Nội dung thư

Thursday, April 10, 2014

* BÀN CỜ MỚI: TRUNG QUỐC ĐƯỢC LỢI


Tôi định không viết về vụ Crimea ở Ukraine nữa nhưng không cách nào gạt vấn đề này ra khỏi đầu óc. Mà hình như không phải chỉ có một mình tôi. Chỉ cần rảo quanh trên các tờ báo lớn trên thế giới, chúng ta cũng sẽ thấy có vô số bình luận gia vẫn thường xuyên trăn trở về vấn đề này. Chuyện Nga chiếm Crimea có thể coi như đã ngã ngũ; trước mắt, hầu như không ai có thể giành lại được. Bàn về nó kể cũng vô ích. Nhưng vấn đề là ảnh hưởng của nó vẫn còn kéo dài và có khả năng làm thay đổi bàn cờ chính trị thế giới trong ít nhất vài thập niên sắp tới. Đó mới là những chuyện đáng thảo luận.



Sự thay đổi đầu tiên là qua sự kiện ấy, Nga lại trở thành một tâm điểm cuốn hút sự chú ý của thế giới. Kể từ khi chế độ Cộng sản và Liên bang Xô Viết sụp đổ vào năm 1991, hầu như trên thế giới, người ta quên bẵng Nga; hoặc nếu nhớ, chỉ nhớ những sự bất hợp tác, thậm chí, quấy rối của Nga trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc, liên quan đến một số điểm nóng nào đó, ví dụ, gần đây nhất, Iran và Syria. Tầm quan trọng duy nhất của Nga trên bàn cờ chính trị thế giới hầu như chỉ nằm ở cái ghế thành viên cố định trong Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc (cùng với Mỹ, Anh, Pháp và Trung Quốc); với cái ghế đó, Nga có quyền phủ quyết tất cả các nghị quyết không hợp ý họ. Hết.  Ngay cả khi, vào năm 2008, Nga xua quân tấn công Georgia, không ai cảm thấy lo lắng thái quá. Nói theo ngôn ngữ của Tổng thống Mỹ Barack Obama, Nga chỉ còn là một cường quốc trong khu vực. Có tham vọng hay không tham vọng; tham vọng ấy, nếu có, dù lành hay dữ, chúng cũng không có tác động nào đến bàn cờ thế giới vốn nghiêng hẳn về Tây phương.

Bây giờ thì khác. Việc Nga trắng trợn cưỡng đoạt Crimea của Ukraine và hiện đang hăm he đòi lấn chiếm thêm ít nhất một số vùng khác thuộc lãnh thổ của Ukraine khiến mọi người giật mình. Đã đành Nga không còn là một siêu cường quốc lớn trên thế giới, nhưng Nga thừa sức xâm lấn nhiều nước bên cạnh, đặc biệt các nước trước đây vốn thuộc Liên bang Xô Viết, vốn nhỏ và yếu, hơn nữa, từng nằm trong vòng kiềm tỏa của Nga trong cả gần một thế kỷ. Nếu chiếm hết các nước ấy, với vũ khí hạt nhân trong tay, Nga có thể đe dọa cả các nước cựu cộng sản nay đã thuộc Liên hiệp Âu châu như Estonia, Latvia, Lithuania, Ba Lan, Hungary, Bulgary và Romania, vốn hoặc giáp biên giới với Nga hoặc với Ukraine. Đe dọa với các nước vừa kể cũng có nghĩa là đe dọa châu Âu nói chung.

Trước đây, mọi người đều biết phần lớn các quốc gia ở châu Âu đều lệ thuộc vào nguồn dầu khí do Nga cung cấp. Biết, nhưng người ta không lo lắng quá. Lý do: Người ta không tin là Nga có thể sử dụng nguồn dầu khí ấy như một thứ vũ khí vì làm thế, kinh tế Nga, vốn dựa chủ yếu trên việc xuất cảng dầu khí, sẽ bị sụp đổ, hoặc ít nhất, chao đảo.

Một đầu óc tỉnh táo sẽ không bao giờ chấp nhận cái giá quá đắt như vậy. Bây giờ, sau các hành động lấn chiếm Crimea thô bạo của Nga, người ta thấy Vladimir Putin có thể làm bất cứ điều gì, kể cả việc làm cho kinh tế Nga suy sụp. Tham vọng và dã tâm của ông lớn hơn tất cả những toan tính lợi hại bình thường. Bởi vậy, người ta nhận ra: Với Tây phương, tuy Nga chưa phải là một đe dọa; nhưng Putin lại là một đe dọa. Chừng nào ông còn cầm quyền, những hành động khiêu khích và gây hấn của ông đối với các nước láng giềng, với Tây phương nói chung, và với Mỹ nói riêng, vẫn còn tiếp tục. Vấn đề là, hiện nay Putin mới có 61 tuổi, ông còn cầm quyền đến cả chục năm nữa.

Sự thay đổi thứ hai, như là hệ quả của sự thay đổi thứ nhất vừa kể, là Mỹ chưa thể trút được gánh nặng ở châu Âu được. Trước, kể từ sau Đệ nhị thế chiến, Mỹ bỏ công sức để xây dựng và phát triển khối NATO để đương đầu với Liên bang Xô Viết và khối Warsaw (bao gồm Liên bang Xô Viết, Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Czechoslovakia và Đông Đức). Sau năm 1991, Liên bang Xô Viết tan rã, khối Warsaw cũng tan rã nốt.

NATO không những không còn bị ai đe dọa mà còn có thể phát triển thêm với nhiều thành viên mới từ khối Cộng sản trước đây, nâng tổng số thành viên của NATO lên 28 nước. Ngỡ với khối thành viên đông đảo như vậy, cùng với việc giảm nhiệt tại Iraq và Afghanistan, Mỹ có thể phần nào rút ra khỏi châu Âu. Nay thì khác. Bàn cờ đã đổi. Dù muốn hay không, Mỹ cũng phải ở lại châu Âu, nơi nguy cơ bất ổn vẫn còn rất cao. Cao đến độ không hiếm chính khách ví Putin với Hitler ở giai đoạn mở đầu chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Thứ ba, như là hệ quả của điểm thứ hai vừa nêu, chiến lược quay lại châu Á của Mỹ chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Ở Mỹ, kinh tế vẫn chưa hồi phục sau cơn khủng hoảng kéo dài. Ngân sách quân sự bị cắt giảm trầm trọng. Sau mười mấy năm tham chiến ở Afghanistan và Iraq, dân chúng Mỹ cũng đã bắt đầu thấm mệt. Trong hoàn cảnh như thế, thật khó mà tưởng tượng được là Mỹ có thể an tâm chuyển 60% lực lượng trên biển sang vùng châu Á Thái Bình Dương như họ trù tính. Trong trường hợp xảy ra xung đột lớn ở châu Á, khả năng can thiệp của Mỹ, do đó, sẽ bị hạn chế rất nhiều.

Cuối cùng, như là hệ quả của điểm trên, nước có lợi lớn nhất trong cuộc xâm lấn Crimea của Nga vừa rồi chắc chắn là Trung Quốc. Lợi ở hai điểm chính: Một, kế hoạch bao vây và kiềm chế Trung Quốc của Mỹ chắc chắn sẽ chậm lại và yếu hơn; như vậy, Trung Quốc sẽ có đủ thời gian để phát triển quân sự ở châu Á; hai, việc Nga lấn chiếm Crimea một cách dễ dàng như vậy cũng tạo nên một tiền đề pháp lý và chiến lược để một ngày nào đó, Trung Quốc nhân danh một lý do lịch sử cũng như việc bảo vệ Hoa Kiều ở đâu đó có thể xua quân lấn chiếm lãnh thổ hoặc một phần lãnh thổ của các nước khác. Đối tượng đáng lo nhất trước mắt là nhóm đảo Điếu Ngư / Senkaku hiện đang tranh chấp với Nhật, đảo Hoàng Nham / Scarborough hiện đang tranh chấp với Philippines; Trường Sa và rộng hơn, Biển Đông hiện đang tranh chấp với Việt Nam.

Chuyện liên quan đến Nhật và Philippines thì đã có hai nước ấy lo; còn chuyện liên quan đến Việt Nam thì sao? Ai lo?

 

Nguồn: Nguyễn Hưng Quốc blog: http://www.voatiengviet.com/section/nguyen-hung-quoc-blog-page/2682.html