“Người Việt mình đi đến đâu cũng muốn quy tụ lại để có tình làng xóm, tình gia đình với nhau. Ðó là điểm cao quý nhất giúp chúng ta có thể xây dựng lại cả một cộng đồng bất kể sự tàn phá khủng khiếp của thiên tai.”
Linh Mục Nguyễn Văn Nghiêm, chánh xứ Maria Nữ Vương Việt Nam.
Linh Mục Dominic Nguyễn Văn Nghiêm, chánh xứ giáo xứ Maria Nữ Vương Việt Nam, nói với giọng đầy tự hào khi giới thiệu về cộng đồng người Việt ở “làng” Versailles, phía Ðông thành phố New Orleans, tiểu bang Louisiana, sau gần 40 năm có mặt trên đất Mỹ và chín năm sau cơn bão Katria.
Cái nôi của Công Giáo Việt ở Mỹ
“Ðầu tiên chỉ có 11 gia đình Việt Nam đến đây vào năm 1975, rồi lớn dần lên 200 gia đình, và cao điểm nhất là trước bão Katrina với hơn 7,000 gia đình và bây giờ là 1,100 gia đình với hơn 4,000 cư dân.” Linh Mục Nguyễn Văn Nghiêm, một cư dân trưởng thành từ cộng đồng, nhậm chức chánh xứ cách đây bốn năm, bồi hồi điểm lại hành trình của người dân ở “làng” Versailles.
Cụ bà Trần Thị Huỳnh, 78 tuổi, một trong những cư dân Việt đầu tiên của làng Versailles.
Ông Trần Cao Toàn, phụ tá Linh Mục Nguyễn Văn Nghiêm, bổ túc thêm: “Người Việt đến đây chỉ trong một thời gian rất ngắn đã thành lập Cộng Ðồng Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam vào năm 1976, và đây là cái tên đầu tiên của giáo xứ Maria Nữ Vương Việt Nam.”
Theo ông Toàn, những người Việt đầu tiên và lần lượt sau đó đều là giáo dân từ các cộng đồng Công Giáo ở Việt Nam như Phước Tỉnh, Phú Quốc và các vùng biển miền Nam Việt Nam. “Mà đã xuất thân từ vùng biển, thì không có nghề gì thích hợp với họ bằng nghề đánh bắt cá tôm.”
Một góc chợ chồm hổm ở Làng Versailles, với hai bà cụ ngồi bán rau mặc y phục của phụ nữ miền Bắc Việt Nam cách đây vài chục năm.
Từ năm 1975 đến 2005, suốt 30 năm là cả một thời gian dài và cực thịnh của người dân Việt vùng đất này, từ nghề đánh bắt tôm cá, đến các nghề khác như kinh doanh tiệm tạp hóa, mở tiệm nail, nhà hàng, cây xăng...
Nhưng, theo ông Toàn, mùa Hè năm 2005, khi cơn bão Katrina đánh vào các tiểu bang miền Nam nước Mỹ, trong đó nặng nhất là New Orleans, đã làm thay đổi toàn bộ đời sống của người dân nơi này.
Ông Trần Cao Toàn nhớ lại, sau Katrina, ngoài thiệt hại về nhà cửa, tài sản thì người dân ở đây mất hết việc làm và người ta bắt đầu bỏ đi.
Cộng đồng Việt ở làng này năm 2005 có tới gần 8,000 người, vậy mà chín năm sau Katrina, cộng đồng cũng chỉ còn hơn một nửa.
Cảnh mua bán tấp nập vào mỗi buổi sáng ở chợ chồm hổm.
Nhưng khó khăn lại đến một lần nữa khi năm 2010 xảy ra vụ tràn dầu của dàn khoan trên vịnh Mexico khiến nghề đánh cá tôm đình trệ. Số người mới đến, mà đa số từ Việt Nam, đã không bù được con số người Việt ra đi.
Vẫn theo ông Toàn, “Những người chạy bão Katrina mang theo con cái đến các đô thị lớn như ở tiểu bang Texas. Giới trẻ học hành thành tài và chọn luôn cuộc sống ở đó và người ta không quay lại chốn cũ.”
“Nổi bật nhất của cộng đồng Công Giáo ở đây là nét Công Giáo thuần túy mà người ta mang từ Việt Nam sang hàng chục năm trước.”
Theo ông Trần Cao Toàn, nét độc đáo đó là sinh hoạt xưa ở Việt Nam ra sao thì vẫn giữ y nguyên như vậy. Ðiển hình là Tuần Thánh Mùa Chay vẫn còn đầy đủ các nghi thức như ngắm nguyện, các cuộc rước được giữ nguyên thể. Ðây chính là nét hấp dẫn thu hút người Công Giáo ở các nơi khác tìm đến giáo xứ trong các dịp lễ lớn.
Chợ Việt Mỹ, ngôi chợ đầu tiên của người Việt Nam tại làng Versailles.
Không “gục ngã”
“Nhưng tất cả đã không bỏ đi.” Linh Mục Nguyễn Văn Nghiêm tự hào kể: “Chính người Việt Nam là những người đầu tiên quay trở lại nơi này, xây dựng lại từ hoang tàn đổ nát.”
“Sau 21 năm làm công việc ở các giáo xứ của người Mỹ, tôi mới về đây chịu chức chánh xứ được bốn năm. Cha mẹ và người thân đều ở làng Versailles này. Sự thương yêu, đoàn kết, chính là yếu tố quan trọng giúp chúng ta vượt qua nhiều khó khăn. Tôi cảm nhận được điều này, làm việc tông đồ ở chỗ nào cũng vậy nhưng làm việc và phục vụ cho chính đồng bào mình thì vẫn phấn khởi hơn, tình nghĩa nhiều hơn.”
Ông nói tiếp: “Giáo xứ đang có nhiều kế hoạch phát triển trong tương lai rất gần. Kể từ sau Katrina trở lại đây, củng cố và kiến thiết lại nhà thờ là việc ưu tiên vẫn đang tiến hành từng chút một. Ưu tiên nhất vẫn là duy trì các hoạt động như các hội chợ hàng năm để giáo dân tham gia ngày càng đông.”
Kenvin Trần, chủ nhà hàng Ðông Phương.
Chỉ tay về mảnh đất rộng lớn phía trước nhà thờ, Linh Mục Nghiêm cho biết, tương lai của giáo xứ là ở đó. “Chúng tôi đang có kế hoạch tiến hành xây dựng từng hạng mục, trên mảnh đất rộng 28 mẫu này sẽ có Ðài Ðức Mẹ Maria và công viên công trình Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam.”
Ngôi làng từng “tự túc, tự cấp”
Không giống các cộng đồng người Việt ở các nơi khác, người dân ở đây trong thuở ban đầu ngoài nghề đánh bắt cá tôm, còn mang cả việc trồng trọt từ Việt Nam sang.
“Ðất phía sau nhà quá rộng, lại gần các con kênh thoát nước nên bà con mình trồng đủ loại rau trái của người Việt mình. Ban đầu một nhà trồng, rồi thì cả làng trồng, rau ăn không hết thì mang ra đầu làng bán.” Cụ bà Trần Thị Huỳnh, 78 tuổi, vui vẻ kể về công việc trồng rau của mình.
Khu đất của giáo xứ Maria Nữ Vương Việt Nam chuẩn bị mở rộng nhà thờ và xây công trình đền thờ Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam.
Từ Phước Tỉnh, bà Huỳnh sang Mỹ cùng với chồng và chín người con vào năm 1980.
Bà Huỳnh nhớ lại những năm tháng khó khăn trong thời gian đầu, “nghề gì cũng làm hết, cứ có việc là làm để có tiền nuôi con. Cá mắm có sẵn, mình chịu khó trồng rau quả, vậy là không tốn tiền chợ, nhờ đó mà nuôi nổi các con nên người.”
Cụ ông mất cách đây ít năm, chín người con nay đều đi làm xa hết, nên niềm vui của bà là chăm sóc những luống rau sau nhà.
“Yếu lắm rồi chú ạ, ốm đau luôn, nên bây giờ cũng chẳng làm gì được nhiều, trồng cho vui và khuây khỏa thôi.”
Toàn cảnh khu thương mại của người Việt Nam tại làng Versailles, phía Ðông New Orleans.
Cụ bà Trần Thị Huỳnh cũng như nhiều phụ nữ lớn tuổi khác trong làng làm nghề trồng trọt đã góp phần làm nên ngôi chợ “chồm hổm” chỉ họp nội trong buổi sáng Thứ Bảy hàng tuần.
Ông Trần Văn Nhật, người sáng Thứ Bảy nào cũng ra chợ, kể, “gọi là ‘chồm hổm’ vì cả người bán lẫn người mua đều ngồi theo tư thế đó. Ai có rau gì, trái gì, con tôm con cá mới đánh được đều có thể mang ra bán.”
Ông Nhật là một trong những người đâu tiên đến đây trong buổi khai thiên lập địa. Cần cù lao động, chuyển từ nghề sửa máy tàu sang đánh bắt cá tôm, rồi lại sang nghề sửa máy tàu và cuối cùng là ông bỏ hết để làm công việc cho nhà thờ trong suốt 30 năm. Trước khi chính thức “nghỉ hưu” cách đây một năm, ông Nhật từng là chủ tịch Hội Ðồng Giáo Xứ Maria Nữ Vương Việt Nam.
Khu thương mại được người Việt sửa lại khang trang sau cơn bão Katrina.
Ông kể: “Từ vài chục quả ớt, năm ba trái bí hay mướp, vài quả cà chua, vài bó rau cải, ít chục con tôm, vài con cá,... là những món hàng quen thuộc ở ngôi chợ này. Người bán cũng vui mà người mua cũng vui, mà không mua không bán gì... cũng vui.”
Ông Nhật cười cho hay, “Thường thì tôi chẳng mua gì cả, mỗi tuần một lần đến đây chỉ là để xem bạn bè, người trong làng ai khỏe ai ốm, ai có chuyện gì vui, buồn mà chia sẻ với nhau.”
Nhưng không chỉ có thế, theo ông Trần Cao Toàn, ngôi chợ này nhiều năm qua đã trở thành nét đặc thù của làng, thu hút không chỉ người Việt mà còn nhiều sắc dân khác.
Ông Nguyễn Ðông, một trong những cư dân đầu tiên của làng Versailles.
“Chợ họp ngay trong khuôn viên của khu thương mại của người Việt ở đây, nhưng chẳng ai thấy phiền hà gì cả, tất cả diễn ra chóng vánh chỉ mỗi sáng Thứ Bảy hàng tuần mà ai lỡ bận việc không đến được thì đều nhớ!” Ông Nhật cười cho hay.
Những người thành đạt
Ðến làng Versailles, tinh ý một chút, người ta có thể nhìn thấy những căn nhà của người Việt Nam “nhỉnh” hơn, khang trang hơn các căn nhà khác của cư dân nói chung trong vùng. Ðặc biệt là một khu mới xây dựng cách đây khoảng 10-15 năm với khoảng 100 căn nhà, nhà diện tích nhỏ nhất cũng phải hơn 4,000 sqf.
Những căn nhà của người Việt thành đạt trong khu mới ở làng Versailles.
Ðiểm nổi bật nhất của khu này là các con đường rộng lớn đều được đặt tên Việt Nam, như “Văn Chu,” “Dominic Lương,” rồi “Tự Do” hay “Sài Gòn”...
Ông Nguyễn Ðông, một trong những cư dân ở khu này, vui vẻ cho biết gia đình ông quyết định mua đất rồi tự xây căn nhà lớn hơn 4,000 sqf trước bão Katrina. Mình tự xây theo ý mình, thích lắm, trước và sau bão nhà cửa còn rẻ, nhưng bây giờ thì đắt hơn rồi.
Ðể có căn nhà trị giá gần nửa triệu đô la đã trả hết nợ ngân hàng và đời sống sung túc hiện nay, cũng như nhiều người dân trong làng, ông Ðông trải qua một thời kỳ gian lao hiếm có.
Nhà hàng Ðông Phương, có mặt tại vùng đất này từ năm 1982.
Vượt biên từ Vũng Tàu đến Mỹ năm 1983, bỏ lại vợ và các con ở quê nhà mà mãi 10 năm sau mới đoàn tụ hết. Những năm mới sang, ông làm việc không ngừng nghỉ để quên đi nỗi thương nhớ vợ con. Từ làm thuê ở chợ, ông Ðông chuyển sang vận chuyển và buôn bán lẻ hải sản cho các nhà máy, rồi mở tiệm cầm đồ, tiệm tạp hóa, buôn bán vận chuyển cả xe hơi sang thị trường Việt Nam và Cambodia.
“Tôi từng lái xe 18 bánh vận chuyển cá tôm bán cho các nhà máy. Không hiểu sao lúc ấy mình khỏe thế. Tôi lái liên tục ngày đêm, mỗi ngày chỉ chợp mắt được chừng 1-2 tiếng rồi thức dậy chạy tiếp.”
Thành quả mà ông Ðông gặt hái được là năm người con đều thành đạt, ai cũng có cơ sở thương mại và làm ăn riêng.
Bên trong nhà thờ Maria Nữ Vương Việt Nam trong thánh lễ chiều Thứ Bảy hàng tuần.
Người đàn ông có khuôn mặt trẻ hơn cái tuổi 60 của mình kết thúc câu chuyện một cách chân tình: “Tôi hài lòng với cuộc sống của mình hiện tại, và điều quý nhất là vẫn sống và gắn bó với ngôi làng này và đồng bào của mình. Nếu nói một cách chủ quan, thì người Việt mình thành đạt nhanh như vậy chính là nhờ làm ăn cần cù, chăm chỉ, sống tiết kiệm và biết sắp xếp đời sống hợp lý.”
Giới trẻ chuyển hướng cộng đồng
“Tôi biết mình là ai và vì sao lại có mặt ở đây.” Kenvin Trần, với tuổi đời ngoài 20, hiện đang quản lý nhà hàng Ðông Phương ở gần làng Versailes nói về bản thân mình và công việc anh thừa hưởng của gia đình.
Kenvin khẳng định: “Chúng ta là người Việt, nhưng phải hòa nhập vào dòng chính, kinh doanh với người Mỹ, chỉ như thế mới phát triển nhanh hơn và tốt hơn.”
Ông Nguyễn Văn Việt, một trong những cư dân đầu tiên của làng Versailles trước căn nhà của mình.
Nhà hàng Ðông Phương do cha mẹ Kenvin Trần mở từ năm 1981. Ban đầu là phục vụ cho người Việt, nhưng lâu dần lượng khách người Mỹ lại đông hơn người Việt.
Chàng trai quản lý nhà hàng này tiết lộ, phở và bánh mì kiểu Việt Nam là hai món người Mỹ rất thích khi đến nhà hàng Ðông Phương.
Hồi trước nhà hàng còn mở cửa buổi tối, nhưng từ sau bão Katrina nhà hàng chỉ bán buổi trưa. Nhưng theo lời chủ nhân, khách đến vẫn đông bởi đồ ăn Việt Nam nóng sốt, ngon miệng nhưng nhẹ nhàng phù hợp với người Mỹ.
Giàn mướp trong vườn rau của bà cụ Trần Thị Huỳnh.
Người Mỹ đang rất thích đồ ăn Việt Nam, cả khu vực New Orleans này có hơn chục nhà hàng Việt Nam mà nhà hàng nào cũng đông khách.
Theo anh: “Dù vẫn thích sống gần cộng đồng Việt mình, vì chúng ta là người Việt, nhưng làm ăn kinh doanh, thì không thể chỉ nhắm vào khách hàng là người Việt được.”
Và những người trẻ tuổi trong cộng đồng này cũng đang theo hướng suy nghĩ tương tự chủ nhà hàng trẻ tuổi này.
“Thế hệ thứ hai đang tiến xa hơn và suy nghĩ rất khác thế hệ cha mẹ mình.” Ông Nguyễn Ðông nhận xét.
“Tôi có bốn đứa con, nhưng không cháu nào làm ăn ở khu vực này cả, tất cả đều bung ra, tìm hướng đi mới vì cách thức làm ăn của thế hệ thứ nhất đã không còn phù hợp.”
Rất nhiều vườn ra như thế này phía sau mỗi căn nhà của người Việt ở làng Versailles.
Còn theo ông Trần Cao Toàn, người Việt mình ở thế hệ thứ hai đa số có học vấn cao, hầu hết đều qua đại học, và những người có bằng kỹ sư, bác sĩ, hay dược sĩ thì hầu như nhà nào cũng có.
Những người trẻ của thế hệ đã và đang bước đi rất xa, rất tự tin để bước vào dòng chủ lưu của đời sống của người Mỹ. Nhưng như lời của Linh Mục Dominic Nguyễn Văn Nghiêm, cái “gốc” của họ là ở đây, “cho dù không về sống trong cộng đồng, tấm lòng họ sẽ hướng về đây, như hướng về cái nôi đầu tiên của ông bà, cha mẹ họ, mà tôi cảm nhận được trong mỗi thánh lễ ở nhà thờ vào cuối tuần ở giáo xứ này!”.
Khôi Nguyên