Nội dung thư

Tuesday, April 1, 2014

* Bằng tiến sĩ Việt Nam: Hàng mã



Ngày 6 Tháng Ba năm 2014, tờ “m.vietnam.net” đăng bài “24.000 tiến sĩ Việt Nam đang làm gì ?” cho biết, theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ Giáo Dục và Ðào Tạo (GD & ÐT), tính đến năm 2013 có 633 tiến sĩ là giảng viên các trường cao đẳng, 8.519 tiến sĩ là giảng viên các trường đại học” rồi đặt câu hỏi “Vậy 15.000 tiến sĩ đang làm việc ở những đâu ?”
Bằng tiến sĩ ở Việt Nam là cả một câu chuyện khôi hài và khá dài dòng.
Cho đến thập niên 90, do chất lượng và trình độ chuyên môn kém của các trường đại học Việt Nam nên tiến sĩ của miền Bắc Việt Nam được công nhận ở nước ngoài qua đường nghiên cứu sinh, chủ yếu ở các nước trong phe xã hội chủ nghĩa.


Ði nghiên cứu sinh là một việc ưu đãi, phải có lý lịch tốt, là cán bộ của các viện hay giảng viên trường đại học, nhưng nhiều khi cũng phải lo lót chạy chọt. Ra tới nước ngoài rồi thì đa số dành thời gian cho học và nghiên cứu thì ít, mà cho đi buôn thì nhiều. Không hiếm nghiên cứu sinh đến thời gian nộp luận án (thông thường sau 3 năm, trừ thời gian học tiếng) phải nhờ các sinh viên năm cuối viết giúp, học thuộc lòng và chạy tới giáo sư cố vấn (promotor) để tìm sự hỗ trợ. Khi bảo vệ luận án thì lúng túng, thiếu tự tin, nhưng rốt cuộc cũng đạt điểm trung bình nhờ sự đồng cảm và “hữu nghị”.
Tôi là người đã chứng kiến những cuộc bảo vệ như thế ở Ba Lan, nên đây là sự thật. Chính vì thế mà Giáo Sư Nguyễn Văn Hiệu, cựu viện trưởng Viện Khoa Học Việt Nam, nói một câu nổi tiếng “cứ dắt một con bò sang Nga thì trở về là có một phó tiến sĩ”.
Ông Nguyễn Văn Hiệu là một trong số những nghiên cứu sinh hiếm hoi, có nhiều công trình khoa học ở Viện Nghiên Cứu Nguyên Tử Dupna, được Liên Xô (cũ) phong hàm giáo sư khi mới 30 tuổi. Nhưng khi ông về nước, được cơ cấu vào Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng, thực hiện đúng đường lối tận dụng trí thức của đảng. Lo việc đảng, lãng chuyên môn, điều kiện nghiên cứu bằng không, rốt cuộc ông cũng trở thành một “con bò”.



Ðùng một cái vào đầu thế kỷ 21, Việt Nam bỏ luôn chữ “phó”, tất cả phó tiến sĩ ngủ dậy sau một đêm bỗng dưng trở thành tiến sĩ. Ðồng thời, các trường đại học Việt Nam cũng làm luôn việc nghiên cứu sinh và tự cấp bằng tiến sĩ, đồng loạt, như một phong trào. Trường Nguyễn Ái Quốc, cái nôi đào tạo cán bộ chính trị cho đảng cộng sản Việt Nam (ÐCSVN), nơi giảng dạy chủ nghĩa Mác-Lenin đã bị vứt vào sọt rác lịch sử, cũng cấp bằng tiến sĩ. Văn bằng tiến sĩ từ đây được sản xuất nhanh chóng, đâu đâu cũng thấy, trở thành một đề tài cho công chúng đàm tiếu, khinh thường, chẳng có một chút giá trị nào trên học đường quốc tế.
Cần phải lưu ý rằng, học vị tiến sĩ là văn bằng cao nhất trong hệ thống đại học phương Tây, do đó hệ thống đào tạo tiến sĩ của họ được thiết lập rất chặt chẽ và nghiêm chỉnh.
Chương trình đào tạo tiến sĩ là để cung cấp cho xã hội những nhà khoa học chuyên nghiệp và giáo sư đại học tương lai, những người am hiểu chuyên sâu một lĩnh vực nào đó, có khả năng phát hiện, thiết kế thí nghiệm hay nghiên cứu giải quyết vấn đề, có khả năng phân tích và diễn giải kết quả nghiên cứu, có khả năng truyền đạt kết quả nghiên cứu đến đồng nghiệp trong chuyên ngành và công chúng.



Trong khi ở Việt Nam, các vị lãnh đạo các tổng công ty, tập đoàn, doanh nghiệp trên các tấm danh thiếp đều có hai chữ “tiến sĩ”. Chưa có quốc gia nào trên thế giới khi xuất hiện trên báo chí học vị “tiến sĩ” được gắn kèm với các nhà lãnh đạo nhiều như ở Việt Nam.
Việt Nam là quốc gia có số lượng giáo sư, tiến sĩ nhiều nhất Ðông Nam Á nhưng nghiên cứu khoa học lại nằm trong nhóm thấp nhất của khu vực, không có một trường đại học nào của Việt Nam nào được đứng trong bảng xếp hạng 500 trường đại học hàng đầu thế giới. Ông Nguyễn Khắc Hùng, cựu chuyên viên đối ngoại, Học Viện Hành Chính Quốc Gia từng nói số người có bằng tiến sĩ ở Việt Nam cao gấp 5 lần Nhật Bản.
Dốt hay phô trương. Mặc cảm dốt nát và thua thiệt về văn hóa, các quan chức phải lấy cái mác “tiến sĩ” gắn vào cho mình, như là một thứ bùa hộ mệnh.
Ngoài sự khoe khoang, háo danh, sĩ diện, bằng cấp cũng là chiếc giấy thông hành trên con đường lọt vào các cơ quan nhà nước và leo lên các bậc thang quyền chức. Cho nên trào lưu “chạy” bằng giả lan tràn, trở thành phổ biến trong xã hội Việt Nam.
Nguyễn Thế Thảo, chủ tịch Hà Nội, học kém, chật vật kiếm được cái bằng kiến trúc sư ở Ba Lan, nhưng khi có chức, có quyền phải kiếm bằng được bằng “tiến sĩ” của trường... Nguyễn Ái Quốc. Kiếm bằng cách nào chỉ có trời biết ! Ðây là một trong vô vàn ví dụ, trong chính sách chiến lược lạ lùng của Hà Nội, đến năm 2020, 100% công chức diện thành phố quản lý (cấp chi cục trưởng và chi cục phó) có bằng tiến sĩ !
Nguyễn Ngọc Ân, giám đốc Sở Văn Hóa-Thể Thao và Du Lịch tỉnh Phú Thọ đã có học vị tiến sĩ với đề tài “vấn đề di sản văn hóa với việc phát triển kinh tế du lịch tỉnh Phú Thọ” từ trường đại học Nam Thái Bình Dương của Mỹ. Trong khi đó ông Ân không hề biết tiếng Anh, chỉ có bằng cử nhân tại chức kinh tế-quốc dân khóa 24 (lớp học được tổ chức tại thành phố Việt Trì)!
Nguyễn Văn Ngọc, thời điểm còn là Phó bí thư tỉnh ủy Yên Bái, chỉ trong vòng 6 tháng đã “dùi mài kinh sử” với 17 ngàn USD, cũng trở thành “tiến sĩ” của đại học Nam Thái Bình Dương.
Trong khi đó, trường đại học Online này không được thừa nhận về tiêu chuẩn (unaccredited), bị báo chí phanh phui từ nhiều năm qua.
Dương Chí Dũng, cựu chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị Vinalines, người vừa nhận án tử hình vì tội tham nhũng, đi xuất khẩu lao động ở Cộng Hòa Dân Chủ Ðức, về Việt Nam và làm cán bộ bình thường, đi học lớp tại chức tại đại học hàng hải, rất nhanh sau đó lấy bằng thạc sĩ, rồi tiến sĩ kinh tế. Tiến sĩ kinh tế này đã làm Vinalines nợ nần, thất thoát hàng tỷ đô la.



Vũ Viết Ngoạn, chủ tịch UƯy Ban Giám Sát Tài Chính Quốc Gia, sử dụng bằng “tiến sĩ” tài chính qua chương trình đào tạo từ xa của La Salle (khác với đại học La Salle tại Pennsylvania), cũng là một trường “rởm” ở Mỹ.

Ông Phạm Minh Hạc, giáo sư của Bộ GD & ÐT đã từng nói trong bài “Cán bộ xài bằng giả để kiếm cái ghế” (bee.net.vn) :

“Tôi còn nhớ năm 2001, Bộ GD & ÐT phát động phong trào thanh tra bằng giả, đưa nó thành chủ trương của ngành. Ðến năm 2005, sau 4 năm, đã phát hiện được 10 ngàn bằng giả. Số bằng giả này chủ yếu tập trung ở công chức nhà nước trong đó có cả cán bộ cấp cơ quan trung ương”.

Trong bài “Bằng giả : Sờ đâu dính đó !”, ngày 06 Tháng Mười, 2012, tờ Người Lao Ðộng viết :

“Năm 2003, Ban Chỉ Ðạo Kiểm Tra Văn Bằng, Chứng Chỉ tỉnh Cà Mau phát hiện tỉnh này có trên 600 trường hợp cán bộ sử dụng bằng cấp có vấn đề. Trong đó, nhiều cán bộ đảm nhiệm những chức vụ quan trọng đã bị xử lý kỷ luật. Tuy nhiên, đa số những người này vẫn cứ thăng quan tiến chức.”

Tại phiên họp ngày 25 Tháng Hai năm 2014 của Hội Ðồng Quốc Gia Về Giáo Dục và Phát Triển Nhân Lực giai đoạn 2011-2015, Bộ Trưởng Bộ GD & ÐT Phạm Vũ Luận nói “thực tế những người có bằng giả hay bằng thật, nhưng chất lượng giả chỉ có thể ‘chui’ vào hệ thống công chức nhà nước, chứ không thể vào được các doanh nghiệp tư nhân”.

Ðương nhiên, các công ty tư nhân là những doanh nghiệp lời ăn, lỗ chịu, họ phải thận trọng kỹ càng trong việc tuyển dụng, mà đối với họ, không quá coi trọng bằng cấp, chủ yếu là năng lực chuyên môn, tay nghề.



Cho nên, nếu quay lại câu hỏi “15.000 tiến sĩ đang làm việc ở những đâu ?”, quá dễ dàng để thấy rằng, những tiến sĩ hữu danh, vô thực đang nằm trong bộ máy cầm quyền, ăn tục nói phét, sáng cắp ô đi, tối cắp về. Lực lượng “trí thức” rởm này là biểu tượng của lối sống tự sướng, kiêu ngạo, giả dối, lưu manh của cả hệ thống.
Con đường xã hội chủ nghĩa mà “đến hết thế kỷ này chưa chắc đã thấy” (lời của Tổng Bí Thư ÐCSVN Nguyễn Phú Trọng) được hô hào bằng những mỹ từ trên các băng rôn, áp phích đỏ chót, giăng khắp nơi để lừa bịp xã hội, lấp liếm sự ảo tưởng và giả tạo, y chang những cái bằng tiến sĩ vô giá trị, một thứ hàng mã không hơn không kém.
Lê Diễn Ðức

***********************************************************************

Tiến Sĩ Thiệt, Tiến Sĩ Dỏm

28/03/201400:00:00(Xem: 484)

Cô Tư Sài Gòn
1

Truyền thống dân tộc là ưa học, hiếu học, mê học... Bởi vậy, các cô nghe tới anh đồ là dễ dàng thích ngay, vì có thể một bước là nhảy lên ngôi mệnh phụ phu nhân.
Tuy nhiên, đường học cũng trăm ngàn ngã rẽ, không dễ ai hoàn tất. Do vậy, học vị Trạng Nguyên là ước mơ không dễ với tới, đối với nhiều người.
Thời nay cũng thể, học vị Tiến Sĩ phải trầy trật kinh khủng.
Ca dao ông bà để lại, có kể chuyện một thầy đồ ngậm ngùi nói với thiếu nữ trong làng rằng:
Chúng anh xưa cũng kiếp học trò,
Bây giờ dốt nát, anh mới nằm co xó rừng
Văn không hay, chẳng đỗ thì đừng,
Gió mưa mà khỏi chết, nửa mừng anh lại nửa thương.
Cái nghiệp bút nghiên cay đắng đủ trăm đường,
Bảng vàng mũ bạc thôi anh nhường mặc ai.
Muốn lên bà khó lắm em ơi!
Vâng, khó vậy, không dễ... Vì học thiệt lúc nào cũng khó. Nhưng thời này có thể học dỏm cũng xong, vì bằng Tiến sĩ có thể mua được. Hãy nhìn xem các quan trong Chính Trị Bộ thì biết, ai có bằng Tiến Sĩ thật, ai có bằng Tiến Sĩ giả? Nếu nói tất cả là thiệt, dân chúng cả nước sẽ cười tới bể bụng, nếu nói tất cả đều là Tiến Sĩ dỏm, cả nước thế nào cũng có người tin... hay may ra, gần gần như thế.
VietnamNet có bài phân tích “Đừng để VN mang tiếng "quốc gia nhiều tiến sĩ"...” trong đó nêu lên một sự thật đau lòng (và mắc cỡ với thế giới):
“Đừng để Việt Nam “mang tiếng” dài lâu là một quốc gia nhiều giáo sư, tiến sĩ nhưng lại quá hiếm những công trình, sáng kiến tầm cỡ, chỉ giỏi “kiếm quyền, kiếm tiền”.
Thực tế, số giáo sư, tiến sĩ chúng ta nhiều nhất Đông Nam Á nhưng không có trường đại học Việt Nam nào được đứng trong bản xếp hạng 500 trường đại học hàng đầu thế giới đã được PGS-TS Phạm Bích San, Phó Tổng thư ký Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) thừa nhận.
Số 24.300 tiến sỹ mà báo chí vừa nêu có thể làm quan, làm chủ doanh nghiệp hoặc đang giảng dạy ở các trường cao đẳng, đại học nhưng hình như, công việc nghiên cứu khoa học đối với họ vẫn bị “xem nhẹ”, không phải là mục tiêu đáng được quan tâm, đáng được ưu tiên nhất. Vì thế, các công trình khoa học, các bằng sáng chế tầm cỡ khu vực và thế giới thật khan hiếm, hầu như không có...” (ngưng trích)
Nghĩa là, tới 2 sư đoàn rưỡi ông bà Tiến Sĩ. Hay là, 3 sư đoàn thiếu... toàn là Tiến Sĩ.
Để làm gì? Để lên chức Giám đốc? Cơ chế nào như thế?
Xã hội mình sẽ tốt đẹp biết là bao nhiêu, nếu các anh Tiến Sĩ dỏm ngay lúc đầu đã lương thiện nói như người xưa:
Bảng vàng mũ bạc thôi anh nhường mặc ai.
Muốn lên bà khó lắm em ơi!
Báo Pháp Luật & Xã Hội nói rằng hiện tượng văn bằng dỏm đã trở thành một kỹ nghệ hốt bạc. Tại sao thời trước 1975 không như thế? Tại sao thời trước 1975, nghe nói thi đậu Tú Tài hạng B là mừng hết lớn rồi?
Bài báo nói:
“Hiện nay, hiện tượng đi học thì thuê người học, làm báo cáo tốt nghiệp, đồ án, luận văn, luận án thì thuê viết dường như trở nên phổ biến. Và chuyện học giả bằng thật đã được nói đến nhiều năm nay, nhưng cũng như “muối bỏ bể”…
Trên mạng internet, chỉ cần gõ cụm từ “viết thuê luận văn” ngay lập tức sẽ có hàng nghìn kết quả và quảng cáo hấp dẫn của nhiều trang website có đội ngũ viết thuê chuyên nghiệp như: lamkhoaxxx, luanvanxxx,… ghi rõ địa chỉ liên hệ, email và bản cam kết về chất lượng. Những địa chỉ viết thuê này đang nở rộ trên mạng internet, là địa chỉ cứu cánh cho một bộ phận của những thạc sĩ “giấy”, tiến sĩ “giấy”. Không khó để đặt vấn đề thuê viết một luận văn hoặc luận án bởi những thông tin đầy rẫy trên mạng và bộ phận “tri thức lười” này, chỉ cần thao tác đơn giản là nhấc điện thoại, đặt yêu cầu và tùy vào độ khó của đề tài sẽ được thỏa thuận giá cả...
...Theo khảo sát giá, thì luận văn cử nhân có giá dao động từ 1,5- 3 triệu đồng, luận văn thạc sĩ có giá 7 – 15 triệu đồng, luận án tiến sĩ có giá 80 – 100 triệu đồng. Nghề viết thuê luận văn đang là nghề “bóc não” hót bạc của các sinh viên nhiều chất xám này.”(ngưng trích)
Cuộc đời hiển nhiên là mất vui, khi chúng ta nhìn chung quanh và thấy thứ gì cũng là giả mạo. Từ cao nhất, điển hình nhất, được ca ngợi nhất là tập thơ trong tù của ông Hồ lại cũng là đồ chôm... thì sá gì cái bằng Tiến Sĩ, thời sau sẽ suy nghĩ như thế.