Vũ Linh
Share on facebook
...đảng Dân Chủ năm 75 còn biểu quyết chống cả việc nhận dân tỵ nạn VN vào Mỹ...
Sau bài viết Câu Chuyện Thuế và Trợ Cấp, trong đó có bàn về vài huyền thoại Cộng Hòa (CH), một độc giả gửi cho kẻ viết này một bài của một vị tỵ nạn - không biết là nhà văn hay nhà báo hay chính trị gia gì đó- viết giải thích tại sao ông “bỏ đẳng CH”. Nhận thấy bài viết phản ánh suy nghĩ của một phần khá lớn dân tỵ nạn, kẻ viết này muốn nhân cơ hội, bàn vô thêm. Kẻ viết trân trọng cám ơn vị độc giả đã gửi email. Đây không phải là chuyện riêng tư của cá nhân nào, nên danh tánh vị độc giả cũng như tác giả bài viết “bỏ đảng CH” sẽ không được công bố.
Bài viết chẳng những không có gì mới lạ, trái lại, chỉ lập lại những “huyền thoại đường mòn” hoàn toàn sai lầm về cả hai chính đảng Mỹ. Theo ý kiến cá nhân của kẻ viết này, ông tác giả bài viết chỉ là một người đọc báo của truyền thông dòng chính hơi nhiều mà không chịu, hay không muốn, hay không có khả năng, hay không có thời giờ suy nghĩ vấn đề cho thấu đáo. Đại cương thì tác giả đưa ra vài điểm chính:
1. Ông trước đây ủng hộ CH 100% vì CH chống cộng. Mới đầu không biết chuyện “Kissinger bán đứng Nam VN cho TC”, nhưng sau mấy năm sống ở Mỹ, khám phá ra đó là sự thật. Bỏ đảng CH.
2. Ông tố cáo CH là đảng “cuồng tín” vì không cho phụ nữ tự do phá thai, và “ngu dốt” vì không biết trái đất đang bị hâm nóng. Ông đưa anh Rush Limbaugh, một anh bình luận gia cực hữu trên đài phát thanh (radio talk show) ra làm biểu tượng của “cuồng tín và ngu dốt” của CH.
3. Ông cũng cho CH là đảng của những chính khách đạo đức giả, chuyên lem nhem tình dục, bị thống trị bởi “tụi Do Thái chỉ giỏi trốn thuế”.
4. Ông cũng khám phá ra là ngược lại, đảng Dân Chủ (DC) là đảng yêu dân, thương người nghèo, dân da màu, đòi công bằng xã hội.
Kẻ viết này sẽ lạm bàn về những điểm nêu trên, đặc biệt là điểm đầu vì chưa có dịp bàn qua. Những điểm thứ nhì và thứ ba sẽ được lướt qua, trong khi điểm cuối đã được bàn nhiều trong bài Câu Chuyện Thuế Và Trợ Cấp rồi.
CH CHỐNG CỘNG HƠN DC
Hiển nhiên, đây là cách nhìn tuy giản dị nhất, nhưng cũng sai lầm nhất. Quan điểm này xuất phát từ việc đảng DC và khối cấp tiến nhất loạt chống việc Mỹ tham chiến tại VN trong những năm tháng cuối cuộc chiến, rồi được củng cố bởi những quyết định đánh mạnh của TT Nixon (đánh qua Căm Pu Chia, Hạ Lào, thả bom mùa Giáng Sinh 72).
Nếu cứ thấy đánh VC là “chống cộng thì phải nói DC mới là đảng “chống cộng” khi việc tham chiến tại Nam VN là quyết định của hai tổng thống DC, Kennedy và Johnson, trong khi hai ông CH Nixon và Ford lo “tháo chạy”.
Thật ra, cả hai đảng CH cũng như DC, chẳng có đảng nào chống cộng hay thân cộng gì hết. Cả hai đảng đều là đảng “thân Mỹ”. Có nghiã là cả hai đảng đều làm mọi chuyện vì quyền lợi của nước Mỹ và dân Mỹ. Nếu chống cộng đáp ứng nhu cầu này thì cả hai đảng đều sẽ chống cộng. Ngược lại, nếu thân cộng là cần thiết, thì cả hai đảng cũng sẵn sàng thân cộng.
Chúng ta đều nghe các chính khách Mỹ dao to búa lớn với những khẩu hiệu về “giá trị Mỹ” (American values), thật ra phải nói là “quyền lợi Mỹ” mới chính xác. Thực tế là vậy. Mà chúng ta không thể trách dân Mỹ hay cấp lãnh đạo Mỹ về chuyện này được. Chúng ta, người Việt, lo nghĩ cho quyền lợi nước Việt và dân Việt. Người Mỹ cũng vậy thôi, nước Mỹ và dân Mỹ trên hết.
Khác biệt căn bản là DC vì lý tưởng “vú em” sẵn sàng can thiệp ở nước ngoài hơn CH, nhưng bù lại, lại có chủ trương bồ câu hơn, can thiệp ển ển xìu xìu thấy không xong là lo tháo chạy cho nhanh. Như tại Libya mới đây, can thiệp theo kiểu “lãnh đạo từ sau lưng”.
Trở lại vấn đề VN, hai TT Kennedy và Johnson can thiệp vào VN, không phải vì thương dân VN gì, mà phần lớn vì thuyết “domino”, lo bảo vệ tiền đồn Nam VN để bảo vệ cả vùng Đông Nam Á chống lại làn sóng đỏ Liên Sô – Trung Cộng. Ban đầu, cả hai đảng đều cùng chia sẻ quan điểm về quyền lợi của Mỹ trong vùng, và cả hai đảng đều ủng hộ TT Diệm. TT Eisenhower tiếp đón TT Diệm như Quốc Khách, trong khi các thượng nghị sĩ DC uy tín nhất ca tụng TT Diệm là một Churchill của VN.
Cuộc đảo chính TT Diệm cũng được cả hai đảng hậu thuẫn vì họ thấy chính sách của TT Diệm có nguy cơ khiến Miền Nam mất vào tay CS, cũng như tạo một hình ảnh xấu cho nước Mỹ trên thế giới vì ủng hộ một chế độ độc tài đến độ các vị sư phải tự thiêu để phản đối. Cuộc đảo chánh được sự hậu thuẫn mạnh của tổng thống DC Kennedy và đại sứ CH Cabot Lodge.
Qua Đệ Nhị CH tại Nam VN, chính quyền DC Johnson can thiệp mạnh vì sợ mất Nam VN, đe dọa toàn bộ chiến lược Mỹ tại ĐNA. Cũng với hậu thuẫn mạnh của CH. Nhưng lại áp dụng chiến lược leo thang nhỏ giọt, vừa đánh vừa run, vì sợ đụng chạm với TC, rồi sau đó thì cả đảng DC đòi rút bất chấp hậu quả đối với dân Việt khi cuộc chiến ngày càng sa lầy không thấy “ánh sáng cuối đường hầm”. Lính Mỹ chết ngày càng nhiều, tiền thuế dân Mỹ đóng ngày càng đổ vào cái giếng không đáy Nam VN. Đảng CH vì là đảng đối lập, bắt đầu khai thác, chỉ trích chính sách ển ển xìu xìu, vừa đánh vừa đàm, hay đúng hơn, vừa đánh vừa chạy của TT Johnson.
Hình ảnh một đảng DC “không chống cộng mạnh bằng đảng CH” được hình thành từ đó trong suy tư dân Việt ta. Hình ảnh đó được củng cố bằng chích sách mới, mạnh tay hơn của TT Nixon.
Thật sự, chính sách mạnh tay đó không thể hiện việc TT Nixon “chống cộng” hơn. Chẳng qua chỉ phản ánh tính “diều hâu” hơn của TT Nixon, dám làm mạnh hơn thôi. Đó là chiến lược mới để bảo vệ quyền lợi của Mỹ khi TT Nixon bị áp lực nặng của đảng DC, của truyền thông cấp tiến, và dư luận quần chúng Mỹ, không cho phép ông kéo dài việc tham chiến của Mỹ.
Trong chiến lược của TT Nixon, Mỹ sẽ rút, nhưng không phải tháo chạy vô điều kiện, mà gỡ gạc chút thể diện, rút “trong danh dự”, giúp cho Miền Nam có một cơ hội vừa phải để sống còn bằng cách tiêu diệt lực lượng CS càng nhiều càng tốt qua các chiến dịch Căm Pu Chia và Hạ Lào, cũng như ném bom mùa Giáng Sinh 72 để ép CSBV thoả mãn vài đòi hỏi cuối cùng của TT Thiệu.
Tóm lại, từ căn bản, quan điểm của vị tác giả bài viết đã sai lầm khi cho rằng CH “chống cộng hơn DC”. Chỉ là CH dám ra tay mạnh hơn thôi.
TT NIXON VÀ NT KISSINGER BÁN ĐỨNG NAM VN CHO TC
Đây là lập luận của phe chủ hoà cấp tiến Mỹ đưa ra để khỏa lấp trách nhiệm của họ trong vụ “mất Nam VN”. Và điều đáng nói đối với chúng ta, dân tỵ nạn, là đó cũng là lập luận của một số người Việt tỵ nạn để biện minh cho việc họ hậu thuẫn đảng DC.
Trong những năm tháng cuối của cuộc chiến, DC là đảng “phản chiến” ngày càng cổ võ cho việc rút khỏi Nam VN. Và để biện minh cho ý kiến đó, họ không ngớt đả kích, bôi bác, nhục mạ miền Nam VN, từ các “chính quyền độc tài” cho đến cả “xã hội thối nát” và “quân đội yếu hèn”.
Như cột báo này đã viết tuần trước, “hình ảnh của Miền Nam VN là hình ảnh của một nước chỉ có gái bán bar, trẻ con ăn xin, lính đào ngũ, và tướng tham nhũng... Tất cả, không đáng cho sự hy sinh của thanh niên Mỹ và tiền thuế Mỹ”.
Từ những năm tháng cuối cùng của TT Johnson, toàn thể khối cấp tiến và đảng DC đã lấy quyết định bức tử Miền Nam. Trong 4 năm nhiệm kỳ đầu của TT Nixon, đảng DC kiểm soát cả hai viện quốc hội, biểu quyết 80 lần đòi TT Nixon chấm dứt chiến tranh VN (trung bình ba tuần một lần, liên tục trong bốn năm!), đồng thời đảng DC cũng biểu quyết cắt ngân sách viện trợ quân sự cũng như kinh tế cho Miền Nam VN, cấm TT Nixon không được gia tăng cường độ chiến cuộc nếu không được sự chấp thuận của quốc hội, cấm không được hành quân qua Căm Pu Chia và Lào, bác bỏ yêu cầu viện trợ khẩn cấp 700 triệu cứu nguy Nam VN tháng Tư 75.
Thậm chí, đảng DC năm 75 còn biểu quyết chống cả việc nhận dân tỵ nạn VN vào Mỹ. Hai tiếng nói ồn ào nhất thời đó chống việc nhận dân tỵ nạn là Thống Đốc Jerry Brown của Cali, và nghị sĩ George McGovern, cựu ứng viên tổng thống của đảng DC, người ra tranh cử tổng thống chống TT Nixon với chủ trương sẵn sàng rút khỏi Miền Nam VN chỉ với một điều kiện duy nhất là VC trả lại tất cả tù binh Mỹ, không cần biết sau đó chuyện gì sẽ xẩy ra tại VN.
Trước thực trạng đó, làm sao giải thích việc một người Việt tỵ nạn tay mang cờ vàng xuống đường biểu tình chống cộng mà lại đi bỏ phiếu cho đảng của các ông Brown và McGovern, là đảng đã biểu quyết không cho họ vào Mỹ?
Phải thẳng thắn nhìn nhận một số dân Việt tỵ nạn ủng hộ DC dĩ nhiên vì trợ cấp. Nhưng một số lớn trung lưu hay “trí thức” không cần trợ cấp, cũng ủng hộ đảng DC vì cùng chia sẻ quan điểm “cấp tiến” nói chung. Nhưng như vậy thì lại kẹt chuyện DC phản chiến bức tử miền Nam VN. Tam thập lục chước, chỉ có một cách: đó là “đổ thừa” chuyện mất Nam VN cho phe CH. Lỗi tại “tên Do Thái Kissinger bán đứng VN cho TC”, không phải lỗi của đảng DC.
Cách nhìn này cố tình nhắm mắt không muốn thấy những hành động chống việc tham chiến của Mỹ và chống Miền Nam VN của khối cấp tiến, từ các dân biểu, nghị sĩ DC, đến giới sinh viên trí thức thiên tả, và truyền thông dòng chính đã áp lực TT Nixon như thế nào, đã chống đối, biểu tình, chửi bới TT Nixon như thế nào mỗi lần ông lấy quyết định đánh hay thả bom. Nói cách khác, đã bó tay TT Nixon một cách tuyệt đối khiến ông không có lựa chọn nào khác ngoài chuyện tìm giải pháp rút.
Lập luận này gán tội Nixon-Kissinger ngả giá với TC, bán Miền Nam cho TC đổi lấy việc trao đổi thương mại, cho tài phiệt Mỹ vào buôn bán với TC. Cái lý luận này chẳng có căn bản gì, mà có vẻ chủ quan, quan trọng hóa quá mức vai trò của Miền Nam VN trên bàn cờ chính trị thế giới. Thực tế, tài phiệt Mỹ muốn buôn bán với TC không cần phải đợi chấm dứt chiến tranh VN. TC muốn thương thảo với Mỹ cũng chưa bao giờ coi cuộc chiến VN là trở ngại.
Sau khi Đặng Tiểu Bình đánh Cao Bằng-Lạng Sơn để cứu Căm Pu Chia, và nhất là gần đây, một số nghiên cứu cho thấy TC có thể đã muốn duy trì một tình trạng hai nước VN, để miền nam kềm hãm CSBV, giúp TC duy trì ảnh hưởng phần nào trong vùng ĐNA (Lào, Căm-Pu-Chia, Thái). Nếu miền nam được hòa bình, độc lập với miền bắc, qua một chính thể trung lập, TC còn hy vọng sẽ hỗ trợ mạnh miền nam độc lập để cầm chân miền bắc. Dĩ nhiên giả thuyết này sẽ còn phải đợi lịch sử xác nhận nhưng cũng cho thấy lý luận Mỹ “bán miền nam cho TC” không vững lắm vì chưa chắc TC đã muốn “mua” Nam VN dùm cho CSBV.
Việc Nixon-Kissinger “đi đêm” với TC phải hiểu như nằm trong khuôn khổ kế hoạch bắt tay với TC với hy vọng chia khối CS làm hai, tạo thế ba chân vạc trong chiến lược toàn cầu của Mỹ. Mao cũng muốn bắt tay với Mỹ để thoát ra khỏi cảnh lệ thuộc Nga quá nhiều, nhất là về kinh tế và kỹ thuật. Sự thật không vui cho cái nước nhược tiểu của chúng ta là VN chỉ là con chốt bé tí, chẳng thể nào là một thứ xe pháo mã nặng giá để trao đổi trong cuộc đấu cờ giữa ba cường quốc. Bằng chứng rõ ràng nhất là sau Mùa Hè Đỏ Lửa 72, Mỹ thả bom ào ạt miền bắc VN, phong tỏa Hải Phòng. Dù vậy, cả TC lẫn Liên Xô đều phản đối cho có lệ, rồi trải thảm đỏ đón Nixon.
Trong chuyện “đi đêm” đó, VN dĩ nhiên cũng là một đề tài thương thảo, nhưng chỉ là một đề tài rất phụ, trong đó Nixon-Kissinger muốn nhờ Liên Xô và TC áp lực CSVN để Mỹ có thể rút trong “danh dự”, đỡ mất mặt nhất. Nixon bắt tay hay không bắt tay với Mao thì cũng vẫn phải bỏ Nam VN như thường vì áp lực chính trị quần chúng quá lớn, do DC và truyền thông dòng chính kích động. TT Nixon có muốn tiếp tục đánh cũng không được vì quốc hội do DC kiểm soát đã biểu quyết cắt hết ngân sách. Không ngân sách lấy gì đánh? Như vậy sao việc bỏ Miền Nam lại có thể là lỗi của Nixon hay Kissinger, mà không phải là lỗi của khối DC trong quốc hội? Chẳng qua chỉ là chuyện đổ thừa chạy tội.
Câu chuyện của mấy ông DC phản chiến hay chống dân tỵ nạn dù sao cũng là chuyện của 40 chục năm trước, chúng ta không thể sống mãi trong quá khứ, mà cần nhìn vào nhu cầu đời sống thực tế hiện tại và tương lai con cháu. Do đó nhiều người tỵ nạn bây giờ ủng hộ con đường cấp tiến của đảng DC là chuyện phải chấp nhận và thông cảm. Kẻ viết này hoàn toàn tôn trọng những người bỏ phiếu cho đảng DC. Chỉ có một yêu cầu là họ đừng tìm cách “biện minh” lá phiếu của họ bằng cách đổ thừa là tại CH và Nixon-Kissinger bán đứng Nam VN cho TC. Bào chữa việc ủng hộ DC vì Nixon-Kissinger bán đứng Nam VN là việc làm thiếu lương thiện nhất nếu không phải là thiếu hiểu biết nhất.
CH LÀ ĐẢNG CỦA NHỮNG NGƯỜI CUỒNG TÍN VÀ NGU DỐT
Đây là lập luận căn bản của khối cấp tiến, lúc nào cũng tự phụ, mục hạ vô nhân, coi tất cả những người khác ý với mình nếu không cuồng tín thì cũng là ngu dốt. Các tổng thống DC đều là thiên tài, thông minh tuyệt thế như Kennedy, Clinton, Obama,... Trong khi các tổng thống CH nếu không u mê thì cũng gian xảo như Nixon, Ford, Bush,...
Nếu muốn đưa Rush Limbaugh ra làm biểu tượng cho sự “cuồng tín và ngu dốt” của CH, thì kẻ viết này sẽ đưa Chris Matthews ra làm biểu tượng cho sự “sáng suốt và thông minh” của đảng DC.
Chris Mathews, một người chuyên nghề bình luận, lảm nhảm một mình (talk show) trên chương trình “Hard Ball” của đài truyền hình MSNBC, đã từng khẳng định mỗi lần nghe đến cái tên “Obama” là rùng mình, cảm thấy máu dồn lên, chạy rần rần từ chân lên đầu, vì anh cảm thấy anh đã có cái may mắn lớn nhất trong đời là sanh ra đúng lúc Đấng Tiên Tri giáng trần cứu nhân độ thế. Đố ai hạ được anh này trong vai nịnh thần tâng bốc hoàng thượng? Nói năng kiểu này có cuồng tín và ngu dốt không?
Phá thai hay không là chuyện lựa chọn cá nhân vì những lý do tôn giáo, nhân bản, kinh tế,... hết sức phức tạp. Hàng triệu phụ nữ Mỹ và hàng trăm triệu phụ nữ trên thế giới không chấp nhận phá thai. Họ là “cuồng tín” hết sao? Hãy thử hỏi những bà mẹ Việt Nam tỵ nạn xem có bao nhiêu bà hăng hái ủng hộ con gái mình “vui vẻ” rồi phá thai tự do, và bao nhiêu bà “cuồng tín” không muốn con gái mình phá thai?
Hâm nóng điạ cầu là một vấn đề mà cả ngàn nhà khoa học đang tranh cãi. Nếu không hiểu rõ vấn đề thì đừng nên bàn, rồi chê những người khác ý là “ngu dốt”.
NHỮNG CHUYỆN KHÁC
Đảng CH là đảng đạo đức giả, lem nhem tình dục. Đây là lập luận khá khôi hài. Quý độc giả hẳn chưa ai quên “ông vua” lem nhem tình dục chính là ông tổng thống đang được đảng DC tôn thờ, và bà vợ đang được tung hô để ra làm tổng thống năm 2017: Bill Clinton. Xin miễn bàn thêm.
Đảng CH hoàn toàn bị tài phiệt Do Thái chi phối. Nếu như vậy thì làm sao giải thích trong tất cả các cuộc bầu tổng thống, đại đa số 70%-80% khối Do Thái luôn luôn bỏ phiếu cho đảng DC?
Nói cho ngay, kẻ viết này không bao giờ hiểu nổi những lập luận sỉ vả Do Thái trên báo Việt ngữ, kể cả chuyện bôi bác NT Kissinger là “tên Do Thái này nọ”. Chuyện chống hay ủng hộ Do Thái chẳng liên quan gì đến cộng đồng chúng ta, và tuyệt đại đa số dân Việt tỵ nạn chắc cũng chẳng có một hiểu biết sơ đẳng nào về những mâu thuẫn giữa dân Do Thái và không Do Thái. Vậy tại sao lại cũng a dua theo vài tờ báo Mỹ chỉ trích Do Thái? Tài phiệt Do Thái xấu hơn tài phiệt Mỹ chỗ nào? Tài phiệt Do Thái chi phối CH thì có hậu quả như thế nào với dân tỵ nạn ta?
Về chuyện DC là “đảng yêu dân, thương người nghèo, đòi công bằng xã hội”, kẻ viết này đã bàn qua trong bài viết về thuế và trợ cấp, miễn bàn thêm.
Chính trị luôn luôn là một đề tài phức tạp nhất. Nhưng vì muốn cho càng nhiều người hậu thuẫn mình càng tốt nên các chính khách luôn phải trông cậy vào những giản dị hoá tối đa, vào những huyền thoại dễ hiểu, dễ nhớ, kiểu DC là đảng của người nghèo,... Chính vì yếu tố dễ hiểu nên cũng trở thành dễ... hiểu lầm nhất.
Vũ Linh
Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.