Nội dung thư

Saturday, May 17, 2014

* Canh bạc Mỹ sẽ giải quyết cục diện tranh chấp giữa Trung .

Cali Today News – Cho đến giờ này, cục diện đối đầu giữa Trung Cộng và Việt Cộng đã leo thang đáng kể, thậm chí vượt qua ngoài mức tính toán của mỗi bên.
Trung Cộng trong thời điểm này đã đưa ra một chiến thuật mà theo một nhà ngoại giao châu Á tiết lộ với Reuters là Trung Cộng đang cố ý “tìm kiếm thêm những thành quả, lơiï thế” (China was seeking incremental gains) bằng cách khiêu khích và tạo ra những cuộc khủng hoảng với các nước láng giềng. Chiến thuật này thật sự có thể dẫn đến những sự thay đổi cục diện, tình trạng trong vùng biển Đông và Đông Nam Á.
Điều này được nhìn thấy khá rõ qua một loạt các hành động quấy nhiễu các quốc gia láng giềng từ Nhật Bản ở phía Đông, Phi Luật Tân, Việt Nam, Mã Lai ở phía Nam, và thậm chí với Ấn Độ.
Cũng theo nhà ngoại giao ẩn danh này, chỉ chỉ có một giải pháp để đối trị với chiến thuật này của Trung Cộng là các quốc gia cùng với các thế lực quốc tế phải đưa ra một sự giáng trả hay phản ứng quyết liệt đối với ý định hay hành động chiến thuật của Trung quốc trong ý đồ tìm thắng lợi thêm để thay đổi bàn cờ khu vực, mà rõ ràng là chiến lược nuốt trọn biển đông theo bản đồ 9 đoạn ảo tưởng mà chính quyền Tưởng Giới Thạch từng đưa ra vào năm 1947.

TT Obama và TT Aquino gặp gỡ tại điện Malacanang. Photo courtesy: Reuters

Sau khi Nhật tự thân đối đầu quyết liệt, tự chạy đua vũ trang, gia tăng ngân sách quốc phòng, gia tăng sản xuất vũ khí hiện đại, để đối đầu quyết liệt với Trung Cộng, và gần đây nhất TT Obama tuyên bố quần đảo Senkaku nằm trong vùng địa lý mà hiệp ước an ninh Mỹ Nhật bao phủ… thì Trung Quốc giảm hẵn sự quấy nhiễu, giảm đáng kể sự đe dọa… Như thế, mặt trận miền Đông Á giảm nhiệt căng thẳng.

Sự đối đầu quyết liệt của Nhật với sự công khai ủng hộ của Mỹ đã ép Trung Cộng quay mặt sang hướng khác, không còn lớn tiếng với Nhật như trước.

Một mặt trận chiến lược thứ hai tại Đông Nam Á là Phi Luật Tân. Trung Cộng thật ra đã “harassed” (gây khó khăn, quấy nhiễu) nước này trong suốt bao năm qua. Phi Luật Tân ngày càng mất đảo và nhẫn nhịn, nhưng càng lùi thì Trung Cộng càng tiến tới. Phi Luật Tân trong thời gian qua đã quyết liệt chống trả lại, từ không nhân nhượng trên biển, tranh giành quyết liệt biển đảo với Trung Cộng, kiện Trung Cộng ra tòa quốc tế, và ký hiệp ước cho phép đồng minh có hiệp ước Hoa Kỳ có thêm sự hiện diện không hải lực trong nước này…

Sự chống trả quyết liệt tự thân của Phi Luật Tân và sự công khai bảo kê của đàn anh Hoa Kỳ đã tự nó bảo vệ Phi Luật Tân trước các quấy nhiễu của anh thổ phỉ Trung Cộng trong vùng.

Chuyến đi vào tháng 4 vừa qua của TT Hoa Kỳ Barack Obama sang 4 quốc gia Nam Hàn, Nhật, Phi Luật Tân, Mã Lai Á,.. được xem là một dấu đóng bảo kê giữa Hoa Kỳ và các đồng minh Á châu trước áp lực của Trung Cộng, trong hành trình chuyển trục về Á châu của Mỹ…

Chỉ có Việt Nam là “nằm ngoài” vòng đai an toàn nói trên một cách cô độc.

Chính quyền Việt Nam khôn vặt đến mức để không làm bạn “cố tri” hay bạn “đồng minh” với ai, để rồi chẳng ai dám làm bạn với Việt Nam. Việt Nam chơ vơ một cách lạc loài trước các thế lực trên thế giới, không là bạn ai và không ai là bạn.

Tại Hội Nghị Thượng Đỉnh Asean vừa qua ở Miến Điện, dù Nguyễn Tấn Dũng có lên tiếng tố cáo Trung Cộng “vi phạm một cách nguy hiểm và nghiêm trọng” công pháp quốc tế tại diễn đàn khu vực, nhưng tiếng nói của ông Dũng không được 10 quốc gia trong vùng lắng nghe, và điều tố cáo của ông Dũng cũng không được đưa vào nghị trình (not addressed), để rồi Hội nghị thượng đỉnh Asean trôi qua mà không có lời lên tiếng tố cáo nào đối với Trung Quốc, mà chỉ có “quan tâm sâu sắc về những diễn biến mới ở vùng biển Đông Nam Á.”
Việt Nam bị phá sản ngoại giao cấp khu vực.

Trong bài viết mới của AFP, các nhà phân tích cho rằng Việt Nam không thể tìm đồng minh trong khu vực để đối đầu với Trung Cộng.

Trở lại vấn đề nói trên là cần đối lại Trung Quốc với một thái độ quyết liệt thì mới may ra dừng chân Trung Quốc lại, bằng không thì Việt Nam sẽ mất nước.

Việt Nam có thể đã theo “mô hình” (role model) của Nhật, Phi Luật Tân, nên đã có những thái độ quyết liệt một cách bất ngờ trong vụ giàn khoan HD 981 vừa qua, khiến cho Trung Cộng ngạc nhiên, so với thái độ cố hữu nổi tiếng “hèn với giặc và ác với dân” như trước. Hà Nội cũng đã đối phó khá mạnh với Trung Cộng khi nước này đưa giàn khoan HD 981 vào khai thác dầu gần quần đảo Hoàng Sa. Hà Nội lần đầu tiên đã cho phép biểu tình khá thoải mái và cho phép báo chí đưa tin khá thoải mái về sự tranh chấp giữa Trung Cộng và Việt Cộng tại biển đông.

Không biết việc nổi dậy và bạo động tại Bình Dương có bàn tay kích động trực tiếp của Hà Nội hay không, nhưng việc nới lỏng mặt trận truyền thông và biểu tình đã gián tiếp cho phép bùng lên bạo loạn tại Bình Dương và nhiều nơi khác, nhắm vào doanh nghiệp Trung Quốc.

Lần đầu tiên Hà Nội biết nói “NO” với Trung Cộng và có thể đó là bài học đầu tiên mà Việt Nam học được từ Nhật và Phi Luật Tân.

Tuy nhiên, chỉ nội lực của Việt Nam không đủ dừng lại bước chân “chiến thuật” nói trên của Trung Cộng. Việt Nam cần có đồng minh, cần có “đại ca” chống lưng, cần liên minh với Mỹ.

Thế nhưng, điều này chưa được vì Mỹ không thể “đồng minh với” nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, và cũng không thể bán vũ khí sát thương (lethal weapons” cho Việt Nam, một quốc gia không tôn trọng tự do và nhân quyền, một quốc gia không có dân chủ.

Việt Nam bị kẹt trong điều kiện cần có để liên minh với Mỹ.

Việt Nam cần chủ động thay đổi chính quyền hay chính quyền bị dân chúng thay đổi. Đó là con đường duy nhất và tất yếu để cứu nước và giữ nước. Không có chọn lựa khác.

Trong ngày thứ tư, 14 tháng 5, phát ngôn nhân tòa Bạch Ốc Jay Carney, đã nói rằng những sự tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Đông Nam Á cần thông qua đối thoại, chứ không thông qua con đường hù dọa, bắt nạt.
Dù ông Jay Carney nói như thế, nhưng khó ai dám tin rằng Trung Quốc sẽ đối thoại bình đẳng và công bằng với Việt Nam để giải quyết tranh chấp biển đảo.

Theo một nhà ngoại giao Á châu ẩn danh thì vấn đề tranh chấp còn có thể được giải quyết khi mà Mỹ đưa ra một đường lối cứng rắn (take a firm line) với Bắc Kinh và dùng ảnh hưởng của mình để hạ nhiệt từ phía Việt Nam.

Trên đây là một chuyện, một chuyện khác là thế và lực mới ở châu Á.

Theo ngoại trưởng Singapore, ông K. Shanmugam, thì Mỹ hiện nay không còn là một quốc gia như thời kết thúc đệ nhị thế chiến. Ông nói: “Bây giờ, Mỹ cần hợp tác và yêu cầu hợp tác, khác với thời sau đệ nhị thế chiến, Mỹ áp đặt ý muốn của chính mình” để các quốc gia khác làm theo.

Trong lúc đó, sự vươn lên nhanh chóng của Trung Quốc cũng góp phần thay đổi cái mà người Mỹ gọi là “the regional dynamic” (sức mạnh trong vùng), khiến cho cục diện bây giờ về quyền năng và trật tự vùng không còn như trước nữa.

Nhiều người không thấy điều này nên cứ cho là TT Obama nói nhưng không làm, lý thuyết nhưng không thực tế, hay chỉ đánh võ mồm mà thôi (for being more rhetoric than substance).

Nói tóm lại, chỉ có sự “dấn thân” (involvement) của Mỹ vào vấn đề tranh chấp biển đông với đường lối cứng rắn, như nhà ngoại giao Á châu ẩn danh nói trên nêu ra, thì biển đông may ra mới không dậy sóng…

Chỉ sự cứng rắn của Việt Nam không thôi là cần nhưng cũng không giải quyết được cục diện.

Sóng biển ở Senkaku, hay ở biển Tây Phi Luật Tân có yên ắng hơn trước đây vì những tuyên bố trong chuyến Á du 4 quốc gia vừa qua của TT Mỹ…

Viết đến đây, chúng ta càng thấy tội nghiệp cho Nguyễn Chí Vịnh khi tuyên bố ầm ỉ trước đây, đại để Việt Nam không liên minh quân sự với ai, không cho ai đặt căn cứ quân sự trên nước Việt Nam… Tầm nhìn này chỉ làm cho chúng ta mất nước về Trung Cộng. Chẳng lẽ Nhật, Nam Hàn, Phi Luật Tân, Úc,… đều ngu hơn Nguyễn Chí Vịnh và đảng CSVN?

Nguyễn Xuân Nam



Tags: tranh chấp giữa Trung Cộng và Việt Cộng