Posted by: tuanhoang
Gần 100 năm trôi qua, lần giở những dấu ấn thời gian, để thấy từ rất lâu rồi, người Việt đã giong buồm ra biển lớn với dáng vóc tự tin, đàng hoàng và những bài học về đối nhân xử thế, phép kinh thương…
Kiên định con đường đã chọn
Có tài liệu cho rằng Bạch Thái Bưởi vốn họ Đỗ, nhà nghèo, mẹ buôn gánh bán bưng, cha mất sớm. Lúc ấy, có một người họ Bạch nhà giàu nhưng không có con trai, thấy ông ngoan ngoãn, chịu thương chịu khó nên nhận làm con nuôi và đổi sang họ Bạch. Lại cũng có tài liệu nói rằng, hồi ông mới chập chững vào nghề kinh doanh đường thủy, có hùn vốn với bà phán Thái nên mới đặt tên là Thái – Bưởi. Còn họ Bạch là trắng, không lấy họ của riêng ai.
Những trang ghi chép về ông bắt đầu rõ dần từ năm 1895, khi hội chợ Bordeaux được tổ chức tại Pháp. Bấy giờ, Thống sứ Bắc kỳ muốn chọn một người Việt thông minh, lanh lợi, giỏi tiếng Pháp để giới thiệu sản phẩm của gian hàng xứ Bắc kỳ. Bạch Thái Bưởi được chọn, qua đề cử của Công sứ Bonnet. Sang Pháp, chàng trai Việt mới 21 tuổi choáng ngợp trước sự văn minh, tiến bộ của Paris hoa lệ nhưng không ai biết Bạch Thái Bưởi nghĩ gì trong đầu. Những người đi cùng kể lại những đêm ông ngồi một mình, trầm ngâm nhìn gian hàng trưng bày sản vật thủ công mỹ nghệ lâu, thật lâu…
Về nước, Bạch Thái Bưởi đến gõ cửa phòng chủ hãng thầu công chánh để xin nghỉ việc. Quyết định của Bạch Thái Bưởi khiến cho chủ hãng kinh ngạc. Ông không thể ngờ, có một người An Nam dám nghỉ việc khi hằng tháng được nhận đồng lương khiến nhiều người đang thèm thuồng. Ông khẳng khái: “Thưa, tôi đã chọn đường đi của tôi!”. Bước ra khỏi hãng thầu công chánh, họ Bạch thấy nhẹ người, vấn đề còn lại là con đường nào đang mở ra trước mắt đây? Chàng trai trẻ chưa biết chính xác, chỉ mãi sau này, ông mới kể lại: “Không biết. Nhưng tôi muốn làm cho Hà Nội cũng tươi đẹp như Paris”.
Ngang hàng với người Pháp
Khi mà việc làm ăn với người Pháp chẳng bao giờ nằm trong suy nghĩ của những nhà buôn đất Hà thành thì Bạch Thái Bưởi lại tính một nước cờ rộng hơn: trở thành đối tác chính cung cấp nguyên liệu cho dự án xây dựng tuyến đường sắt lớn nhất Đông Dương lúc bấy giờ, bắt đầu bằng việc xây cây cầu dài 3.500m nối Hà Nội với Gia Lâm. Nghe tin có dự án này, Bạch Thái Bưởi phấn chấn lắm. Tại cuộc triển lãm ở Pháp, ông nhận ra hàng hóa xứ mình chủ yếu là những món làm bằng tay, thô mộc và rẻ tiền. Còn hàng hóa xứ người thì máy móc tinh xảo, hiện đại và có giá cao gấp hàng trăm, hàng ngàn lần so với hàng Việt nên cách nhanh chóng xóa khoảng cách này là phải tiếp cận kỹ thuậr của người Pháp bằng cách trực tiếp tham gia làm việc cùng họ…
Nhu cầu chính và quan trọng nhất lúc đó mà ông có thể đáp ứng được chính là các thanh tà-vẹt. Tà-vẹt là “gối tựa” của các thanh ray, tức các khúc gỗ ngang để đặt đường sắt lên trên. “Phải biết cung cấp cái mà người ta đang thiếu, cái mà người ta đang cần và phải kịp thời”, Bạch Thái Bưởi tâm niệm. Để có số vốn lớn, ông hùn tiền với một người Pháp cùng ý hướng. Họ chuyên khai thác gỗ làm tà-vẹt bán cho Sở Hỏa xa Đông Dương.
Trong ba năm liền, ông lặn lội khắp núi rừng để tìm gỗ tốt. Bạch Thái Bưởi tạm ứng tiền cho những người đã tuyển mộ để họ yên tâm dốc sức làm việc cho mình. Ông nghĩ rằng, họ cần đồng lương để sống, nếu đem lòng nhân ái đối xử với nhau, trả đồng lương hợp lý và biết cách quản lý thì họ sẽ làm được rất nhiều việc.
Tuy nhiên, trong công việc, Bạch Thái Bưởi tỏ ra rất khắc nghiệt khi nghiệm thu sản phẩm. Kích thước dài, ngắn như thế nào; phẩm chất gỗ như thế nào thì phải nhất nhất như thế. Không hề có sự châm chước. Ngày nọ đã đến hạn giao hàng nhưng kiểm tra thành phẩm thấy không đạt, ông tỏ ý không hài lòng và cương quyết bỏ toàn bộ. Làm như vậy mất thêm thời gian, sẽ giao hàng không đúng hẹn, sẽ bị phạt một số tiền không nhỏ. Không một chút nao núng, ông bảo: Tiền mất đi còn có thể tìm lại được, chứ chữ tín mất đi là hỏng việc lớn sau này. Thái độ làm việc nghiêm túc này khiến Sở Hỏa xa Đông Dương hài lòng. Sự tín nhiệm này chính là “chìa khóa” để sau này ông tiếp tục mở thêm những cánh cửa khác trong kinh doanh.
Chữ tín và lòng tin
Sau khi tích lũy số vốn lớn, Bạch Thái Bưởi cùng người bạn vong niên là lão Thịnh bàn bạc hướng đầu tư mới. Cả hai quyết định dốc hết vốn đi buôn ngô, nhằm cung cấp cho một hãng thu mua của người Pháp tại Hải Phòng. Hợp đồng đôi bên đã ký xong. Bấy giờ, có nhiều người buôn ngô xuất cảng và “thắng đậm” trên thương trường.
Nhưng than ôi, cái thói đời “thấy thiên hạ ăn khoai, mình cũng vác mai đi đào” là lẽ thường tình. Bởi khi ta nhìn ra mối lợi này thì nhiều người khác cũng thế. Thiên hạ đổ xô nhau đi buôn ngô, vì thế giá tăng lên đột ngột. Điều này không sợ nếu mình trường vốn hơn người ta. Nghĩ thế, ông lại càng dốc vốn ra nhiều hơn nhưng điều không lường được trước là ngô mất mùa, không thể thu mua đúng số lượng đã ký giao kèo với hãng buôn.
Biết không gặp thời, để giữ uy tín, Bạch Thái Bưởi chủ động đền bù hợp đồng như đã thỏa thuận, chứ không để xảy ra chuyện thưa kiện lôi thôi, mất uy tín. Đây cũng là bản tính hơn người của Bạch Thái Bưởi: một khi đã biết không thể xoay xở được nữa thì ông nhanh chóng tìm lối thoát phù hợp nhất.
Sau sự kiện nhớ đời đó, một buổi chiều ông nằm khèo trong nhà, ngoài sân mưa cuối đông bay lay phay. Thuận tay, ông vớ lấy quyển sách Chrestomathie Annamite (Văn tuyển An Nam) của Edmond Nordemann in năm 1898. Lật vài trang và con mắt của ông dừng lại rất lâu ở viết về “Tín dụng, lợi tức và cho vay nặng lãi”.
Tại sao mình không bước sang lãnh vực tín dụng? Từ sự gợi ý trong trang sách ấy, Bạch Thái Bưởi quyết tâm lao vào một hướng đi mới. Không phải chờ đợi lâu, khi hay tin chính phủ bảo hộ mở cuộc đấu giá lĩnh trưng nhà cầm đồ Nam Định, Bạch Thái Bưởi đĩnh đạc tham gia. Kết quả ông đã thắng thầu. Đó là năm 1906.
Trong hãng cầm đồ của mình, ông chủ ý chỉ sử dụng người Việt giúp việc, ông muốn chứng minh rằng, ta không thua kém ai trên thương trường. Họ đã nắm các cương vị quản lý, giám định, thủ quỹ… Nhiều người nhà trong gia đình ông – kể cả vợ – không đồng tình, sợ rằng, với số vốn lớn, với công việc như thế nếu giao tất tần tật cho người ngoài nếu họ phản thì chỉ có vỡ nợ! Ông chỉ cười nói: “Kinh doanh trên thương trường người Hoa hơn ta là ở chỗ có chữ tín. Chẳng lẽ người Việt ta không làm được như thế sao? Ta có thật lòng tin người thì người mới tin ta”.
Khơi dậy lòng tự hào dân tộc
Sau khi thu xếp, bố trí nhân sự một cách hợp lý tại hãng cầm đồ, Bạch Thái Bưởi nghĩ ra những phương thức mới để thu hút khách hàng. Ông đã vận dụng cẩm nang gì? Một bài học sâu sắc ông để lại cho hậu thế là đánh thức lòng tự hào dân tộc. Để qua đó, mọi người đồng lòng ủng hộ việc làm của mình.
Nếu so với Hoa kiều và Pháp kiều thì Bạch Thái Bưởi không có lợi thế về vốn liếng nhưng ông vẫn ăn nên làm ra vì biết cách vận động các thương nhân người Việt ủng hộ mình. Người đến cầm đồ dù phải trả lãi suất bằng các nơi khác nhưng ở đây họ được gia hạn dài ngày hơn. Mấu chốt của vấn đề chính là chỗ này. Có nghĩa đồng tiền sau khi nhận từ hãng cầm đồ của ông, nó có thời gian lưu động dài hơn mà không phải chịu thêm lãi suất nào cả. Với cách làm này, dần dần đã lôi cuốn được sự ủng hộ của nhiều người.
Sau khi hãng cầm đồ ở Nam Định đã làm ăn phát đạt, ông về Thanh Hóa mở hiệu cơm Tây, mở đại lý rượu ở Thái Bình bất chấp lời ong tiếng ve cho đó là cái nghề “nghèo hèn”!
Không những thế ông còn đứng ra kinh doanh ở nhiều lãnh vực mà chưa mấy ai thấy được mối lợi to lớn. Ông đứng ra… thầu thuế chợ! Lâu nay trong quan niệm cũ, chợ búa là chốn của đàn bà chân lấm tay bùn, của những người “buôn gánh bán bưng, “buôn thúng bán mẹt”, là nơi “chưa họp, kẻ cắp đã đến”… Vẻ vang gì nơi ấy! Với Bạch Thái Bưởi thì khác hẳn. Ông thâu tóm nguồn lợi thuế chợ Nam Định từ năm 1906 đến 1909; tỉnh Thanh Hóa từ năm 1907 đến năm 1909; Vinh – Bến Thủy từ năm 1906 đến năm 1912. Công việc này chỉ chấm dứt sau ngày 2-8-1912. Đó là ngày Toàn quyền Đông Dương ra nghị định đánh thuế môn bài đối với các doanh nhân người Việt ở Bắc kỳ. Nghị định này đã được áp dụng trước đó ở Trung kỳ vào ngày 14-11-1901.
Bạch Thái Bưởi nắm được thời cơ và đã đi “một bước” trước người khác. Nhờ đó, ông trở nên giàu có. Sau khi ngưng thầu thuế chợ, ông là người Việt Nam đầu tiên ở miền Bắc thừa tiền để sắm… xe hơi vào năm 1913!
Chúa sông Bắc kỳ
Bạch Thái Bưởi nhận thấy rằng, tuyến đường thủy Nam Định – Hà Nội, Nam Định – Bến Thủy (Nghệ An) luôn đông khách, đó là một mối lợi lớn nếu biết khai thác. Đến lúc ấy chỉ có người Hoa, người Pháp độc quyền thống lĩnh, chẳng lẽ mình lép vế đứng nhìn sao? Khát vọng này đã đưa Bạch Thái Bưởi trở thành người Việt Nam đầu tiên kinh doanh ngành vận tải đường sông.
Năm 1909 hãng Marty – D’Abbadie vừa hết hạn ký hợp đồng với nhà nước, ông thuê ngay ba chiếc tàu trên và đổi lại thành tên Việt: Phi Phượng (Phénix), Phi Long (Dragon) và Bái Tử Long (Fai Tsi Long). Từ đây, Bạch Thái Bưởi cho tàu của mình chạy tuyến Nam Định – Hà Nội và Nam Định – Bến Thủy. Ông chấp nhận đối đầu với các thương thuyền Hoa kiều đang giữ vị trí độc quyền khai thác hai tuyến đường thủy này. Việc làm của Bạch Thái Bưởi quá liều lĩnh. Bởi sự bành trướng của người Hoa trên thương trường ngay cả người Pháp còn phải khiếp sợ nữa là! Vậy mà Bạch Thái Bưởi dám đương đầu và đã thành công.
Sau khi đánh bại đối thủ cạnh tranh trên tuyến đường Nam Định – Hà Nội, Nam Định – Bến Thủy (Nghệ An), Bạch Thái Bưởi bắt đầu cho tàu chạy thêm tuyến đường Hải Phòng. Chỉ sau hai năm mở thêm tuyến đường Hải Phòng, Bạch Thái Bưởi khuếch trương thêm nhiều chi nhánh để có thể quản lý công việc thuận lợi nhất.
Ngoài trụ sở chính tại Nam Định thì ngày 1-6-1914, ông mở thêm chi nhánh Bến Thủy (Nghệ An). Kế đến, ngày 1-8-1914, ông lại mở chi nhánh ở Hà Nội. Từ đây, trong lịch các tàu thủy chạy tuyến đường Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Nam Định, Hà Nội – Tuyên Quang, Hà Nội – Chợ Bờ… có tàu của Bạch Thái Bưởi.
Năm 1915, một lần nữa tên tuổi Bạch Thái Bưởi càng vang dội trên thương trường. Đó là năm Công ty Marty – D’Abbadie phá sản. Ngoài việc mua đứt ba chiếc tàu thuê lâu nay, ông còn mua luôn mấy chiếc khác nữa – kể cả chiếc thuyền đội bề thế nhất của Công ty này.
Từ tháng 4-1916, Bạch Thái Bưởi chính thức lập nghiệp ở Hải Phòng. Cơ ngơi đồ sộ của ông nằm trên bờ sông Tam Bạc. Bạch Thái Bưởi cũng chính thức tuyên bố thành lập “Giang hải luân thuyền Bạch Thái công ty”. Tại các trụ sở của ông, trên vị trí cao nhất người ta bắt đầu thấy phất phới ngọn cờ hiệu màu vàng, có hình mỏ neo và ba ngôi sao đỏ.
Trông từ xa, ta thấy lá cờ như mũi chiếc tàu hiên ngang rẽ sóng xông pha trùng dương sóng gió… Đến năm 1919, Công ty Bạch Thái còn mở thêm chi nhánh ở nhiều địa phương khác. Tổng số tàu lớn nhỏ của ông lên đến 30 chiếc, chưa kể đến các thuyền phụ; 20 sà lan (chalands); 13 chiếc cầu tàu đứng, 16 chiếc cầu tàu nổi… Ngoài tàu mang tên các anh hùng dân tộc, ông còn có các tàu Phi Thượng, Phi Long, Phi Hổ, Bái Tử Long, Khâm Sai, Kinh Lược, Tổng Đốc, Yên Bái, Phố Lu, Chợ Bờ… Các tàu này chạy trên 17 tuyến đường thuỷ từ Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng cho đến Tuyên Quang…; kể cả vùng thượng du Bắc kỳ.
Nơi đến xa nhất là Bến Thủy do hai tàu Phi Hổ và Bái Tử Long đảm nhiệm. Tuyến khó đi nhất lên vùng thượng du Bắc kỳ, do tàu Chợ Bờ đảm nhiệm. Trong số các tàu, tàu Lạc Long chạy tuyến Hải Phòng – Hải Dương là tàu chở ít hành khách nhất, chỉ 55 người; tàu chở nhiều hành khách nhất là tàu Phi Phụng chạy tuyến Hà Nội – Nam Định chở đến 1.200 người.
Ra biển lớn
Người đương thời xưng tụng ông là “Chúa sông Bắc kỳ”, nhưng khát vọng của chủ nhân Công ty Bạch Thái thì muốn giong buồm vượt vùng biển rộng lớn hơn nhiều. Dấu mốc cho khát vọng vượt biển để chinh phục thế giới chính là việc Bạch Thái Bưởi tổ chức thiết kế và tự thực hiện chiếc tàu lớn đầu tiên của Việt Nam. Đó là tàu Bình Chuẩn, lấy theo tên của một tổ chức chuyên khuyến khích thương nghiệp để tạo vốn cho quốc gia thời trước.
Một trong những chứng nhân khách quan nhất của hoạt động này là nhà báo người Hoa Quan Dục Nhân. Ông viết một bài dài về chuyện này, đăng trên các báo ở Quảng Đông như Nhân quyền báo, Tổng thương hội báo, Đại công báo… Nhà báo Thượng Chi đã dịch lại và cho in trên Nam Phong tạp chí số 32 (1920): “Người bạn đưa ta đến nhà máy Công ty Bạch Thái; trong công ty ấy vẫn có nhiều người Trung Hoa ta làm công. Ta còn nghe nói Công ty Bạch Thái mới mua thêm một chiếc tàu 3.000 tấn ở bên Mỹ nữa để về chạy sang Âu, Mỹ, Nhật và các nước khác, xem bấy nhiêu cũng đủ biết cái thương nghiệp của họ đã có cái cảnh tượng tiến hóa hẳn rồi”.
Ngày ấy, để động viên tinh thần làm việc của mọi người, ngay trong nhà xưởng, ta thấy có ghi một câu nói trứ danh của Bạch Thái Bưởi: “Trước kia ta cạnh tranh với các Hoa thương trên mặt sông, từ nay trở đi ta lại cạnh tranh với các tàu bè trên mặt biển”.
Bạch Thái Bưởi còn dự định tạo dựng nhiều công trình như xây một nhà máy xay gạo ở Nam Định với những thiết bị tân tiến mua tận Hambourg (Đức), chương trình đặt ống cống, xây nhà máy nước, dựng nhà máy điện cho thành phố Nam Định và cả việc đặt đường sắt Nam Định – Hải Phòng. Rất tiếc ông không thực hiện được những dự định này.
Bạch Thái Bưởi mất ngày 22/07/1932 tại Hải Phòng, sau một cơn đau tim, ở tuổi 58.
Lê Minh Quốc
http://thoibao.com/chua-song-