Cựu Thủ tướng Úc Howard nói chuyện với Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hôm 9/7.
Báo Sydney Morning Herald (Úc) sáng 11.7 đưa tin Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đã tiếp cựu thủ tướng Úc Howard ở Bắc Kinh vào ngày 9.7.
Tân Hoa Xã thì nêu trong cuộc gặp, ông Tập một lần nữa thúc Úc “sớm kết thúc” thương lượng về thỏa thuận thương mại tự do với TQ, đồng thời nhấn mạnh “tương lai kinh tế Úc gắn bó chặt chẽ với tương lai kinh tế TQ sẽ phát triển bền vững, tạo cơ hội hợp tác mới”.
“Hai bên nên hướng vào tương lai bằng một tầm nhìn xa, nghĩ đến quyền lợi chung, chia sẻ cơ hội phát triển, quan tâm những vấn đề quan ngại lớn của nhau”, là lời ông Tập nói với ông Howard, người đã đi TQ để dự và phát biểu tại một cuộc hội thảo.
Ông Tập còn tán tụng sự đóng góp của ông Howard cho mối quan hệ song phương khi còn cầm quyền ở Úc và đề nghị, ông Howard tiếp tục giữ vai trò tích cực trong việc quảng bá quan hệ Úc - Trung.
Ông Howard chỉ nói sự phát triển của TQ có ích cho toàn thế giới và sự tăng trưởng kinh tế của Úc cũng hưởng lợi từ sự phát triển đó.
Theo Sydney Morning Herald, do các lãnh đạo cấp cao TQ vẫn còn tầm ảnh hưởng đáng kể sau khi về hưu, nên hẳn họ ngỡ ông Howard cũng có thể làm "ông anh dạy bảo được chú em” là ông Abbott.
Nghĩ thế là sai, vì lãnh đạo Úc là “dân Tây” dám làm dám chịu. Ông Abbott có thể nghe ông Howard góp ý nhưng sẽ tự quyết định, chứ không có chuyện “anh nói chú phải nghe” như các cựu lãnh đạo cao tuổi TQ hay làm với các lãnh đạo đương nhiệm.
Nói cách khác, phương Tây chỉ có "vua" chứ không có khái niệm “thái thượng hoàng” như TQ. Mà ông Tập muốn Úc - Trung “có tầm nhìn xa vào tương lai” là một cách nói khéo, chứ giới truyền thông TQ thì “soi” từng chữ trong bài diễn văn chào mừng Thủ tướng Nhật Shinzo Abe lần đầu thăm Quốc hội Úc ngày 8.7, để chỉ trích ông Abbott.
Trong bài diễn văn ấy, ông Abbott nói: “Chúng ta ngưỡng mộ kỹ năng và tinh thần trọng danh dự của quân binh Nhật, dù chúng ta không đồng ý với những gì họ đã làm”, ám chỉ việc quân phiệt Nhật từng ra tay tàn ác trong Thế chiến 2.
Tờ Nhân Dân của đảng Cộng sản TQ viết, rằng lời ông Abbott “xát muối vào vết thương” người thân của những nạn nhân TQ đã bị quân Nhật xử tệ khi đô hộ.
Tân Hoa Xã mô tả bài diễn văn là “kinh sợ”, còn tờ Thời báo Hoàn cầu (phụ san báo Nhân Dân) viết bài xã luận ngày 10.7, rằng ông Abbott đã “dắt mối” cho Tokyo “trong một động thái thiển cận”.
Bắc Kinh còn tố cáo ông Abe muốn “tái quân sự hóa” Nhật nhằm liên minh với Mỹ để kiềm chế TQ.
Photo: Getty
Hợp tác Nhật - Úc hướng đến tương lai hòa bình
Nhưng ông Abbott sẽ không chấp nê và quan tâm tới những điều này, vì mục tiêu lớn hơn là Úc cùng Nhật tăng cường quan hệ đặc biệt và tăng cường liên minh quân sự - an ninh để đề phòng sự trỗi dậy hung hăng của Bắc Kinh, đòi chủ quyền biển Đông và biển Hoa Đông.
Khi ông Abe gặp ông Abbott, ông đã nói nước Nhật nay “sẵn sàng đóng góp nhiều hơn cho hòa bình trong khu vực”.
Ông cũng chia buồn với những nạn nhân của chế độ quân phiệt Nhật những năm 1940, hứa “không bao giờ để những sự kinh sợ trong lịch sử thế kỷ trước được tái lập”.
Ông Abbott nói cộng đồng quốc tế nên để Nhật có quyền tham gia vào việc gìn giữ hòa bình thế giới, sau khi Nhật quyết định sửa hiến pháp để đưa quân Nhật qua nước đồng minh của họ bị thế lực thù địch tấn công.
Ông nói: “Nên phán xét Nhật theo hành động ngày nay của họ, chứ không nên theo hành động hồi 70 năm trước và Nhật là một công dân quốc tế điển hình của thời hậu chiến. Như ông Abe đã nói tại Quốc hội, bài học quá khứ đã được học thuộc và họ sẽ không bao giờ quên”.
Đó là tinh thần khoan dung, cùng nhìn về tương lai của Úc, Nhật, không như TQ cứ xoáy vào một quá khứ đau thương để thỏa mãn tinh thần dân tộc hẹp hòi.
T.T./Motthegioi (theo Sydney Morning Herald)