Nội dung thư

Saturday, March 29, 2014

* Nỗi Khổ Của Thế Hệ Sandwich Tại Hải Ngoại

Nỗi Khổ Của Thế Hệ Sandwich Tại Hải Ngoại
*Thế hệ sandwich ám chỉ thế hệ trung niên, vừa phải nuôi con đồng thời cũng vừa phải chăm sóc cha mẹ già..

Nói đến tuổi già thì ai cũng phải có ít nhiều băn khuăn lo nghĩ. Lớp tuổi nào và ở đâu cũng có cái khổ riêng của nó. Cái khổ của cha mẹ già thường kéo theo cái khổ của con cái và ngược lại.

Dưới đây là phỏng dịch bài "Papa Souffre, Moi Aussi" của Isabelle Ducas đăng trong tập chí L'actualité số 15/oct/2012 tại Quebec

Thế hệ Sandwich gánh chịu nhiều áp lực

Cõng cha qua suối con chìm theo cha

Dưới đây là phỏng dịch bài "Papa Souffre, Moi Aussi" của Isabelle Ducas đăng trong tập chí L'actualité số 15/oct/2012 tại Quebec

Mới vài tháng trước đây bác sĩ báo cho cô Chantal Morin biết là bà mẹ 75 tuổi của cô không may mắc phải chứng bệnh lú lẫn Alzheimer.

Cõng cha qua suối con chìm theo cha (Papa souffre, moi aussi)-Photo Gérard Dubois

Vậy, bà cụ cần phải dời chỗ ở hiện tại, là nhà hưu trí (maison de retraite) để vào ngụ tại một nơi khác phù hợp với tình trạng của bà hơn.

Điểm rắc rối là tiền nhà chỗ bà đang ở là 650$/tháng còn chỗ mới họ đòi 1000$/ tháng. Vì lợi tức có giới hạn nên bà cụ không có khả năng trả một số tiền nhà quá cao như thế. Chantal Morin, 46 tuổi, là người con gái hiếu thảo, biết suy nghĩ nên đã đồng ý giúp mẹ để trả phần sai biệt. "Tôi có nhờ cơ quan CLSC (Centre local de services communautaires) tìm cho một nơi rẻ tiền hơn nhưng họ nói không thể được. Tôi đành phải chịu thôi.

Ngày dọn vô chỗ ở mới phù hợp với tình trạng sức khỏe của bà, mẹ tôi khóc rất nhiều, phòng thì bé ti teo. Tôi không nỡ lòng nào để bả ở nơi đó nên đưa mẹ trở về nơi bà cư ngụ ngày xưa. Và tôi sẵn sàng trả 650 $/tháng cho bà".

Sau 10 tháng, nợ nần cô gia tăng lên 6000$- Chantal Morin nản lòng: "Nếu tôi không tìm được chỗ nào khác, tôi sẽ đem mẹ về ở chung với tôi, nhưng chỉ tạm thôi vì bà cụ cần phải được săn sóc và trông nom thường xuyên."

Với tuổi thọ không ngừng gia tăng thêm lên mãi, con cái thường được (chánh phủ) khuyến khích trong việc giúp đỡ, tiếp sức cha mẹ già. Giúp đỡ, có khi về mặt tài chánh. Càng về già thì người ta càng cần phải được săn sóc đủ thứ và việc nầy rất ư là tốn kém.

Cảnh quen thuộc trong một nhà già

Danh sách chờ đợi để có được một chỗ ở trong các trung tâm của nhà nước thật là dài lê thê.

Đối với những cụ chọn giải pháp sống tại nhà thỉ họ cũng khó nhận được những sự săn sóc cần thiết. Trong phúc trình năm 2012, Bà Raymonde St Germain, người giữ chức vụ "bảo vệ người dân" (protectrice du citoyen) cho biết các trung tâm y tế và dịch vụ cộng đồng vì thiếu ngân sách nên không thể đáp ứng được những nhu cầu của người dân. Tất cả hay một phần gánh nặng phải đùa về phía những người thân hay còn gọi là người giúp đỡ tự nhiên (aidants naturels) tức là con cái hay thân nhân của các cụ.

Việc phải giúp đỡ và phụng dưỡng cha mẹ già, đã làm nhiều đứa con trở nên te tua và kiệt quệ đi.

Giám đốc liên đoàn tuổi vàng Québec (Fédération de l'âge d'or du Québec), Danis Prud'homme cho biết "Lý do phải thu bớt giờ làm việc hay nghỉ làm luôn đã khiến nhiều thân nhân nghèo đi". Họ bị mất lợi tức và gây trở ngại không ít đến việc về hưu của chính họ.

Theo thống kê Canada, trên 30% dân Canada trên 45 tuổi (đa số 80% là đàn bà) đã chăm sóc một người cao niên nào đó. (Enquête sur la Santé dans les collectivités canadiennes, Statistique Canada.)…

Việc con cái chăm sóc cha mẹ già đã giúp chánh phủ tiết kiệm được từ 6 đến 9 tỉ $, nhưng thân nhân phải trả một cái giá khá đắt: Họ phải móc tiền túi ra trả các chi phí phụ trội (chẳng hạn lấy xe chở người thân đến phòng mạch bác sĩ hay đến bệnh viện), 22% phải bắt buộc nghỉ việc ít nhứt trong một tháng, 22% phải bớt giờ làm việc tại hãng xưởng, lấy hưu trí non hoặc bỏ việc. Thống kê Canada cho biết có lối 41% phải rút tiền tiết kiệm ra để sống cầm hơi.

Ngoài ra, có rất ít yểm trợ tài chánh từ chánh phủ cho những người chăm sóc cha mẹ già yếu, ngoại trừ vài cái tín dụng thuế (crédit d'impôt). Bảo hiểm nghề nghiệp (assurance emploi) dự trù trả một số tiền "đền bù trắc ẩn" (compassion) khi một người phải ở nhà để chăm sóc thân nhân, với điều kiện là người nầy phải chết trong vòng sáu tháng.

Ngoài ra những người chịu bỏ thời giờ để lo cho cha mẹ già, họ cũng phải lo cho con cái trong tuổi còn đi học. Chúng cũng cần phải có cha và có mẹ... Đây lại thêm một áp lực nặng nề đè vào vai những người thuộc thế hệ sandwich (génération sandwich)*, nghĩa là trên thì cha mẹ già, dưới là con cái còn nhỏ tuổi.

Không ít người nhận biết sức khỏe của cha mẹ càng ngày càng sa sút nhưng họ không thể hay không muốn chính tay họ chăm sóc. Họ thường chọn giải pháp giúp đỡ bằng cách trả tiền mướn người đến nhà chăm sóc cha mẹ thay cho họ. Họ cũng có thể gởi cha mẹ già vào những nhà già có dịch vụ chăm sóc chu đáo.

Giá cả tại các nhà già tại Québec ra sao?

Một căn phòng nhỏ trong một nhà già tư nhân giá tối thiểu 1000 $/tháng, gòm có các bữa ăn và vài việc chăm sóc.

Chọn phòng lớn hơn, giá leo thang lên 1800$/tháng cho một nơi có 2 phòng (2 pièces) theo đơn vị Canada.

Việc chăm sóc càng gia tăng tiền trả càng tăng theo, dễ hiểu mà thôi.

- Một ngày săn sóc 2,5 giờ, tiền nhà dễ dàng leo lên 3000$/tháng.

Trên nguyên tắc,những cụ nào cần hơn 3 giờ săn sóc/ngày thì có quyền xin một chỗ trong nhà già dài hạng đặc biệt của chánh phủ. Tại Quebec, dó là những CHSLD (Centre d'hebergement et de soins de longue durée). Vô nằm ở đây để chờ ngày đi luôn về cõi vĩnh hằng.

Giá biểu tại các CHSLD từ 1017$ tới 1637$/tháng.

Những cụ nào không có tiền trả vẫn được nhận vô như thường: chánh phủ sẽ khấu trừ thẳng vào tiền già và tiền hưu trí của đương sự, chỉ chừa lại 200$ cho cụ uống cà phê, mua vé số 6/49 và tiêu xài lặt vặt.

Thường vì thiếu chỗ trong CHSLD cho nên các cụ phải nhẫn nại chờ nhiều tháng trước khi có phòng trống. Trong thời gian chờ đợi họ phải hoàn toàn trong cậy vào con cái.

Giá biểu các dịch vụ chăm sóc tại nhà cũng không phải rẻ.

- 5$ cho một bữa ăn giao tận nhà.

- 18$/giờ phụ giúp dọn dẹp, tắm rửa và thay quần áo.

- 55$/giờ săn sóc chuyên môn do y tá đảm trách.(soin infirmier)

- 62$/giờ vật lý trị liệu (physiothérapie)

- 28 000$ lợi tức trung bình/ năm của những người trên 65 tuổi tại Québec.

- 5% sống dưới ngạch mức lợi tức thấp(seuil de faible revenu, nghĩa là 14 935$ cho một người sống một mình tại Montréal)

Ráng lên cụ ơi, không còn bao lâu nữa đâu (Photo www.ledevoir.com)

Sáu bảy năm trước, tổng trưởng Y tế Couillard thuộc đảng Tự do Quebec có hâm he ý định sẽ tư nhân hóa các CHSLD cho đở tốn ngân sách chánh phủ. Chắc trước sau gì họ cũng thực hiện mà thôi.

Bảo hiểm tư nhảy vô kiếm ăn

Từ 12 năm nay, nhiều công ty bảo hiểm có dịch vụ bảo hiểm việc săn sóc dài hạn khi cụ không còn khả năng tự mình chăm sóc được và cần phải thuê người làm công việc nầy tại nhà hoặc trong các nhà già. Tuy nhiên, đối với nhiều người, vấn đề bảo hiểm loại nầy không mấy mặn nồng đối với họ vì giá cả quá đắt.

Lấy thí dụ, RBC Assurances, một bà 59 tuổi mua bảo hiểm loại nầy phải trả 118$/tháng trong vòng 20 năm. Khi cần, bà sẽ nhận được 60$/ngày- 1 800$/tháng trong vòng tối đa là 5 năm mà thôi, sau khi phải chịu chờ đợi trong 90 ngày. Các công ty bảo hiểm không mong đợi là loại bảo hiểm quá mới mẻ nầy sẽ trở thành một mặt hàng hốt bạc như loại bảo hiểm nhân thọ. Đã có nhiều công ty, như Desjardins ngắm nghé giới trẻ, dụ họ mua cho cha mẹ già. Theo bà Nathalie Tremblay làm việc cho Desjardins " Càng về già, tiền bảo hiểm càng đắt. Khi đã xuất hiện ra vấn đề sức khỏe thì công ty Desjardins từ chối bảo hiểm".

Trách nhiệm chăm sóc người già thuộc về thân nhân hay chánh phủ?

Trong thời gian vận động tranh cử vừa qua, Parti Québécois có đưa ra đề nghị nên thiết lập một loại bảo hiểm tự trị (assurance autonomie), một quỹ nhằm trang trải tất cả chi phí chăm sóc người già, mà đặc biệt là ưu tiên cho những cụ sống tại nhà.

Có người đề nghị nên noi theo loại nghỉ để lo gia đình (congés parentaux), nghĩa là trả tiền cho những ai phải ở nhà để lo cho cha mẹ già.

Tại sao người già Việt Nam không mấy mặn nồng với nhà dưỡng lão?

"…Tại quận Cam, tiểu bang California, có một chúng cư xây cất cho những người trên 55 tuổi, đã phải khai bạn sản, chuyển qua thành một chúng cư thường cho mọi người.

Tại Canada, một nhà già điển hình có nhiều người Việt là nhà già Hốc Môn ở thành phố Montreal. Nhà già này được sự tài trợ của chính quyền tỉnh bang Quebec, nên phải theo đung những quy định của một nhà già công: có nghĩa là phải thu nhận tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc.

Theo những tin tức mà chúng tôi vừa thâu thập được thì số người già nhiều nhất sinh sống trong nhà già Hốc Môn hiện nay là những người gốc Ý Đại Lợi.

Lý do là các cụ ta muốn sống quay quần với con cái, không muốn sống trong nhà già, dù có nhiều người Việt.

Tại Việt Nam, nhiều nhà dưỡng lão mở ra nhằm thu hút Việt Kiểu và cũng đã thất bại như nhà an dưỡng ở Củ Chi.

Người ta không muốn sống biệt lập trong một khu vực, xa hẳn xã hội, dù trong khu vực đó có đầy đủ những tiện nghi…"

(Ngưng trích Nguyễn Tuấn Hoàng -Chuyện nhà dưỡng lão ở Toronto-ThoiBao Canada)

http://thoibao.com/chuyen-nha-duong-lao-o-toronto/

Nhà già Ngã Tư Hóc Môn giữa Montreal

Video:En un coup d'oeil
http://caase.ca/?page_id=168

Nhà dưỡng lão Tuổi Hạc, Edmonton, Alberta Canada

Nhà dưỡng lão này phục vụ bằng 3 thứ tiếng Việt, Hoa và Anh; với thức ăn Á-Đông và Tây phương. Hiện nay ngoài những giờ sinh hoạt chung còn có giờ sinh hoạt theo tín ngưỡng riêng. Nơi đây có một Niệm Phật Đường để người già có thể vào lễ Phật, niệm Phật, ngồi thiền hay xem kinh… Cũng có phòng dành riêng cho người có tín ngưỡng khác.

"Mặc dù nhỏ bé hơn so với các thành phố khác của Canada như Toronto, Vancouver, Montreal; cộng đồng người Việt tại Edmonton, tỉnh bang Alberta, đã tạo được một công trình đáng kể mà các nơi khác chưa làm được: xây dựng một nhà dưỡng lão 160 phòng với chi phí 28 triệu Gia Kim (2008). Thành công này có được là do sự quyên góp rộng rãi của cộng đồng lên tới 4 triệu, cộng với sự vận động của 2 Dân Biểu tỉnh bang Phạm Kim Hưng và Wayne Cao, chính phủ Alberta trợ giúp 8 triệu, phần còn lại là vay ngân hàng. Nhà Dưỡng Lão là cơ sở bất vụ lợi được điều hành bởi Ban Quản Trị người Việt mà Chủ Tịch là Hòa Thượng Thích Thiện Tâm. Tuy nhiên, do nhận được trợ cấp từ chính phủ Alberta, NDL cũng đón nhận sắc dân khác ngoài người Việt cao niên. Người cao niên có thể lựa chọn 3 hình thức dịch vụ: chỉ ở nhưng tự nấu ăn lấy, vừa ở vừa ăn tại nhà ăn và săn sóc toàn bộ(ở, ăn, săn sóc thuốc men).

NDL vẫn đang tiếp tục phát triển thêm theo kế hoạch…"(Nhà dưỡng lão Tuổi Hạc và cộng đồng VN tại Edmonton)
http://www.pbase.com/hoangt/nh_d4327905ng_lotu7893i_h7841c_v_c7897ng_2737891ng_vn_t7841i_edm&page=all

Nhà dưỡng lão Tuổi Hạc, Edmonton, Alberta, Canada

Chừng nào mới có nhà dưỡng lão Tuổi Hạc, Ontario?
http://tuoihac-ontario.com/?cat=46

Dự án xây dựng nhà dưỡng lão Tuổi Hạc,Ontario đang dược một số người kêu gọi sự trợ giúp của bá tánh…

"Vì vậy hôm nay, thay mặt ban vận động chúng tôi xin kêu gọi quí đồng hương, nếu xét thấy đây là nhu cầu thực tiễn cho gia đình hay cho cộng đồng thì xin quí vị góp một bàn tay với chúng tôi thực hiện dự án nhà dưỡng lão này bằng cách đóng góp một lần, đóng góp định kỳ, hay cho mượn không lấy lãi trong vòng 2,3,4 năm hoặc cho đến khi hoàn thành..."

(Tỳ kheo Thích Thiện Tâm, Trưởng Ban Vận Động xây dựng nhà Dưỡng Lão Tuổi Hạc tại Ontario)

Người già gốc Việt cô đơn và rất sợ phải vô viện dưỡng lão.

Montreal:"Theo thống kê của CAASE hồi cuối năm 2006, tổng cộng có hơn 3.000 cụ ông và cụ bà gốc Việt trên 65 tuổi sinh sống tại Montréal, trong đó khoảng một nửa có điều kiện cư trú không tiện nghi, khó khăn trong sinh sống và đi lại. Phần lớn số người cao tuổi này sống cô đơn và gặp khó khăn trong hội nhập văn hóa. Họ đến Canada khi đã lớn tuổi và cảm thấy khó thích nghi với cuộc sống nơi này."(Ngưng trích:Trúc Lâm-Ngã tư Hóc Môn giữa Montreal.)

Cali-"Theo một thống kê của Cơ quan an sinh xã hội bang California, Mỹ, trong số 400 000 người Việt hiện đang sinh sống ở miền Nam California, có khoảng 15 000 người trên 65 tuổi. 1/3 ở chung với con cháu. Số còn lại ở trong các viện dưỡng lão (nursing home). Vẫn theo thống kê nầy, những người Việt già trên đất Mỹ rất sợ bị đưa vào nursing home" (Ngưng trích-Quyên Ca)

Người già hải ngoại và viện dưỡng lão.

Bs Trần Công Bảo (Hoa Kỳ) cho biết

"Việc này thì tùy trường hợp. Theo tôi:

1- Nếu còn có thể ở nhà được mà vẫn an toàn thì ở nhà tốt hơn. Nếu tài chánh cho phép, thì dù mình không đủ khả năng lo cho mình, mình vẫn có thể mướn người "bán thời gian" (part time) đến lo cho mình vài giờ mỗi ngày, giúp ăn uống, tắm rửa, dọn dẹp trong nhà, thuốc men, chở đi bác sĩ…

2- Nếu không thể ở nhà được, mà tài chánh cho phép thì có thể ở những assisted living facilities. Ở đây thường họ chỉ nhận tiền (personal funds) chứ không nhận medicare & medicaid. Tại đây thì sự săn sóc sẽ tốt hơn.

3- Group homes (nhà tư): Có những người nhận săn sóc cho chừng 4-6 người mỗi nhà. Họ cũng lo việc ăn uống, chỗ ở, thuốc men, chở đi bác sĩ…Thường thì rẻ hơn tùy từng group.

4- Nếu "chẳng đặng đừng" phải vào VDL thì phải làm sao để có được sự săn sóc "tốt nhất"?"(Dr Trần Công Bảo-Nursing home ở MỸ)

http://vietlifestyles.com/vien-duong-lao/

Ôi, tuổi nào cũng có cái khổ riêng của nó hết!

Theo nhà hoạch định tài chánh Geatan Veillette, điểm quan trọng là cần phải bàn cãi kỹ lưỡng với các cụ về tình trạng tài chánh mà các cụ thật sự có cũng như các ước vọng của cụ về tương lai. Nếu cần, con cái nên làm một giấy ủy quyền (procuration) và một tờ ủy thác mandat để quyết định thay cụ trong trưòng hợp sức khỏe cụ quá tồi tệ.

Nhưng than ôi! người ta thường thấy nhiều cô cậu ôm ấp lòng ham muốn giữ trọn vẹn cái gia tài, không muốn nó bị hao hớt vì phải chi thêm để cho cha mẹ già của họ có một cuộc sống cuối đời dễ thở hơn một chút./.

Mais l'essentiel est de discuter avec ses parents de leur situation financière et de leurs souhaits pour l'avenir, et d'obtenir une procuration et un mandat en cas d'inaptitude pour pouvoir prendre des décisions à leur place lorsque ça sera nécessaire, explique le planificateur financier Gaétan Veillette. " Malheureusement, dit-il, on voit parfois des enfants qui semblent plus désireux de préserver leur part de l'héritage que d'assurer une belle fin de vie à leurs parents

Đọc thêm

- Isabelle Ducas- Papa souffre, moi aussi
http://www.lactualite.com/lactualite-affaires/papa-souffre-moi-aussi/

- Les soins de longue durée au Québec 2012-Financiè re Sun Life( giá biểu tất cả dịch vụ săn sóc tại nhà và trong các trung tâm dài hạn)
http://cdn.sunlife.com/static/plan/files/fr/pdf/Summaryreport-LTC-Costs-QB.pdf

- BS Vũ Quí Đài- Già quá lú?
http://nguoivietboston.com/?p=22356

- Bs Trần Công Bảo & Nỗi buồn của người Việt già ở Nursing Home
http://vietlifestyles.com/vien-duong-lao/

- Quyên Ca- Nỗi buồn của người Việt già ở nursing home
http://www.tinvasong.com/?articleId=571003

- BS Nguyễn Thượng Chánh

*Nước mắt sầu tuôn chảy-Cảnh khổ của người già
http://vietbao.com/a192945/nuoc-mat-sau-tuon-chay-canh-kho-cua-nguoi-gia

*Chập chờn bóng đêm
http://vietbao.com/a203788/chap-chon-bong-dem

*Vấn đề người già bị ngược đãi
http://vietbao.com/a147346/van-de-nguoi-gia-bi-nguoc-dai

*Chết có thật đáng sợ không?
http://www.tintuccaonien.com/docs/docs_7/7_1_201.htm

*Chết tốn bao nhiêu tiền
http://thuvienhoasen.org/D_1-2_2-44_15-2_4-14401_5-50_6-1_17-30_14-2_10-52_12-1/chet-ton-bao-nhieu-tien-nguyen-thuong-chanh.html

*Quyền được chết trong phẩm giá
http://vietbao.com/a180104/quyen-duoc-chet-trong-pham-gia

Montreal, March 28,2014