TS. DƯƠNG XUÂN THÀNH
(GDVN) - Để Quốc hội làm tròn vai trò là cơ quan quyền lực cao nhất của quốc gia, thiết nghĩ ĐBQH phải là những người thực sự có năng lực, không ngại va chạm,...Nghị trường, nghị quyết và… nghị gật“Bác Thước ơi, bác phát biểu thế thì nguy to rồi!”Quốc hội – chữ Vạn và vận mệnh đất nước
“Một nửa chiếc bánh mì vẫn là bánh mì, một nửa sự thật không phải là sự thật”, câu nói này xuất hiện trong không ít bài bình luận trên các phương tiện thông tin đại chúng. Một chiếc bánh mì dù có cắt thành hàng trăm lát mỏng vẫn là bánh mì, điều này không có gì phải bàn luận, tuy nhiên một nửa sự thật không phải là sự thật thì không phải lúc nào cũng đúng.
Mới đây bài viết trên Tienphong Online ngày 25/7/2014 với tiêu đề “Vào Quốc hội không chỉ để vỗ tay” thực sự tạo nên nhiều câu hỏi trong dư luận xã hội. Các ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ chuyển tải đến cử tri cả nước một phần những hoạt động sau cánh cửa nghị trường của các đại biểu quốc hội (ĐBQH), nói cách khác đó chỉ là một phần sự thật mà người dân được biết về công việc mà những người mình đã gửi gắm niềm tin thực hiện tại nghị trường. Tuy nhiên một ít sự thật ấy, dẫu sao vẫn là sự thật.
Ảnh minh họa (Nguồn: Báo Giao thông vận tải)
Theo công bố trên dbqh.na.gov.vn, Quốc hội khóa 13 có 500 đại biểu, trong đó đại biểu chuyên trách TƯ là 91 người (18,2%), đại biểu chuyên trách địa phương là 63 người (12,6%), đại biểu tham gia QH lần đầu là 333 người (66,6%).
Số đại biểu chuyên trách là gần 31% cho thấy đại bộ phận đại biểu Quốc hội là kiêm nhiệm, không ít trong số đó là những người đứng đầu các tổ chức, đoàn thể và chính quyền địa phương. Những người tự ứng cử và đã trúng cử chỉ có 4 người (0.8%) lại cho thấy 99.2% đại biểu đã được lựa chọn cẩn thận thông qua hiệp thương giới thiệu giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chính quyền và các tổ chức đoàn thể khác.
Sự việc không thể xem là bình thường khi Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã phải phát biểu: “Nhiều khi đang biểu quyết cùng một dự án luật, nhưng số lượng đại biểu tham gia biểu quyết thay đổi liên tục: lúc thì 480, lúc bốn trăm bảy mấy, lúc cao hơn năm người, lúc tụt xuống ba người... Có nghĩa là người ta biểu quyết hộ người khác nên lúc bấm nút, lúc thì quên (TPO)”.
Nghị trường, nghị quyết và… nghị gật
(GDVN) - Ngủ gật, đọc báo, chơi trò chơi trên điện thoại di động… khi họp tuy không phải là phổ biến nhưng cũng không còn là hành động cá biệt.
Khi một số người, đại diện cho quyền lợi của dân từ cơ sở đến Quốc hội ngủ gật, đọc báo, chơi trò chơi điện tử, bấm nút hộ, đọc bài phát biểu của người khác tại nghị trường… thì thật khó để yêu cầu người dân phải đặt trọn niềm tin vào họ. Lợi ích cá nhân, địa phương, lợi ích nhóm hòa quyện vào nhau sẽ khiến một câu hỏi trở thành logic là liệu những quyết sách mà họ giơ tay biểu quyết có thực sự phản ánh quyền lợi của tất cả mọi tầng lớp xã hội?
Thuật ngữ “hỏi mồi” mà ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội nêu trong bài báo là minh chứng rõ nhất cho sự hòa quyện quyền lợi giữa người hỏi và người trả lời. Sự “hỏi mồi” ở nghị trường có cái gì đó na ná như sự “mớm cung” trong các vụ án, hình thức có thể khác nhau song bản chất thì cũng “cùng thể loại”.
Tại sao lại xuất hiện tình trạng bấm nút hộ? Câu trả lời là trong số gần 70% đại biểu kiêm nhiệm không ít người đứng đầu các cơ quan trung ương, địa phương, với họ có những cuộc họp, sự kiện còn quan trọng hơn họp quốc hội. Nguyên nhân sâu xa hơn là ở chỗ chưa có sự phân định rạch ròi giữa lập pháp và hành pháp. Nhiều thành viên chính phủ lại là đại biểu quốc hội do vậy họ không thể cùng một lúc có mặt ở hai nơi.
Đã đến lúc không thể để tình trạng chồng chéo giữa hành pháp và lập pháp, đã là quan chức chính quyền thì không tham gia quốc hội. Nếu điều này chưa thể thành hiện thực thì ít nhất cũng phải tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách lên trên 50%. Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương phải là đại biểu chuyên trách, không thể duy trì tình trạng ngược là ĐBQH kiêm nhiệm phụ trách đại biểu chuyên trách.
Về vấn đề “biểu quyết hộ”, liệu những đại biểu “biểu quyết hộ” có xuất trình trước tiểu ban kiểm tra tư cách đại biểu giấy ủy quyền có công chứng nhà nước xác nhận chuyện họ được “ủy quyền bỏ phiếu hộ” hay không? Nhận một bưu phẩm ở bưu điện giúp người thân nếu không có giấy ủy quyền được chính quyền xác nhận chắc chắn là phải quay về. Xe không chính chủ chắc chắn sẽ gặp không ít hệ lụy khi lưu thông trên đường. Liệu những nghị quyết, dự án luật được thông qua với một số phiếu “không chính chủ” ấy có đảm báo tính pháp lý khi mà chúng ta kêu gọi người dân “sống, làm việc theo pháp luật”?
Đương nhiên câu trả lời cho những lo ngại trên sẽ là: những dự án luật hoặc nghị quyết được thông qua vẫn bảo đảm hợp pháp vì số phiếu “không chính chủ” ấy dù có bị loại (do không hợp lệ) cũng chỉ chiếm một tỷ lệ không đáng kể.
Thế nhưng hợp pháp là một chuyện, niềm tin của người dân lại là chuyện khác. Có câu “tích tiểu thành đại”, nếu mỗi sự kiện, mỗi cơ quan mất đi một chút niềm tin của dân thì sự tích tụ sẽ trở thành “nhiều chút” và rõ ràng là không thể xem thường.
Quốc hội khóa này đại biểu trẻ nhất 25 tuổi, trước đây có lúc đại biểu trẻ nhất tuổi chỉ mười chín, hai mươi. Với độ tuổi chỉ vừa rời ghế trường đại học, thật khó mà nói họ đã có đủ kiến thức để đánh giá, phản biện nội dung của rất nhiều dự thảo luật, đặc biệt là khi họ lại không tốt nghiệp các trường luật. Trong trường hợp này, nhìn theo người khác để bấm nút là điều không thể tránh khỏi.
Nói thế không có nghĩa là cứ tuổi cao là có đủ trình độ nhận thức để phản biện, có người mặc dù không phát biểu bằng bài của người khác nhưng những ý kiến “hùng biện” trong nghị trường chủ yếu là về ngôn từ, cú pháp, nghe mãi cũng chán.
Vì sao đến nay truyền thông vẫn thích phỏng vấn các vị nguyên là đại biểu Quốc hội như Nguyễn Quốc Thước, Vũ Mão, Nguyễn Minh Thuyết… và người dân vẫn thích đọc, nghe các phát biểu của họ? Bởi vì bên cạnh cái tâm đối với quốc gia dân tộc, họ còn hơn người khác ở cái tầm. Có một sự tiếc nuối của không ít người, sao những người như thế lại “vội vã” nghỉ ngơi, sao không tiếp tục tham gia vài khóa nữa?
Đứng trước nghị trường, nơi có hàng trăm ống kính ngắm tới, đại biểu quốc hội không nói mà lại đọc những gì viết trong tờ giấy cầm tay. Động tác này cho thấy hoặc là vị đại biểu đó không tự tin về trí nhớ và khả năng diễn thuyết của mình hoặc là họ được phân công đọc ý kiến của tổ, của đoàn đại biểu quốc hội địa phương chứ không phải ý kiến cá nhân của họ. Cũng còn một khả năng khác, đây chỉ là phỏng đoán của người viết và hy vọng rằng phỏng đoán này là sai, rằng những người đọc bài của người khác ở nghị trường thực sự không có đủ những hiểu biết cần thiết để biểu đạt chính kiến của mình.
Một trong những bất cập của việc giới thiệu đại biểu ứng cử tại các địa phương rất dễ nhận ra là một số người sống ở Thủ đô nhưng lại là ĐBQH tận miền nam, Tây Nguyên. Làm thế nào ĐBQH sát với cử tri, thường xuyên gặp gỡ, lắng nghe nguyện vọng của cử tri, kịp thời giải quyết những bức xúc của cử tri trong khi họ sống cách cử tri cả ngàn cây số?
Rất hiếm khi người dân được biết những chất vấn mà ĐBQH dành cho chính quyền cơ sở, các tổ chức, đoàn thể… mọi chất vấn ở nghị trường chủ yếu dành cho các Bộ trưởng. Tại sao các Bí thư, Chủ tịch tỉnh, người đứng đầu các tổ chức đoàn thể không bị chất vấn trong khi hầu hết họ cũng dự họp tại nghị trường? Bức xúc của người dân với chính quyền cơ sở cũng không kém bức xúc với các Bộ. Tình trạng gây ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội, quản lý người nước ngoài… đâu phải chỉ là trách nhiệm của các Bộ, Chủ tịch tỉnh, lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc, Liên đoàn lao động Việt Nam… cũng phải trả lời chất vấn tại nghị trường mới là công bằng vì chức vụ của họ đâu có kém Bộ trưởng!
Để Quốc hội làm tròn vai trò là cơ quan quyền lực cao nhất của quốc gia, thiết nghĩ ĐBQH phải là những người thực sự có năng lực, không ngại va chạm, Quốc hội cũng cần bỏ phiếu tín nhiệm chính các ĐBQH chứ không phải chỉ một số chức danh như hiện nay. Chỉ khi nào làm được việc đó mới nâng cao được chất lượng đại biểu, mới cảnh tỉnh được những người coi Quốc hội cũng chỉ là một diễn đàn, rảnh thì tham gia, bận thì bỏ./.