Theo danh sách di sản thế giới được UNESCO công nhận, hiện có 962 di sản có mặt trên 157 quốc gia, gồm 745 di sản văn hoá, 188 di sản thiên nhiên và 29 di sản theo nhiều thể loại khác. Great Barrier Reef là rặng san hô lớn nhất thế giới, được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 1981 và đứng đầu danh sách 19 di sản thế giới có mặt trên lãnh thổ và hải phận của Úc.
Tính từ tháng 9 năm 2012 đến nay, đã có 190 quốc gia trên thế giới ký tên vào Công Ước Quốc Tế Bảo Vệ Di Sản Thế Giới – tức World Heritage Convention – với cam kết làm hết sức để bảo tồn mọi di sản thế giới đang có mặt trên đất nước của mình. Trong số các nước nói trên có Úc đã ký vào công ước này ngày 22/8/1974.
Đối với tổ chức Giáo Dục, Khoa Học và Văn Hoá Liên Hiệp Quốc– gọi tắt là UNESCO – việc bảo vệ và bảo tồn di sản thế giới là một trách nhiệm cao cả của mỗi quốc gia và bổn phận của tất cả người dân trong đất nước đó.
Mới đây, UNESCO có ý định nay sẽ phải đưa Great Barrier Reef vào danh sách những di sản trên thế giới đang phải đối đầu với nguy cơ bị huỷ diệt hoàn toàn.
*
Great Barrier Reef trải dài trên một vùng biển vĩ đại với diện tích 348 ngàn cây số vuông.
Để hình dung được sự vĩ đại của rặng san hô này, hãy tưởng tượng một nước Việt Nam không có gì khác ngoại trừ san hô bao phủ hết tất cả (diện tích nước Việt nam chúng ta chỉ vỏn vẹn chưa đến 332 ngàn cây số vuông, vẫn còn nhỏ hơn diện tích của Great Barrier Reef).
Rặng san hô này kéo dài từ bờ biển Queensland, từ chỗ nước cạn và lan xa ra biển, vượt qua khỏi thềm lục địa, và tiếp tục lan sâu xuống đáy đại dương ở độ sâu trên 2 ngàn thước và cách bờ đến 250 cây số về hướng đông.
Chúng ta có thể đứng ở trên cao hay ở trên mặt nước hoặc lặn sâu dưới đáy biển để chiêm ngưỡng vẻ đẹp vừa tự nhiên vừa lộng lẫy của Great Barrier Reef. Ở mỗi góc cạnh khác nhau, chúng ta sẽ nhìn thấy một nét đẹp khác. Đôi khi quang cảnh của Great Barrier Reef – nhất là khi mặt trời lặn trông như cõi thiên thai và vì thế rặng san hô này được công nhận là vùng biển san hô đẹp nhất thế giới.
Trong vùng san hô này có khoảng 1500 giống cá, 400 giống san hô, 4000 loại nhuyễn thể, khoảng 240 giống chim biển, cộng thêm nhiều sinh vật khác như sâu biển, rong biển và các loại có vỏ cứng như tôm cua. Đó là chưa kể đến nhiều loại bướm và cá voi đến đây theo mùa và vô số rùa biển làm tổ trên những cồn cát vĩ đại. Trong số 7 giống rùa hiện diện trên trái đất thì hết 6 loại là cư dân trong vùng Great Barrier Reef này.
Có thể nói, về mặt khoa học, tầm vóc quan trọng của Great Barrier Reef không thua bất cứ một di sản thế giới nào khác. Lý do là vì có rất nhiều sinh vật và thực vật chỉ hiện diện ở khu vực này mà thôi, không thể tìm thấy ở nất cứ nơi nào khác trên quả địa cầu này.
Tổ chức Liên đoàn Quốc tế bảo tồn thiên nhiên – tức International Union for Conservation of Nature – gọi tắt là IUCN – từng nhấn mạnh rằng “nếu danh sách di sản thế giới chỉ cho phép liệt kê MỘT vùng biển san hô, duy nhất chỉ một mà thôi, thì Great Barrier Reef sẽ được chọn vào danh sách này ngay.”
*
Môi trường sinh thái của Great Barrier Reef là một trong những môi trường lâu đời nhất hành tinh này, đã thay đổi và biến hoá qua hàng triệu năm. Các khoa học gia ước tính là Great Barrier Reef đã bị nước từ những tảng băng vĩ đại tràn ngập ít nhất là 4 lần – tức đã trải qua ít nhất là 4 thời kỳ băng giá.
Trong vòng 15 ngàn năm gần đây, các rặng san hô đã bám rễ vào lớp vỏ bên ngoài của mảng lục địa châu Úc và sinh sôi nảy nở cho đến ngày nay.
Những dãy núi đồi, hang động, ngõ ngách và thung lũng dưới lòng biển trong vùng san hô này là chứng tích của hàng triệu năm bị nước và gió làm sói mòn và sự lên xuống của mực nước biển.
Việc Great Barrier Reef có được một số lượng sinh vật và thực vật đa dạng và phức tạp như ngày nay đã đủ nói lên sự lâu đời và trưởng thành của môi trường sinh thái nơi đây.
Đặc biệt tại đây có một loại sinh vật có tên là dugong hay gọi nôm na là ‘sea cow’ tức là ‘bò nước’ là một sinh vật to lớn sống dưới biển nhưng chỉ ăn cây cỏ mà thôi. Những vùng nước cạn là nơi có giống thực vật gọi là ‘sea grass’ hay ‘cỏ nước’ mọc lan tràn cả ngàn cây số vuông và đó là nguồn thực phẩm chính yếu của giống vật khổng lồ nhưng hiền lành này.
Nhờ có diện tích vĩ đại như thế mà Great Barrier Reef có được nhiều giống sinh vật đa dạng. Trong số 7 loại rùa khác nhau trên toàn thế giới thì hết 6 loại là cư dân của Great Barrier Reef.
Tuy nhiên, những sinh vật và thực vật mà chỉ tồn tại trong một khu vực hay địa phương nhất định nào đó thường rất dễ bị diệt vong vì một khi môi trường sinh thái của chúng bị huỷ hoại, những loại sinh vật này không còn lối thoát nào khác. Một vài sinh vật sống trong Great Barrier Reef đang phải đối đầu với nguy cơ diệt vong này.
Sở dĩ có ngày Great Barrier Reef được vào danh sách di sản thế giới vì 2 tổ chức UNESCO và IUCN quyết định rằng, nếu không muốn con người huỷ hoại môi trường sinh thái và các sinh vật sống trong Great Barrier Reef thì cách duy nhất là toàn bộ 348 ngàn cây số vuông của Great Barrier Reef phải nằm trong danh sách di sản thế giới.
Trong quá khứ, trước khi Great Barrier Reef trở thành di sản thế giới, một số hoạt động của con người đã phần nào làm hư hại khu vực này.
Các hoạt động du lịch, vận tải đường biển, phát triển bến cảng, câu cá bắt ốc, v.v.. đều để lại hậu quả không tốt cho các rặng san hô.
Tuy nhiên, dù cho môi trường sinh thái đã phần nào bị hư hại, nếu được phục hồi kịp thời thì những sinh vật trong môi trường đó vẫn có thể tự phục hồi và lớn mạnh trở lại.
Theo Công Ước quốc tế bảo vệ di sản thế giới thì chính phủ Liên Bang Úc có trách nhiệm trước cộng đồng quốc tế về việc quản trị và bảo vệ Great Barrier Reef. Tuy nhiên, trách nhiệm này hiện được cả 2 chính phủ tiểu bang Queensland và Liên Bang phối hợp điều hành.
Gần như 99 phần trăm diện tích của Great Barrier Reef nằm trong phạm vi Great Barrier Reef National Park tức là khu Hải Viên Quốc Gia. Như tất cả các lâm viên quốc gia -national parks- khác trên toàn nước Úc, mọi sinh vật và thực vật trong khu này được bảo vệ và bảo tồn rất nghiêm nhặt. Trách nhiệm quản trị các Lâm viên quốc gia thường nằm trong tay chính phủ tiểu bang. Như thế chính phủ Queensland có một trách nhiệm vô cùng to lớn.
Tuy nhiên, vì luật tiểu bang và liên bang có nhiều chỗ trùng hợp do đó cả chính phủ cả 2 cấp đã hợp tác chặt chẽ với nhau nhằm bảo vệ khu tài nguyên thiên nhiên vĩ đại này.
*
Theo phúc trình của Unesco thì từ năm 2009 đến nay, chính phủ Liên bnag Úc , nói chung, và chính phủ tiểu bang Queensland nói riêng đã không có những biện pháp thích ứng để đối phó với tình trạng xuống cấp của Great Barrier Reef.
Những hoạt động bến cảng ngày càng gia tăng, các chuyến hải hành của các thương thuyền lớn xuyên qua Great Barrier Reef không giảm đi mà tiếp tục tăng nhiều hơn, cả về số lượng lẫn nhịp độ. Mỗi chuyến thương thuyền hải hành qua Great Barrier Reef là một vấn đề nan giải vì nạn xăng dầu, rác rưởi và các chất thải ô nhiễm khác từ thương thuyền bị đổ xuống biển.
Chưa kể, khu vực Great Barrier Reef rất hiểm trở – chỗ sâu chỗ cạn, nhiều nơi quanh co ngoằn ngoèo, có nơi tàu thuyền vào thì được nhưng ra thì không, nếu không biết rõ địa thế của khu vực này, tàu thuyền rất dễ bị mắc cạn hay lâm nạn.
Cách nay không lâu, đầu tháng Tư 2010, chiếc Shen Neng 1, tàu hàng chở than đá mang cờ hiệu Trung Cộng đã bị mắc kẹt giữa những rặng san hô của Great Barrier Reef.
*
Về mặt hậu quả do con người gây ra, theo thống kê, hàng năm có khoảng ít nhất 2 triệu du khách từ khắp thế giới đến thăm Great Barrier Reef, trong số này khoảng 1 triệu du khách đến bơi lặn dưới biển.
Kỳ Quan Thiên Nhiên The Great Barrier Reef
Những hành động bất cẩn, vô ý thức của du khách như đạp gãy những cành san hô hay bẻ những nhánh san hô đem về làm …kỷ niệm. hoặc xả rác bừa bãi xuống biển đều gây ảnh hưởng tồi tệ cho ‘sức khỏe’ của môi trường Great Barrier Reef.Chuyện nhiều người không nghĩ đến là kem chống nắng bôi trên người du khách trôi theo nước biển thấm vào các rặng san hô cũng làm cho chúng bị ‘ngộ độc’. Sinh hoạt của loài người đưa đến tình trạng khí thải gây hiệu ứng nhà kính -greenhouse effect – khiến cho nhiệt độ trái đất nóng hơn, do đó nhiệt độ nước biển cũng bị ấm lên đã giết chết nhiều rặng san hô dưới biển.
Giới khoa học gia ước đoán rằng nếu không có biện pháp cấp thời ngưng ngay những hoạt động gây ô nhiễm và hủy hoại môi trường sinh thái của Great Barrier Reef thì chỉ trong vòng không tới 40 năm nữa, tức vào năm 2050, di sản Great Barrier Reef sẽ bị hoàn toàn hủy diệt! Vì thế UNESCO và IUCN đang cân nhắc để đưa Great Barrier Reef vào danh sách bị đe dọa.
Cũng nên biết, trong số những di sản thiên nhiên của thế giới đang bị đe dọa hủy diệt hoàn toàn thì đa số đều nằm tại các nước kém phát triển hay trong những khu vực bị chiến tranh hoành hành. Chỉ có 2 di sản đang bị đe dọa hủy diệt nằm ở Anh quốc và Hoa Kỳ là 2 quốc gia thịnh vượng và không có chiến tranh.
Sự tổn thất đầu tiên nước Úc sẽ phải hứng chịu là khoản tiền trên 20 triệu úc kim mỗi năm thu được nhờ kỹ nghệ du lịch phát triển rất mạnh trong vùng Great Barrier Reef.
Không có Great Barrier Reef sẽ không có du khách, không có du khách thì các cửa tiệm, nhà hàng, dịch vụ du lịch sẽ bị đóng cửa, có nghĩa bao công ăn việc làm sẽ theo những rặng san hô này tan biến hết. Tỷ lệ thất nghiệp tại địa phương –và Úc- do đó sẽ tăng, kinh tế bị ảnh hưởng, gánh nợ công cũng tăng vì công quỹ vừa mất nguồn thu nhập lớn vừa phải trợ cấp bao người thất nghiệp.
Nhưng đó chỉ là những mất mát nhỏ, và nhãn tiền, mà chúng ta thấy được trước mắt. Nhìn xa trông rộng hơn, chúng ta sẽ thấy hàng ngàn, hàng vạn sinh vật, thực vật bị diệt vong, dẫn đến hệ quả các hệ sinh thái khác bị ảnh hưởng dây chuyền, một là bị hủy diệt theo, hai là bị đe dọa diệt vong.
Từ đó ảnh hưởng dây chuyền này tiếp tục lan ra khắp hành tinh của chúng ta để cuối cùng, nguồn lương thực cũng bị cạn dần … và rồi con người sẽ là loài sinh vật cuối cùng trên địa cầu phải đối diện với nguy cơ bị hủy diệt hoàn toàn: hậu quả do chính mình tạo ra.
Sở dĩ con người chúng ta khác mọi sinh vật khác trên hành tinh này là vì chúng ta có khối óc biết cảm nhận, biết yêu mến và biết duy trì, bảo tồn những gì hay đẹp của thiên nhiên. Bộ óc loài người chúng ta còn biết suy nghĩ, biết phân biệt đúng sai để biết thi hành theo phán quyết của lương tâm.
Nếu chưa từng thấy qua Great Barrier Reef, và nếu có cơ hội, nên và cần đi ít nhất một lần cho biết.
Và để thấy, ước mong sao Great Barrier Reef tiếp tục tồn tại thêm nhiều thế kỷ, thiên niên kỷ nữa –và mãi mãi – để thế hệ của con cháu chúng ta và đời đời sau cũng vẫn sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp bao la của Rặng San Hô Vĩ Đại, the Great Barrier Reef, kỳ quan thiên nhiên có một không hai này.
*
http://honvietradio.blogspot.
http://www.lyhuong.net/uc