May 29, 2014
Phần 1: Quyền của Việt Nam ở Biển Đông và lập luận của Trung QuốcTrước khi đi vào chi tiết các biện pháp Việt Nam có thể sử dụng như đối sách thì cần ôn lại những lợi ích hay quyền lợi mà Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (United Nations Convention on the Law of the Sea, UNCLOS) dành cho các quốc gia hội viên như Việt Nam.
Giàn khoan HD-981 của Trung Quốc (chấm xanh) nằm sâu trong vùng Thềm lục địa và vùng Đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo quy định của Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển UNCLOS (ranh giới là đường màu trắng)
Có hai loại lợi ích hay quyền lợi quốc gia của Việt Nam tại Biển Đông:
(a) chủ quyền đất đai (territorial sovereignty) trên nhiều đảo và đá tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Việt Nam đã tuyên bố và thực thi với sự chiếm hữu và quản lý trong quá khứ, theo đúng luật quốc tế truyền thống đã có mấy trăm năm, cho đến khi một số địa điểm bị Trung Quốc chiếm đóng bằng bạo lực; và
(b) lợi ích hay quyền đối với những vùng nước và đáy biển dưới mặt nước tại Biển Đông chiếu theo UNCLOS năm 1982, gồm có quyền chủ tể (sovereign rights), quyền khai thác tài nguyên sinh vật như cá biển và phi sinh vật như quặng mỏ, kim loại hay dầu khí ở đáy biển, trong một vùng dưới mặt nước gọi là Vùng Đặc quyền kinh tế (Exclusive Economic Zone, EEZ) rộng 200 hải lý tính từ mực nước thủy triều thấp nhất (gọi là đường cơ sở) (điều 56 và 57 UNCLOS), và trong vùng Thềm lục địa (Continenal Shelf) tức mặt đáy biển và đất dưới đáy biển đi ra tới bờ của lục địa (continental margin) hay tới khỏang cách 200 hải lý tính từ đường cơ sở, khi bờ lục địa không xa tới mức đó (điều 76 và 77 UNCLOS).
Hơn nữa cần nhấn mạnh là theo UNCLOS, các quyền chủ thể trong vùng EEZ và Thềm lục địa của Việt Nam là dành riêng hay chuyên độc (exclusive) của quốc gia cận duyên, cho nên Việt Nam trong vùng EEZ có chủ quyền xây các kiến trúc nhân tạo trên các đá thành những đảo nhân tạo, nghiên cứu biển, quy định bảo vệ môi sinh, miễn là tôn trọng quyền các quốc gia khác về tự do lưu thông hàng hải, đặt dây cáp và ống dẫn dầu khí của các nước khác (điều 56,58), và trong Thềm lục địa, Việt Nam cũng đương nhiên có quyền chuyên độc khai thác tài nguyên thiên nhiên mà không cần tuyên bố hay chiếm hữu, và các quốc gia khác không thể có các hoạt động khai thác tài nguyên mà không có sự minh thị đồng ý của Việt Nam (điều 77).
Khi bàn luận về tranh chấp với Trung Quốc, ta nên nhớ luật quốc tế đã nói chắc chắn về các quyền của Việt Nam như đinh đóng cột.
Khi đem giàn khoan dến vị trí giữa hai lô dầu 142 và 143 của Việt Nam trong vùng Đặc quyền kinh tế Việt Nam (EEZVN), như trong bản đồ trên, thì trái với sự bàn luận cuộc một số người, Trung Quốc không dùng cái Đường lưỡi bò hay đường Chín đoạn (Nine-dotted Line), vốn không thể biện hộ được và bị tất cả các nước và học giả chất vấn, làm căn bản cho sự xâm lấn. Họ nói đến hai yếu tố làm cơ sở pháp lý cho quyết định của họ:
(a) Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nham hiểm mà tránh viện dẫn cái Đường lưỡi bò vô duyên đó, mà dùng lập luận về vùng EEZ của Trung Quốc, để nói là giàn khoan “đặt hoàn toàn trong vùng nước của các đảo Paracels của Trung Quốc” (placed completely within the waters of China’s Paracels”), ám chỉ trong vòng 200 hải lý của EEZ và thềm lục địa của Paracels do Trung Quốc quản lý (nhưng Việt Nam vẫn liên tục đòi).
Vùng EEZ và thềm lục địa đó, UNCLOS sẽ công nhận cho Paracels nếu hội đủ điều kiện quy định trong UNCLOS cho tính cách một hòn đảo (island) là con người sinh sống với nền kinh tế tự túc (nước ngọt và thực phẩm trồng tại chỗ) khi mỏm đất hay đá đó còn trong trạng thái thiên nhiên [Còn nếu không có mỏm đất hay đá nào trong Paracels đủ điền kiện là đảo, thì chúng chỉ là đá (reef) theo UNCLOS và chúng chỉ có 12 hải lý của lãnh hải/territorial sea.]
Việc Philippines kiện Trung Quốc trước Tòa án Luật Biển, sau khi chịu đựng thương lưọng với Trung Quốc 17 năm về vụ Trung Quốc chiếm đá ngầm trong vùng EEZ của Phi thì dễ hơn vụ của Việt Nam vì vùng EEZ của Việt Nam trùng lấp với vùng EEZ của quần đảo Paracels, mà nay Trung Quốc nói đang thuộc quyền quản lý của họ.
(b) Trung Quốc cũng ám chỉ là giàn khoan cách đảo Hải Nam 180 hải lý về phía nam (cách đảo Lý Sơn của Việt Nam chừng 120 hải lý về phía đông), tức là có vùng chồng lấn giữa EEZ của Việt Nam tính từ đảo Lý Sơn và EEZ của Trung Quốc tính từ đảo Hải Nam.
Phần 2: Việt Nam có thể kiện trước tòa án quốc tế nào?
Từ lập luận trên của hai bên, câu hỏi đầu tiên được nêu ra là Việt Nam có thể kiện Trung Quốc ra trước tòa án quốc tế nào?
A) Luận cứ (a) của Trung Quốc dùng Paracels để đòi quyền khai thác cho giàn khoan phải được bác khước bằng hai vụ kiện trong đó Việt Nam phải trình hồ sơ về hai điểm: (i) Paracels không phải thuộc chủ quyền đất đai (territorial sovereignty) của Trung Quốc mà của Việt Nam; (ii) Paracels không có mỏm đá nào, kể cả Woody/Yongxing /Phú Lâm xứng đáng gọi là đảo/island, tức có người sống trong nền kinh tế tự túc được trong trạng thái nguyên thủy sơ khai, mà toàn là đá/reef.
Vụ kiện thứ nhất về chủ quyền đất đai trên Paracels là thuộc luật quốc tế cổ truyền (traditional international law), theo đó Việt Nam phải minh chứng theo nguyên tắc luật quốc tế là một chính quyền muốn xác nhận chủ quyền phải có sự liên tục hành xử chủ quyền trong hòa bình, nói rõ ý định làm chủ, và nếu bị cưỡng chiếm thì phải phản đối chính quyền mới cướp bằng võ lực đất của mình để ngăn cản chính quyền mới này thủ đắc chủ quyền bằng sự hành xử chủ quyền liên tục.
Xét các bằng chứng lịch sử về chủ quyền của Việt Nam theo luật quốc tế này, thì Việt Nam, trong chiều dài lịch sử từ nhiều thế kỷ, đã xác nhận và hành xử chủ quyền trên Hoàng Sa và Trường Sa (tuy phạm vi hành xử ở Trường Sa thì chưa xác định tới bao nhiêu đảo); và khi Trung Quốc chiếm Hoàng Sa bằng võ lực năm 1974 và Việt Nam Cộng hòa phản đối, sau đó Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam) – kế quyền của Việt Nam Cộng hòa theo nguyên tắc thừa kế quốc gia (succession of state) – cũng phản đối vụ Trung Quốc dùng võ lực chiếm Hoàng Sa và rồi phản đối nhiều lần việc Trung Quốc dùng võ lực chiếm một số đảo ở Trường Sa năm 1988 gây thương vong cho nhiều lính hải quân Việt Nam và các năm sau đó, thì chủ quyền Việt Nam trên Hoàng Sa và Trường Sa không thể bị coi là đã bị xói mòn vì thiếu sự tuyên bố và hành xử chủ quyền.
Nhưng ngay tại đây, cần bác khước một vấn đề Trung Quốc nêu ra: nguời Trung Quốc thường viện đến công hàm hay công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958 mà họ cho là đã nhường Paracels và Spratleys cho Trung Quốc. Chúng tôi có đủ luận cứ quốc tế công pháp bác khước điểm này và trình bày trong một bài báo khác, như là Phụ lục của bài này. Phải dùng luận cứ này trong dư luận quốc tế và trong vụ kiện về chủ quyền đất đai (territorial sovereignty) trên Paracels tại tòa án có thẩm quyền về việc này là Tòa án Công Lý Quốc Tế (International Court of Justice, ICJ).
Rất tiếc là trong hiện trạng luật quốc tế, không thể lôi Trung Quốc ra tòa ICJ được như một số kiến nghị vì chắc chắn Trung Quốc sẽ không đồng ý ra tòa mà theo nguyên tắc optional clause thì một quốc gia có đồng ý ra tòa thì tòa mới xem xét đơn kiện.
B) Trong vụ kiện thứ hai, chúng tôi nghĩ là trước Tòa án Trọng tài Luật Biển, Việt Nam có thể bác khước căn bản pháp lý của việc Trung Quốc đặt vị trí giàn khoan, bác khước cả hai luận cứ: luận cứ (b) về khoảng cách đảo Hải Nam tới giàn khoan chỉ có 180 dặm, gây ra sự trùng lấp của hai EEZ của hai nước, cùng với luận cứ (a) về tư cách đảo/island của Paracels.
Tòa án Trọng tài Luật Biển là tòa mà Việt Nam có thể lôi Trung Quốc ra theo thủ tục bó buộc trong UNCLOS, Mục 2, điều 286-288. Tòa án đó có hẩm quyền xét xử bất kỳ tranh chấp nào liên quan đến việc giải thích hay áp dụng một điều ước quốc tế có liên quan đến các mục đích của Công ước và đã được đưa ra cho mình theo đúng điều ước này.
Chúng tôi nghĩ rằng Việt Nam có thể lôi Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài Luật Biển mà Trung Quốc không thể dùng sự bảo lưu (reservation) khi ký Công ước là không nhận thủ tục bó buộc cho các tranh chấp về vùng chồng lấn của các EEZ giữa Việt Nam và Trung Quốc, như nói ở điểm (b), giàn khoan ở chỗ chống lấn của hai EEZ tính từ bờ biển Việt Nam và từ Hải Nam, vì rằng Việt Nam cũng có thể xin Toà Trọng Tài xử về biên giới biển/sea boundary, mặc dầu Trung Quốc có bảo lưu/reservation khi gia nhập Công ước về vấn dề biên giới biển/sea boundary hay vịnh lịch sử/historical bays; quyền kiện đó của Việt Nam là chiếu theo điều 298 đoạn 4, Công ước UNCLOS dành quyền cho quốc gia duyên hải/coastal state, quyền có thể đối kháng:
“4. Nếu một quốc gia thành viên đã ra một tuyên bố theo khoản 1, điểm a, thì bất kỳ quốc gia thành viên nào khác cũng có thể đưa ra mọi tranh chấp giữa quốc gia đó với quốc gia đã ra tuyên bố và nằm trong một loại tranh chấp đã bị loại trừ, ra giải quyết theo thủ tục được định rõ trong tuyên bố này“.
Bây giờ nói về điểm (b), vị trí giàn khoan ở nơi chống lấn giữa EEZ Việt Nam và EEZ Trung Quốc tính từ Hải Nam: cả hai phía bờ biển Việt Nam và Trung Quốc đều có thể phát sinh hai EEZ và hai Thềm lục địa, của cả hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Nói cho Việt Nam, chúng ta có thể biện luận theo luật là: vị trí giàn khoan ở trong Thềm lục địa mở rộng của Việt Nam, và hơn nữa, ở hẳn sang phía Việt Nam nếu cần phải thương lượng theo Công ước để tìm ra một đưòng trung tuyến (median line) giữa hai Thềm lục địa—như vẽ trong hình đăng trên Phần 1.
Trước Toà Trọng Tài, mục đích quan trọng nhất là xin một bản án giải thích (declaratory judgement) giải thích và áp dụng Công ước về vấn đề không có mỏm đá, đất nào trong Paracels, kể cả Woody/Yongxing/Phú Lâm, xứng đáng là đảo (island) mà người ở được trong một nền kinh tế tự túc, trong trạng thái thiên nhiên trước khi Trung Quốc xây các tòa nhà ở được, phi trường, cảng, để tiếp tế, và nhà máy lọc nước ngọt.
Cũng còn một căn bản khác để kiện là xin Tòa giải thích việc Trung Quốc, một quốc gia duyên hải /coastal state, đã đơn phương ngăn chặn tự do lưu thông, với vòng vây rộng lớn các tầu chiến và hải giám quanh giàn khoan, chiếu theo điều 297 đoạn 1a:
1. Các vụ tranh chấp liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công ước về việc thi hành các quyền thuộc chủ quyền hay quyền tài phán của quốc gia ven biển như đã được trù định trong Công ước, phải được xét theo các thủ tục giải quyết đã được trù định ở Mục 2 trong các trường hợp sau đây:
a) Khi thấy rằng quốc gia ven biển đã không tuân theo Công ước liên quan đến tự do và quyền hàng hải, hàng không hoặc tự do và quyền đặt các dây cáp và ống dẫn ngầm, cũng như đến việc sử dụng biển vào các mục đích khác mà quốc tế thừa nhận là chính đã nêu ở Điều 58.
Lại còn vi phạm khác nữa của Trung Quốc, đó là trong khi chờ đợi các cơ quan tài phán giải quyết, Việt Nam chỉ giới hạn họat động vào các lô 118 và 119, thì Trung Quốc—đáng lẽ phải theo đoạn 3 các điều 74 và 83 về các bước đi thương lượng giải quyết bất đồng với Việt Nam về EEZ và thềm lục địa để tự chế trong tinh thần hiểu biết và cộng tác (understanding and cooperation) kèm theo những biện pháp tạm thời (provisional measures), ngõ hầu không hại đến thỏa ước sau cùng – thì Trung Quốc lại lấn lưót, hung hăng. Hành động của Trung Quốc cũng vi phạm Tuyên bố Ứng xử trên Biển Đông của ASEAN (DOC).
Trong việc kiện Trung Quốc, Việt Nam có thể theo gương Philippines, nhờ các văn phòng luật sư quốc tế giỏi, như Cotvington & Burling, khi xưa đã giúp Việt Nam thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cũng trong vấn đề Biển Đông.
Luật sư Tạ Văn Tài
Phần 3: Vai trò của cộng đồng quốc tế
Nếu tình thế tiếp tục căng thẳng thì Việt Nam phải dùng thêm các biện pháp chính trị, ngoại giao và quân sự nào? Vai trò của cộng đồng quốc tế ra sao?
Công ước luôn đòi hỏi các bên thương nghị và cả hòa giải nữa trước khi đem ra các thủ tục bó buộc. Vì thế các cuộc thương nghị ngoại giao song phương, đa phương phải luôn có. Nếu thương nghị song phương mà bá quyền lấn áp, thì phải dùng thương nghị đa phương qua ASEAN và, nhất là nếu các nước nhỏ quá ngại va chạm với Trung Quốc thì phải dùng cả sự can thiệp của các nước lớn có quyền lợi ở Biển Đông như Nhật, Úc, Nga, Ấn và nhất là Mỹ.
Một nền ngoại giao đa phương đã có thể làm chùn bớt hành vi hung hăng của Trung Quốc, ngay từ khi trong chuyến du hành của Thủ tướng Việt Nam qua Mỹ năm 2008: lúc đó, Tổng thống Bush đã cam kết bảo đảm cho sự toàn vẹn lãnh thổ cho Việt Nam. Thông cáo chung Mỹ Việt “nhắc lại sự ủng hộ của chính phủ Hoa Kỳ đối với Việt Nam về chủ quyền quốc gia, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ” và nói đến nhu cầu “củng cố đối thoại cấp cao” và ủng hộ “thành lập các cuộc họp hoạch định chính sách về chính trị, quốc phòng để có các trao đổi thường xuyên và sâu hơn về các vấn đề chiến lược và an ninh”.
Hồi hạ tuần tháng 7 năm 2010, Ngoại trưởng Clinton tuyên bố tại Hà Nội rằng Hoa Kỳ xem Việt Nam “không những thật sự là một quốc gia quan trọng mà còn là một bộ phận của chiến lược nhắm tăng cường cam kết của người Mỹ trong khu vực Á châu Thái Bình Dương, đặc biệt là trong vùng Đông Nam Á.”
Khi phát biểu tại hội nghị của Diễn đàn Khu vực ASEAN ở Hà Nội, bà Clinton còn nói rằng Hoa Kỳ xem việc giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền ở biển Nam Trung Hoa (Việt Nam gọi là Biển Đông) bằng đường lối đa phương, theo luật quốc tế, mà không đe dọa hay dùng võ lực, là một “quyền lợi quốc gia” của Mỹ. Những phát biểu này đã khiến cho giới lãnh đạo Trung Quốc phật lòng.
Cơ chế các tổ chức quốc tế hoàn vũ (global international organizations)là diễn đàn nêu sự bắt nạt củaTrung Quốc trước dư luận quốc tế và có thể đi đến những nghị quyết hãm bớt sự hung hăng của Trung Quốc. Vì thế nên đưa vấn đề ra Đại hội đồng Liên hiệp quốc/United Nations General Assembly hay ngay cả Hội đồng Bảo an/Security Council. Một nghị quyết của Đại hội đồng Liên hiệp quốc là áp lực công luận quốc tế, có thể làm chùn bước Trung Quốc. Tuy ở Hội đồng Bảo an , khi lấy quyết định có thể vấp vào phiếu phủ quyêt của Trung Quốc, nhưng Việt Nam vẫn cần đưa ra hay nhờ cường quốc đưa ra, vì đó là thủ tục có thế làm bất cứ khi nào có đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế/threat to international peace and security, như việc Trung Quốc đem chiến hạm đe dọa và dùng võ lực với lực lượng kiểm ngư và ngư dân Việt Nam. Làm như vậy để tạo dư luận quốc tế có lợi cho Việt Nam.
Phụ lục: Về công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng
Trung Quốc có lý không khi viện dẫn công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng để nói chủ quyền Hoàng Sa – Trường Sa đã về tay họ? Có hai luận cứ pháp lý quốc tế cho thấy biện dẫn của Trung Quốc là phi lý.
Công thư mà cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi cho Chu Ân Lai năm 1958 thường được Trung Quốc viện dẫn một cách sai trái cho chủ quyền của họ ở Hoàng Sa và Trường Sa.
Công thư không đề cập đến chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa.
Thứ nhất, và quan trọng nhất, Hiệp định Geneva trao quyền quản lý hành chính Hoàng Sa và Trường Sa, đều ở phía Nam vĩ tuyến 17, cho Chính phủ Miền Nam Việt Nam (Việt Nam Cộng hòa – VNCH) ở phía nam vĩ tuyến đó, cho nên các hành vi xác lập và hành xử chủ quyền về Hoàng Sa và Trường Sa phải thuộc thẩm quyền của VNCH, và chính phủ này cũng như hải quân của họ đã mạnh mẽ xác nhận chủ quyền Việt Nam ở các hải đảo trong và sau biến cố hải chiến Hoàng Sa 1974.
Còn cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đại diện miền Bắc Việt Nam, tức Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) lúc đó, không có thẩm quyền hay không có ý định tuyên bố gì về chủ quyền đất đai về Hoàng Sa và Trường Sa thuộc VNCH vào thời điểm đó, mà chỉ đưa ra lời tuyên bố công nhận hải phận 12 hải lý của Trung Quốc.
Tuy nguyện vọng “Dân tộc Việt Nam là một, nước Việt Nam là một” là chính đáng, nhưng tình trạng hiện hữu của một quốc gia là một vấn đề sự kiện thực tại trong luật quốc tế, cho nên thực tại có hai nước Việt Nam – VNDCCH và VNCH – trong thời gian 1954-1975, là đúng với luật quốc tế và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) là quốc gia kế quyền (successor state) trong việc hành xử và bảo vệ chủ quyền đất đai đó. Sự kế quyền trong việc bảo vệ chủ quyền đất đai này cũng đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cập trong bài phát biểu trước Quốc hội ngày 25-11-2011, theo đó khẳng định năm 1974, Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa “trong sự quản lý hiện tại của chính quyền Sài Gòn, tức là chính quyền VNCH. Chính quyền VNCH đã lên tiếng phản đối việc làm này và đề nghị Liên hiệp quốc (LHQ) can thiệp”.
Theo Hiệp ước Montevideo 1933 thì VNCH là một thực thể có đủ 4 điều kiện của một quốc gia (state), gồm: (a) một dân số ổn định; (b) một lãnh thổ rõ rệt; (c) có một chính quyền; và (d) có khả năng giao dịch với quốc gia khác. Còn vấn đề các nước khác nhìn nhận một quốc gia có đủ 4 điều kiện trên để lập bang giao thì là vấn đề chính trị và tiêu chuẩn chính trị thêm vào 4 tiêu chuẩn luật, và chính phủ nào không ưa một nước nào mà không nhìn nhận thì cũng không thể xóa bỏ tư cách quốc gia của nước đó. Chẳng hạn như trường hợp Cuba bị Mỹ ghét, không nhìn nhận, nhưng Mỹ cũng không thể xóa tư cách quốc gia của Cuba được.
Quốc gia VNCH 1954-75 đã được mấy chục nước thừa nhận ngoại giao, thậm chí có lúc Trung Quốc đã đề nghị cả hai nước Việt Nam vào LHQ.
Tất nhiên, việc có vào LHQ được hay không (chẳng hạn bị một trong 5 quốc gia thành viên thường trực của HĐBA phủ quyết), thì là chuyện chính trị, không phải là tiêu chuẩn về sự khai sinh một quốc gia. Những ai cứ viện dẫn Hiệp định Geneve nói sẽ có một nước Việt Nam sẽ được thành lập với tuyển cử thống nhất hai phần đất tạm thời chia cắt, mà coi nước VNCH như không có trong trời đất là không hiểu luật quốc tế mấy trăm năm về tình trạng quốc gia và lầm lẫn tiêu chuẩn pháp lý về tình trạng quốc gia trong luật quốc tế với những sự sắp xếp chính trị của các cường quốc trong một Hiệp định giữa vài nước mà thôi, đã cố tình quên cái thực tại chính trị là đã có mấy chục nước nhìn nhận sự khai sinh của quốc gia VNCH, và cũng quên mất luật quốc tế theo nghĩa là một số ít nước ký Hiệp định Geneva không thể truất quyền của mấy chục nước kia đã thừa nhận VNCH.
Bây giờ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói, và trước đây giả sử người tiền nhiệm của ông là cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói một cách minh thị hơn nữa, nói có hai quốc gia Việt Nam trong giai đoạn 1954-1975, thì cũng không làm giảm giá trị của sự nghiệp thống nhất đất nước vào năm 1976, vì trong lịch sử thế giới, đã có nhiều quốc gia chia ra nhiều mảnh rồi lại thống nhất, và cũng có quốc gia chia ra hai, thí dụ Pakistan chia thành hai, nửa kia thành Bangladesh, Sudan trước là một thì nay là hai quốc gia, mà các quốc gia đó vẫn có vị trí và được nhìn nhận trong cộng đồng các quốc gia.
Công thư 1958 không có hiệu lực pháp lý quốc tế về việc nhượng đất.
Thứ hai, một bản tuyên bố đơn phương (unilateral declaration) như công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng không có hiệu lực pháp lý về mặt quốc tế. Trong luật quốc tế, không thể cố áp dụng lý thuyết “Estoppel”, tức là lý thuyết trong luật pháp quốc nội của một số quốc gia có quy định là “Đã nói ra thì không nói ngược lại được”, vì lý thuyết này không áp dụng trong luật quốc tế theo cùng các điều kiện như trong luật quốc nội, vì có những điều kiện ngặt nghèo, và do đó không thể coi lời nói đơn phương là có hiệu lực ràng buộc đương nhiên trong luật quốc tế.
Tòa án quốc tế trong một vụ xử giữa Đức và Đan Mạch/Hà Lan về thềm lục địa đã nói như vậy. Ngoài ra, theo một án lệ khác, khi xét ý nghĩa của lời tuyên bố đơn phương, tòa án quốc tế phải xét một cách chặt chẽ “ý định” của người tuyên bố. Theo án lệ “Nuclear Tests Case Australia & New Zealand v. France 1974 I.C.J 253″, thì “khi các quốc gia đưa ra lời tuyên bố hạn chế tự do hành động của mình, thì phải giải thích hạn hẹp”. Tòa án cũng nói là: “Chỉ cần xét một vấn đề quan trọng là xem lời văn trong lời tuyên bố có biểu lộ một ý định rõ rệt không… Tòa án phải tự có quan điểm riêng về ý nghĩa và phạm vi mà tác giả lời tuyên bố đơn phương nào có thể tạo ra một nghĩa vụ pháp lý, và tòa không thể bị ảnh hưởng gì bởi quan điểm của một quốc gia khác.”
Theo tiêu chuẩn trong án lệ trên mà xét, thì ý định của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong công thư 1958 phải được xét trong khuôn khổ quyền hạn Thủ tướng chiếu theo Hiến pháp 1946. Theo đó Chính phủ gồm Chủ tịch nước, Phó chủ tịch và nội các (điều 44). Trong nội các đó, có Thủ tướng (điều 44), nhưng Chủ tịch nước mới là người thay mặt cho nước (điều 49 đoạn a) mà ký hiệp ước với nước khác (điều 49 đoạn H) ràng buộc Việt Nam về những việc quan trọng, thí dụ chủ quyền đất đai như việc nhượng đất; kèm theo quyết định chuẩn y hiệp ước bởi nghị viện là cơ quan quyền lực cao nhất, thì mới có quyền về nhượng đất (điều 22 và 23).
Còn Thủ tướng không thể vượt quá quyền, theo học lý luật pháp “ultra vires” (vượt quá quyền hạn), và công thư của cố Thủ tưởng Phạm Văn Đồng, trong ngôn ngữ dùng, chỉ có ý định ủng hộ ngoại giao cho Trung Quốc về một điểm là 12 hải lý hải phận mà Trung Quốc đang lo lắng tuyên bố để chống sự đe dọa lúc đó của Mỹ từ hai đảo Kim Môn và Mã Tổ do quân đội Đài Loan chiếm giữ với sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ và đe dọa lớn hơn của Mỹ từ eo biển Đài Loan với Hạm đội 7.
Hơn nữa, ý định của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng không thể được giải thích là liên quan đến nhượng đất, vì Trung Quốc yêu sách về tất cả các đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa, trong đó nhiều đảo thuộc quyền chiếm hữu của một số quốc gia Đông Nam Á, mà cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng không là đại diện để nói về chuyện nhượng đất. Trung Quốc cũng không thể mang lời của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ra để đối kháng với các quốc gia Đông Nam Á khác được. Theo án lệ “Nuclear Tests” nói trên, Tòa án quốc tế không cần nghe giải thích chủ quan, thủ lợi theo ý mình của Trung Quốc.
LS TS Tạ Văn Tài
Luật sư, Tiến sĩ Tạ Văn Tài, nguyên giảng viên và hiện là nghiên cứu viên Trường Luật thuộc Đại học Harvard (Hoa Kỳ) giải thích các vấn đề này.
vietthuc.org/kien-trung-quoc-o-toa-nao-phan-1/