Thiếu Lâm tự huyền bí, Đại Lý đẹp kỳ ảo, còn Đào Hoa đảo là trường quay của "Anh hùng xạ điêu" và "Thiên long bát bộ".
1. Thiếu Lâm tự
Nhắc tới Thiếu Lâm, độc giả tiểu thuyết Kim Dung sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh những nhà sư võ công siêu phàm, Phật lực cao cường chuyên hành hiệp giang hồ, sẵn sàng xả thân vì nghĩa. Trong truyện của Kim Dung, Thiếu Lâm tự được ví như Thái Sơn Bắc Đẩu, là cái nôi của võ học Trung Nguyên. Tàng Kinh Các tại Thiếu Lâm tự được nhà văn Kim Dung miêu tả như một nơi linh thiêng, bí ẩn, chuyên chứa đầy bí kíp võ công thượng thừa. 72 môn tuyệt đỉnh công phu của Thiếu Lâm trong các tác phẩm kiếm hiệp Kim Dung đều có tên gọi xuất phát từ kinh điển Phật giáo.
Thực tế, Thiếu Lâm tự bên ngoài thế giới võ hiệp Kim Dung là một ngôi chùa uy nghi nằm trên núi Thiếu Thất thuộc dãy Tung Sơn, trong địa phận Trịnh Châu, Hà Nam, và nằm bên bờ sông Hoàng Hà. Từ lâu, ngôi chùa này đã nổi tiếng nhờ mối liên hệ với Phật giáo Thiền Tông và võ thuật. Các môn phái võ công ở Trung Hoa ngày nay hầu hết đều có nguổn gốc từ cái nôi của Thiền Tông Trung Hoa, tức là từ Thiếu Lâm tự.
Chùa Thiếu Lâm được xây dựng vào năm Thái Hòa (năm 497). Trải qua các biến động lịch sử, ngôi chùa bị hủy diệt rồi được trùng tu nhiều lần. Hiện nay, Thiếu Lâm là một trong những ngôi chùa xưa nhất của Trung Quốc.
Đại Hùng Bửu Điện là kiến trúc lớn nhất trong quần thể bao gồm 11 kiến trúc nổi tiếng của Thiếu Lâm tự, và là nơi tổ chức các buổi đại lễ, cầu kinh long trọng. Bên trong Bửu điện là điện thờ Phật Thích Ca cùng tượng của 18 vị La Hán, Tượng Đạt Ma Sư Tổ - người sáng lập ra Phật giáo Thiền Tông và môn võ Thiếu Lâm.Trên bức tường trong điện La Hán có bức họa 500 vị La Hán biểu lộ sự tôn kính với đức Phật và 48 vết lõm được cho là vết tích của các nhà sư luyện công khi xưa.
Giống như trong tiểu thuyết, Tàng Kinh Các thật sự từng là nơi lưu giữ kinh sách và các bí kíp võ công của Thiếu Lâm. Qua chiến tranh, hầu hết kinh sách lưu trữ tại đây đã bị đốt cháy, chỉ còn một số ít đang được cất giữ ở một nơi khác.
Đến Thiếu Lâm tự, du khách còn rất ấn tượng với Rừng Tháp gồm hàng trăm tháp lớn nhỏ, là nơi cất giữ tro cốt của các vị sư trụ trì chùa sau khi viên tịch. Ngôi tháp lớn nhất tại đây cao khoảng 15 m.
Sau khi bộ phim Thiếu Lâm Tự do Lý Liên Kiệt đóng được khởi chiếu, chùa Thiếu Lâm và môn võ Thiếu Lâm trở nên nổi tiếng khắp thế giới.
Hiện nay dưới chân núi Thiếu Thất có khoảng 60 học viện và võ đường khác nhau dạy võ Thiếu Lâm cho hàng ngàn võ sinh trong và ngoài nước.
2. Đại Lý
Trong bộ tiểu thuyết nổi tiếng Thiên Long Bát bộ, Đại Lý là vương quốc của chàng công tử si tình Đoàn Dự, người đã sẵn sàng bỏ cả quốc gia để đuổi theo bóng hồng Vương Ngữ Yên.
Nhà văn Kim Dung từng miêu tả Đại Lý là một quốc gia theo Phật giáo Mật Tông, từ vua đến dân đều xuất gia. Trong 20 đời vua thì đã có 20 vị bỏ đi tu, như Đoàn Chính Thuần, Đoàn Chính Hưng…
Đại Lý thực chất là thủ phủ của Châu tự trị dân tộc Bạch Đại Lý, có diện tích khoảng 1.468 km², với dân số hơn 500.000 người. Từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thứ 10, Đại Lý từng là trung tâm chính trị - văn hóa lịch sử của tỉnh Vân Nam.
Có nhiều công trình kiến trúc đặc sắc còn được bảo tồn tốt đến ngày nay ở vùng đất này, trong đó có thành cổ Đại Lý (hay còn gọi là Tử Cẩm Thành Đại Lý) được xây dựng vào năm 1382 với phần tường thành cao 7,6 m, chu vi rộng đến 12 dặm.
Thành Đại Lý cổ là điểm tham quan du lịch hấp dẫn của tỉnh Vân Nam cùng với Thành cổ Lệ Giang và phim trườngThiên Long Bát bộ.
Đến đây, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh đẹp tưởng như chỉ có trong tranh.
Một trong những danh thắng nổi tiếng khác của Đại Lý là Tam Tháp bên hồ Nhỉ Hải, cách thành cổ 1km về phía Bắc.
Tam Tháp có phần tháp chính cao 69m, gồm 16 tầng, được xây từ thời nhà Đường. Cạnh Tam Tháp là chùa Sùng Thánh được xây dựng từ năm 834 đến năm 840.
Để ngắm được toàn cảnh Thành Đại Lý, du khách phải đi cáp treo lên núi Thương Sơn cao hơn 5600 m.
Dãy núi này cách thành cổ chưa đầy 1 km, ngay cổng vào cáp treo là bút tích đề tặng chính quyền và nhân dân Đại Lý do chính tay nhà văn Kim Dung chấp bút.
Thành phố Đại Lý có khí hậu cao nguyên ôn hòa. Người Đại Lý rất yêu hoa, hầu như nhà nào cũng trồng hoa trước cổng và quanh sân nhà.
14/2 hàng năm là ngày cả khu vực này tràn ngập trong sắc hoa và những hoạt động náo nhiệt, vui tươi của lễ hội hoa.
Những cánh đồng hoa mê hoặc du khách.
Không chỉ ở thành phố Đại Lý, những huyện lân cận thành phố cũng được quy hoạch để trồng hoa, nổi tiếng nhất là hoa đỗ quyên và hoa trà (tiếng Phạn gọi là hoa Mạn đà la). Đặc biệt, hoa trà trồng tại Đại Lý không chỉ có rất nhiều loại mà còn bung nở rực rỡ hơn hoa trà tại các khu vực khác.
Hoa trà cũng xuất hiện nhiều trong tác phẩm Thiên Long Bát Bộ, đơn cử như việc nhân vật Vương Phu Nhân vì si tình quốc vương Đại Lý Đoàn Chính Thuần mà đem hoa trà về trồng ở sơn trang của mình tại Giang Nam và đặt tên là Mạn Đà Sơn Trang.
Đến Đại Lý, để lạc vào thế giới kiếm hiệp kì ảo của Kim Dung, không gì thích hợp hơn là dạo qua phim trường Thiên Long Bát Bộ.
Toàn bộ phim trường được xây dựng trên quả đồi lớn khoảng 70 mẫu, dưới chân dãy Thương Sơn, với nhiều công trình xây dựng mô phỏng theo lối kiến trúc thành Đại Lý cổ, bao gồm cả Hoàng cung, Vương phủ, phố xá, tửu lầu, hàng quán…
3. Đào Hoa đảo
Đào Hoa đảo diện tích 41 km2, là đảo lớn ở Phổ Đà, Chu San, Chiết Giang. Dưới ngòi bút của Kim Dung, đây là nơi trú ngụ của Đông tà Hoàng Dược Sư – một nhân vật võ lâm uyên thâm và rất nổi tiếng trong 2 bộ truyện Anh hùng xạ điêu, Thần điêu hiệp lữ.
Ngay cổng vào Đào hoa trại có một tảng đá lớn trên bề mặt được bao phủ bởi những đường vân hình dạng trông rất giống cây hoa đào, nên được gọi là đá hoa đào. Thực chất, tên gọi Đào hoa đảo đã có từ mấy ngàn năm trước, không phải vì trên đảo có nhiều hoa đào mà vì khắp nơi đều có những hòn đá xinh đẹp này.
Đá hoa đào thường có màu đen, nâu và xanh thẫm.
Các chuyên gia đã cho rằng những hoa văn trên đá không phải là hóa thạch của thực vật, mà là kiệt tác của thiên nhiên, tuy nhiên đến nay vẫn chưa tìm được lời giải đáp hợp lí về nguồn gốc thật sự của loại đá này.
Với những du khách yêu thích tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung, thành du lịch Xạ Điêu bên hồ Tán Hoa, vốn từng là trường quay của 2 bộ phim Anh hùng xạ điêu và Thiên Long Bát bộ, sẽ là địa điểm tham quan rất khó quên.
Khu vực này hội tụ nhiều công trình kiến trúc được xây dựng dựa theo các địa danh trong bộ tiểu thuyết Anh hùng xạ điêu như sơn trang của Hoàng Dược Sư, Ngưu gia trang, Quy Vân trang, Đường Lâm An, kinh thành, miếu Nam đế, bến cảng Đông tà, Thính vũ cư…, bao gồm cả bức tượng tạc chân dung của nhà văn Kim Dung.
Sương Phạm
Ảnh: ChinaImage