Nội dung thư

Saturday, October 11, 2014

* RABINDRANATH TAGORE: NHÀ THƠ VĨ ĐẠI CỦA ĐẠO PHẬT




Không phải chỉ riêng
cái tinh thần ái quốc của một người Ấn Ðộ hay cái tinh thần tự tôn của một
người Ðông phương trước sức tàn bạo của phương Tây đã đưa Tagore đến với đạo
Phật. Tagore đã đến với đạo Phật vì cái "tâm" của ông.
Tưởng cũng nên nhắc
lại một vĩ nhân của châu Á mà tư tưởng và văn tài đã nhuộm đầy thế kỷ Hai mươi
sau rốt với màu sắc Ðông phương, đặc biệt là màu sắc đạo Phật:Rabindranath Tagore. Ông là nhà thơ đầu
tiên của Ðông phương được người Tây phương trao tặng giải thưởng văn chương
Nobel. Người Việt chúng ta, suốt tám mươi năm thuộc Pháp được nhào nặn trong
tinh thần tự tôn của Văn học Pháp chỉ thoáng biết Tagore là một nhà thơ và ít
khi có cơ hội hiểu biết rõ văn tài của ông, nhất là ảnh hưởng của ông trong
lãnh vực tư tưởng thế giới vào cuối thế kỷ Mười chín sang đầu thế kỷ Hai mươi.
Tại học đường, ít khi chúng ta được nghe nói chính Tagore là người đã gợi ý và
đóng góp nhiều, giúp Einstein phát sinh ra lý thuyết khoa học về Sự thật. Chính
Tagore là người đi tiên phong trong lãnh vực triết lý cách ngôn ý thức hệ Lý
tưởng. Nói chung, ông được xem là người đã đóng góp nhiều nhất đưa tư tưởng
Ðông phương vào thế giới Tây phương và cũng là người đã đem tư tưởng Tây phương
vào Châu Á. Và sở dĩ ông làm được vậy vì ông đã thấm nhuần văn hóa đạo Phật.

Trong vũ trụ quan
anglo-saxon đến bây giờ còn ít nhiều xa lạ đối với phần đông người Việt chúng
ta, ảnh hưởng của Tagore đã đi vào chiều rộng và chiều sâu của mọi lãnh vực tư
tưởng và nghệ thuật, cho nên trong bài sưu khảo nhỏ này, chúng tôi sẽ tự hạn
chế tìm hiểu Tagore trong phạm trù thi văn của ông, và chỉ phần thi văn đã đóng
góp nhằm vinh thăng đạo Phật. Trong phần đầu, ta sẽ tìm hiểu qua về tiểu sử của
Tagore; phần sau, đôi chút văn chương và tư tưởng Tagore hướng về đức Phật, và
đồng thời tìm những dữ kiện đã đánh dấu văn chương và tư tưởng này đã được đạo
Phật thấm nhuần sâu sắc như thế nào.
Ðọc lại tiểu sử Tagore
Rabindranath Tagore
sanh năm 1861 tại Calcutta, ngày đó là thủ đô của nước Ấn Ðộ, trong một gia
đình đại gia quý tộc. Tên ông có nghĩa là "thiên thần ánh sáng mặt
trời." Thân phụ, Debendranath Tagore là một triết gia và một lãnh tụ tôn
giáo chủ trương canh tân Ấn Ðộ giáo. Người sáng lập ra hội Brahmo Samaj (phong trào
Phạm thiên Bà-la-môn, giai cấp cao nhất trong xã hội Ấn Ðộ), thân phụ Tagore
chủ trương loại bỏ các thủ tục hủ lậu và tàn khốc của Ấn Ðộ giáo như tục lệ hy
sinh nhân mạng để tế thần, tục lệ suttee buộc người đàn bà phải nhảy vào lửa
chết theo chồng, tục lệ sát nữ nhi (giết bé gái mới lọt lòng mẹ vì kỳ thị trọng
nam khinh nữ). Debendranath Tagore được người Ấn Ðộ đương thời tôn sùng gọi là
Maharishi, đại vĩ nhân.

Rabindranath Tagore
sinh trưởng trong một môi trường quý tộc, tỉ phú và chủ điền, dĩ nhiên lúc trẻ
ông là một hoàng tử Bà-la-môn được hấp thụ một nền giáo dục hoàn mỹ về ngôn ngữ
cổ điển, tiếng Phạn Sanskrit, tiếng cổ ngữ Ba tư Persian. Nhưng từ nhỏ, Tagore
đã làm thơ bằng tiếng mẹ đẻ, Bengali, và tiếng Anh, lúc này mới xâm nhập vào xã hội Ấn Ðộ.
Trên bình diện nghệ
thuật, Tagore là một nghệ sĩ thuần túy và đa hiệu được nền văn học Ấn Ðộ -- và
cả văn học thế giới -- sắp lên hàng đầu các vĩ nhân của thế kỷ Hai mươi. Ông
viết văn, làm thơ, viết kịch, soạn nhạc, sở trường về truyện ngắn, tranh đấu bằng
văn học và tư tưởng cho quốc gia và xã hội Ấn Ðộ, và cao hơn tất cả, ông là một
lãnh tụ của đức tin. Ông là con út trong một gia đình 14 anh em, ông theo thân
phụ năm ông mười một tuổi đến Santiniketan, trang viện của gia đình làm lễ tĩnh
tâm. Từ ngày đó, ông hấp thụ và lớn lên trong một môi trường thấm nhuần thi ca
và đạo đức, và từ năm 1878 đến 1880, ông được gởi sang Luân Ðôn, Anh quốc học
Luật để thành một luật gia. Nhưng thay vì học luật, ông hoàn toàn để thì giờ
làm quen với văn chương và âm nhạc Tây phương. Năm 1881 trở lại nhà, ông cho in
tập truyện "Thư của một người đi du
lịch Âu châu", trong tạp chí Barati do hai người anh của ông chủ
trương. Cũng trong thời gian này, ông cho xuất bản tập thơ đầu tiên Manasi, gồm những bài thơ trữ tình đoản
thiên ca tụng tạo vật, tình yêu, và cũng bắt đầu tranh luận về những vấn đề xã
hội và chính trị.

Tập thơ "Tiếng hát Hoàng hôn" (Evening Songs, Les
Chants du Crépuscule) được xuất bản năm 1882. Một năm sau, tại Calcutta,
Tagore là nhân chứng của một cuộc giác ngộ tín ngưỡng, ảnh hưởng rất mạnh trên
đức tin của ông, và ông xuất bản tập thơ tiếp theo nặng màu sắc tôn giáo
"Tiếng hát Ban mai" (Morning
Songs, Chants de l'Aurore). Cũng trong năm đó, Tagore lập gia đình với
người con gái mười tuổi, cùng một bộ tộc và giai cấp của ông. Thân phụ của ông
nhuốm bệnh giao việc quản trị sự nghiệp và tài sản gia đình lại cho ông. Trong
khoảng thời gian hai mươi năm kế tiếp, Tagore đi du lịch khắp nước Ấn Ðộ, và
tiếp tục sáng tác thi văn. Tập thơ Citra (1896)
được xem là một tuyệt tác thi phẩm. Thập niên 90 cũng là lúc Tagore bắt đầu
viết tiểu thuyết ngắn trình bày tội ác của người phương Tây đã bóc lột dân tộc
Ấn Ðộ quá dã man. Ðiển hình là tập truyện ngắn "The Cloud and Sun" (1894) bức vẽ truyền hình của người
anh hùng Ấn Ðộ đứng lên tranh đấu chống bạo quyền của người da trắng, gợi ý và
làm mẫu mực cho các nhân vật cách mệnh của André Malraux trong văn chương Pháp
30 năm sau.
Cuối năm 1901,
Tagore thực hiện được giấc mơ ông thường ấp ủ là lập một trung tâm giáo huấn
đào tạo những con người tự do suy tư và giữ được hòa hợp cân bằng trong nhân
sinh: ngôi trường trên lãnh thổ gia tộc của ông gọi là Trường Santiniketan. Từ
năm 1902 đến năm 1907, tai họa giáng xuống gia đình của Tagore: vợ ông mất, con
gái mất, một người bạn và học trò yêu, thi sĩ Chandra Roy mất, thân phụ mất
(1905) và một người con trai út mất. Ðau khổ lại làm thiên tài của Tagore sung
mãn hơn. Năm 1904, Tagore viết bản tuyên ngôn Svadeci Samaj (Phong trào quốc
gia) đề xướng cuộc chiến đấu giành độc lập cho dân tộc Ấn Ðộ. Sinh viên Ấn Ðộ
tại các đại học trong nước và tại Anh quốc đáp ứng phong trào bị thực dân Anh
đuổi ra khỏi đại học. Ông tranh đấu quyên tiền giúp sinh viên tiếp tục được học
trình.
Năm 1910, xuất hiện
tập thơ vĩ đại của Tagore, Gitanjali bằng
tiếng Bengali, chính ông dịch ra Anh ngữ, xuất bản tại Luân đôn (Song Offerings, 1912), André Gide dịch
ra Pháp ngữ (L'Offrande Lyrique, 1913),
và một nhà thơ Nga dịch ra Nga ngữ (1914). Văn học Tây phương vinh thăng
Tagore, tặng Giải thưởng Nobel văn chương năm 1913. Từ ngày đó, tác phẩm của
Tagore được thi đua dịch ra Tây ngữ và các đô thị lớn ở Âu châu, Mỹ châu, Á
châu, Ðông Nam Á giành nhau tổ chức những cuộc tiếp rước lớn để được nghe ông
diễn thuyết về văn học và nghệ thuật.
Cuối năm 1921,
Tagore chuyển Trường Santinikenan thành một Viện đại học quốc tế gọi là Vicva
Barati, Viện đại học đầu tiên tại Á đông truyền bá tư tưởng của người phương
Ðông. Từ ngày đó, Tagore không ngớt du lịch thế giới để truyền bá tư tưởng văn
học, triết lý và chính trị của ông. Tagore mất ngày mồng Bảy tháng Tám năm
1941, tại quận Jorasanko, tỉnh Calcutta. Năm 1961, khắp mọi nơi trên thế giới
đều tổ chức lễ tưởng niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Tagore.

Vì sao Tagore đến với Ðức Phật
Ở trên đã nói,
Tagore là một vị hoàng tử Bà-la-môn, trong một gia tộc thấm nhuần Ấn Ðộ giáo,
và tôn giáo này cũng như Hồi giáo không bao giờ chấp nhận chung sống trong đức
tin với tôn giáo khác. Vậy ta cần tìm hiểu những lý do đã đưa nhà thơ đến gần
đức Phật.
Hậu bán thế kỷ thứ
XIX tại Ấn Ðộ là giao thời giữa xã hội truyền thống quý tộc và đạo giáo với văn
minh đô hộ Tây phương do người Anh đem tới. Giai cấp Bà-la-môn thượng lưu của
Ấn Ðộ phản ứng bằng hai cách: một là thủ cựu, chống đối ra mặt hay chống đối dè
đặt với trào lưu mới; hai là đổ xô chấp nhận văn minh tinh thần - nhiều hơn là
văn minh vật chất - của phương Tây. Gia tộc của Tagore đã đi con đường trung
dung: giữ gìn những điều tốt đẹp cổ truyền, và chấp nhận nhưng chọn lọc những
điều mới, tốt và hữu lý của Tây phương. Trong sách Towards Universal Man ("Tiến tới con Người đại đồng hoàn
vũ" New York, 1961) ta đọc trong bài "East and West" ("Ðông
và Tây") một trích đoạn lại của Tagore:
"Chúng ta (người Ấn Ðộ) bị nét huy hoàng của châu Âu làm ngây ngất, và đã đón nhận món quà
phương Tây như những kẻ đi ăn xin. Nhận của bố thí như vậy không ích lợi gì. Dù
đó là kiến thức, hay là một quyền hạn chính trị, ta nên đem trả đắt giá để mua,
làm cho những thứ đó chỉ thật đến với chúng ta nếu chúng ta biết đấu tranh khắc
phục những điều thoái hóa để đón nhận món quà mới. Nếu ta nhận chúng như là một
ân huệ người phương Tây thí vào tay mình, ta sẽ không giữ được món quà (vì
lâu dần thành ra vô giá trị). Chúng ta đã
tự phỉ nhổ vào mặt mình khi đi ăn xin như vậy, và món quà nhận được chỉ làm hại
ta, không ích lợi gì."
Cái ví dụ cụ thể
nhất là ngôn ngữ. Khi người Anh mới đến, thiết lập chính quyền cai trị, cả nước
Ấn Ðộ ngày đó đổ xô đi học tiếng Anh để làm ông thông, ông ký cho chính quyền
mới. Riêng tất cả con em trong gia tộc Tagore phải học tiếng Bengali trước mới
được học Anh ngữ sau, và riêng cậu bé Tagore khi đọc cuốn Macbeth bắt buộc phải dịch từng câu từng chương sang tiếng Bengali
để làm giàu cho quốc văn và để giúp cho mọi người hưởng thụ một áng văn hay.
Những cố gắng này
của từng cá nhân hay tập thể nhỏ, tuy có giá trị làm gương mẫu, tiếc là không
ảnh hưởng được bao nhiêu để ngăn chận cái phong trào đua đòi chung theo Tây
phương, hoàn toàn theo Tây phương, loại bỏ những giá trị cổ truyền của phương
Ðông. Chính vào lúc này, những công trình sưu khảo đại quy mô của các nhà học
giả phương Tây (như Huân tước Cunningham, Ðại tướng Marshall, người Anh; như
Eugène Burnouf, Alfred Foucher, và Emile Sénart, người Pháp; như Odenberg và
Kern, người Ðức và Hòa Lan) lại khám phá ra văn minh vĩ đại của đạo Phật bị chôn
vùi suốt nghìn năm từ lúc các đạo quân Hồi giáo tràn từ phía Tây sang quét sạch
đạo của Thích Ca ra khỏi nước Ấn Ðộ. Nhất là từ khi một sự tình cờ hãn hữu giúp
nhà khảo cổ James Prinsep tìm lại được văn tự Pali làm sống lại kho tàng vô giá
của kinh điển đạo Phật và đem dần ra ánh sáng sự nghiệp lập quốc, kiến quốc và
sự nghiệp hoằng dương đạo Phật của đại đế Asoka mà nhà khảo cổ Pháp Alfred
Foucher đặt vị thế trong lịch sử loài người cao hơn cả Tần Thủy Hoàng nước
Trung Hoa, Charlemagne của Châu Âu, thì người Ấn Ðộ mới được chút nào tỉnh
thức. Từ đó nẩy ra một mầm mống làm tái sinh đạo Phật tại Ấn Ðộ. Và chắc chắn
đó là một lý do tiềm tàng để cho người tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt Tagore đã đến
gần đức Phật. Trong buổi lễ khánh thành việc tái tạo tu viện Mulagandhakuti
Vihara tại tháp lớn Sarnath, nơi đức Phật lần đầu tiên công bố giáo lý của
ngài, Tagore ngày đó 26 tuổi xuất thần đưa ra lời cầu nguyện bằng một bài thơ:
Nguyện cầu xin Ðấng Chí tôn, một lần nữa giáng xuống
nơi đây uy danh của Ngài,
Uy danh đã làm cho đất sanh thành của Ngài (đất Ấn Ðộ)
* thành nơi chiêm ngưỡng của bao nhiêu giải đất gần và xa!
Xin ánh sáng giác ngộ của Ngài dưới cây bồ đề lại sáng
chói niềm toàn vẹn,
Ðẩy xa âm u ngu muội;
Và cầu xin đêm tối chấm dứt, để kỷ nguyên của Ngài lại
rực rỡ trên đất Ấn Ðộ.

(Tập thơ Parisesh,
1887)
Tưởng nơi đây cần
trình bày đôi điều nhận xét về ngôn ngữ trong thơ Tagore và các bổn dịch (tiếng
Anh và tiếng Pháp mà người Việt chúng ta có thể tìm đọc). Tagore làm thơ bằng
tiếng Bengali là tiếng mẹ đẻ của ông, và chính ông dịch thơ của ông sang Anh
ngữ. Cũng có đôi khi ông làm thơ bằng tiếng Anh và chính ông dịch ra tiếng
Bengali. Thơ Tagore được dịch ra rất nhiều Âu ngữ, như tiếng Anh, Ðức, Pháp, Ý,
Y-pha-nho... và Á ngữ như tiếng Trung Hoa, tiếng Nhật, do các nhà văn và nhà
thơ lừng danh ở địa phương phiên dịch. Người Việt Nam chúng ta yêu thơ Tagore
chỉ đọc được một bản dịch làm sách gối đầu của Ðỗ Khánh Hoan (Nxb An Tiêm)
nhưng tiếc là dịch giả không có một lời giới thiệu hay chú thích làm lạc lõng
người tìm đọc và tìm học trung bình. Hy vọng là tủ sách Hà Nội đã có nhiều bản
dịch Tagore khác qua tiếng Việt, bởi lẽ "văn chương hiện thực xã hội chủ
nghĩa" của Cách mệnh vô sản Sô viết trong bảy mươi năm trước đã hết sức ve
vãn Tagore xem ông cũng như Picasso là "anh hùng của nghệ thuật cách
mệnh."
Bengali vào đầu thế
lỷ XX là tiếng nói của hơn trăm triệu người Ấn Ðộ miền Tây (Calcutta), và miền
Ðông (đất Bangladesh hiện tại). Bengali là một tiếng nói có nhiều giọng, âm
thanh, lời nói như tiếng hát. Dịch thơ buộc dịch giả phải quen thuộc với âm
thanh tiếng nói, suy luận cách dùng lời hiểu biết cú pháp, cảm thông nét tinh
vi của tình ý. Các điểm phiến diện này vẫn chưa đủ. Người dịch còn làm thế nào
tái tạo, phục sinh linh hồn của câu thơ qua tiếng nói của chính mình. Vì có ai
đã làm được cho người ngoại quốc hiểu và cảm được một câu lục bát Kiều, nhất là
câu Kiều ngâm sa mạc chăng? Như vậy, dịch thơ đã khó, dịch thơ Tagore lại càng
khó hơn. Bởi lẽ Bengali chỉ là một thổ ngữ trong hàng trăm thổ ngữ của người Ấn
Ðộ, và chính số lớn người Ấn Ðộ trung bình không đọc được thơ Tagore. Ðiều vui
mừng là vì ảnh hưởng thi văn Tagore sâu rộng quá, thu hút được nhiều văn nhân
châu Âu, nên hầu hết các bổn thơ, kịch, truyện ngắn... của ông đều được phiên
dịch qua tiếng Anh, Pháp, Ðức do những ngòi bút giá trị thực hiện; và nhờ đó mà
thi văn Tagore trở lại với người Ấn Ðộ, và trong một giới hạn nào đã đến với
người Việt chúng ta! Nhưng ta hẳn trở lại với đề tài.
Cũng là cái tinh thần yêu nước Ấn Ðộ ngày nay bị người da trắng dày xéo, đã khiến người thơ
Tagore, trong một chuyến du lịch (mà ông gọi là hành hương) qua đất Thái Lan
(ngày đó gọi là đất Xiêm), đã ca tụng dấu vết huy hoàng của đạo Phật còn lại
trên chùa chiền và đền đài đất Thái, trong "Bài thơ tặng nước Xiêm,"
như sau:
Tôi đến đây, một kẻ hành hương nhỏ bé
quỳ trên ngưỡng cửa đất Xiêm
Dâng lên lời thơ đạm bạc vĩnh hằng đất Ấn Ðộ
vĩ đại còn dấu vết nơi đây
xa cách nghìn trùng các đền đài khói nhang tàn lụi
Và tôi xin tắm nước cam lồ
tuôn ra từ lòng đất Xiêm,
Suối nước muôn đời đã thoát ra
từ nơi thâm nghiêm đất Ấn Ðộ
Mặt trời của vô lượng Tình thương và Chánh đạo.
(To Siam, Parisesh)

Ðất Thái láng giềng
không phải là nơi độc nhất Tagore để lại bài thơ vinh ca đạo Phật. Bất cứ nơi
nào ở châu Á và Ðông Nam Á có vết tích đền đài hay văn minh đạo Phật như Java,
Bali, Miến Ðiện, Trung Hoa, Nhật Bổn... (điều đáng buồn là không có các xứ Ðông
Dương thuộc Pháp!) mà Tagore đã ghé chân lúc còn trẻ hay về sau ở trên đỉnh cao
danh vọng, ông cũng để lại thi văn tán dương đức Phật. Năm 1927, du hành qua
các nước Ðông Nam Á, đến Java, thăm đại tháp Borobudur, Tagore viết:
Con người hôm nay không còn chút yên vui,
trái tim khô cạn,
rong ruổi chạy theo bã lợi quyền trước mặt,
lợi quyền mà khi buông tay không còn chút ý nghĩa gì.
Ðã đến lúc ta phải suy tư tự tại
trú chân giữa cơn lốc vũ bão,
để nhận chân đức từ bi vô lượng
là ý nghĩa tận cùng của tự do
Và nguyện cầu: Tự quy y Phật, đương nguyện chúng
sanh...
(Borobudur,
Parisesh,1932)
Tagore và đức từ bi của đạo Phật
Nhưng không phải chỉ
riêng cái tinh thần ái quốc của một người Ấn Ðộ hay cái tinh thần tự tôn của
một người Ðông phương trước sức tàn bạo của phương Tây đã đưa Tagore đến với
đạo Phật. Tagore đã đến với đạo Phật vì cái "tâm" của ông. Là một
người Bà-la-môn sống trong truyền thống Ấn Ðộ giáo, Tagore đã được cái ý niệm
"từ bi vô lượng" của giáo lý Thích Ca thu hút, và đã trở thành một đệ
tử của Thích Ca. Ngày xưa đức Phật đã giải phóng con người thoát khỏi mọi trình
tự nghi thức, mọi tín ngưỡng dị đoan, và Ngài đã xóa bỏ mọi điều chướng ngại về
sắc da và chủng tộc giữa người và người. Lý luận của Ngài và bức thông điệp của
Ngài về tình thương cũng như lời dạy bất bạo động của Ngài đã chinh phục khối
óc và trái tim của nhà thơ Tagore. Những người bạn gần và hiểu biết cặn kẽ như
huân tước William Rothenstein, thi hào người Ái-nhĩ-lan William Yeats đều lặp
lại bằng chứng là tất cả lời dạy của đức Phật đều được thể hiện trong đời sống
của Tagore. Một nhà thơ khác Edward Thompson đã từng dạy môn văn chương Bengali
tại Bengal và Oxford, tác giả cuốn sách Rabindranath
Tagore: His Life and Work (Calcutta, 1921) khẳng định "Ông ta (Rabindranath) thờ
đạo Phật nhiều hơn là ông ta có cảm tình với vài giáo phái đạo Bà-la-môn thịnh
hành (ngày đó) tại quê hương Bengal
của ông. Tất cả lời dạy của đạo Phật đều được thể hiện trong đời sống hằng ngày
của ông ta."
Ví dụ cụ thể là sát sanh. Nhà thơ đau đớn tột độ khi nhìn thấy cảnh sát sanh, và sự kiện này được mô tả biết bao lần trong tác phẩm kịch nghệ, trong truyện ngắn của Tagore, rút ý từ những Chuyện Tiền Thân Jataka của kinh Phật. Ðiển hình là bổn kịch Prayaschitta viết năm 1893, đem lên sân
khấu năm 1909 cùng với bổn dịch tiếng Anh (Bổn dịch tiếng Pháp L'Expiatoire 1922). Nhân vật chính là hình ảnh của một tráng sĩ vô cùng tế nhị không chịu được nỗi đau xót của một con giun, con kiến bị chà đạp dãy chết, nhưng mà trái lại, nung nấu ý chí đấu tranh bất bạo động cho quyền làm người bình đẳng giữa người bản xứ với nhau (chế độ giai cấp, caste) và giữa người da trắng thống trị và người da vàng bị trị, đấu tranh chịu nhục hình để không đóng thuế cho quân cướp nước. Trên sân khấu chính trị, Thánh Cam-địa (Mahatma Gandhi) hai mươi năm sau mới xuất hiện, nhưng nhân vật trong kịch bổn của Tagore đã gợi lên hình dáng rực rỡ của người
anh hùng Ấn Ðộ và Á châu Gandhi, từ đầu thế kỷ.
Ðồng thời với bổn
kịch Prayashitta, là tập truyện ngắn Rajarshi
(có ghi trong thư mục ba bổn tiểu sử đầy đủ nhất của Tagore do Ernest Rhys
(1915), Rothenstein (1932) và Krisna Kripalani (1962) viết, nhưng không thấy
ghi tên bổn dịch ra ngoại ngữ) lên án việc sát sinh thú vật. Tagore mô tả từng
chi tiết với nỗi khổ đau không nói ra được của con vật bị người đem ra giết làm
thức ăn hay giết để tế lễ theo tín ngưỡng dị đoan. Santiniketan là ấp riêng của
gia tộc Tagore bao bọc con sông Shelaidaha bốn mùa có bóng mát nên rất nhiều
chim muông. Ông ra lệnh cho người trong ấp và du khách không được săn bắn súc
vật, tạo nên một khu đất dành riêng làm môi trường cho việc bảo tồn thiên
nhiên. Và cho đến ngày nay dân chúng trong vùng giữ kỷ niệm tốt đẹp của Tagore,
vẫn tuân theo các luật lệ cấm săn bắn, cấm phá hoại thiên nhiên của ông đặt ra
từ lúc sanh thời.
Tagore biết rõ là
trên hoàn vũ và trong suốt lịch sử nhân thế, đức Phật lên tiếng trước tất cả,
tìm cách ngăn chận và chỉ rõ hậu quả tác hại do sự độc ác của loài người đối
với cầm thú, đối với môi trường thiên nhiên gây ra, hãm hại đời sống ngày mai.
Bởi vậy mà nhà thơ cầu nguyện xin đức Phật tái sinh (NatirPuja): OSerene, OFee, bổn dịch tiếng Anh):
Khẩn cầu xin Ðức Thế Tôn lại giáng xuống trần!
Ngài, đấng vô lượng thọ, vô đẳng luân
Xin xót thương ban niềm hy vọng muôn đời,
Xin tưới xuống mật ngọt vô lượng tỏa ra
từng cánh trên đài sen sáng chói!
Thanh thản làm sao, bao la làm sao
là đức từ bi vô lượng, là lòng hỷ xả không bờ
của đấng Thế Tôn.
Xin dang tay xóa bỏ mọi tục lụy
trên cõi ta bà này
Cũng trong tập thơ này, ta đọc:
Ngài đã ban muôn vàn ân huệ, xin Ngài ban thêm
cho mỗi chúng con ý thiện thoát ly,
Xin Ngài khơi dậy trong mỗi chúng con chất men
gây lại vốn người.
Tagore và đức trí của đạo Phật
Tagore, như ta đã
thấy ở trên, không chỉ đến với đạo Phật vì lòng ái quốc, vì cái tâm, mà sâu đậm
hơn nữa vì điều trí. Trong Dhammapada,
cuốn sách về tư tưởng triết lý và chính trị xuất bản năm 1930, ông viết:
"Không biết bao nhiêu chất liệu dưới mọi hình sắc
đã được chôn vùi trong kinh điển nhà Phật. Và chính bởi ngày nay chúng ta đã xa
lạ với các chất liệu vô giá đó mà tất cả lịch sử của văn minh Ấn Ðộ chưa được
khai thác vẹn toàn. Ước gì một số thanh niên Ấn Ðộ chúng ta, khi đã được điều
nhận xét trên khắc phục, bỏ tâm huyết vào chuyên chú học Phật, làm việc tìm học
đạo Phật thành một sứ mệnh để phục hưng cái gia sản muôn đời."
Tagore không chỉ đưa
ra một lời kêu gọi suông. Chính ông tự bắt tay vào việc, gom góp sưu tầm kinh
Phật, hiệu đính và dịch thuật qua Anh ngữ, giúp tạo nên phong trào học Phật vào
đầu thế kỷ Hai mươi. Trong Ðại học Visva Bharati dựng lên một Phân khoa Phật
học, hằng năm mở các khóa đào tạo và tu nghiệp cho người học Phật. Học giả trên
toàn thế giới đổ xô đến tham gia học tập, thảo luận và sưu khảo dưới sự chỉ đạo
của ông.
Năm 1935, khi uy danh của ông đã vang lừng bốn bể, Tagore nhận lời mời của Hội Maha Bodhi Society đến chủ tọa lễ đản sanh của Ðức Phật, người Ấn Ðộ gọi là lễ Purnima (danh từ thống nhất về sau gọi là lễ Visakha). Nhà thơ tuyên bố: "Ngày trăng tròn visakha hôm nay, tôi được đến đây thành tâm thiết lễ Ðản Sanh của đấng Chí Tôn. Tôi xin cúi đầu đảnh lễ trước đức Phật mà từ đáy lòng tôi hiểu Ngài là con người cao cả nhất trong mọi tầng lớp người đã sinh ra trong cõi đất này. Ðây là dịp cho tôi chứng minh được lòng tôn kính của tôi đối với đức Phật, đây là cơ hội hãn hữu đối với tôi.
Tôi xin thành kính đảnh lễ đức Phật mà mỗi ngày tự trong thâm tâm tôi vẫn thành
kính chiêm ngưỡng." Trong dịp này, nhà thơ đặt một bài thơ phổ nhạc ca
tụng đức Phật mà người Ấn Ðộ ví như bài thơ "Ode to Joy" của Frederic
Schiller soạn và được đại nhạc gia Beethoven phổ qua nhạc trong khúc Ðại hòa
tấu giao hưởng số Chín. Bài thơ phổ nhạc của Tagore (do chính ông phổ nhạc) bắt
đầu bằng câu: "Vạn tuế đức Thế Tôn
đã thành công loại bỏ lỗi lầm đen tối (của mọi người)”. Giáo sư Krishna
Kripalani tác giả bộ tiểu sử bằng Anh ngữ được xem là xác thực nhất của Tagore
viết là Tagore vô cùng kiêu ngạo, suốt đời ông chưa hề quỳ lạy một người hay
hình tượng nào, vậy mà khi đến Bồ đề đạo tràng Buddha Gaya, thấy bức tượng của
Thích Ca, ông sụp xuống lạy đảnh lễ. Cũng chính Tagore đã viết về mình: "Tôi là một đệ tử của Ðức Phật, quy y
vì trí tuệ của Ngài. Thế nhưng mỗi khi tôi đến những nơi có xá lợi của Ngài,
tôi vô cùng xúc động vì cảm thấy được gần gũi Ngài" (Trích trong sách
Samalochana, 1888). Khi xa hình tượng đức Phật, không còn bồi hồi xúc động, nhà
thơ và triết gia trở lại với lý trí thuần túy, viết trong sách Buddha &
Buddhism (Ðức Phật và Ðạo Phật 1927): "Ðạo
Phật là sức mạnh tinh thần đầu tiên trong lịch sử loài người đã liên kết được
bao nhiêu nòi giống xa cách nhau bằng muôn nghìn sông núi, bằng tiếng nói và
phong tục, bằng nếp chênh lệch giữa trình độ văn minh. Sức mạnh liên kết này
không phải là mối giao liên thương mãi, không phải là thành trì đế quốc, hay là
điều hiếu kỳ khoa học, lại càng không phải là nổi khát vọng tìm đất mới để di
cư. Sức mạnh liên kết này thuần túy là tinh thần cố gắng bất vụ lợi giúp con
người đạt tới cứu cánh tận cùng của mình” (Tagore: Buddha & Buddhism đã
dẫn).
Thật vậy, hài hòa
giữa muôn loài để tìm lối thoát nghiệp chướng khổ đau "cứu cánh tận cùng của con người (man's find goal)" là ý
nguyện của đức Phật. Ngài đã liên kết chúng sinh trên trái đất bằng tình yêu và
nhà thơ Tagore đã nhận chân được điều đó. Phương tiện đạt tới hài hòa là làm
theo lời dạy của đức Phật: tin Phật, tin vào Pháp của Phật, và xem tăng lữ là
người bạn dẫn đường. Tagore viết:
Khi lời rao giảng quy y Tam Bảo
Như sấm vang trên thinh không qua đồi qua núi
Qua sa mạc, qua biển khơi
Các quốc gia thức tỉnh cùng vùng dậy đáp ứng
giữa miếu đường, quyết tâm dứt nghiệp
dâng lời thề nguyện hướng về giải thoát
đập tan xiềng xích trói buộc nhục thân
(Bài thơ tặng nước
Xiêm, Parisesh) *

Giáo sư Buddhadeva
Bose thuộc Viện đại học Bombay là một trong những chuyên gia nghiên cứu Tagore,
đã mô tả ông như là "một hiện tượng
của thế kỷ"..., "một sức mạnh của Tạo hóa thổi vào nền văn
học"... và "điểm đặc trưng
nhất của ông là khối lượng, bao xuyến mọi lãnh vực, muôn hình muôn
trạng"... "Rabindranath Tagore là nhà văn toàn diện, đầy đủ bậc nhất
trên thế giới." Buddhadeva Bose cũng như các nhà học giả cổ điển khác
sắp văn phẩm của Tagore thành bốn mục: thơ trữ tình; chuyện ngắn và tiểu
thuyết; kịch nghệ và âm nhạc; tư tưởng triết học và chính trị.
Trong lãnh vực thi
ca trữ tình, địa vị của Tagore tại Ấn Ðộ có thể đem so sánh với Nguyễn Du trong
thi văn nước ta trong mực thước khiêm tốn hơn, dĩ nhiên khiêm tốn về phần chúng
ta. Trước Tagore, thơ trữ tình Bengali không ai để ý; sau Tagore chưa có một
nhà thơ nào sánh kịp được một phần. Thơ Tagore lại còn là loại thơ để phổ nhạc
vì lẽ âm thanh đặc biệt của tiếng nói Bengali, và cũng vì lẽ Tagore là một nhạc
sĩ thiên tài.
Chuyện ngắn và tiểu
thuyết của Tagore phần đã được dịch ra Anh ngữ được sắp xếp thành ba bộ lớn,
gồm bốn đề tài: sự cách biệt giữa đời sống thôn quê và thành thị; giáo dục là
phương tiện để tiến bộ; tinh thần quốc gia và ý kiến chính trị; khai phóng nữ
lưu và cộng đồng.
Tác phẩm kịch nghệ
và phần phổ nhạc là phần sáng tác Tagore vừa ý nhất. Như ở trên đã minh định
giới hạn, trong bài này ta không bàn tới tư tưởng triết lý và chính trị của
Tagore, mà chỉ tìm hiểu phần sáng tác thuần túy văn nghệ của ông liên hệ đến
đạo Phật.
Ðiều cần phải nhắc
lại ngay là chín mươi phần trăm sáng tác thi văn của Tagore viết bằng tiếng
Bengali, và chỉ khoảng gần một nửa được dịch qua Anh ngữ. Trong số tác phẩm được
dịch ra Anh ngữ, phần liên hệ tới đạo Phật không đếm được bao nhiêu bởi lẽ
người Tây phương làm quen với Ấn Ðộ ngày đó rất nghi ngại, nếu không nói là
khinh khi đạo của Thích Ca.
Năm 1961, kỷ niệm
100 năm sinh hạ Tagore, nhà xuất bản Macmillan tổng kê tác phẩm Tagore trong
tập sách Centenary Volume trong đó
ghi chú 41 tác phẩm kịch nghệ. Chín bổn đã được dịch lúc sinh thời tác giả, tám
bổn được in sau khi ông mất, 24 bổn còn lại nguyên tiếng Bengali. Trong những
bài đã dịch qua tiếng Anh chỉ có đôi bổn như kịch bản Prayaschitta đã dẫn trên
quen thuộc với chúng ta về mặt đạo Phật. Bây giờ nếu ta đọc giáo sư Bimal
Barna, một học giả Phật giáo trường Nalanda (Calcutta Reviews, 1960) ta học
được là rất nhiều bài thơ trữ tình, chuyện ngắn, kịch bản của Tagore được sáng
tác rút chất liệu trong những Chuyện Tiền thân đức Phật (Kinh Jataka). Bismal Barna dẫn những bài thơ ngắn hoặc trường
thiên, nhiều bài đã viết ra kịch bản, tiểu thuyết như tập thơ Katha,
Sreshta-Bhiksha, Mastakbikray, Nagarlaksmi, Pujarini... những đề mục quen thuộc
trong kỹ nghệ điện ảnh Ấn Ðộ ngày nay! Nhà sưu khảo còn viết thêm là những bài
thơ, truyện ngắn, kịch bản này được diễn tả với bút pháp "không so sánh được trong lịch sử văn chương."
Rất tiếc vì hàng rào
ngôn ngữ, thế hệ chúng ta bắt buộc trở thành xa lạ với những kỳ quan này.
Phương Tây -- vì lý do hoàn cảnh, có chúng ta trong đó -- chỉ biết được Tagore
thoáng qua và không trọn vẹn. Sau này những người trẻ tìm học đạo Phật, nếu đến
với Tagore, chắc chắn sẽ gặp một kho tàng vô giá chờ đợi được khai thác.
_____________________
(* chữ trong vòng đơn là lời của người dịch. Tập thơ Parisesh viết bằng tiếng Pali năm 1887, dịch ra Anh ngữ và xuất bản tại Luân đôn năm 1932.)