Nội dung thư

Thursday, October 2, 2014

* ĐƯỜNG MÌNH ĐI

 Tôi đang lang thang trên những con đường xứ Ấn. Có những buổi chiều trong sân nhà dòng, trời nóng, cây cối um tùm, quạ đen kêu từng bầy. Có những sáng tờ mờ tôi xuống chợ, len qua những con hẻm chật chội, lẫn rác với phân bò, phân dê, từng vũng nước dơ nhìn đám người ăn xin nằm ngủ trùm vải kín đầu. Tôi đang đi tìm gì trên đất Ấn? Tôi biết mình sẽ không ở lại đây như những thầy tu khổ hạnh Sadhu hay những người chán kiếp sống bình thường tìm về đất Ấn huyền bí. Nhưng trong tôi, tôi vẫn muốn đi tìm. Một cái gì đó thuộc về thế giới thần linh. Đấy có phải là âm vang, “Lạy Chúa, hồn con khắc khoải cho tới khi được nghỉ yên trong Chúa”.
Hành trình trên đất Ấn nhiều khoảng thời gian không mấy thú vị, ngồi cả ngày trên chuyến xe đò cũ kỹ, tài xế phải cột sợi dây kẽm với cái cần đề máy mỗi khi ngừng. Đến những khúc quanh, ông phải lấy hết sức nghiêng người bẻ cần lái, cái gì cũng cũ kỹ như muốn rơi rụng ra. Mồ hôi đầm đề. Đường ổ gà gập ghềng. Những lúc ê ẩm, mỏi đừ người như thế, tôi bao giờ cũng nhớ đến chiếc Toyota màu xanh da trời vẫn lái ở Mỹ. Xe ở đó có máy lạnh mát rượi. Chung quanh tôi không có bạn bè. Những người Ấn xa lạ. những con đường từ tỉnh này qua tỉnh khác dài như vô tận. Chiếc xe đò cứ dập dềnh. Tôi đi tìm gì trên những con đường hong nắng, rải rác bóng cây chà là này? Tôi bắt đầu bỏ miền nam nước Ấn, đi dần về hướng bắc. Đất bắc là nơi Đức Phật bắt đầu cuộc thuyết giảng đạo lý.

♦♦♦
Ở Savatthi, Đức Phật dạy chúng sinh tìm đường giải thoát khổ đau. Chiều nào người thanh niên trẻ cũng đến nghe Đức Phật thuyết pháp. Anh ta kiên nhẫn ngày này qua tháng nọ.
Ngày kia, người thanh niên xin giáp mặt Đức Phật, hỏi Ngài:
- Tâm con không an, vì trí con bao nhiêu thắc mắc.
Đức Phật trả lời:
- Cõi về hạnh phúc rất đơn giản, không thể phức tạp. Nào con, cho Ta biết nỗi băn khoăn của con.
- Thưa Ngài, cả năm con đến nghe Ngài giảng. Nhiều người đã tìm thấy con đường giải thoát, không cần đến đây nữa. Kẻ cũ ra đi, người mới tiếp tục tới. Chung quanh Ngài biết bao kẻ tìm thấy đạo. Nhưng thưa Ngài, cũng có kẻ không giải thoát được mình. Một trong những người đó là con đây. Tại sao vậy? Ngài là Đức Phật từ bi, đã đạt đạo nhiệm mầu, sao Ngài không ra tay cứu vớt chúng sanh, hoá phép cứu đời?
Đức Phật hỏi người thanh niên:
- Này người bạn trẻ, con từ đâu đến vậy?
- Bẩm Ngài, con sống ngay đây, tại Savatthi này, ngôi làng của Ngài.
- Con sống ở đây, nhưng giọng nói và nước da của con cho Ta biết con không sinh ra từ chốn này. Gốc gác con từ đâu đến?
- Thưa Ngài, con từ Rajagaha. Con lập nghiệp ở đây được vài năm.
- Con còn liên hệ gì nơi quê hương con không hay day dứt bỏ hết rồi?
- Thưa Ngài, con còn cha mẹ, anh em.
- Có khi nào con trở lại thăm họ không?
- Thưa Ngài có chứ. Một năm đôi ba lần vì con còn cả ruộng đất nữa.
Đức Phật nhìn người thanh niên ôn tồn hỏi:
- Mỗi lần về, con còn nhớ đường, hay phải hỏi người ta?
- Thưa Ngài, nhớ chứ. Bịt mắt con cũng biết lối đi!
Đức Phật tiếp câu chuyện:
- Những người ở Savatthi này đều biết con ở Rajagaha đến đây lập nghiệp, họ đều biết con lâu lâu lại về quê cũ. Giả sử có người muốn đi Rajagaha, con có chỉ đường cho họ đi không?
- Ồ! Thưa Ngài có chứ! Có gì đâu mà giấu.
Câu chuyện tạm dừng. Đức Phật kéo người thanh niên chú ý hơn vào cuộc đối thoại:
- Con chỉ rõ đường cho họ, nhưng ngày hôm sau họ lại đến hỏi. Con không giấu diếm, vẽ lối, căn dặn họ đi. Vài ngày sau họ lại đến hỏi. Họ tin là con biết rõ đường vì nhà quê con ở đó. Họ cứ tiếp tục hỏi đường. Bao giờ họ đến nơi?
- Thưa Ngài không bao giờ tới được nếu họ chỉ hỏi đường mà không đi.
Đức Phật lặng thinh một chút rồi nói với anh ta:
- Cũng vậy, con thấy đó, nhiều người đến hỏi Ta con đường niết bàn vì tin Ta biết lối về. Ta chỉ rõ không giấu. Nhưng ta không đi hộ ai được. Cha mẹ vì thương cũng không đi giùm con cái được. Ta chỉ có thể nói đây là đường. Ta đã đi đường này. Giờ đến lượt các ngươi.

♦♦♦
Đường về niết bàn, phải bước con đường mình đi. Không thể tới đích nếu không đi.
Chẳng ai giải thoát được mình nếu mình không tự bước đi.
Kẻ đi một bước, gần một bước. Kẻ đi trăm bước gần trăm bước.
Phải lên đường bằng ý chí. Phần con, đã đi được mấy bước?


Tác giả Nguyễn Tầm Thường, sj.