Nội dung thư

Sunday, March 16, 2014

* 10 vụ tai nạn hàng không bí ẩn nhất



Không lực Singapore tham gia tìm kiếm chiếc phi cơ Malaysia mất tích
Sự biến mất của chiếc phi cơ thuộc Malaysia Airlines đang ngày càng khó hiểu. Tuy nhiên, đây không phải là chuyến bay đầu tiên biến mất không để lại dấu vết gì hoặc gây bối rối trong quá trình điều tra.
Từ vụ nhà thám hiểm Steve Fossetss mất tích trên sa mạc Nevada cho tới các tuyên bố nói mục đích giết hại nhằm báo thù đằng sau vụ tai nạn của phi cơ EgyptAir Flight 990, dưới đây là 10 thảm họa hàng không bí hiểm nhất từ trước tới nay.





Amelia Earhart



Amelia Earhart cùng hoa tiêu Fred Noonan tại bãi đáp ở Brazil trong chuyến vòng quanh thế giới
Vụ mất tích máy bay nổi tiếng nhất mọi thời đại hẳn thuộc về nữ phi công Amelia Earhart với chiếc phi cơ mất tích hồi 1937.
Khi đó bà đang định nỗ lực bay vòng quanh thế giới. Bà đã bay cùng hoa tiêu Fred Noonan qua Thái Bình Dương.
Sau nỗ lực tìm kiếm to lớn, người ta vẫn không thấy dấu vết gì của bà cũng như chiếc máy bay động cơ kép.
Bà được tuyên bố đã chết sau đó hai năm, nhưng người ta vẫn không thôi việc tiếp tục tìm bà.



Chuyến bay 447 của hãng hàng không Pháp Air France



Sau nhiều manh mối sai, xác chiếc 447 đã được tìm thấy sau năm ngày
Khi chuyến bay mang số hiệu 447 của hãng hàng không Pháp Air France, khởi hành từ Rio de Janeiro tới Paris bị rớt hồi 2009, năm ngày sau xác phi cơ mới được phát hiện và gần hai năm sau chiếc hộp đen mới được tìm thấy ở độ sâu khoảng 4.000m.
Không ai trong số 228 người có mặt trên khoang chiếc Airbus 330 sống sót.
Các nhà điều tra Pháp phát hiện ra là chế độ bay tự động đã bị ngắt, có lẽ sau khi các thiết bị đo tốc độ không khí bị đông cứng do băng đá.
Sau đó các phi công đã lái đâm chúi xuống ở góc quá gấp nhằm duy trì tốc độ khiến động cơ chết hẳn tuy đã có âm thanh cảnh báo trong buồng lái trong gần một phút.
Hãng Air France bác bỏ các cáo buộc này.



Chuyến bay 990 của hãng hàng không Ai Cập Egypt Air



Hộp đen của chiếc phi cơ Ai Cập được tìm thấy và dùng để điều tra lý do tai nạn
Hành trình từ sân bay JFK ở New York tới Cairo hôm 31/10/1999 bị rớt tại Thái Bình Dương, giết chết 217 người trên khoang.
Do vụ tai nạn xảy ra ở vùng biển quốc tế, việc điều tra thuộc về giới chức Ai Cập.
Sau đề nghị ban đầu theo đó nhờ các quan chức hàng không Hoa Kỳ điều tra hộ, Ai Cập thay đổi quyết định sau khi Hoa Kỳ kết luận là cơ phó người Ai Cập, Gameel el-Batouty đã cố ý cho máy bay rớt.
Một cựu phi công của Egypt Air nói về khả năng có động cơ phía sau với việc ông el-Batouty đã bị một lãnh đạo hãng, người này cũng có mặt trên chuyến bay, khiến trách vì có hành vi tình dục không thích hợp.
Cuộc điều tra của Ai Cập thì nói vụ tai nạn xảy ra là do động cơ trục trặc.



Phi cơ Star Dust của hãng Anh, British South American Airways



Một thành viên trong nhóm thám hiểm núi Andes phát hiện các mảnh sót lại của Star Dust
Hồi tháng Tám 1947, một phi cơ Avro Lancastrian của Anh, được đặt tên là Star Dust, bị tai nạn ở dãy núi Argentina Andes trong chuyến bay thường lệ từ Buenos Aires tới Santiago ở Chile.
Các cuộc tìm kiếm không đem lại kết quả gì và các thuyết âm mưu nhanh chóng xuất hiện, theo đó nói có những kẻ phá hoại, thậm chí cả do người ngoài hành tinh, sau khi có những khó hiểu về cú thu phát tín hiệu cuối cùng được mã hóa gửi cho sân bay Santiago.
Những đồn đoán cuối cùng chấm dứt sau đó 50 năm, khi các nhà leo núi tình cờ gặp những mảnh còn lại của xác máy bay.
Các chuyên gia kết luận là phi hành đoàn đã bị nhầm lẫn do thời tiết xấu, cho nên đã đột ngột hạ cánh quá sớm.



Tam giác Bermuda



Phi hành đoàn Chuyến bay 19 hồi 1945, khởi đầu cho câu chuyện Tam giác Bermuda
Nhiều tàu bè và máy bay được cho là đã biến mất không để lại dấu vết gì trong hàng chục năm ở khu vực tam giác rộng lớn trên đại dương, nơi có các điểm tưởng tượng ở Bermuda, Florida và Pueto Rico.
Hai máy bay của hãng British South America Airways biến mất ở khu vực này thời thập niên 1940, nhưng nghiên cứu của một phóng viên BBC hồi 2009 cho thấy một có lẽ đã bị hỏng hóc nghiêm trọng về kỹ thuật, và chiếc còn lại có vẻ như bị hết xăng.
Tuy nhiên, sự huyền bí của Tam giác Bermua vẫn còn đó.



Chuyến bay 571 của Không lực Uruguay



Những người sống sót trong vụ tai nạn 571 ở Andes phải đi bộ trong tuyết dày để tới chỗ trực thăng cứu hộ
Một phi cơ nữa gặp nạn do mây thấp và núi cao trước thời kỳ công nghệ buồng lái có khả năng thông tin đầy đủ hơn cho phi công.
Chuyến bay 571 đi từ Uruguay tới Santiago, Chile và rớt ở dãy Andes, mất cả hai cánh và bị mắc trên đỉnh núi.
Trong số 45 người có mặt trên khoang, chừng một nửa đã sống sót không chỉ sau vụ tai nạn mà còn thêm 72 ngày mắc kẹt trên dãy núi.
Cuối cùng, các nhân viên cứu hộ đã tìm được 16 người sống sót, những người thú nhận đã phải ăn thịt đồng loại để sinh tồn.
Câu chuyện về những người còn sống đã được dựng thành phim trong tác phẩm Alive hồi 1993.



Chuyến bay TWA 800



Phần còn lại của TWA 800 được dựng lại trong quá trình điều tra
Chuyến bay 800 của hãng hàng không Trans World Airlines rời sân bay JFK ở New York ngay sau khoảng 20:00 hôm 17/7/1996 và nổ tung vài phút sau đó, giết chết toàn bộ 230 người trên khoang.
Phi công của một chuyến bay khác đã gọi qua sóng vô tuyến điện cho trạm kiểm soát không lưu Boston, nói: "Chúng tôi vừa nhìn thấy một vụ nổ ở ngay phía trước... cách chừng 16 ngàn bộ gì đó. Nó vừa rớt xuống nước."
Sau đó, các cuộc điều tra cho kết quả là tình trạng chập điện khiến một trong các bình xăng bị nổ. Lời kể của các nhân chứng dẫn đến các giả thuyết khác nhau là có âm mưu nào đó. Cộng thêm sự phát triển của internet, tin tức đồn đoán khiến nhiều người tin rằng máy bay đã bị bắn hạ.
Giả thuyết này càng được khẳng định sau khi Pierre Salinger, một phóng viên từng là thư ký báo chí của Tổng thống Kennedy, nói rằng cuộc thử hỏa tiễn của Hoa Kỳ đã gây ra vụ nổ, nhưng các tài liệu ông đưa ra đã nhanh chóng bị xác định là không đáng tin.



Phi cơ quân sự Hoa Kỳ Air Corps B-24D



Một phi cơ ném bom của Mỹ trong Đại chiến Thế giới II, Lady Be Good, bị nạn khi đang làm nhiệm vụ tại Naples, Italy hồi tháng Tư 1943 và không trở về căn cứ ở đông Libya. Khi đó, người ta cho rằng chiếc máy bay đã đâm lao xuống Địa Trung Hải và phi hành đoàn chín thành viên đều được cho là "mất tích khi đang chiến đấu".
Thế nhưng chiếc máy bay trên thực tế đã bay qua khu căn cứ này do trục trặc kỹ thuật và bay thêm hai giờ nữa, vào sâu trong Bắc Phi.
Phi hành đoàn cuối cùng đã nhảy dù xuống đất, tám người sống sót.
Họ đi bộ gần 160km trước khi kiệt sức vị cái nóng và thiếu nước. Chiếc máy bay được tìm thấy sau đó 15 năm, khi một nhóm khai thác dầu khí của Anh tìm thấy xác máy bay ở giữa sa mạc.
Kỳ lạ là nó vẫn còn nguyên vẹn và các súng máy trên đó vẫn hoạt động được.



Phi cơ Bellanca Super Decathlon của Steve Fossett



Nhà mạo hiểm 63 tuổi người Mỹ Steve Fossett cất cánh từ một bãi đáp tư nhân ở Nevada hôm 3/9/2007; sau đó không ai còn nhìn thấy ông.
Cuộc tìm kiếm người đầu tiên một mình lái máy bay đi vòng quanh thế giới mà không nạp thêm năng lượng cuối cùng kết thúc khi chiếc phi cơ động cơ đơn của ông được phát hiện hồi tháng Mười 2008.
Chiến dịch tìm kiếm khổng lồ diễn ra với sự tham gia của nhiều công ty, tình nguyện viên, và thậm chí cả Google Earth.
Các nhà điều tra nói nhiều khả năng vụ tai nạn xảy ra là do gió lớn.



Phi cơ tư nhân chở ông chủ thời trang



Chiếc máy bay nhỏ chở giám đốc hãng thời trang ý Misoni biến mất ở ngoài khơi Venezuela hồi tháng Giêng 2013.
Vittorio Missoni cùng vợ có mặt trong số sáu người trên khoang, bay từ quần đảo Los Roques tới Caracas. Máy bay đã nhanh chóng bị mất độ cao và tốc độ rồi biến mất khỏi màn hình radar.


Sáu tháng sau, người ta tìm được chiếc máy bay rồi vớt được sáu thi thể. Các xét nghiệm xác nhận ông Missoni và vợ nằm trong số các nạn nhân. Đây là vụ thứ nhì máy bay biến mất tại Los Roques và nơi đây giờ được gọi là "Tam giác Bermuda mới".
http://baomai.blogspot.com.au/