Xin gửi tới Ngài Eiffel.
Ngày 10-10-1889, khi tới thăm Tháp Eiffel, nhà phát minh trứ danh người Mỹ Thomas Edison đã viết vào sổ vàng lưu niệm ở đây những lời lẽ trân trọng đến mức tưởng như không còn gì đáng trân trọng hơn:
Xin gửi tới Ngài Eiffel,
Công Trình Sư dũng cảm đã xây dựng nên mô hình khổng lồ và kỳ diệu của công nghệ hiện đại,
lòng kính trọng và sự ngưỡng mộ cao nhất của tôi dành cho tất cả các kỹ sư (đã tham gia xây dựng Tháp),
bao gồm Ngài Kỹ Sư Vĩ Đại.
Vị Chúa Tốt Lành,
Ký tên: Thomas Edison.
Sự trân trọng tột cùng đó hoàn toàn xứng đáng với một con người không chỉ tạo ra một Tháp Eiffel huyền thoại, mà còn là đồng tác giả của Tượng Nữ Thần tự Do bất hủ ở Mỹ, và là tác giả của hàng chục công trình sắt thép khổng lồ nổi tiếng khác trên khắp thế giới, trong đó có Cầu Long Biên ở Hànội, Cầu Tràng Tiền ở Huế và Kết Cấu Nhà Bưu Điện Sàigòn.
Cầu Long Biên đầu thế kỷ 20
Cầu Tràng Tiền, Huế (ảnh mới chụp gần đây)
Nhà Bưu Điện Sàigòn bên ngoài và bên trong (ảnh 2001)
Nhưng cuộc sống đôi khi rất nghịch lý: Người đời thường để ý đến công trình của ông nhiều hơn chính bản thân ông.
Năm 1889, khi chứng kiến đám đông nườm nượp kéo đến chiêm ngưỡng chiếc Tháp Eiffel, tác giả của chiếc Tháp đã phải thốt lên: "Tôi phát ghen lên với nó, vì nó còn nổi tiếng hơn tôi!".
Trong bài báo "Gustave Eiffel: The Man Behind The Masterpiece" (Gustave Eiffel: Người đứng sau công trình kiệt tác), Karen Plumley viết:
"Mặc dù Eiffel tự hào với cái Tháp huyền thoại mang tên ông, nhưng ông thường cảm thấy chính huyền thoại đó lại cản trở công chúng biết đến ông hơn như một kỹ sư và nhà nghiên cứu tài ba. Khi Eiffel lấy tên mình để đặt cho ngọn Tháp, đó là một biểu hiện chính đáng của lòng kiêu hãnh, nhưng rồi chính ông phải lấy làm ân hận. Trải qua thời gian, cái tên đó và công trình đó hợp nhất làm một, trong khi tác giả đứng đằng sau công trình bất hủ đó thì dần dần bị quên lãng trong bóng tối của chính công trình sáng tạo của mình".
Cầu Long Biên, một tác phẩm của Eiffel, một trong những dấu ấn biểu tượng của Hànội
Vậy thiết tưởng đã đến lúc chúng ta phải biết rõ Alexandre Gustave Eiffel (1832-1923), người đã để lại trên thế gian này những kỳ đài bất hủ không thể nào quên, và đặc biệt đã để lại trên đất Việt Nam của chúng ta một kiệt tác về kết cấu và nghệ thuật – Cầu Long Biên Hànội, một "con rồng của Thăng Long" trong thế kỷ 20.
Một Gustave Eiffel đa tài và lãng mạn:
Alexandre Gustave Eiffel sinh ngày 15-12-1832 tại Dijon, Pháp. Là một người đa tài, làm nhiều việc, giỏi nhiều nghề, nhưng ông nổi danh với tư cách một kỹ sư tài ba về kết cấu thép và nền móng. Tuy nghề nghiệp luôn đòi hỏi những tính toán chính xác đến mức khắt khe, bản tính ông lại rất lãng mạn, thích tự do phóng khoáng, không chấp nhận sự gò bó áp đặt, thích sống theo hứng thú của bản thân, ngưỡng mộ văn chương cổ điển, ngốn ngấu đọc Voltaire, Zola, Hugo, và nhiều tác giả khác.
Với bản tính đó, Eiffel là người sống đầy nhiệt huyết, hăng say hoạt động trên nhiều lĩnh vực: Vừa là một công trình sư bậc thầy, vừa là một nhà doanh nghiệp lớn, vừa là một nhà nghiên cứu khoa học: Ngoài những công trình bằng xương bằng thịt mà ai cũng thấy, ông đã để lại cho đời 31 cuốn sách và rất nhiều bài khảo cứu về kết cấu công trình và kết cấu nền móng. Ông được coi là vua – nhà tiên phong – trong lĩnh vực kết cấu thép. Nhiều phương pháp xử lý kết cấu của ông đến nay vẫn được áp dụng và đã trở thành kinh điển.
Làm việc phi thường nhưng Eiffel được ông Trời ban cho một sức khoẻ hiếm có: Ngoài 80 tuổi vẫn bơi khoẻ, đấu kiếm tốt, mãi đến năm 1923 mới mất, thọ 91 tuổi. Hiếm có một danh nhân, một nhân vật nào đạt tới vinh quang tột đỉnh lại có tuổi thọ cao đến thế! Ông được người đời kính trọng và yêu mến, phần thưởng danh dự do các chính phủ trên thế giới trao tặng cho ông nhiều đến mức không đếm xuể.
Tính cách năng động, tháo vát, thông minh, nhanh nhạy của Eiffel không làm ta ngạc nhiên nếu ta biết rõ nguồn gốc xuất thân của ông: Ông nội của Eiffel từng dựng nên một doanh nghiệp sản xuất thảm rất giầu có tại Pháp, đem lại một đời sống tiện nghi cho nhiều thế hệ trong dòng họ Eiffel.
Cha của Eiffel tham gia quân đội Napoléon Bonaparte từ năm 16 tuổi. Mẹ của Eiffel là một phụ nữ rất thông minh tháo vát. Bà có một cái đầu sắc sảo trong buôn bán. Bà không những lo lắng chăm sóc cậu con trai trong việc học hành lúc nhỏ, mà còn tạo dựng nên hai doanh nghiệp lớn, một về cung ứng than và một về cung ứng hàng hoá đường biển, cả hai đều làm ăn phát đạt. Sau này chính bà đã giúp Eiffel tạo dựng nên một doanh nghiệp riêng. Hai mẹ con gắn bó yêu thương nhau suốt đời.
Năm 1862, tròn 30 tuổi, Eiffel thành hôn với cô Marie Guadelet, cháu của Edouard Régneau, một nhà ủ rượu bia nổi tiếng. Hai vợ chồng sống với nhau được 15 năm hạnh phúc, sinh được 5 người con, trước khi Marie mắc chứng viêm phổi rồi mất năm 1887. Đau đớn vì sự ra đi của vợ, Eiffel sống độc thân trong 36 năm còn lại, không hề đi bước nữa.
Trong thời trẻ, Eiffel chiụ ảnh hưởng nhiều nhất bởi hai người: Một là ông chú Jean-Baptiste Mollerat, một nhà hoá học thành đạt, người đã phát minh ra quy trình chưng cất giấm từ thùng gỗ; Hai là Michel Perret, một nhà hoá học khác trong vùng. Cả hai nhà hoá học này dành rất nhiều thời gian chuyện trò với Eiffel, nhồi nhét vào đầu cậu bé hàng đống tư tưởng, từ chuyện hoá học, khai thác hầm mỏ cho tới chuyện tôn giáo và triết học.
Ông chú Mollerat không chỉ là một người đàn ông đáng kính về khoa học, mà còn là một người có tư tưởng cộng hoà mạnh mẽ. Có lần ông nói với Eiffel: "Này con trai, cháu hãy nhớ rằng tất cả bọn vua chúa đều là đồ xấu xa!". Câu nói này có thể gây tổn thương đối với cha mẹ Eiffel, bởi dẫu sao cha Eiffel cũng đã từng phục vụ dưới triều đại Napoléon – vị hoàng đế lừng danh thế giới. Tuy nhiên, tư tưởng của ông chú đã dần dần ảnh hưởng đến Eiffel, biến Eiffel thành một người có thiên hướng cộng hoà. Thiên hướng này đã có dịp biểu lộ rõ rệt khi cậu bé trưởng thành: Eiffel trở thành một đồng tác giả không thể thiếu của Tượng Nữ Thần Tự Do.
Thủa cắp sách tới trường, Eiffel là một cậu bé đặc biệt thông minh và tò mò, nhưng không chuyên cần lắm. Tại trường Lycée Royal (Trung Học Hoàng Gia), cậu cảm thấy các môn học ở đó nói chung nhàm chán, buồn tẻ, không khí nhà trường tù hãm, đến lớp chỉ phí thời gian. Mãi đến hai năm cuối phổ thông Eiffel mới tìm thấy sở thích của mình, nhưng không phải trong các môn kỹ thuật hoặc công nghệ, mà là lịch sử và văn chương! Từ đó Eiffel mới thật sự thích học, kết quả học tập của cậu được cải thiện rõ rệt và cuối cùng Eiffel đã tốt nghiệp trung học xuất sắc trong cả các môn nhân văn lẫn khoa học.
Sau khi tốt nghiệp trung học Eiffel lên Paris, theo học tại Collège Sainte Barbé để luyện thi vào École Polytechnique – trường Đại Học Bách Khoa nổi tiếng thế giới. Nhưng chàng sinh viên bản tính lãng mạn không thể kìm nén được tình yêu say đắm đối với Paris hoa lệ. Anh dành hầu hết thì giờ rỗi để bơi lội trên Sông Seine, thăm Bảo Tàng Louvre, đi xem kịch tại Nhà Hát Opera. Kết quả là anh không chuẩn bị đủ kiến thức cho kỳ thi vào Đại Học Bách Khoa. Anh thi trượt, nhưng không hề lãng phí thì giờ vào việc buồn nản, mà lại thi ngay vào École Centrale des Arts et Manufactures, một dạng trường bách khoa khác, có xu hướng tự do cởi mở hơn, và được đánh giá là một trong những trường đào tạo kỹ thuật và công nghệ hàng đầu Châu Âu thời bấy giờ.
Đến lúc đó Eiffel vẫn tuyên bố hoá học là mục tiêu chủ yếu của đời ông. Ông chú Mollerat cũng hứa sẽ dành cho nhà hoá học tương lai một chỗ làm tại những trung tâm sản xuất giấm của ông ở Dijon. Tuy nhiên, năm 1855, gần đến lúc Eiffel lĩnh bằng tốt nghiệp thì xẩy ra chuyện xích mích giữa cha mẹ Eiffel với ông chú. Hai bên nặng mặt với nhau, hậu quả là lời hứa của ông chú về chỗ làm dành cho Eiffel cũng bị huỷ bỏ, Eiffel phải tìm một định hướng mới cho tương lai.
Người thông minh làm gì cũng thông minh:
Quả là "trong cái rủi có cái may", việc thất hứa của ông chú lại dẫn Eiffel tới một bước ngoặt: Thay vì trở thành nhà hoá học, ông lại kiếm được một chân quản lý dự án xây dựng cầu đường sắt trong công ty kỹ thuật của Charles Nepveu thuộc Hội Kỹ Thuật Dân Sự Pháp. Chẳng bao lâu sau, công ty Nepveu vỡ nợ, một công ty của Bỉ mua lại công ty này, sự nghiệp của Eiffel tưởng chừng gặp cơn bĩ cực nhưng hoá ra lại đến ngày thái lai: Ông chủ mới thuê luôn Eiffel làm việc với tư cách trưởng nhóm nghiên cứu kỹ thuật của công ty.
Tại Việt Nam những năm 1950-1960, một chuyên gia nổi tiếng về kết cấu và nền móng là kỹ sư Phạm Đình Biều thường tâm sự với học trò của ông rằng chuyện "cải nghiệp" của Eiffel dạy chúng ta 2 bài học: Một, người thông minh làm gì cũng thông minh. Hai, người trí thức chân chính và thực sự có tài phải là người có khả năng tự học, tự nghiên cứu. Một nền giáo dục tốt không phải là nền giáo dục chỉ lo nhồi nhét kiến thức hàn lâm cho học trò, mà quan trọng nhất là phải biết gợi mở để học trò say mê môn học, từ đó họ có thể tự học, tự nghiên cứu. Một nhà sư phạm không hiểu điều này sẽ không bao giờ hiểu được tại sao một người được đào tạo thuần tuý về hoá học như Eiffel lại có thể trở thành một kỹ sư kết cấu bậc thầy, không cần qua một trường đào tạo chuyên môn về xây dựng và kết cấu nào cả. Niềm say mê tự học có giá trị gấp hàng trăm lần so với lối học khoa cử chỉ cốt giành giật bằng cấp và danh vọng.
Trở lại Eiffel, năm 1858, ông đã tạo nên một "cú" đột phá đầu tiên trong đời: Ông được giao trách nhiệm xây dựng một chiếc cầu bằng thép vượt qua sông Garonne gần thành phố Bordeaux, dài khoảng 500m, và chỉ sau 2 năm công trình đã được hoàn thành mỹ mãn, gây một tiếng vang lớn trong giới chuyên môn cầu cống! Chính trong dịp này Eiffel đã có một phát minh kỹ thuật nổi tiếng – sáng tạo nên Hệ nén thuỷ lực (một hệ thống máy vận hành nhờ nước, hơi nước và khí nén) – cho phép đóng các vật liệu làm nền móng sâu xuống lòng đất tới 25m. Nhờ đó, không những công trình được khánh thành đúng thời hạn mà còn làm cho Eiffel nổi danh như một nhà phát minh và một kỹ sư tài ba.
Năm 1864, lúc này đã có vợ và cư trú tại Paris, với sự giúp đỡ của bà mẹ, Eiffel cho ra đời công ty riêng của mình. Trong 20 năm tiếp theo Eiffel đã phát triển và hoàn thiện hàng loạt phương pháp kỹ thuật mới và áp dụng ngay những phương pháp đó vào trong những công trình của mình. Chẳng hạn, trong khi thiết kế gian đầu tiên cho Palais des Machines (Gian trưng bầy máy móc) của Triển Lãm Quốc Tế Paris năm 1878, Eiffel đã tạo ra những hệ vì kèo và vòm mái thép cứng hơn nhưng lại nhẹ hơn. Cấu trúc mới này có hình dạng như những mạng lưới vừa rất đẹp mắt vừa có sức chịu đựng rất lớn, bất chấp gió bão.
Một trong những dự án lớn của Công Ty Eiffel là xây dựng chiếc cầu Sioule, cao 80m so với mặt sông Sioule, đạt kỷ lục một trong những chiếc cầu cao nhất thời bấy giờ. Dự án này cho phép Eiffel thử nghiệm ba sáng kiến mà sau này ông đã áp dụng vào việc xây dựng Tháp Eiffel: Sử dụng loại thép có chạm trổ thay cho loại thép nặng, giòn, dễ vỡ thường vẫn được sử dụng thời đó. Ông khám phá ra rằng thép chạm trổ cứng hơn, dẻo dai hơn, chịu đựng được những cơn gió mạnh tốt hơn. Ông cho uốn cong bờ mép của những chân cột móng mà trước đó thường là hình vuông hoặc hình chữ nhật, do đó móng được ổn định hơn và bền hơn. Ông phát triển một hệ thống được gọi là "launching" trông như một cái cưa khổng lồ, trong đó sử dụng những bộ phận cân bằng cho phép dịch chuyển các cấu kiện riêng lẻ một cách dễ dàng hơn vào đúng vị trí cần thiết trong công trình.
Cứ như thế, danh tiếng của Eiffel càng ngày càng tăng lên theo danh mục các dự án của ông: Những chiếc cầu lắp ghép làm sẵn cho quân đội hành quân, Cửa hàng Bon Marché nổi tiếng ở Paris, giàn khung Nhà Thờ Đức Bà Paris, và khung thép Tượng Nữ Thần tự Do – công trình tuyệt tác trước khi ra đời Tháp Eiffel huyền thoại của ông.
Tượng Nữ Thần tự Do:
Tượng Nữ Thần Tự Do với tên đầy đủ là Tự Do Soi Sáng Thế Giới (La liberté éclairant le monde/Liberty Enlightening the World), là một món quà đặc biệt của nước Pháp dành tặng nước Mỹ nhân dịp kỷ niệm tròn 100 năm ngày nước Mỹ tuyên bố độc lập (thoát khỏi ách thống trị của đế quốc Anh).
Cách Mạng Pháp 1789 là ngọn cờ thúc đẩy tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái lan rộng ở Pháp rồi ra toàn thế giới trong suốt những năm tháng tiếp theo. Một trong những người Pháp đi tiên phong trong trào lưu này là Édouard René Lefèvre de Laboulaye, một nhà chính trị kiêm nhà văn chuyên viết về lịch sử Mỹ. Chính ông là người đề xuất ý tưởng tặng nước Mỹ một món quà để ca ngợi nền tự do. Ý tưởng của ông lập tức được chính phủ Pháp ủng hộ, và việc thiết kế mỹ thuật được giao cho nhà tạc tượng trứ danh Frédéric-Auguste Bartholdi.
Bartholdi đã thiết kế nên hình ảnh một phụ nữ khoẻ mạnh có nét đẹp kinh điển như những bức tượng Hy Lạp cổ đại với kích thước khổng lồ ở tư thế đứng thẳng, đầu đội vương miện với 7 tia hào quang toả ra tượng trưng cho 7 biển và lục địa trên trái đất, tay trái mang một phiến đá ghi dòng chữ "JULY IV MDCCLXXVI", tức là "Tháng Bẩy, Ngày 4 Năm 1776" (ngày độc lập của Mỹ), tay phải giương cao bó đuốc của tự do, thân mặc tấm áo choàng phủ kín tới chân.
Nhưng ngay lập tức Bartholdi phải đối mặt với 2 bài toán nan giải:
• Làm thế nào để bức tượng khổng lồ có thể tháo rời ra từng bộ phận để chuyên chở sang Mỹ?
• Bức tượng sẽ được dựng trên Đảo Tự Do trong Cảng New York, vậy phải làm thế nào để nó chịu đựng được gió bão rất mạnh ngoài biển Đại Tây Dương?
Người thích hợp nhất có thể giúp Bartholdi giải 2 bài toán hóc búa đó không thể là ai khác Gustave Eiffel!
Tượng Nữ Thần Tự Do trên Đảo Tự Do, Cảng New York, biểu tượng nổi tiếng của nước Mỹ
Vào thời điểm này, tên tuổi Eiffel đã được nhiều người biết đến như một công trình sư tài ba từng xây dựng nên những công trình khổng lồ có kết cấu phức tạp và chắc chắn, vì thế ông được mời giúp Bartholdi xây dựng Tượng Nữ Thần tự Do. Ngay lập tức Eiffel hưởng ứng và bắt tay vào việc.
Trước hết, bài toán thứ nhất được giải bằng cách "cắt rời thân thể" Nữ Thần Tự Do ra làm 350 mảnh rồi chất lên chiếc thuyền buồm mang tên Isère để chở sang Mỹ. Tới Mỹ, nó được đưa lên một hòn đảo có tên là Đảo Tự Do (Liberty Island) ở cửa sông Hudson nhìn ra cảng New York (New York Harbour).
Để giải bài toán thứ hai, Eiffel xây dựng một hệ thống cốt sắt làm cốt lõi bên trong để lắp ghép 350 mảnh đồng, tạo nên một bức tượng cao 46m, nặng tổng cộng 204 tấn, đứng trên một bệ cao 45,7m (bệ do người Mỹ xây dựng). Riêng cánh tay giơ bó đuốc đã dài tới 12m, ngón trỏ dài 2,4m, cái đầu tính từ cằm tới vuơng miện cao 5m, riêng cái miệng rộng 1m. Ngày nay du khách tới thăm bức tượng sẽ phải leo 354 bậc thang để lên tới vương miện. Bản thân vương miện là một "gian phòng" rộng với 25 cửa sổ, trông từ xa như 25 viên đá quý cài trên vương miện. Tổng cộng bức tượng bao gồm 31 tấn đồng và 125 tấn thép. Các tấm đồng làm bề mặt bức tượng có chiều dày 2,37 mm, được ghép với nhau sao cho cách ly với khung thép bằng những tấm cách điện để tránh hiệu ứng pin kim loại làm rỉ chỗ ghép do hơi nước biển gây nên.
Mặc dù được hai tài năng xuất chúng là Bartholdi và Eiffel phối hợp thực hiện, dự án này vẫn không thể nào hoàn thành kịp thời hạn kỷ niệm 100 năm nước Mỹ độc lập (1876), mà phải đợi tới mười năm sau, tức 1886, Tượng Nữ Thần Tự Do mới được tổng thống Mỹ Groover Cleveland chính thức cắt băng khánh thành.
Trong bài báo "Gustave Eiffel: The Man Behind The Masterpiece" (Gustave Eiffel: Người đứng sau tác phẩm bậc thầy), ký giả Karen Plumley viết: "Eiffel dựng một khung thép để gắn các tấm kim loại vào đó, và đặt nhiều chùm thép thẳng đứng cắm sâu vào trong bệ đá granite của nền móng để giữ cho bức tượng khổng lồ đứng vững. Kết quả là có một bức tượng nhẹ hơn (so với tượng đặc) nhưng vẫn đảm bảo chắc chắn, có khả năng chịu đựng được một tải trọng khổng lồ và hàng loạt tác động khắc nghiệt khác. Một lần nữa, Eiffel đã chứng minh khả năng của ông trong việc giải quyết những bài toán kỹ thuật phức tạp và khó khăn nhất, trong đó sử dụng những kỹ thuật mà trước đó không ai dám làm".
Bách khoa toàn thư Wikipedia cho rằng thiết kế kết cấu của Eiffel là điều kiện không thể thiếu để biến dự án Tượng Nữ Thần Tự Do khổng lồ thành hiện thực. Kể từ 1886, kiệt tác văn hoá này nhanh chóng trở thành biểu tượng quốc gia của nền tự do ở Mỹ, đem lại niềm kiêu hãnh cho người Mỹ, trở thành một tâm điểm thu hút khách du lịch và di dân từ khắp thế giới đến Mỹ, thúc đẩy nền kinh tế ở đây phát triển mạnh mẽ chưa từng có [Một số người Mỹ sống ở Pháp rất hài lòng với món quà mà người Pháp đã dành tặng cho đất nước họ, vì thế họ trả ơn người Pháp bằng cách xây dựng một phiên bản Tượng Nữ Thần Tự Do ở Pháp. Phiên bản này cũng bằng đồng, cao 11m (khoảng ¼ bức tượng ở New York) đã được dựng lên tại hòn đảo Thiên Nga cách Tháp Eiffel khoảng 2km về phía bắc. Tại Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20, cũng từng xuất hiện một phiên bản Tượng Nữ Thần Tự Do với kích thước nhỏ cao 2,85m, dân gian gọi là "Tượng Bà Đầm Xoè", lúc đầu được triển lãm trong Hội Chợ Đấu Xảo Hànội (Cung văn hoá hữu nghị hiện nay), sau được chuyển về Vườn Hoa Chí Linh (vườn hoa trước cửa Ngân Hàng Trung Ương hiện nay), sau đó đã được đặt trên nóc Tháp Rùa, rồi lại chuyển về Vườn Hoa Cửa Nam, cuối cùng bị giật đổ ngày 01-08-1945 dưới thời chính phủ Trần Trọng Kim, vì bị coi là biểu tượng của nhà nước thuộc địa].
Bước sang năm 1887, chưa kịp nghỉ ngơi nhấm nháp vinh quang do Tượng Nữ Thần tự Do mang lại, Eiffel đã gặp cảnh "hoạ vô đơn chí": Vợ ông mắc bệnh nặng và ra đi vĩnh viễn. Nỗi đau chia tay người vợ yêu thương chưa kịp hồi phục thì một tai hoạ thứ hai giáng lên đầu ông, liên quan đến việc làm ăn với Công Ty Kênh Đào Panama của Pháp do Ferdinand de Lesseps lãnh đạo.
Theo hợp đồng ký kết với công ty Lesseps, Công ty Eiffel tiến hành thiết kế và xây dựng những chốt khoá đóng mở cho kênh đào này. Nhưng không may, do quản lý kém, công ty Lesseps bị vỡ nợ, làm trắng tay hàng trăm ngàn nhà đầu tư Pháp. Một cuộc điều tra được mở ra, trong đó tất cả những ai dính líu đến việc sử dụng nguồn vốn đầu tư đều bị luật pháp hỏi thăm, Eiffel không phải là ngoại lệ... Nếu bị kết án, ông có thể sẽ phải đối mặt với một bản án tù ít nhất 2 năm. Nhưng sau 5 năm điều tra, Eiffel được chứng minh là vô can. Tuy vậy, cuộc điều tra đã làm ông mệt mỏi, dẫn tới quyết định về hưu vào năm 1893, khi ông đương chức chủ tịch hội đồng quản trị công ty.
Nhưng trong hoạn nạn mới rõ mặt anh hùng: Chính trong những ngày tháng mệt mỏi nhất vì phải đối mặt với cuộc điều tra, Eiffel đã làm nên công trình huyền thoại của đời mình - Tháp Eiffel!
Huyền thoại Eiffel:
Để kỷ niệm 100 năm Cách Mạng Pháp (1789 – 1889), nhà nước Pháp quyết định tổ chức Hội Chợ Triển Lãm Quốc Tế tại Paris vào năm 1889, với một cổng chào kiểu vòng cung khổng lồ bằng sắt thép sẽ được dựng trên Quảng Trường Tháng Ba (Champs de Mars) bên bờ sống Seine, nhằm phô trương sức mạnh công nghiệp và khoa học kỹ thuật của nước Pháp với thế giới. Trong 700 đề án thiết kế dự thi, đề án của Gustave Eiffel được chấp thuận vì nó đẹp nhất, chắc chắn nhất, rẻ nhất.
Khởi công từ giữa năm 1887, khánh thánh giữa năm 1889, Tháp Eiffeltrở thành ngọn tháp cao nhất thế giới vào thời điểm đó (324m), trong đó phải huy động tới 300 công nhân lắp ghép 18038 cấu kiện sắt thép với 2 triệu rưỡi đinh rivets.
Lúc đầu, việc xây dựng Tháp bị công chúng phản đối dữ dội, vì bị coi là chướng mắt, kỳ quái, phá hỏng vẻ đẹp truyền thống cổ kính của Paris hoa lệ. Một trong những người phản đối mạnh nhất là nhà văn nổi tiếng Guy de Maupassant. Nhà văn này tuyên bố ông sẽ thường xuyên leo lên Tháp Eiffel để ăn trưa, làm mọi người sửng sốt không hiểu. Khi được hỏi tại sao, Maupassant trả lời: "Vì đó là cách tốt nhất để không nhìn thấy cái chướng mắt do Tháp Eiffel gây ra".
Nhưng ngay từ những ngày đầu mở cửa cho khách vào xem, Tháp Eiffel đã thu hút nườm nượp người đến Paris. Riêng năm 1889 đã có gần 2 triệu khách đến tham quan, đạt kỷ lục về du lịch trên thế giới vào thời điểm bấy giờ. Từ đó đến nay Tháp Eiffel càng ngày càng nổi tiếng. Tính đến 2002, tổng số khách du lịch tới thăm kể từ ngày khánh thành đã lên tới hơn 200 triệu người, mang lại cho nước Pháp một lợi nhuận kếch xù, vượt quá mọi dự tính lúc ban đầu. Riêng năm 2006 vừa qua, số khách tới thăm đạt mức kỷ lục: 6.719.200 người, tiếp tục giữ kỷ lục du lịch của các công trình xây dựng trên thế giới.
Nhưng vượt lên trên nguồn lợi kinh tế, Tháp Eiffel đã trở thành biểu tượng kiêu hãnh của nước Pháp nói chung và của Paris nói riêng. Trong thế kỷ 20, rất nhiều tháp khác cao hơn Tháp Eiffel đã được dựng lên trên thế giới, nhưng không có một tháp nào có thể sánh nổi với Tháp Eiffel về vẻ đẹp và sự nổi tiếng. Người Pháp tự hào vì nó, người nước ngoài háo hức muốn được diện kiến nó. Người ta truyền tụng nhau: "Đến Paris mà chưa đến Tháp Eiffel thì cũng coi như chưa đến!".
Vậy mà có một kẻ muốn đánh sập Tháp Eiffel, đó là Adolf Hitler!
Ngày 23-08-1944, liệu chừng sẽ phải rút khỏi Paris vì không chống đỡ nổi các mũi tấn công của đồng minh, Hitler ra lệnh cho Dietrich von Choltitz, tổng chỉ huy quân đội Đức tại Paris:"Không được để Paris rơi vào tay kẻ thù, trừ khi nó đã hoàn toàn trở thành một đống gạch vụn!". Nhưng không hiểu sao, Choltitz không tuân lệnh chủ, rút lui khỏi Paris mà không phá huỷ. Tại sao Choltitz hành xử như vậy? Có nhiều giải thích trái ngược. Đây là một dấu hỏi còn bỏ ngỏ của lịch sử.
Lẽ ra thì Hitler cũng chẳng có dịp diện kiến Tháp Eiffel, vì theo kế hoạch ban đầu, Tháp chỉ được phép tồn tại trong 20 năm, nghĩa là đến 1909 sẽ phải tháo dỡ. Thực ra Eiffel đã thiết kế sao cho Tháp có thể dễ dàng tháo dỡ ngay sau khi Hội Chợ Triển Lãm 1889 kết thúc. Nhưng như chúng ta đã thấy: Nó không bị tháo dỡ và đã tồn tại cho đến ngày nay! Tại sao vậy? Đơn giản vì nó đã trở thành niềm kiêu hãnh của nước Pháp, đem lại uy tín khoa học kỹ thuật và ích lợi kinh tế cho nước Pháp vượt quá sự mong đợi.
Ngày nay người ta không thể hình dung một Paris không có Tháp Eiffel. Trái ngược với giới văn nghệ sĩ cuối thế kỷ 19, các nhà văn, nhà thơ, hoạ sĩ ngày nay đã lấy Tháp Eiffel làm nguồn cảm hứng để sáng tác. Tháp Eiffel đã trở thành một huyền thoại! Gần đây, nó đã cùng với Tượng Nữ Thần Tự Do lọt vào danh sách 20 công trình cuối cùng được đề cử trong cuộc bình chọn 7 kỳ quan mới của thế giới do tổ chức phi lợi nhuận NOWC (New Open World Corporation) tổ chức (kết quả bình chọn cuối cùng đã được công bố ngày 07-07-2007 tại Lisbon, Bồ Đào Nha).
Trong 30 năm cuối đời, Eiffel sống và làm việc trong cái tháp mang tên ông theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Ông đã tìm cách tận dụng chiếc Tháp vào những mục đích mang lại lợi ích thiết thực: Ông xây dựng trạm quan sát thiên văn, phòng thí nghiệm thủy động lực học và phòng nghiên cứu thông tin liên lạc ngay trên các tầng của Tháp. Ông đắm mình trong những phòng nghiên cứu đó, cống hiến hết sức mình cho những nghiên cứu mới lạ cho đến hơi thở cuối cùng. Cũng chính trong những năm tháng này, ông đã thiết kế Cầu Long Biên Hànội, Cầu Tràng Tiền Huế, và Nhà Bưu Điện Sàigòn.
Kết:
Ngày 27-12-1923, Eiffel ra đi một cách nhẹ nhàng tại nhà riêng, thọ 91 tuổi.
Đối với chúng ta, những người Việt Nam, tên tuổi Eiffel sẽ mãi mãi được ghi nhớ không chỉ như một công trình sư lỗi lạc đã để lại cho nhân loại những kỳ đài kiệt tác, mà còn là cha đẻ của những công trình đã trở thành dấu ấn ba miền của đất nước: Cầu Long Biên Hànội, Cầu Tràng Tiền Huế và Nhà Bưu Điện Sàigòn.
Bài viết này xin được thay cho một nén hương tưởng nhớ ông.