Gia đình bà Nhu (Từ trái): Ô. Trần Văn Chương, B. Thân Thị Nam Trân, B. Trần Thị Lệ Chi, B. Trần Thị Lệ Xuân, Ô. Trần Văn Khiêm. Nguồn OntheNet Chương 9 – Tháng 4, 1955 ông Nhu dọn nhà và đưa ba người con vào sống trong Dinh Độc Lập khi bà Nhu vẫn đang ‟an trí” ở một nhà dòng và học tiếng Anh ở Hong Kong. Trở lại Việt Nam, có lẽ đó là lần đầu tiên sau khi lập gia đình, bà Nhu hy vọng sẽ được thường xuyên ‟thấy” chồng. Sự thực không phải như thế trong những năm gia đình bà sống ở Dinh Độc Lập. Những năm đầu chính phủ Ngô Đình Diệm đã gặt hái rất nhiều thành quả lớn. Từ việc ổn định đời sống cho gần 1 triệu người di cư miền Bắc, nâng cao mức sản xuất gạo, cao su, điện, cải cách điền địa, xây dựng hạ tầng cơ sở, lập đại học, xây xí nghiệp sản xuất, v.v. qua chương trình viện trợ của chính phủ Mỹ. Cuốn ‟Misalliance, Ngo Dinh Diem, the United States, and the Fate of South Vietnam” của Edward Miller là một nghiên cứu, phân tách rất chi tiết giai đoạn này trong lịch sử Việt Nam cận đại. 4/3/1956 bà Nhu đắc cử cùng 122 dân biểu khác vào quốc hội lập hiến. Thành phần nhân sự quan trọng của chính quyền Ngô Đình Diệm đã là nguyên nhân thành hình cụm từ ‟gia đình trị”; Ông Trần Văn Chương là bộ trưởng kinh tế và tài chánh trước khi nhậm chức Đại sứ tại Mỹ; mẹ bà Nhu, bà Nam Trân, được cử làm Đại diện thường trực tại Liên Hiệp Quốc; anh rể bà Nhu, chồng bà Lệ Chi, luật sư Nguyễn Hữu Châu, một thời gian ngắn là cố vấn tín cẩn của Tổng thống Diệm; ông Trần Văn Khiêm học hành dang dở, đang lang thang sống đời lãng tử với vợ người Đức ở ven biển Algeria được bà Nhu gọi về làm phát ngôn nhân của Dinh Độc Lập; chú bà Nhu, ông Trần Văn Đỗ trở thành Ngoại trưởng VNCH [thực ra bác sĩ Trần Văn Đỗ đã bị loại từ 1955 vì chính quyền cho rằng ông ủng hộ Bình Xuyên]; và không thể quên ông Ngô Đình Nhu, không có chức vị chính thức ngoài danh xưng ‟ông cố vấn” của anh mình. Đó là chưa nói đến những than phiền quần chúng về sự phân biệt đối xử vì tôn giáo của chính` quyền Ngô Đình Diệm. Bà Nhu nói, ‟Nếu chúng tôi mở toang cửa sổ, không những chỉ có ánh sáng mà còn bọn xấu cũng bay vào theo.” Theo một cận vệ của Tổng thống thì ông Diệm không chỉ trích bà Nhu vì không muốn ông Nhu bị phiền. Tổng thống Diệm coi bà Nhu như ‟một phụ nữ đẹp nhưng to mồm”; tính khoa trương của bà Nhu trái ngược với phong cách điềm tĩnh của Tổng thống Diệm. Và cũng theo viên cận vệ này thì bà Nhu‟luôn luôn muốn quá nhiều và quá sớm”. Mặt khác, ông Nhu cũng dù không bằng miệng nhưng đã không bằng lòng khi bà Nhu phô trương nhan sắc, duyên dáng, và khả năng (nói) tiếng Anh với chính khách, phần lớn là người Mỹ. Dù có muốn bà Nhu đã không thể là một người phụ nữ của quần chúng được. Vì quần chúng phụ nữ Việt Nam thời đó đa số là những người đàn bà đầu tắt, mặt tối, chân lấm tay bùn, là những sóng sót sau nạn đói, và chiến tranh. Tuyệt đại đa số phụ nữ Việt Nam không nói tiếng Pháp ở nhà hay có tài xế đánh xe Mercedes đưa đi phố. Nhưng để chứng tỏ mình là người bảo vệ quyền phụ nữ, bà dân biểu đã làm luật gia đình áp dụng từ sau tháng 6, 1958 cấm đàn ông đa thê, hay có hầu thiếp, đàn bà có quyền có tài sản… Nhưng luật gia đình, bảo vệ quyền phụ nữ, còn cấm ngoại tình, cấm cả việc li dị trừ trường hợp đặc biệt được phép của Tổng tống. Đây là luật của thần quyền hay của thế quyền? Và như thế là bảo vệ quyền bình đẳng của phụ nữ? Sắc luật này có hiệu quả thế nào khi áp dụng vào thực tế? Tiếng đồn thời đó cho rằng luật cấm li dị nhằm bịt miệng ông Nguyễn Hữu Châu không thể nói xấu chế độ và li dị bà Trần Lệ Chi được. Thực ra cả hai vợ chồng ông Châu đều muốn li dị. Bà Lệ Chi muốn thoát khỏi một cuộc hôn nhân không hạnh phúc để sống với người yêu, một thợ săn voi bắn hổ chuyên nghiệp người Pháp tên là Etienne Oggeri. Kết quả, luật sư Châu đang là một cố vấn được tín cẩn của Tổng thống Diệm bị mất hết danh tiếng và ảnh hưởng, trở thành một công chức tầm thường. Sau khi luật gia đình ban hành, bà Lệ Chi cắt cổ tay đến Dinh Độc Lập để phản đối; bà Nhu cho lính bắt chị mình nhốt ở bệnh viện. Bà Nhu xác nhận đã làm thế để bảo vệ bà Lệ Chi và bảo vệ danh giá gia đình. Theo Lệ Chi thì bà đã viết điện từ nhà thương nhờ một y tá cảm thông đánh đi cầu cứu. Bà Nam Trân từ Mỹ về Sài Gòn cứu con gái lớn ra khỏi bệnh viện nhà giam.
(Trái) Bà Lệ Chi bên xác con hổ (Gần Dalat, 1957). (Phải) Hình vẽ Etienne Oggeri của họa sĩ Lechi Oggeri tại Cape Fear Studios. Nguồn: animalsversesanimals.yuku.com vàcapefearstudios.com Luật sư Nguyễn Hữu Châu bỗng dưng được chuyển đi Paris. Trong hồi ký viết sau này, Oggeri nói bà Nhu đã cho người tiêm vi-rút dịch tả vào người ông. Sau một thời gian ngắn trong tù, Oggeri đã bị đuổi về Pháp. Từ đó ông sang Mỹ tìm người yêu. Etienne và Lệ Chi lập gia đình và nay, có lẽ tóc đã bạc màu, hai người vẫn sống đời hạnh phúc ở Fayetteville, North Carolina. 1959, sau 16 năm lập gia đình, từ một tiểu thư danh gia thế phiệt, bà Nhu là mẹ của bốn người con, là một mệnh phụ đầy danh vọng và quyền lực. Đó có phải là một cuộc đời hạnh phúc? Theo một cuốn nhật ký của bà Nhu thì không. Cuộc đảo chính ngày 11 tháng 11 năm 1960 tình cờ là một cơ hội khác để bà Nhu xác định khả năng chính trị của mình. Sau cuộc đảo chính hụt, trong các cuộc phỏng vấn, bà Nhu cho rằng ông Diệm ứng xử như trẻ con khiến bà muốn tát Tổng thống Diệm. Ba năm sau tờ St. Louis Post Dispatch đưa tin bà Nhu thực sự đã tát tai ông Diệm. Và ngay cả Tổng thống Diệm, khi trả lời báo chí cũng đã xác định cuộc đảo chánh thất bại là ‟nhờ bà Nhu” (‟C’est grâce à madame.”)
Đoàn viên Thanh nữ Cộng hòa Ngô Đình Lệ Thủy.Nguồn: Larry Burrows/Time Life Pictures/Getty Images Chương 10 – Sau cuộc đảo chánh hụt năm 1960, Tổng thống Diệm ra lệnh miệng cho các tư lệnh quân đội không mở các cuộc hành quân có thể gây thương vong lớn cho phía VNCH vì ông nghĩ lính nhảy dù muốn đảo chánh vì không chấp nhận thương vong lớn ở chiến trường. Tổng thống Diệm không thể thấy hay không muốn thấy nguyên nhân của cuộc đảo chánh là chính sách gia đình trị và sự thiên vị Ki-tô giáo. Cố vấn Mỹ ở Việt Nam cũng biết lệnh miệng của Tổng thống Diệm nhưng điều đó không ngăn họ gởi báo cáo thổi phồng về con số thương vong của cộng quân. Cùng lúc, Việt cộng nằm vùng gia tăng khủng bố ở miền Nam. 1961, bà Nhu tự tin hơn bao giờ. Ba năm trước, bà cho thành lập Phong trào Phụ nữ Liên đới (1958) mục đích để phụ nữ Việt Nam tham gia vào các công tác xây dựng xã hội chứ không chỉ là người nội trợ trong nhà. Ngoài ra bà Nhu còn là thủ lãnh của Đoàn thanh nữ Cộng hòa một tổ chức bán quân sự mà cô Lệ Thủy là một đoàn viên. Theo chính phủ thì Phong trào Phụ nữ Liên đới có trên 1 triệu đoàn viên(19) nhưng dường như ở ngoài Sài Gòn, phụ nữ Việt Nam không biết đến phong trào của những bà mệnh phụ tham gia để giữ ghế cho chồng trong quân đội hay chính phủ. Tiệp tục sự nghiệp làm luật “bảo vệ thuần phong mỹ tục và năng lực của dân chúng…”, bà Nhu cho ra đời “Luật Bảo vệ luân lý”. Đó là Luật số 12/62 ngày 22/2/1962. Luật 12/62 có nhiều điểm tích cực như cấm người dưới 18 tuổi không được uống rượu (trên 12 độ cồn), cấm đồng bóng, phù phép (cầm hành nghề gây mê tín dị đoan), cấm mua bán dâm. Tuy nhiên cũng có những mục khác của sắc luật bị dân chúng chỉ trích: cấm khiêu vũ, cấm thi hoa hậu, cấm tuyên tuyền khuyến khích ngừa thai và phá thai.(20) 27 tháng 2, 1962 hai phi công Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc lái máy bay khu trục Skyraider oanh tạch cánh phải Dinh Độc Lập, nơi gia đình bà Nhu trú ngụ. Lệ Thủy, 16 tuổi bình tĩnh cứu hai em nhỏ, Lệ Quyên và Quỳnh. Bà Nhu rơi hai tầng lầu xuống đất, bị ba vết phỏng nặng và 1 vết cắt sâu ở cánh tay. Bà vú người Hoa trông nom Lệ Quyên và hai người khác tử thương. Bà Nhu mất gần hết của cải vật chất, kể cả những tấm da hổ trong phòng ngủ, trừ vài cái áo ở tiệm may.
Dinh Độc Lập sau khi bị oanh tạc phá vỡ cánh phải. Nguồn: LIFE Chương 11 – Demery viết về quan điểm của những ký giả Mỹ, đã từng viết về cuộc chiến Việt Nam cũng như chính phủ Ngô Đình Diệm: David Halbertstam, Malcolm Browne, Stanley Karnow, những người bạn Mỹ như Clare Booth Luce, Marguerite Higgins, Ann và Gene Gregory – hai vợ chồng phụ trách xuất bản tờ Times of Vietnam, tờ báo tiếng Anh được bà Nhu yêu chuộng nhất. Đặc biệt, vào năm 2007, khi được Demery cho hay tin David Halberstam, người ký giả trẻ của tờ Thời báo New York hồi nào đã chỉ trích bà Nhu nặng nề, tử nạn giao thông, bà Nhu nói, ‟Anh ấy thông minh, một trong những người hiếm có dám nói sự thật.” Khác với nguồn tin 44 năm trước cho rằng bà Nhu đã nói về người ký giả của tờ New York Times,‟Halberstam đáng đem đi nướng, và tôi sẽ hân hoan đưa xăng và diêm quẹt.” Chương 12 – Nhất định phần đúng về mình, bà Nhu đã đem nhiều rắc rối cho chính phủ Ngô Đình Diệm. Biến động Phật giáo miền Trung bắt đầu với việc giám mục Ngô Đình Thục nhận tiền ‟đóng góp” xây thánh địa La Vang của các viên chức chính phủ, từ Phó tổng thống trở xuống; chưa đủ, giám mục Thục còn chuyền tiền, bất động sản, ruộng đất, v.v. từ công quỹ quốc gia sang cho giáo hội, làm mờ ranh giới giữa giáo hội và chính quyền. Giám mục Ngô Đình Thục tham nhũng cho giáo hội. 7 tháng 5, về Huế sau khi thăm viếng La Vang, giám mục Thục ra lệnh hạ cờ ngũ sắc của Phật tử đón mừng Phật Đản lần thứ 5257. Ở Sài Gòn ông Nhu phản ứng, ‟Tại sao anh tôi nhất định ra một cái lệnh ngu như thế về những lá cờ. Có ai quan tâm về những lá cờ họ treo đâu.” Sau đó là biểu tình phản đối, vụ nổ ở đài phát thanh Huế làm thiệt mạng 2 trẻ em, 7 người lớn và 14 người khác bị thương. Áp dụng chiến thuật đã thành công với Bình Xuyên năm 1955, đã thành công với lính nhảy dù năm 1960, chính phủ Ngô Đình Diệm gán cho Việt Cộng đã gây ra vụ nổ chết người ở đfi phát thanh Huế, nhất định không thỏa hiệp và tiếp tục làm áp lực với phe Phật giáo đấu tranh. 11 tháng 6, 1963 Thượng tọa Thích Quảng Đức tự thiêu ỏ Sài Gòn; tấm hình Malcolm Browne chụp đăng trang nhất trên báo chí Hoa Kỳ và thế giới. Tiếp theo là những thách đố, nhạo báng của bà Nhu – nướng sư, vỗ tay – nổi tiếng không thua gì bức ảnh của Malcolm Browne. Rồi, thiết quân luật và cảnh sát dã chiến, lực lượng đặc biết tấn công chùa, bắt sư sãi, từ Sài Gòn ra Huế, ngày 21 tháng 8, 1963. Bà Nhu so sánh vụ tấn công đè bẹp ‟sư cộng sản” như vụ chiến thắng Bình Xuyên tám năm trước đó và bà ‟quên” rằng những ‟sư cộng sản” bị bắt là những người không có vũ khí trong tay. Bà Nhu tuyên bố, ‟đây là ngày sung sướng nhất đời tôi.” Lại thêm một chiến công cho dòng họ Ngô Đình. Đúng sinh nhật thứ 39, bà Nhu nhận được một điện tín từ Washington, D.C., ông bà Trần Văn Chương yêu cầu bà đưa bốn người con ra nước ngoài; đồng thời bà Nam Trân đích thân nhắn riêng với tân Đại sứ Mỹ, Henry Cabot Lodge, sắp lên đường sang Việt Nam rằng ‟Trừ khi họ rời Việt Nam, không có quyền lực nào trên thế giới có thể chận cuộc ám sát Tổng thống Diệm, Nhu em ông ấy, và bà Nhu, con gái của tôi.” Bức điện thứ hai cùng ngày sinh nhật bà Nhu, ông Đại sứ VNCH tại Mỹ và bà Đại diện thường trực của VNCH tại LHQ đồng loạt từ chức. Ngầm đồng ý với yêu cầu của chính phủ Mỹ bịt miệng bà Nhu, Tổng thống Diệm đã cho bà Nhu đi dự phiên họp của Liên minh Liên Nghị viện tại Belgrade vào trung tuần tháng 9, 1963. Chương 13 – Đầu tháng 10, 1963 bà Nhu và Lệ Thủy đến Mỹ – không phải là khách mời của chính phủ Hoa Kỳ. Xuất hiện ở đại học, trên đài truyền hình và báo giới từ Đông sang Tây, cuộc Mỹ du của bà Nhu chỉ được công nhận chính thức bằng nhận định của một Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ ở Ohio, Stephen Young nói, bà Nhu ‟quá kiêu ngạo và tự phóng đại tầm quan trọng của mình quá mức,” và nên được gởi trả về Việt Nam. Trước khi rời Sài Gòn và cả lúc ở Paris – tháng 8, 9/1963 – bà Nhu đã biên thư hỏi Phó Tổng thống Johnson xem bà sẽ có thể được chào đón ở Mỹ hay không. Johnson hỏi ý và được Kennedy hiệu đính lá thư, yêu cầu bà Nhu nghĩ ‟một cách hết sức khách quan nếu có thể, rằng bà đến đây có ích hay bất lợi.” Johnson ký lá thư đã hiệu đính và gởi đi. Bà Nhu trả lời,‟Tôi từ chối ngồi yên làm đồng lõa trong một vụ giết người dễ sợ.” Đại học Columbia, Princeton, Havard, tạp chí Time, Thời báo New York cùng biết bao đài truyền hình tranh nhau để gặp được bà, cùng lúc chính phủ Mỹ cố gắng xua bà đi cho thấy bà Nhu là một nhân vật chính trị đáng quan tâm. Và vài tuần trước đó, ở Rome, bà Nhu nói lính Mỹ ở Việt Nam cư xử như‟những thằng lính đánh thuê”. Chương 14 – Trung tuần tháng 10, bà Nhu đến Washington D.C., dự tính sẽ ở lại miền Đông Hoa kỳ thêm 1 tuần nữa trước khi đi Chicago; toàn bộ chính phủ Mỹ cũng như nội các Kennedy vẫn không có bất kỳ một nhận xét nào. Cùng lúc đó cựu Đại sứ Trần Văn Chương trả lời phỏng vấn với đài truyền hình CBS cho biết Tổng thống Diệm, xếp của ông 9 năm qua, thực sự chỉ là hình nộm; thực quyền nằm trong tay ông Ngô Đình Nhu, con rể của ông. Bà Nhu có thể nhiễm bệnh ‟cuồng vì quyền lực” như chồng nhưng ‟chỉ là cái bóng”. Ông cựu Đại sứ cố gắng làm giảm ảnh hưởng của bà Nhu, nhưng đã thất bại. Ông xác định nỗi ngờ của người Mỹ rằng vợ chồng bà Nhu quả thực có nhiều quyền lực hơn Tổng thống Diệm. Trả lời một ký giả Ý về nhận xét của bố vợ mình, ông Nhu để rơi mặt nạ, trả lời cho cả cho cả hai vợ chồng, ông Nhu nói, nếu ông Chương cố trở lại Saigon, ‟Tôi sẽ cho chặt đầu ông ấy. Tôi sẽ treo đầu ông ta lủng lẳng giữa quảng trường. Vợ tôi sẽ buộc cái nút dây treo vì bà ấy hãnh diện là người Việt Nam và bà ấy là một người yêu nước.” Cùng Lệ Thủy đến nhà ông bà Trần Văn Chương, bà Nhu để cô con gái lên gõ cửa nhà ông bà ngoại; bà chống nạnh đứng chờ. Cửa không mở; Hết kiên nhẫn, bà Nhu đến gõ cửa nhà cha mẹ; cửa vẫn đóng, không có tiếng trả lời. Bà Nhu cũng biết khoảng hai mươi ký giả đẫ đi theo và đang đứng đợi xung quanh. Căm phẫn vì bị coi như không có trước đám đông, bà Nhu đi vòng ra phía vườn sau, phóng lên vài bực thang, nhìn qua của sổ. Bà Nhu nói như phân trần với đám đông, ‟Tôi không hiểu. Tôi đã gọi và nói chuyện với một người ở đây cách đây không lâu.” Không nhìn mặt là một chuyện. Khi bà Nhu còn ở châu Âu, bà Chương đã mời một phụ tá tín cẩn của Kennedy đến nói chuyện tại nhà. Bà Chương nói thẳng với phụ tá của Tổrng thống Mỹ: nói Kennedy loại gia đình nhà Ngô ngay đi. Ông Diệm thì bất lực; ông Nhu là tên man rợ; phần con gái, bà Chương đã yêu cầu cộng đồng người Việt ở New York và Washington lấy xe cán bà Nhu đi; nếu không được thì ít nhất cũng phải ném cá chua, trứng thối. Bà Chương thề với viên phụ tá của Kennedy, nếu Nhà Trắng không làm gì hết để bịt miệng bà Nhu thì chính bà, bà Chương, sẽ thừa khả năng tổ chức ‟cái gì đó để chống lại con quái vật này.” Câu chuyện giữa hai người được đưa vào hồ sơ ‟kín” và người cất tại liệu đã ghi trên tập hồ sơ, ‟tình yêu của mẹ”. Chương 15 – Demery viết về cuộc đảo chánh 1/11/1963. Cũng ở chương này tác giả cho biết đã nhận được tập hồi ký ‟Le Caillou Blanc” của bà Nhu sau gần 5 năm trông đợi, cùng một số hình ảnh. Bà Nhu nói, ‟Tôi hoàn toàn tin cô với tập hồi ký này. Cô hoàn toàn chịu trách nhiệm. Nhưng không được hiệu đính. Không được thay đổi. Chúng phải được ấn hành như đã viết; Tập I trước, tập II sau. Và, tôi nóng lòng thấy tập sách in, càng sớm càng tốt. Tôi không còn nhiều thời gian.” Tác giả Demery tin chắc đây không phải là tập hồi ký bà Nhu định bán cho báo Saturday Evening Post sau cuộc đảo chánh năm 1963; nó cũng không phải là tập hồi ký bà Nhu quá bận viết hồi những năm 60, 70 bỏ qua những cuộc phỏng vấn giá gần 1000 đô-la một lần. Demery cũng không tin là hai tập hồi ký này có bản viết trên giấy và dường như tập bản thảo điện tử này mới soạn trong những tháng sau này. Tướng Nguyễn Khánh là người đưa, Trác, Quỳnh và Lệ Quyên, ba người con nhỏ của ông bà Nhu về Sài Gòn bằng máy bay riêng sau khi tìm được họ đang trốn trong rùng ở Đà Lạt. Fred Flott, tùy viên ngoại giao tòa Đại sứ Mỹ, đại diện chính phủ Mỹ phụ trách đưa con bà Nhu qua Rome bằng máy bay quân sự C-54 sang Thái rồi từ đó bằng máy bay của Pan Am. Fred Flott cũng là người đã bỏ túi vài cái gạt tàn thuốc lá ở Dinh Gia Long ‟làm kỷ niệm”. Chương 16 – Đời lưu vong. Trong những ngày cuối cùng ở khách sạn Beverly Wilshire trước khi bà Nhu rời Mỹ, ông Trần Văn Chương đã leo cầu thang lên lầu tám gặp con gái của ông. Cha con ông Chương đoàn tụ trong phòng riêng. Với báo chí, sau đó, ông cựu Đại sứ tuyên bố ‟không cần phải hòa giải”; trước bi kịch gia đình hai người đã dẹp qua những bất đồng từ trước. Bà Nhu kể cho Clare Booth Luce một kịch bản khác. Bà Nhu nói ông Chương tìm đến gặp bà vì ông muốn trở về Việt Nam tham gia chính phủ mới; nhưng dĩ nhiên ông không thể nào làm như thế nếu không có sự đồng ý của bà Nhu. Ông Chương khó có thể bắt tay với phe đảo chánh ngay sau khi họ vừa giết chết con rể của ông, nếu không có sự giải thích hay giúp đỡ nào đó từ phía bà Nhu. Bà Nhu đã không tha thứ cho ông Chương như ông yêu cầu. Bà Nhu không tha thứ vì ông bỏ chế độ hồi tháng 8; bà Nhu không tha thứ cho ông vì ông đóng cửa không tiếp bà và Lệ Thủy ở nhà. Và bà Nhu cũng không khi nào tha thứ cho cha mẹ đã cho bà một tuổi thơ như một đứa con gái thứ hai vô hình. Và cũng có thể bà Nhu đã biết cha mẹ của bà là kẻ phản phúc đối với chế độ, nhưng có lẽ bà không rõ chi tiết. Wesley Fishel, Trưởng nhóm Cố vấn Việt Nam tại đại học Michigan, trở thành bạn thân của Tổng thống Diệm ngay từ những năm 55-56. Năm 1960, Fishel đã viết cho Tổng thống Diệm về ‟tham vọng chính trị” của ông Trần Văn Chương. Fishel nói với Tổng thống Diệm là ông Chương ‟gần như đã phá hủy toàn bộ tổ chức thân hữu của ông (tổng tống Diệm) tại Hoa Kỳ” từ khi ông đến làm Đại sứ Việt Nam tại Wshington, D.C. Đến nay, không ai hiểu hay có câu trả lời lý do nào Tổng thống Diệm vẫn giữ ông Chương trong chính phủ cho đến khi ông từ chức. Một trục trặc nhỏ bà Nhu không giải quyết được trước khi rời Los Angeles đi Rome gặp lại những người con nhỏ là tiền. Một nguồn thân cận với bà Nhu cho The New York Times biết bà Nhu đem theo 5000 đô-la cho chuyến Mỹ du trong 3 tuần. Trong thời gian suy nghĩ phải làm gì sau cuộc đảo chánh, bà Nhu vẫn không ngưng mang nợ nhưng không còn một chính phủ ở Sài Gòn để thanh toán những món nợ đó cho bà. Một số người Mỹ đã cho bà tạm trú ở tư gia sau khi ra khỏi khách sạn. Những người bạn thuộc đảng Cộng hòa, Clare Booth Luce, Richard Nixon cũng không thể giúp bà Nhu mãi. Bà còn nợ một nửa chi phí, 1000 đô-la, của bà tại khách sạn Beverly Wilshire. Nhưng Bradley O’Leary ở chương 9 trong cuốnTriangle of Death: The Shocking Truth About the Role of South Vietnam and the French Mafia in the Assassination of JFK nói bà để lại món nợ khổng lồ ở khách sạn Beverly Wilshire (‟leaving a collosal unpaid bill at the Beverly Wilshire Hotel”). Báo Daily Herald ngày 9 tháng 12 và báo Hillsdale Daily News ngày 27/12/1963 đều đăng lời của Douglas H. Boone, Giám đốc khách sạn Sheraton-Blackstone ở Chicago, than mất 200 đô-la với bà Nhu, ‟Chúng tôi may mắn. Nhiều khách sạn khác bị nặng hơn rất nhiều.” Cuộc chiến Việt nam leo thang và sau cùng đã chấm dứt. Kết quả là Việt Nam đã thống nhất vê mặt địa lý và đã phải trả một giá kinh hoàng: 2 triệu người dân hai miền đã thiệt mạng, hơn 1 triệu người lính cộng sản hai miền tử thương cùng 250000 binh sĩ VNCH. Hơn 58.200 tên người lính Mỹ bỏ mạng hay mất tích ở chiến trường Việt Nam khắc đậm trên bức tường tưởng niệm ở Washington, D.C. Người đàn ông thứ ba của dòng họ Ngô-Đình bị phe đảo chánh giết sau đó là ông Ngô Đình Cẩn. Mỹ giao ông Cẩn cho phe đảo chánh giam ông trước khi đem xử, rồi bắn. Sau khi bà Nhu vội vã cho thuê rẻ căn apartment ở Paris, giám mục Ngô Đình Thục đã thu xếp cho bà ở lại trên một mảnh đất của Giáo hội Rome trước ông khi đi nhận nhiệm vụ mới ở miền Nam nước Pháp. Năm 1981 giám mục Ngô Đình Thục bị giáo hội rút phép thông công. Năm 1984, ông Ngô Đình Thục chết trong nghèo khó tại một tu viện ở Carthage, Missouri. 12 tháng Tư, 1967, con gái yêu của bà Nhu, Lệ Thủy, mới 22 tuổi, tử nạn giao thông ở ngoại ô Longjumeau, Pháp. Lệ Thủy chết không làm trọn lời thề đã viết trong nhật ký: giết những người đã hại nước Việt Nam và đã giết cha cô. Đến khi qua đời bà Nhu vẫn không tin là con bà tử nạn giao thông. Ba người con còn lại, học hành, thành đạt, trưởng thành, sống đời bình thường như những công dân của châu Âu. Bà Lệ Quyên tử nạn giao thông trên đường đi làm vào ngày 16 tháng 4, 2012. Bà Nhu qua đời vào Lễ Phục sinh năm 2011, không phải một lần nữa đau lòng vì mất con, người con gái sau cùng. Gặp ông Đại úy 1959, sau 16 năm lập gia đình, từ một tiểu thư danh gia thế phiệt bà Nhu đã là mẹ của bốn người con, và cũng là một mệnh phụ đầy danh vọng và quyền lực. Đó có phải là một cuộc đời hạnh phúc? Theo một cuốn nhật ký của bà Nhu thì không. Đây không phải là cuốn hồi ký ‟Le Caillou Blanc” mà là một quyển nhật ký viết từ năm 1959 đến năm 1963. Một cuốn sách ghi lại các sự kiện, những suy nghĩ mỗi ngày, ngay sau đó. Một cuốn sách không có hiệu đính hay sửa đổi của người thứ hai. Đúng vậy; bà Nhu có viết nhật ký trong 5 năm sau cùng ở Dinh Độc Lập, trung tâm quyền lực của chính phủ Ngô Đình Diệm. Đây có lẽ là cuốn nhật ký bà Nhu không muốn ai biết đến. Trong thời gian làm việc với tác giả Demery bà Nhu không khi nào đề cập đến quyển nhật ký 59-63 đó. Tuy nhiên, khi còn sống, bà Nhu đã nhờ người quen ở Mỹ tìm xem có biết cuốn nhật ký của bà hiện ở đâu hoặc ai đang giữ nó. Thế cuốn nhật ký bà Nhu hiện ở đâu? Và ai hay cơ quan nào đang giữ nó? Cuốn nhật ký 59-63 hiện đang ở trên đất Mỹ. Người giữ quyển nhật ký 59-63, qua Google, đã tìm được và liên lạc với tác giả Demery. Tác giả cuốn Finding the Dragon Lady ngờ rằng một người Mỹ trẻ tuổi đang giữ nhật ký bà Nhu là chuyện xa vời. Gặp nhau ở New York, người giữ nhật ký 59-63 không muốn nói hay không thể nói rõ với tác giả Demery tại sao ông có được có cuốn nhật ký trong tay. Là người có người thân trong quân lực và cảnh sát VNCH, ông nói với Demery, ‟Tôi lớn lên, rồi tôi có quyển sách đó.” Demery được cho xem qua cuốn nhật ký bà Nhu ở một tiệm cà phê Starbuck. Cuốn sách khổ 12 cm x18 cm, bìa đã cũ, có vết ố, dán keo dính ở gáy; những trang trong đầy nét chữ nghiêng bên phải, viết bằng bút mực nâu, mực xanh, có khi bằng bút xáp màu đỏ. Trước khi vào sơ lược nội dung cuốn nhật ký, mời bạn đọc gặp người giữ cuốn nhật ký 59-63. Nếu người giữ quyển nhật ký 59-63 đã tìm gặp tác giả Demery qua Google thì người viết đã gặp ông trên Facebook và sau đó trao đổi với nhau qua điện thoại và Skype. Người đó là ai?
Đại úy James Van Thach với cuốn nhật ký 59-63 của bà Nhu. Nguồn Capt. JVT Đó là Đại úy (nghỉ hưu) James Van Thach. Đại úy James là con của Trung tá John W. Peterkin (nghỉ hưu), một cựu sĩ quan Hoa Kỳ đã phục vụ trong Thế chiến thứ II, chiến tranh Đại Hàn, cố vấn ở chiến trường Việt Nam và bà Thạch Thị Ngọc, nữ lực sĩ giữ kỷ lục nhảy cao của Việt Nam từ 1966-1968. Đại úy James sinh năm 1976 lớn lên ở Bellerose, Queens, New York, tốt nghiệp Cử nhân khoa Sử tại St. John’s University (1998) và Juris Doctor tại Touro College Jacob D. Fuchsberg Law Center (2002). Thay vì làm luật gia cho quân đội hay mở văn phòng tư vấn dân sự, ông đã xung phong ra trận dưới màu áo của một sĩ quan bộ binh. Đại úy James đã phục vụ ở chiến trường Iraq 24 tháng. Tại đây, ông bị trọng thương hai lần, và đã giải ngũ vào năm 2009 mang theo những chấn thương tinh thần và thể chất. Năm 2008 chính phủ Iraq trao tặng ông cấp bậc Chuẩn Tướng Tham mưu Danh dự. Đầu năm 2013, Đại úy James đã tình nguyện sang Afghanistan để nói chuyện với các binh sĩ tại đây về kinh nghiệm chiến trường và các nỗ lực hàn gắn chấn thương tâm lý.(21) Trao đổi với James, người ta có thể thấy ngay sự say mê cháy bỏng tìm hiểu lịch sử Việt Nam của ông. Một người tuổi chưa đến 40, sinh trưởng tại Hoa Kỳ, không thạo tiếng Việt nhưng ông có kiến thức và ý thức sâu sắc về lịch sử cận đại cũng như tình hình xã hội, kinh tế, chính trị của Việt Nam hiện nay. Trả lời câu hỏi từ đâu ông có cuốn nhật ký 59-63, James nói, như đã nói với tác giả Demery, ông có bà con phục vụ dưới chính thể Việt Nam Cộng hòa, trong quân đội và cảnh sát. Vì là thế hệ kế thừa của gia đình nên ông được trao lại cuốn nhật ký này. Nếu tra cứu tài liệu liên quan đến giai đoạn lịch sử Việt Nam ở những thập niên 50-60 người ta có thể biết rằng chính phủ VNCH đã tịch thu tài sản của toàn gia đình Quốc trưởng Bảo Đại và của những người liên hệ với ông bằng đạo luật số 17/57 và 16-2-1957 và sắc lệnh số 122-TC ngày 27-02-1958.(22) Sau cuộc đảo chánh 1/11/1963, cũng thế, Hội đồng Quân nhân Cách mạng cũng có Ủy Ban Tịch Thu Tài Sản Gia Đình Họ Ngô.(23) Hơn nữa sau cuộc chỉnh lý 30/1/1964, chính phủ của Tướng Nguyễn Khánh đã tổ chức triển lãm ‟tội ác nhà Ngô”. Trong cuộc triển lãm được ký giả David Horowitz đài NBC tường thuật trong chương trình phát hình ngày 28 tháng 3, 1964 người ta thấy một tấm bảng lớn ghi ‟Sự thật về ngày 11.11.1960. Tài liệu tối mật trích nhật ký của bà Ngô Đình Nhu nhũ danh Trần Lệ Xuân” bên dưới là ảnh chụp nhật ký của Bà Nhu được phóng lớn trưng bày bên cạnh các sơ đồ tham nhũng của chính phủ Ngô Đình Diệm.(24)
Tài liệu tối mật trích nhật ký của bà Ngô Đình Nhu. Nguồn: NBC News Trong ‟Tuyên bố của Bà Ngô Đình Nhu nhân dịp kỷ niệm Đệ nhị Chu niên Chương trình Ấp Chiến lược và Đệ nhị Chu niên Chính sách Chiêu hồi” ngày 17 tháng 4, 1964, ở cuối trang 3 và đầu trang 4, bà Nhu xác định bà cũng đã biết về cuộc triển lãm trưng bày một vài đoạn trong ‟cái gọi là ‘nhật ký riêng tư’ được xem là của tôi” viết về ngày 11/11/1960. Bà Nhu phản đối những người tổ chức triển lãm vì họ đã không được phép của bà, tác giả giữ tác quyền (‟…they have never obtained my author’s rights which South Vietnam has recognized in the signing of the international copyright agreement.”)(25) Từ tháng 11, 1963 đến khi cuốn nhật ký của bà Nhu đến tay Đại úy James, không ai biết nó đã từng được bảo quản thế nào, ở đâu, từng do ai cất giữ trong suốt gian đoạn hỗn loạn 1963-1967, rồi suốt những năm của đệ nhị Cộng hòa đến ngày 30 tháng 4, 1975. Trả lời câu hỏi ông có dự định thế nào với cuốn nhật ký 59-63, Đại úy James cho biết trong thời gian qua có một số người quan tâm đã liên lạc với ông về vấn đề này. Trước nhất là gia đình bà Nhu; ông Olindo Borsoi, chồng của bà Ngô Đình Lệ Quyên, đã liên lạc với Đại úy James để tìm hiểu về cuốn nhật ký đó và muốn ông giao nó lại cho gia đình họ Ngô Đình để đưa vào một viện bảo tàng (sắp thành lập) trưng bày cùng với tất cả hình ảnh, tư liệu, thư từ như một khối di sản của dòng họ Ngô Đình để lại cho hậu thế. Thứ hai là một trong những văn khố nghiên cứu lớn hàng đầu trên thế giới lưu trữ các ấn phẩm, tác phẩm hiếm về những sự kiện chính trị, xã hội và kinh tế trong thời kỳ hiện đại. Thứ ba là một cơ quan truyền thông Việt ngữ. Cơ sở này muốn đứng ra phát hành cuốn nhật ký 59-63 và muốn giữ quyền lựa chọn và hiệu đính nội dung. Cả hai đề nghị của gia đình bà Nhu và của cơ sở truyền thông tiếng Việt vừa kể không thích hợp với quan điểm và dự tính của người đang giữ cuốn nhật ký. Đại úy James mong muốn cuốn hồi ký được phát hành bằng nguyên bản tiếng Pháp, như bà Nhu đã viết, không hiệu đính, chỉnh sửa cùng lúc với hai bản dịch chuyên nghiệp sang tiếng Việt và tiếng Anh, sát với nội dung của nguyên bản. James cho rằng cuốn nhật ký này là tài liệu mang tính lịch sử của Việt Nam; nó thuộc về toàn dân Việt Nam và là một tài liệu quan trọng cần được phổ biến khắp nơi, cho tất cả những ai quan tâm đến giai đoạn đó trong lịch sử Việt Nam cận đại. Cuốn nhật ký không thể chỉ là hàng mẫu trưng bày trong viện bảo tàng và nó cũng thể bị cắt xén, chỉnh sửa để xuất bản. Đại úy James nói, ‟Đây là vấn đề cần thời gian; không thể vội vã.” Trả lời câu hỏi tài chính có phải là một động cơ khiến ông muốn xuất bản cuốn nhật ký 59-63, Đại úy James dứt khoát, ‟không phải thế”; ông nói, ‟Cuốn nhật ký này ‘not for sale’. Nó vô giá.” Một dự tính của ông sau khi phát hành cuốn nhật ký là dùng tiền thu được để giúp chỉnh trang, làm cỏ cho Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa cũ(26), nay gọi là nghĩa trang Bình An. James nói đó là điều tối thiểu ông có thể làm, như một chiến sĩ Hoa kỳ, thế hệ hậu duệ của VNCH, để bày tỏ lòng kính trọng và ngưỡng mộ với tất cả tử sĩ đã hy sinh bảo vệ nước, nhà. Đôi điều về cuốn nhật ký của bà Nhu
Gia đình ô.b. Ngô Đình Nhu (Từ trái): Lệ Thủy, Trác, Lệ Quyên, Bà Nhu, Ông Nhu, Quỳnh (c.1961). Nguồn: Madame Ngo Dinh Nhu Facebook Trong cuốn Finding the Dragon Lady, tác giả Demery chỉ trích đoạn một phần rất nhỏ trong cuốn nhật ký dầy hơn 350 trang. Phần trích dịch đó chỉ minh hoạt một phần nhỏ cuộc sống không hạnh phúc, ngay giữa lòng quyền lực, của Đệ nhất phu nhân nền đệ nhất Cộng hòa. Trong nhật ký bà Nhu ghi lại những một số sự việc rất bình thường, từ sở thích cá nhân như xem xi nê Mỹ, đọc tiểu thuyết Nga, đi nghỉ mát với các con ở bãi bể hay trên cao nguyên. Bà Nhu, có lẽ cũng như bao phụ nữ khác, sợ già, sợ thời gian trôi nhanh… và trên những trang nhật ký, bà cũng ghi lại cuộc đời đau khổ làm vợ ông Nhu. Khi dọn về ở trong Dinh Độc Lập bà Nhu lần đầu tiên hy vọng, từ khi có chồng, là đời sống gia đình sẽ hạnh phúc hơn, bà sẽ thấy ông Nhu ở ‟nhà” thường hơn. Bà hy vọng mọi chuyện sẽ thuận chèo xuôi mái vì ông Nhu đã dầy công giúp Tổng thống Diệm củng cố chế độ, và bà cũng xứng đáng với cái ghế dân biểu quốc hội, và vai trò Đệ nhất phu nhân, giúp Thống tiếp đón quốc khách. Bà sẽ được hỗ trợ về tinh thần cũng như được đền đáp tình yêu thể xác, ông Nhu sẽ bỏ thuốc lá và dễ thương hơn đối với bà. Khi những mong đợi đó không đến, những trận cãi vã kịch liệt, những cánh cửa xập chặt là kết quả. Bà đã chán cảnh ngồi chờ hầu chồng vì ông Nhu chẳng khi nào cần bà hầu hạ. Ban đầu bà Nhu không hiểu tại sao thế. Bà vẫn trẻ, vẫn đẹp. Bà viết trong nhật ký, có lẽ, ông Nhu đã già quá rồi, không còn thích chuyện gối chăn nữa. Bà tội nghiệp cho chồng, mất đi niềm hưng phấn vì mớ tuổi đời; nhưng ở những trang nhật ký khác bà Nhu lại tội nghiệp cho số phận của mình, phải sống với một ông già bất lực và phải tự tìm cách thỏa mãn những ‟ham muốn trào dâng”. Đến 1959, bà Nhu mang thai người con út, ông Nhu không hoàn toàn lạnh cảm với bà. Cũng thời gian đó, bà Nhu khám phá ông Nhu chỉ bất lực với bà, nhưng với một người đàn bà khác thì không. Trong nhật ký 59-63, bà Nhu ghi chi tiết chuyện hai vợ chồng to tiếng khi tranh cãi về chuyện ông ngoại tình. Nhưng bà Nhu nổi điên không hẳn vì sự ngoại tình của chồng mà vì ông Nhu ngoại tình với một người con gái ‟thấp hèn”, ‟nhơ nhớp”. Bà kinh thường tình địch đến nỗi chỉ gọi thiếu nữ đó là ‟con ấy” [nguyên văn ‟creature”] chứ không gọi bằng tên. Ông Nhu biện hộ cho ông và người tình, ông nói đó là một cô gái ngọt ngào, dễ thương, ‟chỉ nghèo chứ không nhơ nhớp”. Và hơn hết, cô gái ấy không như bà Nhu; ông Nhu nói ‟em làm tôi sợ.” Chiến tranh bùng nổ. Thỏa ước hòa bình chỉ đến vài ngày sau đó. Hai người đồng ý rằng hôn nhân của họ sẽ tốt hơn nếu hai người ít sống gần nhau. Bà Nhu nhiều đêm thao thức, cố ngăn dòng lệ, tự hỏi ai là người đàn ông xa lạ đang ngủ cạnh mình; tình yêu trong xi nê, hay như truyện trong sách không đến với bà. Bà từng nghĩ, với sắc đẹp của tuổi đang xuân, sự bặt thiệp ngoài xã hội, và là mẹ của những đứa con bà có thể giữ được chồng. Thế mà, với ông, bà vẫn là một kẻ vô hình trong Dinh Độc Lập. Chắc chắn, là người quá mộ đạo, ông Nhu sẽ không li dị bà. Và bà không thể bỏ ông Nhu. Không có ông Nhu thì bà sẽ là ai? Ngay trang đầu tiên của cuốn nhật ký viết ngày 28 tháng giêng năm 1958, người đàn bà 34 tuổi, trẻ đẹp viết về cái chết. Độ trầm cảm sâu thẳm đó hoàn toàn mâu thuẫn với ứng xử bề ngoài của một người đầy tự tin. Vài ngày sau đó bà đi đến quyết định bỏ đi ‟những giấc mộng hồng và những giấc mơ xanh”, bà chấp nhận rằng bà sẽ không thể nào là một cái gì đó hơn như bà đang ở thời hiện tại. Về tình chồng vợ, bà Nhu viết, ‟Anh ấy không còn trẻ để làm hơn thế nữa.” Nhưng đôi khi ông Nhu trỗi dậy thì lại không đúng lúc hay không như bà mong đợi. Bà chán nản với sự bất công: chồng bà có một thời son trẻ ong ướm huy hoàng, còn bà mới 34 mà chỉ được hưởng của thừa, của sót lại của ông Nhu. Không khó để đoán được bà Nhu chờ mong cái gì. Bà phải tìm những cách khác để ‟dập tắt ngọn lửa dục vọng của mình”. Dù cố tình lẩn trách, cuốn nhật ký 59-63 đã cho thấy rõ nhu cầu tình cảm của bà Nhu chỉ được thỏa mãn khi bà xác định được vị trí ở chính trường. Bà từ từ bị bót ngạt và ngã quỵ vì cuộc hôn nhân không tình ái, chung quanh chỉ còn những người không có tâm hồn và những khát khao như bà. Bà Nhu viết cho chính mình, ‟Càng ngày mình càng yêu anh ấy ít đi.” Bà Nhu, dường như, cũng đã biết đến tình yêu một chốc bằng vài cuộc tình lẻ. Trong những trang nhật ký đó bà Nhu viết về ba người đàn ông, nhưng chỉ bằng tên tắt là L, K và H. Và bà cũng viết, ‟Hạnh phúc thay chưa gặp ai có tất cả”. ‟Tất cả” trong ngữ cảnh này là sự chân thành, kính trọng, và tình yêu tha thiết – những đức tính cần có để xứng với phẩm chất của bà. Dường như H là người gần có ‟tất cả” vì tính năng động, và cung cách lạ thường trong cuộc săn đuổi tình yêu của bà Nhu. Bà Nhu hỏi H, ‟Anh có thế này với tất cả đàn bà không?” Câu trả lời của H đã đưa bà lên mây xanh, ‟Em tưởng đàn bà ai cũng như em sao? Anh phải vượt biển mới tìm được em đó.” Ông H đã hiểu bà Nhu. H yêu Lệ Xuân vì Lệ Xuân là Lệ Xuân: đẹp lộng lẫy, cao ngạo, ngang bướng, người đàn bà không chấp nhận vị trí đã được những người đàn ông xung quanh khoanh vòng, đặt chỗ. Nhưng, cuốn nhật ký 59-63 của bà Nhu không chỉ là những trang giấy cũ ghi chép những cuộc tình thoáng chốc, những vụ cãi vã ghen tuông, hay mức trầm cảm của một thiếu phụ đời thường. Trong cuốn nhật ký đó ngoài những trang viết về gia đình, về chồng, về con, về chị, về em, bà Nhu còn ghi lại rất nhiều sự kiện quan trọng về Tổng thống Ngô Đình Diệm và chính sách của ông, về những nhận vật quan trọng ở trung tâm quyền lực thời đệ nhất Cộng hòa, kể cả ông bà cựu Đại sứ Trần Văn Chương, hay những tướng tá và những người khác, và các sự kiện chính trị quan trọng. Chỉ một thí dụ, trang nhật ký ngày 12 tháng 11, năm 1960 bà Nhu ghi lại những gì xảy ra ngày 11/11/1963, Vương Văn Đông đã làm gì, Nguyễn Khánh đã làm gì, Tổng thống Diệm ứng phó ra sao, và bà đã làm gì. Hồi ký và nhật ký khác nhau được sử đụng khác nhau trong các nghiên cứu lịch sử. Nhật ký, trong nghiên cứu lịch sử, là một nguồn tại liệu khó sánh kịp về phẩm cũng như lượng. Nhật ký đã cung cấp cho sử gia và mọi người một cái nhìn sâu sắc về quá khứ. Nhiều nhân vật nổi tiếng trong lịch sử đã dùng nhật ký để ghi lại những gì đang xảy ra với họ và với đất nước của họ suốt dòng lịch sử. Nhiều cuốn nhật ký đã được công bố và có một số đã đi vào lịch sử lịch sử và trở thành những tài liệu văn học trên thế giới. Thí dụ cuốn nhật ký 1660-1669 của của Samuel Pepys trở thành nguồn sử liệu cho giới nghiên cứu về đời sống ở London trong những năm 1960. Nó ghi lại nhiều sự kiện quan trọng thời đó: bệnh dịch lớn ở London vào năm 1665, vụ hỏa hoạn ở London năm 1666. Cuốn nhật ký của Semuel Pepys đã cho sử gia thấy rõ những gì đã xảy ra ở London trong thời đó. Quan trọng không kém, cuốn nhật ký của bà Nhu viết từ ngày 28 tháng giêng, 1959 đến ngày 7 tháng 6, 1963, khi xuất bản, sẽ trở thành chứng từ, tài liệu lịch sử giúp cho giới nghiên cứu hiểu rõ, hiểu thêm về chính phủ Ngô Đình Diệm, về các cuộc chính biến, về những nhân vật đã trực tiếp và gián tiếp viết lên những trang sử Việt Nam thời đó, v.v. Hơn nữa, cuốn nhật ký đó còn có thể là một tài liệu để giới phân tâm học, các chuyên gia tâm lý nghiên cứu và phân tích một cách khoa học để vẽ lại chính xác hình ảnh của nhân vật lịch sử đầy quyến rũ và mâu thuẫn. Ngoài lời xác định của tác giả Demery, người đã liên lạc, làm việc với và biết nét chữ của bà Nhu, rằng quyển nhật ký đó do bà Nhu Viết, một chuyên viên lưu trữ tại Đại học Stanford đã được xem cuốn nhật ký nói rằng chữ viết tay trong đó ‟tương tự hoặc giống như” chữ viết tay trên lá thư giữa bà Nhu và các viên chức Hoa Kỳ trong cùng thời gian đó.(27) Cuốn nhật ký 59-63 của bà Nhu, không còn nghi ngờ gì nữa, nó phải được xuất bản, công bố cho tất cả mọi người quan tâm đến lịch sử Việt Nam. Trở lại cuốn Finding the Dragon Lady: The Mystery of Vietnam’s Madame Nhu, qua những trang hồi ký gởi cho Demery, bà Nhu luôn luôn thần tượng hóa chính bà và lịch sử của gia đình bà. Sai sót duy nhất, nếu có thể xem là thế, một lần bà Nhu thì thầm qua điện thoại, ‟Có lẽ, tôi đã nên khiêm nhường hơn một chút về sự vĩ đại của gia đình tôi.” Demery cũng nhắc lại câu chuyện này trong chương trình ‟The Daily Show” với Jon Stewart hôm 6/11/2013. Bạn đọc cũng có thể theo dõi tác giả Demery trao đổi với ký giả Andrew Lam và khán giả trong chương trình BookTV (C-SPAN2).(28) Tác phẩm của Demery là một công trình nghiên cứu đáng chú ý không chỉ vì nó đã phác họa được cuộc đời của một nhân vật nhiều phức tạp và bí ẩn đã góp phần viết nên lịch sử Việt Nam mà còn phải kể đến sự kiên nhẫn, khéo léo của tác giả trong suốt thời gian nghiên cứu đã làm việc với một chính khách lưu vong dù đã đi vào quên lãng như vẫn còn cái cao ngạo đáng ghét của một thời đầy quyền lực. Là một độc giả, người viết cảm ơn tác giả Monique Brinson Demery đã viết cuốn Finding the Dragon Lady: The Mystery of Vietnam’s Madame Nhu. Sau cùng xin cảm ơn Đại úy James Van Thach đã thật chân thành, sốt sắng và xuyên suốt trong các cuộc trao đổi với người viết.
(18) David G. Marr, Vietnam 1945: The Quest for Power, 1995, University of California Press, Ltd. London, England, pp116–8. (19) Charles Mohr, The Queen Bee, Time, August 9, 1963, p. 24 (20) Trang Pháp Luật, Luật Bảo vệ Luân lý, 21/1/2014. (21) – Captain James Van Thach as told to Jonathan Wei, The Many Sacrifices of Captain Van Thach New York Village Voice. May 8, 2013. - Wounded U.S. Army Captain Goes to War Zone in Afghanistan, New York City, NY (PRWEB) March 18, 2013; - Đinh Yên Thảo, Đại úy James Văn Thạch, Trẻ Dallas 729, 26/5/2011, trang 28-33. - Đinh Yên Thảo, Khi người thương binh trở lại chiến trường, Trẻ Dallas 834, 30/5/2013, trang 34-36. - CBS News, Captain James Van Thach Iraq War Veteran Forms Extra-Special bond with Canine Companion, 2012. - FOX News, Captain James Van Thach & Colonel Woycik talk about Service Dogs from CCI , 2012. (22) Huy Phương/ Người Việt, Hoàng tử Bảo Ân: Từ truất phế đến tịch biên gia sản, Người Việt, April 08, 2013. (23) Phạm Bá Hoa, Đôi dòng ghi nhớ. Houston, TX: Ngày Nay, 1994), tr. 80-81. (24) NBC News, South Vietnamese attend exhibit of evidence for Nhu family political trials. March 28, 1964. Bạn đọc muốn tìm hiểu thêm có thể trả lệ phí tham khảo 1 phút phim phóng sự này của đài NBC. (25) Madame Ngo Dinh Nhu, Statement of Madame Ngo Dinh Nhu on the occasion of the second anniversary of the Strategic Hamlets Program and the second anniversary of the ‟Chieu Hoi” (Open Arms or Return of the Prodigal Children) Policy, 7 April, 1964. Samuel Tankersley Williams Papers, Box 21 Folder 14, Hoover Institution Archives, pp. 48-58 (26) South Vietnam National Military Cemetery (1994) (27) Katie Baker, Searching for Madame Nhu, The Daily Beast, Sept. 24, 2013. (28) Monique Brinson Demery, Finding the Dragon Lady: The Mystery of Vietnam’s Madame Nhu, BookTV (C-SPAN2) |