Lê Hữu
October 12, 2013
“Bàn tay cho đi là bàn tay nhận về hạnh phúc.”
“Tiền bạc không mua được hạnh phúc”, ta vẫn nghe nói thế. Câu ấy, đúng ra phải là “Tiền bạc đôi khi không mua được hạnh phúc”. Nói “đôi khi” là vì có những lúc đồng tiền cũng chịu bó tay, còn thường thì tiền giúp ta mua được khá nhiều thứ, gồm cả hạnh phúc, nếu biết sử dụng. Nói “nếu biết sử dụng” là vì không có gì dễ dàng bằng… tiêu tiền, nhưng tiêu tiền như thế nào để mua về hạnh phúc cho mình và cho người khác thì không phải là ai cũng làm được.
Những thảm kịch của đời sống
“Thôi, đừng đề cập tới chuyện tiền bạc”, nhiều người thường giãy giụa như thế khi “đụng” đến tiền bạc, làm như thể chỉ có đời sống tinh thần mới là ý nghĩa, mới là quan trọng. Điều này cũng đúng thôi đối với những người có đời sống thoải mái, no đủ, chưa bao giờ phải lo lắng, bận tâm về tiền bạc; hơn thế nữa, chưa bao giờ phải điêu đứng, khốn khổ vì tiền bạc. Tuy nhiên, không phải là ai cũng may mắn được như vậy.
Trong lúc có lắm người làm ra vẻ hờ hững, không thiết tha gì đến tiền của, vật chất thì cũng có lắm người phải chạy gạo từng bữa, phải tất tả vì miếng cơm manh áo mỗi ngày, và những người này có rất ít thì giờ để suy gẫm xem là đời sống tinh thần thực sự có ý nghĩa như thế nào.
Trong lúc có lắm “đại gia” trong và ngoài nước ăn chơi thả giàn, xài tiền không đếm và vẫn xem tiền bạc là chuyện không đáng để bận tâm thì có lắm người vẫn tin tưởng một cách mãnh liệt rằng tiền sẽ mang hạnh phúc đến cho họ. Tiền, đối với họ, là “bà tiên hạnh phúc”, là giấc mơ ngọt ngào và xa vời vợi. Họ là những người ta vẫn “gặp” đều đều trên báo chí trong nước, là ông lão còm cõi 98 tuổi vẫn phải cong lưng đạp xích-lô mỗi ngày để tự nuôi thân và nuôi người vợ già quắt queo, là bà lão lưng còng phải lặn lội xuống biển vào lúc một giờ sáng mỗi ngày để mò cua bắt ốc, tự “mưu sinh thoát hiểm” vì chẳng con cháu nào phụng dưỡng, là những cặp vợ chồng phải bán máu không biết đến lần thứ bao nhiêu để con mình có tiền đóng học phí và không phải bỏ học, là những cô gái trẻ phải bán thân vì không có vốn liếng nào khác ngoài cái vốn trời cho để mong “cải thiện kinh tế gia đình”, là những đứa trẻ phải tự kiếm sống trên những bãi rác, những kinh nước đen bằng đôi tay lao động nhỏ bé, trong lúc những đứa trẻ khác cùng lứa tuổi được ăn ngon mặc đẹp, được tung tăng cắp sách đến trường. Cũng một kiếp người mà “hai hình ảnh, hai cuộc đời”. Nếu có ai hỏi giấc mơ của họ là gì thì sẽ nhận được những câu trả lời thật đơn giản: có tiền để mua gạo cho gia đình, có tiền để mua thuốc cho mẹ già bệnh hoạn, có tiền để mua sách vở cho con, có tiền để thanh toán nợ nần… Những số kiếp không may, những phận người đen bạc ấy vẫn mỏi mòn trông đợi bàn tay nghĩa hiệp nào đó rủ lòng xót thương mà cứu vớt ra khỏi vũng lầy đen tối của đói nghèo.
Không chỉ ở trong nước mà bất cứ nơi đâu cũng có những mẩu chuyện về những người khốn khổ, những người nghèo đói không biết đào đâu ra tiền để sinh sống. Đồng tiền đâu có ở trên trời rơi xuống. “Không có tiền thì đi ăn cướp nhà băng à?” ta vẫn nghe nói như thế. Câu chuyện ở thành phố Helena (tiểu bang Montana, Hoa Kỳ) mới đây, không phải chuyện đánh cướp ngân hàng mà là cướp ở một tiệm thực phẩm: một người đàn ông bịt mặt bước vào một tiệm bán pizza lúc nửa đêm, có vẻ như thu hết can đảm để đưa cho người bán hàng mẩu giấy buộc phải nộp tiền. Trong lúc người thâu ngân làm theo lệnh và mở két lấy tiền thì người đàn ông bỗng bật khóc vì xấu hổ và nói rằng ông ta chỉ muốn có cái gì ăn cho gia đình. Người thâu ngân bèn đề nghị nướng bánh pizza và ít cánh gà cho ông ta. “Kẻ cướp” đứng đợi ít phút rồi ôm số thực phẩm ấy về nhà. Cả nhà ông ta sau đó đã có được buổi tối “ấm no hạnh phúc” mà không hề biết rằng người bố, người chồng mình mới đi ăn cướp về.
Sự túng thiếu dễ làm con người, những cặp vợ chồng và những gia đình mất hạnh phúc. Đúng là có nhiều tiền chưa chắc đã có hạnh phúc thật, tuy nhiên túng tiền hoặc nợ nần chồng chất và khi đầu óc cứ phải nghĩ đến chuyện tiền bạc thì cũng khó mà hạnh phúc nổi. Kinh nghiệm của riêng tôi là không cần phải có nhiều tiền lắm nhưng đừng bao giờ để rơi vào tình cảnh túng quẫn vì tiền bạc. Nỗi túng quẫn này dễ làm con người quẫn trí, dễ đánh mất lòng tự trọng và có thể làm bất cứ chuyện gì để mong thoát ra khỏi cảnh khốn quẫn, cũng tựa như khi người ta bị bỏ đói đến mờ mắt thì mờ cả lương tri, mất cả nhân cách, sẵn sàng làm mọi cách để có được miếng ăn cho vào bụng (không ít người từng có kinh nghiệm chuyện này). Khi không tìm được lối thoát nào và khi sự khốn quẫn bị đẩy đến tận cùng thì người ta tìm đến cái chết để mong trốn nợ, mong thoát khỏi kiếp nghèo; hơn thế nữa, mong được giải thoát khỏi kiếp làm người. Những thảm kịch ấy vẫn diễn ra đều đều ở quanh ta, nhiều nhất vẫn là trên báo chí trong nước qua những bản tin thật buồn: một cô giáo treo cổ tự tử sau khi đầu độc đứa con gái năm tuổi của mình, để lại thư tuyệt mạng xin các chủ nợ xóa nợ; một bà mẹ gieo mình xuống đất từ lầu bảy của một bệnh viện vì bất lực nhìn đứa con bảy tháng tuổi nằm chờ chết trên giường bệnh mà không đào đâu ra tiền để trả viện phí cho con; một ông bố đau đớn đi đến quyết định hóa kiếp cho vợ và hai con nhỏ vì không đành lòng nhìn vợ con mình thiếu đói, rồi sau đó tự hành quyết mình bằng cách treo cổ. Những “tội nhân” ấy chỉ có một cái “tội” là không kiếm đâu ra tiền, không biết làm cách nào để có được những đồng tiền lương thiện. Những cảnh ngộ thương tâm ấy sẽ không xảy ra, những mạng người oan uổng ấy sẽ được cứu sống nếu được bàn tay nào đó dúi cho ít tờ giấy bạc, là thứ mà nhiều người vẫn tỏ ra dửng dưng vì có thừa và cho là không thể nào mua được hạnh phúc.
Người cho cần biết ơn người nhận
Tôi không có thói quen đi vay tiền, khi phải làm việc này tôi rất ngượng ngùng và có mặc cảm thấp kém của kẻ túng bấn đến phải đi vay đi mượn, và lại có vẻ lợi dụng lòng tốt của bạn bè nữa. Việc mở miệng vay tiền của ai đó, với tôi cũng khó khăn và vụng về không kém việc tỏ tình với người mình yêu thuở mới lớn, và cũng lo lắng, hồi hộp không biết sự thành khẩn và thiết tha của mình liệu có được đối tượng đáp nhận. Vậy mà tôi từng có vài lần trong đời phải làm công việc khá ngại ngùng ấy. Lần sau cùng là lần tôi vừa ở tù về, rách bươm, thế nhưng tôi lại không vay tiền cho tôi mà cho người bạn thân trong cơn túng quẫn ngặt nghèo, không biết xoay xở ở đâu ra, nghĩa là còn thảm hại hơn tôi nữa. Sau khi duyệt qua một danh sách tên tuổi bạn bè, tôi lọc ra được hai người mà tôi nghĩ sẽ không từ chối giúp đỡ bạn mình. Ngồi cả giờ ở nhà người bạn, tôi lúng túng loay hoay không sao mở lời được, và tôi nghĩ chắc phải ra về tay không. Sau cùng, cố giấu sự ngượng ngùng, tôi nói, “Tôi hỏi thăm ông cái này nhé, nếu không tiện thì không hề chi, ông không phải bận tâm…” Thật không ngờ là mọi việc đơn giản và dễ dàng hơn tôi tưởng. Tôi vừa thốt ra vài tiếng thì người bạn nói, “Tưởng gì, để tôi lấy ngay cho ông. Tôi có dành được một ít, chưa tính làm gì cả, đưa ông giữ thì cũng như tôi giữ vậy.” Tôi nói, “Tôi không giữ cho ông, tôi dùng hết số tiền ấy.” Người bạn cười, nói, “Thì cũng như tôi dùng vậy thôi.” Tôi nói thời hạn sẽ hoàn trả số tiền, anh ta tỏ ra không quan tâm. Nghĩ lại, tôi không tốt được như người bạn ấy. Tôi chắc ngày hôm ấy có ít nhất ba người tìm thấy hạnh phúc: người bạn túng tiền, người bạn cho mượn tiền và người đi vay tiền là tôi. Hạnh phúc của tôi là được nhìn thấy nụ cười hiếm hoi nở lại trên môi người bạn đáng thương của mình.
Tôi không quên và luôn biết ơn những bàn tay đã chìa ra những tờ giấy bạc lúc tôi điêu đứng vì tiền bạc. Cũng từ lòng biết ơn ấy tôi học được bài học ý nghĩa: ngày trước tôi vẫn canh cánh bên lòng những món nợ ân tình và luôn tâm nguyện sẽ tìm dịp báo đáp, thế nhưng hầu như tôi chưa bao giờ… tìm được dịp nào cả, cho đến một ngày kia một người bạn nói với tôi, “Vô ích, hãy quên chuyện ấy đi. Thay vì vậy, việc ông có thể làm là hãy giúp đỡ những ai đang cần sự giúp đỡ, giống như là người bạn của ông đã giúp ông ngày trước vậy. Tôi tin là người bạn ông cũng muốn ông làm việc ấy.” Tôi đã làm theo như thế, và… phải cám ơn lời khuyên quý báu ấy, tôi thấy lòng thật nhẹ nhõm như trút được gánh nặng; hơn thế nữa, thật vui sướng khi nhìn thấy nét mặt vui sướng của người mà tôi được giúp. Nói “được giúp” là vì, ngay lúc ấy tôi nhận ra một điều: đúng là người cho cần biết ơn người nhận, biết ơn người đã cho mình cái hạnh phúc được nhìn thấy chút hạnh phúc của ai đó mà mình có thể mang lại được.
Ít tiền như tôi mà còn sắm được cho mình chút ít hạnh phúc, những ai bộn tiền hẳn còn mua được nhiều lần hơn thế nữa. Tôi biết có những người mua sắm được khá bộn và họ tận hưởng những chuỗi hạnh phúc trong đời sống. Tôi cũng biết có những người sử dụng đồng tiền khá khôn ngoan, thay vì trang bị cho mình những tiện nghi vật chất của cuộc sống (những tiện nghi này có được “nâng cấp” đến đâu cũng chẳng bao giờ làm con người thỏa mãn), họ đầu tư vào những việc có ý nghĩa thiết thực hơn như đóng góp vào các tổ chức nhân đạo, các quỹ tương trợ để cứu giúp người nghèo khó, những kẻ xấu số, những kẻ “bị gạt ra bên lề xã hội”. Có người nhận trẻ mồ côi làm con nuôi, có người nhận bảo trợ học sinh nghèo ham học, có người tổ chức các hoạt động gây quỹ chữa bệnh nan y… Nhiều người vẫn đang lặng lẽ làm những công việc ấy và tìm vui trong nỗi vui âm thầm. Họ đã mở rộng lòng bàn tay, đã để lòng mình nghiêng xuống những nỗi bất hạnh của kẻ khác. Đồng tiền họ tiêu dùng không làm họ mất đi sự giàu có mà còn thêm được cái giàu hạnh phúc.
Nhiều người cũng muốn làm những việc ấy lắm nhưng không phải là dễ, vì có “tấm lòng” thôi chưa đủ mà còn phải có những “tấm giấy bạc” nữa. Nói gì thì nói, người có nhiều tiền vẫn có nhiều cơ hội mua về hạnh phúc hơn những kẻ ít tiền hoặc không tiền. Tất nhiên người ta vẫn có thể sắm sửa hạnh phúc bằng cách này cách khác, nhưng đồng tiền vẫn là tiện dụng hơn cả.
Nếu những người thừa tiền lắm bạc vẫn than thở rằng đồng tiền không giúp họ mua được hạnh phúc thì chỉ vì họ không biết mua sắm ở đâu. Mua trên nụ cười nở trên đôi môi khô héo của người thương phế binh, mua trên mí mắt hấp háy niềm vui của người mù, mua trên miệng cười móm mém của bà lão chạy gạo từng bữa, mua trên ánh mắt sáng rỡ của đứa bé mồ côi được cầm trên tay món đồ chơi rẻ tiền, mua trên giọt nước mắt rưng rưng của bà mẹ bên giường bệnh đứa con đang chờ tử thần đến rước đi, mua trên những ngón tay run run chạm đến những tờ giấy bạc hiếm hoi, những tờ giấy bạc quý giá có thể biến những giấc mơ nhỏ bé thành sự thật. Những đồng tiền mang đến những nụ cười và những giọt lệ hạnh phúc.
Mua sắm hạnh phúc, không phải chuyện đùa đâu! Với những ai tỏ ý nghi ngờ, chúng ta có thể rủ họ đi shopping, đưa họ đến tận những “cửa hàng hạnh phúc”, những cửa hàng trông khá xập xệ nhưng bảo đảm rằng bước ra từ những nơi ấy họ sẽ vui sướng lắm, vui sướng làm được điều gì có ý nghĩa và cũng làm đẹp thêm cho cuộc sống. Nếu không được vậy, xin… hoàn lại tiền.
Hạnh phúc đến từ nhiều nguồn, trong số những nguồn ấy có không ít những hạnh phúc mua được bằng tiền. Hãy tin tôi đi, tiền nhiều không giúp bạn mua được một vé tốt trên thiên đàng nhưng có thể giúp bạn mua được không ít hạnh phúc dưới trần gian này.
Lê Hữu