Nội dung thư

Wednesday, December 18, 2013

* Người khinh binh tiền đạo

Bình Luận Dec 16, 2013 at 8:51 pm

  
joebideen01216
Nguyễn đạt Thịnh
Trong vai trò khinh binh tiền đạo, sáng thứ Tư 12/04, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã tiến vào Bắc Kinh trên chiếc Air Force Two – đi trước đạo quân Đông Á + Mỹ, tiến đánh vùng Không Phận Phòng Thủ (Air Defence Identification Zone (ADIZ),) của Trung Cộng.
Tiền đạo là toán khinh binh 3 người đi trước một cánh quân để gặp địch trước, hầu giúp người chỉ huy cánh quân hiểu rõ tình hình, không bị bất ngờ, rồi dàn đội hình đối phó. Nói cách khác, dù không mặc áo giáp, không đội nón sắt, không võ trang, vai trò của ông Biden trong chuyến “Đông Du” lần này mang nặng tính quân sự.
Một ngày trước đó, tại Bắc Kinh, ông đóng vai trò phụ tá tổng tư lệnh bảo đảm với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe là Nhật không đơn lẻ trong vai trò tiền đồn; có thể ông cũng cam kết với Nhật là sau những nhục nhã trên chiến trường Việt Nam, Mỹ sẽ không đi đêm với Trung Cộng thêm một lần nữa.
Trong khung tác phẩm lớn PIVOT của tác giả Barack Obama, Biden viết tác phẩm ĐÔNG DU riêng của ông, và trước khi đọc một tác phẩm, độc giả thường phải đọc “lời nói đầu” (LNĐ) của tác giả, trong đó tác giả giải thích về nguyên nhân, hay nguồn cảm xúc nào đã tạo dựng nên tác phẩm, để độc giả hiểu rõ hơn nội dung quyển sách sắp đọc.
LNĐ Biden viết trong tác phẩm “Đông Du” là câu ông tuyên bố với phóng viên tờ báo Nhật Asahi Shimbun tại Hoa Thịnh Đốn, trước khi ông lên đường du thuyết tại 3 quốc gia Nhật, Hoa và Nam Hàn. Ông nói ông “Đông Du” để bảo vệ hòa bình, lời tuyên bố dành thế chính nghĩa, để không ai trách Hoa Kỳ, nếu thản hoặc chiến tranh xẩy ra.
Biden nói Hoa Kỳ “quan tâm sâu đậm” đến vùng Không Phận Phòng Thủ Trung Cộng tạo ra và gây phản ứng giận dữ cho Nhật.
Trong lúc “phản ứng giận dữ” chính phủ Nhật lại khôn ngoan nhắc lại là họ tin tưởng Hoa Kỳ sẽ yểm trợ họ đối phó với hành động mà họ gọi là “cực kỳ nguy hiểm” của Trung Cộng.
Biden bảo phóng viên Asahi Shimbun, “Diễn biến này làm tôi nghĩ Trung Quốc và Nhật cần ký một thỏa ước ‘giải quyết khủng hoảng’ và cần tạo dựng những biện pháp gây tín nhiệm hầu giảm căng thẳng. Tôi sẽ tái khẳng định với chính phủ Nhật là chúng tôi giữ lời cam kết đồng minh với Nhật, nhưng tôi cũng nhấn mạnh việc cần tránh những hành động gây nguy hại cho nền hòa bình, an ninh và thịnh vượng của địa phương”.
Nghe xong LNĐ không ai khẳng định được là Biden can hay xúi Nhật tiếp tục bay vào không phận Trung Cộng giới hạn. Ông có xúi Nhật cứ bay không, khi ông khẳng định với họ là Hoa Kỳ “giữ lời cam kết” đồng minh với họ nếu chiến tranh xẩy ra? Ông có can Nhật đừng vào KPPT không, khi ông bảo họ “cần tránh những hành động gây nguy hại cho nền hòa bình, an ninh và thịnh vượng của địa phương?” Biệt tài của chính khách là tuyên bố những câu tối nghĩa.
Bang giao Hoa-Nhật đang ở mức căng thẳng, sau quyết định đơn phương của Trung Cộng, thiết lập (KPPT) gây nhức nhối cho cả Nhật lẫn Nam Hàn; cả 2 đều đã gửi phi cơ quân sự vào KPPT thách thức lệnh cấm bay của Trung Cộng.
Điểm tế nhị cần để ý là trước khi Nhật và Nam Hàn thách thức Trung Cộng, Hoa Kỳ đã gửi vào KPPT hai chiếc oanh tạc cơ chiến lược B-52. Hành động của Hoa Kỳ không thể không khuyến khích Nhật và Nam Hàn cùng ra mặt thách thức.
Sau LNĐ của Biden, Tổng trưởng Nội các Nhật Yoshihide Suga công bố LNĐ của Nhật, trước khi Đông Kinh mở cửa đón Phó Tổng thống Hoa Kỳ. Suga nói, “Việc Trung Quốc công bố KPPT rõ rệt là mưu toan đơn phương thay đổi một tình trạng đang tạm ổn; quyết định này đột ngột đưa thế giới vào tình trạng cùng cực nguy hiểm”.
Biden thảo luận tay đôi với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Bên lề cuộc thảo luận Suga tuyên bố thêm trong LNĐ, “Nhật và Hoa Kỳ đồng quan điểm coi KPPT của Trung Quốc là việc không thể chấp nhận. Tôi nghĩ Phó Tổng thống Biden đã hiểu rõ lập trường của Nhật, khi ông đến Trung Quốc để thảo luận vấn đề này”.
Một trong những điều Biden đòi hỏi Bắc Kinh là nói minh bạch hơn câu “mọi phi cơ đều phải tuân hành tiêu lệnh KPPT hoặc phải đối phó với ‘những biện pháp phòng thủ khẩn cấp’ của Trung Quốc”.
Dĩ nhiên, Biden không hỏi Tập Cận Bình, “Anh có cấm chúng tôi bay qua KPPT không?” câu hỏi khá gần gũi với câu một thiếu niên hỏi một thiếu niên khác, “có phải mày chửi tao không?” để nếu cậu kia trả lời, “đúng, tao chửi mày đó” là cuộc ẩu đả bắt đầu? Dù nội dung có thể giống, nhưng ngôn ngữ ngoại giao vẫn vót cho tròn mọi góc cạnh khó nghe.
Trước khi tiếp đón Biden – người lính tiền đạo của liên quân Đông Á + Mỹ – dĩ nhiên bộ Chính Trị đảng Trung Cộng đã đọc kỹ, đã mổ nát từng chữ trong LNĐ của cả Biden lẫn Abe để hiểu vai trò của Biden.
Họ Tập sẽ không cương như chú bé sửng cồ trả lời “tao chửi mày đó” để nhận quả đấm vỡ mặt; Tập sẽ giải thích, sẽ vuốt tròn để KPPT không còn đủ gai, đủ ngạnh khai hỏa quả bom THẾ CHIẾN THỨ 3.
Ngày thứ Năm 12/05, người khinh binh tiền đạo Biden đã không báo động gọi quân đội Hoa Kỳ nhập cuộc; thế giới đã nhận được tin “tạm vui”: chiến tranh chưa xẩy ra lần này, nhưng đối phó với tham vọng của Trung Cộng muốn “gồm thâu lục quốc” là việc sẽ xẩy ra.
Nguyễn đạt Thịnh
- See more at: http://thoibao.com/2013/12/16/nguoi-khinh-binh-tien-dao/#sthash.3oAiwBp8.dpuf