Tâm Lê Minh 5:57am Nov 3
Con đường từ một nhà khoa học tài ba trở thành một tỳ kheo thông tuệ Matthieu Ricard Matthieu Ricard Matthieu Ricard Matthieu Ricard sinh ngày 15/2/1946 tại Aix-les-Bains (Savoie, Pháp), là con trai của ông Jean-François Revel - một triết gia Pháp nổi tiếng, và bà Yahne Le Toumelin - một nữ họa sĩ theo trường phái trừu tượng đã đi theo tiếng gọi của Phật giáo từ năm 1968. Sinh trưởng trong một môi trường như vậy, Matthieu Ricard đã sớm hình thành những tư tưởng triết học và Phật giáo và mang trong mình niềm đam mê và khát khao được tìm hiểu về cuộc sống tu hành chốn thiền môn. Bởi vậy, sau khi theo đuổi ngành Sinh học
phân tử học tại trường đại học, làm việc tại Viện Pasteur và hoàn thành luận án tiến sĩ Sinh học của Đại học Sorbonne vào năm 1972, chàng trai Matthieu Ricard khi ấy mới 26 tuổi đã thông báo với cha mẹ, các thầy giáo và bạn bè về quyết định sẽ từ bỏ sự nghiệp khảo cứu khoa học, bỏ học bổng sang Hoa Kỳ nghiên cứu thêm về Sinh vật học, bỏ cả tương lai của một nhà khoa học có hạng phía trước để xuống tóc đi tu, làm một tỳ kheo học đạo tại vùng đất Tây Tạng. Đây quả là một tin quá bất ngờ khiến tất cả mọi người đều vô cùng ngạc nhiên, nhất là đối với cha mẹ của Matthieu Ricard – những người đã đặt biết bao kỳ vọng vào cậu con trai tài giỏi của mình. Để giải thích về quyết định được cho là khó hiểu này, Matthieu Ricard đã có một cuộc nói chuyện thú vị với cha mình, giữa một nhà tu hành Phật giáo và một triết gia, trong đó có đoạn: “Con đã theo đuổi khoa học là vì con thích khảo cứu. Nhưng rồi con thấy khảo cứu khoa học có hay đến mấy cũng không giải quyết được vấn đề căn bản của con người. Con đã thấy làm khảo cứu là miên man đi sâu vào mọi chi tiết, mà riêng con, con thấy không thể làm mãi như thế được. Trong khi đó, con lại để ý đến đời sống tâm linh. Mới đầu, không có gì là rõ rệt. Khi 15 tuổi, con đã tìm đọc vài cuốn sách về tôn giáo, về Thiên Chúa giáo, Ấn độ giáo, Hồi giáo, nhưng kỳ thay, không đọc Phật giáo. Hồi đó, sách về Phật giáo, khảo cứu hay dịch thuật rất ít, được viết dưới nhãn quan của người Tây phương hiểu sai Phật giáo là một triết học hư vô (nihilism) không màng đến trần thế… Nhưng thực ra con để tâm vào đạo Phật là vào năm 1966, khi đó con 20 tuổi, còn ở đại học, sắp vào Viện Pasteur. Con được xem một bộ phim của một người bạn là Arnaud Desjardins về những vị Lạt Ma Tây Tạng đã phải di cư sang Bhutan khi Trung Cộng tiến chiếm xứ này. Cũng khoảng thời gian đó, con được nói chuyện với một người bạn khác - tiến sĩ Frederick Leboyer - mới ở Darjeeling (Ấn Độ) về, kể lại có gặp mấy vị Lạt Ma đó. Chính những hình ảnh của Arnaud, của Frederick và chuyện họ kể lại đã gặp các vị Lạt Ma đó đã giúp con có quyết định phải sang Hy Mã Lạp Sơn. Vì con có cảm tưởng con đã thấy ở các vị Lạt Ma đó hình ảnh của chính những điều họ dạy dỗ, khuyên răn mọi người. Con không hiểu rõ tại sao, chỉ thấy họ đúng là những bậc hoàn hảo, những nhà hiền triết mà bấy giờ ở Tây phương rất khó tìm thấy. Muốn gặp các ngài Socrates hay Plato hay ngồi dưới chân thánh Francis d’Assisi thì làm sao được? Nhưng sẵn đây chính các ngài là hiện thân của những bậc thánh hiền. Con tự nhủ, nếu có ai đạt được đến sự toàn thiện, toàn hảo thì phải là các vị này”. Vậy là, Matthieu Ricard đã thực hiện chuyến đi đầu tiên của mình tới Ấn Độ vào năm 1967, khi ấy ông tròn 21 tuổi. Trong chuyến đi định mệnh, ông đã có cơ duyên gặp gỡ với một vị đại sư Lạt Ma tên là Kangyur Rinpoché đầy lòng nhân ái và từ bi. Matthieu Ricard được thầy chỉ dạy về tâm linh, nhưng chưa bao giờ học một lớp học liên tục về Phật giáo nào cả. Ricard kể lại với cha mình: “Thầy con nói rằng: “Phật giáo có rất nhiều điều hay để học, nhưng điều quan trọng là chớ bao giờ chuyên chú quá vào sách vở lý thuyết mà quên mất thực hành, bởi thực hành mới là trọng tâm của tu tập đạo pháp”. Học với thầy, con tự khám phá ra điều căn bản của quan hệ thầy/ trò là tâm mình phải hoà đồng được với tâm của thầy. Có thế mới học được phép quán tưởng để đi đến sự hiểu biết giác ngộ”... Về đến Paris thì mệt nhoài nhưng con thấy chuyến đi đó là một mặc khải đã chi phối ý nghĩa và hướng đi của đời con, mà con không biết nói ra thế nào. Sau khi ở Ấn Độ về, học năm đầu tại Viện Pasteur con mới thấy rõ phải gặp lại thầy con là một điều quan trọng nhường nào. Lúc nào, con cũng nghĩ đến điều ấy”. Vì thế mà, đến năm 1972, Matthieu Ricard quyết tâm từ bỏ cuộc sống hiện đại và sự nghiệp đầy hứa hẹn của một nhà khoa học để lên đường sang Tây Tạng, tập trung vào việc thực hành Phật giáo. Ông sống ở dãy Himalaya, học tập với vị đại sư Kangyur Rinpoché và một số bậc thầy vĩ đại khác trong giới Phật giáo. Năm 1979, Ricard chính thức trở thành tu sĩ, là người học trò gần gũi và thân thiết nhất của đại sư Dilgo Khyentse Rinpoché. Năm 1980, cũng nhờ có đại sư Khyentse Riponché, ông đã có cơ hội lần đầu tiên được gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma mà sau này ông đã trở thành phiên dịch viên tiếng Pháp cho ngài bắt đầu từ năm 1989. Sau khi người thầy Khyentse Rinponché qua đời vào năm 1991, kể từ đó, Ricard đã dành mọi tâm huyết và hoạt động của mình để thực hiện tư tưởng đã được thầy truyền dạy. Bàn về những bí quyết của hạnh phúc Matthieu Ricard đã sống trên rặng núi Himalaya từ hơn gần bốn chục năm nay bên những vị thầy tâm linh lớn. Ông ở tại tự viện Shéchèn (Nepal), cống hiến cuộc đời cho tu hành, bảo tồn nền văn hóa Tây Tạng và cho những dự án nhân đạo ở Tây Tạng. Ngoài thời gian thu tập và phiên dịch tiếng Pháp cho Đức Đạt Lai Lạt Ma, ông còn có nhiều hoạt động khác trong vai trò của một nhà nhiếp ảnh, dịch giả và đã xuất bản những tác phẩm bàn về triết lý cuộc sống của nhà Phật cũng như mối tương quan giữa Phật giáo và khoa học. Tiêu biểu trong số các tác phẩm của ông là cuốn “Tu sĩ và triết gia” ghi lại cuộc trò chuyện giữa ông và cha ông (là triết gia) được dịch ra 21 thứ tiếng, cuốn “Vô tận trong lòng bàn tay” với đồng tác giả là giáo sư Trịnh Xuân Thuận - một nhà vật lý thiên văn học nổi tiếng người Việt mang quốc tịch Mỹ, cuốn “Biện luận về hạnh phúc”, “Thành tuyết”, “Nghệ thuật thiền định” và “Hạnh phúc: Hướng dẫn phát triển kĩ năng quan trọng nhất trong cuộc sống”. Ngoài ra, Ricard còn là dịch giả của rất nhiều sách Phật giáo Tây Tạng. Bàn về chân hạnh phúc, Matthieu Ricard đã bày tỏ quan điểm của mình như sau: Thực ra, “hạnh phúc” là một khái niệm mơ hồ và người ta thường bị lẫn lộn giữa hạnh phúc đích thực và những cảm giác thích thú. Khi thích thú, chúng ta nhảy lên, làm động tác này, động tác nọ, rồi chúng ta ngã xuống, mệt nhoài và chán nản. Sự thích thú thì tùy thuộc vào hoàn cảnh. Nó bị điều kiện hoá. Nếu ăn một ly kem thì tuyệt, hai ly thì cũng được, nhưng ăn đến ly thứ ba thì bạn sẽ muốn nôn ra. Sự thích thú là thế đấy. Còn hạnh phúc, đó là nhận thức bẩm sinh của chúng ta. Chúng ta đi trên tuyết, đi dưới bầu trời đầy sao và cảm thấy rất thích thú, không có một xung đột nội tâm nào cả. Khi bạn có một cử chỉ thân thương với một đứa bé, không có ràng buộc gì cả, không đòi hỏi khen hay thưởng gì cả, bạn sẽ cảm thấy được tình yêu thương thuần tuý. Rồi dần dần, bạn bắt đầu phân biệt các trạng thái khác nhau của tâm mình, gồm những trạng thái mang lại an vui và những trạng thái mang lại phiền não cho mình và cho người khác. Bạn tự hỏi không biết mình có thể loại bỏ trạng thái gây phiền não để nuôi dưỡng trạng thái an vui hay không. Vấn đề ở chỗ là: Những cảm xúc gây phiền não đó có phải là một phần thực chất của tâm bạn hay không? Thông thường, khi ta có một cảm xúc như tức giận chẳng hạn, chúng ta hoàn toàn gắn mình với cảm xúc đó: ta là nỗi tức giận. Rồi chúng ta tiếp tục thoát khỏi mình và đi đến mục tiêu của nỗi tức giận, chính là kẻ đã làm ta nổi giận. Cứ thế, chúng ta bực dọc vì nỗi giận. Bất cứ khi nào ta nhìn thấy hoặc nhớ đến người đó, cơn giận lại nổi lên, không bao giờ chấm dứt. Tuy nhiên, thay vì nhìn vào mục tiêu của cơn giận, bạn có thể tách cái tâm của mình ra khỏi cơn giận. Bạn có thể nhìn cơn giận như nhìn một ngọn lửa hay một ngọn núi lửa. Bạn nhìn vào nó, quan sát nó như một hiện tượng. Nếu bạn làm như vậy, bạn có thể tách rời nó ra khỏi nguồn nhiên liệu của nó, tức là mục tiêu của cơn giận. Rồi từ từ, cơn giận sẽ tan đi, giống như người ta thường nói là sương mai tan đi khi mặt trời lên. Ta không đè nén cơn giận vào một nơi nào đó như một quả bom hẹn giờ. Ta lờ nó đi, không để cho nó nổ. Ta giải quyết nó theo cách làm cho nó bị vô hiệu hóa. Có một hình ảnh rất hay trong giáo lý nhà Phật. Tâm của chúng ta giống như bề mặt của tấm gương soi. Tính chất của tấm gương là phản chiếu tất cả mọi hình ảnh: những nét mặt giận dữ hoặc tươi cười hay những nét mặt buồn bã, trầm tư. Nhưng những hình ảnh này không thâm nhập vào trong tấm gương. Chúng không phải là một phần của tấm gương. Nếu chúng là một phần của tấm gương, chúng sẽ ngăn cản những hình ảnh khác. Nét mặt giận dữ sẽ vẫn nằm lại trong gương và nét mặt tươi cười sẽ không bao giờ hiện lên được. Tương tự như vậy, có một sự tỉnh giác thuần khiết, từ đó mọi ý niệm khởi phát. Nếu quả đúng như vậy thì những cảm xúc gây đau khổ được gắn kết với những nguyên nhân và những điều kiện. Bằng cách luyện tâm, sử dụng đúng thuốc trị, thay thế sự căm ghét bằng lòng yêu thương, thay lòng tham lam bằng tự do nội tâm, bạn có thể thay đổi được cảnh quan của tâm hồn. Đấy là thiền. Thiền là một từ rất xa lạ, nhưng thật sự, thiền chỉ có nghĩa là làm quen với một cách hiện hữu, nuôi dưỡng những phẩm chất nội tâm của mình. Mai Châu (Tổng hợp) Theo Phunutoday ***
************************************************************************
Ni sư người Anh tu hành trong động tuyết 12 năm.
Năm 1976 Diane Perry, tức ni sư Tenzin Palmo đã ẩn tu trong một hang động hẻo lánh ở độ cao 13.000 bộ trên rặng núi Hy Mã lạp Sơn, cách biệt với thế giới bên ngoài bởi những rặng núi tuyết phủ. Ni sư đã vào động vào lúc 33 tuổi và rời khỏi nơi đây lúc 45 tuổi; ở đó ni sư đã phải chiến đấu với cái lạnh không thể nào tưởng tượng được, với những thú hoang dã, với sự khan hiếm thực phẩm và tuyết lở. Ni sư đã tự trồng hoa mầu để làm thực phẩm và đã ngủ ngồi trong hộp thiền bằng gỗ có kích thước một mét vuông (three-feet square). Ni sư không bao giờ nằm. Mục tiêu của ni sư là đạt được giác ngộ trong thân xác của một phụ nữ.
Năm 1988 ni sư ra khỏi động tu với quyết tâm xây dựng một tu viện Phật giáo cho phụ nữ muốn đi theo con đường giác ngộ giải thoát của đức Phật tại vùng Bắc Ấn Ðộ. Từ cuộc sống một nhà tu hành với chi phí $80 một năm, ni sư đã trở nên một nhà lạc quyên quán quân trên thế giới, nói chuyện với hàng ngàn dân chúng từ suối nguồn sâu thẳm của tâm hồn ni sư. Dưới đây là cuộc đời và công trình tu tập của ni sư do Vicki Mackenzie kể trong quyển sách "Cave In The Snow" do Bloomsbury London, Anh Quốc xuất bản tháng 10 năm 1998.Chọn cách ẩn tu trong một hang động hẻo lánh trên rặng núi Ky Mã Lạp Sơn, cách biệt với thế giới bên ngoài bởi những rặng núi tuyết phủ, ni sư Tenzin Palmo đã tu luyện tại đây trong suốt 12 năm. Ở đó ni sư đã phải chiến đấu với cái lạnh cắt da cắt thịt, với những thú hoang dã, với sự khan hiếm thực phẩm và tuyết lở.Cuộc sống trên độ cao lạnh lẽo những tháng ngày sau đó với Tenzin cực kỳ khó khăn. Mùa hè thì còn có thể đi bộ ra suối lấy nước, nhưng khi mùa đông đến thì không ra ngoài hang được, phải nấu tuyết làm nước uống và sinh hoạt. Về thực phẩm, bà phải thu xếp để nhận các thực phẩm khô, dầu đốt, dầu ăn, muối đường và củi khô ở dưới núi đem lên vào mỗi mùa hè. Thêm vào đó, bà trồng thêmhoa màu ở một cái vườn nhỏ trước hang. Bà trồng rau cải và đậu peas nhưng bị chuột núi ăn mất chỉ chừa cho bà loại cải turnip và khoai tây mà thôi. Tenzin đã khám phá ra là loại cải turnip này rất tốt và bổ dưỡng. Bà thu hoạch nhiều để phơi khô dành cho mùa đông. Tenzin vẫn ăn chay từ ngày gia nhập vào hàng ngũ tăng lữ Phật giáo. Thực đơn hàng ngày rất đơn giản, có thể nói ngày nào cũng như ngày nào trong suốt 12 năm. Mỗi bữa ăn gồm cơm, đậu lentil và rau cải turnip khô hoặc tươi, đôi khi thêm khoai tây. Trong suốt 12 năm, Tenzin đã ăn uống như thế, không có gì thay đổi, không có những thứ xa xỉ như bánh ngọt hay sôcôla. Ni sư Tenzin Palmo Mỗi khi mùa đông đến, thời tiết cực kỳ lạnh, nhiệt độ dưới thung lũng là âm 35 độ, con nơi Tenzin ở lạnh hơn rất nhiều. Tuyết phủ dày đặc bao quanh hang động, tuy thế trong hang lại ấm hơn là căn nhà mà Tenzin ở 6 năm dưới thung lũng trước kia, bằng chứng là cốc nước trên bàn thờ ở đây không đông thành đá trong khi ở dưới kia lại đông đá. Tenzin chỉ nhóm lửa một lần vào mỗi trưa để nấu ăn. Điều này có nghĩa là khi mặt trời lặn, trong hang hoàn toàn không có một chút hơi ấm, thế mà Tenzin vẫn vượt qua được, bà bảo khi thực sự hành thiền, tự nhiên cơ thể phát nhiệt và trở nên ấm áp. Trong động tu của Tenzin không có ti vi, không máy nghe nhạc, không sách báo tiểu thuyết ngoại trừ kinh sách Phật giáo, ngay cả đến giường nằm cũng không có. Tenzin muốn cuộc sống càng đơn giản chừng nào càng tốt chừng nấy. Bà đã tập ngồi thiền mà không cần ngủ. Bà cho rằng trạng thái yên tịnh và cô quạnh trong hang động là nơi hoàn hảo nhất để thực hành tu tập. Sống trong hang động hoàn toàn cách biệt với thế giới bên ngoài là một điều kỳ bí và thích thú đối với Tenzin. Phụ nữ thường hay nhút nhát sợ hãi và mất bình tĩnh khi thấy những con thú đi lảng vảng xung quanh, nhưng Tenzin chẳng bao giờ sợ bất cứ con thú nào, ngược lại, chúng cũng không sợ hãi bà. Trong suốt 12 năm sống trong hang động Tenzin cảm thấy yên bình hạnh phúc, tuy không ít lần bà phải đối diện với cái chết bởi những trận bão tuyết, tuyết lở và thiếu thực phẩm. Ví dụ như trận bão tuyết và tuyết lở kinh hoàng vào tháng 3/1979 kéo dài liên tục suốt một tuần làm 200 người dân Lahoul chết. Trong trận bão tuyết ấy, Tenzin phải sống trong bóng tối vì tuyết phủ kín, bà không dám đốt đèn vì sợ không còn oxy để thở. Tenzin đã đối diện với cái chết, nhưng trong giây phút đó bà đã không nghĩ đến cái chết và tỏ ra sợ hãi, bà đã tự kiểm điểm lại bản thân, những việc làm tốt và không tốt và luôn cảm thấy hạnh phúc khi nghĩ rằng mình là một tu sĩ Phật giáo. Tenzin đã trải qua cơn bão tuyết kinh hoàng ấy khi mà những người dưới núi không ai nghĩ bà còn sống sót. Lẽ ra Tenzin Palmo sẽ ở trong động tu suốt cuộc đời, nhưng vì một trục trặc nhỏ về giấy tờ di trú nên bà bị bắt buộc phải rời khỏi động tuyết để trở về với thế giới bên ngoài bởi chính quyền sở tại. Khi được tin bà ra khỏi động tu sau 12 năm dài ẩn tu, nhiều người đã tìm đến để có dịp tận mắt xem Tenzin giờ ra sao, kết quả tu hành của bà thế nào? Bà thành Phật chưa? Một người bạn Đức quen biết bà nhiều năm tên là Lia đang sinh sống ở Dharamsala cũng đến tìm gặp Tenzin. Lia kể về Tenzin Palmo như sau: “Khi tôi hỏi nhiều lần về sự chứng ngộ, Tenzin Palmo chỉ trả lời: “Một điều tôi có thể nói với bạn là – Tôi đã chẳng bao giờ nhàm chán”. Và thế là Tenzin Palmo ra khỏi động tu, lúc ấy vào năm 1988 và bà bước sang tuổi 45. Theo như người ta kể, bà giã từ động tu, nơi mà đã ấp ủ bà suốt quãng tuổi thanh xuân một cách bình thản không tiếc, không thương, không buồn. Chính bà đã nói: “Chẳng có gì cả, phần lớn những gì tôi đối mặt ở đây đã qua đi. Thời gian ngưng lại, đặc biệt là ba năm cuối cùng qua đi như là có mấy tháng.” Sau 24 năm ở Ấn Độ, trong đầu bà lúc này hoàn toàn không có ý niệm đi đâu. Nhiều người quen ở khắp nơi trên thế giới đều biên thư hoặc đánh điện ngỏ ý mời bà đến đất nước của họ. Nhưng cuối cùng bà đã chọn về với gia đình một người bạn Hoa Kỳ ở Italy, thị trấn Assissi, tỉnh hạt Umbria. Tenzin ở Assissi 5 năm. Trong thời gian này nhiều nơi ở châu Âu và châu Á, cả Phật giáo lẫn Thiên Chúa giáo đều mời bà đến diễn thuyết và dạy thiền. Vì thấy các nữ tu sĩ Phật giáo không có chốn tu hành, họ thường phải di chuyển từ trung tâm này đến trung tâm khác, không thuận tiện cho việc tu tập phát triển tâm linh, nên bà quyết định bắt tay vào việc thiết lập một nữ tu viện Phật giáo tại miền Bắc Ấn Độ. Bà đi diễn thuyết và cổ vũ khắp mọi nơi cho dự án này. Bà gặp đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 và Đức Giáo Hoàng. Bà cũng đã tham dự hội nghị Phật giáo do lời mời của đức Đạt Lai Lạt Ma tại Dharamsala và giúp tổ chức các hội nghị về nữ tu Phật giáo thế giới hàng năm tại Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ và Lâm Tỳ Ni, Nepal. Tenzin Palmo là người có công lớn trong việc xây dựng nữ tu viện Phật giáo, bà nhiệt thành đi diễn thuyết xin tiền ủng hộ. Bà làm việc không mệt mỏi. Tài sản của bà chỉ vỏn vẹn gồm một cái túi ngủ, một vài quyển sách Phật giáo, một ít dụng cụ cá nhân, và ba bộ áo nhà tu. Bà từ chối không dùng tới số tiền quyên góp dành xây tu viện, ngay cả dùng vào chi phí di chuyển. Bà không ngần ngại đi khắp mọi nơi, đi xe, đi bộ, đi máy bay, chờ đợi nhiều giờ, có khi nhiều ngày để chuyển tiếp phương tiện, nhưng không bao giờ cau có, than phiền, ngoại trừ khi đụng tới vấn đề ăn mặn, bà nói mạnh và thẳng thừng lý do tại sao không nên ăn thịt chúng sinh. Cuộc đời của ni sư Tenzin Palmo đã trở thành một huyền thoại thần kỳ. Bà trở thành thần tượng cho các nữ tu sĩ phương Tây, cả Phật giáo và các tôn giáo khác. Hiện tại với vai trò là ni sư trưởng của Phật giáo Tây Tạng, ni sư Tenzin vẫn ngày ngày tâm huyết với các dự án của mình. Bà nói rằng bà sẽ trở lại động tu nhưng bà sẽ không trở lại động tu cũ bởi sức khỏe hiện tại không cho phép bà sống ở độ cao như thế nữa. Đối với bà, động tu sắp tới mang nhiều ý nghĩa ẩn dụ hơn là hiện thực, cũng có thể là một túp lều tranh ở một nơi yên tĩnh, không hẳn là ở thật xa. Nơi đó có thể là bất cứ đâu, có thể là phương Đông nơi bà có cảm nghĩ là sẽ viên tịch ở đó. Tất cả đều không quan trọng bởi đối với Tenzin bất cứ nơi đâu bà cũng đều coi là nhà |