2015-12-04Nam Nguyên, phóng viên RFA
Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội hôm 18/11/2015.
AFP
Ngân hàng Thế giới vừa đưa ra nhận định là Việt Nam cần phải cải cách toàn diện và quyết liệt khi thực hiện những cam kết của Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương TPP. Đây là những khuyến cáo rõ rệt nhất từ trước tới nay, được các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới đưa vào bản báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam công bố ngày 2/12/2015 tại Hà Nội.
Muốn hưởng lợi phải cải cách
Thời báo kinh tế Sài Gòn Online nằm trong số ít, nếu không nói là báo mạng duy nhất, đề cập tới những vấn đề nhạy cảm mà Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh trong bản báo cáo. Với tính cách một định chế quốc tế tầm cỡ, Ngân hàng Thế giới sử dụng ngôn từ chuẩn mực khi nói rằng việc thực thi các cam kết với TPP mà Việt Nam là thành viên, sẽ ảnh hưởng tới vấn đề quản lý doanh nghiệp nhà nước, tăng cường minh bạch cho các chương trình mua sắm của nhà nước, nâng cao chất lượng thực thi luật pháp, chính sách cạnh tranh, tiêu chuẩn lao động và môi trường, an toàn thực phẩm, tự do hóa thương mại và dịch vụ, kể cả dịch vụ tài chính và viễn thông.
Cho dù không có Luật về Hội nhà nước Việt Nam vẫn phải thực thi định chế công đoàn độc lập; chỉ có điều là suốt bao nhiêu năm cho tới nay chưa từng có một tổ chức cơ sở công đoàn độc lập ở Việt Nam, chưa từng có một nghiệp đoàn tự do cho người lao động.
-TS Phạm Chí Dũng
Nhìn vào thể chế kinh tế chính trị hiện tại của Việt Nam và thời sự diễn ra hàng ngày, những ai theo dõi tin tức sẽ ngay lập tức nhận thấy là, Việt Nam nếu muốn hưởng những lợi ích đầy hứa hẹn của TPP thì chắc chắn phải cải cách quyết liệt và toàn diện.
Một trong những vấn đề lớn nhất mà Ngân hàng Thế giới đề cập tới, là những cam kết về vấn đề lao động. Sài Gòn Times Online trích báo cáo Ngân hàng Thế giới nhắc lại, TPP bao gồm một cam kết chung của các nước về tôn trọng quyền của người lao động được ghi trong Tuyên ngôn về Nguyên tắc và Quyền lợi cơ bản tại nơi làm việc của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Việt Nam còn cam kết cụ thể hơn trong một hiệp ước phụ, Kế hoạch Tăng cường Quan hệ Công đoàn và Công nhân Hoa Kỳ - Việt Nam.
Theo Sài Gòn Times Online, trong báo cáo ngày 2/12/2015 Ngân hàng Thế giới cho rằng, nếu thực hiện đầy đủ các cam kết này sẽ đánh dấu một sự chuyển hướng mạnh trong cơ cấu công đoàn hiện nay, cho phép tự do liên kết thay vì toàn bộ các công đoàn đều nằm dưới sự quản lý của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Điều khoản chính qui định như sau: Việt Nam sẽ đảm bảo rằng luật pháp và qui định cho phép người lao động do doanh nghiệp tuyển dụng được thành lập tổ chức người lao động của riêng mình mà không cần sự cho phép từ trước.
Một tổ chức của người lao động đã đăng ký với với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ được quyền tự bầu ra đại diện của mình, xây dựng qui chế và qui tắc của mình, tổ chức quản lý, kể cả quản lý tài chính và tài sản của mình, đàm phán tập thể, tổ chức và lãnh đạo đình công và các hành động tập thể khác liên quan đến quyền lợi nghề nghiệp, kinh tế-xã hội của người lao động trong doanh nghiệp.
Ngân hàng Thế giới cho biết, theo cam kết thì Việt Nam phải công nhận hiệu lực của điều khoản vừa nêu trước ngày TPP có hiệu lực. Ngoài ra Việt Nam cũng đã cam kết cho phép tổ chức cơ sở của người lao động được thành lập các tổ chức lớn hơn giữa các doanh nghiệp trong vòng 5 năm kể từ ngày TPP có hiệu lực.
12 nước thành viên Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt TPP tại Atlanta, Mỹ ngày 5/10/2015.
Nhận định về vấn đề tự do nghiệp đoàn mà các nhà hoạt động xã hội dân sự quen gọi là công đoàn độc lập, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập, một tổ chức không được cấp phép, từ Sài Gòn phát biểu:
“Công đoàn độc lập là một định chế một thành phần bắt buộc trong Hiệp định TPP liên quan tới người lao động và quyền lợi của họ cũng như quyền tự do lập hội của người lao động Việt Nam. Cho dù không có Luật về Hội nhà nước Việt Nam vẫn phải thực thi định chế công đoàn độc lập; chỉ có điều là suốt bao nhiêu năm cho tới nay chưa từng có một tổ chức cơ sở công đoàn độc lập ở Việt Nam, chưa từng có một nghiệp đoàn tự do cho người lao động. Tất cả vẫn bó buộc ở trong cơ chế của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Bởi vậy tôi cho rằng có thể phải mất thời gian 5-6 năm để gầy dựng nên nền tảng của công đoàn độc lập ở Việt Nam, riêng ở các cơ sở thôi chưa nói đến tầm mức quốc gia. Đó là tuyên truyền về kiến thức, về ý thức, về kinh nghiệm đấu tranh cho người lao động, thì họ mới có thể gầy dựng được một công đoàn độc lập theo đúng nghĩa của nó.”
Dự đoán sớm nhất đến 2018 TPP mới có hiệu lực thi hành, cộng thêm lộ trình 5 năm đối với việc Việt Nam cho phép tự do nghiệp đoàn ở tầm mức lớn hơn và tự do liên kết ngang dọc giữa các nghiệp đoàn. Ngoài ra người lao động Việt Nam có thể có thể chưa nhận thức đúng mức về quyền tự do nghiệp đoàn của mình. Phải chăng tương lai tự do nghiệp đoàn ở Việt Nam vẫn quá xa vời. Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi, TS Phạm Chí Dũng cho rằng, vẫn có lối mở vì thời gian 7 năm đó chính là thời gian mà nhà nước Việt Nam có thể thực hiện một số tiểu phần của công đoàn độc lập. Hiện chưa công bố một lộ trình cụ thể, nhưng chỉ biết là sau 3 năm thì phía Hoa Kỳ và các nước trong TPP sẽ họp lại và đánh giá nhà nước Việt Nam đã thực hiện định chế công đoàn độc lập tới đâu. Các nghiệp đoàn ở cơ sở có được liên kết hoặc được nhận sự hỗ trợ kể cả hỗ trợ về tài chính của những tổ chức phi chính phủ về lao động quốc tế hay không. TS Phạm Chí Dũng nhấn mạnh:
“Nếu nhà nước Việt Nam không bảo đảm được những điều đó, cũng như không bảo đảm được khung luật sửa đồi về luật lao động, kể cả luật công đoàn thì như vậy không bảo đảm hoạt động của nghiệp đoàn tự do trong TPP, vi phạm TPP và sẽ bị chế tài. Nếu mà không cẩn thận thì hiệp định TPP đối với nhà nước Việt Nam chắc chắn sẽ là con dao hai lưỡi. Tôi cho rằng nói gì thì nói, mọi thứ cũng đang dần mở ra, chỉ có điều đây là một cuộc đấu tranh từng góc phố từng ngôi nhà để tiến trình dân chủ hóa Việt Nam có thể nhích dần lên từng bước chứ mọi thứ sẽ không thể đến nhanh được.”
Lo ngại về cải cách thể chế chính trị
Trở lại khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới là Việt Nam cần cải cách toàn diện và quyết liệt để thực hiện các cam kết TPP. Ngân hàng Thế giới nhận định rằng, đây là thách thức lớn đối với nhà nước Việt Nam, vì Việt Nam lựa chọn cải cách từ từ đối với những tồn tại lâu đời, đó là khu vực doanh nghiệp nhà nước quá lớn, thể chế thị trường không hoàn chỉnh.
Các chuyên gia nói rằng cải cách thúc đẩy tiến bộ, đem lại ích lợi cho người dân. Nhưng ngược lại cải cách cũng sẽ tạo ra đau đớn như việc giải phẫu cắt bỏ những khối ung thư. Đối sự lo ngại về cải cách thể chế chính trị, đụng chạm tới Hiến pháp và quá nhiều luật lệ chưa thích hợp, thậm chí cản trở kinh tế thị trường. Trong dịp trao đổi với chúng tôi Luật sư Trần Quốc Thuận nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội từ Sài Gòn nhận định:
Việt Nam đã vào TPP rồi, đã vào một cơ chế đặc biệt, đặc thù và mở rộng, tất cả mọi thứ sẽ mở toang ra hết… thì đòi hỏi Việt Nam phải thay đổi, phải sửa đổi rất nhiều luật cho phù hợp. Nếu không sửa đổi luật cho phù hợp thì làm sao Việt Nam là thành viên của TPP được.
-LS Trần Quốc Thuận
“Việt Nam đã vào TPP rồi, đã vào một cơ chế đặc biệt, đặc thù và mở rộng, tất cả mọi thứ sẽ mở toang ra hết… thì đòi hỏi Việt Nam phải thay đổi, phải sửa đổi rất nhiều luật cho phù hợp. Nếu không sửa đổi luật cho phù hợp thì làm sao Việt Nam là thành viên của TPP được. Cho nên vấn đề đó, theo lộ trình thì TPP có thể phải hai năm nữa mới có hiệu lực thi hành thì có lẽ trong thời gian đó, Việt Nam cái gì chứ cái món mà người ta bảo ‘nước cao quá gối cũng nhảy’ thì Việt Nam có khi cũng phải nhảy.”
Bên cạnh vấn đề cải cách pháp luật, tôn trọng sở hữu trí tuệ, quản trị minh bạch doanh nghiệp nhà nước, mua sắm công, cải cách tiêu chuẩn lao động và môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, tự do hóa thương mại và dịch vụ. Qui tắc xuất xứ sản phẩm dệt may trong TPP được Ngân hàng Thế giới mô tả như một nhược điểm khiến Việt Nam không tận dụng được tối đa cơ hội do TPP mang lại. Điều kiện để được hưởng ưu đãi thuế quan khi Việt Nam xuất hàng dệt may vào Hoa Kỳ và các nước khác trong TPP đó là nguyên tắc tính từ sợi, sản phẩm dệt may phải được sản xuất từ sợi dệt nội khối TPP. Thực tế hiện nay, báo cáo của Ngân hàng Thế giới ghi nhận các nhà sản xuất dệt may sử dụng hầu hết xơ sợi nhập khẩu từ các nước ngoài TPP. Theo đó khoảng 60% tới 90% mặt hàng vải để sản xuất hàng may mặc được nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc và Đài Loan.
Hiện nay có một làn sóng đầu tư nước ngoài vào các dự án kéo sợi, dệt, nhuộm hoàn tất, nhưng Việt Nam sẽ rất khó đáp ứng nhu cầu sợi dệt nội khối, chưa kể không có đủ nhà máy dệt vải, nhuộm và hoàn tất khi đã có sợi dệt nội khối. Do vậy có thể thấy trước là dù có lộ trình để áp dụng danh mục thiếu hụt tạm thời, việc đáp ứng nguyên tắc sợi dệt nội khối ở tỷ lệ như thế nào và hưởng lợi tới mức nào vẫn còn là ẩn số.
Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM từng nhận định:
“Rõ ràng đây là một bài toán về mặt vĩ mô, cân đối giữa năng lực của kéo sợi, năng lực dệt vải và năng lực nhuộm, khá hóc búa cho các nhà điều hành ở tầm vĩ mô của ngành dệt may Việt Nam.”
Dù chưa có TPP, kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2014 của Việt Nam rất lớn trị giá 24,5 tỷ USD, trong đó riêng thị trường Hoa Kỳ đạt 9,8 tỷ USD. Tuy vậy sản xuất dệt may xuất khẩu của Việt Nam hầu hết là gia công với nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc và Đài Loan, nên phần lợi nhuận thực thụ của người Việt Nam chỉ là một phần nhỏ. Dù vậy lợi ích của xuất khẩu dệt may Việt Nam là thu dụng lực lượng lao động hàng triệu người.
Ngân hàng Thế giới dự kiến xuất khẩu hàng dệt may và phụ kiện của Việt Nam sẽ tăng khoảng 60% vào năm 2035 so với hiện nay, trong đó Hoa Kỳ là đích đến chủ yếu trong khối TPP. Ngành dệt may Việt Nam tiếp tục là nguồn tạo việc làm quan trọng, nhờ đặc thù ngành nghề sử dụng nhiều lao động và chính sách chú trọng xuất khẩu của nhà nước.
Vẫn theo Sài Gòn Times Online, Hiệp hội dệt may Việt Nam ước tính, cứ tăng thêm 1 tỷ đô la Mỹ xuất khẩu, thì sẽ tạo thêm được 150.000 nghìn tới 200.000 việc làm.
Tuy vậy Báo cáo của Ngân hàng Thế giới công bố ngày 2/12/2015 cảnh báo, qui tắc xuất xứ có thể sẽ hạn chế đáng kể những tác động tích cực vừa nêu.
Ngân hàng Thế giới ước tính TPP có thể bổ sung thêm 8% Tổng sản phẩm nội địa GDP của Việt Nam, 17% giá trị xuất khẩu thực tế và 12% lượng tích lũy tài sản trong vòng 20 năm tới.
Tất nhiên đó là những tính toán theo sách vở và trong điều kiện Việt Nam thực hiện một chương trình cải cách toàn diện và quyết liệt để thực thi các cam kết của TPP.
http://www.rfa.org/vietnamese/programs/ReviewOnlineDomesticPress/vn-realize-drastic-n-total-reform-as-tpp-member-nn-12042015081647.html