Nội dung thư

Sunday, August 10, 2014

* Cá ‘Ông’

Trần Công Nhung

Cá voi xanh
Các quốc gia ở phương Tây coi cá voi là một nguồn lợi lớn có giá trị kinh tế cao thì các dân tộc ở vùng Đông Nam Á nhất là Việt Nam, hầu hết dân vạn chài lại coi cá voi như ân nhân cứu mạng.Họ tôn cá voi là cá “Ông” để thờ cúng mong được giúp đỡ trong lúc làm nghề bị bão tố ngoài biển khơi. Về khoa học, cá voi chỉ là một sinh vật có vó xác lớn nhất sống trên các đại dương.

Khoa học ghi nhận loài cá voi xanh sống trong tất cả các đại dương trên địa cầu, thân dài lên tới 30 mét (98 ft) nặng trên 170 tấn là loài sinh vật to lớn của đại dương. Có ít nhất 3 loài cá voi xanh: B. M. Musculus sống ở vùng biển bắc Đại Tây Dương và bắc Thái Bình Dương, B. M. Intermedia sống ở vùng biển phía Nam và B. M. Brevicauda (cá voi xanh lùn) sống ở Ấn Độ Dương và nam Thái Bình Dương. Giống như các loài cá voi khác, thức ăn của chúng là sinh vật phù du và có xác nhỏ.


Cá voi
Trước thế kỷ 20, cá voi xanh tồn tại với số lượng lớn ở hầu hết các đại dương trên thế giới. Nhưng hơn 100 năm qua, chúng bị săn bắt đến mức gần như tuyệt chủng cho đến khi được bảo vệ bởi luật pháp quốc tế vào năm 1966. Trước khi bị săn bắt ráo riết, cá voi xanh nhiều nhất ở vùng biển Nam cực, khoảng 239,000 con. Các nhóm nhỏ hơn (khoảng 2,000 con) tập trung ở các vùng biển Đông Bắc Thái Bình Dương.
Có 2 nhóm khác ở Bắc Đại Tây Dương và ít nhất 2 nhóm nữa ở Nam Bán Cầu. Người phương Tây phần đông xem cá voi, cá heo như những “con thú nghệ thuật,” có những du thuyền đưa khách đi xem cá voi. Đã có nhà nhiếp ảnh trúng lớn nhờ chụp được ảnh một chú cá voi to vẫy đuôi cao khỏi mặt nước.


Đuôi cá voi
Việc cá voi dạt vào bờ biển đã được sử sách ghi lại từ cách đây gần 450 năm. Tiến sĩ Dương Văn An (thế kỷ XVI) chép trong “Ô Châu Cận Lục,” mục “Cửa Việt Khách,” Cửa Việt Quảng Trị ngày nay (1):
“... Khoảng năm Quang Thiện tiến triều (đời Lê) có loài cá voi theo nước biển vào. Khi nước triều rút xuống, người bờ bể bắt được. Có người dùng xương sống cá làm xà nóc dựng nhà...”


Cá voi dạt vào bờ
Theo truyền khẩu, tục thờ Cá Ông do từ tín ngưỡng của người Chăm. Tuy nhiên, từ đời nhà Trần, qua thời kỳ mở nước, thu nhận hai châu Ô và Ri (Lý) của Champa (2) tức Quảng Trị thừa Thiên thì tục lệ này được Việt hóa mau chóng.
Đối với người Chăm, Cá Ông là Nam Hải thần ngư được nhân dân kính cẩn. Với người Việt thì cá Ông như một sự thị hiện của Quán Thế Âm Bồ Tát cứu vớt ngư dân trong cơn bảo tố (3). Theo lệ, hễ ai phát hiện được cá voi mắc cạn (“ông lụy”) thì có bổn phận như một trưởng nam lo việc mai táng và để tang như để tang chính cha mẹ mình. Xác cá được đem tắm bằng rượu rồi liệm bằng vải đỏ. Dân làng còn lấy giấy đỏ đắp vào miệng cá thấm lấy nước dãi, xong đem phơi khô rồi đốt thành tro để chữa bệnh suyễn. Xác cá được mai táng trong đụn cát gần biển. Người phát hiện cá voi mắc cạn được nhân dân tôn sùng và dưới triều nhà Nguyễn còn được miễn sưu dịch 3 năm.


Cá voi chết
Dân vạn chài có câu: “Thấy ông vào làng như vàng vào tủ” vì tin “Ông lụy” trôi dạt vào làng nào, làng đó muôn đời ấm no, tai qua nạn khỏi. Ba năm sau khi mai táng “Ông,” dân làng phải cải táng, đem cốt nhập lăng và tế lễ mỗi năm. Với cá Ông lớn thì dân làng sẽ chờ đủ 3 năm cải táng cho xương vào hòm đưa về lăng thờ, trường hợp cá nhỏ, sẽ róc thịt cho xương vào hòm thờ ngay.
Cảnh tượng mai táng cá “Ông” ở vạn chài rất rộn rịp tưng bừng. Dân chài già trẻ trai gái nô nức kéo ra bãi biển xem “Ông”. Ai cũng muốn đến rờ “Ông” một tí để lấy hên. Vì thế mà việc giữ trật tự phải vất vả khó khăn.Việc tế cá Ông tùy theo ngày “Ông” dạt vào bờ nên lễ hội mỗi địa phương một khác: làng Mân Thái (Đà Nẵng) lễ vào tháng Ba âm lịch. Bến Tre, lễ Nghinh Ông vào Tháng Sáu âm lịch, v.v.. Ba năm thì có đại tế một lần. Bài hát “bải trạo” (chèo cạn) trong lễ tế đức Ông của làng biển Cảnh Dương (Quảng Trạch - Quảng Bình) có câu:
Nay mừng mở hội Cầu Xuân.
Trời sinh Thánh thượng Duy Tân trị vì.
Trời yên, biển lặng bốn bề,
Đức Ông thượng thọ nước về cõi tiên.
Lênh đênh mặt nước bao miền.
Tìm nơi đất tốt, dân hiền ghé vô.
Xuân sang lai láng biển hồ.
Ngư dân trông thấy Nước vô lạch nhà.
Tưng bừng nổi trống, kết hoa.
Nghe tin làng nước gần xa đón mừng...
Thông thường, khi cá voi bị sóng dạt vào bờ, ngư dân không bắt ăn thịt. Họ đưa cá lên bờ làm lễ mai táng tử tế. Đình làng Cảnh Dương vẫn còn lưu giữ gần như nguyên vẹn hai bộ xương cá voi. Bộ xương chứa chật một gian nhà. Mảnh xương sườn dài đến 2m, còn đốt xương sống to bằng cái mâm nhôm (4).
Theo ngư dân Lý Sơn cho biết, đảo Lý Sơn là “bảo tàng” lưu giữ xương cá Voi nhiều nhất nước. Hàng chục lăng trên đảo đang thờ loài cá này theo nghi thức tín ngưỡng dân gian miền biển. Đây là bảo tàng xương cá voi độc đáo gắn liền với hành trình khai khẩn, xây dựng huyện đảo Lý Sơn từ hàng trăm năm qua. Việc phục dựng bộ xương cá voi không những thể hiện tinh thần bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa lịch sử mà còn góp phần giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm nhân dân đối với quê hương(5).
Cùng với việc chôn cất, cúng tế, ngư dân còn lập miếu thờ (gọi là miếu Ông).Hầu hết các làng chài dọc theo duyên hải đều có miếu cá “Ông”: Cảnh Dương - (Quảng Bình), Minh Hải, An Bằng, Vinh Giang, Vinh Hải (Thừa Thiên Huế)... Một vài nơi ở sâu trong đất liền, nhưng có các vạn cư trú, dân cũng lập miếu thờ cá voi. Chẳng hạn làng Dạ Lê Thượng (Thừa Thiên Huế). Đặc biệt làng Mỹ Lam (Phú Mỹ - Thừa Thiên Huế), miếu thờ cá “Ông” là thờ một thai ngư bị sẩy theo nước đầm dạt vào đồng làng.
Cá voi hay cá “Ông” là do niềm tin của dân chài vùng Đông Nam Á (Tàu, Việt, Thái, Indonesia...) tôn lên hàng linh vật để được che chở mỗi khi ra biển hành nghề. Hầu hết thế giới xem cá voi cũng như các loài vật khác, nhưng được bảo vệ nếu không chẳng mấy chốc loài cá này sẽ bị diệt chủng. Đối với dân vạn chài thì không cần luật cấm, trong tâm thức họ đã sẵn niềm tin và hết lòng che chở cho loài cá này.
Tháng 3 – 2014
(1) Chữ “Khách” ở đây phải chăng là người Tàu (?) nếu thế thì đúng là tiên tri tên cửa Việt ngày nay. Dư luận trong nước cho biết người Tàu đã đến “đầu tư khai thác” (?) và làm chủ cửa biển này (Cửa Việt Khách).
(2) Lễ cầu hôn của vua Champa Chế Mân (xem Công chúa Huyền Trân trang 17 QHQOK tập 14)
(3) Cho đến nay, có rất nhiều truyền thuyết, giai thoại, truyện kể trong dân gian liên quan đến tục lệ thờ cá voi. Tương truyền rằng cá voi là tiền thân của đức Quán Thế Âm Bồ Tát, đã có lần hóa thân để cứu khổ chúng sinh. Một hôm, trên tòa sen nhìn sóng gió đại dương Nam Hải, ngài không khỏi đau lòng khi thấy muôn vàn sinh linh ngập chìm trong phong ba bão táp, nạn nhân đáng thương là những ngư dân hiền lành.Trước cảnh tượng đau lòng đó, Bồ Tát liền cởi chiếc pháp y, xé tan thành từng mảnh nhỏ ném xuống mặt biển mênh mông. Mỗi mảnh vụn theo phát nguyện của Bồ Tát đã biến thành một con cá voi với nhiệm vụ cứu nguy đám ngư dân lâm nạn trước bão tố trên đại dương. Kể từ đó, cá voi là ân nhân của dân thuyền chài sống trên biển cả.
(4) Hiện nay, hai bộ xương cá voi do chiến tranh, bị thất thoát, nên chỉ còn độ 1/3.
(5) Theo Tuổi Trẻ Online: Công ty trách nhiệm hữu hạn mỹ thuật Lê Vũ, đơn vị có kinh nghiệm phục dựng gần 10 bộ xương cá voi trong cả nước vừa tiến hành đề án phục dựng bộ xương cá voi (cá Ông) được lưu giữ từ hàng trăm năm nay tại Vạn chài Lăng Tân, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi).Theo nhận định của các chuyên gia, đây là bộ xương cá voi lớn nhất Việt Nam. Bộ xương có chiều dài trên 20 mét; mỗi xương sườn cá voi dài gần 10m, chiều ngang của mỗi đốt sống dài từ 1.6m –1.7m.
Tin sách: Do nhiều trở ngại, tạm ngưng gửi sách, sẽ thông báo độc giả biết khi thuận tiện. Mong được thông cảm. TCN email: trannhungcong46@gmail.com