Nội dung thư

Saturday, February 1, 2014

* Năm Ngọ nói chuyện ngựa

Thời sự Top News Jan 29, 2014 at 9:28 pm

  
nam ngo01
PHẠM ĐÌNH LÂN, F.A. B.I
Năm 2014 là năm con Ngựa hay nói rõ hơn là năm Giáp Ngọ. Ngựa là một động vật hữu ích cho loài người. Năm Giáp là năm có tầm vóc lớn nên có câu: Những ai Giáp, Kỷ mấy người? Nhân dịp này chúng ta thử nói chuyện về ngựa.
Thân thế và đặc điểm của ngựa
Ngựa là động vật có vú, cơ xương sống, có máu đỏ và sinh con. Tên Hán-Việt của ngựa là Mã thuộc gia đình Equidae. Tên khoa học của ngựa là Equus caballus.
Ngựa có mặt dài, mũi rộng nên việc hô hấp rất dễ dàng. Răng ngựa rất khỏe mặc dù ngựa là loài ăn cỏ chớ không ăn xương. Ngựa có khứu giác, thính giác và thị giác rất nhạy bén. Chân ngựa rất khỏe. Vì vậy ngựa chạy rất nhanh. Ngựa dùng chân như võ khí để tự vệ. Ngựa là một loài động vật thông minh, dễ thuần hóa và dễ huấn luyện. Loài người gán cho Mã tộc nhiều đặc điểm. Có điều đúng cũng có những điều lạ chỉ được nghe nhưng chưa được kiểm chứng qua sách vở. Đặc điểm của mã tộc được tóm lược như sau:
*ngựa là động vật biết nhe răng cười
*ngựa không bao giờ đạp chủ khi té ngã
*ngựa không chạy giật lùi khi lâm trận
*ngựa đực không giao tình với ngựa cái đồng huyết thống. Nếu bị cách ly không quen hơi và xảy ra việc chủng giống giữa hai con ngựa đồng huyết thống thì con ngựa đực chết ngay sau khi giao tình (điều này chưa thấy sách vở nào đề cập)
*ngựa luôn luôn ngủ đứng trên tàu
*ngựa chủng giống với lừa (donkey) sinh ra con la (mule). La không còn sinh sản nữa.
Có lối 150 giống ngựa khác nhau trên thế giới. Hầu hết các giống ngựa đều xuất phát ở Trung Á, Trung Đông và Âu Châu. Ngựa to lớn nhất là ngựa Shire gốc ở Anh. Giống ngựa này cao lối 1.70m và cân nặng trên 900 kí-lô. Giống ngựa nhỏ nhất là ngựa Falabellas gây giống ở Argentina. Giống ngựa lùn (poney) chỉ cao lối 1.47m.
Số ngựa hoang trên thế giới hiện nay sụt giảm đáng kể ngoại trừ ngựa vằn ở các thảo dã Phi Châu. Ngựa Mustang là ngựa hoang ở Hoa Kỳ. Thực tế đó là ngựa đi lạc của người Tây Ban Nha trong thời kỳ bành trướng ảnh hưởng trên lục địa Mỹ Châu. Người Tây Ban Nha gọi ngựa Mustang là Mesteno tức là ngựa đi hoang, đi lạc. Giống ngựa hoang Przewalski hiện vẫn còn xuất hiện trên các đồng cỏ ở Tân Cương (Turkestan) và Mông Cổ.
Ngựa bắt đầu bắt cặp khi được từ 3-5 tuổi. Nếu sớm hơn xương cốt của ngựa giống chưa được hoàn chỉnh. Ngựa con sẽ không mạnh. Ngựa mang thai từ 11 đến 12 tháng mói sinh. Ngựa con sinh ra trong vài giờ thì có thể tự đứng dậy. Ngựa con bú sữa khoảng 6 tháng thì thôi sữa.
Trước kia ngựa lao lực nhiều nên tuổi thọ trung bình xê dịch từ 12-25 tuổi. Bây giờ ngựa bớt lao lực lại có đầy đủ thuốc thú y nên tuổi thọ của ngựa có thể lên đến 40-50 tuổi. Những con số này ít thấy trên thực tế vì các lò sát sinh thiếu ‘hàng’ để sinh hoạt hằng ngày hay sinh hoạt định kỳ.
Người nuôi ngựa thường quan tâm đến tướng ngựa trước khi mua nó đem về nuôi. Ngựa có chòm lông giữa trán là ngựa hại chủ. Ngựa có đuôi dài quất ngược đến lưng người cỡi thì người cỡi chết ngoài trận mạc. Ngựa có xoáy song kiếm là ngựa phản chủ. Khi ra trận ngựa chùn bước là dấu hiệu bất lành. Ngựa có thể đánh hơi cọp, beo hay sư tử cách xa cả cây số.
Mã tộc trong xã hộii loài người
Những bức tranh về ngựa vào thời tiền sử được tìm thấy trong các hang động ở Âu Châu. Bức tranh ngựa trong hang Lascaux ở miền Tây Nam nước Pháp lối 17,000 tuổi. Cách đây 5,000 năm cư dân trong thành phố Susa ở Trung Á cổ đã biết coi ngựa. Những bia đá cho thấy người Hitties biết huấn luyện và dùng ngựa trong chiến trận và thể thao. Vào năm 1400 trước Tây Lịch người Assyrians sùng xe hai bánh do ngựa kéo để săn sư tử. Người Trung Hoa huấn luyện ngựa cách đây 4000 năm. Người Hy Lạp thuần hóa ngựa năm 1700 trước Tây Lịch. Người Ai Cập thuần hóa ngựa vào năm 1600 trước Tây Lịch và người Ấn Độ và năm 1500 trước Tây Lịch.
Ngựa là động vật hữu ích cho loài người. Người phương Tây yêu quý ngựa như chó mèo trong nhà vậy. Ngựa dùng để cỡi, kéo xe, kéo cày. Người Hy Lạp và La Mã cổ dùng ngựa trong chiến tranh và thể thao. Ở Bắc Phi, Trung Á và các vùng núi người ta dùng lừa chuyên chở hàng hóa. Lừa nhỏ hơn ngựa nhưng có tai dài, rất khỏe và chở hàng trên miền núi nhanh nhẹn và bền bĩ hơn ngựa. Giống thú này lì lợm và không linh hoạt như ngựa nên người ta thường nói: “Ngu như lừa”.
Ngày xưa ngựa đóng vai trò của chiến xa ngày nay. Người Kassites ở Lưỡng Hà Châu (Mesopotamia), người Hypnos ở Ai Cập, người Mitani ở Syria, người Aryans ở Ấn Độ và người Trung Hoa biết dùng ngựa trong các trận đánh để giành ưu thế trên chiến trường. Người Mông Cổ nổi tiếng là những kỵ binh nổi tiếng. Attila từng chỉ huy người Huns xâm lăng Âu Châu và đe dọa La Mã vào thế kỷ V sau Tây Lịch. Vào thế kỷ thứ VIII đội quân Hồi Giáo hình thành một đế quốc rộng lớn chạy dài từ Tây Ban Nha đến Ấn Độ nhờ có đội kỵ binh hùng mạnh. Vào thế kỷ XIII, dưới sự chỉ huy của Gengis Khan (Thành Cát Tư Hãn), đoàn kỵ binh Mông Cổ chinh phục Nga, Iran, Ấn Độ và một phần Đông Âu. Trong đệ nhất thế chiến người Cossaks vẫn còn nổi tiếng là những kỵ binh thiện chiến ở Nga. Từ khi xe tăng xuất hiện trên chiến trường (đệ nhất thế chiến) vai trò của chiến mã không còn quan trọng nữa.
Cho đến sau đệ nhị thế chiến ngựa vẫn còn được dùng để kéo cày ở Âu Châu vì trồng lúa mì không cần ruộng lầy như trồng lúa gạo. Do đó việc cày bừa không cần trâu hay bò. Cỡi ngựa và đua ngựa là môn thể thao của giới thượng lưu ở Âu Châu. Dưới thời Pháp thuộc ở Sài Gòn có trường đua Phú Thọ nơi người ta đến để xem đua ngựa và đánh cá ngựa thắng cuộc vào ngày chủ nhật mỗi tuần. Trong vườn Ông Thượng tức Vườn Bồ-rô (Jardin des Beaux Jeux) có Hội Quán Kỵ Mã (Cercle Hippique) dành cho các nhà cai trị Pháp và những người giàu có và quyền thế bản xứ.
Ở Việt Nam ngựa được dùng để kéo xe, chở hành khách và hàng hóa trên những tuyến đường không quá 20km. Xe ngựa được gọi là xe thổ mộ vì mui xe gồ lên như nấm mộ đất! Cho đến thập niên 1970, mặc dù có xe Lambretta ba bánh, xe Daihatsu, xe ngựa vẫn còn là phương tiện chuyên chở ở vùng ven biên Sài Gòn như Hóc Môn, Bà Điểm, Củ Chi.
Người Việt Nam cho rằng thịt ngựa có nhiều ‘phong’. Ở Việt Nam có lò sát sinh heo, bò và quầy bán thịt heo và bò nhưng không có lò sát sinh ngựa và quầy bán thịt ngựa ngoài chợ. Tuy vậy, trước năm 1975 vẫn có quán thịt ngựa trước Bịnh Viện Nguyễn Van Học (Bà Chiểu- Bình Hòa).
Người Âu Châu tỏ ra yêu quý ngựa. Trên thực tế vẫn có lò sát sinh ngựa. Huyết ngựa được làm si-rô. Da ngựa được dùng để nấu keo. Trong những tháng vừa qua ở Âu Châu người ta phát hiện ra việc bán thịt ngựa dưới nhãn thịt bò hay thịt bò pha trộn với thịt ngựa!
Trong lịch sử nhân loại có những có ngựa trứ danh vì gắn liền với những nhân vật lịch sử được nhiều người biết đến:
*ngựa Kiền Trắc chở Thái Tử Siddharta tức Đức Phật Thích Ca rời khỏi hoàng cung
*ngựa sắt giúp cho Phù Đổng Thiên Vương đánh bại giặc Ân trong huyền sử Việt Nam
*ngựa gỗ thành Troy giúp cho người Hy Lạp chiếm được thành Troy (huyền thoại)
*ngựa Al Borak chở Đức Giáo Chủ Muhammad từ địa cầu đến từng trời thứ 7
*Alexander Đại Đế cỡi ngựa Bucephalus. Vì thương mến con ngựa này mà Alexander Đại Đế cho thành lập thành phố Bucephala (Ấn Độ) năm 326 trước Tây Lịch để vinh danh nó.
*ngựa Incitus của Hoàng Đế Caligula hay Gaius của Đế Quốc La Mã ngự trị từ năm năm 37-41 sau Tây Lịch được phong làm Lãnh Sự. Ngựa được mang thẻ ngà và uống rượu nho.
*Hoàng Đế Napoleon I cỡi bach mã Marengo trong trận đánh Waterloo.
*Wellington cỡi ngựa Copenhagen trong chiến thắng Waterloo năm 1815.
*Ngựa Reckless chở quân cụ cho quân sĩ Hoa Kỳ trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) được phong làm trung sĩ và được mang huy chương.
*Quan Công (Guan Kung) cỡi ngựa Xích Thố ra trận.
Trong truyền thuyết, khi còn trẻ, Đinh Bộ Lĩnh được một thầy địa lý Trung Hoa thuê lặn xuống một xoáy nước. Ông thấy một con ngựa đã giẫm chân mừng ông. Người ta cho rằng ông có chân mạng đế vương. Sau này ông dẹp loạn sứ quân và lên làm vua khai sáng ra nhà Đinh.
Năm 1288, sau khi chiến thắng quân Mông Cổ, vua Trần Nhân Tôn về Long Hưng thăm viếng lăng nhà Trần. Nhà vua ngac nhiên khi thấy tất cả ngựa đá ở đó đều dính bùn và đổ mồ hôi. Nhà vua biết rằng tổ tiên nhà Trần cỡi ngựa đá đi đánh giặc. Cảm kích sự việc này nhà vua làm ra hai câu thơ sau để ca ngợi công lao của ngựa đá:
Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà thiên cổ diện kim âu
(Xã tắc hai phen bon ngựa đá
Non sông muôn thuở vững âu vàng)
Thuở hàn vi, Trịnh Kiểm, tổ tiên của các Chúa Trịnh uy quyền lừng danh ở Bắc Hà từ cuối thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII, là người giữ ngựa. Hằng ngày ông phải đi cắt cỏ cho ngựa ăn.
Trong vở kịch L’Avare, Moliere mô tả người hà tiện Harpagon không dám nghĩ đến việc gả con gái lấy chồng vì sợ tốn của hồi môn. Ông hà tiện đến nỗi ban đêm phải lén vào chuồng ngựa ăn cắp bớt cỏ để ngựa đừng ăn nhiều cỏ gây nhiều phí tổn cho ông!
Ngựa vai trò sống động trong các phim cao bồi miền Viễn Tây Hoa Kỳ. Ở Việt Nam có điệu hát Lý Ngựa Ô, bài Ngựa Phi Đường Xa, Người Kỵ Mã Trong Sương Chiều và tiếng ngựa hí ra lửa trong huyền thoại Phù Đổng Thiên Vương cũng như tiếng ngựa hí vang rền trong Hòn Vọng Phu. Chuyện Tái Ông Thất Mã nói lên sự luân chuyển và tiếp nối liên tục giữa Phúc và Họa để đưa ra nhận xét khá bi quan về:
Phúc bất trùng lai;
Họa vô đơn chí.
Trong ngôn ngữ Việt Nam có nhiều từ ngữ liên quan đến ngựa như: Hồ mã tê Bắc phong; Mã thượng bất tri mã hạ khổ (sự thiếu thông hiểu của người thắng (trên ngựa) đối với người bại (dưới ngựa); Ngựa chạy có bầy, chim bay có bạn; Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ; Tứ mã phân thây (Mã cách khỏa thi); Nhất ngôn hí xuất tứ mã nan truy; Ngựa quen đường cũ (Habbit is the second nature); Ngựa non hiếu đá; Tâm viên ý mã (Tâm xao động như khỉ nhảy nhót; ý phân tán chạy lung tung như ngựa chạy); Đầu trâu mặt ngựa; kiếp trâu ngựa; Trâu cày ngựa cỡi; Da ngựa bọc thây; Tóc đuôi ngựa (Queue de cheval), Vành móng ngựa (nói người bị cáo đứng tại tòa án) v.v…
Trong hội họa có tranh Mã Đáo Thành Công được người Đông Phương ưa chuộng và treo ở nhà với ước vọng mọi việc sẽ hanh thông và thành công nhanh chóng. Người Tây Phương treo móng ngựa trước cửa nhà như mưu cầu hanh thông và may mắn.
Từ cảm hứng cửa xe Song Mã và Tứ Mã người ta làm ra xe hơi dùng sức mạnh của ngựa là đơn vị gọi là mã lực như xe hai mã lực (2 CV), xe bốn mã lực (4 CV) chẳng hạn. Khi mới phát minh ra xe đạp người ta gọi đó là con ngựa sắt (iron horse).
Các lực sĩ học cách chạy nhanh của mã tộc. Các nhà võ thuật học cách đá giò lái của loài động vật này.
Trong y học có chứng mã dao (fistulae), bịnh sưng ở cổ và mang tai. Trong thú y có bịnh horse pox của ngựa. Miệng và da ngựa nổi mụn ngứa và đau nhức tựa như bị bịnh đậu mùa của ngựa vậy.
Trong thảo mộc có lá mã đề Plantago majo (vì giống móng ngựa); Mã xỉ hiện (răng ngựa ) Portulaca oleacea; Mã thầy (củ năng) Heleocharis tuberosa; Mã tiên thảo (cỏ roi ngựa) Verbena officinalis; Mã vĩ liên (thổ hoàng liên) Thalictrum foliolosum; cây dái ngựa Swietenia macrophylla; Mã dậu (Ba dậu) Hura crepitans v.v…
Thực vật có chữ Horse (ngựa) trong tiếng Anh rất nhiều như horse chestnut (cây dẻ ngựa) Aesculus hippocastanum; cải horse radish Armoracia lapathifolia; horse mint (bạc hà hoang) Mentha longifolia; horse mushroom (nấm có mùi hồi hương) Agaricus arvensis; horsetail tree (mã vĩ mộc) Casuarina equisetifolia.
Trong thiên văn có áng mây Horsehead Nebula (mã thủ vân- vì giống hình đầu ngựa) trong chòm sao Orion.
Ở Việt Nam có vài địa danh mang tên mã tộc như sông Mã (Thanh Hóa), núi Mã Yên Sơn (Lạng Sơn), núi Bạch Mã (Thừa Thiên), rừng Mã Đà (Đồng Nai Thượng), Cửa Ngọ Môn (Huế) v.v…
Đảng Dân Chủ của Hoa Kỳ lấy hình con lừa làm dấu hiệu của đảng.
***
Trong khoa Tử Vi có sao Thiên Mã luôn luôn ở một trong 4 cung Dần, Thân, Tỵ, Hợi. Mã ngộ Đà La là ngựa què. Mã, Khách gặp Thiên Khốc đắc địa thì được vang danh như ngựa có mang chuông. Mã gặp Kiếp, Không, Kình, Đà, Hình thì gặp canh da ngựa bọc thây.
Trong số đề 40 số, ngựa mang số 12 trước con voi (số 13) và sau con chó (số 11). Trong 12 con giáp năm con ngựa được gọi là năm Ngọ. Năm Ngọ đi sau năm Tỵ (Rắn) và trước năm Mùi (Dê). Người tuổi Ngọ thường được nhiều thiên phúc. Gặp Giáp Ngọ cáng tốt đẹp hơn nhất là cho nam giới. Nếu là nữ thì cũng tốt nhưng bù lại có sự lận đận thăng trầm của người cao số. Tuổi Ngọ tương đối sang như vậy nhưng người có mặt ngựa lại hung dữ, hỗn láo. Người có răng ngựa gặp nhiều cay đắng. Người có xoáy ngựa rất hung hãn, bạo tợn.
Năm Ngọ là năm Dương (+). Trong chu kỳ 60 năm có 5 tuổi Ngọ:
Năm Hành Màu
*Giáp Ngọ (1894, 1954, 2014…) Kim Trắng
*Bính Ngọ (1906, 1966, 2026…) Thủy Đen
*Mậu Ngọ (1918, 1978, 2038…) Hỏa Đỏ
*Canh Ngọ (1930, 1990, 2050…) Thổ Vàng
*Nhâm Ngọ (1942, 2002, 2062…) Mộc Xanh
Tuổi Ngọ hợp với Dần, Tuất, Mùi và không hợp với: Tý (chuột), Mão (Thố theo Trung Hoa), Dậu.
Tháng Ngọ là tháng 05 Âm Lịch.
Giờ Ngọ kéo dài từ 11-01 giờ trưa. Đó là lúc mặt trời lên thiên đỉnh.
Biến cố quan trọng năm Ngọ vào thế kỷ XX
1906: động đất gây hư hại 75% thành phố San Francisco; Alfred Dreyfus được công bố vô tội, Mahatma Gandhi và Phong Trào Bất Bạo Động ‘Satyagraha’ ở Nam Phi; Tổng Thống Theodore Roosevelt lãnh giải Nobel Hòa Bình vì làm trung gian cho Nga-Nhật thương thuyết sau trận hải chiến Tsushima (1905)
1918: Tổng Thống Hoa Kỳ Wilson đưa ra Chương Trình 14 Điểm; dịch cảm cúm làm cho 30 triệu người chết xuất phát trước tiên từ Tây Ban Nha; Đức bị đánh bại trong đệ nhất thế chiến; chế độ quân chủ Đức cáo chung.
1930: khủng hoảng kinh tế thế giới; sự thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam cải danh thành Đảng Cộng Sản Đông Dương; 13 liệt sĩ Việt Nam Quốc Dân đảng bị xử tử ở Yên Bái; hiệp ước London ký kết giữa Anh- Hoa Kỳ- Pháp- Ý- Nhật về việc tái giảm hải quân; Phong Trào Hồi Giáo Da Đen ở Hoa Kỳ.
1942: trận đánh Midway; quân Hoa Kỳ đổ bộ lên Guadalcanal; quân Anh- Hoa Kỳ đổ bộ lên Bắc Phi.
1954: trận đánh Điện Biên Phủ; hiệp định Geneva; tàu ngầm nguyên tử Nautilus hạ thủy ở Groton, Connecticut; sự ra đời của Liên Minh Phòng Thủ Đông Nam Á (SEATO: Southeast Asian Treaty Organization)
1966: biểu tình Phật Giáo ở Huế và Đà Nẵng; Hoa Kỳ oanh tạc miền Bắc; hội nghị Honolulu giữa Tổng Thống Johnson và Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia Nguyễn Văn Thiệu và Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương Nguyễn Cao Kỳ; Cách Mạng Văn Hóa trên lục địa Trung Hoa.
1978: hiệp ước an ninh Việt-Sô; Cộng Sản Việt Nam xâm lăng Cambodia; Hoa Kỳ biểu quyết trao trả kinh đào Panama vào năm 1999; hiệp ước hòa bình và thân hữu Nhật- Hoa (CHNDTQ)
1990: Iraq xâm lăng Kuwait; lực lượng Operation Desert Shield được phái đến Saudi Arabia; Romania cấm Đảng Cộng Sản hoạt động (12-01-90); Nhóm Sandinistas thiên tả thất cử ở Nicaragua; Yeltsin đắc cử Tổng Thống Cộng Hòa Nga (Liên Sô chưa sụp đổ); Đông và Tây Đức hợp nhất.
2002: Thế Vận Hội Mùa Đông ở Salt Lake City; Tòa Án Hình Sự Quốc Tế được thành lập; khủng bố nổ bom ở khu du lịch Bali, Indonesia; nội chiến bắt đầu ở Ivory Coast.