Monday, 25 August 2014 22:01Written by Trúc Giang MN
Các "bà bầu" đẻ thuê.
1* Mở bài
Ước muốn có được những đứa con là nguyện vọng rất chính đáng của những cặp vợ chồng hiếm muộn. Tuy nhiên, việc sinh ra những đứa trẻ, ngày nay được thực hiện dưới nhiều hình thức, từ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm cho đến việc mang thai hộ, đẻ mướn đã tạo ra những phức tạp gây tranh cãi.
Trong những năm gần đây phong trào nầy lại nở rộ nhất là ở Thái Lan và Ấn Độ trở thành dịch vụ kinh doanh thương mại của những người lợi dụng kẽ hở của luật pháp để trục lợi.
Những phức tạp của vụ việc gây ra tranh cãi về đạo đức và pháp lý do những hợp đồng nảy sinh ra.
Người giàu có ở Trung Cộng muốn cho con cái được mang quốc tịch Mỹ khiến cho dịch vụ của nước nầy gia tăng đáng kể.
2* Mang thai hộ và đẻ thuê
2.1. Mang thai hộ
Mang thai hộ (Surrogacy) là mang cái bào thai đã được hình thành từ bên ngoài, do cái trứng thụ tinh (Fertilization) với tinh trùng trong ống nghiệm và sau đó cấy cái phôi vào tử cung của người mang thai hộ. Mang thai hộ là người cho mượn, cho thuê tử cung để mang cái bào thai trong thai kỳ 9 tháng 10 ngày. Đứa con sinh ra mang gene di truyền từ người cho tinh trùng và cho trứng, nó không có liên hệ di truyền nào với người mang thai hộ cả.
2.2. Đẻ thuê
Đẻ thuê bao gồm việc mang thai hộ và mang thai từ cái trứng của chính người đẻ thuê.
Đẻ thuê có hai trường hợp:
1). Để người chồng quan hệ tình dục trực tiếp với người đẻ thuê. Có thể ví như trường hợp của người đàn ông ngoại tình bắn tinh trùng trực tiếp vào tử cung của người đẻ thuê.
2). Bơm tinh trùng vào tử cung của người đẻ thuê. Tinh trùng có thể của người chồng hoặc mua từ ngân hàng tinh trùng. Tinh trùng và trứng kết hợp nhau gọi là thụ tinh (Fertilization).
Cả hai trường hợp nầy đều xử dụng cái trứng của phụ nữ đẻ thuê, đứa con sinh ra mang gene di truyền của người mang tinh trùng và di truyền của người cung cấp trứng (egg hay ovum, ova)
3* Giải cứu 15 cô gái Việt Nam trong đường dây đẻ thuê ở Thái Lan
3.1. Cảnh sát Thái Lan giải cứu 15 cô gái Việt Nam
Các bà mẹ "đẻ thuê" Việt Nam chuẩn bị về nước.
Ngày 23-2-2011, cảnh sát Thái Lan phối hợp với các tổ chức nhân đạo xông vào bao vây ba ngôi nhà ở ngoại ô Bangkok, giải cứu 15 cô gái Việt Nam tuổi từ 19 đến 26, gốc ở các tỉnh miền Nam gồm Cà Mau, Bạc Liêu, An Giang và Hậu Giang.
Các cô cho biết họ bị giam lỏng vì hộ chiếu đã bị thu giữ. Người chủ thuê nhà là người của công ty Đài Loan tên Baby-101.
Các cô gái khai rằng họ sang Thái Lan để làm dịch vụ đẻ thuê. Được cho ăn uống đầy đủ và nhận 5,000USD cho mỗi lần sanh con.
Theo lời hứa thì khi có bầu 4 tháng sẽ được lãnh 1,000USD, 4,000 còn lại sẽ được gởi cho gia đình ở VN sau khi sanh con.
Mười cô gái trong đường dây đẻ thuê xuyên quốc gia đã được trả về VN và họ được đưa đến “Ngôi nhà bình yên” của Hội Phụ Nữ Hà Nội. Trong số 10 cô nầy, có ba người đang mang thai ở tháng thứ 6 và thứ 8 nên đi lại khó khăn.
Còn 5 cô gái đang ở trại tạm trú Thái Lan vì vừa mới sanh xong. Những đứa con sẽ được cho theo mẹ về VN. Các cô gái nầy đã đến Thái hơn một năm cho biết, họ không muốn giữ những đứa con mà chỉ muốn nhận 5,000USD thôi.
Trả lời câu hỏi: “Nếu sau nầy những cặp vợ chồng nước ngoài sang VN đòi con thì giải quyết thế nào?”.
Bà Hà Thị Thanh, Phó ban Luật pháp Hà Nội cho biết: “Nếu đứa trẻ đã được đăng ký khai sanh và mang quốc tịch VN thì mọi việc phải tuân theo luật pháp VN. Luật VN cấm mang thai hộ, đẻ thuê, nên các hợp đồng không có giá trị trên lãnh thổ VN. Các cô gái hoàn toàn có quyền nuôi dưỡng đứa con do mình sanh ra. Nhưng nếu người đẻ thuê và cha mẹ thật đã thỏa thuận về tình cảm với nhau, khi đó họ có thể áp dụng quy định về con nuôi”. Nghĩa là nhận con ruột làm con nuôi.
Cái khổ của những cô gái là trong hoàn cảnh quá nghèo mà phải mang thêm đứa con không biết dòng máu của ai, quốc tịch nước nào.
3.2. Thái Lan là “thiên đàng” của dịch vụ đẻ thuê
Thái Lan hiện nay được xem là một trong những “thiên đàng đẻ thuê” hấp dẫn đối với những cặp vợ chồng hiếm muộn người châu Âu và Úc, vì giá rẻ, bảo đảm về y tế và luật pháp.
Nhiều người thích sang Thái Lan mướn người đẻ hộ, vì họ được chọn giới tính trai, gái của đứa trẻ, an toàn về y tế và không rắc rối về pháp lý.
Thái Lan chưa có luật, cho phép hay cấm việc mang thai hộ, đẻ thuê, nhưng Bộ Y tế cho phép những cặp vợ chồng vô sinh có thể nhờ người thân mang thai và đẻ hộ không lấy tiền. Do đó một số công ty tư nhân, trong đó có công ty Baby-101 của Đài Loan lợi dụng kẽ hở của luật pháp để kiếm ăn.
3.3. Công ty Đài Loan Baby-101 ở Thái Lan
Công ty Baby-101 vốn 100% của Đài Loan, trụ sở ở Bangkok, có chi nhánh ở Việt Nam và Campuchia.
Trong vụ giải thoát 15 cô gái Việt Nam, cảnh sát Thái đã bắt giữ 8 người gồm có 4 người Đài Loan, 1 người Trung Quốc và 3 người Miến Điện. Người chủ đường dây là một phụ nữ Đài Loan 35 tuổi tên Siang Lunglor, đã nhanh chân trốn thoát.
Trang web của công ty nầy quảng cáo bằng tiếng Anh, tiếng Hoa và Nhật. Cảnh sát cho biết công ty nhận đơn đặt hàng qua email hoặc qua các văn phòng chi nhánh.
Công ty nầy xử dụng phụ nữ Việt Nam để mang thai và đẻ thuê vì giá rẻ, nhất là không có những quan hệ ràng buộc với người Thái và rất dễ khống chế khi hộ chiếu bị thu giữ.
Trong 15 cô gái Việt Nam nhập cảnh vào Thái Lan bất hợp pháp, có 11 người tình nguyện đẻ thuê và 4 người bị lừa. Tuy nhiên cảnh sát Thái phải giam giữ họ để điều tra xem có còn những địa điểm đẻ thuê nào khác nữa hay không, đồng thời cũng xem họ có phải nằm trong đường dây mua bán trẻ em hay không.
3.4. Lựa chọn giới tính cho thai nhi ở Thái Lan
Theo quảng cáo của trang mạng The Thailand Surrogacy thì khách hàng có thể chọn lựa giới tính cho thai nhi, đó là sau khi trứng đã thụ tinh thì tế bào sẽ được phân tích dưới kiếng hiển vi để xem nhiễm sắc thể của tế bào. Nếu hai nhiễm sắc thể đều là X thì đó là gái. Nếu 1 X và 1 Y thì đó là trai. Bác sĩ cũng có thể tạo ra giới tính bằng cách chọn một tinh trùng mang nhiễm sắc thể giới tính Y để phối hợp với nhiễm sắc thể X của cái trứng thì cho ra bé trai.
4* Cha đẻ của chín đứa trẻ trong vòng hai năm
Ngày 5-8-2014, do phàn nàn của những người hàng xóm về tiếng trẻ con khóc gây ồn ào nên cảnh sát Bangkok ập vào một căn hộ trong chung cư sang trọng và tìm thấy 9 đứa bé sơ sinh, 6 trai, 3 gái cùng với 7 người vú em. Một thiếu nữ 20 tuổi đang mang bầu cũng sống tại đó.
Cuộc điều tra cho biết, một doanh nhân tỷ phú người Nhật tên Shigeta Mitsutoki, 24 tuổi, được xác nhận là cha của 9 đứa trẻ đó. Hồ sơ xuất nhập cảnh Thái Lan xác nhận Mitsutoki đã tới Thái 65 lần trong vòng hai năm.
Luật sư của Mitsutoki thừa nhận anh ta là cha của 9 đứa trẻ và nói thêm, Mitsutoki rất yêu trẻ, muốn có một gia đình lớn để sau nầy các con giúp đỡ anh ta quản lý việc kinh doanh.
Cảnh sát đang tiến hành điều tra lý do thật sự trong vụ nầy để xem anh ta có phải là tổ chức buôn bán trẻ em hay không?.
5* Một trường hợp khó xử về đẻ thuê ở Thái Lan
5.1. Một cặp vợ chồng người Úc nhờ người đẻ thuê ở Thái Lan
Ngày 4-8-2014, đài BBC đưa tin, cha mẹ người Úc và người mẹ đẻ thuê Thái Lan của em bé mắc bịnh Down đã đưa ra những tranh cãi về vụ bố mẹ bỏ rơi con.
Qua công ty môi giới, cặp vợ chồng người Úc, David Farnell và Wendy Li, nhờ cô Pattaramon Chanbua, 21 tuổi, đẻ thuê. Kết quả song sinh một trai một gái. Tuy nhiên người Úc chỉ nhận đứa gái, bỏ rơi đứa trai tên Gammy do bị bịnh Down.
Khi siêu âm, bác sĩ phát hiện bịnh đó. Công ty môi giới bảo cô nên phá thai nhưng cô từ chối vì đó là hành động tội lỗi do niềm tin Phật giáo của cô.
Khi cặp vợ chồng người Úc mang bé gái đi thì cô chấp nhận nuôi bé trai Gammy bị bịnh Down, dị tật ở tim và bị sưng phổi, nhưng cô rất nghèo. Thế là một tổ chức từ thiện ở Úc đứng ra mở cuộc lạc quyên, chỉ trong 3 ngày thu được 150,000 euro để giúp đỡ cô Chanbua.
Câu chuyện về nhân đạo lại ầm ĩ trên truyền thông. Nhiều tranh cãi trên những trang mạng xã hội, cho rằng cặp vợ chồng Úc thiếu tình người.
5.2. Cặp vợ chồng người Úc
Cặp vợ chồng Australia và bé gái khỏe mạnh Chanbua với bé Gammy bị bịnh Down.
Người chồng David Farnell, 50 tuổi, có nhiều tiền án về quấy rối và lạm dụng tình dục đối với 3 trẻ em dưới 13 tuổi. Bị vào tù hai lần vào những năm cuối thập niên 1990.
Sau khi ra tù, ly dị vợ. Qua trung gian của một công ty môi giới Trung Hoa, ông kết hôn với một phụ nữ Trung Hoa tên Wendi Li vào ngày 24-10-2004. Họ sống ở bang Bunbury Tây Úc.
5.3. Phản ứng của chính quyền Úc
Thủ tướng Úc, Tony Abbott đã có phản ứng, gọi “Đây là một câu chuyện buồn” và ông “không muốn nghĩ đến cảnh một đứa bé bị bỏ rơi như vậy”.
Bộ trưởng Nhập cư, ông Scott Morrison đã gọi bà mẹ sinh con hộ “là một anh hùng, một vị thánh”. Ông cho biết Canberra sẽ xem xét nên can thiệp như thế nào cho thỏa đáng. Vụ việc phức tạp vì đã xảy ra trong phạm vi thuộc quyền tài phán vủa một quốc gia khác (Thái Lan). Văn phòng di trú Úc nói với hãng tin AP rằng Gammy có thể được hưởng quốc tịch Úc, nếu trở thành công Úc thì em bé sẽ được hưởng chế độ y tế miễn phí tại Úc.
Việc thuê người đẻ mướn bất hợp pháp ở Úc. Luật cấm đẻ mướn, nhưng cho phép đẻ giùm tức là không lấy tiền.
Sau hơn một tuần lễ im lặng, cặp vợ chồng Úc lên tiếng, cho rằng họ không bỏ rơi Gammy vì không hay biết gì về đứa trẻ bị bịnh Down, nhưng người mẹ đẻ thuê Chanbua nói với hãng tin Fairfax Media rằng, người cha độ 50 tuổi đã tới bịnh viện chăm sóc bé gái nhưng không bao giờ nhìn vào mặt hay bế ẵm bé trai Gammy mặc dù hai đứa nằm sát bên nhau. Vợ chồng Úc cho rằng Chanbua đã phá vở hợp đồng vì đã sinh con ở một bịnh viện nhỏ, thay vì theo thỏa thuận thì phải sinh con ở một bịnh viện quốc tế.
5.4. Tranh luận lan rộng đến nước Pháp
Phản đối.
Những người chủ trương phản đối việc đẻ thuê, tận dụng trường hợp nầy để nhấn mạnh về vấn đề đạo đức, như người ta có thể mướn một cái bụng để mang thai hộ, việc nầy vi phạm phẩm giá người phụ nữ.
Trong bức thơ ngỏ gởi tổng thống Pháp François Hollande, những chính trị gia cánh tả (Jacques Delors, Lionel Jospin) nhận định việc đẻ thuê là “sự đăng quang của ngành công nghiệp sản xuất trẻ em theo đơn đặt hàng “Con người chớ không phải là một đồ vật”. Họ yêu cầu tổng thống lên tiếng phản đối trước công chúng về việc sinh con hộ đó.
Một bài xã luận trên báo Libération tựa đề “Đạo đức” nhấn mạnh, điều cần lên án ở đây là việc bóc lột các bà mẹ đẻ mướn ở Thái Lan và Ấn Độ. Tuy nhiên, không nên lên án dịch vụ đẻ thuê, nếu hoạt động nầy được chính quyền quản lý tốt sẽ cho phép những cặp hiếm muộn có niềm vui được làm cha mẹ mà không xâm phạm đến sức khỏe của người khác. Quản lý tốt là đi kèm theo nguyên tắc đạo đức.
5.5. Hội chứng Down
Hội chứng (Syndrome) là tập hợp của những triệu chứng (Symptom). Hội chứng Down là tập hợp của những triệu chứng bẩm sinh trong đó nổi bật nhất, thể hiện rõ nhất là tình trạng trí tuệ, tâm thần, nói chung là chậm phát triển tâm thần. Ví dụ một người bịnh Down 21 tuổi mà chỉ số thông minh là 42 (trung bình là 100), tương đương với tâm thần của đứa trẻ bình thường ở 6 hay 7 tuổi.
Những hiện tượng khác của Down là khuôn mặt bất thường, đầu ngắn, hai tai nhỏ, mắt xếch, tay chân vụng về…phải học ở những lớp đặc biệt dành cho người khuyết tật.
Bào thai bị Down được phát hiện ở tháng thứ tư trong thai kỳ.
6* Công nghiệp đẻ thuê ở Ấn Độ
6.1. Ấn Độ là trung tâm đẻ thuê của thế giới
"Lò đẻ thuê" này tên là Bệnh viện sản khoa Akanksha, do bác sĩ Nanya Patel điều hành.
Ấn Độ trở thành một trung tâm đẻ thuê của thế giới vì có nền y tế tiên tiến, chi phí thấp, và vấn đề luật pháp không phức tạp.
Theo tờ Telegraph thì dịch vụ đẻ thuê ở Ấn Độ thu vào mỗi năm 2.5 tỷ USD cho hơn 1,000 “nhà máy đẻ”.
Năm 2010, Ấn Độ có hơn 1,500 ca đẻ thuê, tăng 50% so với hai năm trước. Một báo cáo trên tạp chí Time chỉ ra rằng, mỗi năm có hàng trăm lượt khách du lịch đến Ấn Độ với mục đích tìm dịch vụ đẻ thay khiến cho nước nầy trở thành một trung tâm đẻ thuê của thế giới. Khách hàng lớn nhất của dịch vụ nầy là Anh Quốc. Báo cáo cũng nêu ra rằng các quan chức chính quyền, các giám đốc công ty, và ngay cả bác sĩ người Anh cũng trở thành ông bố, bà mẹ nhờ vào dịch vụ đẻ thuê ở Ấn Độ.
Năm 2011 có 1,000 trong 2,000 ca đẻ thuê phục vụ cho người Anh, trong khi đó người Ấn bản xứ chỉ có 100 ca.
6.2. Cặp vợ chồng người Mỹ chọn Ấn Độ
Josh 29 tuổi, Matt 32 tuổi, người Mỹ, kết hôn hồi tháng 11 năm 2011, họ không thể sinh con theo truyền thống được, nhưng một gia đình có nhiều đứa con đối với họ là việc rất quan trọng.
Sau khi cân nhắc trưóc nhiều lựa chọn, họ quyết định đến Ấn Độ vì chi phí đẻ thuê ở Ấn rẻ hơn ở Mỹ rất nhiều. Chi phí đẻ thuê ở Ấn giá từ 25,000 đến 30,000USD trong khi ở Mỹ giá trên 160,000USD.
Họ thích Ấn Độ vì những người đẻ thuê ít có liên quan đến rượu, thuốc lá, hay ma túy như ở Mỹ.
Phụ nữ đẻ thuê ở Ấn đa số là người nghèo, số tiền nhận được mỗi ca từ 5,000 đến 7,000USD.
6.3. Trung tâm đẻ thuê ở Ấn Độ
Cô Vasanti một phụ nữ đẻ thuê ở Ấn Độ.
Cô Vasanti, 28 tuổi, mang thai cho một cặp vợ chồng Nhật với số tiền là 8,000USD. Với số tiền nầy cô có thể xây nhà mới và cho hai con đi học ở trường tốt.
Vasanti được cấy phôi thai của vợ chồng Nhật vào buồng trứng. Cô đến sống với 100 người mang thai mướn tại một trung tâm đẻ thuê ở thành phố nhỏ Amand thuộc bang Gujarat trong 9 tháng. Mỗi phòng tại trung tâm có 10 thai phụ, được cung cấp những bữa ăn giàu dinh dưỡng và những sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý.
6.4. Những yêu cầu nghiêm nhặt
Tuy nhiên trung tâm đặt ra những yêu cầu rất nghiêm nhặt là người mang thai hộ phải chịu trách nhiệm nếu có bất kỳ biến chứng nào xảy ra.
Họ nhận được 10,000USD nếu song thai, nhưng chỉ có 600 USD nếu bị hư thai trong 3 tháng đầu. Cha mẹ đứa bé sẽ chi 28,000USD cho trung tâm ở mỗi ca sanh thành công. Những phụ nữ nầy hiểu và chấp nhận chịu đau đớn mới có tiền.
Trong thời gian 9 tháng ở trung tâm họ được dạy nghề thêu may để kiếm sống sau khi ra khỏi trung tâm.
Số tiền mà cô Vasanti nhận được nhiều hơn số 40 USD mà chồng cô nhận được mỗi tháng. Một số người còn quay lại trung tâm sau khi “vượt cạn”. Trung tâm quy định, mỗi người chỉ được đẻ thuê 3 lần mà thôi.
6.5. Dư luận trái chiều về việc đẻ thuê ở Ấn Độ
Bác sĩ Nayna Patel, người điều hành trung tâm cho biết, có nhiều người lên án công việc mà ông đang làm. “Nhiều người cáo buộc chúng tôi hoạt động kinh doanh liên quan đến việc mua bán trẻ sơ sinh. Trung tâm là một nhà máy sản xuất em bé. Họ dùng nhiều lời lẻ xúc phạm nặng nề”.
Theo ông Patel, Ấn Độ đang trở thành một trung tâm đẻ thuê của thế giới do công nghệ y tế tiên tiến, chi phí thấp và vấn đề pháp lý không phức tạp. Một phụ nữ đẻ thuê được trả số tiền còn to hơn số thu nhập cả đời của họ. Họ dám làm cái điều mà họ tự hào là sinh một đứa con cho những cặp vợ chồng khao khát có một mái ấm gia đình hạnh phúc. Với số tiền đẻ thuê họ có thể nuôi cả gia đình.
Ý kiến chỉ trích đặt câu hỏi, họ cảm thấy thế nào khi phải trả lại đứa trẻ mà đã mang nặng đẻ đau trong suốt một thời gian dài. Hành vi đó cho thấy người đẻ thuê và đứa trẻ như một món hàng mua bán.
Tại Ấn Độ, những người đẻ thuê không có bất cứ một quyền hạn hay trách nhiệm nào đối với đứa trẻ. Khoảng 1/3 người nghèo trên thế giới sống ở Ấn Độ.
Tại một số quốc gia phương Tây phụ nữ nào sinh ra đứa bé đều được xem là mẹ và phải ghi tên trên giấy khai sanh.
7* Nhà giàu Trung Hoa thuê phụ nữ Mỹ đẻ hộ
7.1. Phong trào nhờ phụ nữ Mỹ đẻ thuê nở rộ trong những năm gần đây.
Hàng loạt người Trung Hoa giàu có đang thuê phụ nữ Mỹ đẻ hộ, tạo nên một nền kinh doanh nhỏ nhưng phát đạt. Mỗi đứa trẻ Trung Hoa như vậy có giá 120,000 USD.
Các công ty môi giới mang thai hộ ở Trung Hoa và Mỹ đang phục vụ cho những người giàu có, muốn có con sinh ra ở Mỹ mà đa số là muốn con được mang quốc tịch Mỹ. Những đứa con nầy có thể nộp đơn xinh thẻ xanh thường trú cho cha mẹ khi đến 21 tuổi. Tuy nhiên ngay từ lúc sinh ra, được hưởng nền giáo dục và những phúc lợi xã hội ưu việt nhất thế giới.
Tuy chưa có con số chính thức về số người Trung Hoa nhờ phụ nữ Mỹ đẻ thuê là bao nhiêu, nhưng những công ty dịch vụ ở hai nước nầy cho biết nhu cầu nầy tăng vọt trong nhiều năm qua. Các công ty mở những trang mạng bằng tiếng Tàu, các phòng khám sản phụ cũng thuê nhân viên biết tiếng Tàu và tiếng Anh.
Công ty Circle Surrogacy, trụ sở ở Boston (Mỹ) đã thực hiện hàng chục dịch vụ của người Trung Hoa trong 5 năm qua. Ông John Weltman người phụ trách công ty cho biết đã thực hiện 140 trường hợp đẻ thuê trong một năm, trong đó 65% là khách hàng người ngoài nước Mỹ.
Việc làm ăn phát đạt. Ông đang xúc tiến mở một văn phòng ở California để tiện phục vụ cho người châu Á, đồng thời sẽ mở một văn phòng đại diện ở Thượng Hải (Trung Hoa).
7.2. Sức hút trở thành công dân Mỹ
Việc người Trung Hoa muốn con của họ trở thành công dân Mỹ không phải là điều mới lạ. Họ lợi dụng tu chính án số 14 trong Hiến pháp Hoa Kỳ, cho phép bất cứ ai chào đời ở Mỹ thì có quyền công dân Mỹ.
Ông Weltman cho biết, những khách hàng Trung Hoa luôn luôn muốn chọn quốc tịch Mỹ cho con của họ, với những lý do mà ông cho biết như sau:
- Họ hy vọng dùng đồng tiền để làm thay đổi số trời. Con trở thành công dân Mỹ để được hưởng nền giáo dục ưu việt của Mỹ, hưởng phúc lợi xã hội, môi trường sống văn minh và tốt đẹp của Hoa Kỳ.
- Một số viên chức giàu có muốn tìm nơi ẩn náu làm hậu cứ, làm bãi đáp an toàn trong trường hợp có những biến cố chính trị xảy ra.
- Tài sản của họ được bảo vệ tốt ở Mỹ.
- Một số muốn có thêm đứa con mà tránh né được chính sách một con của nhà nước.
- Cũng có một số người có quan niệm rằng phụ nữ Mỹ sinh ra những đứa con cao ráo và xinh đẹp hơn.
7.3. Hoa Kỳ mở cửa
Hồi tháng 4 năm 2006, sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh công bố công dân Trung Hoa dễ dàng xin Visa nhập cảnh Mỹ theo diện du lịch.
Theo số liệu thống kê mới đây, từ năm 2000 đến 2006, số lượng trẻ em sinh ra ở Mỹ mà mang dòng máu của các quốc gia khác tăng 53% trong khi đó trẻ em Mỹ bản xứ chỉ tăng có 5%.
Truyền thông Mỹ cho biết, ngoài người Trung Hoa, Hàn Quốc và Đài Loan thì còn có Mexico, Thổ Nhỉ Kỳ cũng ùn ùn kéo nhau đến Mỹ sanh con.
7.4. Chi phí đẻ thuê ở Mỹ
Một công ty môi giới đẻ thuê ở Thượng Hải cho biết, trọn gói đẻ thuê sơ khởi là từ 120,000USD đến 200,000USD. Còn cộng thêm tiền vé máy bay và các chi phí khác tổng số là 300,000USD.
Người phụ nữ cho thuê bụng giá từ 22,000 đến 30,000USD. Chi phí visa nhập cảnh 13,000USD. Nếu cần người hiến trứng thì phải trả thêm 15,000USD. Chăm sóc sau khi sanh và chi phí đở đẻ từ 9,000 đến 16,000USD.
Chi phí ở Mỹ cao như vậy nên một số người chọn Thái Lan và Ấn Độ, rẻ hơn nhiều.
7.5. Con Trung Hoa tử cung mẹ Mỹ
Lý do lớn nhất khiến cho những cặp vợ chồng người Hoa tìm người đẻ thuê ở Mỹ là do họ bị coi là vô sinh. Hiện có hơn 40 triệu người vô sinh ở Trung Hoa. Doanh nhân Thượng Hải tên Tony Jiang và vợ tên Cherry là một trong số họ.
Jiang đã tìm hiểu việc mang thai thuê ở Thái Lan, Ấn Độ và Ukraina trước khi quyết định chọn Mỹ.
Tháng 12 năm 2010 Jiang và vợ vui mừng đón đứa con gái chào đời. Người phụ nữ Mỹ nầy sau đó mang song thai cho cặp vợ chồng người Trung Hoa đó.
Việc mang thai hộ hợp pháp ở Mỹ nhưng bị cấm ở Trung Hoa nên mọi việc được giữ kín, thậm chí có nhiều phụ nữ ngụy trang bằng cách độn bụng to lên, mang thai giả để che giấu việc nhờ đẻ thuê.
7.6. Tony Jiang lập công ty riêng
Bạn bè nhờ Jiang giúp đỡ để có con theo cách đó. Năm 2012, Jiang thành lập công ty riêng mang tên Công ty Cố vấn DiYi (DiYi Consulting) và đã thực hiện được 75 trường hợp mang thai hộ cho những cặp vợ chồng người Trung Hoa giàu có.
Một người đàn ông Trung Hoa cho biết, trung tâm môi giới đã giới thiệu cho ông 300 ứng viên, rồi loại dần còn 10 người. Từng người một được mời đi ăn, trò chuyện…và cuối cùng họ chọn người phụ nữ Mỹ, 24 tuổi làm nghề y tá, xinh đẹp, khỏe mạnh và tốt tánh.
Một phụ nữ Trung Hoa ca ngợi: “Trở thành người Mỹ, có visa miễn cảnh trên đất Mỹ và các lãnh thổ phụ thuộc, được hưởng nền giáo dục ưu việt và chế độ phúc lợi xã hội, tiết kiệm được hàng triệu nhân dân tệ so với việc cho con du học đại học Mỹ. Nói tóm lại, khoản đầu tư nầy sẽ thu lợi gấp vạn lần so với việc đi cướp ngân hàng”.
8* Rắc rối chuyện đẻ thuê xuyên lục địa
“Toà án Anh Quốc cuối cùng đã công nhận cặp vợ chồng trẻ Singapore là cha mẹ ruột của ba đứa bé được đẻ hộ bởi một phụ nữ Mỹ ở bang Nevada (Hoa Kỳ)”
Cặp vợ chồng nầy, vợ 31 tuổi, chồng 37 tuổi, kết hôn năm 2003 và đang sinh sống ở Anh.
Đã 5 lần người vợ bị sẩy thai vì lý do sức khỏe nên họ quyết định tìm người mang thai hộ.
Thông qua một công ty môi giới ở California, nơi mà luật pháp cho phép đẻ mướn như là một hoạt động thương mại. Họ tìm được người phụ nữ ở bang Nevada.
Tên tuổi của những người liên quan được giấu kín theo lời yêu cầu của tòa án.
Theo hợp đồng, vợ chồng người Singapore phải trả cho người mang thai hộ 38,500USD, và tiền môi giới 20,000USD.
Phôi thai được thụ tinh bởi tinh trùng và trứng của cặp vợ chồng nầy, được chuyển vào cơ thể của người phụ nữ Nevada và phát triển thành ba bào thai.
Đến tháng 10 năm 2012 toà án Nevada đã cấp cho cặp vợ chồng nầy giấy chứng nhận là cha mẹ hợp pháp của ba đứa trẻ sắp ra đời. Việc sinh đẻ thành công vào tháng giêng năm 2013. Tháng 4 năm 2013, ba đứa trẻ được cha mẹ đưa về Anh Quốc. Ba đứa trẻ không có giấy phép nhập cảnh vào nước Anh. Cặp vợ chồng nầy tiếp tục ra tòa xin giấy phép chứng nhận quyền bảo hộ hợp pháp những đứa trẻ với tư cách là cha mẹ ruột. Và rắc rối nẩy sinh từ đây.
Toà án Anh Quốc cho rằng số tiền 38,500USD trả cho người đẻ thuê là trái luật của bang Nevada. Vụ việc được đưa lên tòa án gia đình tối cao.
Báo Straits Times cho biết, tại tòa nầy các vấn đề được đặt ra để xét xử là:
- Số tiền 38,500 USD có phải là cao một cách bất thường không? Việc trả tiền cao như thế có phải là khuyến dụ người phụ nữ Nevada mang thai hộ hay không?
- Việc ứng xử của cặp vợ chồng nầy đối với người mang thai hộ có phải là thiện chí hay là có làm hoen ố về mặt đạo đức không?
Những vấn đề mà tòa đưa ra, xem có phù hợp với nội dung của Luật Thụ tinh và Phôi thai năm 2008 của nước Anh hay không?
Thẩm phán tòa tối cao Lucy Theis, trong phán quyết, cho rằng: “Số tiền 38,500 USD là trái luật vì nó cao một cách bất hợp lý so với chi phí mang thai hộ của luật Nevada. Tuy nhiên, cặp vợ chồng nầy không biết luật của bang Nevada và số tiền không mang tính chất mua chuộc người mang thai hộ, nhất là việc mang ba thai nhi thì rủi ro cao hơn.
Cặp vợ chồng nầy có thiện chí, không vi phạm về mặt đạo đức đối với người mang thai hộ và đẻ thuê.
Vì vậy, tòa tuyên bố công nhận quyền bảo hộ con ruột hợp pháp của cặp vợ chồng nầy.
Tuy nhiên, bà Lucy Theis cũng khuyến cáo những người có ý định nhờ đẻ thuê ở nước ngoài, là phải biết tường tận “để bảo đảm và tuân thủ đúng pháp luật và quyền tài phán ở nước đó”.
Những quốc gia tôn trọng luật pháp luôn xem xét sự việc dưới những khía cạnh về luật pháp, nhưng luật pháp, nhất là luật Mỹ rậm như đám rừng và khác biệt nhau ở từng tiểu bang, thì trong một ngày, một buổi làm sao mà biết tường tận được mọi việc, vì thế các nhà cố vấn pháp luật có cơ hội làm ăn hốt bạc.
9* Việc đẻ thuê ở Việt Nam chỉ là con số nhỏ
Việc đẻ thuê ở Việt Nam chỉ là con số nhỏ vì trẻ em quá dư thừa do cha mẹ bỏ rơi. Những cặp vợ chồng trung lưu hiếm muộn có khuynh hướng sinh con qua phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.
9.1. Trên hai triệu trẻ em bị bỏ rơi
Trẻ em chưa cao bằng cây lúa.
1). Báo cáo của Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc
Theo báo cáo của Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF (United Nations Children’s Fund) thì có hơn 2.6 triệu trẻ em ở Việt Nam cần phải được bảo vệ đặc biệt. Trong đó có những trẻ bị lạm dụng, bị bóc lột, bị buôn bán vì mục đích tình dục, trẻ em lang thang, tật nguyền, bị ruồng bỏ. Trong số đó có 17,500 trẻ bị bỏ rơi thành trẻ mồ côi.
2). Báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội
Theo thống kê của Bộ nầy thì đến tháng 2 năm 2014 trên cả nước có trên 40,000 trẻ mồ côi được nhận trợ cấp xã hội. Có khoảng 176,500 trẻ mồ côi được chăm sóc bởi các gia đình tư nhân và cơ sở tôn giáo. 22,000 trẻ được nuôi dưỡng ở các cơ sở tập trung.
Như vậy, tổng số trẻ được chăm sóc là 238,500, và so với báo cáo vủa UNICEF thì còn hơn 2 triệu trẻ không được bảo vệ đặc biệt.
Vậy ai phải chịu trách nhiệm về số phận của những đứa trẻ bạc phước nầy?
9.2. Đẻ thuê ở Việt Nam
Mặc dù luật pháp ngăn cấm nhưng dịch vụ mang thai hộ, đẻ thuê vẫn được công khai chào mời tại Hà Nội và Sài Gòn trong đó có sự hỗ trợ đắc lực của các bác sĩ.
Ông Tưởng Đình Trung, 34 tuổi, người Nghệ An, là cò bán tinh trùng và bán trứng đã lập trang mạng “Hiếm muộn, nguồn sống Việt” quảng cáo các dịch vụ mang thai hộ, đẻ thuê.
Giá cả tổng quát như sau:
- Người chồng quan hệ tình dục trực tiếp, bắn tinh trùng vào người mang thai hộ giá 130 triệu đồng.
- Bơm tinh trùng vào tử cung người mang thai hộ, giá 140 triệu đồng.
- Người phụ nữ mang thai hộ giá từ 100 đến 120 triệu tùy theo nhan sắc và dáng vóc.
Người cho thuê bụng có vai trò nuôi dưỡng thai. Thai nhi nhận chất dinh dưỡng từ cái nhau qua rốn (rún)
Còn cái gene di truyền thì được hình thành từ trứng và tinh trùng trong quá trình thụ tinh. Người mang thai hộ, mang nặng đẻ đau được gọi là mẹ mang thai hộ (Surrogate mother). Mẹ cho trứng là mẹ ruột hay mẹ di truyền (Biological mother).
Nhưng theo định nghĩa của luật pháp Việt Nam thì người mang nặng đẻ đau sinh ra đứa trẻ là mẹ ruột.
9.3. Tiền tỷ xem như trôi sông khi chọn kiều nữ mang thai hộ
1). Thuê kiều nữ mang thai hộ mong con được xinh đẹp
Gần đây có tin tức về một đại gia Hà Nội ngoài 50 tuổi, vợ hiếm muộn, muốn có một đứa con xinh đẹp, thông minh. Bạn bè giới thiệu một ca sĩ đất Cảng nhưng cô ta ra giá khá cao, đó là một biệt thự giá 3 tỷ và 700 triệu tiền mặt.
Không phải chỉ có đại gia nầy mà còn có nhiều người băn khoăn về việc người mang thai hộ có thể truyền sang thai nhi những bịnh di truyền của họ hay không.
2). Tiền sẽ trôi sông vì mang thai hộ
Trên thực tế, kiều nữ có thể sanh ra Thị Nở (một phụ nữ nhan sắc xấu xí trong tiểu thuyết Chí Phèo của Nam Cao)
Bác sĩ Cao Ngọc Thành, hiệu trưởng trường Đại học Y khoa Huế cho biết: “Người cho mượn tử cung chỉ có vai trò nuôi dưỡng thai, còn gene di truyền và nhóm máu của đứa trẻ được quy định bởi trứng và tinh trùng trong quá trình thụ tinh. Do đó, người mang thai hộ không cần phải có nhóm máu giống người cho trứng. Trong vòng 12 tuần lễ đầu, bác sĩ có thể can thiệp bên ngoài như dùng chất nội tiết để người mang thai hộ có môi trường bảo đảm để thai nhi phát triển.
Sau 12 tuần lễ, khi cái nhau của người mang thai hộ hình thành và phát triển thì thai nhi sẽ được nuôi dưỡng bằng cái nhau thông qua đường rốn.
Tuy nhiên người mang thai hộ phải được xét nghiệm máu và những xét nghiệm khác để đánh giá khả năng của buồng trứng có thể mang thai được hay không.
Bác sĩ Lê Thị Kim Dung, trưởng phòng khám phụ khoa tại trung tâm y tế Thái Hà cũng khẳng định: “Máu của người mẹ mang thai hộ sẽ vận chuyển chất dinh dưỡng đến cái nhau thai, đó là cơ quan đảm nhiệm chức năng trao đổi chất giữa cơ thể người mẹ mang thai hộ và cái nhau thai. Một cái phôi được cấy vào tử cung của người lạ không phải lúc nào cũng thành công, thậm chí phôi của người mẹ mang trứng được làm tổ trong tử cung của chính bà ta có khi cũng bị đào thải. Vợ bị sẩy thai là chuyện bình thường”.
Nói chung, máu và gen di truyền đã có sẵn trong cái phôi thai ngay khi được thụ tinh nên đứa trẻ không bị ảnh hưởng về di truyền của người mang thai hộ.
Tuy nhiên, trường hợp đặc biệt hiếm có là khi người mang thai hộ bị tai nạn phải cấp cứu, nếu chụp quang tuyến X thì sẽ ảnh hưởng đến di truyền của đứa bé.
11* Thụ tinh trong ống nghiệm
Thụ tinh trong ống nghiệm là phương pháp thụ tinh theo đó trứng được thụ tinh bằng tinh trùng bên ngoài cơ thể, trong ống nghiệm.
Sau khi trứng được thụ tinh và phát triển thành hợp tử, nó sẽ được đưa trở lại nuôi dưỡng bên trong cơ thể người mẹ.
Bác sĩ Robert G. Edwards đã tiến hành toàn bộ các nghiên cứu trong loại ống nghiệm thông thường, được thành công năm 1978, Louise Brown là đứa bé đầu tiên ra đời bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm năm 1978.
Hiện nay, việc thụ tinh không còn được tiến hành trong ống nghiệm nữa, thay vào đó, quá trình này diễn ra trên các đĩa Petri. Tuy nhiên, phương pháp này vẫn được gọi là thụ tinh trong ống nghiệm.
Để tăng tỷ lệ thành công của phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, đa phần các bác sĩ thường cấy ghép đồng thời 2-4 phôi thai vào cơ thể người mẹ tại cùng một thời điểm. Điều này đồng nghĩa với việc, những người thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm thường có tỷ lệ sinh đôi, sinh ba cao hơn rất nhiều so với bình thường.
Trên thực tế, tỷ lệ sinh thành công đối với phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm không phải là tuyệt đối. Đặc biệt, tỷ lệ sinh thành công ở những cặp đôi trẻ tuổi cao hơn nhiều so với những người lớn tuổi muốn sinh con bằng biện pháp này. Cụ thể, tỷ lệ thành công ở nhóm người dưới 21 tuổi lên tới 35,3% trong khi tỷ lệ thành công ở những người trên 37 tuổi chỉ đạt 27,4%. Đặc biệt, không có trường hợp thụ tinh trong ống nghiệm nào thành công đối với nhóm người trên 48 tuổi
Dù vậy, tính tới tháng 7/2012, số trẻ em chào đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm đã chạm mốc 5 triệu và đang tiếp tục gia tăng mạnh mẽ.
11.1. Trên bốn ngàn trẻ em ra đời tại bịnh viện Từ Dũ bằng thụ tinh trong ống nghiệm
Ngày 24-4-2011 bịnh viện phụ sản Từ Dũ (Sài Gòn) làm lễ kỷ niệm 13 năm ngày thành lập Khoa Hiếm muộn và mừng 4.080 đứa trẻ ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (TT/TON), từ năm 1998 đến năm 2011.
Ở Việt Nam, phương pháp TT/TON được áp dụng năm 1997 do bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng đứng ra thực hiện. Bác sĩ Ngọc Phượng là giáo sư giảng dạy ở Đại học Nice (Pháp).
Năm 1997, bác sĩ Phượng cùng đoàn chuyên gia Pháp sang Việt Nam tiến hành 113 ca đầu tiên ở nhà bảo sanh Từ Dũ.
11.2. Ba đứa bé đầu tiên ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm
Lan Thy Tuyết Trân Quốc Bảo.
1). Bé gái Việt Nam đầu tiên sinh bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm
Bé gái Phạm Tường Lan Thy là một trong ba đứa được sinh đầu tiên bằng phương pháp nầy. Nay là một thiếu nữ xinh đẹp, thông minh, học giỏi và có khiếu âm nhạc.
Ngày 30-4-1998 ba đứa trẻ Việt Nam đầu tiên được sinh ra bằng phương pháp TT/TON, là Phạm Tường Lan Thy (nữ), Lưu Tuyết Trân (nữ) và Mai Quốc Bảo (nam).
Từ khi ra đời, bé Lan Thy cũng phát triển bình thường như những đứa trẻ khác như khóc, biếng ăn, ho, sốt, sổ mũi…
Học sinh giỏi và có khiếu âm nhạc. Ra đời nặng 3.1kg. Người mẹ lúc đó 38 tuổi và phải sanh mổ.
2). Châu báu của mẹ
Lưu Tuyết Trân, con gái của bà Trần Thị Bạch Tuyết và ông Lưu Chánh Trực ở Mỹ Tho (Tiền Giang). Trân là trân châu, quý báu. Năm Tuyết Trân 2 tuổi người cha qua đời vì bịnh ung thư gan.
Hồi còn bé, Tuyết Trân thường bị sốt cao và co giật nhưng đến 3 tuổi thì dứt hẳn. Trân cũng phát triển bình thường như những đứa trẻ khác.
3). Mai Quốc Bảo
Mai Quốc Bảo, 15 tuổi, cao 1.75m. Người mẹ tên Mai Thúy Nga bị hư thai nhiều lần nên mới dùng phương pháp TT/TON.
Lúc sinh ra nặng 2.45kg, tuy nhỏ nhưng rất dễ nuôi, nay cao 1.75m.
Tóm lại, ba đứa trẻ TT/TON cũng phát triển bình thường như những đứa trẻ khác.
12* Kết luận
Người chỉ trích cho rằng mang thai hộ, đẻ thuê có thể dẫn đến việc thế lực đồng tiền của người giàu có sẽ bóc lột những người phụ nữ nghèo. Đó là vi phạm đạo đức. Người phụ nữ mang nặng đẻ đau khi giao núm ruột và máu mũ của mình để nhận tiền, tình mẫu tử không thể đem bán vài chục triệu đồng.
Đối với những phụ nữ miền Tây nam bộ sang Thái Lan đẻ thuê, các cô đã tự nguyện đi chụp hình làm hộ chiếu, đến Thái Lan qua đường Campuchia. Vì Campuchia không cần visa nhập cảnh theo diện du lịch, và biên giới Thái-Miên luôn luôn mở rộng cửa tự do qua lại, cho nên nhập cảnh Thái Lan bất hợp pháp.
Đến Thái Lan để được cấy cái phôi thai vào bụng. Khi cắt rốn thì cắt vĩnh viễn tình mẫu tử là núm ruột và máu mũ mang nặng đẻ đau suốt một thời gian dài.
Sau vụ bể ổ ở Thái Lan, người có trách nhiệm đã bị tống giam, người bỏ tiền ra thuê đẻ cũng biến mất. Những đứa trẻ không được quốc tịch Thái, không biết dòng máu của ai, thuộc quốc tịch nước nào được mang về miền Tây, gia nhập với những đứa con đói rạt, thì sẽ sống ra sao? Lấy gì nuôi con?
Các cháu mang dòng máu ngoại quốc, ở nhà lá, chẳng lẻ đi theo mẹ mò cua bắt ốc?
Trúc Giang
Minnesota ngày 25-8-2014