Nội dung thư

Monday, March 16, 2015

* Các vị thuốc từ Dê

Bảo Hoàn

Người ta coi dê như “cây thuốc biết đi” vì tất cả những bộ phận của dê đều có thể trở thành thuốc, dùng để tăng cường sinh lực, phòng chống, chữa trị hiệu quả nhiều bệnh.


Thịt dê
Thịt dê có vị ngọt hơi đắng, nóng nhưng không độc, tác dụng trợ dương, bổ máu, bổ thận, chữa ho lao, mờ mắt, gầy yếu, mệt mỏi, phụ nữ sau khi đẻ bị suy nhược cơ thể, kém ăn, thiếu sữa, đau lưng, hay váng đầu, chóng mặt… Trong y học dân tộc cổ truyền hiện hữu trên 20 bài thuốc dùng thịt dê làm đầu vị. Có thể nấu riêng thịt dê, hoặc nấu cùng xuyên khung, hoặc với một vài vị thuốc thực vật khác – ví dụ: thịt dê hầm cùng gừng, đương quy, hoàng kỳ ăn vào chữa hiệu quả lao lực, ra mồ hôi trộm, chân tay bải hoải, làm cho khỏe mạnh thể xác và phấn chấn tinh thần.
Tiết dê
Tiết dê có tác dụng tăng sinh lực và hóa giải các chất độc nguồn gốc khoáng vật. Hòa vào rượu uống, nó là thuốc bổ máu, đặc trị chứng nhức đầu, chóng mặt, choáng váng, đau lưng, mỏi gối, trúng gió. Phụ nữ hậu sản xanh xao, mình lạnh, lấy tiết dê nấu chín, thêm chút dấm, ăn vào sẽ hết. Tiết dê còn có khả năng làm tiêu tan những hạt sạn đường tiểu nên được dùng để chữa các bệnh liên quan đến vấn đề này.
Mỡ dê
Mỡ dê vị ngọt và ấm, nhuận da, sát trùng, dùng để bôi xoa vào vết ghẻ lở, hắc lào, mụn nhọt, chàm (eczéma)… đem lại tác dụng tốt vì trong mỡ dê có vitamin F ngăn chống hiệu quả những bệnh ngoài da. Dùng mỡ dê hòa với rượu, đun nóng uống sẽ đặc trị các chứng cảm đột ngột.
Óc, tủy dê
Óc, tủy dê chần, nấu rồi ăn, uống cùng với rượu có tác dụng bổ máu, làm mượt tóc, mịn da.
Tim dê
Tim dê được coi là vị thuốc bổ tim, luộc hoặc hấp cách thủy rồi ăn vào làm cân bằng nhịp tim, chứng tâm khí uất kết (lồng ngực cảm thấy đầy khí, ngực như bị đè nặng) sẽ tiêu tan.
Phổi dê
Phổi dê có tác dụng bổ phổi, trị ho, thông phế khí và giải độc. Phổi dê thái nhỏ nấu với đỗ đen ăn vài lần còn sẽ chữa khỏi bệnh đái dầm ở trẻ em.
Gan dê
Gan dê đặc trị can phong, hư nhiệt, mắt bị đỏ, bị mờ sau khi ốm, thường dùng dưới dạng luộc hoặc nấu cháo.
Mật dê
Mật dê được dùng (hiệu quả nhất là mật sơn dương) bôi, xoa bóp để làm tan những vết bầm dập, tụ máu do bị ngã, bị thương, tác dụng gần bằng mật gấu. Hòa loãng với nước sôi để nguội, nó trở thành thuốc chữa đau mắt nếu nhỏ hằng ngày vào mắt đau.
Bao tử dê
Bao tử dê có tác dụng chống gầy yếu, hay nôn mửa, biếng ăn, thường dùng dưới dạng ninh nhừ hoặc nấu cháo.
Cật dê
Cật dê trị các chứng hư tổn, mắt mờ, tai nghễnh ngãng, hay bài tiết (túa mồ hôi, tiêu chảy…).
Bong bóng dê
Bong bóng dê được dùng chữa một số bệnh về tiêu hóa. Chẳng hạn, khi mắc chứng đái rắt, lấy bong bóng dê dốc hết nước tiểu, rửa sạch rồi đổ nước sôi để nguội vào, thắt lại, đem nướng trên lửa than cho vàng; ăn bong bóng đã nướng chín và uống nước trong đó, liền khoảng ba ngày (mỗi ngày một cái) sẽ thấy hiệu nghiệm.
Dái dê
Dái dê là vị thuốc đặc trị suy thận và liệt dương, dùng dưới dạng ngâm vào rượu để uống hoặc hầm cùng một vài vị thuốc thực vật (câu kỷ, đỗ trọng…) để ăn.
Thai dê
Thai dê có tác dụng bổ thận, chế làm thuốc bằng cách thái mỏng, sấy thật khô rồi tán thành bột mịn.
Sữa dê
Sữa dê hương vị hấp dẫn, giá trị dinh dưỡng cao (lượng chất béo, đạm, muối khoáng, vitamin đều nhiều hơn ở sữa bò), rất dễ hấp thụ và tiêu hóa. Ngọt, ấm, không độc, bổ thận, sinh khí, lợi tiểu, nhuận tràng, nó được dùng chữa suy nhược thần kinh, hen suyễn, lao phổi, những bệnh về bài tiết… Sữa dê còn sử dụng để rỏ vào tai khi bị các loại sâu bọ chui vào, khiến chúng không chịu nổi phải bò ra hoặc bị tiêu diệt.
Sừng dê
Sừng dê chế làm thuốc bằng cách nấu cao, tán thành bột hoặc mài với nước. Dưới dạng cao, nó dùng chữa thong manh, làm sáng mắt và đặc biệt là trị bệnh thiên đầu thống rất công hiệu. Dưới dạng bột tán hoặc nước mài, nó chữa được chứng đổ mồ hôi trộm, tê thấp, sốt rét, đau bụng… và phụ nữ sau khi xảy thai bị xuất huyết quá nhiều, bụng đau quặn, mặt xanh nhợt.
Da dê
Da dê đem cạo sạch lông rồi nấu canh hoặc làm nem, làm gỏi ăn, có tác dụng chủ trị phòng độc.
Đuôi dê
Đuôi dê là vị thuốc bổ thận và làm sáng mắt, dùng dưới dạng ninh nhừ hoặc nấu cao.
Phân dê
Phân thường chỉ dùng để chăm bón cây cối, chứ hiếm thấy loài động vật nào lại có phân mang thêm tác dụng y dược như dê. Phân dê đem nấu với rượu, uống chữa nôn mửa, ợ chua. Nó còn là thuốc chữa chốc đầu: phân dê nấu với rượu, rửa chỗ chốc đầu, rồi lấy phân dê khác đốt cháy cùng bồ hóng bếp tán nhỏ, hòa vào dầu vừng hoặc mỡ lợn để bôi xoa. Nó cũng là thuốc nhổ vật nhọn ngăm vào da thịt: khi bị kim, gai… đâm vào da thịt mà không thể gắp bằng díp, thì có thể lấy phân dê đốt cháy, tán thành bột, trộn với mỡ lợn bôi thấm vào chỗ vết đâm cho tới khi vật nhọn lồi hẳn ra.
Lông dê
Lông dê thêm dấm vào rồi hâm nóng, trở thành thuốc dùng để bó những chỗ đau gân cốt.
Xương dê
Xương dê có tác dụng bổ dưỡng và chữa trị được nhiều bệnh về da, cơ, xương, gan, hệ tiêu hóa; thường dùng dưới dạng bột nướng hoặc cao. Dưới dạng bột nướng (được chế từ xương dê – hiệu quả nhất là xương chân – rửa sạch, nướng kỹ cho khô cháy rồi tán nhỏ), dùng chữa sắc mặt tái đen, da thô xấu, gân cốt co đau, dạ dày yếu và ăn uống không ngon, đi tiểu nước màu trắng đục hoặc sánh đỏ kèm đau buốt, đại tiện ra máu, phụ nữ suy nhược sau khi đẻ… Dưới dạng cao (được chế từ xương dê rửa sạch, loại bỏ phần xương xốp bên trong, ngâm vào rượu gừng rồi đem nấu sôi liên tục hơn một ngày đêm, lọc chiết lấy nước dịch, cô đặc thành cao), dùng tăng sinh lực, sự hô hấp của tế bào gan và cơ, độ dẻo dai của cơ thể; chữa chứng gầy còm, thiếu máu, nhức mỏi gân cốt, đau lưng, đau bụng…

Cao dê toàn tính
Cao dê toàn tính được chế bằng cách đem toàn bộ con dê cạo sạch lông, mổ bỏ ruột rồi nấu kỹ với nước nhiều lần, lọc lấy dung dịch trong, cô đặc thành cao mềm. Nó là vị thuốc chống suy nhược cơ thể, gầy yếu, thiếu máu, mờ mắt, đặc trị bệnh tê thấp, đau lưng, nhức mỏi gân cốt.

Y học hiện đại cũng chế được từ dê nhiều loại thuốc đặc chủng chữa trị những bệnh về thần kinh, tim, máu, dạ dày, xương, cơ… Đáng chú ý và phổ biến nhất là thuốc chích ngừa dại Semple. Loại vaccine này hiện được hơn 60 nước sử dụng.

Bảo Hoàn