mà vẫn cứ là ngã, cái ngã mới, cái ngã trong vô thường, trong thay đổi, cái ngã do gắn bó, do tương tác ra trăm cái ngã mà thực ra không có cái ngã nào cả, không có ngã nào cả mà thực ra có ngã, chân ngã, thật ngã.
Osho viết đại ý: “Cuộc sống đòi hỏi nhiều can đảm. Những kẻ nhút nhát chỉ có tồn tại, họ không sống, bởi toàn bộ cuộc đời họ quay quanh sự sợ hãi... Sợ những điều hiện hữu và cả những điều không hiện hữu. Sợ địa ngục, sợ ma quỷ, sợ thần thánh: kết quả của sự tưởng tượng của họ...”.
Cuộc sống tự nó là nỗi hiểm nguy và sự bất an, sự chuyển động bất tuyệt, và tự nó cũng là nỗi hân hoan, là niềm cực lạc. Thật là tuyệt khi ý thức cuộc sống là vô thường, luôn thay đổi, chuyển động, nó cho phép ta tự do, khám phá, sáng tạo, ngạc nhiên. Người ta được hồn nhiên, trở thành trẻ con, hòa mình vào cuộc sống thực, không ảo tưởng, không đòi nó phải thế này, phải thế khác để rồi tuyệt vọng, thất vọng vì không được như ý, cũng chẳng khoái ru?
Trích: Nghỉ từ trái tim
BS Đỗ Hồng Ngọc