Từ năm 1932, Sài Gòn đã có trường đua ngựa Phú Thọ nổi tiếng vùng Đông Dương và cũng là một trong những “tử địa” của dân máu mê cờ bạc. Dân chơi đua ngựa thuộc nằm lòng câu hát “Đường vào trường đua có trăm lần thua, chỉ một lần huề…” và một tay chơi có thâm niên đã khẳng định: “Bắt độ ngựa mà chỉ tin vào may rủi thì… không còn quần xà lỏn mà mặc!”.
Ngựa đua tại Phú Thọ được chia làm 4 hạng A, B, C và D, xếp theo tuổi và chiều cao của ngựa. Ngựa nổi tiếng một thời phải kể đến những cái tên rất kêu như Đạm Phi Tiên, Đại Anh Hùng, Long Sơn Hiệp, Nữ Thần, Mã Thượng, Thái Dương, Thoại Lan… Lại còn có những ngựa mang tên những người đẹp như Lý Lệ Hoa, Dương Quý Phi…
Ngựa nổi tiếng nhất lịch sử trường đua Phú Thọ có lẽ là Thoại Lan. Trong các năm 1970-1972, Thoại Lan gần như không có đối thủ, và hiếm có khi về nhì. Cho đến năm 1973 khi có đợt ngựa mới như Thuận Hùng, Hoàng Lộc, Astro Boy… Thoại Lan mới chịu “nhường ngôi”.
Trường đua Phú Thọ là một xã hội thu nhỏ và khép kín. Trong cái cộng đồng đó, ông chủ ngựa làm… “vua” vì có khi cả 10 con ngựa trên đường đua đều cùng một chủ, việc phân hạng nhất nhì đều nằm trong tay chủ ngựa từ trước cuộc đua. Rất hiếm ông chủ không “làm độ” vì trên thực tế nếu về nhất, chủ ngựa chỉ được thưởng vài triệu đồng nhưng nếu có “móc ngoặc” thì thu nhập sẽ tăng đến mức 10 lần, chưa kể những quyền lợi “chính đáng” khác từ phần trăm tiền vé và từ các mối quan hệ khác.
Chủ ngựa dù không muốn “làm độ” cũng bị móc làm độ hoặc bị ép làm độ. Khi đã “làm độ” thì phải hết sức bí mật vì nếu để lộ, tiền thưởng trong vé, sẽ giảm xuống. Chẳng hạn như ngựa Dương Quý Phi được mua 1.000 vé, nếu một người trúng sẽ được 1 triệu đồng, nhưng nếu 10 người cùng trúng thì mỗi người chỉ còn 100.000 đồng. Cũng vì thế, ngay cả cha con, anh em, họ hàng một khi “làm độ” cũng phải giấu nhau.
Ở trường đua Phú Thọ có cha con ông Bảy, một đại ca có máu mặt của khu Cây Da Xà trước năm 1975, đã từng choảng nhau vì cha “làm độ” mà con không biết, vẫn đánh cho ngựa của bố đến nỗi phải chịu thua tan tác. Cách làm độ như sau: có bốn ông chủ ngựa lớn đại diện cho các vùng Đức Hòa – Long An, Bà Điểm – Hóc Môn, Gò Vấp và CLB đua ngựa sẽ họp nhau để… “bàn về ngựa”. Con nào được cả bốn ông bầu chọn về nhất sẽ được gọi là ngựa “4 sao”. Nếu có một ông không đánh giá cao, con ngựa đó sẽ rớt xuống “3 sao”.
Nhìn vào “sao” của ngựa, dân cá cược bắt đầu đặt tiền làm độ. Dân chơi lớn mua một lần vài ngàn đến cả chục ngàn cho con ngựa mình chọn, mỗi vé mười ngàn đồng. Đối với chủ ngựa, chỉ đầu tư nhiều vé khi có cơ sở để tin rằng ngựa của mình có khả năng thắng ngược, song những tay độ lớn ít chơi với phòng vé hoặc mua ít vé cho người ta khỏi để ý. Cốt tử là những trận đánh độ nảy lửa hàng trăm triệu đồng được dàn xếp kín đáo giữa những tay chơi lớn, đó gọi là… cá lậu. Khi đã đầu tư số tiền khủng khiếp như vậy, các tay cá lậu bắt đầu dùng thủ đoạn để thắng cuộc.
Để có được một kết quả làm độ như ý, những đại gia “cá lậu” tổ chức một hệ thống ngầm quy mô, chặt chẽ với chủ ngựa, nài ngựa, thậm chí có cả sự móc ngoặc của một số trọng tài trường đua. Ngoài trọng tài trên đường đua còn có trọng tài chuồng, kiểm tra bước chuẩn bị xuất phát của ngựa. Nếu vị này không công tâm, những chiến mã có thể bị “đứng chuồng” (xuất phát chậm).
Trọng tài sẽ quyết định nếu trọng lượng của nài nhẹ hơn quy định phải buộc đeo thêm chì. Nếu móc ngoặc được với vị này, con ngựa chở nài nhẹ cân không bù chì hoặc bù không đủ số lượng sẽ chạy nhanh hơn. Còn trọng tài trên đường đua sẽ xử lý các hành vi phạm luật như: chạy cắt mặt, lấn đường, ép nhau, níu cương…
Trên đường đua, ngoài việc trọng tài công tâm, một con ngựa thành công phụ thuộc vào 3 yếu tố: đường chạy, khả năng của chính nó và tài năng của nài ngựa. Theo kinh nghiệm của một số chuyên viên về ngựa thì nài ngựa giỏi đóng góp đến 80% chiến thắng. Đối với những con ngựa hay thì việc chiến thắng là điều dễ dàng, nhưng ngựa thì thường hay giở chứng, để điều khiển được con ngựa bất kham, điều cần thiết phải có một nài ngựa giỏi.
Thường thì giới bao cá lậu rất ít khi tiếp xúc được với nài ngựa, chúng chỉ thông qua chủ ngựa hoặc chính người thân của nài như cha mẹ, anh em ruột thịt, dùng tiền mua chuộc để họ tác động đến nài ngựa. Chính những tác động từ chủ ngựa, từ gia đình của nài nên không ít nài ngựa đã có những biểu hiện tiêu cực làm thay đổi kết quả trận đấu.
Ngoài việc mua chuộc, lôi kéo, hăm dọa các chủ ngựa, trọng tài, nài… để làm độ, các “đại gia” trong làng cá độ lậu còn áp dụng nhiều thủ đoạn để hại ngựa nhằm giành phần thắng.
Các chủ ngựa khi làm độ muốn ngựa mình thua cũng áp dụng nhiều trò xấu với ngựa của mình như: chích thuốc ngủ cho ngựa, phải là tay chuyên nghiệp mới làm được điều này vì nếu canh thuốc không chuẩn, con ngựa chưa vào đường đua đã xỉu thì rất dễ bị phát giác và trừng phạt nặng theo luật đua; có ngựa còn bị chích ma túy, cho uống thuốc xổ, bỏ đói…
Còn muốn ngựa thắng thì người ta chích thuốc bổ, thuốc kích thích… Bởi vậy sau mỗi cuộc đua, ngựa bị nghi ngờ có thể sẽ phải thử nước tiểu để rõ trắng đen. Cũng có trường hợp chủ ngựa đã nhận bán độ, cố làm cho ngựa thua nhưng con ngựa do quá sung vẫn phóng ầm ầm, lúc đó nài ngựa sẽ ghì cương cho nó chạy chậm lại. Theo luật của thế giới ngầm, nếu đã nhận độ nhưng không “làm tròn trách nhiệm” sẽ phải bồi thường gấp 3, nếu “chống án” sẽ bị xử theo luật giang hồ!
…Vó ngựa trường đua, đối với những người ham mê cá độ, có sức quyến rũ chẳng khác gì ma túy! Thời nào cũng vậy, hình như cờ bạc là một con đường ngắn nhất để làm giàu đối với một số người. Có điều đó là một con đường của ảo tưởng, của thân bại danh liệt và của thất vọng ê chề…