Nội dung thư

Friday, November 1, 2013

* Ai thực sự là chủ nợ lớn nhất của nước Mỹ?

Wednesday, 30 October 2013 07:11

Written by Dr. Tristan Nguyễn

Vào đầu tháng Mười năm 2013 Nước Mỹ đã trãi qua mười sáu ngày đêm bế tắt ngân sách cho đến nỗi Chính Phủ Liên Bang Mỹ phải đóng cửa tạm ngưng làm việc từng bộ phận kém quan trọng của chính phủ.  Hai chính đảng là Cộng Hoà và Dân Chủ đã tranh cãi quyết liệt với nhau về việc nâng Mức Giới Hạn Nợ của nước Mỹ.  Những giờ phút cuối cùng trước khi nước Mỹ bước sang ngày đáo hạn nợ, nếu Lưỡng Viện Quốc Hội Mỹ đã không đạt được sự đồng thuận chấp nhận nâng Mức Giới Hạn Nợ lên cao hơn thì nước Mỹ phải chịu tình trạng “không trả nợ tín dụng đúng kỳ hạn/default” với cái hậu quả tệ hại là cả hai nền kinh tế Mỹ và thế giới sẽ cùng rơi xuống vực thẳm.  Cái chiến lược “thúc đẩy sự tranh chấp chính trị đến cực điểm bên bờ vực thẳm/Brinkmanship” của Đảng Cộng Hoà được áp dụng cho tới những giờ phút cuối cùng đã rất nguy hiểm nhưng không thành công, khiến cho Đảng Cộng Hoà bị bắt buộc phải nhượng bộ và thoả thuận với Đảng Dân Chủ chấp nhận một ngân sách tạm thời đến ngày15/1/2014, và nâng Mức Giới Hạn Nợ tạm thời đến ngày 7/2/2014. Có kết quả liền sau đó là những bộ phận kém quan trọng của Chính Phủ Liên Bang Mỹ đã bị tạm thời đóng cửa thì được phép mở cửa làm việc trở lại như thường lệ. Tuy nhiên, có một chi tiết rất quan trọng mà hình như rất ít người nhận thấy, đó là Mức Giới Hạn Nợ tạm thời đã được Lưỡng Viện Quốc Hội Mỹ đồng thuận chấp nhận nâng lên nhiều hơn trước đây nhưng cái Mức Giới Hạn Nợ là bao nhiêu cho dù là được nâng tạm thời là ba tháng?  Bởi vì Mức Giới Hạn Nợ Tạm Thời cũng phải được ấn định là bao nhiêu trong ba tháng.  Quốc Hội Mỹ đã không ấn định rõ ràng Mức Giới Hạn Nợ Tạm Thời là bao nhiêu chục nghìn tỉ đô la thì Chính Phủ Liên Bang Mỹ sẽ có cơ hội chi tiêu cho sướng tay nhé (!)  Tuy nói vậy nhưng không phải vậy, bởi vì Chính Phủ Obama đã chứng tỏ là một “người chi tiêu có trách nhiệm” chứ không phải “xài tiền như một tên thuỷ thủ say rượu”.   


Đã có một sự thoả thuận giữa Chính Phủ Obama và Quốc Hội Mỹ là cho phép Nợ Công của nước Mỹ tăng lên trong khi Lưỡng Viện Quốc Hội Mỹ chấp thuận thông qua ngân sách của chính phủ. Sự thoả thuận này thật ra là một thành quả của Thượng Viện Mỹ bởi vì trong nhiều năm qua Thượng Viện Mỹ đã không làm tròn những trách nhiệm hiến định trong công việc thông qua được một dự luật ngân sách nào cả.

Khi tổng số Nợ Công của nước Mỹ đã tới 16738 nghìn tỉ đô la vào tháng Năm năm 2013 thì nó đã được khoá sổ, có nghĩa là tổng số Nợ Công đã tới mức Giới Hạn Nợ/Debt Limit hay là Debt Ceiling (!) Bộ Tài Chánh Mỹ/U.S Treasury đã phải áp dụng một số biện pháp đặc biệt để làm chắc chắn rằng tổng số chính thức Nợ Công của nước Mỹ không vượt quá Mức Giới Hạn Nợ đó, cụ thể như việc hoãn vay tiền để cung cấp ngân sách những quĩ lương hưu của công chức chính phủ liên bang. Trong cùng một lúc với việc áp dụng những biện pháp đặc biệt của Bộ Tài Chánh Mỹ thì Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang Mỹ/Federal Reserve Bank (FED) đã thực hiện những chương trình mua vào mỗi tháng 85 tỉ đô la Công Khố Phiếu Mỹ/U.S Treasuries (UST) và chứng khoán Hổ Trợ Thế Chấp Địa Ốc/Mortgage-Backed Securities (MBS).

Từ ngày 30/9/2012 là cuối Năm Tài Chánh 2012 của Chính Phủ Liên Bang Mỹ thì Bộ Tài Chánh Mỹ và Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang Mỹ đã thực hiện thành công những biện pháp làm giảm bớt rất nhiều áp lực của Mức Giới Hạn Nợ Công của nước Mỹ cho tới ngày 30/9/2013, cũng là ngày mà Lưỡng Viện Quốc Hội Mỹ phải đồng thuận chấp nhận một ngân sách năm mới cho Chính Phủ Liên Bang Mỹ và đồng thời phải nâng Mức Giới Hạn Nợ lên cao nhiều hơn 16738 nghìn tỉ đô la.

Trong thời gian mười sáu ngày đêm bắt đầu từ ngày 1/10/2013 tới cuối ngày 16/10/2013 Chính Phủ Liên Bang Mỹ đã bị bế tắt ngân sách không thể bắt đầu Năm Tài Chánh 2013 nên đã có một số bộ phận kém quan trọng của các cơ quan chính phủ liên bang phải tạm nghỉ việc, và việc nâng Mức Giới Hạn Nợ của nước Mỹ cũng không được Quốc Hội Mỹ thực hiện như đã có thoả thuận với Chính Phủ Obama từ trước là khi Lưỡng Viện Quốc Hội đồng thuận thông qua ngân sách của Năm Tài Chánh 2013 thì đồng thời nâng cao Mức Giới Hạn Nợ nhiều hơn trước. Nguyên nhân chính của sự bế tắt ngân sách và không nâng cao Mức Giới Hạn Nợ có thể làm cho nước Mỹ lâm vào tình trạng “không trả nợ tín dụng đúng kỳ hạn/Default” là do Đảng Cộng Hoà muốn huỷ bỏ chương trình bảo hiểm vừa túi tiền cho mọi người Mỹ/ObamaCare nên đã lợi dụng nó như một điều kiện bắt buộc để thông qua ngân sách Năm Tài Chánh 2013. Vấn đề bế tắt ngân sách, đóng cửa từng phần của chính phủ liên bang, và không nâng Mức Giới Hạn Nợ đều đã xảy ra và đều ở ngoài phạm vi thảo luận của bài viết này.     

Vậy thì trong bài viết này đã tới lúc xem xét AI THỰC SỰ LÀ CHỦ NỢ LỚN NHẤT CỦA NƯỚC MỸ?

Các nhà đầu tư tài chánh tư nhân đã từng có quan niệm rõ ràng và tin tưởng vào Công Khố Phiếu của Bộ Tài Chánh Mỹ như một thứ tài sản an toàn vì luôn luôn có tỉ lệ lợi nhuận được bảo đảm dựa trên nguồn thu thuế chắc chắn của nước Mỹ.

Trong mấy chục năm vừa qua Bộ Tài Chánh Mỹ đã phát hành rất nhiều Công Khố Phiếu để huy động một nguồn vốn khổng lồ được phục vụ cho việc tăng trưởng kinh tế và cho những hoạt động quan trọng của nước Mỹ nói chung. Vào năm 2012 tổng số Nợ Công đã vượt qua mức 15000 tỉ đô la.

Tính đến ngày 30 tháng 6 năm 2013 căn cứ vào những số liệu chính thức của Bộ Tài Chánh Mỹ thì những Chủ Nợ Lớn của nước Mỹ được liệt kê như sau đây:

A.    Chủ Nợ Thực Sự Lớn Nhất của nước Mỹ chính là Người Mỹ.  Chủ Nợ Lớn Nhất rất đa dạng này đang nắm giữ 66.5% tổng số Nợ Công của nước Mỹ. Nhóm Chủ Nợ Lớn Nhất rất đa dạng này gồm có:

1.     Chủ Nợ thứ nhất trong Nhóm Chủ Nợ Lớn Nhất của nước Mỹ chính là những Cá Nhân Người Mỹ (Nhà Đầu Tư Tài chánh), những Cơ Quan, Tổ Chức, Hội Đoàn người Mỹ/U.S. Individuals and Institutions đã đầu tư vào Công Khố Phiếu Mỹ. Nhóm Chủ Nợ này đa dạng đang nắm giữ 31.7% Nợ Công của nước Mỹ.

2.     Chủ Nợ thứ hai trong Nhóm Chủ Nợ Lớn Nhất của nước Mỹ chính là Quĩ Uỷ Thác An Sinh Xã Hội người Mỹ/U.S. Social Security Trust Fund. Quĩ Ủy Thác An Sinh Xã Hội đang nắm giữ 16% Nợ Công của nước Mỹ.

3.     Chủ Nợ thứ ba trong Nhóm Chủ Nợ Lớn Nhất của nước Mỹ chính là Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang Mỹ/Federal Reserve Bank (FED). FED đang nắm giữ 12% Nợ Công của nước Mỹ.

4.     Chủ Nợ thứ tư trong Nhóm Chủ Nợ Lớn Nhất  của nước Mỹ chính là Quĩ Lương Hưu Trí của Công Chức người Mỹ/U.S. Civil Service Retirement Fund. Quĩ Lương Hưu Trí của Công Chức người Mỹ đang nắm giữ 4.4% Nợ Công của nước Mỹ.

5.     Chủ Nợ thứ năm trong Nhóm Chủ Nợ Lớn Nhất của nước Mỹ chính là Quĩ Lương Hưu Trí của Quân Nhân người Mỹ/U.S.Military Retirement Fund. Quĩ Lương Hưu Trí của Quân Nhân người Mỹ đang nắm giữ 2.5% Nợ Công của nước Mỹ.

B.    Chủ Nợ Lớn Thứ Nhì của nước Mỹ là gom chung lại nhiều Quốc Gia trên thế giới đã đầu tư vào Công Khố Phiếu Mỹ/All Other Foreign Nations. Nhóm Chủ Nợ Lớn Thứ Nhì này đang nắm giữ 14.6% Nợ Công của nước Mỹ.

C.   Chủ Nợ Lớn Thứ Ba của nước Mỹ là Trung Quốc gồm cả Hong Kong/China and Hong Kong. Trung Quốc và Hong Kong đang nắm giữ 8.4% Nợ Công của nước Mỹ tương đương 1268.1tỉ đô la. Trung Quốc và Hong Kong là một nước ngoài đầu tư vào Công Khố Phiếu Mỹ nhiều nhất, hơn tất cả các nước khác.

D.   Chủ Nợ Lớn Thứ Tư của nước Mỹ là Nhật Bản/Japan.  Nhật Bản là đối tác thương mại chính của nước Mỹ và đồng thời cũng đầu tư vào Công Khố Phiếu Mỹ.  Nhật Bản đang nắm giữ 6.5% Nợ Công của nước Mỹ tương đương 1149.1 tỉ đô la.

E.    Chủ Nợ Lớn Thứ Năm của nước Mỹ là các Nhà Xuất Cảng Dầu Thô/Oil Exporters  gồm có các nước Ecuador, Venezuela, Indonesia, Bahrain, Iran, Iraq, Kuwait,Oman, Qatar, Saudi Arabia, Algeria, Gabon, Libya, Nigeria và United Arab Emirates. Các Nhà Xuất Cảng Dầu Thô đã đầu tư vào Công Khố Phiếu Mỹ và đang nắm giữ 1.5% Nợ Công của nước Mỹ tương đương 269.1 tỉ đô la.

F.    Chủ Nợ Lớn Thứ Sáu của nước Mỹ là Ba-Tây/Brazil. Ba-Tây cũng là đối tác thương mại của nước Mỹ trong khu vực Nam Mỹ Châu và đồng thời cũng đầu tư vào Công Khố Phiếu Mỹ.  Ba-Tây đang nắm giữ 1.5% Nợ Công của nước Mỹ tương đương 259.6 tỉ đô la.

G.   Chủ Nợ Lớn Thứ Bảy của nước Mỹ là Vương Quốc Anh/United Kingdom. Vương Quốc Anh là một đối tác rất quan trọng trên mọi lãnh vực của Mỹ và đồng thời cũng đầu tư vào Công Khố Phiếu Mỹ. Vương Quốc Anh đang nắm giữ 1.0% Nợ Công của nước Mỹ tương đương 159.1 tỉ đô la.

Chúng ta vừa xem xét AI là Chủ Nợ Thực Sự Lớn Nhất của nước Mỹ thì nhận thấy rõ ràng chính là Người Mỹ. Vì vậy, để kết luận bằng một câu hỏi giản dị là “Quốc Hội Mỹ có dám mạo hiểm để cho Chính Phủ Liên Bang Mỹ không trả Nợ Công hay không?”

Dr. Tristan Nguyễn

San Francisco, 27/10/2013