Nội dung thư

Tuesday, March 11, 2014

* Trung Quốc, chủ nợ của thế giới ?

 
Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc lên đến gần 4 ngàn tỷ đô la - Reuters
Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc lên đến gần 4 ngàn tỷ đô la - Reuters
Tích lũy được hơn 3.800 tỷ đô la dự trữ ngoại tệ, Trung Quốc đang trên đà trở thành chủ nợ của thế giới. Nhưng nợ công và nợ của tư nhân xứ này lại là quả bom nổ chậm, cao gấp đôi so với GDP của nền kinh tế thứ 2 trên địa cầu.
3.820 tỷ đô la đó là khoản dự trữ ngoại tệ mà Trung Quốc có được vào cuối năm 2013, cao gấp gần 4 lần so với thành tích của năm 2006. Trung Quốc không chỉ là chủ nợ số 1 của Mỹ mà còn là một nguồn tài trợ quý giá của châu Âu và Bắc Kinh đang từng bước đóng vai trò của một ‘Ngân hàng Thế giới’ trong công việc hỗ trợ các nước nghèo phát triển. Phải chăng là sau khi hàng của Trung Quốc đã tràn ngập các thị trường thế giới, sắp sửa đến lúc tiền và vốn của Trung Quốc sắp lan tỏa ra khắp năm châu ?
Trong cuốn sách vừa ra mắt độc giả mang tựa đề « Trung Quốc, ngân hàng của thế giới », nhà xuất bản Fayart, chuyên gia về tài chính kinh tế, giảng dạy tại học viện Khoa học Chính trị Sciences Po Paris, Claude Meyer, cho rằng vào năm 2050 trọng lượng kinh tế của Trung Quốc sẽ lớn gấp 4 lần so với của Hoa Kỳ. Về khoản dự trữ hơn 3.800 tỷ đô la của Trung Quốc tác giả ví von : với một nửa khoản dự trữ ngoại tệ đang có, Trung Quốc có thể thanh toán toàn bộ nợ công của Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Ai Len và Tây ban Nha cộng lại. Với nửa còn lại, ‘ông nhà giàu’ Trung Quốc có thể mua từ Google đến Apple, Microsoft, IBM và tất cả những tòa nhà cao ốc trên đảo Manhattan, New York ! Viễn cảnh đồng nhân dân tệ trở thành đơn vị tiền tệ của thế giới như là đồng đô la hiện nay liệu có còn là kịch bản xa vời hay không ?
Jean François Huchet, giảng dạy tại Viện nghiên cứu về Văn Minh và Ngôn ngữ Đông phương INALCO trước hết giải thích vì sao Trung Quốc đã tích lũy được nguồn dự trữ ngoại tệ lớn gấp gần 4 lần của Nhật Bản như vậy nhưng đồng thời tham vọng trở thành một cường quốc về mặt tài chính của Trung Quốc hiện còn gặp phải nhiều trở ngại :
« Đúng là trong lâu năm qua, Trung Quốc đã trở thàng công xưởng của thế giới. Trung Quốc đã và con đang thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, để qua đó mở rộng mạng lưới công nghiệp. Cũng nhờ đó mà Trung Quốc đã trở thành nguồn xuất khẩu số 1 của thế giới. Thặng dư thương mại đem về ngoại tệ cho quốc gia này. Nhờ vào đầu tư trực tiếp nước ngoài và xuất siêu mà Trung Quốc ngày nay làm chủ một khoản dự trữ ngoại tệ 3.820 tỷ đô la. Mọi người còn nhớ rằng cho đến đầu thập niên 90, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc mới chỉ xấp xỉ 100 tỷ đô la mà thôi.
Nhân dân tệ là một đơn vị tiền tệ không chuyển đổi, tỷ giá hối đoái của đồng tiền Trung Quốc lại do nhà nước ấn định. Đó là hai trở ngại để Trung Quốc trở thành một cường quốc trong lĩnh vực tài chính. Thế nhưng với hơn 3.800 tỷ đô la dự trữ ngoại tệ, đương nhiên Trung Quốc phải tìm cách ‘xuất khẩu’ nguồn tài chính dư thừa đó. Ngay từ đầu những năm 2000, Bắc Kinh đã bắt đầu đưa ra cả một chiến lược để đầu tư ở hải ngoại và thế là các tập đoàn Trung Quốc đã tung tiền để mua lại các tập đoàn của Âu Mỹ. Đương nhiên là các doanh nghiệp Trung Quốc khát công nghệ của các nước công nghiệp phát triển, như Mỹ, Nhật và châu Âu. Có thể nói là từ những năm 2000, kinh tế của Trung Quốc đã bước vào giai đoạn ‘chín muồi’ và ngày nay thì guồng máy kinh tế đó đang thực sự hoạt động tối đa ».
Về phần mình Claude Meyer chuyên gia về kinh tế giảng dậy tại Viện Khoa học chính trị Sciences Po Paris cho rằng sớm muộn gì Trung Quốc cũng sẽ phải cải tổ sâu rộng hệ thống tài chính và điều chỉnh chính sách ngoại hối :
« Đương nhiên là trong tương lai Trung Quốc sẽ phải cải tổ chính sách tiền tệ. Như vừa nói, trong quá khứ Trung Quốc đã từng bước trở thành một siêu cường về phương diện công nghiệp rồi thương mại. Bước kế tiếp là các doanh nghiệp nước này phải vươn ra bên ngoài, để chinh phục những vùng đất mới. Đó là điều dễ hiểu.
Trước Trung Quốc, ở vào những năm 1980, kinh tế Nhật Bản cũng đã phát triển theo mô hình đó. Tôi nghĩ là ở giai đoạn hiện tại, sở dĩ Trung Quốc –hay nói đúng hơn là các tập đoàn và doanh nghiệp Trung Quốc tung tiền ra mua lại các đối tác phương tây, chủ yếu để ‘trám vào những lỗ hổng’ mà họ đang gặp phải.Những ‘lỗ hổng’ đó là gì ? Thứ nhất là sự thiếu thốn vô cùng to lớn về tài nguyên, nguyên và nhiên liệu để phục vụ cho cỗ máy sản xuất đồ sộ của Trung Quốc. Thưa hai là về mặt công nghệ : 70 % công nghệ Trung Quốc hiện có là những công nghệ ‘nhập’ từ ngoại quốc. Thứ ba là cho tới nay các tập đoàn của Trung Quốc còn rất ít được biết đến trên bình diện quốc tế. Vì vậy mà từ gần một chục năm qua, chúng ta thấy các tập đoàn của Trung Quốc đầu tư nhiều vào các hãng khai thác năng lượng, nguyên liệu … Gần đây hơn các tập đoàn công nghệ của phương Tây là mục tiêu phía Trung Quốc hướng tới. Chiến dịch ‘go global’ đó có được là nhờ vào khả năng tiết kiệm rất lớn của người dân Trung Quốc ».
Lo âu của các nước láng giềng
Vấn đề đặt ra là đà vươn lên gần như toàn diện của Trung Quốc đang khiến nhiều quốc gia trên thế giới lo sợ, đứng đầu là châu Á. Chuyên gia Jean François Huchet của Viện INALCO phân tích :
 « Trước hết là các nước láng giềng của Trung Quốc : Châu Á có lẽ là nơi đang lo sợ hơn cả trước sức mạnh của Trung Quốc. Bởi Bắc Kinh có nhu cầu đẩy lui Mỹ ra khỏi khu vực, giới hạn được ảnh hưởng chiến lược của Hoa Kỳ đối với khu vực này được chừng nào, tốt chừng nấy. Trong bối cảnh đó Trung Quốc bắt buộc phải đi những nước cờ táo bạo.
Cùng lúc Trung Quốc ngày càng mở rộng ảnh hưởng tại Biển Đông và Bắc Kinh cần bảo đảm an toàn cho các tuyến đường vận chuyển năng lượng. Thái độ đó của Trung Quốc đã tạo cơ hội để Hoa Kỳ quan tâm trở lại tới vùng Đông Nam Á. Nhìn rộng ra ngoài châu Á, thì từ những năm 1990 Trung Quốc đã chủ trương thiết lập bang giao hữu hảo với các quốc gia có nhiều tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là trong trường hợp đối với các nước ở Trung Á. Bắc Kinh rất khéo léo với các chế độ độc tài.
Với châu Phi và Nam Mỹ cũng vậy. Đây là những nguồn cung cấp năng lượng và nguyên liệu quý giá đối với Trung Quốc và nước này luôn theo sát châu Phi. Tuy nhiên có lẽ là giai đoạn ‘tuần trăng mật’ giữa Trung Quốc với một số nước ở châu lục này đã đi qua. Nhìn đến quan hệ giữa Bắc Kinh với châu Âu và Hoa Kỳ, có thể nói Trung Quốc đang khẳng định vị trí siêu cường của mình và muốn đứng ngang hàng với phương Tây.
Câu hỏi đặt ra là liệu châu Âu và Mỹ có sẵn sàng chia sẻ thế thượng phong đó với Trung Quốc hay không. Trong quá khứ Nhật Bản cũng đã đòi ‘nhập cuộc’ nhưng Tokyo luôn là đồng minh của Hoa Kỳ nên đã không vấp phải sự nghi ngờ của quốc tế như trong trường hợp của Bắc Kinh hiện nay. Một nghi vấn khác đó là, liệu sự vươn lên đó của Trung Quốc sẽ có diễn ra một cách hòa bình hay không. Không ai có thể trả lời câu hỏi này. Tôi nghĩ là sự hiện diện của Trung Quốc- của các tập đoàn Trung Quốc, của tư bản Trung Quốc ngày càng rõ nét. Dù muốn hay không, mọi người sẽ phải xét lại vị trí của quốc gia này trên bàn cờ quốc tế ».
Mỹ thận trọng với Trung Quốc hơn là châu Âu ?
Trước đà vươn lên đó của Trung Quốc phải chăng là Hoa Kỳ thận trọng hơn châu Âu ? Chuyên gia Claud Meyer nhấn mạnh đến nhược điểm của châu Âu trước ông khổng lồ Trung Quốc là không có cùng một tiếng nói khi cần thương lượng với Trung Quốc. Điều này được thể hiện qua rất nhiều hồ sơ, đặc biệt là trong lĩnh vực pin năng lượng mặt trời. Claude Meyer :
« Đúng là như vậy. Châu Âu do không có chung một chính sách, không có đồng một tiếng nói, cho nên khi có vấn đề cần giải quyết, thì quyền lợi quốc gia lại được đặt lên trên tất cả và do đó mỗi một nước châu Âu lại có tìm một thỏa hiệp với Trung Quốc riêng. Điều đó có lợi cho phía Trung Quốc. Trong khi đó thì Hoa Kỳ có luật lệ rõ ràng về đầu tư, về hợp tác kinh tế, tài chính … qua đó dễ giám sát hoạt động của phía các nhà đầu tư Trung Quốc vào nước Mỹ. Washington làm chủ tình hình hơn là châu Âu trên các vấn đề an ninh kinh tế và tài chính.
Về câu hỏi nên chăng lo sợ trước các làn sóng tư bản của Trung Quốc. Tôi nghĩ câu trả lời là không, thế nhưng chúng ta cần đề cao cảnh giác. Các nước đang phát triển tại châu Phi nên thận trọng với Trung Quốc bởi tương quan giữa họ với ông khổng lồ châu Á này không bình đẳng. Trung Quốc luôn bị coi là đem tiền ra để hút các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Lục địa Đen. Nhưng đồng thời sự hiện diện của các doanh nghiệp Trung Quốc tại châu lục này, nhìn chung, cũng đã góp phần cải thiện các điều kiện kinh tế của khu vực. Thế còn đối với các nền công nghiệp phát triển, thì chúng ta cần thận trọng bởi một sự cạnh tranh bất bình đẳng và cần chú ý đó phải là những khoản đầu tư có lợi cho cả đôi bên và phải là những trao đổi hai chiều ».
Trung Quốc chủ nợ của thế giới ?
Về câu hỏi phải chăng Trung Quốc đang trở thành một siêu cường về mặt tài chính, tác giả cuốn « Trung Quốc, ngân hàng của thế giới », Claude Meyer cho rằng còn quá sớm để Trung Quốc đóng vai trò « ngân hàng của thế giới » nhưng trong tương lai,chỉ hai thập niên nữa kịch bản đó sẽ xảy ra. :
« Không, Trung Quốc không phải là một cường quốc về phương diện tài chính vì hai lý do. Thứ nhất đơn vị tiền tệ của quốc gia này không được chuyển đổi để qua đó được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Thứ hai là Trung Quốc chưa có được một hệ thống tài chính ngân hàng hiện đại, để thích nghi với nhu cầu của ngày hôm nay, để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư dễ bỏ tiền vào Trung Quốc và dễ rút ra khỏi Trung Quốc. Nhưng theo tôi chỉ một chục năm nữa, hệ thống tài chính của Trung Quốc sẽ được hoàn chỉnh và khi đó Trung Quốc thực sự trở thành một siêu cường trong lĩnh vực này. Tôi còn xin được đi xa hơn nữa với nhận định như sau : chỉ chừng độ 15 năm nữa thôi, Trung Quốc sẽ có đủ tư thế để đứng ngang hàng với Mỹ, và có lẽ là chỉ thua Hoa Kỳ về phương diện quân sự mà thôi ».
Chắc hẳn là Bắc Kinh hài lòng với viễn cảnh mà chuyên gia về tài chính, ngân hàng và cũng là một người rất am tường về tình hình Trung Quốc, Claude Meyer vừa phác họa. Nhưng có lẽ kịch bản đó sẽ chỉ diễn ra một cách trơn chu với điều kiện từ nay đến đó, Trung Quốc không bị vỡ nợ.
Tổng nợ công và của tư nhân tại Trung Quốc hiện đã tương đương với 215 % GDP của nước này. Cho tới nay Bắc Kinh vẫn đang làm chủ tình hình, thế nhưng chỉ cần một cơn bão lớn là lâu đài tài chính của Trung Quốc có nguy cơ bị sụp đổ : Chỉ mói cách nay ba năm những dự phóng cho rằng Trung Quốc có nguy cơ vỡ nợ hãy còn bị coi là hoang đường.
Thế nhưng, đe dọa Trung Quốc không thanh toán được nợ ngày càng rõ nét khi thống kê chính thức cho thấy nợ của các chính quyền địa phương tăng 67,3 % trong thời gian từ cuối 2010 đến cuối 2013. Cơ quan thẩm định tài chính Fitch cũng tỏ ra bi quan khi cho rằng mới chỉ vào cuối 2008 tổng nợ công và tư nhân của Trung Quốc chỉ tương đương với 131 % GDP nước này nhưng tỷ lệ đó đã nhảy vọt lên thành 218 % vào tháng 12/2013.
Đó là chưa kể không ai có được thống kê chính xác về trọng lượng của hệ thống tài chính chợ đen của Trung Quốc. Theo thẩm định của một chi nhánh thuộc ngân hàng Citic của Trung Quốc 90 % các doanh nghiệp xứ này vì không vay được tiền ngân hàng nên đi mượn tín dụng của các cơ quan tài chính « không chính thức ». Hệ quả là vào cuối năm 2012 hệ thống ngân hàng ‘chui’ còn được gọi là « shadow banking » ở Trung Quốc quản lý một khối nợ tương tương với 44 % tổng sản phâm nội địa của Trung Quốc.