Tiểu Bối October 31, 2013
Theo số liệu thống kê cho biết : Cả nước hiện có hơn 9. 000 Giáo Sư, 24.000 tiến sĩ, 101.000 thạc sĩ và 2.700.000 cử nhân đại học.[1] Một con số lý tưởng cho nền kinh tế tri thức. Việt Nam hiện nay có nhiều điều kiện để trở thành nước có nền kinh tế phát triển như : nguồn lao động trẻ, thuận tiện giao thông, có nhiều loại tài nguyên,…. Tuy vậy, nước ta vẫn trong cái vòng luẩn quẩn của nghèo nàn, lạc hậu. Nguyên nhân chính là ở yếu tố con người , do đất nước chúng ta không tôn trọng giá trị con người , không tôn trọng trí thức đích thực. Yếu tố con người chưa được quan tâm thích đáng trong khi nó mới là nhân tố chính cho sự hưng thịnh/ suy yếu của 1 quốc gia. Một xã hội bảo thủ, trọng thành tích, hám danh sĩ diện với bằng cấp thường đi đôi với sự coi thường sự tiến bộ của khoa học , kỹ thuật đương nhiên sẽ tụt hậu. Và Việt Nam đã và đang tụt hậu. Cũng theo số liệu thống kế cho biết các chuyên gia WB tính toán “Việt Nam phải mất rất lâu nữa mới đuổi kịp các nước trong khu vực Đông Nam Á: 158 hoặc cũng có thể là 175 năm với Singapore, 95 năm với Thái Lan và 51 năm với Indonesia.”[2]Vấn đề đầu tư vào giáo dục luôn quyết định hưng, suy của một quốc gia. Nền giáo dục của Việt Nam và cả xã hội Việt Nam làm nhân tài không có đất dụng võ. Với bằng cấp tràn lan, làm người Việt ảo tưởng về mình. Mỗi năm chúng ta có rất nhiều kỹ sư, cử nhân, tiến sĩ, giáo sư mới nhưng nền kinh tế của chúng ta lẹt đẹt. èo uột , đất nước chúng ta lạc hậu. Nếu tính từ hàm Thứ trưởng trở lên, số người có trình độ tiến sĩ ở Việt Nam cao gấp 5 lần Nhật Bản [3] . Và với số lượng hùng hậu GS, TS, Ths, Cử nhân đã nêu trên , Một con số lý tưởng cho nền kinh tế tri thức. Nhưng hiện vẫn đốt đuốc tìm lao động chuyên gia, thiếu hẳn những công trình khoa học – sáng tạo – sáng chế được ứng dụng vào thưc tiễn cuộc sống… Trong khi nền kinh tế sản xuất vẫn là nhân công giá rẻ, miệt mài với gia công phụ thuộc, công nghệ thì vẫn đang loay hoay ở trình… “sản xuất mì tôm”.
Người Hàn Quốc họ có quyền tự hào vì họ xây dựng được những sản phẩm mang tính thương hiệu quốc tế như : Sam Sung, Huyndai . Người Nhật có thể vỗ ngực tự hào với Sony, Toyota . Sing có quyền hãnh diện về hàng xuất khẩu điện tử của mình ra khắp thế giới,…Hoàn toàn thiếu một sản phẩm Việt sánh ngang tầm các quốc gia khác trên thế giới.
Thực tế này cho thấy, chất xám Việt đang bị lãng phí. Lãng phí từ khâu đào tạo ( đào tạo quá nhiều GS, TS, Ths giả và dỏm) , lãng phí cả khâu sử dựng ( Nhân tài thực sự chưa được tin dùng và sử dụng hợp lý và trọng dụng họ).
Người Việt, trí thức Việt, dân Việt trách móc Xã hội này đôi khi, nhưng nếu nhìn kỹ lại, thì chính họ chính chúng ta tạo nên Xã hội này. Trí thức Việt nói riêng , dân Việt nói chung nhiều lúc đôi khi có xu hướng, chờ đợi mong mỏi một vị minh quân, 1 vị lãnh đạo tài ba xuất chúng nào đấy xuất hiện để đưa lối dẫn đường họ và lãnh đạo đất nước đang tụt hậu này, nhưng họ quên rằng không ai dẵn dắt và không ai hành động tốt hơn họ tự dẫn dắt mình định hướng cho mình. Đã đến lúc cả dân tộc này và giới trí thức Việt cần nhìn thẳng và nhìn thật vào chính mình, nhìn vào thực tế và tự gánh trách nhiệm cũng như vài trò của mình để tự thoát ra cái vòng luẩn quẩn này chứ không phải một ai đó, 1 vị cứu tinh nào đó hay 1 vị minh quân còn ẩn dật đâu đó.
Nghèo, dốt, thua kém người khác chưa hẳn là cái tội. Cái tội là ở chổ: nghèo, đói, lạc hậu, thua kém người khác nhưng lại không biết, hay biết mà không chiu thừa nhận và tệ hơn là phải phủ nhận mình nghèo bằng mọi giá vì cái sĩ, để rồi không chịu tìm tòi hướng đi, lối thoát cho mình. Và nếu chúng ta không khắc phục được sự yếu kém của đất nước, nạn nhân cũng chính là chúng ta. Chúng ta là nạn nhân của chúng ta.
Bất cứ xã hội nào, trí thức và yếu tố con người mới là yếu tố hàng đầu để đưa đất nước đi lên. Nước Mỹ phồn vinh với giấc mơ Mỹ và là miền đất Hứa của biết bao người trên thế giới, Người Hàn Quốc chấp nhận “ăn mày chất xám” ở phương tây, tinh thần Samurai của Nhật…. Sao không để cho trí thức Việt được tự do trong sáng tạo, tự do trong tư tưởng, tự do trong lựa chọn của mình !? Để họ được cống hiến !?
Ở một góc độ nào đó, có thể nói và khẳng định rằng, đất nước không phát triển được như người ta là vì trí thức Việt chưa phát huy hết vai trò và sứ mệnh của mình. Và lại ở 1 góc độ nào đó, họ bị kiềm kẹp, bị cột, bị trói chặt tư duy, tư tưởng, và cả ý thức hệ, họ cũng muốn sống, muốn cống hiến lắm , muốn được hy sinh nhưng ý thức hệ, sự khác biệt trong tư duy và tư tưởng đã làm cho họ không được chọn, và họ bị cuốn vào vòng xoáy luẩn quẩn của giới trí thức Việt bao đời nay, vòng xoáy của một xã hội mà ngay cả đến trí thức cũng bị đẩy vào con đường “lưu manh hóa”, ở đó nhân phẩm của trí thức bị người khác chà đạp và tự mình chà đạp lên mà sống ,để rồi họ không kịp nhận ra họ vừa là “nạn nhân” mà còn đồng thời là “thủ phạm” . Họ hành hạ nhau và dẫm đạp lên nhau mà sống:
– Một bác sĩ với mức lương èo uột, 3 đồng 3 cọc , chết đói, anh ta tìm đủ cách làm khó bệnh nhân để được nhận “lót tay”. Nhưng khi anh ta sử dụng các dịch vụ khác, anh ta lại bị làm khó lại.
– Một thương gia ( doanh nhân) vì chạy theo lợi nhuận và tham đồng tiền bất chính không ngại bán rẻ lương tâm mình sản xuất ra những hàng hóa chất lượng kém, độc hại tới sức khỏe của người tiêu dùng, miễn sao lợi nhuận nhiều, xả chất thải độc hại ra môi trường, nhưng rồi chính anh ta hủy hoại môi trường chung anh ta đang sống trong đó và sẽ ra sao nếu anh ta mua phải những sản phẩm độc hại khác do người khác cũng vì tham lam mà sản xuất ra như anh ta.
– Từ Vụ sập cầu Cần Thơ, cho đến sập cầu cống, hàng loạt công trình thủy điện quốc gia công trình dân sự khác,.. những kỹ sư làm việc trên công trình đó đã làm hại hoặc tiếp tay cho người khác làm hại rất nhiều người. Sẽ ra sao nếu như những kỹ sư này đứng dưới công trình của chính họ thiết kế và xây dựng .
– Một nền giáo dục thay vì dạy con người ta cách học, nó chỉ dạy con người ta cách tin và phải đặt niềm tin vào đấy, kết quả tạo ra khg phải 1 thế hệ mà nhiều thế hệ cứ bắt thế hệ nối tiếp sau cứ tiếp tục đặt niềm tin. Bởi lẽ thế hệ này tiếp tục “dẫn dắt” ( chăn dắt!?) thế hệ kia.
– Một công chức, phải bỏ ra 1 khoản tiền lớn để mua chạy chức, hối lộ cho người này, cho cơ quan kia để có cái ghế, cái chức. Khi có cái ghế, cái chức rồi lại quay lưng ra cướp phá, cướp bóc , hạch sách nhũng nhiều người khác để lấy lại những thứ mà mình từng bỏ ra . Và xem điều đó là lẽ đương nhiên và cái vòng luẩn quẩn ấy cứ tiếp diễn !
– Một nhà báo, nhà văn, người cầm bút vì lợi ích cá nhân riêng, có thể nhẫn tâm bẻ cong ngoài bút, viết láo và viết liều để nhận được những đồng tiền bẩn tưởng chừng như chỉ làm tổn hại tới người đọc nói riêng và nền văn báo chí văn hóa nước nhà nói chung nhưng anh ta cũng đang tự biến mình thành trò bỉ ổi và lố bịch trong mắt người đọc, vì người đọc bây giờ đủ thông minh để nhận biết đâu đúng , đâu sai. Bởi trước khi hốt bùn để ném vào mặt người khác, thì bàn tay anh ta cũng đã lấm bùn trước rồi….
Và cứ thế , mỗi người trong xã hội cứ tự hại mình và hại người khác. Có thể nói trí thức Việt Nam nói riêng và người Việt nói chung vừa tự hại mình và hại người , nạn nhân của nhau, nạn nhân của định hướng xã hội, nạn nhân của sự lãnh đạo và dẫn dắt tồi tệ .
Trong một xã hội, khi “sự thật” bị bóp méo, bị bẻ cong Trí thức Việt từ chổ ” người sáng” cũng trở thành “người mù” , người thẳng cũng thành “còng lưng” . Hoặc im lặng, cúi đầu chấp nhận để mà sống yên ổn thay vì cất tiếng nói phản kháng rồi bị vùi dập.
Với mức giá, mức lương hiện tại, Xã hội còn nhiều trí thức không sống được vói mức lương thực của mình. Người lao động trí thức bị bần cùng hóa và bị đẩy đến chỗ không còn có thể nghĩ gì khác ngoài việc làm sao kiếm cho đủ tiền để sống. Đây chính là một trong những lý do làm nên sự tha hóa, biến chất của giới lao động trí thức, thay vì đầu tư vào nghiên cứu , nâng cao chuyên môn tay nghề ,phát minh ra cái này, khám phá ra cái kia họ lao đầu vào kiếm tiền kiếm sống, làm sao phải sống được cái đã. Chính điều này dẫn họ tới kết quả làm nhiều việc trái nghề, trái lương tâm, trái đạo đức xã hội…
Mua quan, bán chức, mua vị trí công tác diễn ra đều đặn trong giới lao động trí thức trong Xã hội để rồi khi lên nắm quyền thì Vua quan thi nhau chia chác, nhũng nhĩu, quan liêu, thằng lên sau thì dốt hơn nhưng lưu manh, khốn nạn hơn thằng trước. Khốn khổ cho một xã hội !
Chưa dừng lại ở đó, giới lao động trí óc ở Việt Nam không những bị bần cùng hóa về đời sống vật chất, mà còn bị bần cùng hóa hay tự bần cùng hóa cả về tư duy đời sống tinh thần khác. Hiện tượng này đang thành ra phổ biến: những người, lẽ ra, phải làm việc với sách vở lại rất ít đọc sách, không quan tâm đến các vấn đề xã hội. Họ tự phủ nhận vai trò và trách nhiệm xã hội của họ. Hoặc học nhiều đọc nhiều, có bằng này bằng nọ chỉ để tự hào, để khoe khoang, để lên lớp nhau, để mơn trớn nhau vì cái tính sĩ diện hảo. Và cách người Nga đáp trả: Mày giỏi (giáo dục cao, học giỏi …) sao mày không giàu (sao mày không thể bán chút kiến thức để kiếm tí tiền tiêu cho sang trọng). Có lẽ câu nói đó hơi sống sượng. Nó hơi chợ búa. Nhưng nó chỉ ra một thứ rất đáng nghĩ rằng: nếu như kiến thức của bạn không mang lại giá trị cho chính bản thân bạn thì bạn cần kiến thức đó làm gì. Để trang trí hả? Để khoe mẽ hả? Nói thẳng ra, nó hơi chợ búa, nhưng đấy là cách nghĩ của một con buôn chứ không phải 1 trí thức.
Mặt khác , một số đông trí thức và tự nhận mình là trí thức lại cố định , cột chặt và để người khác cột, trói chặt tư duy và suy nghĩ của mình bằng những định kiến có sẵn, những quan điểm tâm lý đám đông và những quy luật bất thành văn khác về tư duy và quan điểm của họ . Điều này dẫn đến họ không tự do tư duy, không có tính bức phá không có khả năng phán xét đâu đúng đâu sai , họ chỉ biết nghe, biết chấp nhận những điều từ người khác mớm cho, từ trên đưa xuống không cần phán xét coi nó đúng hay sai, lợi hại ra sao. Sự bần cùng hóa tinh thần là một trong những nguyên nhân khiến giới lao động trí óc ở đây đánh mất sức mạnh, đánh mất khả năng phân biệt đúng sai, phải trái, và khiến họ có thể vi phạm các chuẩn mực đạo đức mà vẫn cảm thấy yên ổn lương tâm. Họ tìm sự yên ổn bằng cách sử dụng các lý lẽ mang tính ngụy biện để bào chữa hoặc hợp pháp hóa cho sự vi phạm đạo đức hay sự vi phạm pháp luật. Họ đã dùng cái sai này để ngụy biện bao che, phủ lấp cái sai khác, trong khi những giải pháp đúng đắn, khoa học đã không được lựa chọn.
Chính sự bần cùng và tự bần cùng hóa về tư duy, đạo đức và tinh thần, đời sống, trí tuệ đã khiến cho trí thức Việt Nam bị tha hóa nhiều mặt, mất cả năng lực làm việc trong lĩnh vực chuyên môn của mình, mất luôn cả bản lĩnh văn hóa, cả ý thức về sự đúng sai, cả phẩm chất đạo đức công dân. Để tự giữ cho mình trong sạch, chuẩn mực còn khó, nói chi đến chuyện dám đứng lên bảo vệ công lý, bảo vệ sự thật ! Chính vì thế nhiều người còn chút lương tri họ chấp nhận cắn răng chiệu đựng và thõa hiệp với cái ác và cái xấu để yên ổn mà sống.
Họ dối trá, tiếp tay cho sự dối trá, họ lừa lọc, tiếp tay cho sự lừa lọc, họ sĩ diện và tiếp tay cho sự sĩ diện. Tất cả nó làm nên dung mạo của nền trí thức bị “lưu manh hóa”.
Đất nước này đã phải trả cái giá quá đắt cho tệ nạn “lưu manh hóa trí thức” này rồi, bây giờ đã đến lúc chúng ta phải biết tự đứng dậy, dám nhìn thẳng, nhìn thật vào sự thật, nhìn vào thực tế,… tự bản thân mình thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn ấy, đừng tự hại mình và hại người nữa.
Tiểu Bối[1] Số liệu Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn (ĐH New South Wales, Úc) đưa ra.
[2] Tính toán của các chuyên gia dựa trên báo cáo của WB năm 2007
[3]Theo TS Nguyễn Khắc Hùng, nguyên Chuyên viên Đối ngoại, Học viện Hành chính Quốc Gia.