Nội dung thư

Thursday, June 25, 2015

* CA DAO BÌNH ĐỊNH

Triều Phong
Đặng Đức Bích

Bình Định là một tỉnh lớn, dân số đông của đất nước Việt Nam.
Bình Định nổi tiếng không những có anh hùng Quang Trung Nguyễn Huệ bách chiến bách thắng, phá tan quân Thanh ở phía Bắc, đánh bại quân Xiêm ở phía Nam; Bình Định còn là một địa danh nổi tiếng khắp nước Việt Nam về võ thuật, mà ngay cả đàn bà, con gái vẫn biết côn, quyền, qua câu ca dao:

Ai về Bình Định mà coi
Con gái Bình Định cầm roi đi quyền



Cô gái Bình Định đi đường quyền Tiên Long Võ Đạo Bình Định
Nhiều sản phẩm nổi tiếng ở Bình Định, khi thăm viếng chúng ta thường mua làm quà để tặng cho nhau, những đặc sản đẹp, cổ truyền, biểu tượng tấm lòng chung thủy của người con gái:


Bình Định nón Gò Găng
Bún Song thần An Thái
Lụa Đậu tư Nhơn Ngãi
Xoài Tượng chin Hưng Long
Mặc ai mơ táo ước hồng
Tình quê em giữ một lòng trước sau



Đôi trái gái quen nhau lâu ngày, chàng từ giã nàng về thăm quê nhà, nhưng qua kỳ hẹn không thấy trở lại, nàng vừa hái dâu vừa đếm từng lá dâu, tính từng ngày xa cách:



Anh về Bình Định chi lâu
Bỏ em ở lại hái dâu một mình
Thương chi cho uổng công tình
Nẫu về xứ Nẫu bỏ mình bơ vơ

Hoặc:

Anh về Bồ Địch, Giếng Vuông
No cơm ấm chiếu luôn tuồn bỏ em



Ngày xưa ở Việt Nam, đàn bà con gái đều biết làm bếp, nấu cơm. Mấy câu ca dao sau đây trêu chọc, đùa giỡn cho vui:



Tiếng đồn con gái Phú Trung
Nấu cơm không chín mở vung xem hoài
Tiếng đồn con gái Phú Tài
Nấu cơm không chín đốt hoài cơm khê
Nhưng chồng em lại không chê
Khen em khéo nấu cơm khê thơm nhà


Trai gái đối đáp nhau dưới ánh trăng thanh ngày mùa, trong đêm trăng giả gạo, hoặc các cô vừa cấy lúa vừa hát hò và đặt câu hỏi đến người nam:



Tiếng đồn anh hay chữ
Tài ngang Cử, Tú
Lại đây em hỏi một vài câu
Ngọt ngay nước chảy dưới cầu
Gọi cầu Nước Mặn cớ bởi đâu hỡi chàng?

Hoặc:

Tiếng đồn anh hay chữ
Thường đọc sách kinh thi
Hỏi anh ông Văn Vương đi cưới bà Hậu Phi năm nào?

Hay

Tới đây không hát thì hò
Không phải con cò ngóng cổ mà nghe

Hoặc

Tưởng rằng đó địch cùng đây
Hay đâu đó giắt ông thầy sau lưng





Nhiều điệp ngữ "một mai ", "chiều chiều" được lập đi lập lại trong ca dao Bình Định:



Chiều chiều lại nhớ chiều chiều
Nhớ người lữ thứ khăn điều vắt vai

Hoặc

Chiều chiều én lượn truông mây
Cảm thương Chú Lía bị vây trong thành

Hay

Chiều chiều lại nhớ chiều chiều
Nhớ nồi cơm nguội nhớ niêu nước chè


Và điệp khúc một mai:


Một mai ai chớ bỏ ai
Bỏ ai thì bỏ chị Hai xin đừng

Hoặc:

Một mai mai một ngó chừng
Ngó truông truông rậm ngó rừng rừng cao

Hay:

Một mai nước lớn đò trôi
Cây khô lá rụng bậu ngồi chờ ai
Bậu ngồi chờ củ chờ khoai
Chờ cam chờ quýt chờ xoài cà lăm



Phong cảnh và địa danh nhiều nơi ở Bình Định đã ăn sâu vào lòng người dân, với những câu ca dao mời gọi:



Bình Định có hòn Vọng Phu
Có đầm Thị Nai có Cù Lao Xanh
Em về Bình Định cùng anh
Được ăn bí đỏ nấu canh nước dừa

Hoặc:

Về thăm Bình Định quê tôi
Để ăn nếp mới nấu xôi nước dừa





Cầu Nhơn Hội từ Quy Nhơn xuyên qua Đầm Thị Nại 7 cây số, dài nhất VN




Bồng Sơn, Tam Quan là xứ dừa Bình Định, dừa nhiều đến nỗi không thể nào tưới nổi:



Công đâu công uổng công thừa
Công đâu gánh nước tưới dừa Tam Quan
Công đâu cổng uổng công hoang
Công đâu gánh nước Tam Quan tưới dừa
Ai về Bình Định ban trưa
Dừng chân uống bát nước dừa Tam Quan

Hoặc:

Lấy chồng Phù Mỹ ăn dưa
Lấy chồng Dương Liễu đập xơ dừa mỏi tay



Bình Định có nhiều tháp đẹp như Tháp Đôi, Tháp Cánh Tiên, có Cầu Đôi nước chảy hai dòng, có đèo An Khê mịt mùng mấy phủ:



Cầu Đôi đứng cạnh Tháp Đôi
Đôi ta đẹp lứa đẹp đôi trên đời

Hoặc:

Nước trên nguồn chảy tuôn ra biển
Cảm thương người một kiển hai quê
Cầu Đôi liền lối đi về
Mịt mùng mây phủ An Khê, Phú Tài



Câu ca dao dưới đây nhiều người đã nghe và thuộc lòng từ khi còn nhỏ, mãi đến lúc tuổi về chiều vẫn nhớ rành rành:



Mẹ ơi đừng đánh con đau
Để con bắt ốc hái rau mẹ nhờ
Bắt ốc, ốc lủi vô bờ
Hái rau, rau héo mẹ nhờ gì đâu

Hoặc:

Chim quyên ăn trái nhãn lồng
Cá kia quen chậu vợ chồng quen hơi

Hay

Đêm nằm gối gấm không êm
Gối lụa không mềm bằng gối tay anh



Đập đá, Gò Găng là những địa danh thường được nhắc tới trong ca dao Bình Định:



Anh về Đập Đá đưa đò
Trước đưa quan khách sau dò ý em

Hoặc:

Anh về Đập Đá quê cha
Gò Găng quê mẹ Phú Đa quê nàng

Hay:

Em về Đập Đá, Gò Găng
Không về Phù Mỹ sợ ăn củ mì

Hoặc:

Gò Găng có chợ có đình
Người quen thấy mặt thần linh chứng lời





Sản xuất nón lá Gò Găng - Bình Định





Phú Phong, Gò Găng, An Thái là những nơi Sản xuất nón lá, dệt lụa, dệt lãnh nổi tiếng:



Lụa Phú Phong nên duyên chồng vợ
Nón Gò Găng khắp chợ mến thương
Áo hồng quần lụa vấn vương
Nghiêng nghiêng chiếc nón gió sương bên chàng

Hoặc:

Anh về Bình Định thăm nhà
Tháng hai trở lại tháng ba cưới nàng
Cưới nàng đôi nón Gò Găng
Xấp lãnh An Thái một khăn trầu nguồn



Gò Bồi, Cách Thử, Vũng Nồm là những nơi cung cấp nhiều cá, tôm, ai đi qua cũng nhớ đến mùi nước mắm:



Gò Bồi có nước mắm cơm
Ai đi cũng nhớ cá tôm Gò Bồi

Hoặc:

Anh về dưới giã chiều hôm
Gánh phân đổ ruộng gió nồm bay lên

Hay:

Anh về qua cửa Đề-Zi
Nghe mùi chả cá chân đi không đành

Hoặc:

Chợ Thành chợ Dã
Chợ Dinh bán chả
Chợ Huyện bán nem
Chợ gồm đồ gốm
Phú Hội đồ đan
Tiệm đường ghé chợ Cảnh Hàng
Mua thêm chiếc võng cho nàng ru con



Măng le trên nguồn, cá chuồn dưới vũng, là những đặc sản trao đổi nhau giữa miền cao rừng núi và miền biển:



Ai về nhắn với nậu nguồn
Măn le gởi xuống cá chuồn gởi lên

Hoặc:
Em về dưới chợ Kỳ Sơn
Mua tôm mua cá đền ơn mẹ già



Sông Côn, Lại Giang là đề tài của nhiều sử tích, là nguồn cung cấp nước cho cánh đồng Bình Định, tô thêm duyên sắc, sự chịu đựng đợi chờ của người con gái:



Nước Lại Giang mênh mang mùa nắng
Giòng sông Côn lai láng mùa mưa
Đã cam tháng đợi năm chờ
Duyên em đục chịu trong nhờ quản bao

Hoặc:

Nước chảy xuôi con cá buôi lội ngược
Nước chảy ngược con cá mược lội ngang
Thuyền em đậu bến Lại Giang
Sao thuyền anh lại ngược đàng Kim Sơn
Hay anh đem dạ giận hờn
Để cho em chịu cô đơn một mình



Đi lên nguồn nước uống càng trong, xuống gần biển càng nhiều tôm nhiều cá:


Muốn ăn đi xuống, muốn uống đi lên
Quán Ngỗng Gò Chim, Cầu Chàm Đập Đá
Vũng Nồm nhiều cá, Vũng Bấc nhiều tôm
Chợ chiều bán cơm, chợ mai bán gạo



Cánh cò bay lượn trên ruộng lúa non



Người con gái bán nước trà xanh tại chợ Quán Mới thôn Lộc Thuận, nổi tiếng là gái đẹp với mái tóc huyền và nụ cười duyên, làm dừng bước khách giang hồ, chạnh lòng người lữ thứ:



Đi đâu vội vã anh ơi
Ghé chợ Quán Mới anh xơi chén trà
Hỏi thăm cha mẹ có nhà
Trước là thăm Bác sau là thăm em

Hoặc:

Chỉ điều sao khéo vấn vương
Gặp nhau một thuở mà thương suốt đời



Chợ Dinh, chợ chiều cũng thường được nhắc đến qua các câu ca dao:


Chợ Dinh bán nón quan hai
Bộ tua quan mốt bộ quai năm tiền

Hoặc:
Ngó lên hòn tháp Chợ Dinh
Biết ai có tưởng đến mình hay không

Hay:


Chợ chiều nhiều khế ế chanh
Nhiều con gái quá nên anh chàng ràng
Chàng ràng bắt cá hai tay
Cá kia sẩy mất chim bay về rừng



Đôi khi người con gái phải xử trí khéo léo để tiện lợi đôi đàng:


Giếng sâu nhiều mạch giếng trong
Em đây không phải con dòng họ Phan
Cũng vì chút nghĩa duyên chàng
Cho nên em phải lập đàng xuống lên



Tính nết đứng đắn của phái nữ làm phía nam nể trọng:


Ngó lên cây mít ít trái nhiều xơ
Con gái lẳng lơ trai kia bậy bạ
Con gái đàng hoàng trai nọ dám đâu



Có những câu ca dao trong dân gian trách cứ nhau:


Giếng sâu thăm thẳm
Con chim trên cao nó đỗ tăm tăm
Nghĩa nhơn anh tích để ngàn năm
Lẽ gì sớm viếng tối thăm duyên chàng
Nào ai ngờ bụng em ở dở dang

Sao mê xứ khác không phụ phàng đến ta đâu
Hồi nào anh nói em trao
Anh chờ em đợi tòng cao bá tàn
Thôi em ở vậy dương gian
Chồng em em giữ chứ nghĩa chàng em đừng quên

Hoặc:
Củ lang Đồng Phó
Đậu phộng Hà Nhung
Chồng bòn vợ mót đổ chung một gùi
Chẳng qua duyên nợ sụt sùi
Anh giận anh đá cái gùi anh đi



Hình ảnh trò Ba, người học trò đi học xa, phảng phất trong ca dao:


Trò Ba đi học trường xa
Cơm canh ai nấu cửa nhà ai coi
Cửa nhà thời có cô Ba
Trầu cau cô Bốn rượu trà cô Năm
Chìa khóa giao lại cô Sáu cầm
Giang Sơn cô Bảy giữ tảo tần cô Tám lo








Tháp Đôi, kiến trúc Chàm Bình Định.




Tình yêu trai gái đôi khi kín đáo, yêu nhau tha thiết mà không dám tỏ tình:


Thương anh chẳng dám nói ra
Mỗi chiều đi dạo vườn hoa một mình

Hoặc:
Nhà anh thành vách khó dòm
Thương anh em khóc đỏ lòm con ngươi

Hay:
Ai về nhắn với ông câu
Cá ăn không giật để lâu mất mồi



Vợ chồng phải làm hòa với nhau để tạo hạnh phúc gia đình :


Vợ giận thì chồng cười mơn
Hai tay vuốt nựng giận hờn làm chi

Hoặc:
Chồng giận thì vợ làm thịnh
Vợ giận chồng hỏi rằng mình giận ai
Vợ rằng giận trúc giận mai
Vợ chồng ai có giận ai bao giờ



Bình Định và Quảng Ngãi thường tranh chức Thủ khoa tại các kỳ thi mở tại trường thi Bình Định, qua các câu ca dao sau đây:


Tiếc công Quảng Ngãi đường xa
Để cho Bình Định thủ khoa ba lần

Hoặc:


Tiếc công Bình Định xây thành
Để cho Quảng Ngãi vô dành thủ khoa



Ngày xưa, trai Bình Định ra Huế thi, khi về mời gọi gái Huế theo chàng, đến nơi có biển đông sóng vỗ, có Tháp Chàm ghi sử tích anh hùng hào kiệt:


Mãng vui Hương thủy, Ngự bình
Ai vô Bình Định với mình thì vô
Chẳng sang chẳng lịch bằng đất kinh đô
Nhưng Bình Định không đồng khô cỏ cháy
Ba dòng sông chảy, bảy dãy non cao
Biển đông sóng vỗ dạt dào
Tháp xưa làm bút ghi tiếng anh hào vào mây xanh



Qua ca dao, chúng ta đã nghe một số câu đố phải nữ hỏi phái nam và bây giờ chúng ta nghe nam hỏi nữ:


Tiếng đồn chị hay chữ
Gái Bình Định có tài
Vậy chúng tôi hỏi chị
Con hư tại mẹ là sai
Chồng hư hỏi chị tại ai chị nói giùm?



Ca dao Bình Định gồm nhiều thể loại khác nhau, được truyền tụng trong dân gian qua nhiều thế hệ. Tôi sưu tập một số câu ca dao trên đây do sự truyền khẩu của bạn bè và người quen quê quán Bình Định, xin cống hiến quý vị để nhớ lại quê hương xứ sở của chúng ta, nằm bên kia bờ Đại dương, nửa vòng quay trái đất:



Ca dao Bình Định thật hay
Câu thơ như giọt ruợu cay ấm lòng
Quê hương trái đất nửa vòng
Ngày thương đêm nhớ như mong mẹ về





Triều Phong Đặng Đức Bích








...............................................................................





THƠ XUÂN XƯỚNG HỌA



Triều Phong Đặng Đức Bích
cùng Thi hữu xướng họa











Bài Xướng

XUÂN MƠ

Tết nhứt nhà ai cũng rộn ràng
Xuân về chan chứa ánh thiều quang
Lá hoa chen chúc khoe màu thắm
Ong bướm xôn xao lượn sắc vàng
Dân tộc hân hoan mừng Tết đến
Quê hương nhộn nhịp đón Xuân sang
Xuân mơ nước Việt giàu no ấm
Hạnh phúc dân vui sướng ngập tràn

TRIỀU PHONG ĐẶNG ĐỨC BÍCH


Bài Họa

Bài Họa 1

XUÂN ĐẾN

Tha thước nàng Xuân đến rỡ ràng
Khoe mình hương sắc tỏa hào quang
Bướm hoa ngây ngất giao duyên thắm
Tùng cúc sum sê đón nắng vàng
Trừ tịch ba mươi đêm bất tận
Giao thừa mồng một báo Xuân sang
Thời gian trôi mãi theo dòng chảy
Xuân đến mừng Xuân phước lộc tràn

NGUYỄN BÁ THƯ


Bài Họa 2

MƠ XUÂN

Cây cảnh bừng lên nét rỡ ràng
Hương trời sắc nước đẹp phong quang
Nụ đào chen chúc hoa tươi đỏ
Đóa cúc sum sê cánh mượt vàng
Vọng tưởng lòng đau từng tháng đợi
Mõi mòn ruột thắt mỗi năm sang
Mong cho đất nước hồi sinh lại
Xuân đến Quê hương ước mộng tràn

VIỆT THAO


Bài Họa 3

ĐÓN XUÂN

Lòng khách tha phương thoáng rộn ràng
Chân mây bừng tỏa ánh dương quang
Thương đời sắc nhạt hoa xơ xác
Buồn cảnh màu phai lá võ vàng
Thao thức đêm mong trời đổi gíó
Dạt dào tâm sự đón Xuân sang
Niềm đau non nước luôn đeo đẳng
Nỗi nhớ quê hương sóng vỗ tràn

BÙI THÚC KHÁN


Bài Họa 4

XUÂN TỚI

Thược dược, Đào, Mai, Tết rỡ ràng
Tranh, hoa, câu đối nét phong quang
Xuân về càng khốn đời dâu bể
Tết đợi thêm sâu dạ đá vàng
Cá chậu vờn trăng mơ biển động
Chim lồng rỉa cánh vọng mùa sang
Rồi mai chậu vỡ lồng tan nát
Biển động mùa sang nắng ngập tràn

LÊ PHƯƠNG NGUYÊN


Bài Hòa 5

TẾT VIỆT

Tết Việt ngàn xưa vẫn rộn ràng
Trăm hoa rực rỡ ánh dương quang
Nhìn cô hàng xóm môi xinh thắm
Ngắm áng mây trời nét ửng vàng
Từ lúc quê hương vần vũ đến
Là khi đất mẹ bảo bùng sang
Ước mơ dân tộc mình tiến mãi
Toàn cõi giang sơn hạnh phúc tràn

NGUYỄN THẾ GIÁC


Bài Họa 6

THƯỞNG XUÂN

Xuân đến ngàn hoa nở rở ràng
Mọi nhà vui đón ánh hào quang
Niêu xanh phe phẩy mừng Xuân mới
Pháo đỏ phơi thân đón nắng vàng
Trẻ diện giày hoa khoe sắc thắm
Già chưng áo mới tỏ cao sang
Xuân lai Xuân khứ Xuân vô tận
Trà tửu mừng Xuân chúc phước tràn

VÕ BÁ HÀ


Bài Họa 7

TRÊN ĐỒI XUÂN

Lánh lót chim ngân tiếng rộn ràng
Rập rờn liễu quyện gió đồi quang
Ngàn hoa như gấm in trời biếc
Nội cỏ dường mây lượn sóng vàng
Ngắm cảnh mới hay mùa Tết đến
Giật mình nào biết có Xuân sang
Quê người chạnh tưởng ngày Xuân cũ
Hoài cảm trào dâng tựa sóng tràn

VĨNH XUYÊN


Bài Họa 8

XUÂN MỘNG

Xuân đến trăm hoa nở rỡ ràng
Bên thềm năm mới Tết đăng quang
Giao thừa khai bút mừng con cháu
Nguyên đán đề thơ tặng bạn vàng
Một nhánh hoa đào khoe sắc thắm
Mấy cành dạ lý đượm mùi sang
Bức tranh vân cẩu qua ngày tháng
Chung rượu câu thơ mộng vẫn tràn

HOÀNG VŨ


Bài Họa 9

XUÂN THA HƯƠNG

Sao mỗi lần Xuân thấy rộn ràng
Chờ Xuân mang đến chút hào quang
Sáng soi dải đất sương pha đục
Chiều rọi khung trời khói trở vàng
Người giận Xuân tươi không trở lại
Kẻ buồn ngày hận cứ dần sang
Giao thừa hàng xóm sao im tiếng
Pháo nổ buồng tim lệ ứa tràn

CAO YÊN TUẤN


Bài Họa 10

MỪNG XUÂN

Ngày hết đi đâu cũng buộc ràng
Muôn điều lắm chuyện phát hào quang
Xuân về rạo rực mai khoe trắng
Đông mãn nôn nao cúc điểm vàng
Non nước nghinh tân mừng Tết đến
Nhân dân tống cựu đón Xuân sang
Đất trời vào hội thêm tươi tốt
Bèo dạt mây tuôn khách lũ tràn

MỸ VÂN