Nội dung thư

Sunday, January 4, 2015

* Hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á vừa phát hiện ở Việt Nam

Suốt chiều dài 25 km của hang động vừa phát hiện ở tỉnh Đăk Nông có nhiều hốc sụt, cấu tạo đặc trưng quá trình phun trào dung nham, các di tích thực vật cách đây hàng triệu năm...

Phát hiện hang động núi lửa lớn nhất Đông Nam Á ở Việt Nam

Sau 7 năm nghiên cứu, các nhà khoa học thuộc Bảo tàng địa chất Việt Nam (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản) cùng các nhà khoa học Nhật Bản đã tìm thấy hệ thống hàng chục hang động núi lửa trong đá bazan ở huyện Krông Nô, tỉnh Đăk Nông. Hang dài 25 km từ miệng núi lửa buôn Choar dọc theo chiều dài sông Sêrêpôk đến khu vực thác Dray Sáp.



Đây là hệ thống hang động hiếm gặp bao gồm hàng chục hang động và miệng núi lửa hình thành từ quá trình phun trào dung nham, được cho là cách đây hàng triệu năm. Hang động nằm trong rừng sâu, chưa ghi nhận dấu vết của con người nhưng có nhiều loài vật sinh sống.


Hang lớn nhất có chiều dài gần 1.100 m, bên trong rộng hàng nghìn mét, có cấu trúc độc đáo và đặc trưng của hang động núi lửa với dòng dung nham phun ngược.


Một số cửa hang nhìn từ phía trong ra ngoài, với khung cảnh thiên nhiên núi rừng hùng vĩ.


Nhiều cửa hang rộng hàng trăm mét, sâu vào lòng đất hàng nghìn mét, có những cấu trúc có giá trị về mặt khoa học.


Hang động tạm gọi là C7 được giới chuyên gia khảo sát xác định dài hơn một km. Theo đánh giá của các nhà khoa học Nhật Bản, đây là hang động núi lửa lớn nhất Đông Nam Á.


Phía trong đường hầm có những tảng đá vuông vắn được sắp đặt ngay ngắn.


Trong hang động có nhiều cấu tạo đặc trưng cho quá trình phun trào như các ngấn dung nham, dòng chảy dung nham, hốc sụt; cùng các di tích thực vật và quá trình đông cứng dung nham bazan xảy ra cách đây hàng triệu năm.


Thạch nhũ trên nền hang động tạo thành những hình thù sinh động.


Hang này nối liền với hang khác qua ngách ngăn chỉ một người chui lọt.


Nhiều hang động có cửa hang cao hàng chục mét. Để xuống phải dùng đến thang dây chuyên dụng.
UBND tỉnh Đăk Nông đang phối hợp với Bảo tàng Địa chất Việt Nam xây dựng đề cương quy hoạch hệ thống hang động dọc sông Sêrêpốk thành công viên địa chất toàn cầu.