Nội dung thư

Saturday, September 27, 2014

* Đàn ông có nhiều chuyện không?

Friday, 07 December 2012 18:06


Tác Giả
Đặng Mỹ Hạnh
"Nhiều chiện" chỉ là cách đánh giá chung khi nói về phụ nữ. Và dẫu đàn ông luôn tự hào là kín tiếng, kiệm lời. Đó cũng là cái nhìn phiến diện thiếu công bằng. Đàn ông cũng "tám chuyện" thiên hạ, và nhiều chuyện, nhưng bằng "cách riêng" của đàn ông.
Khoa học cũng đã chứng minh là đàn ông thì chủ yếu chỉ dùng cái bán cầu não bên trái. Còn phụ nữ thì sử dụng luôn cả hai cái bán cầu đại não; nên hoạt động ngôn ngữ thuận lợi hơn. Thế nên, phái đẹp rất lợi hại ở cái thế "võ mồm" khi khẩu chiến. Nói thế, chớ đâu phải đàn ông nào cũng nhượng bộ một cách dễ dàng. Phương cách "cãi tay đôi" của các ông thời nay với vợ/người yêu thì "hi tếch" hơn nhiều. Thay vì mỏi miệng, thì mỏi tay hơn vì phải… text.

Nhưng thực tế, nói nhiều cũng phụ thuộc rất nhiều vào công việc, địa vị, tính cách, đối tượng giao tiếp chớ không chỉ giới tính. Nên đời thực, chuyện "tám" trên phone của đàn ông cũng chẳng lạ chi. Bà cô tôi thì hay phàn nàn rằng ông chú dượng hay gọi "lon đít tơn" để tám với một ông bạn thân mấy tiếng mỗi cuối tuần. Tôi hỏi nói chuyện chi, bà nói là chuyện tào lao, xịt bọp của mấy ổng!

Đàn ông thì trách cứ phụ nữ họp chợ, còn các ông cũng đàn đúm đó thôi. Mà những cuộc vui như thể nhậu nhẹt, café thì thiếu chi chuyện bên lề để tám. Mà thiệt, cứ nhìn các ông; ở nhà thì lặng lẽ ăn, tắm, ngủ, coi tivi, lên net. Ai cũng tưởng họ kín miệng, kiệm lời. Nhưng nói ra thì mới biết đàn ông cũng "được đánh giá sai… bét".

Nói về đàn ông Việt thì chỉ cần quan sát cái bàn nhậu. Rượu vào, bia ra. Ly chai cụng đôm đốp. Một chai (bia) làm chẳng nên non, nguyên mấy cái "kết bia" chụm lại nên cái… hội chợ Tao Đàn! Dân buôn chuyện của đàn ông ở mấy cái quán café con cóc thì đủ mảng đề tài từ a tới zếch. Mà cũng tùy, cái thú trà đàm, chuyện trò các ông cũng biết ứng dụng đúng chỗ. Chớ vô mấy cái quán Café "thanh lịch" như Lú hay Dĩ Vãng ở Cali thì chỉ nên "uống" bằng mắt, nhiều chuyện quá thì lỗ!

Phụ nữ thì nói chuyện thời trang, shopping, làm đẹp, giá cả chợ búa và... chuyện thiên hạ. Đàn ông thì tập trung hơn ở chuyện làm ăn, chứng khoán, thể thao, thời sự… Và khi đàn ông ngồi lại thì không thể thiếu cái đề tài "đàn bà”. Các nàng Eva, dẫu là cái giống được tạo ra sau, cũng là cái giống làm các chàng Adam sung sướng và khổ lụy. Nên trở thành cái đề tài muôn thuở của cánh đàn ông, cũng dễ hiểu. Và khi nói về cái đề tài "đàn bà” thì các chàng nói rất hăng, còn ra vẻ am hiểu là đằng khác. Điều này cũng dễ chứng minh. Cứ thử lướt qua các trang mạng "cấm đàn bà” để nghiên kíu. Thì sẽ thấy "các bác" công khai cái quyền tự do thảo luận rất ư cởi mở, và cực kỳ sôi nổi cái đề tài về hotgirl.






Bảo Huân


Đàn ông thì cứ vận dụng tối đa trí tưởng tượng và thí dụ minh họa, rồi đem ra "mổ xẻ”. Ban đầu, có thể chỉ là vô tình một cái bóng hồng "xẹt" qua; rồi các ông tưởng tượng đến cái bo đỳ; hàng "thiệt" hay "dỗm", thừa thiếu "điện nước" ra sao. Rồi thì dè bĩu là chân dài, óc ngắn; ngực lép thì bị chê là "màn hình phẳng", sân bay Phú Bài; dáng đi thì điệu chảy nước, bày đặt bắt chước "ma đồ”. Hay, thẩm mỹ viện đâu mà cái lỗ mũi tênh hếch quá; thời buổi này kem dưỡng da hàng hiệu thiếu cha gì mà để cái mặt mụn thế kia v.v...

Khổ nỗi, các nàng Eva có ưu điểm thế nào cũng bị các ông đem ra "phê phán". Nghiêm túc quá thì bảo là chảnh, cười nói nhiều thì là lẳng lơ Thị Mầu, từ tốn thì xếp loại lừ đừ như rùa; lanh lẹ nói nhiều thì gọi là chích chòe nịnh hót; khép nép e ấp thì bảo là "giả nai". Đàn ông nói về phụ nữ thì cứ vô tư, coi như đó là cái "đặc quyền", vì cũng chẳng có ma nào nghe lén họ.

Còn môi trường công sở thì vô số chuyện để "tám". Chuyện thể thao, thời sự, thị trường chứng khoán trồi trụt; chuyện tăng lương, chuyện hi tếch, rồi chính chị, chính em. Và rồi đến chuyện cái cô đồng nghiệp trẻ mới sì tạt làm ở công ty, sếp để mắt đến ai.

Đời thường nhất là cả cái chuyện đi ngủ/thức dậy mấy giờ. Ra đường gặp cái chuyện gì xui xẻo v.v… Tất cả đều là chủ đề thú vị cho dân đàn ông văn phòng.

Và dẫu là phụ nữ là người khơi chuyện để bàn tán. Nhưng đàn ông lắm khi lại hưởng ứng nồng nhiệt. Ai cũng nhiều chuyện cả, nhưng đàn ông hơn phụ nữ ở chỗ là biết nhiều chuyện đúng chỗ, và sì tốp đúng lúc.

"Nhiều chiện" cũng là cái bệnh nan y, ở đâu cũng có. Nhiều lúc nghe đến ngán ngẩm. Tôi khoái cái lối phân tích đầy quan điểm tích cực của Tiến sĩ Lynn Johnson, về vấn đề "nhiều chuyện" ở công sở của hai giới. Ông nói: Hãy tự hỏi mình là bạn thích môi trường làm việc như thế nào: lành mạnh, cởi mở hay đầy đố kỵ, hiềm khích. Hẳn nhiên, sự lựa chọn luôn là những môi trường tốt nhất bạn có thể. Vậy thì, sao không biến cái "nhiều chuyện tiêu cực" ấy trở thành tích cực hơn. Có nghĩa là, "nhiều chuyện tích cực" hơn bằng những lời khen, khích lệ đồng nghiệp của mình; thay vì chỉ tập trung nói xấu, đâm thọt sau lưng họ. Vì "nhiều chuyện tích cực" sẽ tạo ra một môi trường làm việc lành mạnh, mà ở đó mọi người bắt đầu tìm kiếm những điều tốt đẹp về nhau. Một số công ty, chỉ đơn giản là môi trường làm việc tốt hơn so với những công ty khác. Nhiều nghiên cứu tâm lý đã chỉ ra rằng, sự đánh giá cao và lạc quan đem lại lợi ích cho tất cả các tổ chức, gia đình, và tất cả các tập đoàn đa quốc gia. Ông khuyên: sở trường làm việc bằng đầu óc, chớ không bằng miệng. Nói đủ, nói đúng chỗ, đúng nơi, đúng cách thì bạn sẽ luôn là người được tôn trọng. Thay vì tập trung nói xấu người khác, thì chỉ nên "tập trung" vào công việc, xã giao cần thiết.

Tôi đọc một cuộc điều tra trên Corsinet.Com, cho thấy mỗi ngày người phụ nữ nói ít nhất 7,000 từ, còn đàn ông thì chỉ khiêm tốn có 2,000 từ thôi. Muốn tâm lý thoải mái, quan hệ xã hội rộng rãi thì đàn ông hay đàn bà cũng "nói nhiều" như nhau. Còn sở thích mê "buôn lê” thì có nói mấy chục ngàn ngôn từ, cũng có sao.

Hai người đàn bà và một con vịt sẽ họp thành cái chợ. Còn tôi với ông xã, cộng thêm hai cái máy tính, và một dàn ống kính. Đôi khi, lại là một sự im lặng đến… rợn người!


ĐMH
Website: www.hanhphoto.com
http://baotreonline.com/Chuyen-muc-tre/Chuyen-anh-chuyen-em/dan-ong-co-nhieu-chuyen-khong.html