Nội dung thư

Friday, February 13, 2015

* Nam và nữ, ai dê hơn ai



Các nhà sinh vật học thường hay nghiên cứu, đối chiếu và so sánh sinh hoạt đời sống của thú vật với con người. Các cụ Việt Nam ta, không biết tự một ngày đẹp trời nào, cũng làm công việc quan sát này và đặc biệt chiếu cố tới đời sống tình dục của loài dê. Rồi trong một lúc đắc ý, từ ngữ “dê” tình cờ ra đời, góp chữ làm giàu cho kho tàng văn học dân gian lưu truyền từ đời này qua đời khác. Ấy cũng bởi cái khả năng sinh sản và giao phối mạnh mẽ, dê đã bị người đời gán cho những hình tượng xấu xa, dâm ô, đầy những thành kiến.


Từ “dê” được dùng, lúc như động từ, lúc như danh từ. Ngữ nghĩa, khi nhẹ, khi nặng. Khi nhẹ nó được nghĩ như “tán tỉnh, ve vãn”, ám chỉ những người có tính ham muốn và ưa chinh phục người khác (giới). Khi nặng, như dâm dục, thú tính, súc vật, ám chỉ những người mà lý trí không còn kiểm soát được sự ham muốn quá độ, nên hành động sai trái, đi tới xâm phạm, chiếm đoạt, hay có những cử chỉ, hành động quấy rối, sàm sỡ, quá đáng với người khác.

“Dê” còn được thêm thắt với nhiều nghĩa phụ để thành những từ kép và được sử dụng một cách rộng rãi như: máu dê, râu dê, dê xồm, dê già, dê cụ, dê gái.

Giữa nam và nữ, ai bị người đời gán cho danh hiệu có “máu dê” hay “35” nhiều hơn? Và tại sao?


Nếu bạn đọc để ý sẽ nhận ra một điều, từ lâu phái nam đã vang danh trong lãnh vực “dê” đặc biệt này. Những câu truyền khẩu trên cửa miệng các bà mẹ khi dặn dò con gái thường là “Cẩn thận nghe con, đàn ông nào cũng có máu dê trong người”. Hoặc câu nói “Không dê sao gọi là đàn ông?” được các đấng mày râu phân bua, đính chính hay tự giải thích về hành động “tứ chi qườ quạng, vô tổ chức” của mình. Thậm chí, có người còn làm vè:

“Không dê sao gọi đàn ông
Không dê liệu có làm chồng được không?
Đàn bà phải biết chổng mông

Đàn ông dê cụ ráp hông dê bà.”
Có người am tường hơn thì bảo “Đàn ông ai cũng có máu “35” trong người, không nhiều thì ít”. Quan sát kỹ hơn, người ta thường thấy phái nam chiêm ngưỡng phái nữ theo nhiều cách, kín đáo, tế nhị, hay lộ liễu, lố bịch, sàm sỡ. Họ thường nhìn ngắm. Có người nhìn lén, người lại nhìn chăm chăm như muốn ăn tươi nuốt sống đối phương. Người lại ưa hành động cụ thể hơn bằng lời nói, cử chỉ. Do đó những từ như “dê đại trà”, “dê đạo lộ”, hay “bạ đâu, dê đấy” ra đời.



Phụ nữ thì sao? Họ có dê không?

Nếu hiểu theo nghĩa ve vãn, tán tỉnh thì phụ nữ cũng biết và rất thích tán tỉnh phái nam. Họ thể hiện nó bằng nét mặt, ánh mắt, nụ cười và những cử chỉ kín đáo thường là gián tiếp hơn trực tiếp. Có những phụ nữ tự tạo cho mình các nét quyến rũ riêng như một cái bẫy để nhử con mồi và quý ông cứ lao vào mà lầm tưởng rằng chính mình chủ động. Cách họ lắc đầu, vẫy mái tóc để lộ khuôn mặt, kiểu liếc khoé mắt có đuôi, kéo vai áo lộ một chút vai trần hay bờ ngực vun, uốn lượn cặp mông cong, khơi mở một câu chuyện... Tất cả những mời gọi có tính cách nửa hở, nửa kín ấy đều là những dấu hiệu ngầm của sự ve vãn.


Có người chọn lối ăn mặc lộ liễu, hở hang. Người lợi dụng tài ăn nói lanh lẹ, uyên bác. Có cô hay liếm môi, thoa son ướt, hay đặt ngón tay lên môi xoa đi xoa lại như một gợi tình.

Đôi môi phụ nữ là một công cụ ve vãn rất hiệu quả. Họ thích phái nam chú ý đển họ, phần lớn để thoả mãn và xoa dịu cái tự ái ít nhất họ còn có được sự quyến rũ.

Nếu bảo rằng phụ nữ không thích phái mạnh “dê”, theo nghĩa để ý, tán tỉnh mình, là sai. Họ rất thích sự ve vãn của đàn ông nhưng mỗi người thích một lối riêng. Có người yêu kiểu nhẹ nhàng, kín đáo, người ưa lối tấn công mạnh bạo, trực tiếp.

Có “chàng” đã tâm sự khi bị than phiền về lối dê sỗ sàng hay “dê đạo lộ” của họ.
“Hỡi ơi, phụ nữ làm sao hiểu được, những hành động có vẻ mang chút hơi hướm “quấy rối” đó đã làm cho đàn ông vui và hào hứng một cách đặc biệt, nhất là khi đã có chút rượu bia. “Dê” vốn là một đặc điểm nhận dạng không thể thiếu của phái mạnh từ xưa tới nay, kia mà.”


Có người tự thú, tuy được gọi là phái mạnh nhưng thật ra đàn ông là một sinh vật rất yếu đuối (lòng) và dễ động lòng. Chỉ cần một nụ cười duyên hay xởi lởi, một mái tóc đang cột tự dưng được gỡ bung ra, chẳng hạn. Ai cấm họ tự hiểu, đó là một thông điệp ngầm đầy khuyến khích của phái đẹp. Họ xem những lối ăn mặc hở hang, thừa da thịt, thiếu vải che, là những hành động “khiêu khích” gián tiếp hay trực tiếp mở đường cho con “dê” lòng họ xổng chuồng chạy bậy. Từ ý nghĩ đi tới giai đoạn hành động, giơ tay, động chân, tùy theo cá nhân. Không phải bất kỳ người nào cũng ủng hộ tác phong lợi dụng, quờ quạng đó. Phái nam thường xem đó là nỗi xấu hổ, làm mất mặt các đấng nam nhi. Nhưng đa phần quý ông khi rượu bia, chén chú chén anh vào, đều đồng ý rằng, đó là hành động vì mất tự chủ nên thông cảm được. Do đó, có người đã khuyên phụ nữ nếu không muốn bị “dê” hay xúc phạm nên tránh xa họ khi thấy họ có chút rượu bia hay bắt đầu say.


Vấn đề đôi khi được đặt ra tuỳ thuộc vào sự khêu gợi ở người phụ nữ, vì không có lửa sao có khói? Một người phụ nữ được trùm kín từ đầu đến chân chỉ chừa đôi mắt, làm sao khiến người đàn ông phạm tội? Tuy nhiên không phải vì sợ bị dê mà tất cả phụ nữ trên thế giới phải phục sức như phụ nữ Hồi. Chọn lưạ cách phục sức khêu gợi hay tự nhân dáng có sự khêu gợi, còn tuỳ thuộc vào quan niệm sống, phong tục và thời trang của phái nữ qua từng thời đại. Trong một cuộc phỏng vấn của một đài truyền hình, các thiếu nữ được hỏi “Các cô nghĩ gì về phái nam và các cô có ước muốn chinh phục họ không?” . Phần lớn đều trả lời “Bây giờ phái nam rất thích phụ nữ có ngực to nên chúng tôi ước có một thân hình đẹp với bộ ngực to và nếu có thể, có tiền để đi sửa ngực cho to”.

Nếu hiểu theo nghĩa “dê” là sự ham muốn hay khát khao dục tình thì phái nam có ham muốn “sex” nhiều hơn phái nữ không? Theo những khảo cứu khoa học gần đây nhất, quả thật phái nam có nghĩ và khao khát điều này nhiều hơn phái nữ. Qua một báo cáo của Edward O. Laumann, giáo sư bác sĩ, khoa xã hội học của University of Chicago, phần lớn quý ông dưới tuổi 60 nghĩ đến “sex” ít nhất là 1 lần trong ngày. Chỉ có một phần tư phụ nữ tiết lộ đã nghĩ đến nó thường xuyên. Nếu so sánh giữa nam và nữ khi có tuổi, khát vọng dục tình của nam cao hơn gấp đôi. Roy Baumeister, một tâm lý gia xã hội học của Florida State University, trong một nghiên cứu thăm dò, đã tìm ra quý ông thường xuyên bị dục vọng khuấy động một cách tự phát và hay tưởng tượng đến chúng.


Con ong, cái kiến, khát khao chuyện ái ân, loài vật có mùa động tình, con người cũng vậy. Phụ nữ chẳng khác, nhưng thường thì họ chỉ hưng phấn khi nến thơm được thắp lên và toả hương đúng lúc và dĩ nhiên người bạn tình là người đầu tiên phải gieo rắc mùi hương. Nhờ nhiều nghiên cứu khoa học mà người ta khám phá ra phái nam không những có ước vọng tình dục cao mà còn có tính khẩn thiết nữa. Phụ nữ như các con sóng ngầm trong khi đàn ông là những cơn bão dữ. Tuy nhiên phụ nữ thường đặt nặng giá trị cảm xúc và mối liên hệ lên trên hơn là khát vọng dục tình. Hơn nữa họ bị ảnh hưởng nặng nề bởi thành kiến đạo đức xã hội nên họ tự kếm chế mọi dục vọng. Vì thế cho dù họ rất ham muốn hay hứng khởi họ vẫn muốn phái nam khởi động và dẫn dắt, họ rất sợ phải mang tiếng là người chủ động.
Vả lại từ xưa, ngay trong truyền thuyết họ được quan niệm là một cái dẻ xương phụ thuộc nên họ tự động phải sống, hành động, sinh hoạt và tuân thủ theo nguyên một cơ thể con người của người đàn ông. Giáo điều, quan niệm và thành kiến xã hội đã đặt để, bắt buộc họ đứng về vị trí của một dẻ xương, một kẻ phụ thuộc, kể cả chuyện dục vọng sinh lý.


Đến đây chắc bạn đọc đã có chút khái niệm trong sự so sánh, nam và nữ, ai “dê” hơn ai rồi. Tuy nhiên trong tương lai, thời thế và quan niệm thay đổi, biết đâu chúng ta sẽ có một câu trả lời khác đi, phải không các bạn?.
Trịnh Thanh Thủy
http://baomai.blogspot.com.au/2015/02/nam-va-nu-ai-de-hon-ai.html