Nội dung thư

Wednesday, December 31, 2014

* Hồ Chí Minh là người Cộng hòa hay người Cộng sản?

Hơn nửa thế kỷ chúng tôi là nạn nhân dai dẳng của một học thuyết ảo tưởng đã phá sản, và nay đang phải truy tìm ra lý do, nguồn gốc, ai chịu trách nhiệm (Bùi Tín)

***
“Những sự thật không thể chối bỏ” rất nên tìm đọc của tác giả Đặng Chí Hùng, dám đụng đến vấn đề có nhiều người ngần ngại, cho là thuộc những đề tài nhạy cảm, phức tạp, cấm kỵ, nên tránh. (Bùi Tín)


Hồ Chí Minh là người Cộng hòa
hay người Cộng sản?

Bùi Tín - "Thảm họa cho Việt Nam nay tôi mới nhận thật rõ, khởi đầu từ đó, từ tư duy còn non nớt, từ sự chọn đường của một anh thanh niên 33 tuổi nhẹ dạ, chưa có kinh nghiệm gì về hoạt động chính trị.

Việc đánh giá cho thật đúng ông Hồ hiện đang trở nên cần thiết, nóng bỏng. Nó trở nên một nhu cầu bức bách của xã hội để nhận ra chính mình. Trên mạng Dân Làm Báo gần đây đã có 15 bài luận văn “Những sự thật không thể chối bỏ” rất nên tìm đọc của tác giả Đặng Chí Hùng, dám đụng đến vấn đề có nhiều người ngần ngại, cho là thuộc những đề tài nhạy cảm, phức tạp, cấm kỵ, nên tránh."

***

Nhân kỷ niệm 67 năm ngày cướp chính quyền 19 tháng 8 (*) và ngày Tuyên ngôn Độc lập 2 tháng 9 năm 1945, trên mạng Tuần Việt Nam ngày 30/8 có đăng bài viết của giáo sư Nhật bản Tsuboi Yoshiharu với nhan đề: “Góc nhìn khác của một học giả Nhật về tư tưởng Hồ Chí Minh”.

Giáo sư Tsuboi Yoshiharu là một nhà nghiên cứu nổi tiếng của trường đại học Waseda, Nhật Bản. Ông nghiên cứu về Việt Nam và về nhân vật lịch sử Hồ Chí Minh từ năm 1973. Ông kể rằng ông đã để công lần theo những dấu vết cuộc hành trình của Hồ Chí Minh, bắt đầu từ xã Kim Liên, Nghệ An, đến lăng Hồ Chí Minh, các bảo tàng Hồ Chí Minh, rồi trường Quốc Học Huế. Ông còn đến tận Quảng Đông, Hồng Kông, Thượng Hải, Diên An, sang tận Moscow, Paris, London, New York để hình dung lại hoạt động của ông Hồ ở những nơi ấy.

Ông cũng từng gặp và hỏi chuyện hàng trăm nhà chính trị, nhà sử học, nhà báo Việt Nam và nước ngoài từng gặp ông Hồ, viết và nghiên cứu về ông Hồ để tìm hiểu thêm về nhân vật này, theo nhiều cách nhìn và góc độ khác nhau. Thật hiếm có một học giả nước ngoài nào kiên trì, chuyên tâm nghiên cứu kỹ lưỡng nhân vật Hồ Chí Minh như giáo sư Tsuboi Yoshiharu.

Để rồi giáo sư Nhật này đi đến một kết luận rất đặc biệt, có thể nói là độc đáo. Ông cho rằng không chắc đông đảo người Việt Nam đã hiểu rõ ràng, sâu sắc chính xác ông Hồ bằng chính ông (!). Ông viết: “Trong quá trình tìm hiểu, khám phá và trao đổi, tôi luôn cảm thấy dường như chưa ai đoán đúng được tư tưởng ‘bè trầm liên tục‘ (basso continuo, có nghĩa là thực chất sâu xa) của Hồ Chí Minh”.

Suốt gần 40 năm chuyên khảo cứu về đề tài hấp dẫn này, giáo sư Nhật Bản khám phá ra một điều mà ông cho là rất mới, rất thật, là “Hồ Chí Minh là một con người mang bản chất cộng hòa (democrat, mang bản chất dân chủ) hơn là một con người cộng sản theo học thuyết Mác-Lênin”. Có vẻ ông rất thích thú với việc tự tìm ra “chân lý” (!) ấy.

Tháng 12 năm 2008 giáo sư Tsuboi Yoshiharu tham dự cuộc hội thảo quốc tế về Việt Nam học lần thứ 3 tổ chức tại Hà Nội và gây được sự chú ý của dư luận vì góc nhìn khác lạ trên đây.

Đến nay, giáo sư lại đi sâu thêm theo nhận định độc đáo của mình. Ông khẳng định: “Mục tiêu tối thượng của ông Hồ là giải phóng dân tộc và giành lại nền độc lập cho Tổ quốc từ tay thực dân Pháp. Để thực hiện công cuộc đó, cơ sở lý luận của ông là Tự do, Bình đẳng, Bác ái, những biểu tượng của nền cộng hòa”. Trên đà phát hiện một lãnh tụ CS mang bản chất cộng hòa hiếm hoi, giáo sư đi đến nhận định: “Có lẽ Hồ Chí Minh là nhà lãnh đạo chính trị duy nhất ở Đông Á nhận thức được một cách đúng đắn nhất tinh thần của nền cộng hòa và ông đã cố gắng đưa nó vào Việt Nam”. Có lẽ ông chưa nghiên cứu sâu về Gandhi, cũng chưa tìm hiểu về Phan Chu Trinh.

Ông nói thêm: “Hồ Chí Minh cho rằng vấn đề cần ưu tiên nhất là đấu tranh giải phóng dân tộc giành lại độc lập cho Việt Nam chứ không phải vấn đề giai cấp. Về mặt này, Hồ Chí Minh không phải là một người CS chính thống theo chủ nghĩa Mác-Lênin”.

Tôi nhớ lại, từ hồi 2003 tôi đã gặp nhà nghiên cứu sử học Hoa Kỳ William J. Duiker khi ông vừa viết xong và phát hành cuốn sách “Hồ Chí Minh - một cuộc đời” (Ho Chi Minh - A Life), nhà xuất bản Hyperion, dày 696 trang, tiếng Anh, khi ông sang Paris – Pháp để giới thiệu. Trước đó ông đã gửi tặng tôi cuốn sách quý này, do trong khi viết sách ông đã đọc và tham khảo một số cuốn sách và bài báo của tôi. Trong một buổi gặp riêng rất thân mật, tôi đã thẳng thắn nói lên một số ý kiến về cuốn sách rất đồ sộ, đầy tư liệu lịch sử, tra cứu rất công phu của ông. Tôi chúc mừng ông có những nhận định sâu sắc, chuẩn xác về ông Hồ, như cho rằng ông Hồ là “một nhân vật lịch sử vô cùng quan trọng và khó nắm bắt” (an immensely important and elusive figure). Do rất khó nắm bắt nên cũng khó đánh giá thật chính xác.

Một câu hỏi thường làm nhiều người đắn đo, suy đoán là Hồ Chí Minh là người yêu nước, là con người dân chủ, là người gắn bó với nền cộng hòa, hay là con người cộng sản, con người mác-xít lêninnít, gắn bó với học thuyết cộng sản? Chính ông Hồ khi về cuối đời luôn khẳng định bản thân ông đã đi từ chủ nghĩa yêu nước lúc đầu mà gắn bó keo sơn với chủ nghĩa cộng sản, để cuối cùng khi viết di chúc cho rằng mình sắp đi gặp cụ Mác, cụ Lênin, quên mất các cụ Lê Lợi hay Trần Hưng Đạo. Có gì rõ hơn tư tưởng và tấm lòng mình khi sắp từ giã cuộc đời?

Cho nên tôi khen ông bạn W. Duiker đã nắm bắt được thực chất con người Hồ Chí Minh khi đã chứng minh nhận định: “Mục đích của ông Hồ trong suốt đường dài sự nghiệp của ông là tìm cách chấm dứt hệ thống bóc lột của tư bản trên toàn thế giới và tạo ra một thế giới cách mạng mới, theo cách nhìn không tưởng của Các Mác” (Ho‘s goal throughout his long career was to bring an end to the global system of capitalist exploitation and create a new revolutional world characterized by the utopian vision of Karl Marx).

Chúng tôi trao đổi với nhau những nhận định của một số nhà nghiên cứu Pháp về Hồ Chí Minh như giáo sư Pierre Brocheux, nhà báo Olivier Todd, nhà báo Jean Lacouture và nhất là nhà triết học Jean François Revel. Lúc đầu họ đều cho rằng Hồ Chí Minh trước sau vẫn là người yêu nước theo chủ nghĩa dân tộc, chỉ coi chủ nghĩa Mác là một phương tiện để đạt mục tiêu ấy. Nhưng về sau họ đều tỉnh ra, hiểu rõ rằng từ sau năm 1924, ông Hồ sang Moscow học trường Quốc tế CS Đông Phương, sinh hoạt đều trong cơ quan Đệ Tam Quốc tế, ăn lương hàng tháng của Quốc tế CS, dự Đại hội Quốc tế
CS 5 và 7, dự Đại hội Công đoàn Đỏ, Cứu tế Đỏ, rồi sang Trung Quốc làm phiên dịch cho Borodine của đảng CS Liên Xô, còn gia nhập đảng CS Trung Quốc, coi Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai là thượng cấp của mình, thì từ đó Hồ là con người CS chuyện nghiệp cực kỳ “ngoan đạo”, lấy chủ nghĩa CS làm mục tiêu cả đời mình, không bao giờ do dự, ngần ngại. Ông còn được đào tạo thành một nhà tình báo cộng sản quốc tế già dặn.

Sau này, W. Duiker cho chúng tôi biết ông rất thích thú với bài báo của J.F.Revel có tựa đề là “Hồ Chí Minh: sự tước đoạt lòng yêu nước” (Ho Chi Minh: le détournement du patriotisme), trong đó có đoạn: “Dựa vào khát vọng tự do của người dân để ngự trị, đó là phương pháp Hồ Chí Minh, rất mực trung thành tuân theo phương pháp của nhân vật tồi tệ Lênin” ( nguyên văn là: “S’appuyer sur le désir de liberté pour asservir, telle est la méthode de Ho Chi Minh très fidèlement copiée sur celle du sinistre Lénine”).

Các bạn Pháp rất tâm đắc với nhận định của tổng quát W.Duiker: “Hồ Chí Minh is just a tactician and no more” ( Hồ Chí Minh trước sau chỉ là một nhà chiến thuật). Nghĩa là Hồ Chí Minh không hề có tư tưởng, chiến lược, như chính ông ta thú nhận. Ông ta chỉ có mưu mẹo về chiến thuật nhằm thực hiện đường lối có sẵn. Cũng chính ông thừa nhận: các cụ Mác, Lênin, Mao, Stalin đã nghĩ ra tất cả rồi; đó là những con người không bao giờ phạm sai lầm.

Tôi từng tâm tình với ông bạn W. Duiker: Dù sao anh cũng là người ngoài cuộc, nghiên cứu một cách khách quan vô tư, còn tôi, tôi là người trong cuộc, tôi nghiên cứu, tìm hiểu với máu thịt Việt Nam của tôi, với số phận của hàng 2 triệu đồng bào, bạn bè, đồng đội của tôi chết thê thảm trong chiến tranh. Anh coi đây là niềm vui tư duy, viết lách, ra sách, tôi thì khác, tôi coi đó là trách nhiệm công dân, viết theo lương tâm mách bảo, vì tương lai thế hệ trẻ Việt Nam. Tôi còn viết trong mối hận riêng phải tạm rời xa tổ quốc, bạn bè, vợ con, sống đơn độc nơi xứ lạ, điều mà anh không có. Tôi cảm nhận mối liên hệ với ông Hồ khác hẳn anh.

Như vậy là trong khi nhiều nhà nghiên cứu phương Tây bắt đầu nhận ra bộ mặt thật của nhân vật Hồ Chí Minh thì ở phương Đông có nhà nghiên cứu Nhật bản lại có cách nhìn trái ngược.

Nhân đọc bài viết của giáo sư Nhật Bản Tsuboi Yoshiharu, tôi muốn nhắn với ông những gì tôi đã tâm sự với nhà nghiên cứu Hoa kỳ W. Duiker. Các bạn sưu tầm những tài liệu, bài nói, bài viết là rất cần, nhưng hãy cảnh giác với chữ nghĩa, với những câu nói hay, lời viết đẹp. Hãy tìm hiểu những việc làm thật sự của ông Hồ và các đồng chí thân cận của ông, nếu không sẽ bị lừa đấy. Hãy nhớ câu châm ngôn thực tiễn nhất của ông Hồ: “lạt mềm buộc chặt”. Rất thâm, lại rất hiểm.

Những danh từ: Việt Nam, Dân chủ, Cộng hòa, Độc lập, Tự do, Hạnh phúc khắp nơi, rồi dẫn Tuyên ngôn của Hoa Kỳ và Pháp trong Tuyên ngôn Độc lập, tất cả chỉ là mưu mẹo, là chiến thuật, là cạm bẫy, vì cân đo đong đếm được bao nhiêu những giá trị ấy được áp dụng trong cuộc sống khi ông trực tiếp cầm quyền ở chức vụ tối cao? Chẳng có mấy đâu. Xin mở cuộc điều tra xã hội học sẽ rõ.

Hai là xin các bạn hãy đóng và nhập vai những người dân Việt Nam bình thường, những kẻ “bị” ông Hồ cai trị. Xin chớ chỉ là những học giả ngồi trong phòng đọc sách, gõ phím máy điện tử, trích dẫn tài liệu rồi nhận định dễ dãi theo chủ quan. Trong suốt 24 năm cầm quyền, ông Hồ đã đóng chặt cổng trường Đại học Luật, không đào tạo một thẩm phán nào, các phiên tòa án nhân dân đều không có luật sư bảo vệ bị cáo, xử theo mức án do cấp ủy đảng quyết định. 2 vạn 7 con người bị bắn và chôn sống trước tòa án nhân dân thời cải cách ruộng đất là theo chỉ thị ông Hồ. Con người cộng hòa của ông nằm ở đâu rồi?

Suốt 24 năm ông là chủ tịch nước, ông đều coi tất cả các đảng phái khác là Việt gian, đảng CS độc quyền yêu nước. Dưới quyền ông ngay cả trong hòa bình ở miền Bắc, không có một tờ báo tư nhân nào, cũng không có một công dân nào có hộ chiếu để đi du lịch ra nước ngoài.

Công dân chỉ được làm điều gì đảng cho phép. Nền cộng hòa pháp quyền của ông nằm ở đâu? Hồi ấy mậu dịch quốc dân bóp chết triệt để hàng triệu tiểu thương tư nhân.

Cho đến tận bây giờ gia tài ông Hồ để lại, mong ông giáo sư Nhật Bản đến Việt Nam nhìn ra xã hội một chút, ông sẽ tỏ tường ngay. Tự do ngôn luận, cai trị theo luật, tự do kinh doanh vẫn kém xa thời Pháp thuộc, có gì mỉa mai cay đắng hơn? Người ta vẫn tụng niệm học tập đạo đức của Bác Hồ, nhưng càng học xã hội càng hư hỏng, đảng viên càng suy thoái, bất công xã hội nặng nề. Rồi ông sẽ có thể tự khám phá ra sự thật.

Hơn nửa thế kỷ chúng tôi là nạn nhân dai dẳng của một học thuyết ảo tưởng đã phá sản, và nay đang phải truy tìm ra lý do, nguồn gốc, ai chịu trách nhiệm. Theo tôi khởi đầu là từ cái đêm nào đó trong năm 1923 ở một gian phòng ngõ Compoint-Paris, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành ôm đề cương của Lê nin vào lòng rồi la toáng lên: chân lý đây rồi, nước mắt trào ra (theo ông kể), để rồi trung thành với Lênin, Stalin, Mao mãi mãi.

Thảm họa cho Việt Nam nay tôi mới nhận thật rõ, khởi đầu từ đó, từ tư duy còn non nớt, từ sự chọn đường của một anh thanh niên 33 tuổi nhẹ dạ, chưa có kinh nghiệm gì về hoạt động chính trị.

Việc đánh giá cho thật đúng ông Hồ hiện đang trở nên cần thiết, nóng bỏng. Nó trở nên một nhu cầu bức bách của xã hội để nhận ra chính mình. Trên mạng Dân Làm Báo gần đây đã có 15 bài luận văn “Những sự thật không thể chối bỏ” rất nên tìm đọc của tác giả Đặng Chí Hùng, dám đụng đến vấn đề có nhiều người ngần ngại, cho là thuộc những đề tài nhạy cảm, phức tạp, cấm kỵ, nên tránh.

Bùi Tín
(*) Cướp Chính Quyền 19-8-1945 của : đương kim Chính Phủ Trần Trọng Kim