(11/16/2013 02:27 PM)
Qua những lần chuyện trò trên Đ.T hay qua điện thư, và nhất là trong cuộc gặp gỡ tại nhà, sự hiểu biết về văn thơ của đàn em Nguyễn Thanh, # 29, với một phong thái chững chạc và đầy tự tin, đã đưa tôi đi từ ngạc nhiên này qua đến thích thú nọ. Mong rằng bài viết dưới đây của Thanh về thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên, được xem như là món quà ra mắt của đàn em vừa đến với Hội chưa quá 2 tháng, nhất quyết sẽ không phải là bài duy nhất cho Mục 99 Độ. Sự trung thực sâu sắc của bài viết qua sự cảm nhận cá nhân, sự tìm đọc tài liệu để thấu triệt bài viết qua nhiều cái nhìn khác nhau, đã chứng minh được cách làm việc có hệ thống, khả dĩ đưa đến sự thành công trong tương lai. Cám ơn người đàn em Nguyễn Thanh văn võ song toàn, and wish you the best.
Vĩnh Chánh/BBT.
Khi mình đến thăm sư huynh Vĩnh Chánh và trong lúc hầu chuyện với anh về thơ văn, mình có đề cập về thân phận người thi sĩ này. Sư huynh ra đề cho mình viết một bài về thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên và "tất nhiên" là mình không thể nói "không". Về nhà, mình đọc lại những bài thơ và những bài viết về ông. Mỗi tác giả bàn về một vài khía cạnh về thơ hay cuộc đời của ông, đa phần tụng ca những vần thơ độc đáo và thương tiếc cho một kiếp người-thơ nghiệt ngã. Tất cả những bài viết đều rất hay, và được đăng trong trang web của trường Trung học Ngô Quyền, nơi từng là bối cảnh của những bài thơ tình học trò nổi tiếng của Nguyễn Tất Nhiên. Quí vị có thể tìm đọc tại www.ngo-quyen.org
Lúc đầu mình dự định tổng hợp những gì người khác viết về Nguyễn Tất Nhiên nhưng làm như vậy thì quí vị tự đọc những bài đó thì hay hơn. Cuối cùng, với tư cách là một người yêu thơ Nguyễn Tất Nhiên, mình cũng cố đưa ra một vài cảm nhận của mình về một số khía cạnh mà mình chưa được nghe nhiều. Kính xin hương hồn của thi sĩ tha lỗi nếu kẻ hậu sinh này có gì sai sót, chắc là do trình độ thưởng ngoạn thơ chứ không có ý đồ gì không đẹp.
Thơ Nguyễn Tất Nhiên - phá cách trong ngôn từ và ý tưởng
Tính cá biệt trong ngôn từ và hình tượng trong thơ Nguyễn Tất Nhiên khiến người đọc dễ dàng cảm nhận sự tận cùng của xúc cảm, khổ đau, tuyệt vọng... Những người trẻ thất tình đọc thơ ông thấy như là mình trong đó, và trào dâng những bi thương trong ruột gan mình.
Người từ trăm năm
Về qua sông rộng
Ta ngoắc mòn tay
Trùng trùng gió lộng
(Khúc tình buồn, Phạm Duy phổ thành bài hát Thà như giọt mưa)
Người yêu thơ đã quen với những ví von nhân cách hóa như héo ruột, mòn gan, rụng tim, nhưng chưa ai nói: "ngoắc mòn tay". Nói cũng đã khó huống hồ viết, không phải vẫy tay như trong câu hát: "vẫy tay, vẫy tay chào nhau" mà là ngoắc, ngoắc đến mòn tay. Ngoắc bao lâu, bao lần để mòn tay? Ngoắc trong vô vọng vì đáp lại là thinh không, là “trùng trùng gió lộng” trong mênh mông tuyệt vọng.
Thà như giọt mưa
Vỡ trên tượng đá
Thà như giọt mưa
Khô trên tượng đá
Điệp khúc trên được lập lại nhiều lần trong bài thơ khiến ta cảm nhận tình yêu đầy đam mê và tuyệt vọng, nỗi ám ảnh triền miên của người bị tình phụ làm cho kẻ si tình như mất trí, không còn làm chủ được mình, không còn thiết đến bản thân mình, quên cả không gian và thời gian vì người tình là tất cả:
Ta chạy vòng vòng
Ta chạy mòn chân
Nào có hay đời cạn…
Chắc rằng ông không cố tìm câu chữ hay cố tạo những khác biệt trong thơ ông, mà thơ đơn giản chỉ là những gì thốt ra một cách tự nhiên bằng sự trào dâng của xúc cảm.
Tín đồ là người tình
Người tình là ác quỷ
Ác quỷ là quyền năng
Quyền năng là người tình
Người tình là tín đồ
(Linh mục, Nguyễn Đức Quang phổ thành bài hát Vì tôi là linh mục)
Những khái niệm ít liên quan được nối kết nhau để diễn tả sự lạc lối trong ma trận tình yêu, không thoát ra đươc lưới ái tình mộng mị, sự pha trộn giằng xé giữa đam mê, chung thủy và cả phản bội của tình yệu. Ái tình mang đủ sắc màu, người tình khiến ta thăng hoa rồi cũng đưa ta vào địa ngục. Nhiều lúc không phải do người tình mà do chính bản thân mình tình nguyện hay vô thức rơi vào đó. Đoạn này có thể khiến nhiều người liên tưởng đến nàng Esmeralda trong Notre Dame de Paris của Victor Hugo.
Hay:
Chuông nhà thờ đổ mệt,
Tượng Chúa gầy hơn xưa
(Hai năm tình lận đận, Phạm Duy phổ thành bài hát cùng tên)
Lối nhân cách hóa độc đáo này khiến ta cảm nhận sự trắc trở của cuộc tình, có thể có thật hay do tưởng tượng của thi sĩ. Chúa dường như cũng cảm động vì chứng kiến cuộc tình lận đận, xanh xao.
Em mang hồn vô tội
Đeo thánh giá huy hoàng
Còn ta nhiều sám hối
Tính nết vẫn hoang đàng
(Ma soeur, Phạm Duy phổ thành bài hát Em hiền như ma soeur)
Khỏi cần giải thích nhiều về thuộc tình cố hữu của ma soeur là thánh thiện, trong trắng và tất nhiên là vô tội, nhưng cũng vì ngây thơ mà “vô số tội”. Cái đức hiền vô tội của ma soeur đã gây nên một căn bệnh nguy hiểm chưa từng có trong y học trước đây:
Em hiền như ma soeur
Vết thương ta bốn mùa
Trái tim ta làm mủ
Ma soeur này ma sœur
Màng tim làm mủ còn chữa được, chứ trái tim mà làm mủ không chỉ bó tay mà còn phải bó... chiếu.
Thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên - giữa trần gian tuyệt vọng
Thơ là người. Tính đặc dị trong thơ Nguyễn Tất Nhiên gắn liền với tính cách của ông, hay nói đúng hơn tư duy khác người của người thi sĩ lập dị này đã tạo ra những vần thơ độc đáo, những khái niệm có một không hai, không bị trộn lẫn với bất kỳ ai khác, như một loài chim hót một giọng riêng của mình.
Trên bia mộ của thi sĩ, có trích những câu thơ trong bài: "Giữa trần gian tuyệt vọng" được viết vào năm 1972, lúc ông vừa đúng một nửa cuộc đời dương thế ngắn ngủi 40 năm.
Ta phải khổ vì ta phải khổ
Phải ê chề cho tóc bạc với thời gian
Phải đau theo từng hớp rượu tàn
Phải nhắm mắt sớm hơn giờ thiên định
Khi mới tròn hai mươi tuổi, Nguyễn Tất Nhiên đã tự đóng dấu cho số phận của mình, tiên lượng cho sự ra đi của mình với những câu thơ bi thiết và chết chóc. Đó là một cuộc đời cay đắng, ê chề và cuối cùng trong đáy sâu tuyệt vọng, người thi sĩ tài hoa đã giã từ hồng trần vào một ngày mùa thu năm 1992 tại một ngôi chùa ở quận Cam.
Người thi sĩ đáng thương này mang một tâm hồn quá nhạy cảm và dễ vỡ, sống trong một giai đoạn xã hội bấp bênh với nhiều giá trị bị đảo lộn, khiến người chỉ biết làm thơ như ông không kịp thích nghi, chỉ còn biết bám víu vào tình yêu như một cứu rỗi. Rồi khi tình không trọn, ông trở nên thất vọng rồi tuyệt vọng. Có thể ông chọn một ngôi chùa để ra đi vĩnh viễn là muốn thoát ra khỏi vòng khổ lụy của cuộc sống trần thế, ông quyết định tìm chốn bình yên cho mình và cho cả người thân, bạn bè. Ngựa hồng đã mỏi vó, than ôi!
Nguyễn Tất Nhiên không chỉ đau khổ trong tình yêu mà còn đau một nỗi đau nhân thế:
Một cuộc sống thăng trầm, phải mua bằng nhục nhã
Một mặt trời phải trả giá một hoàng hôn
...
Đời vốn không nương người thất thế
Thì thôi ô nhục cũng là danh
(Hai hàng me ở đường Gia Long, 1973)
Với kiểu suy nghĩ này, người thi sĩ luôn đau khổ và tâm thức bị kẹt trong thế giới nhị nguyên và sẽ thấy thất vọng khi chứng kiến những hoàng hôn, nhưng khoảng trầm, khoảng lặng trong cuộc sống. Chắc bây giờ, ở đâu đó trên trời, thi sĩ đã nghĩ rằng hoàng hôn chỉ là sự tiếp diễn của một ngày và cũng có những thú vị và giá trị của nó. Nó cũng quan trọng như tâm trương đối với trái tim yêu thương. Những khoảng trầm lặng đó giúp chúng ta cân bằng và mạnh mẽ hơn.
Nguyễn Tất Nhiên sinh ra không để sống đời sống của một con người bình thường, những suy nghĩ của ông nhiều lúc khác biệt với thời đại mình đang sống, lúc thì cổ hủ, lúc thì cao siêu, vì vậy ông đã mang nhiều nét siêu thực vào trong thơ:
Sao thiên thu không là thiên thu
Nên cơn mưa xưa còn giăng ngang hồn sầu
Tôi đứng như cây cột đèn gãy gập
Và một con đường cúp điện rất lâu
Sự đòi hỏi quá cao đối với bản thân mình và với người khác làm dễ sinh ra thất vọng. Vì quá tôn thờ tình yêu lý tưởng, người tình lý tưởng nên mới dẫn đến tuyệt vọng. Cuộc đời đâu phải là phim romance?
Nếu vì em mà ta phải điên tình
Cơn giận dữ đã tận cùng mê muội
Thì đừng giận Duyên ơi, thiên tài yếu đuối
Tay tre khô mối mọt ăn luồn
Dễ gãy giòn miếng vụn tả tơi xương
Khi tàn bạo xiết cổ người yêu dấu
(Duyên tình con gái Bắc, 1970)
Nguyễn Tất Nhiên không phải người phàm trần, mà có thể là một thần thơ ở một cõi nào đó vì lụy tình mà bị đọa đày xuống trần gian để trả nợ, do vậy cuộc sống trần tục thật lạ lẫm với ông đến nỗi ông phải thốt lên: giữa trần gian tuyệt vọng. Trả hết nợ, ông lại ra đi. Về cõi trời, chắc ông không còn đau khổ nữa? Hãy tin như thế.
Nguyễn Tất Nhiên - những lời sám hối
Trong thơ ông, ta bắt gặp nhiều đoạn nói đến thánh thần, các đấng tối cao như Chúa, Phật, hay tự ví mình là kẻ hoang đàng, vô đạo. Tuy vậy, người thi sĩ ngông cuồng này vẫn tỉnh thức với chính mình, nhận ra khuyết điểm và thành tâm sám hối:
Ta háo thắng nên trở thành trân tráo
Bị đời khinh nên giở giọng khinh đời
(Tạ lỗi cùng người, 1972)
Cửa chùa tuy rộng mở
Tà đạo khó nương thân
(Đám Đông, 1973)
Ta bạt mạng kéo theo người bạt mạng
Nên cơn vui thường kéo theo cực hình
Nên tương lại bằn bặt ở lòng mình
Nên bất hạnh ngập đầu ai vô tội
(Lời cuối, 1974)
Nhiều người cho rằng sinh thời thi sĩ sống lang bạt, phóng túng và không biết tự điều chỉnh mình để thích nghi với cuộc sống gia đình và xã hội. Bản thân ông không phải không biết và cũng muốn thay đổi:
Tôi quanh năm sống hoang đàng
Cũng xin nhỏ lệ hoàn lương khóc tình
(1978 ở Việt Nam)
Qua giáo đường kiếm Chúa
Xin được làm chiên ngoan
(Đám đông, 1973, Phạm Duy phổ thành bài hát Cô Bắc kỳ nho nhỏ)
Đôi mắt nào Chúa ở trần gian
Hãy phán đoán tâm hồn tôi, thánh thiện
(Đôi mắt nào linh hiển, 1974)
Nhưng rút cuộc như nhiều người trần chúng ta, người thi sĩ thiên tài đoản mệnh cũng không thay đổi được mình. Giang sơn dễ đổi, bản tánh khó dời. Nói ra điều này để thông cảm với phần con người của thi sĩ tài hoa này, với những giới hạn bản thân mà con người không dễ gì vượt qua.
Những tinh hoa của Nguyễn Tất Nhiên đã trút hết vào con người thơ và để lại cho chúng ta những áng thơ tuyệt tác, tạo nên một chỗ đứng riêng biệt kiêu hãnh trong thi đàn Việt Nam đương đại. Đấng tạo hóa đã chơi trò lắp ghép, vì qua ưu ái phần tài năng thi phú mà thiếu đi những miếng ghép ở những kỹ năng bình thường khác. Hay những phần khác ngoài thơ trong người thi sĩ chỉ là những nhiên liệu, để được đốt cháy bằng rượu, bằng khổ đau, tuyệt vọng hầu cung cấp năng lượng để sáng tạo ra những bài thơ xuất thần, những câu thơ bi thiết.
Như những ngọn nến tự đốt cháy mình để cho ra ánh sáng, thơ là những gì tinh túy được chiết ra cho nhân sinh thưởng ngoạn, và nhiều khi những gì còn lại trong con người kẻ sáng tạo chỉ là đáng cay, bẽ bàng. Xót xa thay!
An ủi cuối cùng cho chúng ta là người cô lữ đã chọn ngôi chùa làm chỗ dừng chân cuối cùng của mình trong cuộc hành trình nơi cõi tạm. Ông cũng đã qui y cửa Phật, nơi không còn những khổ đau, bi lụy trần gian như những câu thơ thống thiết trong tuyệt phẩm "Thiên thu" mà thi nhân đã để lại:
Sao thiên thu không là thiên thu
Cho những người yêu là những ngôi mồ
Tôi đứng một mình trong nghĩa địa
Và cũng không đành quên khổ đau
Thiên thu vĩnh biệt thi nhân
Xin giới thiệu bài thơ :"Khúc tình buồn" kèm theo bản dịch thơ tiếng Anh và lời giới thiệu của nhà thơ Kim Vũ
NGUYỄN TẤT NHIÊN (1952-1992)
This unusually talented poet is the author of some exceptional poems, in content as well as form. The following poems is a classic one and has been used as lyrics for a song that identifies a special epoch, that of renewed warfare.
KHÚC TÌNH BUỒN
Người từ trăm năm you are from a hundred years past
Về ngang sông rộng Coming back across the wide river
Ta ngoắc mòn tay I try in vain waving my hand
… trùng trùng gió lộng … the wind is blowing hard
(thà như giọt mưa (Better to be like a raindrop
vỡ trên tượngđá breaking on a stone statue
thà như giọt mưa Better to be like a raindrop
khô trên tượng đá drying on the stone statue
có còn hơn không than not be like a raindrop
mưa ôm tượng đá) when the rain envelopes the statue)
Người từ trăm năm you are from a hundred years past
Về khơi tình động Coming back to stir my wild love
Ta chạy vòng vòng I run around and around
Ta chạy mòn chân Till my feet are worn out
Nào hay đời cạn! Not knowing love has gone !
(thà như giọt mưa (Better to be like a raindrop
vỡ trên tượngđá breaking on a stone statue
thà như giọt mưa Better to be like a raindrop
khô trên tượng đá drying on the stone statue
có còn hơn không than not be like a raindrop
mưa ôm tượng đá) when the rain envelopes the statue)
Người từ trăm năm you are from a hundred years past
Về như dao nhọn Coming back like a sharp knife
Ngọt ngào vết đâm Driving sweetly into me
Ta chết âm thầm I die quietly
Máu chưa kịp đổ The blood having no time to flow yet
(thà như giọt mưa (Better to be like a raindrop
vỡ trên tượngđá breaking on a stone statue
thà như giọt mưa Better to be like a raindrop
khô trên tượng đá drying on the stone statue
có còn hơn không than not be like a raindrop
mưa ôm tượng đá) when the rain envelopes the statue)
(2) (2)
Thà như giọt mưa Better to be like a raindrop
Gieo xuống mặt người Falling on your face
Vỡ tan vỡ tan Breaking, breaking
Nào ta ân hận I won’t reget
bởi còn kịp nghe For I can hear
nhịp run vồi vội The quick trembling
Trên ngọn lông măng On your downy hair
(người từ trăm năm (you are from hundred years past
Vì ta, phải khổ!) Suffering because of me !)
Nguyễn Tất Nhiên Kim Vũ